Tựa
Vô Tự Chân kinh mới đích thực là kinh Kim Cang Bát Nhã. Kinh ấy nếu còn một ý niệm thì không thể bước vào, huống chi là dịch, chú giải, giảng giải, v.v... Do đó, những gì có được ở trong cuốn Kinh Kim-Cang Bát-Nhã chú giải này, cũng chỉ là những ý niệm mà không phải là chân nghĩa. Chân nghĩa của Kim-cang Bát-nhã là ly niệm, ly ngôn, lặng lẽ mà soi chiếu, lạnh thì mặc thêm áo, nóng thì cởi bớt áo ra, nhớp thì tắm, sạch thì thôi, cần ăn thì ăn, cần uống thì uống, thở thì thở bằng mũi, đừng thở bằng mắt, muốn nhìn mây bay thì ngửa mặt lên trời, muốn thấy nước chảy thì nhìn xuống dòng sông, muốn nghe sóng vỗ thì đi về biển cả, muốn ngắm tuyết rơi thì lên đỉnh núi cao, muốn thấy tâm người thì hãy nhìn những động tác đi đứng nằm ngồi, nói cười, ăn uống của họ, muốn thấy tánh người thì hãy nhìn vào những ứng xử bất ngờ của họ, muốn thấy tâm mình thì hãy nhìn vào những chủng tử đang vận hành ở trong tâm thức, muốn thấy tánh mình thì hãy nhìn xem những phản ứng bất ngờ của mình trước những lời khen chê, nguyền rủa và trước những thuận lợi, khó khăn, muốn nắm bắt hư ảo, thì đầu chui vào ngoại cảnh, muốn khế ngộ chân như thì quay về với giác tánh rỗng lặng của tự tâm, chấm dứt nhân ngã. Vạn hữu xưa nay rõ ràng như vậy, chẳng có gì mà bận bịu, không cần hỏi tại sao? Vì hỏi tại sao lại càng thêm rắc rối, đẩy ta đi vào ý niệm thị phi, phi thị, phi phi, thị phi, thị thị, chính thị, chính phi, rốt cuộc cũng chỉ đều là phi thị cả. Nên, tưởng và niệm chưa ly, thì ngôn phải xuất. Ngôn xuất từ niệm và tưởng, nên lắm sai lầm. Vậy, cúi xin các Bậc Thánh Trí Kim-cang mở rộng lòng thương mà chỉ giáo.
Chùa Phước Duyên - Mùa An Cư năm 1990.
Tỷ khưu Thích Thái Hòa Giới Thiệu Kinh Kim Cang – Không Lý Từ Văn Hệ A-Hàm đến Bát-Nhã
Kinh Kim-cang thuộc văn hệ Bát-nhã. Văn hệ Bát-nhã theo ngài Thế Thân (Vasubandhu), một Nhà Phật học hết sức uyên áo của Phật giáo Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ tư Tây lịch, cho rằng, Pháp tạng này đã được đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương Xá, bắt đầu từ năm thứ năm, kể từ khi đức Thế Tôn thành đạo và kinh Kim-cang Bát-nhã đã được đức Phật giảng dạy sau cùng trong văn hệ Bát-nhã. Và cũng theo ngài Thế Thân, các kinh thuộc văn hệ Bát-nhã trước Kim-cang, đức Phật dạy cách loại trừ “tướng”, nhưng chưa triệt để, đến thời đức Phật dạy Bát-nhã sau cùng, là nhắm tới dùng Bát-nhã để chặt đứt mọi sự mắc kẹt của tâm vào các tướng một cách triệt để. Do đó mà gọi văn hệ Bát-nhã sau cùng là Kim-cang.
Và theo sự phán giáo của ngài Thiên Thai Trí Giả (538-597), là một nhà Phật học nổi tiếng và là một vị Tổ Sư của Thiên Thai Tông ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6 Tây lịch, cho rằng, đức Phật bắt đầu giảng dạy văn hệ Bát-nhã cho chúng đệ tử từ năm thứ hai mươi kể từ khi ngài thành đạo. Nội dung của bài kệ phán giáo ấy như sau:
“Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm
Pháp Hoa, Niết bàn cộng bát niên”.
Nghĩa là:
Hai mươi mốt ngày đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm;
Mười hai năm ngài nói kinh A Hàm; tám năm nói kinh Phương Đẳng,
Hai mươi hai năm nói kinh Bát-nhã; và
Tám năm nói kinh Pháp Hoa và Niết bàn.
Như vậy, theo sự phán giáo này thì kinh Bát-nhã đã được đức Phật bắt đầu giảng thuyết từ năm thứ hai mươi kể từ khi ngài thành đạo. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phán giáo có ý nghĩa hết sức tương đối, vì sao? Vì nếu chúng ta đọc kỹ các kinh thuộc văn hệ A Hàm hay Nikāya như Tạp A Hàm hay Tương ưng bộ kinh...chúng ta thấy rằng, ở trong các kinh này, đức Phật cũng đã trình bày giáo lý Duyên khởi, Không, Vô thường, Vô ngã và Niết bàn một cách tóm tắt và cô đọng, và những giáo lý này đã được đức Phật trình bày một cách sâu rộng ở trong Văn hệ Bát-nhã. Và ở văn hệ này đã khai triển Lý nghĩa của Không một cách triệt để và có hệ thống. Do đó, suốt bốn mươi chín năm du hóa, tùy theo căn cơ và khả năng tu chứng của hàng đệ tử nghe pháp mà đức Phật thuyết giáo với giáo lý hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc rộng, hoặc hẹp, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc cô đọng, hoặc khai triển, hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc không thể nghĩ bàn... chứ không phải đi theo một tuần tự rạch ròi, mang tính khoa bản như sự phán giáo của ngài Thiên Thai Trí Giả vậy. Bởi vậy, khiến ta không ngạc nhiên, khi nghiên cứu kinh A hàm và Nikāya lại hàm chứa nghĩa lý Không của văn hệ Bát-nhã. Chẳng hạn đọc Pháp Ấn kinh, bản dịch của ngài Thi Hộ, ở trong Tạp A Hàm, Đại Chính 2, trang 500, ta thấy đức Phật đã trình bày giáo lý về Không cho các Tỷ khưu một cách thú vị như sau:
Ngài nói: “Hỡi các Tỷ khưu! Tánh Không không có sở hữu, không có vọng tưởng, không có khởi điểm, không có kết thúc, siêu việt mọi quan hệ nhận thức. Vì sao? Vì tánh Không, không lệ thuộc không gian, không lệ thuộc sắc tướng, vượt ra ngoài tưởng uẩn, nó vốn không lệ thuộc vào điểm khởi sinh, vượt ra ngoài sự hiểu biết đối chiếu và siêu việt mọi vướng mắc. Vì do nó siêu việt mọi vướng mắc, nên hết thảy pháp nó đều dung nhiếp”
Và ở trong Tiểu Không kinh thuộc kinh tạng Pāli, Trung Bộ 3, bản dịch của ngài Thích Minh Châu, trang 252-259, Đại Học Vạn Hạnh 1975, đức Phật đã nói về sự an trú đối với tánh Không như sau: “Này Ananda, sau khi chứng đạt, ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng Không tánh. Như vậy, này Ananda, các ông cần phải học tập”. Và đọc Tương Ưng Bộ kinh 2, ta thấy gần hết hai phần nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Duyên khởi và Vô ngã; và đọc Tương Ưng Bộ kinh 3, ta thấy hết nửa phần nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Ngũ uẩn và Vô ngã.
Như vậy, những giáo lý này đã được các kinh điển thuộc văn hệ Bát-nhã khai triển một cách triệt để về mặt chiều sâu cũng như chiều rộng đối với ý nghĩa Không của nó, mà điển hình là Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh 5, bản dịch của ngài Huyền Tráng, trang 23, Đại Chính 5, đã đề cập đến hai mươi loại ý nghĩa của Không, mà trong đó Nhất thế pháp không là tánh Không của hết thảy pháp; Bất khả đắc không là tánh Không của cái không thể ý niệm, không thể nắm bắt; Vô tánh không là tánh Không của cái vô thể; Tự tánh không là tánh Không của tự tính; Vô tánh tự tánh không là tánh Không của vô tánh và tự tánh. Đây là những loại Không mà văn hệ Bát-nhã đã khai triển một cách sâu rộng và triệt để từ nơi nghĩa Không của giáo lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã đã được diễn tả ở trong các văn hệ thuộc kinh tạng A Hàm và Nikāya. Giáo lý được trình bày ở trong văn hệ A Hàm và Nikāya rất chú ý đến Ngã không, nhưng giáo lý được trình bày ở trong văn hệ Bát-nhã không những chỉ trình bày Ngã không mà còn trình bày đến Tướng không của Ngã và Pháp một cách triệt để nữa. Ngã không hay Ngã thể tức không hay còn gọi là Nhân không, nghĩa là ngũ uẩn tạo nên thân tâm con người hay chúng sanh, trong đó chúng hoàn toàn không có Ngã thể, nên gọi là Ngã thể tức Không. Pháp không hay Pháp thể tức không, nghĩa là trong năm uẩn không có ngã thể đã đành, mà ngay trong mỗi uẩn cũng không có ngã thể. Cực vi hay vi trần là đơn vị cực tiểu của sắc uẩn, chính nó cũng tương tác duyên khởi, nên chúng hoàn toàn không có pháp thể tồn tại cá biệt; và ý niệm là đơn vị cực tiểu của tâm ý, nó cũng tương tác duyên khởi, nên tâm cũng không có pháp thể tồn tại cá biệt; bởi vậy mà gọi là Pháp thể tức không. Không đã được các kinh điển và các nhà Phật học Đại thừa khai triển sâu và rộng nhiều loại. Tuy nhiên, ở đây ta có thể tóm thâu gồm bốn loại như sau:
• Đương Thể Tức Không
Tất cả vạn hữu đang hiện tiền, chúng không rời Không, nghĩa là ngay trong sự hiện hữu ấy, tự tính của nó là Không. Ngài An Tuệ ở trong Đại Thừa Trung Quán Thích Luận 4, trang 144, Đại Chính 30, nói:
“Nhất thế bất ly Không
Nhất thế đắc thành tựu”.
Nghĩa là:
Vạn hữu không rời Không,
Hết thảy đều thành tựu. • Duyên Khởi Tức Không
Tất cả sự hiện hữu, không có sự hiện hữu nào là đơn điệu, chúng không thể tự sinh, cũng không phải từ nơi cái khác mà sinh, mà chúng sinh khởi là do quan hệ nhân duyên. Cái gì có quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, thì tự tính của cái đó là Không. Hạt mít không thể tự sinh cây mít, nếu không có mặt trời, trái đất, nước, không khí... Và mặt trời, trái đất, nước, không khí... cũng không thể sinh ra cây mít, nếu không có hạt mít. Vậy, hạt mít mà sinh ra cây mít là do quan hệ nhân duyên. Cái gì do quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, thì tự tính của cái đó là Không. Nên, ở trong Trung Quán Luận 4, trang 33, Đại Chính 30, ngài Long Thọ nói:
“Vị tằng hữu nhất pháp
Bất tùng nhân duyên sinh.
Thị cổ nhất thế pháp
Vô bất thị Không giả”.
Nghĩa là:
Chưa từng có pháp nào,
Không từ nhân duyên sinh.
Do đó, hết thảy pháp,
Tự tỉnh đều là Không. • Đương Sinh Vô Sinh Tức Không
Vạn hữu đang sinh khởi trước mắt chúng ta là do quan hệ nhân duyên, nhưng tự tính nơi vạn pháp thì không sinh, không diệt. Do đó, tính Không là tính vô sinh ngay ở nơi các pháp duyên khởi đang sinh diệt ấy. Nên, ở trong Trung Quán Luận 1, trang 2, Đại Chính 30, ngài Long Thọ nói:
“Chư pháp bất tự sinh,
Diệc bất tùng tha sinh;
Bất cộng bất vô nhân,
Thị cố tri vô sinh”.
Nghĩa là:
Vạn hữu không tự sinh,
Không từ cái khác sinh;
Không phải đồng chung sinh,
Không phải vô nhân sinh,
Nên biết rằng, vô sinh.
• Thực Tướng Tức Không
Không tướng là thực tướng của vạn pháp. Thực tướng ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, cũng không thể dùng ý niệm để ý niệm. Cái có thể diễn tả được, có thể ý niệm được, đó là cái sinh và cái diệt; còn cái thực tướng vô sinh, vô diệt thì không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, hay bằng ý niệm. Cái không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay bằng ý niệm đó, chính là thực tướng vô tướng. Ấy là thực tướng Bát-nhã mà Thiền Tôn gọi là Bản địa phong quang và ở Trung Quán Luận 3, trang 24, Đại Chính 30, gọi là Thực tướng của các pháp qua bài kệ dưới đây:
“Chư pháp thực tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sanh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn”.
Nghĩa là:
Thực tướng của các pháp
Dứt tâm hành, ngôn ngữ;
Không sanh cũng không diệt,
Vắng lặng như Niết bàn.
Đọc, tụng, hành trì và cảm nhận kinh Kim-cang Bát-nhã sâu rộng như thế nào là tùy theo căn khí chứng nghiệm của từng người… Mục Lục:
Giới Thiệu Kinh Kim Cang - Không Lý Từ Văn Hệ A-Hàm Đến Bát-Nhã
- Phát Tâm, An Trú Tâm Và Hàng Phục Tâm
- Không Vướng Mắc Bởi Bất Cứ Đối Tượng Nào
- Pháp Và Phi Pháp
- Thực Tướng Là Vô Tướng
- Cách Nhìn Vạn Hữu
- Vạn Hữu Đều Là Phật Pháp
- Nhất Thừa Pháp
- Niềm Tin Và Sự Chuyển Hóa
- Niềm Tin Từ Sự Lắng Nghe
- Niềm Tin Từ Sự Thuận Hành
- Không Gian Của Niềm Tin
- Hiệu Năng Của Niềm Tin
Giải Thích Đề Kinh
- Ý Nghĩa Đề Kinh Theo Phạn Ngữ Và Kinh Văn Theo Thể Loại
- Ý Nghĩa Đề Kinh Kim Cang Bát Nhã Qua Giáo, Lý, Hạnh Và Quả
Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Kim Cang Năng Đoạn Dịch Từ Phạn Văn
Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Dịch Từ Hán Văn
Kinh Kim Cang Chú Giải
Phạn Bản Devanagari
Phạn Bản Phiên Âm La Tinh
Hán Bản La Thập Dịch
Bản Việt Âm
Từ Vựng
Thư Mục Tham Khảo