Thay Lời Tựa
Tịnh Độ Đại Thừa Tư Tưởng Luận - Nếu thế gian an lành hạnh phúc, lòng người không uẩn khúc đa đoan, đường đời luôn bằng phẳng trong ánh sáng bình minh đầy hoa và bướm, thì không có cảnh tượng thăng trầm, khổ tâm, đau đớn, xót xa. Thế gian này với hoa lá cỏ cây núi rừng sông biển, vạn vật thiên nhiên tự nó nào có phân biệt lớn nhỏ, thánh phàm, khổ vui, thăng trầm, vinh nhục? Đặc tánh thiên nhiên vĩnh viễn muôn đời thanh thản tuyệt nhiên không có lời than thở, hoa nở theo thời, lá rơi theo tiết, chim hót theo mùa, núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, núi sông ghềnh thác linh hoạt tự tại với không gian vô cùng và thời gian vô tận. Nhưng thấy núi sông hùng vĩ, sông uốn khúc lượn quanh, thác đổ oai hùng, bình minh hy vọng, hoàng hôn u buồn, tất cả những hiện tượng đó đều phát xuất từ tâm thức phân biệt của con người. 
Do tâm vọng phân biệt mà thấy hiện tượng bên ngoài có tốt xấu buồn vui. Bởi tâm người phân biệt đa đoan là căn nguyên tạo thành căn tánh sai khác dẫn đến ước muốn mộng mơ không đồng, nên theo đó hình thành vạn tượng chẳng giống nhau. Đầu mối cội nguồn của vạn vật sai biệt đều do vọng tâm sở hiện. Thấy cảnh vật sai biệt, còn mất, thịnh suy, tốt xấu nào có khác người mắt nhắm thấy hoa đốm hư không, ngủ mê chiêm bao thấy cảnh vui buồn trong mộng. Tất cả đều phát xuất từ cội nguồn vọng tâm vọng tưởng rồi theo đó chấp thường chấp đoạn, có đẹp xấu mà sanh khởi buồn vui khổ lụy.
Đức Phật thuyết pháp độ sanh khai mở đường thánh thiện cho vạn loại sinh linh. Ngài đã thấu rõ căn tánh của chúng sanh ngàn sai muôn khác, nên vì đó mà Ngài đã phương tiện khai mở tám vạn bốn ngàn pháp môn tu để thích hợp cho đủ mọi trình độ căn tánh của chúng sanh. Tất cả pháp môn phương tiện Phật pháp đều đồng có khả năng diệu dụng đưa con người đến chỗ thánh thiện an lạc, giác ngộ giải thoát. Trong muôn ngàn pháp môn đó, tuyệt đối không có pháp môn nào hơn pháp môn nào, mà chỉ có pháp môn tu nào thích hợp với căn tánh trình độ của chúng sanh nào, ấy là điều căn cốt trọng yếu của Phật Pháp. 
Pháp môn Tịnh Độ là một trong muôn ngàn pháp môn tu. Như Phật dạy chúng sanh ở vào thời đại mạt pháp, cách Phật đã lâu xa, căn tánh hữu lậu sâu dày, phước mỏng huệ thô, năng lực yếu kém thì pháp môn Tịnh độ là thích hợp nhất. Pháp môn Tịnh độ là dùng tự lực nương vào tha lực để tạo thành sức mạnh tu hành kiên cố vững bền để đạt đến đích giải thoát. Tu pháp môn Tịnh độ chẳng khác nào như đứa trẻ chưa đầy đủ năng lực mạnh mẽ đi bên cạnh mẹ thì tự nhiên cảm thấy an lòng tâm vui không sợ lạc đường té vào gai góc hầm hố. Tu pháp môn Tịnh Độ chẳng khác nào như cọp có sừng. Hành giả tu pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật chẳng khác nào như đến thành phố lạ được người hướng dẫn chẳng sợ bị lạc đường uy hiếp. Ấy là hiệu năng thực tế của pháp môn Tịnh Độ. Xưa nay biết bao người tu Tịnh Độ đã chứng ngộ đạt đạo, vãng sanh, thánh thiện (muốn rõ xin xem quyển Niệm Phật Thập Yếu, Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Kinh Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đường Về Cực Lạc).
Đời này có lắm người tà niệm đại ngôn dám bảo rằng pháp môn Tịnh độ của hạng bình dân, các già ngoáy trầu. Nói thế, chắc là căn tánh trí lực của họ đã hơn các Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc … rồi chăng? Nói thế, mặc nhiên tự nhận họ là trí thức, căn tánh năng lực vượt hẳn cả các tổ Huệ Viễn, Ấn Quang, Khánh Anh, Thiện Hòa … Ngoài ra, lại còn có kẻ vọng ngôn mỵ ngữ tự cho mình là anh em của Phật, hoặc được Phật phái xuống trần gian, hoặc tự xưng là Phật Di Lặc hiện thân, hoặc họ bịa đặt là được Phật mật truyền huyền bí pháp môn “tu tắt” mà chẳng cần phải giữ giới trì trai, vẫn cứ được hưởng thụ tài sắc danh lợi ái dục tham sân lợi kỷ, ngày đêm chỉ chuyên nói chuyện xuất hồn xuất vía, bịa đặt những chuyện tiên giới hoang đường. Đây là điều tối kỵ trong Phật pháp mà đức Phật cấm tuyệt đệ tử của Ngài không được mê tín huyền hoặc ngoại cầu. 
Hạng người như thế cũng chính là đồ đệ của ma vương hiện hình, người mưu đồ hướng dụ kẻ tà tâm hiếu kỳ đi vào đường ma đạo. Điều nguy hiểm hơn nữa, họ khéo lợi dụng Phật pháp để lừa phỉnh, mà mắt thế nhơn chơi trò ngày chim đêm chuột, hầu khiến cho những người nhẹ dạ không phân biệt đâu là Phật đâu là ma, đâu là tà là chánh, đánh lận niềm tin người đời. Chẳng khác nào cái đêm đức Phật sắp thành đạo, con gái ma vương hóa hiện Da Du Đà La kiều diễm đến gốc bồ đề nỉ non than thở với ý đồ phá vỡ sự nghiệp giác ngộ của Phật. Ma vương và đồ đệ quyến thuộc của chúng luôn luôn hóa hình trong mọi hoàn cảnh quyết phá hoại những người chân chánh tu hành, và dụ hoặc kẻ tà tâm hiếu kỳ thiếu niềm chánh tín kiên cố đi vào hố thẳm ma đạo.
Hành giả muốn chân chánh đạt đạo giác ngộ giải thoát như Phật thì điều căn bản trọng yếu trước nhất là phải thực hành theo lời Phật dạy, tu theo pháp môn Phật đã chỉ bày, phải biết chọn thầy lựa bạn để tu, tránh xa những kẻ bịa chuyện hoang đường huyền bí lập dị bày những pháp môn tu mới với ý đồ khêu gợi óc hiếu kỳ để mị người có tâm mộ đạo. Pháp môn tu của đạo Phật rõ ràng thực tế như thuốc chữa bệnh, như ánh sáng mặt trời, tuyệt đối không có chuyện huyền bí hoang đường mị đời mê hoặc lòng người. Nếu hành giả không cẩn trọng sẽ dễ rơi vào lòng ma đạo. Một khi đã rơi vào tà thuyết ma đạo thì khó thoát ra. Nếu biết áp dụng lời Phật dạy tu theo pháp môn Phật chỉ bày thì nhất định hết bệnh, tâm trí sáng ngời, mặt trời trí huệ hiển lộ.
Trái lại, lòng còn tham sân ái chấp, đối với giới pháp không hành trì, suốt ngày nói chuyện huyền bí, thì đừng mong đạt đạo chứng quả. Đức Phật đã chẳng dạy Ngài A Nan đó sao! Nguồn gốc của sanh tử luân hồi là tham và ái. Tỳ kheo quê mùa tôi, Thích Đức Niệm, trí ngu đức bạc, văn nghĩa thô cạn, lời thật mất lòng, nhưng ngặt vì đã mang tâm nguyện ước mong những ai có lòng muốn được thật sống trong ánh đạo giác ngộ của Phật, nên có đôi dòng khẩn thiết trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành, và với quyển Tịnh Độ Đại Thừa Tư Tưởng Luận này mong đóng góp khả năng hèn mọn của mình trong kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Rất mong hành giả nên suy gẫm thận trọng trong khi chọn con đường tu Phật để khỏi oan uổng một đời. Rất mong thay!
Thích Đức Niệm – mùa Vu Lan Kỷ Tỵ - 1989 
Trích “Chương 1 – Luận Về Tịnh Độ”:
Nói đến Tịnh Độ, người ta thường nghĩ đến cảnh Tây phương cực lạc Phật A Di Đà làm giáo chủ. Sự thật danh từ Tịnh Độ không phải chỉ có phạm vi và ý nghĩa hạn hẹp như thế. Cái nhìn về Tịnh Độ ở đây có lẽ mới lạ và rộng rãi khác thường không như từ trước tới nay.
Ý Nghĩa Về Tịnh Độ
Tịnh Độ là một pháp môn trọng yếu trong Phật pháp. Người học Phật cần phải biết rõ ý nghĩa và giá trị của pháp môn Tịnh Độ, nếu không thì vấp phải một thiếu sót lớn lao khi bước vào cửa kho tàng giáo lý đạo Phật. Thường thì người ta mỗi khi nghe nói đến Tịnh Độ liền liên tưởng đến cõi Tây phương cực lạc Phật A Di Đà và niệm Phật vãng sanh. Nhưng kỳ thực Tịnh Độ trong đạo Phật không phải chỉ có Tây phương cực lạc, xưng niệm danh hiệu Phật, đặc biệt là Tịnh Độ cõi Phật A Di Đà trì danh niệm Phật. Đó là quan niệm của Phật giáo Trung Hoa do Ấn Độ truyền sang phát triển và hình thành. Giờ đây, đứng trên quan điểm toàn diện Phật giáo, một cách phổ quát để điều lý thuyết minh về Tịnh Độ.
Cổ đức thường nói: “Giới luật và Tịnh Độ không thể riêng rẽ độc lập mà thành tông”. Thái Hư Đại Sư nói: “Luật là nền tảng chung của ba thừa. Tịnh độ trùm cả ba thừa”. Như thế đủ biết rằng, giới luật đích thực là nền tảng chung cho cả ba thừa: Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát. Không luận là người học Phật tại gia hay xuất gia đều không thể xa lìa giới luật. Tịnh Độ là cảnh giới lý tưởng cho cả đại thừa và tiểu thừa ngưỡng vọng đạt đến. Như Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Duy Thức tông, Tam Luận tông ngay đến cả Thiền tông nữa cũng đều có thể tu hành Tịnh Độ, cầu mong Tịnh Độ và hoằng dương Tịnh Độ. Đây là khuynh hướng chung của Phật giáo chứ nhất định không phải là việc riêng của một phái, một người nào. Đứng trên lập trường đại thể Phật giáo mà nói cùng với cái nhìn của người chuyên hoằng dương từng tông phái một, đương nhiên sẽ có ít nhiều quan điểm bất đồng. Nhưng điểm chung của người tu học Phật là cầu đạt đến Tịnh Độ, dù là Tịnh Độ tự tâm hay Tịnh Độ cảnh Phật. 
Trước hết tưởng nên lược nói ý nghĩa về Tịnh Độ. Độ tiếng Phạn là Ksetra, lược dịch là Sát. Sát Độ có nghĩa là thế giới hoặc cõi nước. Như vậy Tịnh Độ tức là cõi nước thanh tịnh. Tịnh tức là không có nhiễm ô nhơ bẩn. Tịnh có hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực. Nghĩa tiêu cực trong Phật pháp nói về Tịnh, tức là để đối trị với tạp nhiễm, như là vô cấu, vô lậu, sạch không. Ý nghĩa của các danh từ này là phủ định có tính cách tiêu cực. Về nghĩa tích cực không có nhiễm ô tức là thanh tịnh; không có phiền não tức là trí huệ; không có sân hận tức là từ bi; không có tạp nhiễm lỗi lầm tức là thanh tịnh công đức. Như thế thì Tịnh hàm chứa ý nghĩa tích cực. Vì vậy, Tịnh có nghĩa là không có một mảy may ô nhiễm, trưởng dưỡng công đức lành.
Các học giả Tây phương thường nói đến chơn, thiện, mỹ; hoặc khi nói đến ý nghĩa tôn giáo thì liền nêu chữ Thánh. Chơn, đối với Phật giáo là hết sức quan trọng. Như nói đến những thật tướng, chơn như, thắng nghĩa, chơn đế. Thiện, là chỉ cho hành vi đạo đức. Tức là các công đức lành do y theo Phật pháp tu hành tích lũy mà được. Mỹ, đối trong Phật pháp tợ hồ không quan trọng lắm. Như nhan sắc đẹp đẽ, âm thanh hay ho. Các thứ này đối trong Phật pháp thì chỉ thích hợp cho các hình sắc của cảnh giới ngũ dục… 
MỤC LỤC
Chương I: Luận Về Tịnh Độ - Ý Nghĩa Về Tịnh Độ
- Các Loại Tịnh Độ
- Cảnh Trí Tịnh Độ
- Di Lặc Tịnh Độ
- Di Đà Tịnh Độ
- Phật Độ Và Chúng Sanh Độ
- Trang Nghiêm Tịnh Độ Và Vãng Sanh Tịnh Độ
- Xưng Danh Và Niệm Phật
- Dễ Hành Đạo Và Khó Hành Đạo
Chương II: Lược Nói Về Niệm Phật
- Phật Thất
- Phật A Di Đà Và Thế Giới Cực Lạc
- Đặc Điểm Của Pháp Môn Niệm Phật
- Niệm Phật Tam Yếu
- Niệm Phật
- Nhứt Tâm Bất Loạn
- Vãng Sanh Và Liễu Sanh Tử
- Tổng Quát Yếu Nghĩa
Chương III: Cầu Sanh Cõi Trời Và Vãng Sanh Tịnh Độ
Chương IV: Đông Phương Tịnh Độ
- Duyên Khởi Về Các Cảnh Giới
- Đông Phương Tịnh Độ Là Cõi Trời Thanh Tịnh Hóa
- Đông Phương Tịnh Độ, Tuyệt Đỉnh Của Nhân Gian
- Đông Phương Tịnh Độ Là Cõi Nước Quang Minh
- Đông Phương Tịnh Độ Biểu Trưng Tự Tâm
Chương V: Tịnh Độ
- Phân Loại Tịnh Độ
- Luận Về Cõi Tịnh Độ Phật A Di Đà
- Nhơn Duyên Sanh Về Tịnh Độ Và Thứ Bậc Chín Phẩm Sen Vàng