NHÂN THIÊN BẢO GIÁM GIẢNG GIẢI - HT THÍCH NHẬT QUANGGiảng Giải: HT Thích Nhật Quang Biên Soạn: Tứ Minh Đàm Tú NXB: Hồng Đức Khổ: 14,5x20,5cm Năm XB: 2021 Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập Tập 1: 506 Trang – Dày: 2,5cm Tập 2: 535 Trang – Dày: 2,5cmNTBGTHIỀN & MẬT TÔNG300.000đSố lượng: 1000000 Bộ
NHÂN THIÊN BẢO GIÁM GIẢNG GIẢI - HT THÍCH NHẬT QUANG
LỜI ĐẦU SÁCH Dấu ấn gậy hét là gương báu từ ngàn xưa chốn tùng lâm. Đó chính là công hạnh ngàn đời của chư Tổ. Sư Sư tương thọ, Tổ Tổ truyền đăng là thế. Ai biết đc gì trong ấy? Đó là chỗ chí mạng, ngàn trượng buông tay. Vào được thì nhân duyên đã chín, chưa vào thì ngàn thánh cũng bó tay.
Tổ sư Hoàng Bá có dạy, chỗ này dù cho ngàn thánh ra đời cũng không biết được ông. Vậy thì, ông cứ lầm lũi tiến tới, chừng nào một nhảy vào thẳng đất Như Lai thì nên. Nói gì? Làm gì? Chỉ là ma mỵ nhà bên. Ai dám khám phá dưới tà áo tung bay phù phù của Lão tổ nơi Thông Lãnh thuở nọ? Đành căm rét lạnh như thế, âm thầm đồng vọng trên dãy Thiếu Thất năm xưa. Thiền tăng thuở nay làm gì làm gì? Gan dạ bước tới. Nơi này xa xôi, con cháu tông môn hiên ngang dựng lại tông bản gương Tổ.
Ô hay! Phàm thánh đồng hành tung vào lối đạo, dẹp phá mê đồ. Gương báu trời cao rạng ngời là ánh đuốc soi đêm, đời đời con cháu theo nhau tiến bước. Là con đường vận mệnh, là sức sống vầng dương chiếu suốt. Bờ ghềnh gộp đá làm gì cản nổi, xông pha vỡ tung. “Mọi rợ này cùng Lão hòa thượng tuy có khác, nhưng cái ấy xưa nay vẫn như nhau”.
Lão Tiều vào cuộc nêu gương sống và chỉ sống với bản pháp “ưng vô sở trụ”. Núi sông gò đống thảy thanh bình. Tuy nhiên là gương báu, là bản môn thì đời đời cứ mãi soi chung. Nơi đây, trân trọng kính mời mười phương pháp lữ cùng vào một lượt, cùng thưởng diệu hương. THÍCH NHẬT QUANG (đầu xuân năm Ất Mùi 2015)
Nhân Thiên Bảo Giám giảng giải là một quyển sách tương đối quan trọng, là bảo bối cần thiết trong tay nải của thiền tăng xưa cũng như nay. Quyển sách này được ngài Đàm Tú tập hợp từ nhân duyên học đạo và gương hạnh của các vị thiền tăng đi hành cước từ khoảng những năm 1200 trở về trước, để lưu truyền đời sau. Từ đó đến nay, chúng ta chưa có một quyển Nhân Thiên Bảo Giám nào khác.
Năm 580, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi theo đường bộ từ phía Bắc, đem thiền tông truyền bá xuống phương Nam, trụ tại chùa Pháp Vân, khai sáng dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, gầy dựng những trang Nhân Thiên Bảo Giám đầu tiên. Năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông sang An Nam ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, khai sáng dòng thiền thứ hai. Đến thời Lý-Trần, một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt, Phật giáo Việt, khi vua Lý Thánh Tông đi chinh phục Chiêm Thành, bắt được nhiều người đem về phục dịch, trong đó có thiền sư Thảo Đường. Các đời vua Lý rất kính trọng đạo Phật, bèn cho mời ngài vào cung thưa hỏi Phật pháp. Từ đó, thiền phải Thảo Đường được hình thành. Về sau, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành, hợp nhất tinh ba của các dòng thiền thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Như vậy, bộ Nhân Thiên Bảo Giám được biên tập tại đất nước ta bắt đầu từ ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, có lúc tưởng chừng Phật giáo bị lãng quên, nhưng chư vị thiền tổ vẫn tiếp tục gầy dựng từng trang Nhân Thiên Bảo Giám. Lúc suy, các ngài ẩn tu trong các đạo tràng để giữ gìn tông chỉ. Khi thịnh, các ngài gánh lấy sứ mệnh khôi phục tông phong, mở mang giáo pháp, lợi lạc quần sanh. Cứ như thế, một bộ Nhân Thiên Bảo Giám đồ sộ với biết bao gương hạnh của các bậc cao tăng thạc đức được hình thành, cho người sau nương vào tu tập.
Chính cuộc đời, sự nghiệp, công hạnh và cương lĩnh tu hành của Hòa Thượng Trúc Lâm cũng là một bộ Nhân Thiên Bảo Giám, là chánh pháp nhãn tạng, là gương báu ngời sáng cho hàng đệ tử noi theo tu hành. Thầy đã khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau nhiều năm tháng bị lãng quên, viết tiếp bộ Nhân Thiên Bảo Giám của chư tổ. Dưới sự chỉ dạy, hướng dẫn của Thầy, huynh đệ chúng ta nghiêm chỉnh, quyết tâm tu học, làm sao gầy dựng được một bộ Nhân Thiên Bảo Giám đồ sộ nhất trong giai đoạn mình có mặt ở đây. Mong tất cả cùng cố gắng.
TỰA Nhân Thiên Bảo Giám là sách tập hợp các phương thuốc hay cứu đời của nhà Phật, giúp cho người bệnh khi uống vào được lành bệnh, cho đến những kẻ đui điếc câm què cũng đều được trừ hết các khuyết tật. Tứ Minh đạo nhân (ngài Đàm Tú) từ lâu đã là thầy thuốc đi khắp nơi, nếu ai được nếm đầy đủ thuốc này thì đều thấy linh nghiệm. Nên ấn hành sách này để lưu truyền đời sau. Vì vậy tôi hoan hỷ đề tựa.
Lan Đình Lưu Phỉ là một nhân sĩ nhà Nho, cũng có thể là Phật tử nhưng vẫn còn phong thái trung dung của Nho gia nên dùng chữ nhà Phật. Ông nói sách này là phương thuốc hay giúp người được lành bệnh, cho đến những kẻ khuyết tật đều lành lặn. Chúng ta bây giờ đã gặp thuốc hay, đã trị lành bệnh chưa? Mình có gặp nhưng ngó lơ, không chịu dùng nên vẫn còn bệnh, vẫn còn loay hoay trong vòng luân hồi sanh tử, không có ngày cùng. Rõ ràng thuốc hay trị lành bệnh, nhưng chịu uống hay không là tự mỗi người.
Phương thuốc này đặc biệt thế nào mà tất cả bệnh đui què câm điếc đều trừ sạch? Y học ngày nay có nhiều loại thuốc đặc trị từng loại bệnh, hoặc trị bệnh câm, hoặc trị bệnh điếc, chứ không có thuốc nào trị được tất cả bệnh. Nếu có loại thuốc trị được tất cả bệnh, đó là thuốc trị tâm điên đảo của chúng sanh. Dùng thuốc này, chúng ta tỉnh sáng, không tăm tối nữa thì tất cả bệnh đều tiêu trừ. Đây là thứ thuốc mà ngày xưa trên hội Linh Sơn, đức Thế Tôn gọi là chánh pháp nhãn tạng, là Niết-bàn diệu tâm, là pháp môn vi diệu đệ nhất.
Bây giờ, chư huynh đệ đang được uống thuốc của Hòa thượng Trúc Lâm mỗi ngày, uống mà không uống. Vì chúng ta tụng kinh, tọa thiền, học Phật pháp, lao động, bửa củi với tâm niệm thư thái, không dính mắc bất cứ thứ gì. Thứ thuốc này lưu chuyển trong nội tạng thì chẳng những đui què câm điếc, mà sự thống khổ điêu đứng ở địa ngục cũng đều dứt sạch. Tứ Minh đạo nhân (ngài Đàm Tú) từ lâu đã là thầy thuốc đi khắp nơi, nếu ai được nếm đầy đủ thuốc này đều thấy linh nghiệm. Ngài Đàm Tú đã đi khắp nơi truyền bá thuốc này từ lâu, nhưng nhân duyên người nào nếm được thuốc mới lành bệnh. Chứ còn thầy đi xuống núi, chẩn mạch cho thuốc mà người bệnh không chịu uống thì đành thôi.
Vì thế nay tôi hoan hỷ đề tựa và ấn hành sách này để lưu truyền đời sau. Lưu truyền sách này nghĩa là lưu truyền một phương thuốc chuyển hóa mê lầm, quét sạch tất cả những tăm tối vướng mắc vây bủa tâm thể rỗng rang sáng suốt nơi mỗi người.
LỜI TỰA NHÂN THIÊN BẢO GIÁM Trộm nghe, điều hay đẹp của bậc tiên đức không thể tỏ rõ nơi đời, đó là do lỗi của người sau. Như bậc cổ đức của tam giáo đều có mỗi lời mỗi hạnh trong Phật pháp, tuy có sự ghi chép của bia ký, truyện ký, thực lục và sách vở để lại, nhưng tản mác khắp nơi nên không thể đọc hết, xem khắp. Vì vậy những đức tính tốt bị ẩn đi hoặc hầu như không được nghe đến. Tôi sống trải qua nhiều chốn tùng lâm, hoặc được các vị tôn túc đề xướng hoặc thưa hỏi tìm tòi góp nhặt rồi ghi chép lại những điều có thể kích phát chí khí làm gương cho đời, tổng cộng được trăm đoạn, đặt nhan đề là Nhân Thiên Bảo Giám (gương báu cho trời người).
Sự lựa chọn không sắp xếp theo phẩm cách của từng người hay thứ tự trước sau, giống như loại Chánh Pháp Nhãn Tạng của ngài Đại Huệ. Vả lại, các thiền giả xưa kia chưa từng chẳng lấy giáo luật làm chuyên đề, các vị tôn sùng giáo luật chưa từng chẳng dùng thiền làm chuyên mục; cho đến các học giả Nho Lão cũng chưa từng chẳng tương đắc mà triệt chứng. Chẳng phải như người ngày nay chỉ chuyên một môn nắm một vẻ. Họ chê trách lẫn nhau như nước với lửa chẳng thể hòa hợp.
Ôi! Hạnh của người xưa chẳng phải khó làm mà do mỗi người tự kém cỏi rồi cho rằng mình không bằng cổ nhân. Thật chẳng biết người xưa cũng giống như người hôm nay thôi. Nếu ở chỗ ấy mà phấn phát chí khí thì đâu khác gì người xưa. Nay tôi in sách này để truyền rộng lời nói đó, muốn cho người học đời sau biết có các bậc tiền bối điển hình, tất thảy đều đến với đạo mà thôi. Xin các bậc cao minh chớ chê trách! Sa môn Tứ Minh Đàm Tú đề tựa, ngày Kiết chế, năm Thiệu Định thứ 3 (1230 TL)