094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN (A TÌ ĐẠT MA) - HT TUỆ SỸ TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN (A TÌ ĐẠT MA) - HT TUỆ SỸ Dịch: Tuệ Sỹ - Nguyên An
NXB: Hồng Đức
Số Trang: 579 Trang
Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập
Khổ: 14x20,5cm
Năm XB: 2020
Độ Dày: 3cm
TDMT SÁCH VỀ LUẬN 180.000 đ Số lượng: 1000000 Quyển
  • TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN (A TÌ ĐẠT MA) - HT TUỆ SỸ

  •  1899 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: TDMT
  • Giá bán: 180.000 đ

  • Dịch: Tuệ Sỹ - Nguyên An
    NXB: Hồng Đức
    Số Trang: 579 Trang
    Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập
    Khổ: 14x20,5cm
    Năm XB: 2020
    Độ Dày: 3cm


Số lượng
Tập Dị Môn Túc Luận và Pháp luận là hai luận thư căn bản trong sáu luận chân (pādaśāstra, túc luận), điểm lập cước, của bộ phái Thuyết nhất thiết hữu (Sarvāstivāda). Vấn đề tác giả và niên đại phỏng định của hai bộ luận này liên hệ mật thiết với lịch sử phát triển của văn học Abhidharma, không chỉ giới hạn trong bối cảnh phát triển của Hữu bộ với văn hệ Sanskrit Phật giáo, mà còn liên hệ mật thiết đến lịch sử hình thành và phát triển của văn học Abhidhamma-Pāli của Nam phương Thượng tọa bộ. Nghiên cứu lịch sử phát triển của hai hệ văn hiến Phật giáo Nam-Bắc này đã lôi cuốn rất nhiều học giả Đông-Tây trong các ngôn ngữ hiện đại Anh, Pháp, Đức, Nhật và Hoa. Kết quả của các công trình nghiên cứu này đã được tóm tắt một phần trong phần Tổng luận cho bản dịch Việt của Pháp uẩn túc luận(*), do đó chúng tôi tưởng ở đây không cần thiết phải lặp lại. Tuy vậy, những điểm riêng biệt của Tập dị môn, đặc biệt là quan hệ đến Chúng tập kinh, và các Kinh cùng chủng loại, cần được đề cập chi tiết trong phần giới thiệu của bản dịch Việt này.

 
tập dị môn túc luận 1



TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN

1. Niên Đại Và Tác Giả: 
Niên Đại
Về niên đại, trong lịch sử thành lập Thánh điển A-tì-đàm cùng với Luận thư của các bộ phái, một số nhà nghiên cứu cho rằng Tập dị môn được hình thành sau Pháp uẩn, lý do là có đến 14 lần luận này dẫn Pháp uẩn. Ý kiến khác, đại biểu là E. Lamotte và Frauwallner, và Độ Biên Mai Hùng (Watanabe Baiyū), nhận định Tập dị môn được hình thành trước. Độ Biên Mai Hùng mặc dù đã đếm được số lần dẫn Pháp uẩn trong Tập dị môn, nhưng vẫn cho rằng Tập dị môn được thành lập trước. Ông nêu ba lý do:

A. giải thích của Pháp uẩn nhiều hơn;
B. trong cùng một đoạn văn giải thích, Pháp uẩn giải thích rõ ràng hơn;
C. theo thứ tự niên biểu, Pháp uẩn được dịch trước.

Điều này muốn nói rằng, bởi vì Pháp uẩn được phiên dịch trước, cho nên trong khi phiên dịch Tập dị môn, những hạng mục nào mà Pháp uẩn giải thích nhiều lần hơn, và rõ ràng hơn, thì không cần phiên dịch lặp lại trong Tập dị môn, mà chỉ nói gọn: "Như Pháp uẩn túc luận nó"

Ý kiến của Độ Biên Mai Hùng (Watabe Baiyū) được Mục Kiến Huyền (Maki Tatsugen) tán thành và dẫn thêm hai chứng cứ. Thứ nhất, Pháp uẩn, phẩm 19, hành uẩn được phân biệt thành hai loại khác nhau, tương ưng với tâm và không tương ưng với tâm; trong khi Tập dị môn giải thích hành uẩn như thường thấy trong các kinh. Thứ hai, Pháp uẩn, từ phẩm thứ hai về bốn Dự lưu chi cho đến phẩm 14 về bốn tu định, những hạng mục này tương đồng với Tập dị môn, mặc dù thứ tự của các hạng mục không nhất trí. Với chứng cứ thứ nhất, những giải thích của Pháp uẩn có phần phát triển hơn Tập dị môn. Với chứng cứ thứ hai, nên nói Pháp uẩn được phát triển từ Tập dị môn.

Những biện luận này khá thuyết phục. Bởi vì, niên biểu phiên dịch của Tập dị môn và Pháp uẩn được ghi rõ trong các Kinh lục, đặc biệt Khai nguyên Thích giáo lục, soạn bởi Trí Thăng vào đời Đường niên hiệu Khai nguyên 18 (730) nghĩa là sau ngày Huyền Trang tịch 66 năm; bản Kinh lục này nói:

A. Pháp uẩn túc luận, dịch năm Hiển khánh thứ 4 (659), ngày 27 tháng 7, tại Viện Phiên Kinh chùa Từ ân, đến ngày 14 tháng 9 thì hoàn tất.
B. Tập dị môn túc luận, dịch năm Hiển khánh thứ 5 (660), ngày 26 tháng 11, tại điện Minh nguyệt, chùa Ngọc hoa, đến niên hiệu Long sóc 3 (663), ngày 26 tháng 11, đến ngày 29 tháng 12 hoàn tất.

Quy tắc phiên dịch của Huyền Trang được nói là "trực dịch", nghĩa là dịch thẳng nguyên văn, có khi được hiểu là không thêm không bớt; nhưng thực tế, trong bản Hán dịch Câu-xá, Huyền Trang đã thêm không ít từ và cú, tất nhiên với mục đích để độc giả Hán có thể hiểu những ý niệm nghe quá lạ tai. Cho nên, Tập dị môn luận qua Hán dịch của Huyền Trang Pháp uẩn được dẫn để cho văn bớt rườm ra, là khả năng có thể xảy ra.



 
tập dị môn túc luận 2


Tác Giả
Về tác giả của Tập dị môn luận, như đã được nói trong phần Tổng luận của bản dịch Việt của Pháp uẩn, theo truyền thuyết của Huyền Trang lưu hành tại Trung quốc, Tập dị môn do Xá-lợi-phất soạn, Pháp uẩn do Đại Mục-kiền-liên. Nhưng truyền thuyết của Yaśomitra (Xứng Hữu) lưu hành tại Tây Tạng, nói Tập dị môn do Mahā-Kauṣṭhila (Đại Câu-hi-la), Pháp uẩn do Śāriputra (Xá-lợi-phất). Quan điểm của các nhà nghiên cứu về vấn đề này cũng đã được thuật lại trong phần Tổng luận đã nhắc đến.
Tuệ Sỹ, trích phần "Khái thuyết Kinh Chúng tập và Luận Tập dị môn".
 

 
tập dị môn túc luận 3


TRÍCH:
I. PHẨM DUYÊN KHỞI
Một thời, Thế Tôn du hành ở Lực sĩ sinh xứ, rồi đi dần đến ấp Ba-bà, trụ tại rừng Chiết-lộ-ca. Bấy giờ, trong ấp ấy, chúng lực sĩ ở tại khoảng đông tâycủa thôn là nơi thường tụ họp giải trí, chỗ ngôi đền Ôn-bạt-nặc-ca, mới dựng một đài quán thanh nhã, chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn v.v… cùng các lực sĩ từng thọ dụng đài quán ấy. Khi ấy, chúng lực sĩ nghe tin đức Phật Thế Tôn cùng với Bí-sô Tăng đang trú trong khu rừng gần đây, họ hết sức vui mừng, cùng nhau thảo luận rằng:

“Chúng ta vừa mới sửa sang đài quán thắng diệu. Vậy trước tiên nên thỉnh Đức Phật cùng với Bí-sô Tăng, là ruộng phước vô thượng đến lưu trú tại đấy. Sau đó chúng ta tùy theo nghiệp thắng thiện mà đạt được tư tài từ trong sự thọ dụng này, do đây hoạch đắc lợi ích an ổn lâu dài, há chẳng tốt sao?”

Các lực sĩ sau khi thảo luận như thế, mỗi vị tập hợp bạn bè và quyến thuộc của mình, cùng nhau rời khỏi thôn Ba-bà, đi đến chỗ đức Như Lai. Sau khi đến nơi, đảnh lễ hai chân Thế Tôn, nhiễu quanh về phía phải Phật ba vòng, rồi ngồi lui một bên.

Lúc ấy, đức Bạc-già-phạm dùng âm thanh từ nhuyễn thăm hỏi các lực sĩ và quyến thuộc, ngài lại bằng đa dạng pháp môn vi diệu, thị hiện, khen ngợi, khích lệ. Nói xong những điều này, Thế Tôn im lặng an trú. Chúng lực sĩ nghe Đức Phật thuyết giảng xong, hoan hỷ phấn chấn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay cung kính đồng bạch Phật:

“Chúng con là các lực sĩ trong ấp này, ở tại khoảng đông tây của thôn là nơi thường tụ họp giải trí, chỗ ngôi đền Ôn-bạt-nặc-ca, mới dựng một đài quán thanh nhã, chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn v.v… cùng các lực sĩ từng thọ dụng đài quán ấy. Thỉnh cầu Thế Tôn thương xót chúng con, hãy cùng chư vị đệ tử đến lưu trú tại đó, khiến chúng con được lợi ích an ổn lâu dài”.


 
tập dị môn túc luận 4


Khi ấy, Đức Như Lai vì thương tưởng họ nên dẫn chúng đệ tử đến trú tại đó, lại dùng diệu âm, giảng nói cho các lực sĩ về đa dạng sai biệt của quả báo bố thí, vấn đáp qua lại, đã quá phần đầu đêm. Chúng lực sĩ và quyến thuộc nghe được pháp yếu, thảy đều hoan hỉ, đảnh lễ Phật rồi ra về. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Xá-lợi Tử:

“Ta nay đau lưng, muốn nghĩ một chút. Vậy ông có thể thay Ta tuyên thuyết pháp yếu cho Bí-sô Tăng, chớ nên bỏ trống thời giờ”.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử im lặng làm theo Thánh giáo.

Khi đó, Phật trải ốt-đát-la-tăng bốn lớp làm ngọa cụ, xếp đại y làm gối, rồi thẳng mình, nằm nghiêng phía hữu, hai chân chồng lên nhau, như lý tác ý, trụ quang minh tưởng và đang khởi tưởng, kèm theo đầy đủ chánh niệm, chánh tri, như núi báu lớn, tịch nhiên vô động.

Trong thôn Ba Ba này, có Ly hệ thân tử không biết hổ thẹn, tự xưng bậc thầy, vị ấy mạng chung chưa quá tuần tháng, nhưng các đệ tử chia ra làm hai bộ, tranh cãi phân vân, miệt thị lẫn nhau, nói rằng: “Ta hiểu pháp luật, ngoài ra không ai hiểu. Như ta sở tri đây là pháp, đây là luật, điều ta nói là đúng lý hợp nghi, các ông đối với việc này thảy đều bế tắc”. Đối với giáo thuyết của Sư tôn, mỗi người tùy theo kiến chấp cá nhân mà tự ý hoán đổi trước sau, hoặc tăng hoặc giảm, phân chia vụn vặt, lập thành nhiều bộ. Muốn biết hơn thua, nên cùng nhau tranh luận kích bác, để tránh lỗi khó, họ càng phỉ báng lẫn nhau, tuy có luận ngôn nhưng không luận đạo, tàn hại nhau với giáo mác bằng miệng. Bất cứ bạch y nào tin theo pháp đó, thấy bọn đệ tử kia tranh đấu như vậy, thảy đều phản đối, cơ hiềm, chán ghét không theo chúng nữa.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi Tử nói với đại chúng:

Vì trong thôn Ba Ba này, những gì là pháp luật của Thân tử ly hệ đều là ác thuyết, ác thọ, không thể dẫn đến xuất ly, không hướng đến chánh giác, là pháp khả hoại, không thể hướng đến, không thể y chỉ. Duy chỉ Pháp luật Đại sư - đức Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác của chúng ta là thiện thuyết, thiện thọ, có thể dẫn đến sự xuất ly vĩnh viễn, có thể hướng đến Chánh giác, chẳng phải là pháp khả hoại, có thể hướng đến, có thể y chỉ.


 
tập dị môn túc luận 5 min


II. KẾT TẬP PHÁP TẠNG
Hôm nay chúng ta cần phải hòa hợp kết tập Pháp và Tì-nại-da, được nghe từ chính đức Thế tôn khi còn trụ thế. Ngăn ngừa sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, xảy ra việc đệ tử của Thế Tôn có điều tranh cãi, khiến cho pháp luật tùy thuận phạm hạnh được an trụ lâu dài mang lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình; lại vì thương xót thế gian, chúng chư thiên và nhân loại, khiến cho họ có được nghĩa lợi an lạc thù thắng.


PHẨM MỘT PHÁP: Kinh Văn
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi Tử lại nói với đại chúng:

Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với một pháp sau khi đã tự mình khéo thông đạt, hiện đẳng giác, liền tuyên thuyết khai thị cho các đệ tử. Hôm nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để ngăn ngừa sau khi Đức Phật diệt độ xảy ra sự tranh cãi, khiến cho pháp luật tùy thuận phạm hạnh được an trụ lâu dài mang lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình; lại vì thương xót thế gian, chúng chư thiên và nhân loại, khiến cho họ có được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Thế nào là một pháp?

Tụng tóm tắt:

Một pháp là hữu tình
Y thực, y hành trụ,
Trong tất cả thiện pháp,
Không phóng dật bậc nhất.
Tất cả hữu tình đều y thức ăn mà tồn tại.
Tất cả hữu tình đều y các hành mà tồn tại.
Đối với các pháp thiện, không phóng dật là thù thắng.
Đó gọi là một pháp.


LUẬN GIẢI: Y Chỉ Thức Ăn Để Tồn Tại
1. Hết thảy chúng sinh đều y thức ăn mà tồn tại:
Những gì là thức ăn, để nói là hữu tình đều y chỉ thức ăn mà tồn tại?

Như Thế Tôn nói:

“Này Bí-sô nên biết! Có bốn loại thức ăn, có thể khiến các loại sinh vật hay các hữu tình được an trụ, và có thể tăng ích cho các cho kẻ tìm cầu sinh hữu”.
Những gì là bốn?
1. Đoàn thực hoặc thô hoặc tế;
2. Xúc thực;
3. Ý tư thực;
4. Thức thực”.

Do bốn loại thức ăn này, nên nói là các hữu tình đều y chỉ thức ăn mà tồn tại. Do duyên cớ gì mà biết các loài hữu tình đều y chỉ thức ăn mà tồn tại? Chư hữu tình ở trong tụ của hữu tình này, hữu tình kia, do các loại thức ăn này chưa tận làm nhân, do khái niệm, tập hợp khái niệm, ngôn ngữ tập quán mà quy ước: sinh sống, tồn tại, hoạt động sai biệt. Hoặc chư hữu tình ở trong tụ của hữu tình này, hữu tình kia, do Các loại thức ăn này chưa tận làm nhân, do khái niệm, tập hợp khái niệm, ngôn ngữ tập quán mà quy ước: sinh sống, tồn tại, hoạt động sai biệt…


 

MỤC LỤC:
Khái Thuyết
Chánh Văn
  1. Phẩm Duyên Khởi
  2. Phẩm Một Pháp
  3. Phẩm Hai Pháp
  4. Phẩm Ba Pháp
  5. Phẩm Bốn Pháp
  6. Phẩm Năm Pháp
  7. Phẩm Sáu Pháp
  8. Phẩm Bảy Pháp
  9. Phẩm Tám Pháp
  10. Phẩm Chín Pháp
  11. Phẩm Mười Pháp
  12. Tán Khuyến
Sách Dẫn


 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây