TOÀN TẬP CHÂN NGUYÊN TUỆ ĐĂNG - TS LÊ MẠNH THÁT ( Bìa Cứng )Biên Soạn: Lê Mạnh Thát Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Bìa: Cứng Khổ Sách: 14,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2018 Trọn Bộ: 3 Tập Độ Dày Trọn Bộ: 9cm Chất Giấy: Mịn & ĐẹpS001624HỒI KÝ - TỰ TRUYỆN850.000đSố lượng: 100 Bộ
TOÀN TẬP CHÂN NGUYÊN TUỆ ĐĂNG - TS LÊ MẠNH THÁT ( Bìa Cứng )
Biên Soạn: Lê Mạnh Thát Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Bìa: Cứng Khổ Sách: 14,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2018 Trọn Bộ: 3 Tập Độ Dày Trọn Bộ: 9cm Chất Giấy: Mịn & Đẹp
TRÍCH “ TẬP 1 - LỜI TỰA CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ HAI”: Gần 40 năm sau lần xuất bản thứ nhất, lần xuất bản thứ hai này Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng đã được tăng cường nhiều mặt. Mặt hình thức dễ thấy nhất là các nguyên tác của thiền sư Chân Nguyên bằng chữ Hán và chữ Nôm đã có điều kiện được in lại một cách hoàn chỉnh và đẹp đẽ, mà trước đây chúng tôi đã phải cho viết tay; mà khi đã viết tay, thì hiện tượng tam sao dễ đi đến thất bổn. Thứ hai, người đọc cũng có thể thấy ngay là Toàn tập của Chân Nguyên đã đầy đặn hơn lên, do được phát hiện thêm nhiều những tác phẩm khác của ngài. Trong đó, chúng tôi mạnh dạn xếp bộ sử dân tộc bằng thơ, viết bằng tiếng quốc âm dài nhất hiện biết (8.222 câu) vào hệ thống tác phẩm của thiền sư Chân Nguyên.
Thứ ba, do sự tiến bộ trong các ngành khoa học khác nhau, từ văn học, sử học cho đến các ngành khác, đã trợ giúp cho chúng tôi để xử lý một số vấn đề, mà 40 năm trước chưa thể làm được. Chẳng hạn, vấn đề Thọ Tiên Diễn Khánh là ai, bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu tìm cách xử lý. Thứ tư, về mặt tổ chức, thì trong lần in này, toàn bộ tác phẩm viết bằng chữ Hán được xếp thành 1 tập trong 3 tập của Toàn tập này, để tiện cho người đọc theo dõi nền văn học chữ Hán của dân tộc; 2 tập kia thì dành cho những tác phẩm bằng tiếng quốc âm. Thứ năm, trong hơn 40 năm nghiên cứu về ngài Chân Nguyên, chúng tôi đã nhận được những sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và đồng nghiệp, mà tên tuổi không thể kể ra ở đây hết được; nên đã có thể công bố bộ Toàn tập này một cách toàn bị và chính xác như mong muốn.
Qua đây, chúng tôi xin cảm ơn tất cả quý vị; đặc biệt trong số ấy, chúng tôi phải nhắc đến họa sỹ Lê Quốc Việt, vì đã cung cấp thêm một số tựa bạt của thiền sư Chân Nguyên cho chúng tôi, mà trong lần in trước, chúng tôi chưa được tiếp cận. Xin họa sỹ nhận ở nơi đây lòng biết ơn của chúng tôi, vì sự nghiệp văn hóa chung của Phật giáo và của dân tộc. Và cuối cùng, nếu có sai lầm gì, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tiết Trung thu năm Mậu Tuất, 2018 Lê Mạnh Thát
LỜI GIỚI THIỆU Chân Nguyên là một tác gia lớn của nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Ông đồng thời cũng là một nhà tư tưởng có một số quan điểm đáng lưu ý, đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử văn học và tư tưởng Phật giáo tại nước ta. Dẫu thế, cho đến ngày nay những người viết lịch sử văn học cũng như tư tưởng và Phật giáo vẫn tiếp tục bỏ qua tác gia lớn này, dù rằng tác phẩm của ông đã được bàn cãi khá sâu rộng, nhưng cũng khá mập mờ do không nắm vững tác quyền của chúng. Vì thế, cần có một nỗ lực tập hợp và nghiên cứu lại toàn bộ tác phẩm của Chân Nguyên hiện biết nhằm cung cấp những tư liệu chính xác cho những người công tác trong các lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, tư tưởng và Phật giáo. Chân Nguyên thiền sư toàn tập I ra đời là thể hiện nỗ lực ấy. Tập I này gồm toàn bộ những tác phẩm Hán văn, trừ Ngộ đạo nhân duyên, mà chúng tôi hiện chưa có văn bản trong tay, cùng với Thiền tịch phú và Thiền tông bản hạnh. Vạn Hạnh- Mùa Thành Đạo 1978 Lê Mạnh Thát
TRÍCH “TẬP 2 – LỜI GIỚI THIỆU”: Chân Nguyên thiền sư toàn tập I đã tập hợp lại những tác phẩm viết bằng Hán văn hiện đã tìm thấy của Chân Nguyên cùng với một tác phẩm sử ca quốc âm của ông là Thiền tông bản hạnh. Bây giờ, nhằm công bố những tác phẩm truyện cũng viết bằng quốc âm từ trước tới nay chưa bao giờ được giới thiệu, Chân Nguyên thiền sư toàn tập II ra đời. Thực hiện được công trình này chủ yếu là nhờ chúng tôi đã phát hiện ra bản in thế kỷ XIX của các tác phẩm Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Đạt-na Thái tử hạnh và Hồng mông hạnh. Nói rõ hơn, nhờ tìm được bản in năm Tự Đức thứ 3 (1850) của Nam Hải Quan Âm bản hành, bản in năm Minh Mạng thứ 19 (1838) của Đạt-na Thái tử hạnh, và bản in “Minh Mạng vạn vạn niên” của Hồng mông hạnh, chúng ta biết Chân Nguyên còn là tác giả thêm ba tác phẩm nữa.
Không những thế, vì Nam Hải Quan Âm bản hạnh đã cải biến thành một tác phẩm văn học dân gian rất phổ biến, xuất hiện dưới tên Đức Phật bà truyện, nên Toàn tập II cũng phiên âm và công bố ở đây, để làm tài liệu nghiên cứu cho những người tìm hiểu văn học dân gian và quá trình biến thành dân gian của những tác phẩm hữu danh. Chân Nguyên (1647-1726) là một tác gia lớn của hậu bán thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói ông là người đầu tiên viết truyện bằng thể tài thơ lục bát, mở đầu cho sự ra đời hàng loạt truyện thơ của nền văn học dân tộc ta. Do thế, ông chiếm một vị trí nhất định trong lịch sử văn học và tư tưởng dân tộc.
Việc công bố lại những tác phẩm trên là nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu cho những người làm công tác trong lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, lịch sử và tư tưởng Việt Nam. Để một phần nào trực tiếp phục vụ cho những đối tượng này, chúng tôi không những phiên âm, chú thích tác phẩm, mà còn giới thiệu văn bản cũng như cho viết lại nguyên bản quốc âm do chúng tôi thu thập được. Trong mỗi phần giới thiệu, chúng tôi sẽ nói rõ tình trạng văn bản học của từng bản văn, tên gọi, tác giả, năm soạn cùng cơ cấu và nội dung của nó. Xa hơn nữa, việc phát hiện sự quan liên giữa Nam Hải Quan Âm bản hạnh và truyện Đức Phật bà đã mở ra, theo chúng tôi nghĩ, một hướng đi mới trong công tác tìm hiểu và xác minh lại nguồn gốc cũng như tác quyền của những tác phẩm cho đến nay vẫn còn liệt vào loại khuyết danh.
Chính trong hướng đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu hai tác phẩm khuyết danh khác, đó là Quan Âm tống truyện và Phạm Tải Ngọc Hoa, và đã thấy có những dữ kiện ngôn từ, ảnh tượng và ý tưởng cho phép ta kết luận chúng có thể là những tác phẩm của Chân Nguyên, dẫu một phần nào đã bị quá trình dân gian hóa thanh lọc và cải biến, như đã xảy ra đối với Nam Hải Quan Âm bản hạnh. Chúng tôi sẽ công bố những thành quả ấy trong Chân Nguyên thiền sư toàn tập III. Để hoàn thành Chân Nguyên thiền sư toàn tập II, chúng tôi đã có nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt của quý ôn quý thầy ở các chùa đã cho phép chúng tôi thỉnh các bản in và thủ bản liên hệ đến Chân Nguyên. Xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi. Mùa Vu-lan 1978 - Vạn Hạnh Lê Mạnh Thát
GIỚI THIỆU VỀ NAM HẢI QUAN ÂM BẢN HẠNH Nam Hải Quan Âm bản hạnh là một trong “những truyện có vẻ tầm thường nhưng rất phổ thông trong đại chúng”, “rất thích hợp với tư tưởng và tâm lý của nhân dân trong thời phong kiến suy vong”. Tuy thế, từ trước tới nay, những người viết văn học sử thường nhất trí với nhau để coi nó như một tác phẩm vô danh, hay khuyết danh, của nền văn học dân gian. Tình trạng này tạo cơ hội cho sự ra đời của nhiều giả thuyết về niên đại cũng như tác giả cuốn truyện, về những liên hệ có thể của nó với những nhân vật lịch sử trong quá trình tồn tại của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Chẳng hạn, Hoa Bằng đã nêu lên câu hỏi: “Diệu Trang vương phải chăng là một ông chúa Trịnh?” rồi bàn cãi xem ông chúa Trịnh ấy có phải là Trịnh Giang (1729–1740) không? Hoặc Liên tổ văn học Việt Nam trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đề xuất ý kiến cho rằng “cuốn Phật quốc ký truyện của Hối Tích thiền sư dọn đường cho những tập như Nam Hải Quan Thế Âm hay Quan Âm Thị Kính sau này”.
Mà Phật quốc ký truyện lại soạn vào năm 1750. Do thế, Nam Hải Quan Thế Âm hẳn cũng phải ra đời sau năm ấy. Đương nhiên, bao lâu Nam Hải Quan Âm bản hạnh còn bị liệt vào hàng những tác phẩm khuyết danh của nền văn học dân gian, từ đó không biết rõ nó được sáng tác và xuất hiện vào thời nào một cách đích xác, thì người ta tất không thể nào tránh khỏi được những loại bàn cãi và ý kiến lệch lạc vừa nêu. Không những thế, tình trạng trên còn dẫn đến những quan điểm sai lầm về vai trò của những bộ phận trí thức phong kiến trong quá trình sáng tạo, bảo lưu, cải biến và hoàn thiện các tác phẩm văn học dân gian. Tuy cũng có quan điểm khẳng định rằng “nhiều tác giả thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau ở vào nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đã chung sức xây dựng lên cái gia tài to lớn ấy”, nhưng xu hướng chung vẫn coi những tác phẩm văn học dân gian là xuất phát từ tầng lớp nho sĩ bình dân”, “nho sĩ nghèo”, và xem họ “có vai trò to lớn trong sự phát triển của văn học dân tộc”, “cho sự giao lưu ảnh hưởng giữa văn học dân gian và văn học viết, đặc biệt là văn học viết bằng chữ nôm của trí thức phong kiến”.
Trong khi đó, trên thực tế, tầng lớp Nho sĩ bình dân chỉ là một bộ phận trí thức dân tộc. Ngoài nó ra và ngoài bộ phận Nho sĩ hiển đạt, còn có một bộ phận khác nữa, quan trọng và đông đảo hơn nhiều, đã đóng một vai trò tích cực rất lớn ở nông thôn đối với quá trình hình thành, phát triển và bảo lưu của nền văn học dân gian. Đó là những vị thiền sư, những người trí thức xuất thân từ chùa chiền Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, chính tầng lớp trí thức này đã viết ra và cải thiện phần lớn những tác phẩm, mà ngày nay ta xếp vào loại khuyết danh. Với sự phát hiện bản in năm Tự Đức thứ 3 (1850) với lời ghi rõ ràng là Nam Hải Quan Âm bản hạnh do Trúc Lâm Tuệ Đăng hòa-thượng Chính Giác Chân Nguyên liệu soạn”, ý nghĩ trên bây giờ trở thành sự thật.
Sự phát hiện này do đó không những giúp ta xác định một cách chắc chắn ai là tác giả Nam Hải Quan Âm bản hạnh và thời điểm xuất hiện nó, mà còn đóng góp vào việc tìm hiểu nguồn gốc và thành phần sáng tác những truyện năm hiện đang khuyết danh, chỉ cho ta hướng nghiên cứu phải tiến tới trên con đường dựng lại lịch sử văn học dân tộc. Nó cũng làm cho ta suy nghĩ, phải chăng truyện nôm từ nguyên ủy đã xuất phát từ các chùa chiền Việt Nam do yêu cầu thuyết giảng giáo lí của đạo Phật, rồi dần dà trở thành một nơi bảo lưu tiếng nói, tình tự và nhận thức của dân tộc? Phải chăng nó tồn tại như một chứng nhân để xác minh cho ý kiến nói rằng vì nguồn gốc chùa chiền của chúng, hầu hết các chuyện nôm Việt Nam đã ít nhiều mang màu sắc Phật Giáo…
TRÍCH “TẬP 3 – LỜI NÓI ĐẦU”: Từ lâu Thiên nam ngữ lục được nhận thức là “một gạch nối trung tâm giữa văn thơ nôm thời Nguyễn Bỉnh Khiêm và văn thơ nôm thời Nguyễn Du”. Qua những bản chú thích viết về nó vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, rồi việc một người học trò Bắc Ninh đã nộp bản, để đến năm 1857 thị giảng Trần Dương Quang dâng lên cho vua Tự Đức xem, và năm sau (1858) vua sai Phan Thanh Giản và Phạm Huy chọn người để chữa lại thơ, Thiên nam ngữ lục quả đã nhận được sự quan tâm nhiều mặt của học giới, dân dã và quan phương. Nhưng phải đợi tới giữa thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu và phiên âm mới xuất hiện.
Bắt đầu với bản phiên âm đoạn về Hai Bà Trưng và Đinh Tiên Hoàng của Nguyễn Văn Tố cùng một ít lời giới thiệu ngắn gọn có nhiều sai lạc, rồi đến những nghiên cứu nghiêm túc và kết luận xuất sắc của Hoàng Xuân Hãn về niên đại ra đời, Nguyễn Lương Ngọc và Định Gia Khánh cuối cùng đã công bố được trọn vẹn bản phiên âm Thiên nam ngữ lục. Tuy nhiên, có lẽ do ảnh hưởng của Nguyễn Văn Tố, đặc biệt quan điểm của Hoàng Xuân Hãn về truyền bản AB478 của Thiên nam ngữ lục như là một “bản sao đời Gia Long”, Nguyễn Lương Ngọc và Định Gia Khánh đã bỏ qua không xử lý vấn đề văn bản học của tác phẩm này, dẫn tới việc đánh mất không ít giá trị của bản phiên âm của mình. Đặc biệt, nó không phản ánh được diện mạo nguyên thủy có thể của Thiên nam ngữ lục. Cụ thể, bản phiên âm chỉ có 8.136 câu, trong khi trên thực tế, căn cứ vào truyền bản AB192, ta có tới 8.222 câu, mất đi như vậy tới gần 100 câu, chiếm hơn 1%.
Do thế, cần phải có một bản phiên âm mới, sau khi tiến hành nghiêm túc khâu xử lý văn bản. Thiên nam ngữ lục hiện tồn tại qua hai truyền bản hoàn chỉnh đó là AB192 và AB478. Còn bản AB315 chỉ chép đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thần Tông, nên là một truyền bản bất toàn, chỉ tham khảo khi cần thiết. Truyền bản AB478 đã liên tục được Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh sử dụng làm bản đáy để phiên âm với ý niệm nó là một truyền bản cũ, thậm chí cũ của “đời Gia Long”. Thực tế, nó chỉ một bản sao từ một bản gốc được viết trong khoảng 1801-1857, chứ không thể là một bản sao “đời Gia Long”. Bản AB192 tuy được “thư ký” thư viện trường Viễn Đông bác cổ Pháp “sao lại từ một bản cũ nay đã mất” vào đầu thế kỷ này, sau khi nghiên cứu, đã tỏ ra “bản cũ” của nó không phải xuất phát từ một truyền bản thế kỷ XIX, mà là từ một bản gốc thế kỷ XVIII.
Phát hiện này về bản gốc của bản sao AB192 hiện có giúp ta đánh giá đúng vị trí văn bản học của nó đối với công tác nghiên cứu Thiên nam ngữ lục ngày nay. Nói thẳng ra, bản AB192 sẽ được dùng làm bản đáy cho việc phiên âm, còn bản AB478 chỉ sử dụng làm khảo dị cùng bản AB315 bất toàn chỉ chép đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thần Tông. Tất cả các khảo dị dưới đây đều rút ra từ bản AB478, nên không ghi xuất xứ và hiểu như đến từ bản ấy. Có một vài khảo dị rút từ bản AB315 chúng tôi ghi rõ ràng xuất xứ từ AB315. Sau khi xử lý vấn đề văn bản và phiên âm, chúng tôi đề nghị nghiên cứu tiếp vấn đề ai viết Thiên nam ngữ lục, mà trước đây chưa có một giải đáp khả dĩ chấp nhận nào.
Nguyên do cho tình trạng này chủ yếu xuất phát từ sự thiếu thốn tư liệu. Hoàng Xuân Hãn chỉ đoán là do một “thân tộc” họ Trịnh viết ra. Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh cũng không tiến xa hơn, thậm chí đề nghị một cách lầm lạc tên Đăng Bính. Ngày nay, với việc phát hiện Thiền tông bản hạnh và Nam Hải Quan Âm là các tác phẩm của thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), chúng ta ở vào vị thế có thể trả lời dứt khoát câu hỏi nêu trên. Đó là thiền sư Chân Nguyên đã viết Thiên nam ngữ lục, chứ không phải ai khác. Giải quyết vấn đề tác giả Thiên nam ngữ lục rồi, chúng tôi đề nghị phân tích sơ bộ nội dung tác phẩm này và tìm thấy Thiên nam ngữ lục quả đã đại diện xứng đáng truyền thống sử học của dân tộc ta.
Truyền thống sử học đây có những yêu cầu và nhiệm vụ đặc thù của nó. Đó là đáp ứng công tác giáo dục ý thức dân tộc cho nhân dân ta, làm nổi bật chức năng và sự nghiệp hàng đầu của mọi người dân là bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ tự do của tổ quốc. Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ đó, nó đã tự đề ra cho mình một phương pháp sử học đặc biệt Việt Nam, không chấp nhận lối viết sử theo kiểu Trung Quốc tương đối phổ biến vào thời Thiên nam ngữ lục ra đời. Trước hết, do yêu cầu và nhiệm vụ đặc thù của mình, truyền thống sử học ấy đã sử dụng loại hình văn vần làm phương tiện chuyển đạt, nhằm truyền thụ một cách rộng rãi những điều cần truyền thụ cho tuyệt đại bộ phận người dân nghe và đọc. Đây là một biểu hiện đoạn tuyệt với truyền thống sử học Trung Quốc, vì chưa bao giờ người Trung Quốc dùng thơ để viết sử.
Trái lại, đó là một bộc lộ ít nhiều ảnh hưởng của lối viết sử Phật giáo. Cụ thể là tiểu truyện bằng thơ về đức Phật của một tác giả Việt Nam vào thế kỷ II sdl, mà dấu vết hiện còn tìm thấy trong Lý hoặc luận của Mâu Tử (k. 160–230) và xa hơn nữa là Phật bản hạnh kinh (Buddhacarita) của người sáng lập ra nên thơ cổ đại của Ấn-độ là Mã Minh (Asvaghosa) vào thế kỷ I tdl. Tiếp đến, do yêu cầu phổ biến rộng rãi, truyền thống sử học Việt Nam này cũng đoạn tuyệt với thói quen dùng chữ nho để viết sử và mạnh dạn trở về dùng ngôn ngữ dân tộc để diễn đạt. Từ đó, Thiên nam ngữ lục không chỉ giữ chức năng một tác phẩm sử học, mà còn thực hiện vai trò của một tác phẩm văn học, xác định tiếng Việt là một ngôn ngữ đủ khả năng diễn đạt mọi sinh hoạt tri thức, tâm tình con người ở những lĩnh vực khác nhau, và diễn đạt một cách nghệ thuật văn vẻ.
Đặc biệt, Thiên nam ngữ lục là một tác phẩm bằng thơ dài nhất hiện biết và là một trong những tác phẩm đầu tiên sử dụng thể thơ lục bát, để viết truyện, dù đó là truyện lịch sử. Thực tế, Thiên nam ngữ lục đã vượt ra ngoài lối viết khô khan gầy guộc, để vươn lên mô tả lịch sử dân tộc ta như một thiên anh hùng ca, một sử thi về cuộc đấu tranh trường kỳ hoành tráng cho độc lập tự do của tổ quốc. Và điều này cũng đúng thôi. Những nhân vật lịch sử đã được thi vị hóa, anh hùng hóa, thậm chí thần thánh hóa cho phù hợp với sự nghiệp vĩ đại họ đã để lại cho dân tộc. Từ một chú bé nằm chồng làng Gióng đến một người con chị ăn mày họ Phạm, từ hai cô gái “tóc mây, mày nguyệt, hơi hương, da ngà” của đất Mê Linh đến một Bà Triệu “vú dài ba thước lôi thôi”, và còn nhiều vị nữa có tiếng và vô danh, tất cả đã không tiếc xương máu, công lao của mình khi tổ quốc cần đến, đã trở thành những anh hùng bất tử trong lòng dân tộc bao la.
Thiên nam ngữ lục đã khắc họa thành công những hình tượng văn học mang tính sử thi như thế, một lần nữa chứng tỏ tác động ít nhiều của lối viết sự tích đức Phật của các tác phẩm như Phật bản hạnh kinh. Sự thật, nhìn từ góc độ văn học, Thiên nam ngữ lục là một chuỗi những tiểu truyện các nhân vật lịch sử từ anh hùng dân tộc cho đến kẻ xâm lược tiếm ngụy, từ nhà tu hành cho đến người thầy thuốc, từ trẻ chăn trâu cho đến bà làm muối, đã được sử thi hóa. Công tác sử thi hóa có nhiệm vụ của nó. Đó là nhằm tác động mạnh mẽ vào tâm thức người đọc và nghe, để đạt đến mục đích nó nhắm tới, là giáo dục ý thức dân tộc cho họ. Cho nên, việc sử dụng tiếng nói dân tộc để thực hiện công tác đó là một tất yếu tự nhiên và do thế đã mở ra, qua Thiên nam ngữ lục, một loại hình văn học mới, loại hình văn học lịch sử diễn ca… Viện Phật học Vạn Hạnh, Mùa Vu-lan năm Quý Hợi (1983) Lê Mạnh Thát
MỤC LỤC: TẬP 1
Lời Tựa
Lời Giới Thiệu
Thiền Sư Chân Nguyên
Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới
Nghênh Sư Duyệt Định Khoa
Tựa Về Long Thư Tịnh Độ Văn
Tựa Sau Cho Việc In Lại
Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt
Tựa Văn Về Việc In Lại Sách
Ngũ Chủng Bồ Đề Yếu Nghĩa
Bài Tựa Về Cuốn Tập Chú Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật
Bài Bạt Hậu Cuốn Tập Chú Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật