NHÀ SÁCH PHẬT GIÁO TỊNH LIÊNhttps://nhasachtinhlien.com/uploads/logo-web_2.png
Thứ tư - 02/08/2017 22:17
Theo nhiều người nếu gặp vận đen thì nên đi cúng giải hạn tam tai
Câu hỏi
Trong đạo Phật có quan niệm về Tam tai và cúng giải hạn Tam tai không?
Trả lời
Tam tai cũng gọi Tam tai kiếp là một khái niệm quan trọng trong giáo lý đạo Phật. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (q.5, tr.4165): Thế giới tuần hoàn theo 4 chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không. Trong đó, loài hữu tình xuất hiện trong một thời kỳ nhất định ở kiếp Trụ, đến thời kỳ cuối cùng của kiếp Hoại thì thế giới hoàn toàn bị phá hủy. Trong kiếp Trụ và kiếp Hoại lần lượt xảy ra 3 tai ách, gọi là Tam tai.
Theo luận Câu-xá (q.12): 1.Tiểu tam tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống đến còn 10 tuổi, thì xảy ra các tai ách, gồm có 3 thứ: Đao binh tai (dùng các thứ vũ khí giết hại lẫn nhau), Tật dịch tai (các loại bệnh dịch hoành hành) và Cơ cẩn tai (nạn hạn hán mất mùa đói kém). 2.Đại tam tai: Kiếp Hoại được chia làm 20 thời kỳ, vào thời kiếp cuối cùng thì thế giới bắt đầu hoại diệt và sinh ra thiên tai, gồm Hỏa tai (lửa dữ thiêu hủy từ cõi Dục đến các cõi trời Sơ thiền), Thủy tai (nước cuốn trôi và dâng lên đến các cõi trời Nhị thiền) và Phong tai (gió thổi bay tất cả cho đến các cõi trời Tam thiền). Sự phát sinh Đại tam tai theo một trình tự nhất định. Tức đầu tiên là Hỏa tai hủy diệt thế giới 7 lần, sau đó đến Thủy tai hủy diệt 1 lần; cứ như thế lặp đi lặp lại 7 lần, cuối cùng thì Phong tai thổi bay tất cả, thế giới không còn gì nữa.
Theo sách Pháp uyển châu lâm (q.1): 1.Tiểu tam tai: Cơ cẩn tai: Con người thọ 84.000 tuổi, cứ 100 năm giảm đi 1 tuổi, cho đến khi giảm xuống còn 30 tuổi thì hạn hán xảy ra, trời không mưa, cây cỏ không mọc, người trong thế gian chết vì đói kém. Tật dịch tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống đến còn 20 tuổi thì các bệnh dịch xảy ra, người trong thế gian mắc bệnh mà chết. Đao binh tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 10 tuổi thì xảy ra chiến tranh, mọi người dùng dao gậy đánh chém, tàn sát lẫn nhau, người trong thế gian chết vì chiến tranh. 2.Đại tam tai: Hỏa tai: Cõi Dục và các tầng trời Sơ thiền đều bị cháy tiêu, không sót vật gì. Thủy tai: Từ cõi Dục đến các tầng trời Nhị thiền đều bị nước tràn ngập, tất cả đều hoại diệt. Phong tai: Từ cõi Dục cho đến các tầng trời Tam thiền thảy đều bị thổi bay, hết sạch không sót vật gì.
Trong dân gian cũng có khái niệm Tam tai được tiếp biến từ Tiểu tam tai của đạo Phật nhưng diễn dịch liên hệ theo tuổi tác thành hạn tam tai như: Tuổi Thân, Tý, Thìn gặp tam tai tại các năm Dần, Mão, Thìn. Tuổi Dần, Ngọ, Tuất gặp tam tai tại các năm Thân, Dậu, Tuất. Tuổi Hợi, Mão, Mùi gặp tam tai tại các năm Tỵ, Ngọ, Mùi. Tuổi Tỵ, Dậu, Sửu gặp tam tai tại các năm Hợi, Tý, Sửu. Dân gian tin rằng, đến năm hạn tam tai sẽ gặp nhiều trở ngại, một số việc xấu thường xảy ra như: Tâm tính nóng nảy bất thường, có tang trong thân tộc, dễ bị tai nạn xe cộ, bị thương tích, bị dính đến pháp luật, thất thoát tiền bạc, mang tiếng thị phi v.v... Muốn vượt thoát các hạn này phải nhờ thầy (bà) cầu cúng gọi là cúng giải hạn Tam tai. Kỳ thực, cuộc sống con người do nghiệp thiện (ác) của họ chi phối, cầu cúng thần linh không thể can thiệp vào quá trình này. Người đạo Phật có chánh kiến không tin và không thực hành theo việc cúng giải hạn Tam tai của dân gian.
Như vậy, đạo Phật và dân gian đều có khái niệm Tam tai nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tam tai trong đạo Phật là tuệ giác của Đức Phật thấy rõ sự vận hành của vũ trụ, nhân sinh theo quy luật Thành, Trụ, Hoại, Không. Không ai có thể thoát được Tam tai trừ khi chứng và trú từ cõi Tứ thiền trở lên hay siêu xuất khỏi tam giới.