LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM (BÌA CỨNG) - TS LÊ MẠNH THÁTBiên Soạn: Lê Mạnh Thát Nhà Xuất Bản: TP. HCM Khổ Sách: 14,5x20,5cm Hình Thức: Bìa Cứng Năm Xuất Bản: 2002 Trọn Bộ: 3 Tập Độ Dày: 15cm (trọn bộ)LS01LỊCH SỬ - TỪ ĐIỂN850.000đSố lượng: 10 Bộ
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM (BÌA CỨNG) - TS LÊ MẠNH THÁT
LỜI GIỚI THIỆU Phật giáo tuy là một hiện tượng văn hóa nước ngoài truyền vào nước ta, đã được nhân dân tiếp thu và vận dung vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cho nên nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc. Kể từ ngày tác giả Phật giáo nam lai khảo và Trần văn Giáp cho công bố những thành quả nghiên cứu đầu tiên về lịch sử Phật giáo Việt Nam, bộ môn lịch sử Phật giáo Việt Nam dần dần được nhiều người chú ý và để tâm tra khảo. Kết quả là sự ra đời cuốn sử đầu tiên Việt Nam Phật giáo sử lược trình bày lịch sử Phật giáo từ khởi nguyên cho đến những năm đầu của thập niên 1940. Nó thể hiện một nổ lực tổng hợp tất cả tư liệu Phật giáo cho tới thời ấy. Tuy nhiên, do những hạn chế lịch sử về quan niệm và phương pháp luận nghiên cứu, tác giả sách này chưa triển khai hết những ưu điểm của các tư liệu và dữ kiện mà ông sở hữu.
Hơn ba mươi năm qua, dẫu có một số phát hiện đầy khởi sắc đã được công bố, vẫn chưa có một nổ lực tổng kết sơ bộ về tình hình tư liệu của một giai đoạn Phật giáo nhất định, trong giai đoạn đó. Trước năm 1975, một số sách xuất bản về lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ra đời với những mục đích khác nhau, nhưng tất cả chúng phần lớn ít có giá trị sử liệu khoa học, chỉ lập lại chủ yếu những gì mà các công trình nghiên cứu trước đã xuất bản. Thậm chí, đôi khi những tư liệu bất xác và những đánh giá sai lầm vẫn tiếp tục được sử dụng, làm cho những gì đã sai càng sai thêm. Đương nhiên, thỉnh thoảng cũng có một vài đóng góp đạt đến trình độ khoa học nào đó, song ưu điểm ấy chưa được khai thác hết.
Trước tình hình nghiên cứu trên, việc tiến hành biên tập một bộ lịch sử Phật giáo Việt nam trở nên cần thiết cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc ta. Để biên tập, chúng ta cần phải giải quyết một số vấn đề liên hệ đến vấn đề lập trường và phương pháp luận nghiên cứu lịch sử dân tộc, từ đó coi lịch sử Phật giáo như một bộ phận không thể tách rời lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng ta nghiên cứu lịch sử dân tộc qua những phương diện có liên hệ với Phật giáo Việt Nam. Cho nên, phương pháp của chúng tôi là phương pháp lịch sử tổng hợp, sử dụng tư liệu từ nhiều bộ môn khoa học khác nhau.
Trên cơ sở lý luận đó, chúng tôi khởi sự biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ năm 1972. Theo chúng tôi, lịch sử Phật giáo Việt Nam có thể chia làm ba thời kỳ lớn: Thời kỳ thứ nhất, từ khởi nguyên cho đến khi Lý Bôn xưng đế lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Thời kỳ thứ hai, bắt đầu từ lúc dòng thiền Pháp Vân ra đời cho đến cuối đời Trần. Thời kỳ thứ ba, từ đầu đời Lê tới cận đại. Mỗi một giai đoạn có mỗi nét đặc trưng và một quá trình phát triển tất yếu của nó.
Thời kỳ đầu này đánh dấu sự xuất hiện Phật giáo trên đất nước ta, cách thức tiếp thu tư tưởng và nhận thức Phật giáo của nhân dân ta. Nó sẽ cho chúng ta thấy Phật giáo đối với dân tộc ta là gì, đã có những đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và duy trì bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam như thế nào. Những vấn đề này chưa được những người nghiên cứu chú ý tra khảo đúng mức. Hy vọng tập sách này bổ khuyết một phần nào những thiếu sót mà những công trình nghiên cứu trước để lại. Mùa Phật đản Phật Lịch 2543-1999 Lê Mạnh Thát.
TRÍCH “TẬP 1 – PHẬT GIÁO THỜI HÙNG VƯƠNG”: Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề vào năm 533 tdl, tư trào tư tưởng Phật giáo hình thành và phát triển từ Ấn Độ lan dần ra các nước xung quanh và cả thế giới. Trong quá trình phát triển và lan dần này, Phật giáo đã đến nước ta, và tạo nên Phật giáo Việt Nam. Thế thì, Phật giáo đã truyền vào nước ta từ lúc nào? Đây là một câu hỏi, không phải đợi đến thời chúng ta mới đặt ra, mà đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Tối thiểu vào năm 1096, Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên và được Thông Biện Quốc sư trả lời như sau, dẫn lời của Đàm Thiên, trong Thiền uyển tập anh tờ 20b7-21a7:
[Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì-ni-đa-lưu-chi, truyền tông phái của tam tố, là người trong làng Bồ-Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng, thì chỉ riêng khiến sứ đưa Xá lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ. Lại bài tựa truyện pháp của tướng quốc Quyền Đức Dư đời Đường, nói: "Sau khi Tào Khê mất đi, thiền sư dùng tâm ấn của Mã Tổ hành hóa ở Ngô, Việt, Vô Ngôn Thông đại sĩ, đem tôn chỉ của Bách Trượng khai ngộ tại Giao Châu". Đó là những chứng cứ vậy].
Cứ câu trả lời này, thì trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Việt Nam đã có một nền Phật giáo tương đối hoàn chỉnh, tức bao gồm chùa chiền, một đoàn thể Tăng sĩ và kinh sách đầy đủ. Theo Thông Biện, thì ở nước ta lúc bấy giờ "có chùa hơn 20 ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển". Điều đáng tiếc là Thông Biện không cho ta nền Phật giáo hoàn chỉnh này, với số chùa chiền kinh sách và Tăng sĩ như vậy, xuất hiện vào lúc nào. Ông chỉ bằng lòng lập lại lời của Đàm Thiên_1, bảo rằng đó là vào lúc "Giang Đông chưa có" Phật giáo. Giang Đông chưa có Phật giáo, thì ngay bản tiểu sử của Khương Tăng Hội (?-280) trong sách Xuất Tam Tạng Ký Tập tập 13, Đại Tạng Kinh 2145, tờ 96a-97a17 và trong Cao Tăng Truyện quyển I, Đại Tạng Kinh 2059 tờ 325a13-326b13, cũng bảo "bấy giờ Tôn Quyền xưng đế Giang Tả (năm 222) sdl) mà Phật Giáo chưa lưu hành". Thế cũng có nghĩa ngay vào những năm 220sdl, Phật giáo chưa có mặt ở Giang Đông. Vậy phải chăng nền Phật giáo hoàn chỉnh vừa chỉ tồn tại vào thế kỷ thứ II-thứ III sdl?
Sư Phật Quang & Di Tích Đầu Tiên Của Phật Giáo VN Trả lời câu hỏi này, ta may mắn có một tài liệu viết gần cùng thời với Thiện Uyển Tập Anh là Lĩnh Nam Trích Quái. Truyện Nhất Dạ Trạch của Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại việc Chữ Đồng Tử đã được nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên (cũng có bản viết là Quỳnh Vi) truyền dạy giáo lý Phật giáo. Xưa nay Lĩnh Nam Trích Quái thường được xếp vào loại truyện thần thoại hay huyền sử. Thậm chí bộ Việt Nam Hán văn Tiểu Thuyết Tùng san, tập I, mới xuất bản gần đây cũng làm thế. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu nội dung của Lĩnh Nam Trích Quái, ta mới thấy rõ Lĩnh Nam Trích Quái không chỉ đơn thuần là tập hợp những chuyện thần thoại, thậm chí những chuyện thần thoại hoang đường. Trái lại, nó chứa đựng nhiều sự kiện có thực, mà trường hợp núi Quỳnh Viên của chúng ta đây là một thí dụ cụ thể. Núi Quỳnh Viên này, những người chủ biên Thơ văn Lý Trần đã chú thích là: "Một quả núi trong truyện thần thoại". Dẫu thế, nếu chịu khó đọc Minh lương cẩm tú do Lê Thánh Tông viết về 13 cửa biển của đất nước ta trong khi tiến quân chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1470, thì ta gặp bài thơ thứ 7, nói về Nam giới hải môn lữ thứ, trong đó có 2 câu:
Di miếu man truyền kim Vũ Mục Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên. Dịch: Di miếu còn truyền nay Vũ Mục. Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên
Vũ Mục đây tức chỉ tướng Lê Khôi, cháu ruột của Lê Lợi. Năm Thái Hòa thứ 2 (1444) đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, khi trở về đến cửa biển Nam Giới thì mất. Dân thương nhớ, lập đền thờ tại cửa biển này. Cửa biển này còn được gọi nôm na là cửa Sót. Còn núi Quỳnh Viên thì nằm ở phía Nam cửa bể này và từ thời Lê Thánh Tôn đã được xác nhận là một danh sơn, tức một hòn núi có tiếng tăm của đất nước. Và tiếng tăm này là có từ xưa, chứ không phải đợi đến thời Lê Thánh Tôn, tức từ năm 1460 trở đi mới có. Ngay cả khi ta đồng ý với Lê Quí Tôn trong Toàn Việt thi lục và Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và xếp các bài thơ về 13 cửa biển này vào loại "vô danh thị", thì việc nói "ông Vũ Mục ngày nay" (kim Vũ Mục) và "núi Quỳnh Viên thưở xưa" (cổ Quỳnh Viên) vẫn không đánh mất ý nghĩa thời điểm của bài thơ. Lý do nằm ở chỗ nếu đã nói Lê Khôi là ông Vũ Mục thời nay, và Lê Khôi mất vào năm 1444, thì rõ ràng tác giả nó cũng phải sống vào thời của Lê Khôi này, tức khoảng từ 1444 trở đi hay không lâu sau đó.
Nói thẳng ra, vào thế kỷ thứ XV, khi Kiều Phú và Vũ Quỳnh hiệu đính và cho ra đời hai bản Lĩnh Nam Trích Quái khác nhau, Quỳnh Viên đã thật sự là một danh sơn, một ngọn núi nổi tiếng đối với dân ta thời đó và trước kia. Nó dứt khoát không phải là một ngọn núi thần thoại, càng không phải là một ngọn núi không có địa điểm cụ thể tại đất nước ta. Nó quả là một ngọn núi nằm tại cửa Sót. Và trên núi Quỳnh Viên này còn có ngôi chùa cổ. Bản Lĩnh Nam Trích Quái mà ta có ngày nay thì hoặc do Kiều Phú kiểu chính lại vào năm 1490, hoặc do Vũ Quỳnh san định vài năm sau đó, vào năm 1493, từ một bản Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp đời Trần. Như vậy, nếu Lĩnh Nam Trích Quái mà ta có ngày nay nói tới núi Quỳnh Viên, thì dứt khoát núi Quỳnh Viên này phải có một địa chỉ cụ thể. Vì thế, khi Chữ Đồng Tử đã được nhà sư Phật Quang truyền dạy đạo Phật tại núi Quỳnh Viên, ta có thể chắc chắn sự việc này đã xảy ra tại cửa biển Nam Giới hay cửa Sót.
Ta có thể đặt vấn đề là nếu quả có ngọn núi Quỳnh Viên tại cửa Sót, thì việc truyền dạy giáo lý của nhà sư Phật Quang cho Chữ Đồng Tử chắc gì đã xảy ra ở đó, bởi vì việc truyền dạy đó xảy ra quá xa cách thời điểm nó ghi lại trong Lĩnh Nam Trích Quái. Nói cụ thể ra, Lĩnh Nam Trích Quái đã ghi lại một sự việc xảy ra cách nó gần tới cả ngàn rưỡi năm. Tất nhiên, trừ phi ta thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ học tại núi Quỳnh Viên ở cửa Sót và tìm thấy di vật liên hệ với Chữ Đồng Tử, thì vấn đề mới được giải quyết một cách dứt điểm. Nhưng trước mắt, nếu chưa làm được, song qua phân tích những truyện khác trong Lĩnh Nam Trích Quái, ta thấy dù Lĩnh Nam Trích Quái có được Trần Thế Pháp biên tập lại vào hậu bán thế kỷ thứ 14, thì những dữ kiện trong đó vẫn có một tính cổ sơ đáng muốn.
Chẳng hạn, khi nghiên cứu về truyền thuyết Trăm ứng trong truyện họ Hồng Bàng, ta thấy truyền thuyết này đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh 3 ĐTK152 tờ 14a26-cl8 truyện 23 do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán vào khoảng những năm 220-250. Cũng một cách, truyện Tây Qua của Lĩnh Nam Trích Quái là một dị bản của truyện 7 trong Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, ĐTK206 tờ 512a16-b7, cũng do Khương Tăng Hội phiên dịch v.v... Nói khác đi, dù những truyện do Trần Thế Pháp tập hợp lại trong Lĩnh Nam Trích Quái xảy ra tương đối muộn, nhưng có những dữ kiện đã được chứng minh là xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học nước ta. Do thế, truyền thuyết về Chữ Đồng Tử được nhà sư Phật Quang dạy đạo Phật cũng có khả năng xảy ra rất sớm trong lịch sử dân tộc, chứ không phải vì sự xuất hiện muộn màng trong Lĩnh Nam Trích Quái mà mất đi tính chân thực và cổ sơ của nó…
MỤC LỤC TẬP 1 Lời Giới Thiệu Chương 1: Phật Giáo Thời Hùng Vương Chương 2: Phật Giáo Sau Thời Hai Bà Trưng Chương 3: Khâu Đà La Man Nương Và Đức Phật Pháp Vân Chương 4: Mâu Tử Và Lý Hoặc Luận Chương 5: Khương Tăng Hội Chương 6: Đạo Thanh, Cương Lương Tiếp Và Pháp Hoa Tam Muội Kinh Chương 7: Tình Trạng Phật Giáo Việt Nam Thế Kỷ Thứ Iv Chương 8: Sáu Lá Thư Và Cuộc Khủng Hoảng Của Nền Phật Giáo Thế Kỷ Thứ V Chương 9: Sơ Thám Về Huệ Lâm Và Quân Thiện Luận Chương 10: Sáu Lá Thứ Và Cái Chết Của Đàm Hoằng Chương 11: Những Ngọn Đèn Cuối Cùng – Huệ Thắng Và Đạo Thiền Chương 12: Về Trí Bân Và Giải Hàn Thực Tán Phương Phụ Lục TẬP 2 Phàm Lệ Thay Lời Tựa Chương 1: Dòng Thiền Pháp Vân Tì Ni Đa Lưu Chi Và Pháp Hiền Chương 2: Thanh Biện Và Kinh Kim Cương Chương 3: Đại Thừa Đăng Và Những Nhà Tây Du Cầu Pháp Chương 4: Thượng Nhân Vô Ngại Và Phật Giáo Hoan Ái Chương 5: Định Không Chương 6: Dòng Thiền Kiến Sơ Vô Ngôn Thông Và Cảm Thành Chương 7: La Quý Và Họ Khúc Chương 8: Khuông Việt Và Nhà Đinh Chương 9: Pháp Thuận Và Vua Lê Đại Hành Chương 10: Vạn Hạnh Và Vua Lý Thái Tổ Chương 11: Thiền Nguyệt Và Vua Lý Thái Tông Chương 12: Một Số Nhận Định Tổng Quát Phụ Lục 1: Phật Nói Kinh Tinh Xá Đầu Voi Phụ Lục 2: Nguyên Bản Chữ Hán TẬP 3 Thay Lời Tựa Chương 1: Vua Lý Thánh Tông Và Dòng Thiền Thảo Đường Chương 2: Lý Thường Kiệt Và Đại Sư Pháp Bảo Hải Chiếu Chương 3: Thái Hậu Ỷ Lan Và Quốc Sư Thông Biện Chương 4: Vua Lý Nhân Tông Và Nền Phật Giáo Thế Sự Chương 5: Từ Đạo Hạnh Và Vua Lý Thần Tông Chương 6: Không Lộ Và Giác Hải Chương 7: Diệu Nhân Và Phong Trào Nữ Phật Tử Chương 8: Hà Hưng Tông Và Phật Giáo Vùng Biên Cương Chương 9: Đạo Huệ Và Tư Tưởng Sắc Không Chương 10: Trí Bảo Và Tô Hiến Thành Chương 11: Trường Nguyên Và Thường Chiếu Chương 12: Vua Trần Thái Tông Và Quốc Sư Phù Vân Chương 13: Tuệ Trung Thượng Sĩ Và Vua Trần Thánh Tông Sách Dẫn