Giá bán: 1.000.000 đ
Luận tạng phật giáo Tuệ Quang tập 29 gồm 5 cuốn trên 5000 trang sách khổ A4 được dịch bởi Tuệ Quang Foundation
Tập 29 Đại Tạng Kinh là tập sau cùng tập hợp giới thiệu các Luận còn lại thuộc Bộ A Tỳ Đàm, từ N0 1558 đến N0 1563, trong ấy đáng chú ý là các Luận: A Tỳ Đạt Ma Câu Xá của Luận sư Thế Thân, Luận A Tỳ Đạt Ma Thuận Chánh Lý, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông của Luận sư Chúng Hiền.
Tác giả là Tôn giả Thế Thân (Vasubandhu), một Luận sư thuộc phái Hữu Bộ, sống vào khoảng 320 – 380 TL, tác giả Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá, Luận Thất Thập Chân Thật (Tattva – Saptati) được gọi là Cổ Thế Thân (Theo các nhà nghiên cứu Phật học cận đại) để phân biệt với Tân Thế Thân là Bồ tát Thế Thân, em Bồ tát Vô Trước (Asànga) người thành Phú Lâu Sa Phú La, nước Kiện Đà La (Bắc Ấn Độ) sống vào khoảng 400 – 480 TL, tác giả nhiều Bộ Luận giải thích Kinh Luận, là Luận sư của Du Già hành phái. Luận Câu Xá có 2 bản Hán dịch:
Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá với một bố cục gọn đủ như thế nên được xem là một Cương yếu của Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa. Tác giả tuy dựa trên giáo học của Hữu Bộ làm tiêu chuẩn nhưng vẫn có quan điểm riêng, tức vẫn thừa nhận một số luận điểm của các Bộ phái khác, phê phán bốn luận thuyết về ba đời có khác của bốn vị Đại Luận sư thuộc Hữu Bộ (Pháp Cứu, Diệu Âm, Thế Hữu, Giác Thiên) và hầu như không tán thành giáo nghĩa: “Tất cả pháp nơi ba đời là thật có” của Hữu Bộ.
Truyền vào Trung Hoa, Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá sau khi được Đại sư Chân Đế (499 – 569) Hán dịch (563 TL) rồi viết Sớ giải (16 quyển)(1) để giải thích, thì Luận này đã tạo được ảnh hưởng đối với giới nghiên cứu Phật học Trung Quốc đương thời. Đến khoảng năm 651 – 654 Pháp sư Huyền Tráng (602 – 664) dịch lại Luận Câu Xá, lại được các môn đệ như Thần Thái, Phổ Quang, Pháp Bảo Sớ giải(1) thì Tông Câu Xá đã được xác lập và hưng thịnh một thời.
Do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, 1 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 29, N0 1560, trang 310 C – 325 A) là tập hợp toàn bộ 600 Tụng của Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá nơi 8 phẩm (Phẩm 9: Phá chấp ngã không có tụng): Phẩm 1: 44 tụng. Phẩm 2: 74 tụng. Phẩm 3: 99 tụng. Phẩm 4: 131 tụng. Phẩm 5: 69 tụng. Phẩm 6: 83 tụng. Phẩm 7: 61 tụng. Phẩm 8: 39 tụng. Cùng 4 tụng (16 câu 7 chữ) nơi cuối luận.
do Tôn giả An Tuệ tạo (Không ghi người Hán dịch) gồm 5 quyển cực ngắn (ĐTK/ ĐCTT, Tập 29, N0 1561, trang 325 A – 328 A), là những giải thích vắn tắt về một số điểm nơi Luận Câu Xá.
a. Luận A Tỳ Đạt Ma Thuận Chánh Lý (Abhidharma – nyàyànusà): Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, gồm 80 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 29, N0 1562, trang 329 – 775C). Luận phân làm 8 phẩm: Biện về bản sự. Biện về sai biệt. Biện về duyên khởi. Biện về nghiệp. Biện về tùy miên. Biện về Hiền Thánh. Biện về trí và Biện về định. Qua đấy lần lượt nêu dẫn biện giải về: Uẩn, xứ, giới gồm thâu tất cả pháp (Phẩm 1). Biện dẫn về 22 căn, luận phá các kiến chấp không nhân, một nhân (Phẩm 2).Thuyết minh về ba cõi, năm nẻo, bảy thức trụ, chín nơi chốn cư ngụ của các hữu tình, bốn loài cùng trung hữu, mười hai nhân duyên… (Phẩm 3). Biện giải về các thứ nghiệp (Phẩm 4). Thuyết minh về các thứ phiền não (Phẩm 5). Nêu dẫn, biện giải về hành quả của Hiền Thánh (Phẩm 6). Thuyết minh về các trí, các định (Phẩm 7, 8). Tác giả đứng trên lập trường chính thống của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, dành nhiều trang sách cùng công sức để đả phá, bác bỏ những luận điểm gọi là sai trái đối với Bộ phái mình, cực lực bảo vệ luận thuyết: “Tất cả pháp nơi ba đời là thật có”. Tuy Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng nhưng có rất nhiều phần, nhiều đoạn, nhất là những phần biện bác, đả phá, văn nghĩa diễn đạt không rõ, khó hiểu, khó lãnh hội. (Đây chắc chắn là do tác giả, không phải do người dịch)
b. Luận A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông (Abhidharma – Ko,sa – samayapradipikà): Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, gồm 40 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 29, N0 1563, trang 777 – 977C). Luận phân làm 9 phẩm, trừ phẩm 1: Mở đầu, nói về nhân duyên tạo luận, 8 phẩm còn lại là tương tợ với luận trước (Biện giải về bản sự, Biện về sai biệt…), nên xem như là một tóm lược của Luận A Tỳ Đạt Ma Chánh Lý: Không có phần tranh biện đả phá, biện giải gọn và rõ hơn, dễ đọc hơn luận trước.
Tóm lại, Bộ A Tỳ Đàm (Non 2/3 tập 26, các tập 27, 28, 29, Đtk/ Đctt) là Bộ có số lượng trang nhiều nhất nơi Tạng Luận thuộc Hán Tạng (Hơn 3500 trang), bao gồm hơn 20 bản Luận, Luận Thích dài, ngắn, vừa, với những nội dung vô cùng phong phú. Xin mượn những ghi nhận, những đánh giá của Học giả Kimura Taiken để kết luận: “Như vậy, sự phân tích có thể nói là đặc trưng lớn nhất của Phật giáo A Tỳ Đạt Ma… Đến A Tỳ Đạt Ma, tư tưởng Phật giáo đã khai triển những vấn đề hoặc kiến giải vượt ra ngoài Khế kinh, và kết quả là đã ảnh hưởng đến tư tưởng sau này, nhất là ảnh hưởng đến Phật giáo Đại thừa không ít, do đó, nếu muốn hiểu rõ về Đại thừa tất cũng phải nghiên cứu qua Phật giáo A Tỳ Đạt Ma”. (Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận I, Thích Quảng Độ dịch. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh xb, 1970, trang 21, 51).