094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT BẢO DƯỠNG XE MÁY - ROBERT M. PIRSIG THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT BẢO DƯỠNG XE MÁY - ROBERT M. PIRSIG Tác Giả: Robert M. Pirsig
Dịch Giả: Thái An
Nhà Xuất Bản: Hồng Đức
Số Trang: 447 Trang
Bìa: Bìa Mềm – Có Tay Gập
Khổ Sách: 16x24cm
Năm Xuất Bản: 2017
Độ Dày: 2,5cm
TVNT THIỀN & MẬT TÔNG 206.000 đ Số lượng: 3 Quyển
  • THIỀN VÀ NGHỆ THUẬT BẢO DƯỠNG XE MÁY - ROBERT M. PIRSIG

  •  1443 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: TVNT
  • Giá bán: 206.000 đ

  • Tác Giả: Robert M. Pirsig
    Dịch Giả: Thái An
    Nhà Xuất Bản: Hồng Đức
    Số Trang: 447 Trang
    Bìa: Bìa Mềm – Có Tay Gập
    Khổ Sách: 16x24cm
    Năm Xuất Bản: 2017
    Độ Dày: 2,5cm


Số lượng
Lời Nói Đầu Cho Ấn Bản Kỷ Niệm 25 Năm
Tôi đoán mọi tác giả đều mơ ước có được sự thành công như của Thiền Và Nghệ Thuật Bảo Dưỡng Xe Máy trong mấy chục năm qua - vô số bài phê bình ca ngợi, nhiều triệu bản được bán trong hơn hai mươi ngôn ngữ, báo chí mô tả nó là “tác phẩm triết học được đọc nhiều nhất từ trước tới nay”. Dĩ nhiên, khi viết cuốn sách hồi đầu thập niên 1970, tôi cũng có những giấc mơ, nhưng không để mình đắm chìm vào chúng hay công khai bày tỏ vì sợ rằng chúng sẽ bị hiểu là hoang tưởng tự đại, là sự thoái triển về tình trạng tâm thần trước kia của tôi. Giờ đây, khi những giấc mơ đã là sự thật, tôi không còn phải lo về điều đó nữa. Nhưng thay vì kể về một thành công ai cũng biết, có lẽ tốt hơn hết là viết về những thất bại của cuốn sách và giúp khắc phục chúng. Có hai sai lầm đáng quan tâm - một không đáng kể và một quan trọng.


 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 1


Sai lầm không đáng kể là Phaedrus không có nghĩa là “con sói” trong tiếng Hy Lạp. Sai lầm này phát sinh từ kinh nghiệm thực tế ở Đại học Chicago năm 1960, và xuất hiện ở phần IV. Giáo sư triết học của tôi đã nói rằng Plato thích sử dụng những tên gọi gợi lên bản chất tính cách của nhân vật, và trong đối thoại Phaedrus, tên đó được cho là con sói. Tôi nhớ rằng tên thật của giáo sư là Lamm hay Lamb, và ông nhìn tôi như thể ông nghĩ tên con sói hợp với tôi. Khi đó tôi là một người ngoài cuộc, thích công kích những gì được dạy hơn là học hỏi từ nó. Tâm trí hiểu động thái quá của tôi nắm lấy điều này và xác lập nó như mối quan hệ cuối cùng với trường học, và đó là lý do nó đi vào cuốn sách. Nhưng nhân vật mà Plato ví với một con số không phải là Phaedrus mà là Lycias, có cái tên tương tự như chữ lykos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “con sói”. Độc giả đã nhiều lần chỉ ra cho tôi rằng Phaedrus thực ra nghĩa là “sáng láng” hay “rực rỡ” Thật may cho tôi. Nó có thể đã có ý nghĩa khác tệ hơn nhiều.

Sai lầm thứ hai nghiêm trọng hơn vì đã làm phai mờ ý nghĩa nền tảng của cuốn sách. Nhiều người đã để ý rằng phần kết có vẻ không làm sáng tỏ mọi chuyện, có điều gì đó còn thiếu. Một số người gọi nó là “kết thúc kiểu Hollywood”, làm giảm thiểu sự toàn vẹn nghệ thuật của cuốn sách. Họ đúng, nhưng không phải vì ý đồ của cuốn sách là một kết thúc kiểu Hollywood. Ban đầu cuốn sách nhắm tới một cái kết rất khác, nhưng không đủ rõ. Trong kết thúc dự tính ấy, không phải người kể chuyện chiến thắng một Phaedrus xấu xa, mà một Phaedrus đáng tôn trọng chiến thắng người kể chuyện, kẻ từ đầu tới cuối luôn gièm pha anh ta. Trong ấn bản này, một số chương sử dụng font chữ khác cho giọng của Phaedrus và cho các giấc mơ.


 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 2 min


Để giải thích thêm, tôi xin trở lại một hội thảo viết văn sáng tạo được tổ chức vào những buổi chiều mùa đông đầu thập niên 1950 ở Đại học Minnesota. Giảng viên là Allen Tate, một nhà thơ và nhà phê bình văn học lỗi lạc. Trong nhiều buổi, chủ đề của chúng tôi là The Turn of the Crew của Henry James, trong đó một cô trông trẻ cố gắng bảo vệ hai đứa trẻ do cô trông nom khỏi một con ma, nhưng cuối cùng thất bại. Tôi hoàn toàn tin rằng đây chỉ là một câu chuyện ma bình thường, nhưng Tate nói là Henry James còn hơn thế. Cô trông trẻ không phải là nữ anh hùng. Cô là nữ phạm nhân. Kẻ giết hại lũ trẻ không phải là con ma, mà là niềm tin cuồng loạn của cô trông trẻ về sự tồn tại của một con ma. Thoạt đầu tôi không thể tin điều này, nhưng khi đọc lại câu chuyện, tôi thấy rằng Tate đúng. Bạn có thể diễn giải nó theo một trong hai cách. Sao tối lại quên mất điều đó?

Theo giải thích của Tate, James có khả năng đạt được hiệu quả ấy là vì đặt người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Tate nói ngôi thứ nhất là hình thức khó nhất vì tác giả bị đóng đinh trong vai người kể chuyện, không thể thoát ra. Ông không thể nói “trong khi ấy” hay “trở lại với” như một cách chuyển sang chủ đề khác vì đã bị khoá chặt. Nhưng độc giả cũng vậy! Và đó là sức mạnh của người kể chuyện ngôi thứ nhất. Độc giả không xem cô trông trẻ là kẻ có tội, vì những gì cô trông trẻ thấy là tất cả những gì độc giả thấy. Bây giờ trở lại với Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy và lưu ý những điểm tương đồng. Có một người kể chuyện, và bạn không bao giờ rời xa tâm trí anh ta. Anh ta nói tới một con ma xấu xa tên là Phaedrus, nhưng bạn chỉ biết con ma là xấu xa vì người kể chuyện bảo như vậy.

Trong câu chuyện, Phaedrus xuất hiện trong giấc mơ của người kể chuyện theo cách khiến bạn thấy rằng không chỉ người kể chuyện đuổi theo Phaedrus để tiêu diệt nó, mà Phaedrus cũng đang đuổi theo người kể chuyện vì cùng mục đích. Ai sẽ thắng? Ở đây có một sự phân chia nhân cách: hai tâm trí xung đột trong cùng một cơ thể - một tình trạng dẫn tới ý nghĩa ban đầu của cụm từ “tâm thần phân liệt”. Hai tâm trí này theo đuổi những giá trị khác nhau liên quan đến câu hỏi cái gì là quan trọng trong cuộc sống. Người kể chuyện chủ yếu là một người bị chi phối bởi những giá trị xã hội, như lời anh ta nói ở phần đầu, “Đã nhiều năm, tôi không thật sự có một ý tưởng mới nào”. Anh ta không bao giờ kể chuyện mình, ngoại trừ theo những cách có tính toán để khiến bạn thích anh ta.


 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 3


Những ý nghĩ riêng tư, anh ta chia sẻ với bạn, nhưng không chia sẻ với John, Chris hay hai vợ chồng DeWeese. Nói chung, anh ta không muốn tách rời khỏi bạn - độc giả - hay môi trường xã hội xung quanh. Anh ta cẩn thận duy trì một vị trí trong những ranh giới bình thường của xã hội, vì anh ta đã thấy những gì xảy ra với Phaedrus, kẻ không làm như vậy. Anh ta đã học được bài học cần thiết. Không cần điều trị sốc cho anh ta nữa. Chỉ tới một lần, người kể chuyện thú nhận bí mật của mình: anh ta là một kẻ dị giáo, được tất cả mọi người chúc mừng vì đã cứu vớt linh hồn mình, nhưng lại tự biết rằng tất cả những gì anh ta cứu được chỉ là lớp vỏ ngoài. Chỉ có hai người khác biết hoặc cảm nhận được điều này. Một là Chris. Cậu sắp tan nát vì bối rối và đau khổ trong hành trình tìm lại người cha mà cậu nhớ, yêu thương và không sao tìm thấy nữa. Người thứ hai là Phaedrus. Phaedrus biết rõ người kể chuyện là thế nào và khinh miệt anh ta vì điều đó.

Theo quan điểm của Phaedrus, người kể chuyện là một kẻ phản bội, một kẻ nhát gan, đã từ bỏ sự thật để có sự yêu mến và chấp nhận của xã hội gồm những người như bác sĩ tâm thần, gia đình, công ty và những người quen biết ngoài đời của anh ta. Phaedrus thấy người kể chuyện không còn khả năng chân thật nữa, chỉ còn là một thành viên được chấp nhận của cộng đồng, nhượng bộ và chịu đựng trong suốt những năm tháng còn lại. Phaedrus bị chi phối bởi những giá trị lý trí. Anh không thèm bận tâm người khác thích hay không thích mình. Anh dốc lòng theo đuổi một chân lý mà anh cảm thấy có tầm quan trọng lớn lao với thế giới. Thế giới không biết anh định làm gì và cố tiêu diệt anh vì những rắc rối anh gây ra. Anh đã bị tiêu diệt về mặt xã hội - bị làm câm miệng. Nhưng tàn dư của những gì anh biết vẫn lây lất trong đầu người kể chuyện, và đó là nguồn gốc của mâu thuẫn.

Đến cuối cùng, sự thống khổ của Chris đã giải phóng Phaedrus. Khi Chris hỏi, “Có thật ba bị điên không”, và câu trả lời là “Không”, người trả lời không phải là người kể chuyện mà là Phaedrus. Và khi Chris nói, “Con biết mà”, cậu hiểu rằng lần đầu tiên trong cả chuyến đi, cậu đang một lần nữa nói chuyện với người cha đã mất từ lâu. Sự căng thẳng tan biến. Họ đã chiến thắng. Người kể chuyện đạo đức giả đã biến mất. “Giờ đây, mọi chuyện sẽ ổn hơn”, Phaedrus nói. “Có thể dám chắc như vậy”. Để hiểu hơn về Phaedrus đích thực, biết rằng đó không phải là một con ma xấu xa mà là một con người ôn hoà nặng về lý trí, tôi xin giới thiệu Lila, tác phẩm nối tiếp và cũng rất ít người hiểu đúng.



 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 4 min


Trích “Phần 1”:
Không rời tay khỏi phanh trái của chiếc xe máy, tôi có thể nhìn đồng hồ và thấy lúc này là tám rưỡi sáng. Gió thổi sáu mươi dặm một giờ nhưng ấm và ẩm ướt. Nếu tám rưỡi sáng mà đã nóng và oi ả, tôi tự hỏi buổi chiều sẽ như thế nào. Cơn gió mang mùi hăng của những đầm lầy bên đường. Chúng tôi đang ở Central Plains, vùng có hàng ngàn bãi lầy để săn vịt, và đang chạy theo hướng tây bắc từ Minneapolis tới Dakotas. Con đường bê tông hai làn đã cũ, không có nhiều xe cộ kể từ khi một con đường bốn làn xuất hiện song song với nó từ nhiều năm trước. Khi chúng tôi đi ngang một đầm lầy, không khí trở nên mát hơn.

Băng qua rồi, nó đột ngột nóng trở lại. Tôi sung sướng chạy xe trở lại vùng quê này. Chẳng là địa danh gì đặc biệt, chẳng nổi tiếng vì cái gì, nhưng chính vì thế nó có sự hấp dẫn. Sự căng thẳng biến mất ở những con đường cũ kỹ như thế này. Xe chúng tôi xóc nảy trên nền bê tông đúc nằm giữa đám cỏ hương bồ và những đồng cỏ trải dài, càng đi càng nhiều cỏ hương bồ và cỏ đầm lầy. Lác đác đó đây là một hồ nước rộng, và nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy bầy vịt trời ở mép hồ. Và cả lũ rùa. Có một con chim hét cánh đỏ. Tôi vỗ vào đầu gối Chris và chỉ.

“Gì thế ba?”.
“Chim hét!”

Nó nói gì đó tôi không nghe rõ. “Cái gì?”. Nó nắm lấy mũ bảo hiểm của tôi và hét lên, “Con đã nhìn thấy lũ ấy nhiều rồi, ba!”. “Thế à!” tôi hét lại rồi gật đầu. Mười một tuổi, bạn sẽ không mấy ấn tượng với chim hét cánh đỏ. Phải từng trải hơn mới được. Đối với tôi, điều này hoà trộn với những ký ức mà nó chưa có. Những buổi sáng lạnh từ rất lâu rồi, khi cỏ đầm lầy đã chuyển màu nâu và cỏ hương bồ đang vẫy đón gió tây bắc. Mùi của đầm lầy bị khuấy động bởi những đối ủng cao khi chúng tôi vào vị trí, đợi mặt trời lên và mùa săn vịt bắt đầu.


 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 5 min


Hoặc những mùa đông khi bãi lầy đóng băng, tôi có thể bước trên băng và tuyết, giữa những đám cỏ hương bồ chết, không thấy gì khác ngoài bầu trời xám xịt, những thứ chết chóc và cái lạnh. Khi ấy, chim hét đã đi mất. Nhưng bây giờ là tháng Bảy, chúng trở lại và mọi thứ sống động hơn bao giờ hết. Từng ngóc ngách của bãi lầy, đâu đâu cũng có tiếng vo vo, vù vù, chiêm chiếp, tích tích, cả cộng đồng hàng triệu sinh vật đang sống cuộc sống của chúng trong một thảm thực vật liên tục và ôn hoà Khi du hành trên một chiếc xe máy, bạn thấy sự vật theo cách hoàn toàn khác. Đi bằng xe hơi, bạn luôn ở trong một cái hộp, và vì quen với nó rồi nên bạn không nhận ra rằng qua cửa kính xe hơi, những gì bạn nhìn không khác trên màn hình tivi là mấy. Bạn là người quan sát thụ động, mọi thứ trôi qua buồn tẻ trong một khuôn hình.

Đi bằng xe máy, khuôn hình biến mất. Bạn tiếp xúc với tất cả. Không còn chỉ là quan sát, bạn nằm trong khung cảnh, và cảm giác hiện diện thật choáng ngợp. Tiếng rít vèo vèo dưới chân bạn là cái có thật. Nó cũng là thứ bạn có thể bước lên, nằm ngay đó, bị làm mờ tới mức không thể nhận rõ, nhưng bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể đặt chân xuống và chạm vào nó, và mọi thứ, toàn bộ trải nghiệm không bao giờ tách khỏi nhận thức trực tiếp của bạn. Chris và tôi đang tới Montana cùng vài người bạn chạy đằng trước, và có lẽ sẽ đi xa hơn thế. Kế hoạch chắc chắn là bất định, không phải tới đâu mà là cứ đi. Chúng tôi đang đi nghỉ. Những con đường thứ yếu được ưa thích hơn. Tốt nhất là đường lát đá của hạt, kế đến là đường cái của bang. Xa lộ là tệ nhất.

Chúng tôi muốn có thời gian vui vẻ, nhưng với chúng tôi, giờ đây, thời gian vui vẻ được đo lường bằng sự nhấn mạnh vào “vui vẻ” thay vì “thời gian”, và khi bạn có sự chuyển dịch trọng tâm, toàn bộ cách tiếp cận thay đổi. Những con đường đồi núi ngoằn ngoèo xa lắc nhưng thú vị hơn nhiều khi trên xe máy, bạn gặp những khúc ngoặt và không bị lắc từ bên nọ sang bên kia như trong xe hơi. Đường vắng thú vị hơn mà cũng an toàn hơn. Những con đường không có biển quảng cáo và dịch vụ dành cho người đi xe hơi càng tốt, những con đường có các mảnh rừng nhỏ, bãi cỏ, vườn cây ăn quả, đồng cỏ mọc lút tới vai, nơi đám trẻ vẫy tay khi bạn phóng qua, nơi người ta sẽ từ cổng ngó ra, nơi khi bạn dừng lại hỏi đường, câu trả lời thường dài hơn thay vì ngắn hơn bạn muốn, nơi người ta sẽ hỏi bạn từ đâu tới và đã chạy xe được bao lâu.

Đó là vài năm trước, khi vợ tôi, tôi và một số bạn bè lần đầu tiên đi những con đường này. Thỉnh thoảng chúng tôi rẽ ngang để thay đổi cảm giác hoặc đi tắt sang một đường cao tốc khác. Mỗi lần như vậy, quang cảnh thật tuyệt vời và chúng tôi rời đi với cảm giác thư giãn và thích thú. Hết lần này tới lần khác, chúng tôi nhận ra điều đáng lẽ là hiển nhiên: những con đường này thật sự khác với đường chính. Toàn bộ nhịp sống và tính cách của những người cư trú dọc theo chúng cũng khác. Họ không đi đâu cả. Họ không quá bận đến mức mất đi sự nhã nhặn. Sự hiện hữu ở đây và bây giờ là điều tất cả đều biết. Chính những người khác, những người chuyển vào thành phố từ nhiều năm trước và đám con cái lạc lối của họ mới gần như quên mất nó. Phát hiện ấy là một khám phá đích thực.

Tôi đã tự hỏi tại sao phải mất nhiều thời gian như thế tôi mới đi vào những con đường này. Chúng tôi đã nhìn nhưng không thấy chúng. Hay đúng hơn, chúng tôi được huấn luyện để không thấy chúng. Có lẽ chúng tôi đã được dẫn dắt tới suy nghĩ rằng hoạt động thật sự là ở đô thị, toàn bộ những thứ này chỉ là vùng sâu vùng xa buồn tẻ. Đúng là không ngờ. Sự thật đến gõ cửa và bạn nói, “Đi đi, tôi đang bận tìm sự thật”, và nó đi mất. Không ngờ.


 
thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy 6


Mục Lục:
Lời Nói Đầu Cho Ấn Bản Kỷ Niệm 25 Năm
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Lời Bạt


 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây