LỜI TỰA
Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ, sau truyền qua Trung Quốc, một nước rất phồn thịnh, đất rộng người nhiều; hơn nữa, Trung Quốc uốn sẵn có một nền văn minh truyền thống, tối cổ từ các thời đại nhà Hạ, Ân, Chu tới Tiền Hán, nhưng mãi đến thời đại Hậu Hán, Phật giáo mới chính thức được du nhập. Và, nhờ nguồn giáo lý cao diệu của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong nếp sống tình cảm và tư tưởng của người dân Trung Quốc, nên Phật giáo đã phát triển một cách rất mau lẹ, chiếm hẳn địa vị của Nho giáo và Đạo giáo, để trở thành một tôn giáo trọng yếu nhất của quốc dân. Phật giáo Trung Quốc không những chỉ phát triển ở nội địa, mà còn truyền bá ra các ngả. Pháp Hoa Việt Nam, Phật giáo Triều Tiên và Phật giáo Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc. Phật giáo Trung Quốc lại còn là một kho tàng phong phủ nhất của nền tư tưởng Á Đông. Vì tư tưởng Phật giáo tuy phát sinh từ Ấn Độ, nhưng về hoàn cảnh tổ chức giáo học lại do Trung Quốc. Những người muốn khảo cứu về văn hóa Á Đông, nếu không hiểu được Phật giáo Trung Quốc thì cũng không thể thấu triệt được Phật giáo, hiểu được tư tưởng tinh túy của nền văn hóa Á Đông. Nhưng muốn hiểu về Phật giáo Trung Quốc, trước hết ta phải biết đến lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
Ở Việt Nam, những sách viết về lịch sử Phật giáo Trung Quốc lại rất hiếm và hầu như là không có. Cũng vì như cầu cấp bách đó, nên cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” được ra mắt cùng quý độc giả. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc gồm có Giáo đoàn sử và Giáo học sử. Giáo đoàn sử ghi chép những sự biến chuyển, thịnh suy của giáo đoàn Phật giáo, và các vấn đề có liên hệ tới mỹ thuật, văn học, kinh tế và tự viện. Giáo học sử ghi chép hệ thống phát triển về giáo lý của Phật giáo, giáo nghĩa của các tôn phái. Tuy phân loại như vậy, nhưng không có nghĩa là Giáo đoàn sử và Giáo học sử khác biệt nhau. Cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” này mới chỉ là khái thuyết nên chú trọng về phương diện giáo đoàn sử, còn giáo học sử chỉ lược thuật những điểm nhận thấy là trọng yếu.
Cách phân loại về thời đại của lịch sử Phật giáo Trung Quốc có nhiều lối khác nhau. Như khu phân thành từng thời đại, chia ra làm năm thời kỳ, thời thứ nhất là “Thời đại phiên dịch”, kể từ lúc Phật giáo bắt đầu truyền tới cho đến đầu thời Đông Tấn, ở thời này phần nhiều chuyên chú về việc phiên dịch kinh điển. Thời thứ hai, “Thời đại nghiên cứu”, kể từ đầu thời Đông Tấn đến thời đại Nam Bắc triều, ở thời này không những chỉ chuyên về việc dịch thuật, mà có khuynh hướng về mặt nghiên cứu. Thời thứ ba, “Thời đại kiến thiết” kể từ đời Tùy đến đời Đường là thời đại Phật giáo độc lập, hoàn thành về giáo nghĩa của các tôn phái. Thời thứ tư, “Thời đại kế thừa” kể từ thời Ngũ Đại cho tới đời nhà Minh, ở thời này chỉ là kế thừa những giáo học đã phát sinh ở đời Tùy, Đường, không có tư tưởng giáo học mới xuất hiện.
Thời thứ năm, “Thời đại suy vi”, kể từ đời nhà Thanh trở về sau, vì ở thời này không có Tăng tài xuất hiện, Tăng Ni, tự viện lại bị đào thải. Tuy vậy, nhưng tới thời đại Trung Hoa Dân Quốc thì Phật giáo có cơ vận phục hưng. Hoặc lại khu phân thành “Tây Vực Phật giáo”, kể từ khi Phật giáo mới truyền vào cho tới đời nhà Tùy; “Các tôn độc lập”, kể từ đời nhà Tùy cho tới đời nhà Tống; “Tây Tạng Mông Cổ Phật giáo”, là thời đại Lạt Ma giáo đời Nguyên; và “Chư tôn dung hợp Phật giáo”, kể từ đời nhà Thanh trở về sau. Hoặc lại dựa và thời đại của lịch sử Trung Quốc để khu phân về thời đại của lịch sử Phật giáo.
Theo cách khu phân này thì lý giải được dễ dàng và tiện lợi hơn. Nên cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” này cũng nương vào thời đại của lịch sử Trung Quốc để khu phân về lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Nội dung cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” này, dựa theo thời đại, chia làm XVI chương. Ở mỗi chương đều bàn khái quát về lịch sử của thời đại, và đại cương của Phật giáo, sự quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo, cùng là trạng thái của giáo đoàn Phật giáo. Chương cuối là lược thuật về lịch sử Phật giáo Triều Tiên.
Về tài liệu tham khảo để soạn cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc”, phần tài liệu thứ nhất rút tỉa trong các bộ “Lịch Đại Tam Bảo Kỷ”, “Phật Tổ Thống Kỷ”, “Quảng Hoằng Minh Tập”, “Xuất Tam Tạng Ký Tập”, “Khai Nguyên Thích Giáo Lục”, “Cao Tăng Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” v.... Phần tài liệu thứ hai, căn cứ ở cuốn “Chi Na Phật giáo sử cương” của tác giả Kyo Sakaino, “Trung Quốc Phật giáo sử” của Ryoshu Michihata, “Phật giáo sử khái thuyết” thiên Trung Quốc của Zenyu Tsukamoto v.U. và nhiều sách khác như mục tham khảo văn hiến ở cuối quyển. Niên đại dùng trong cuốn sách này thì y cứ vào cuốn “Chi Na lịch đại đế vương niên biểu” của tác giả Raizo Yamne, và “Niên biểu” trong bộ Phật giáo Đại từ điển của bác sĩ Shinkyo Mochizuki. Cuốn “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc” này được in ra chỉ nhằm vào việc giúp ích cho những người có chỉ hướng tu học Phật pháp, tìm hiểu lịch sử Phật giáo, nhất là lịch sử Phật giáo Trung Quốc, và cũng là để góp phần nhỏ vào việc xây dựng nền “Phật giáo sử học” nước nhà. Chúng tôi tự nhận, việc khảo sát về lịch sử là một công trình lớn lao, nhất là trên bước đường phát triển, thịnh suy vĩ đại của 2000 năm lịch sử Phật giáo Trung Quốc, nay đem thâu tóm ghi chép lại trong phạm vi nhỏ hẹp của cuốn sách nhỏ đâu phải là công việc dễ dàng. Nhưng, vì nhu cầu đòi hỏi, và để mở một giai đoạn cho phong trào nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Trung Quốc, nên chúng tôi không quản sức hiểu biết còn nông cạn, cố gắng sưu tầm tài liệu soạn thành cuốn sách nhỏ này để giới thiệu phần đại cương của lịch sử Phật giáo Trung Quốc với các hàng Phật tử và các bậc học giả trong nước.
Trân Trọng.
Thích Thanh Kiểm
TRÍCH “THỜI KỲ PHẬT GIÁO DU NHẬP”:
I. Ngả Đường Truyền Phật Giáo Tới Trung Quốc
Theo ngả đường Bắc truyền của Phật giáo Ấn Độ thì, trước hết truyền vào nước Đại Nhục Chi, An Tức ở phía Bắc Ấn, dần dần lan tràn tới các nước Tây Vực, rồi truyền vào Trung Quốc. Các nước thuộc Tây Vực nằm rải rác quanh bãi sa mạc Takla Makan, nương theo chân ba dải núi Thiên Sơn, Côn Lôn, Thông Lĩnh mà hợp thành. Con đường xuyên qua các nước thuộc Tây Vực là con đường giao thông trọng yếu để liên lạc giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong lúc đầu, các bậc Phạm tăng trực tiếp đem Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc thì rất ít, mà phần nhiều là từ các nước ở phía Bắc Ấn và Tây Vực truyền tới. Vì Phật giáo được truyền vào Tây Vực sớm hơn, các kinh điển chữ Phạn một phần đã được dịch sang tiếng Tây Vực, nên Phật giáo Tây Vực đã sớm được phát triển. Mãi tới thời đại Đông Tấn trở về sau mới có các bậc Phạm tăng trực tiếp đem Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào. Các bậc Phạm tăng đem tư tưởng Phật giáo truyền vào Trung Quốc, dùng hai ngả đường là đường bộ và đường thủy. Nhưng ở bước đầu, các Ngài thường dùng đường bộ. Vì giao thông buôn bán với Tây Vực, nên trong thời vua Võ Đế đời Tiền Hán, hai con đường giao thông lớn đã được khai thác, tức là con đường phía Bắc Tây Vực và phía Nam Tây Vực.
Con đường phía Nam bắt đầu từ Đôn Hoàng, và Ngọc Môn thuộc địa phận Trung Quốc, rồi nương theo chân phía Bắc núi Côn Lôn, qua các nước Lop Nor, Vu Điền (Khotan), Xa Sa (Yarkand) rồi đến Sớ Lặc (Kashgar). Từ Sớ Lặc phải vượt qua con đường hiểm trở phía Tây dải núi Thông Lĩnh, rẽ về phía Nam, ăn thông với ngả đường Bắc Ấn Độ. Con đường phía Bắc cũng khởi điểm từ Đôn Hoàng, Ngọc Môn, rồi nương theo chân phía Nam của dải núi Thiên Sơn, xuyên qua các nước Y Ngô (Hàmi), Cao Xương (Turfan), Yên Kỳ (Karashar), Khâu Tư (Kucha), Cô Mặc (Aksu), Ôn Túc (Ush) đến Sớ Lặc, nối liền với con đường phía Nam Ấn Độ.
Giữa hai con đường kể trên, còn có đường “Nhập Trúc Cầu Pháp” của Ngài Pháp Hiển. Con đường này cũng bắt đầu từ Đôn Hoàng, qua Lop Nor, tới Yên Kỳ, xuyên qua bãi sa mạc, rồi tới Vu Điền, hợp với con đường phía Nam. Về đường bộ thì đại khái như trên, nhưng không giống với các đường giao thông hiện nay, vì nó theo từng thời đại mà biến đổi. Nhưng đi theo đường thủy thì bắt đầu từ hải cảng thuộc tỉnh Quảng Đông, qua các đảo ở phía Đông Nam Á Tế Á rồi tới Ấn Độ. Con đường này rất tiện lợi cho sự giao thông buôn bán, nhưng các bậc Phạm tăng, lúc ban đầu thường dùng đường bộ để tới Trung Quốc, và các vị Tăng Trung Quốc “Nhập Trúc Cầu Pháp” cũng đi theo đường bộ, nhưng Ngài Pháp Hiển đời Đông Tấn, bắt đầu biết dùng đường thủy, từ đó trở về sau, sự lưu truyền giữa Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc phần nhiều lại lợi dụng đường thủy. Dùng đường thủy vừa nhanh chóng, tiện lợi lại không vấp phải sự gian nan, khó nhọc. II. Niên Đại Phật Giáo Du Nhập
Về niên đại du nhập của Phật giáo Trung Quốc có nhiều thuyết khác nhau, nhưng đại khái có những thuyết như sau :
1. Thuyết Tây phương Thánh giả của Khổng Tử.- Tây phương Thánh giả tức là chỉ vào Phật. Thiên Trọng Ni trong sách Liệt Tử có chép: Khâu nghe phương Tây có bậc Thánh giả, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự làm”. Theo thuyết này thì Ngài Khổng Tử đã biết đến Phật giáo.
2. Thuyết Thích Lợi Phòng đem Phật giáo truyền vào.- Đời vua Tần Thủy Hoàng năm thứ IV (243 trước TL), có vị Sa môn Tây Vực là Thích Lợi Phòng, gồm tất cả 18 người đem kinh Phật truyền vào Trung Quốc. Vua Tần Thủy Hoàng cho việc đó là quái gở, liền đem bắt bỏ ngục. Nhưng tới nửa đêm, vua thấy có người thân vàng, cao 1 trượng 6 thước, tới phá ngục cứu ra. Thấy thế, vua rất sợ hãi và dập đầu kính lễ (theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ).
3. Thuyết Trương Khiên đã nghe thấy Phật giáo.- Sách “Ngụy Thư Thích Lão Chí” chép : “Đời Võ Đế nhà Tiền Hán, có tướng Trương Khiên phụng mệnh vua đi sứ nước Tây Vực về tâu rằng “Bên nước Thân Độc (Ấn Độ) có đạo Phù đồ (Phật giáo)”.
4. Thuyết lễ bái hình người vàng.- Thời vua Võ Đế nhà Tiền Hán năm thứ II (121 trước TL) vua sai tướng Hoắc Khử Bệnh đánh rợ Hung Nô (Hungnu), bắt được hình người bằng vàng đem về dâng vua, nhà vua liền đem thờ trong cung Cam Tuyền để sớm tối thiêu hương lễ bái (theo sách “Ngụy Thư Thích Lão Chí”)
5. Thuyết Lưu Hướng nói đến Phật điển.- Sau đời vua Võ Đế nhà Tiền Hán 34 năm, thời vua Thành Đế, vua sai Lưu Hướng chỉnh đốn lại sách vở của triều đình tại Các Thiên Lộc, Lưu Hướng đã thấy Phật điển. Bộ “Phật Tổ Thống Kỷ” có dẫn chứng một đoạn văn trong cuốn “Liệt Tiên Truyện” của Lưu Hướng : “Tôi kiểm điểm thư tàng, sưu tầm đại sử, để soạn Liệt tiên đồ. Kể từ vua Hoàng Đế trở xuống cho tới nay có hơn 700 người được đạo tiên, sau khi xét định thực hư, được 146 người, tổng số đó có hơn 70 người đã thấy kinh Phật”.
6. Thuyết khẩu truyền Phật giáo của Y Tồn.- Niên hiệu Nguyên Thọ năm đầu (2 trước TL) đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán, có Y Tồn, sứ giả nước Đại Nhục Chi tới, đem Phù Đồ giáo (Phật giáo) truyền miệng cho Trần Cảnh Hiện (Ngụy Thư Thích Lão Chí).
7. Thuyết niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10.- Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (67 TL) đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán, có một đêm, vua nằm mộng thấy người vàng, có hào quang rực rỡ, từ phương Tây tới làm sáng rõ cả cung đình. Vì vậy nên nhà vua đoán biết có Phật giáo ở phương Tây, vua liền sai Trung tướng Thái Hâm, Vương Tuân, Tần Cảnh, cả thảy 18 người qua Tây Vực để thỉnh tượng Phật. Thái Hâm và bọn các ông đó vâng lệnh vua đi đến nửa đường thì gặp hai bậc Phạm tăng Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan, tải kinh tượng bằng ngựa trắng đi về phía Đông, liền mời hai Ngài đó tới Trung Quốc. Vua Minh Đế rất là mừng rỡ liền sắc dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và làm nơi dịch kinh điển cho hai Ngài (theo sách “Hậu Hán Kỷ”, “Phật Tổ Thống Kỷ”).
Trong những thuyết kể trên ta lấy thuyết nào làm bằng chứng đích xác, đó là một vấn đề cần phải khảo sát. Thuyết thứ nhất, nếu căn cứ trên phương diện lý luận thì không vững vàng. Vì, đó chỉ là một sự giả thác của Liệt Tử về ý nghĩa chính trị, không phải chính Khổng Tử đã nghĩ như vậy. Hơn nữa, Tây phương Thánh giả có thể chỉ vào bất cứ một Thánh giả nào, chưa chắc là ám chỉ vào Phật. Thuyết thứ hai thấy xuất xứ ở cuốn “Chu Tử Hành Kinh Lục”, được dẫn chứng trong bộ “Lịch Đại Tam Bảo Kỷ”, nhưng sách đó lại là sách giả tạo của hậu thế, nên không thể tin vững vàng. Thuyết thứ ba chỉ là sự phong văn, không đủ bằng cứ.
Thuyết thứ tư, trong sách “Ngụy Thư Thích Lão Chí” chỉ nói là hình người bằng vàng, và hình người bằng vàng này có thể là một hình thức tín ngưỡng của tôn giáo rợ Hung Nô, vậy thuyết này cũng không đủ tin. Thuyết thứ năm, bộ “Phật Tổ Thống Kỷ” có dẫn chứng kỷ lục của Lưu Hướng, mà ký lục này lại không đủ bằng chứng để tin cậy. Theo thuyết thứ sáu, thuyết này thấy rất thỏa đáng với sự thực, và đáng tin cậy, vậy Phật giáo du nhập vào Trung Quốc có thể là bắt đầu từ đấy. Thuyết thứ bảy là một thuyết rất phổ thông và đã được thông thường hóa, coi như là một thuyết công truyền của Phật giáo Trung Quốc. Tóm lại trong bảy thuyết, chỉ có thuyết thứ sáu và thứ bảy thấy đích xác hơn cả… MỤC LỤC:
LỜI TỰA
CHƯƠNG THỨ 1: THỜI KỲ PHẬT GIÁO DU NHẬP - Ngả Đường Phật Giáo Truyền Tới Trung Quốc
- Niên Đại Phật Giáo Du Nhập
- Sự Nghiệp Phiên Dịch Của Hai Ngài Ca Diếp Ma Đằng Và Trúc Pháp Lam
CHƯƠNG THỨ 2: PHẬT GIÁO ĐỜI HẬU HÁN
- Sở Vương Anh Tin Phật
- An Thế Cao
- Chi Lâu Ca Sấm
- Các Vị Tăng Dịch Kinh
- Trạng Thái Phật Giáo Đời Hậu Hán
CHƯƠNG THỨ 3: PHẬT GIÁO ĐỜI TAM QUỐC
- Phật Giáo Thời Nhà Ngụy
- Phật Giáo Thời Nhà Ngô
CHƯƠNG THỨ 4: PHẬT GIÁO ĐỜI TÂY TẤN
- Các Bậc Dịch Kinh Đời Tây Tấn
- Trạng Thái Phật Giáo Đời Tây Tấn
- Sự Quan Hệ Giữa Phật Giáo, Nho Giáo Và Đạo Giáo
CHƯƠNG THỨ 5: PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI ĐÔNG TẤN
- Lời Bàn Khái Quát
- Phật Giáo Thuộc 16 Nước Ngũ Hồ Phương Bắc
- Phật Giáo Thuộc Nhà Đông Tấn Phương Nam
- Trạng Thái Phật Giáo Thời Đại Đông Tấn
- Bốn Bộ Kinh Điển Trọng Yếu Đã Phiên Dịch Trong Thời Đại Đông Tấn
- Phép Tu Thuyền Quán Lưu Hành Cuối Đời Đông Tấn
CHƯƠNG THỨ 6: PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI NAM BẮC TRIỀU
- Lời Bàn Khái Quát
- Phật Giáo Thuộc Nam Triều
- Phật Giáo Thuộc Bắc Triều
- Tư Tưởng Phật Giáo Học Ở Thời Đại Nam Bắc Triều
- Trạng Thái Phật Giáo Ở Thời Đại Nam Bắc Triều
- Mỹ Thuật Phật Giáo Ở Thời Đại Nam Bắc Triều
CHƯƠNG THỨ 7: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ TÙY
- Lời Bàn Khái Quát
- Các Đề Vương Đời Tùy Đối Với Công Cuộc Phục Hưng Phật Giáo
- Tư Tưởng Giáo Học
- Sự Nghiệp Phiên Dịch
- Trạng Thái Phật Giáo
CHƯƠNG THỨ 8: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ ĐƯỜNG
- Lời Bàn Khái Quát
- Tịnh Độ Tôn Hưng Thịnh
- Luật Tôn Thành Lập
- Thuyền Tôn Phát Triển
- Pháp Tướng Tôn, Câu Xá Tôn Xuất Hiện
- Hoa Nghiêm Tôn Thành Lập
- Mật Giáo Truyền Tới
- Thiên Thai Tôn Phục Hưng Và Võ Tôn Thế Phật
- Sự Nghiệp Phiên Dịch
- Trạng Thái Phật Giáo Đời Đường
CHƯƠNG THỨ 9: PHẬT GIÁO THỜI NGŨ ĐẠI
- Lời Bàn Khái Quát
- Nạn Phế Phật Đời Hậu Chu Phương Bắc
- Phật Giáo Thuộc Các Nước Phương Nam
CHƯƠNG THỨ 10: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ TỐNG
- Lời Bàn Khái Quát
- Vương Thất Với Phật Giáo
- Các Tôn Phục Hưng
- Sự Nghiệp Phiên Dịch
- Xuất Bản Đại Tạng Kinh
- Trạng Thái Phật Giáo Đời Tống
- Sự Quan Hệ Giữa Phật Giáo Với Tống Nho
- Sự Giao Thiệp Giữa Phật Giáo Và Đạo Giáo
CHƯƠNG THỨ 11: PHẬT GIÁO THUỘC NƯỚC LIÊU VÀ KIM
- Lời Bàn Khái Quát
- Phật Giáo Đời Nhà Liêu
- Phật Giáo Đời Nhà Kim
CHƯƠNG THỨ 12: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ NGUYÊN
- Lời Bàn Khái Quát
- Giáo Học Phật Giáo
- Triều Đình Với Phật Giáo
- Đại Tạng Kinh Tây Tạng Truyền Tới
- Sự Quan Hệ Giữa Đạo Giáo Và Phật Giáo
- Trạng Thái Giáo Đoàn Phật Giáo
CHƯƠNG THỨ 13: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ MINH
- Lời Bàn Khái Quát
- Giáo Học Phật Giáo
- Sự Nghiệp Khắc Đại Tạng Kinh
- Sự Giao Thiệp Giữa Ba Giáo
- Trạng Thái Giáo Đoàn Phật Giáo
CHƯƠNG THỨ 14: PHẬT GIÁO ĐỜI NHÀ THANH
- Lời Bàn Khái Quát
- Thanh Triều Với Lạt Ma Giáo
- Cựu Lai Phật Giáo
- Xuất Bản Đại Tạng Kinh
- Trạng Thái Giáo Đoàn Phật Giáo
CHƯƠNG THỨ 15: PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC THỜI CẬN ĐẠI
- Cách Mạng Dân Quốc Đối Với Phật Giáo
- Sự Nghiệp Vận Động Hộ Pháp
- Sự Nghiệp Xuất Bản Ấn Loát
- Trạng Thái Giáo Đoàn Phật Giáo
- Kết Luận
PHỤ LỤC: PHẬT GIÁO TRIỀU TIÊN
- Thời Kỳ Phật Giáo Du Nhập
- Thời Kỳ Phật Giáo Hưng Thịnh
- Thời Kỳ Phật Giáo Xán Lạn
- Thời Kỳ Phật Giáo Suy Vi
- Phật Giáo Thời Cận Đại