094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

KINH ĐẠI BẢO TÍCH (BỘ 9 QUYỂN) - HT THÍCH TRÍ TỊNH KINH ĐẠI BẢO TÍCH (BỘ 9 QUYỂN) - HT THÍCH TRÍ TỊNH Dịch Giả: Thích Trí Tịnh
Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo
Hình Thức: Bìa Da Cứng
Trọn Bộ: 9 Quyển
Khổ Sách: 15x23cm
Năm Xuất Bản: 2021
KĐBT THÍCH TRÍ TỊNH 1.400.000 đ Số lượng: 9 Bộ
  • KINH ĐẠI BẢO TÍCH (BỘ 9 QUYỂN) - HT THÍCH TRÍ TỊNH

  •  4459 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: KĐBT
  • Giá bán: 1.400.000 đ

  • Dịch Giả: Thích Trí Tịnh
    Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo
    Hình Thức: Bìa Da Cứng
    Trọn Bộ: 9 Quyển
    Khổ Sách: 15x23cm
    Năm Xuất Bản: 2021


Số lượng
Lời Nói Đầu Của Dịch Giả
Trong Khế Kinh đức Phật nói chỉ vì một đại sự nhơn duyên mà đức Phật xuất hiện thế gian có lẽ muốn mọi người mọi chúng sanh đều thành Phật đồng như đức Phật. Lời đức Phật thật đơn giản mà ý nghĩa thật tột cùng sâu rộng. Trong lời nói đó có nghĩa cứu cánh bình đẳng, Phật và chúng sanh không có sai khác. Còn có nghĩa là hiện tại mỗi chúng sanh đều có đủ tánh đức giống như Phật. Cũng có nghĩa là nếu chúng sanh có lòng tin thanh tịnh, y giáo phụng hành thì quyết định sẽ thành Phật như trong đại thừa kinh thường có câu chính đức Phật dạy: “các người là Phật sẽ thành, còn chư Phật là Phật đã thành”.

 
kinh đại bảo tích 1 min


Vì thấy rõ tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật nên đức Phật ra đời, dùng thân khẩu truyền cho đời những phương cách, những pháp môn làm điều kiện cụ thể để bước lên đường Phật, để rồi đến quả Phật, thành Phật. Những phương pháp cụ thể đó là Phật Pháp. Vì các chúng sanh căn trí không đồng nhau, tánh không đồng nhau, ý thức cùng sự mong muốn v.v… cũng không đồng nhau, nên đức Phật phải theo cơ mà dạy rất nhiều pháp môn, nhiều đến phải dù từ “vô lượng pháp môn”.

Dẫu là vô lượng nhưng nếu mỗi chúng sanh y theo một pháp môn, đúng với tâm tánh thích nghi của chính mình, rồi quyết tâm học hiểu, hành trì thật đúng, thật bền, thật sâu, thì nhứt định đạt thành đạo quả. Như trên nói: mọi  chúng sanh đều có đủ đức tánh giống như Phật, chỉ vì điên đảo vọng tưởng, hư vọng phân biệt, dục tham phiền não, chấp trước nên những tánh đức trong sáng sẵn có ấy không hiện thấy. Tất cả những pháp môn của đức Phật dạy, những phương pháp mà đức Phật lúc hành đạo đã thực hành đã hiểu rõ đã kinh nghiệm và do đó đã đạt kết quả cứu cánh, nay đem truyền dạy lại cho mọi người, đều nhắm vào việc phải trừ những ảo tưởng phân biệt, những dục tham phiền não, sẽ cho tánh đức sẵn có phát huy tác dụng. Vì đó là sẵn có nên đức Phật tự nói: “Ta không có một chút pháp gì để thành vô thượng bồ đề cả””.

Phật Pháp là phương tiện đưa người vào đạo, là liều thuốc chữa trị bịnh hư vọng phiền não, là các thức rửa lau những đảo tưởng như lau bụi trên mặt gương, mà tuyệt đối không có chút gì là có, là được, vì đạo là tánh đức sẵn đủ vậy. Phật pháp vô lượng môn cô đọng lại trong ba môn vô lậu: Giới, Định, Huệ. Vô lậu Giới để phòng ngừa để ngăn đảo vọng. Vô lậu Định để chặn đứng để đối trừ đảo vọng. Vô lậu Huệ dứt sanh đảo vọng. Và tùy theo giai đoạn mà đảo vọng từng phần được dứt trừ, thì tánh đức sẵn có của hành giả cũng từng phần thể hiện. Đó là các bậc Hiền, các bậc Thánh, các bậc Bồ Tát, cho đến lúc đảo vọng tất cả ảo vọng sạch trọn vẹn thì tánh đức thể hiện trọn vẹn, đó là quả Phật, là thành Phật.

 
kinh đại bảo tích 2


Trong bộ kinh Đại Bảo Tích này, nội dung không ngoài những điều đã nêu ở trên, dầu là rất nhiều rất rộng. Trong thập niên năm mươi, tôi được đọc tụng bộ kinh này từ bổn phương sách của bắc bộ Việt Nam ta, bản hán văn, tôi đã có hoài bão phiên dịch ra Việt văn để được thông dụng theo thời đại. Mãi đến năm 1979 mới hoàn thành bộ Việt văn, và đến nay ngót mười năm mới có đủ duyên và để được đem ra ấn hành lần đầu tiên. Mong rằng sự ấn loát và lưu hành đều tốt đẹp như ý muốn. Cầu nguyện tất cả mọi người, mọi thí chủ, hoặc thiện chí, hoặc công sức, hoặc tịnh tài đều tròn đầy phước lạc. Viết tại chùa Vạn Phước mùa An Cư ngày 12/07/1987. PL.2531.

Phụ Chú: Bộ Kinh Đại Bảo Tích này vào những năm 1987 – 88 – 89 được ấn hành lần đầu tiên. Vì sự bỏ sót của ban ấn loát nên có rất nhiều sai sót, chẳng những chư độc giả không hài lòng mà mỗi khi nhớ đến lòng tôi luôn ray rứt. May mắn thay vào đầu năm nay có như Cư Sĩ Bảo Đăng phát tâm bồ đề khởi xướng tái bản, đem nguyên bản thảo chụp ảnh giao cho ban ấn loát để mong khỏi sai sót trong lần in lại này. Tôi mò mẫm với đôi mắt đã bịnh lòa chép lại lời nói đầu và thêm phần phụ chú đây trong niềm vui mừng vô hạn với lần tái bản đúng y nguyên bản thảo mà tôi đã mấy năm mong muốn. Cầu nguyện cho người phát khởi cũng như toàn ban ấn loát, tất cả thí chủ được vô lượng công đức Pháp Thí. (chùa Vạn Đức, ngày rằm tháng sáu, năm Quý Dậu (1993)
Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh


 
kinh đại bảo tích 3 min



Trích “Kinh Đại Bảo Tích – Tam Tụ Luật Nghi”:
Như vậy, tôi nghe : một thuở nọ đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá. Núi đó cao đẹp, cỏ cây hoa quả đều xanh tốt xum xuê. Hàng Thiên, Long, Dạ Xoa, Tỳ Xá Xà, Khẩn Na La v.v… thường ở nơi đó. Trong núi lại có các loài muông thú : sư tử, cọp, sói, kỳ lân, voi, ngựa, gấu v.v... Núi nầy có đủ các loài chim : chim công, chim két, nhồng, sáo, le le, chim nhạn, chim uyên ương, chim cộng mạng v.v... Các loài chim muông trong núi nhờ oai thần của Phật nên tất cả đều hiền lành chẳng giết hại ăn thịt nhau, thương yêu nhau như tình mẫu tử.

Những cây mộc hương, cây am la, cây chân thức ca, cây ni câu đà, cây chiên đàn, cây trầm thủy mọc rậm thành rừng. Khắp núi đầy những hoa đẹp. Trên đất có những hoa: a đề, chiêm bà, ba tra, bà sư, tô mạng, do đề. Dưới nước có những hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa sen trắng, hoa ca la. Màu hoa hương hoa xen nhau làm cho núi Kỳ Xà Quật vừa đẹp vừa thơm. Trên núi nầy, nửa đêm thường có mây bao phủ, văng vẳng tiếng sấm, láy pháy mưa bay, nước bát công đức chảy thấm khắp núi. Khoảng thời gian vắt sữa, mây mua đều tan. Kế đó gió mát thoang thoảng làm vui thích thân tâm mọi người.

Trong núi nầy có loài cỏ dịu mềm đủ cả sắc lẫn hương, xanh mướt bóng láng như lông ức chim công, thơm như hoa bà sư ca, chạm đến mịn nhuyễn như bông đâu la. Do đây mặt đất mềm dịu, làm êm chân người đi không bao giờ đau rát. Trong núi có nhiều ao, hồ, suối chảy. Giữa nước trong mát đủ các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía mọc lên. Hương sen ngào ngạt khắp núi. Đảnh núi có tòa sen báu lớn tốt đẹp : kim cương xanh làm cọng, lưu ly làm tưa, vàng diêm phù đàn làm cánh rộng lớn, chiên đàn làm gương, ngọc mã não làm nhụy. Tòa sen báu nầy to rộng mênh mông.

Mười ức A Tu La Vương thường cầm mười ức lưới báu ma ni giăng che phía trên bảo tòa. Mười ức Long Vương rưới mưa thơm. Mười ức Kim Xí Điểu Vương miệng ngậm giải lụa màu. Mười úc Khẩn Na La Vương chí thành chiêm ngưỡng. Mười ức Ma Hầu La Dà Vương cung kính cúi nhìn. Mười ức Càn Thát Bà Vương ca ngâm khen ngợi. Mười ức Thiên Đế bủa mây lành, rải các thú hương, các thú hoa, cùng tràng phan bảo cái. Mười ức Phạm Vương cúi mình kính nguỡng. Muời ức trời Tịnh Cư chắp tay đảnh lễ. Mười ức Chuyển Luân Vương mang theo thất bảo. Mười ức Hải Thần đến kính lễ bảo tòa.


 
kinh đại bảo tích 4 min


Tòa sen báu nầy lại có vô số bảo châu nhu ý kết hợp trang nghiêm: Mười ức bảo châu Quang minh ma ni chiếu sáng, mười ức bảo châu Tịnh phuớc ma ni xinh đẹp, mười ức bảo châu Biến chiếu ma ni trong sạch, mười ức bảo châu Diệu quang ma ni chói rỡ, mười ức bảo châu Tạp sắc ma ni chiếu khắp, mười ức bảo châu Diêm phù tràng ma ni vững vàng, mười ức bảo châu Kim cương sư tử ma ni trang nghiêm, mười ức bảo châu Nhựt tạng ma ni rộng lớn, mười ức bảo châu Bất tư nghị ma ni ánh đủ màu, mười úc bảo châu Như ý trang nghiêm vô tận.

Bảo tòa liên hoa nầy có ra là từ nơi thiện căn vô thượng của đức Như Lai. Là chỗ mà chí ý của Bồ Tát ái mộ khắp hiện các nơi. Bảo tòa nầy cũng là từ pháp như huyễn mà có, cũng là từ thiện nghiệp, từ pháp tánh vô tránh, pháp tánh như mộng mà có. Pháp vô hành dùng để ấn. Thuận với lý vô trước, nên cùng khắp mười phương tất cả pháp giới. Do công đức thuận với cảnh giới Phật mà tạo nên. Giả sử trong vô lượng a tăng kỳ kiếp cũng không thể ca ngợi hết sắc tướng xinh đẹp và công đức trang nghiêm của tòa sen báu nầy được. Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn ngụ kiết già trên bảo tòa nầy.

Bên bảo tòa có tám ngàn vị đại Tỳ Kheo câu hội : Tôn giả Kiều Trần Nhu, Tôn giả A Tháp Bà, Tôn giả Ma Sủ Ba, và các Tôn giả : Ma Ha Nam, Ưu Đà Di, Gia Xá, Phú Na, Vô Cấu Thiện Tý, Kiều Phạm Ba Đề, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Na Luật, Tu Bồ Đề, Ly Bà Đa, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tủ, Ưu Ba Ly, La Hầu La, Nan Đà v.v... các vị Thượng thủ Tỳ Kheo nầy đều đã giác ngộ để lý tự tánh, qua khỏi biển tam giới. Các Ngài đi trong hạnh hư không của Như Lai, đều dứt hẳn phiền não, đều trụ nơi vô trụ, dứt hết nghi hoặc đối với đức Như Lai. Các Ngài đã vào trong biển trí huệ của Phật, là bạn bất thỉnh cầu đem lợi ích cho thế gian.


 
kinh đại bảo tích 5 min


Các Ngài luôn vệ hộ tất cả chúng sanh mà làm bạn đi sát theo họ. Các Ngài đã thông đạt cảnh giới Phật pháp. Các Ngài thệ nguyện thủ hộ thọ trì chánh pháp của chư Phật, hiện tiền đặng sanh chủng tánh Như Lai có thể hướng đến nhút thiết chủng trí. Tám ngàn vị đại Bồ Tát câu hội. Thượng thủ là các Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,Tối Thượng Trí Trí Bồ Tát,Tối Thượng Bửu Trí Bồ Tát, Nhứt Thiết Ngũ Ngôn Trí Bồ Tát, Vô Trước Trí Bồ Tát, Hoa Thượng Trí Bồ Tát, Nhụt Thượng Trí Bồ Tát, Nguyệt Thượng Trí Bồ Tát, Vô Cấu Thượng Trí Bồ Tát, Kim Cang Trí Bồ Tát, Viễn Trần Trí Bồ Tát, Quang Tràng Bồ Tát, Diệu Cao Tràng Bồ Tát, Bửu Tràng Bồ Tát, Vô Ngại Tràng Bồ Tát, Hoa Tràng Bồ Tát, Tịnh Tràng Bồ Tát, Nhựt Tràng Bồ Tát, Đoan Nghiêm Tràng Bồ Tát, Ly Cấu Tràng Bồ Tát, Biến Chiếu Tràng Bồ Tát, Đà La Ni Oai Đức Bồ Tát, Bản Oai Đức Bồ Tát, Đại Oai Đức Bồ Tát, Kim Cang Trí Oai Đức Bồ Tát, Vô Cấu Oai Đức Bồ Tát, Nhựt Oai Đức Bồ Tát, Nguyệt Oai Đúc Bồ Tát, Phước Sơn Oai Đức Bồ Tát, Trí Chiếu Oai Đức Bồ Tát, Phổ Thắng Oai Đức Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Bửu Tạng Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát, Thanh Tịnh Công Đức Tạng Bồ Tát, Pháp Hải Tạng Bồ Tát, Biến Chiếu Tạng Bồ Tát, Tề Tạng Bồ Tát, Thắng Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Nhựt Nhãn Bồ Tát, Tịnh Nhãn Bồ Tát, Vô Cấu Nhãn Bồ Tát, Vô Ngại Nhãn Bồ Tát, Phổ Minh Nhãn Bồ Tát, Thiện Lợi Trí Nhãn Bồ Tát, Kim Cang Nhãn Bồ Tát, Bửu Nhãn Bồ Tát, Hư Không Nhãn Bồ Tát, Phổ Nhãn Bồ Tát, Thiên Quan Bồ Tát, Chiếu Pháp Giới Ma Ni Quan Bồ Tát, Diệu Bồ đề Ma Ni Quan Bồ Tát, Chiếu Thập Phương Quan Bồ Tát, Xuất Hiện Nhứt Thiết Phật Tạng Quan Bồ Tát, Siêu Nhứt Thiết Thế Gian Quan Bồ Tát, Phổ Chiếu Quan Bồ Tát, Vô Ánh Tể Quan Bồ Tát, Chấp Trì Như Lai Sư Tử Tòa Quan Bồ Tát, Phổ Chiếu Pháp Giới v.v...

Các vị đại Bồ Tát nầy đều an trụ nguyện hạnh Phổ Hiền, chỗ làm không trụ trước, vì khắp tất cả cõi Phật. Các Ngài biến hiện vô biên thân, vì gần gũi tất cả chư Phật. Các Ngài duyên cảnh thanh tịnh vô hạn, vì rõ biết tất cả thần biến của chư Phật. Các Ngài đến đi vô lượng, vì không ngớt qua đến chỗ chư Phật hiện thành Chánh đẳng giác. Các Ngài quang minh vô biên, vì trong biển thiệt tướng được trí quang vô biên. Các Ngài nói vô tận công đúc trong vô biên kiếp, vì biện tài thanh tịnh. Các Ngài đồng hư không, vì trí thanh tịnh. Các Ngài không chỗ y ỷ, vì tùy ý lạc thế gian mà hiện sắc thân.

Các Ngài lìa được sự che lòa, vì rõ biết không có chúng sanh giới. Các Ngài trí huệ như hư không, vì phóng lưới quang minh khắp pháp giới. Các Ngài rốt ráo tịch tịnh, vì tâm rất tịch tịnh. Các Ngài trụ cảnh giới tánh trí tất cả tổng trì. Các Ngài dũng mãnh vô úy nơi chánh định. Các Ngài mắt thấy suốt ngằn mé pháp giới. Các Ngài trụ vô sở đắc đối với tất cả pháp, đi nơi biển trí vô biên, đã qua đến bờ trí huệ Bát nhã ba la mật, đến ba la mật của tất cả thế gian, được tụ tại nơi Chánh định ba la mật…


 
kinh đại bảo tích 6 min


Lời Ghi Nhận Sau Kinh Của Người Phiên Dịch
Tôi từ bé đôi mắt đã bịnh yếu lại thêm càng ngày càng cận. Lúc tôi cầm viết ghi mấy dòng nầy là lúc đôi mắt đã bịnh nhiều suốt hơn một năm, kể từ đầu tháng Tám năm ngoái, năm Mậu Thìn (1988), nay nhìn chữ chỉ thấy lờ mờ. Hồi nhớ lại từ ngày vào đạo, theo nghĩa thế tục, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, luôn luôn lấy việc học kinh, tụng kinh, niệm Phật, dạy kinh, giảng kinh và phiên dịch kinh từ Hán tạng ra Việt văn làm chánh hạnh của đời mình. Năm 1947, bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh đầu tiên được ấn hành, kế đến là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, bộ Tam Bảo, bộ kinh Địa Tạng Bổn Nguyện v.v... Đến năm 1953 bộ Đường về Cực Lạc hai tập được ra đời, do bộ này mà hai năm sau, năm 1955, hội Cục Lạc Liên Hữu được thành lập, lấy chùa Vạn Đức ở Thủ Đức làm trung tâm và ngày mùng Sáu tháng Tám, ngày khánh lễ Tổ Huệ Viễn là ngày đại hội thường niên.

Nhớ lại biết bao đạo tình đạo nghĩa của bao nhiêu Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư, Đại Đức, Sư Cô, bao nhiêu Tăng Ni cùng các Đạo hữu cư sĩ từ các tỉnh miền Nam nước Việt, có cả các vị từ Nam Vang (Cambodge) cũng về dự đại hội, tiếng niệm hồng danh đức Phật, sổ ghi công đức niệm Phật được lan rộng gần xa... Tôi ghi vài dòng trên đây là có ý ghi lại ảnh hưởng của bộ Đường về Cục Lạc. Rồi các năm sau, những bộ kinh khác do tôi phiên dịch được tiếp tục ấn hành, như là bộ kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh Đại Bát Niết Bàn, bộ kinh Đại Bát Nhã.

Những năm 1970, tôi dịch xong bộ kinh Đại Bảo Tích, và mãi đến năm 1987 mới được bắt đầu ấn hành. Vì những năm trước đó điều kiện ấn hành không được thuận lợi, nên cũng làm uể oải tinh thần dịch kinh, nên tôi không sốt sắng phiên dịch thêm, để thời gian quí báu tuần tự trỗi qua trong lúc tuổi già thật là điều đáng tiếc. Nhờ vào sự ấn hành bộ kinh Đại Bửu Tích, thúc đẩy tôi phấn khởi, nên trong ba tháng liền an cư năm 1988, tôi dịch xong bộ kinh Đại Tập, và nó được ấn hành tiếp nối bộ kinh Đại Bửu Tích, muốn được thuận lợi, tôi vẫn đề là kinh Đại Bửu Tích, Hán tạng bộ Hạ.

Bộ kinh Đại Bửu Tích Hán văn được lưu hành từ xưa nay, vì thể theo ba môn Vô lậu học Giới Định Huệ, nên Ngài Bồ Đề Lưu Chí để pháp hội Tam Tự Tịnh Giới ở đầu bộ kinh. Bộ Việt văn nầy, tôi thể theo Tam bửu Phật Pháp Tăng nên tôi để pháp hội Vô Lượng Thọ Phật khởi đầu, và cũng có ý muốn cho người đọc lúc mở kinh ra đã kết duyên với đức Phật A Di Đà, đức Phật đã được giới thiệu trong nhiều bộ kinh Đại thừa, và cũng là hồng danh mà phần lớn Phật tử ta luôn trì niệm. Nếu các pháp hữu muốn so với bộ Hán văn, chỉ giản đơn sửa tập I Việt văn thành tập II, và sửa tập I văn thành tập I,là hai bộ Hán và Việt ăn khớp nhau.

Nội dung bộ kinh Đại Bửu Tích Hán văn đến pháp hội Quảng Bác Tiên Nhơn là hết, nhưng hết với nửa chừng. Trong bộ Việt văn nầy, tôi sưu tầm trong Đại tạng, bổ sung phần cuối trọn vẹn cho pháp hội nầy. Và cũng từ Đại tạng tôi dịch thêm pháp hội Diệu Cát Tường Bồ Tát. Tiếp theo đó, nếu các pháp hữu thấy pháp hội nào có câu đức Phật ngự tại giữa khoảng cõi Dục và cõi Sắc trong Đại Bửu Phường Đình thì đó chính là kinh Đại Tập. Cũng từ trong Đại tạng, tôi phiên dịch thêm pháp hội Vô Tận Ý Bồ Tát nối sau bộ kinh Đại Tập Hán văn đã lưu hành và để kết thúc toàn bộ kinh Đại Bửu Tích Việt văn, tôi đặt pháp hội Quán Vô Lượng Thọ Phật.

Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ nầy để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời nầy và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vũng bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tối đang nguệch ngoạc ghi lại vài dòng này, chính tôi, phải chính tôi, không dám ngẩng mặt tự xưng là Tỳ Kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.
Chùa Vạn Đức - Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tỳ (08-10 1989)
Thích Trí Tịnh, Cẩn Chí.


 
kinh đại bảo tích 7



MỤC LỤC:
QUYỂN 1
  1. Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi – Thứ Nhứt
  2. Pháp Hội Vô Biên Trang Nghiêm – Thứ Hai
  3. Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ -  Thứ Ba
  4. Pháp Hội Tịnh Cư Thiên Tử - Thứ Tư
  5. Pháp Hội Vô Lượng Thọ Như Lai – Thứ Năm
QUYỂN 2
  1. Pháp Hội Bất Động Như Lai – Thứ Sáu
  2. Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm – Thứ Bảy
  3. Pháp Hội Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt – Thứ Tám
  4. Pháp Hội Đại Thừa Thập Pháp – Thứ Chín
  5. Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Phổ Môn – Thứ Mười
  6. Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh – Thứ Mười Một
QUYỂN 3
  1. Pháp Hội Bồ Tát Tạng – Thứ Mười Hai
QUYỂN 4
  1. Pháp Hội Phật Thuyết Nhơn Xử Thai – Thứ Mười Ba
  2. Pháp Hội Phật Thuyết Nhập Thai Tạng – Thứ Mười Bốn
  3. Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký – Thứ Mười Lăm
  4. Pháp Hội Bồ Tát Kiến Thiệt – Thứ Mười Sáu
QUYỂN 5
  1. Pháp Hội Phú Lâu Na – Thứ Mười Bảy
  2. Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát – Thứ Mười Tám
  3. Pháp Hội Úc Già Trưởng Lão – Thứ Mười Chín
  4. Pháp Hội Vô Tận Phục Tạng – Thứ Hai Mươi
  5. Pháp Hội Thọ Ký Ảo Sư Bạt Đà La – Thứ Hai Mươi Mốt
  6. Pháp Hội Đại Thần Biến – Thứ Hai Mươi Hai
  7. Pháp Hội Ma Ha Ca Diếp – Thứ Hai Mươi Ba
  8. Pháp Hội Ưu Ba Ly – Thứ Hai Mươi Bốn
  9. Pháp Hội Phát Thắng Chí Nguyện – Thứ Hai Mươi Lăm
QUYỂN 6
  1. Pháp Hội Thiện Tý Bồ Tát – Thứ Hai Mươi Sáu
  2. Pháp Hội Thiện Thuận Bồ Tát – Thứ Hai Mươi Bảy
  3. Pháp Hội Dũng Mãnh Thọ Trưởng Giả - Thứ Hai Mươi Tám
  4. Pháp Hội Ưu Đà Diêm Vương – Thứ Hai Mươi Chín
  5. Pháp Hội Diệu Huệ Đồng Nữ - Thứ Ba Mươi
  6. Pháp Hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di – Thứ Ba Mươi Mốt
  7. Pháp Hội Vô Úy Đức Bồ Tát – Thứ Ba Mươi Hai
  8. Pháp Hội Vô Cấu Thí Bồ Tát Ứng Biện – Thứ Ba Mươi Ba
  9. Pháp Hội Công Đức Bữu Hoa Phu Bồ Tát – Thứ Ba Mươi Bốn
  10. Pháp Hội Thiện Đức Thiên Tử - Thứ Ba Mươi Lăm
  11. Pháp Hội Thiện Trụ Ý Thiên Tử - Thứ Ba Mươi Sáu
  12. Pháp Hội A Xà Thế Vương Tử - Thứ Ba Mươi Bảy
  13. Pháp Hội Đại Thừa Phương Tiện – Thứ Ba Mươi Tám
  14. Pháp Hội Hiền Hộ Trưởng Giả - Thứ Ba Mươi Chín
  15. Pháp Hội Tịnh Tín Đồng Nữ - Thứ Bốn Mươi
QUYỂN 7
  1. Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Vấn Bát Pháp – Thứ Bốn Mươi Mốt
  2. Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn – Thứ Bốn Mươi Hai
  3. Pháp Hội Phổ Minh Bồ Tát – Thứ Bốn Mươi Ba
  4. Pháp Hội Bửu Lương Tụ - Thứ Bốn Mươi Bốn
  5. Pháp Hội Vô Tận Huệ Bồ Tát – Thứ Bốn Mươi Lăm
  6. Pháp Hội Văn Thù Thuyết Bát Nhã – Thứ Bốn Mươi Sáu
  7. Pháp Hội Bửu Kế Bồ Tát – Thứ Bốn Mươi Bảy
  8. Pháp Hội Thắng Man Phu Nhơn – Thứ Bốn Mươi Tám
  9. Pháp Hội Quảng Bác Tiên Nhơn – Thứ Bốn Mươi Chín
  10. Pháp Hội Nhập Phật Cảnh Giới Trí Quang Minh Trang Nghiêm – Thứ Năm Mươi
  11. Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Mốt
QUYỂN 8
  1. Pháp Hội Bửu Nữ - Thứ Năm Mươi Hai
  2. Pháp Hội Bất Thuấn Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Ba
  3. Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Bốn
  4. Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Lăm
  5. Pháp Hội Vô Ngôn Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Sáu
QUYỂN 9
  1. Pháp Hội Bất Khả Thuyết Bồ Tát – Thứ Năm Mươi Bảy
  2. Pháp Hội Bửu Tràng – Thứ Năm Mươi Tám
  3. Pháp Hội Hư Không Mục – Thứ Năm Mươi Chín
  4. Pháp Hội Nhựt Mật Bồ Tát – Thứ Sáu Mươi
  5. Pháp Hội Vô Tận Ý Bồ Tát – Thứ Sáu Mươi Mốt
  6. Pháp Hội Quán Vô Lượng Thọ Phật – Thứ Sáu Mươi Hai
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây