Lời Dịch Tam Luận:
Từ năm 1998 tới 2001, chúng tôi mới dịch xong Ba Luận Thư (Tam Luận Toàn Tập) này! Sở dĩ kéo dài như vậy là vì chúng tôi thường phải đi giảng dạy tại các trường Phật Học Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng điều hành các Phật sự tại Chùa Giác Minh và Chùa Vĩnh Nghiêm, đặc biệt khi cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm viên tịch vào cuối năm 2000. Như quý độc giả đã biết, Ba Luận Thư này thuộc Tam Luận Tông, Phật giáo Đại-thừa, nằm trong Tập 30, Đại Tạng Kinh chữ Hán, gồm có:
1. Trung Luận ( 4 quyển)
2. Thập Nhị Môn Luận (1 quyển)
3. Bách Luận (2 quyển)
(20 Phẩm x 5 kệ tụng = 100 Luận điểm) 
Hai Luận Thư đầu của Tổ Long Thọ (Nagarjuna); còn Luận thư sau cùng là của Ngài Thánh Thiên (Arya–Deva). Vậy muốn hiểu rõ ý nghĩa và nội dung của Ba Luận Thư nói trên, chúng tôi đề nghị quý độc giả nên tham khảo những bản sớ giải của ngài Cát Tạng, tức Gia Tường Đại Sư, nằm trong tập 42 của Đại Tạng Kinh như:
– Tam Luận Huyền Nghĩa;
– Trung Quán Luận Sớ
– Thập Nhị Môn Luận Sớ và
– Bách Luận Sớ.
Thời gian đầu, các nhà Phật giáo Đại-thừa xếp Ba Luận Thư trên vào trường phái Tam Luận Tông. Sau đó, Tổ Long Thọ biên soạn thêm Bộ Đại Trí Độ Luận, thì lại gọi là Tứ Luận Tông. Theo sự nhận định của chúng tôi, thì bất kể Luận Thư gì, dù dịch là Thắng Pháp, Vô Tỷ Pháp, Đối Pháp hay Khoa Học chăng nữa... nhưng nếu không có Trí Tuệ Vô Lậu siêu việt, thì cũng chỉ là Thế Trí Biện Thông và tư biện, nghĩa là bằng sự hùng biện của người thế tục có trí thông minh; và tư duy biện luận có hệ thống của Triết học Tây phương mà thôi. Theo Phật giáo thì phải có tu dưỡng thân tâm qua pháp môn Tam Vô Lậu Học (Giới, Định, Tuệ) thì mới đạt được trí tuệ thực nghiệm đó. Lúc đó chúng ta sẽ bàn tới mục đích chung của Luận thư Phật giáo :
- Đối nội: Nghiên chân, hạch ngụy;
- Đối ngoại: Hiển chính, tồi tà.
Tất cả đều hướng tới Giác Ngộ và Giải Thoát cho mình và người. Tuy nhiên, mục đích chung nói trên cần phải được thuyết minh riêng từng điểm. Tóm lại, Ba Luận Thư này, bước đầu chúng tôi đã dịch từ chữ Hán thành chữ Việt, chắc không khỏi sai lầm, kính xin Quý vị Cao Minh hoan hỷ chỉ bảo, để góp phần bé nhỏ vào sự nghiệp Hoằng Pháp Lợi Sinh và cụ thể hơn, làm cho lâu đài Văn hóa Dân tộc và Phật giáo Việt Nam hiện tại và tương lai được trường tồn, hưng thịnh.
Kính ghi - Mùa Vu Lan, năm Tân Tỵ 2001
Người dịch Thích Đức Nghiệp 
Trích “Tam Luận Toàn Tập - Việt Dịch Trung Luận”:
Trong bài lược khảo này, chúng tôi sẽ nói qua sáu vấn đề có liên quan trực tiếp tới Bộ Trung Luận của Bồ-tát Long Thọ.
I. Lý Do Dịch Trung Luận
Trong hai thập niên 1980 – 1990, chúng tôi được mời đi giảng ở các trường Hạ và trường Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Lẽ dĩ nhiên, các sách giáo khoa về Phật Học rất cần cho việc giảng dạy. Nên chúng tôi phải dùng một số Kinh, Luật, Luận sẵn có trong Tam Tạng, và các Kinh Điển hiện nay đã được chư Tôn Đức Tăng Ni và các vị Cư sĩ Phật tử Việt Nam dịch ra chữ Việt. Tuy nhiên, trong các Kinh Điển đã được dịch đó, có bộ Trung Luận của Bồ-tát Long Thọ, ở đầu tập 30 trong Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán, là dịch chưa được đầy đủ! Bởi lẽ các vị dịch giả trước đây chỉ dịch những bài kệ chính, cộng với đôi điều nhận xét của riêng mình; còn bài tựa và phần giải thích của Trung Luận bằng chữ Hán thì vẫn để nguyên vẹn.
Do vậy trong khi giảng dạy, chúng tôi phát nguyện dịch toàn bộ Trung Luận này thành chữ Việt, mong góp phần Hoằng Pháp Lợi Sinh, và báo ân Phật tổ trong muôn một. Hơn nữa chính bản thân chúng tôi cũng đã nghiên cứu bộ Trung Luận này cùng Luận Đại thừa Khởi Tín, Duy Thức Nhị Thập Luận, Duy Thức Tam Thập Luận Tụng và Kinh Pháp Hoa, để lấy một Tín chỉ (Credit) Đại thừa Phật giáo, vì đó là một trong mười Tín chỉ của chúng tôi tại hai trường Đại học Yale và Columbia Hoa Kỳ, từ 1964 tới 1968. Dĩ nhiên, những Kinh Luận ấy, bước đầu chúng tôi đã học trước tại Bắc Việt từ 1942 tới 1954. 
II. Bốn Nhân Vật Kiệt Xuất Phật Giáo Trong Trung Luận
1) Bồ-Tát Long Thọ (Bodhisattva Nagarjuna)
Là tác giả của Trung Luận (Madhyamika sastra), được viết bằng chữ Phạn (Sanskrit). Ngài xứng đáng là một vị Đại Bồ-tát, có đầy đủ đạo đức và trí tuệ siêu phàm, và có cả một kiến thức bách khoa trong các bộ môn Phật học, Thế học và Tôn giáo học. Nhờ đó, ngài đã biên soạn hàng trăm bộ Luận, trong đó có bộ Trung Luận này. Tuy nhiên trong Hán Tạng, thực sự chúng tôi chỉ thấy, mới có 15 bộ là được dịch thành chữ Hán mà thôi. Ngoài ra, ngài còn có tư tưởng cải tiến vĩ đại trong sự nghiệp tập đại thành và hệ thống hóa các Kinh Điển thành hệ Đại-thừa Phật giáo. Theo sự nghiên cứu của Ông Étienne Lamotte, Giáo sư Trường Đại học Louvain Bỉ và dịch giả bộ Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita sastra) gồm 100 quyển của Bồ-tát Long Thọ thì:
"Bồ-tát Long Thọ (Theo chữ Tây Tạng Klusgrub, có nghĩa là Ngài được một vị Long Vương giáo hóa, hay ngài là người giáo hóa các vị Long Vương; theo chữ Hán có nghĩa là Long Thọ, Long Mãnh hay Long Thắng) là một trong những nhân vật cao huyền nhất, và phong phú nhất của Đạo Phật. Có lẽ, ngài sinh vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch và đóng một vai trò hàng đầu trong việc thành lập Phật giáo Đại thừa. Xuất thân từ Nam Ấn Xứ Andhra), ngài có nhiều ảnh hưởng đến cả khu vực Tây Bắc Ấn Độ. Là nhà biện chứng và siêu hình, ngài đã sáng lập trường phái Trung Đạo, chấp nhận Phật học và Mật giáo Đại-thừa, phê phán tiêu cực những Kinh Điển Phật giáo Tiểu-thừa, và đạt tới Chân Không (Sùnyata). Các học thuyết của ngài Long Thọ đã được bàn luận rất nhiều tại Á Châu và Âu Châu. Song, người ta tự hỏi: Trung Luận có xác nhận một thực thể tuyệt đối hiện hữu hay không? Ông Louis de La Vallé Poussin đã từ lâu tin rằng: Trường phái (Trung Đạo) là hư vô và phủ nhận Đấng Tuyệt đối; trái lại, Ông Théodore Stcherbatsky (nhà Phật học người Nga) nêu ý kiến là ngài Long Thọ chỉ phủ nhận hiện tượng để xác nhận Thực hữu... ” (*) 
Và Ông E. Lamotte cũng lưu ý chúng ta rằng, chính tên Bồ-tát Long Thọ đã được tiên đoán trong các bộ Kinh Đại-thừa trước khi ngài ra đời, như Kinh Lankavatara, Kinh Mahamegha sutra, Kinh Mahamaya sutra và Kinh Manjustrimulakalpa sutra. Ở đây, chúng tôi xin trình bày tóm lược ba kiến giải khác nhau về Không Tính và Chân Không (Sunyata) trong Trung Luận của hai nhà Phật học Tây phương và của Bồ-tát Long Thọ bằng ba công thức đại số:
a) Theo Ông Louis de La Vallee Poussin thì:
-S=O (Non - Ens)
Không Tính = Vô.
b) Theo Ông Théodore Stcherbatsky thì:
-S = E (Ens)
Không Tính = Hữu.
c) Theo Bồ-tát Long Thọ thì:
-S=X (L'Infini absolu)
Không Tính = Vô nguyên hay Vô cực vừa bao dung vừa siêu việt cả Hữu và Vô (cả Có và Không).
– Tuy vậy, vấn đề Không Tính hay Chân Không của Bồ-tát Long Thọ trong bộ Trung Luận này, chúng tôi sẽ bàn thêm ở mục IV về ý Nghĩa của Trung Luận.
– Để có cơ sở và chứng minh cho quan điểm của các học giả Tây, Đông đối với Trung Luận hay Không Tính của Bồ-tát Long Thọ, chúng ta cần đọc thêm những tác phẩm của họ như :
– “Mấy suy nghĩ về Trung Luận" (Réflexions sur Le Madhyamaka) của Louis de La Vallée Poussin trong thư viện Đại Học Louvain Bỉ, 1920 (?);
– "Phật giáo đối với Không Tính hay Chân Không" (La Doctrine bouddhique de La Sunyata et du Vide) của Louis de Milloué trong viện bảo tàng Musée Guimet, Paris, 1898-1899;
– "Khái niệm Niết-bàn Phật giáo” và "Luận lý học Phật giáo” (The Conception of Buddhist Nirvana and Buddhist Logic) của Théodore Stcherbatsky, xuất bản 1930 – 1932, Hàn Lâm Viện Khoa học Liên Xô cũ, Léningrad ;
– “Triết học Trung tâm của Phật giáo” (The Central Philosophy of Buddhism) của TRV, Murti, Giáo sư người Ấn Độ tại Đại học Bénares và Ceylon, xuất bản năm 1955, London; và
– “Tinh hoa Phật giáo” (the Essentials of Buddhist Philosophy) của Junjiro Takakusu, Giáo sư người Nhật, tại Đại học Hawaii University, Hoa Kỳ, xuất bản năm 1947. 
2) Ngài Phạm Chí Thanh Mục (Brahmacarin Pingala)
Là người giải thích 500 bài kệ của Bồ-tát Long Thọ trong Bộ Trung Luận bằng chữ Phạn (Sanskrit). Ngài sinh trưởng tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ IV sau Tây lịch. Ngài thuộc thế hệ thứ tư theo hệ thống truyền thừa Không Tôn kể từ Bồ-tát Long Thọ. Nghĩa là tại Ấn Độ từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ VII, trường phái Trung Luận gồm có các ngài:
– Long Thọ, Thánh Thiên, La Hầu La Bát Đa La, Thanh Mục, Kiến Ý, Phật Hộ, Thanh Biện, Trí Quang, Nguyệt Xứng, Sư Tử Quang, Thắng Quang, Trí Hộ v.v... Riêng phần giải thích Trung luận của ngài Thanh Mục có hai chỗ chúng tôi không nhất trí:
• Thứ Nhất: Một trong ba ví dụ (ví dụ thứ ba về cộng kiến: thấy cùng giống nhau, dựa trên Luận Lý học) nhằm giải thích Phẩm thứ 18 như :
“… Nếu cho rằng có 3 loại hiểu biết (nhận thức) bằng loại Tỷ hay loại Suy (analogie) : 1) Theo Quy nạp (par-Induction); 2) Theo Diễn dịch (par Déduction); và 3) Theo Tương tự hay Mô phỏng tức là cộng kiến (par Ressemblance ou par Imitation).
1. Theo quy nạp, có nghĩa là trước đã thấy lửa có khói; nay thấy khói thì biết là có lửa như trước.
2. Theo diễn dịch có nghĩa là: Như nấu cơm, một hạt đã chín thì biết tất cả các hạt khác đều chín.
3) Theo tương tự hay mô phỏng tức là theo cộng kiến, có nghĩa là: Như mắt thấy một người từ đây đi đến kia, và cũng thấy người ấy đi. Mặt trời cũng vậy xuất hiện từ phương Đông đi tới phương Tây. Dù không thấy mặt trời đi, vì nhờ vào người kia có tướng đi, nên biết mặt trời cũng có đi!...”
• Thứ Hai: Ngài Thanh Mục có giải thích 3 bài kệ = 12, 13 và 14 trong Phẩm 20 về Nhận xét hay Phá chấp Nhân Quả như sau:
“Quả quá khứ không hợp với nhân qua khứ, nhân hiện tại và nhân vị lai. Quả vị lai không hợp với nhân vị lai, nhân hiện tại và nhân quá khứ. Quả hiện tại không hợp với nhân hiện tại, nhân quá khứ và nhân vị lai. Như vậy 3 loại quả đều không phù hợp với nhân qua khử, nhân hiện tại và nhân vị lai.”
– Sở dĩ chúng tôi không đồng tình với hai sự giải thích nêu trên của ngài Thanh Mục là vì: Trong sự giải thích thứ nhất, ngài đưa ra một ví dụ sai lầm về loại tỷ và sự thật như : "Mặt trời cũng đi từ phương Đông đến phương Tây cũng như một người đi từ đây (nơi này) đến kia (nơi khác)”.
– Về loại tỷ thì phẩm loại và tính chất của mặt trời không giống (tương tự) như một người.
– Về sự thật thì mặt trời không có đi từ phương Đông đến phương Tây.
Có lẽ, chúng ta không nên chê trách. Bởi lẽ đó là một khái niệm sai lầm chung về Thiên văn học của cả Đông phương và Tây phương, mà kéo dài suốt từ đời Thượng cổ (trước Tây lịch), từ nhà Thiên văn Hy Lạp Claude Ptolémée đến hết đời Trung cổ (Moyen Age – 1500 sau Tây lịch). Nghĩa là, khoa học Thiên văn hiện đại chính xác mới bắt đầu từ đầu thế kỷ 16 cho tới hiện nay từ Copernic, Galilée, Laplace v.v... Và trong sự giải thích thứ hai về 3 bài Kệ: 12, 13 và 14 của Phẩm 20, ngài Thanh Mục cũng vướng mắc sai lầm, vì chủ ý của Bồ-tát Long Thọ muốn lưu ý độc giả:
– Về mặt tương đối, Không Tính không phải chỉ là Nhân Quả đồng thời, mà là cả Nhân Quả dị thời nữa;
– Về mặt tuyệt đối, nên hiểu Không Tính như là "Phi sắc, phi tâm, phi Nhân Quả pháp" – chẳng phải vật, chẳng phải tâm, chẳng phải Nhân Quả gì hết... Nói cách khác, không tính dung nhiếp và siêu việt tất cả vũ trụ, nhân sinh, vạn sự, vạn vật… 
MỤC LỤC:
Lời Dịch Tam Luận
Việt Dịch Trung Luận
TRUNG LUẬN (QUYỂN THỨ NHẤT) - Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Nhân Duyên Thứ Nhất
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Đi Và Đến Thứ Hai
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Sáu Giác Quan Thứ Ba
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Năm Ấm Thứ Tư
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Sáu Đại Thứ Năm
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Sự Nhiễm Dục Và Người Nhiễm Dục Thứ Sáu
TRUNG LUẬN (QUYỂN THỨ HAI)
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Ba Tướng Thứ Bảy
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Người Làm Và Việc Làm Thứ Tám
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Bản Ngã Thứ Chín
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Lửa Cháy Và Nhiên Liệu Thứ Mười
- Nhận Xét (Phá Chấp) Bản Thể Đầu Tiên Thứ Mười Một
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Khổ Thứ Mười Hai
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Hành Nghiệp Thứ Mười Ba
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Thành Hợp Thứ Mười Bốn
TRUNG LUẬN (QUYỂN THỨ BA)
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Có Và Không Thứ Mười Lăm
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Trói Buộc Và Cởi Mở Thứ Mười Sáu
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Nghiệp Quả Thứ Mười Bảy
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Ngã Thứ Mười Tám
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Thời Gian Thứ Mười Chín
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Nhân Quả Thứ Hai Mươi
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Thành Và Hoại Thứ Hai Mươi Mốt
TRUNG LUẬN (QUYỂN THỨ TƯ)
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Như Lai Thứ Hai Mươi Hai
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Điên Đảo Thứ Hai Mươi Ba
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Bốn Sự Thật (Tứ Đế) Thứ Hai Mươi Bốn
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm Niết Bàn Thứ Hai Mươi Lăm
- Nhận Xét (Phá Chấp) Phẩm 12 Nhân Duyên Thứ Hai Mươi Sáu
- Nhận Xét (Phá Chấp) Tà Kiến Thứ Hai Mươi Bảy
VIỆT DỊCH THẬP NHỊ MÔN LUẬN
- Lời Tựa Mười Hai Môn Luận
- Mục Lục Các Phẩm Mười Hai Môn Luận
MƯỜI HAI MÔN LUẬN
- Thứ Nhất: Nhận Xét Môn Nhân Duyên
- Thứ Hai: Nhận Xét Môn Có Quả, Không Quả
- Thứ Ba: Nhận Xét Môn Duyên
- Thứ Tư: Nhận Xét Môn Tướng Trạng
- Thứ Năm: Nhận Xét Môn Có Tướng Và Không Có Tướng
- Thứ Sáu: Nhận Xét Môn Một Và Khác
- Thứ Bảy: Nhận Xét Môn Có Và Không
- Thứ Tám: Nhận Xét Môn Tính
- Thứ Chín: Nhận Xét Môn Nhân Quả
- Thứ Mười: Nhận Xét Môn Người Làm (Tác Giả)
- Thứ Mười Một: Nhận Xét Môn Ba Thời Nhân Quả
- Thứ Mười Hai: Nhận Xét Môn Sinh Ra
VIỆT DỊCH BÁCH LUẬN
- Lời Tựa Của Ngài Thích Tăng Triệu
BÁCH LUẬN (QUYỂN THƯỢNG)
- Phẩm Thứ Nhất: Xả Bỏ Tội Phúc
- Phẩm Thứ Hai: Phá Chấp Thần Ngã
- Phẩm Thứ Ba: Phá Chấp “Một”
BÁCH LUẬN (QUYỂN HẠ)
- Phẩm Thứ Tư: Phá Chấp “Khác”
- Phẩm Thứ Năm: Phá Chấp Căn (Giác Quan)
- Phẩm Thứ Sáu: Phá Chấp Đối Tượng (Trần Cảnh)
- Phẩm Thứ Bảy: Phá Chấp Trong Nhân Có Quả
- Phẩm Thứ Tám: Phá Chấp Trong Nhân Không Có Quả
- Phẩm Thứ Chín: Phá Chấp Thường
- Phẩm Thứ Mười: Phá Chấp “Không”