094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN LUẬT - HT THÍCH ĐỖNG MINH DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN LUẬT - HT THÍCH ĐỖNG MINH Đại Tạng Kinh Việt Nam – Luật Tạng
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
Hiệu Đính: Thích Đức Thắng & Thích Tâm Nhãn
NXB: Hồng Đức - Khổ: 19x26cm
Năm Xuất Bản: 2016
Hình Thức: Bìa Cứng Có Tay Gập
Tập 1: 646 Trang – Độ Dày: 4cm
Tập 2: 507 Trang – Độ Dày: 3,5cm
NPL1 SÁCH VỀ LUẬT 900.000 đ Số lượng: 5 Bộ
  • DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN LUẬT - HT THÍCH ĐỖNG MINH

  •  1640 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: NPL1
  • Giá bán: 900.000 đ

  • Đại Tạng Kinh Việt Nam – Luật Tạng
    Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh
    Hiệu Đính: Thích Đức Thắng & Thích Tâm Nhãn
    NXB: Hồng Đức - Khổ: 19x26cm
    Năm Xuất Bản: 2016
    Hình Thức: Bìa Cứng Có Tay Gập
    Tập 1: 646 Trang – Độ Dày: 4cm
    Tập 2: 507 Trang – Độ Dày: 3,5cm


Số lượng
Lời Người Dịch:
Năm 1991, sau khi dịch xong ba bộ luật: Trùng Trị, Căn Bản và Tứ Phần, có mấy chỗ tôi không rõ ngữ nghĩa, đến thỉnh vấn Hòa Thượng Trí Quang. Ngài lấy tập số 44 trong Tục tạng lật ra chỉ cho tôi những từ đó rồi bảo tôi mang về để tra cứu. Nhân dịp này, ngài gợi ý: “Bộ luật Ngũ phần có những điểm đặc biệt hơn các bộ khác…” Và như để cho tôi lưu ý tìm hiểu, ngài lại nói: “Không biết tại sao tổ Đạo Tuyên lại chọn Tứ phần để hành trì mà không chọn Ngũ phần”. Sau cùng ngài bảo tôi nên dịch Ngũ phần.


 
di sa tắc bộ hòa hê ngũ phần luật 1 min


Về phần tôi, từ lâu đã hằng lưu tâm đến bộ Luật này. Việc các ngài đại Luật sư triều Đại Chính (1912 – 1925) bên Nhật Bản xếp “Ngũ Phần” lên hàng đầu trên năm bộ Luật chính, đó là điều để tôi lưu ý tìm hiểu. Rõ ràng giữa hai thế hệ: ngài Trí Quang và các Luật sư Triều Đại Chính có cùng chung một quan điểm là xem bộ “Ngũ Phần” có những nét đặc sắc của nó. Vậy những nét đặc sắc này là gì? Đây là cả vấn đề cần có sự nghiên cứu, phân tích so sánh kĩ lưỡng... Điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Chỉ nội một việc làm sao dịch ra Việt Ngữ, phản ánh đúng nội dung của bộ Luật là cả một sự công phu rồi. Tôi chỉ tập chú vào vấn đề này.

Càng đọc lại nhiều lần bộ “Di Sa Tắc Bộ Hòa Hê Ngũ Phần Luật” tôi càng có cảm tưởng như tôi đang sống trong bầu không khí Phạm hạnh của chúng Tăng thời đức Phật. Tôi như nghe rõ sự quở trách “ngu si” của đức Phật đối với những vị Tăng sai phạm và thấm thía cho những tội lỗi đã xảy ra xem chừng ngờ nghệch, đùa dại, song thực chất phản ánh tâm lý tội lỗi sâu sắc. Không luận thời nào, tâm nhiễm ô ấy được luồn lách trong mọi ngõ ngách của cuộc sống và được trá dạng một cách tài tình trong tâm hồn con người, dù cho đó là con người xuất gia đi nữa. Và khi tâm nhiễm ô ấy hiện hành thì hình ảnh tham, sân, si, ái dục lại nổi lên rõ nét.

Đức Phật bằng mọi cách đã chặt đứt vấn đề này, chấn chỉnh, xây dựng lại con người Phạm hạnh từ trong tội lỗi. Giới luật của Đức Phật ra đời là thế đó. Đâu phải thời Phật mà bất cứ thời đại nào nếu biết y chỉ, biết lắng nghe giáo pháp của Đức Phật, lắng nghe sự quở trách của tâm hồn thì chính tâm hồn ấy trở thành thanh tịnh, để rồi đời sống xuất gia trở thành đời sống Phạm hạnh có đầy đủ năm công đức như Đức Phật đã dạy và được kết tập trong bộ Luật “Di Sa Tắc Bộ Hòa Hê Ngũ Phần Luật” này. Năm công đức ấy là:
  1. Tự mình kiên cố hộ trì giới phẩm.
  2. Có khả năng đoạn trừ nghi hoặc cho người có tàm quý.
  3. Tự mình đứng vững vàng trong Chánh pháp.
  4. Tự cần nói giữa Tăng chúng không có sự sợ sệt.
  5. Hàng phục được oán địch.

Giới luật của Đức Phật mang ý nghĩa thiện, mùi vị thiện và hình tướng thanh bạch là thế. Bây giờ, tuy biết dài dòng song điều đáng phải ghi lại, xem như thay cho một trí nhớ, để nhớ và biết ơn một mảng nhân duyên tạo thành tác phẩm dịch thuật của tôi. Xin được ghi lại:

Sau khi gác lại hai bộ “Tăng-kỳ” và “Thập tụng”, tôi đọc kĩ nguyên bản chữ Hán nhiều lần, nghiền ngẫm tra cứu các thuật ngữ trong bộ Luật, làm quen với “ngôn ngữ nói” trong tác phẩm này. Ngày 08 tháng 03 năm Nhâm Thân (1992), tôi chấp bút dịch bộ luật Ngũ phần với tất cả sự tập trung cao nhất và cho mãi đến gần một năm sau, tháng Giêng năm 1993, được thầy thuốc cho biết tôi đang mắc bệnh tháo đường, như vậy cái đích để hoàn thành không dễ dàng đối với tôi, song tôi vẫn tiếp tục trong tình trạng sức khỏe không dễ dàng ấy.

Ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tuất (21-02-1994), tôi dịch xong bộ Di Sa Tắc Bộ Hòa Hê Ngũ Phần Luật 30 quyển này, niềm vui nhẹ nhõm trong tôi như một khích lệ. Tôi tiếp tục đi lại từ đầu, nghiền ngẫm đọc lại bản dịch, sửa chữa lại chỗ thiếu, không ổn … sau đó, bên cạnh nguyên bản, tôi dò lại bản dịch từng câu và nhờ nhiều bộ Từ điển để bổ sung và làm rõ nghĩa trong bản dịch. Không dừng lại ở đây, tôi giao bản dịch đã sửa chữa xong với nguyên bản cho sư cô Tâm Thường, cựu ni sinh Ni viện Diệu Quang Nha Trang, rà soát lại bằng cách đọc từng câu bên bản dịch với từng câu bên nguyên bản. Xong giai đoạn này, tôi cho đánh máy. Các Phật tử Nguyên Tịnh và Thọ Huệ đánh máy bản dịch thành 6 tập.

Để rà soát giữa Cảo bản và bản đánh máy, tôi lại nhờ hai sư cô Diệu Vân và Minh Hiền cùng cựu ni sinh Phật học Ni Viện Diệu Quang, bên đọc, bên dò. Tất cả dịch phẩm của tôi, trước sau đều theo lịch trình làm việc như trên. Đã năm năm qua, thời gian của sự cẩn thận và cân nhắc … Và trước khi cho đánh vi tính, tôi giao toàn bộ Cảo bản, bản đánh máy và nguyên bản chữ Hán cho đệ tử tôi là Phước Thắng để kiểm tra kĩ lại một lần nữa, đồng thời nhuận văn cũng như phụ trách, theo dõi, trình bày bản vi tính để in thành sách.

Cũng cần nói rõ điều này: Bộ Sa Di Tắc Bộ Hòa Huê Ngũ Phần Luật này nằm trong quỹ đạo phiên dịch Hán tạng thành Việt tạng, do Thượng tọa Tịnh Hạnh chủ trương, theo kế hoạch và cũng theo thứ tự Bộ Luật này sẽ được in trước như trong tạng Đại Chánh tân tu … Hi vọng bản vi tính tạm biệt hành này, sau khi Tăng, Ni và các bậc Cao minh đọc và góp ý, bổ sung sẽ trở thành sự hoàn chỉnh cao hơn cho bản in chính thức tiếp theo trong chương trình phiên dịch đã đề cập. Bây giờ là những điều trân trọng: con xin thành kính tri ân sự khuyến thị cao quý của Hòa Thượng Trí Quang trước khi con dịch bộ Luật Ngũ Phần này. Tôi cảm ơn Ni sư Trí Hải đã cho tôi mượn hai tập đánh máy gồm: 15 quyển của bộ Luật mà Ni sư dịch chưa hoàn tất để tham khảo và tôi trân trọng ghi nhận công đức của tất cả quý vị đã góp sức vào “Pháp cúng dường” này. Tôi đang lắng nghe và ghi nhận mọi chỉ giáo của các bậc Cao minh.
Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh – Nha Trang, ngày Phật Đản 2540


 
di sa tắc bộ hòa hê ngũ phần luật 2 min




TRÍCH ĐOẠN: Nói Về Bốn Pháp Ba La Di
Từ nước Tu-lại-bà, Đức Phật cùng Đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị đến ấp Tỳ-lan-nhã và trú ngu trong rừng cây. Ấp này có Bà-la-môn tên Tỳ-lan-nhã. Vua Ba-tư-nặc phong cho ông ta ấp này nên mang tên như thế. Ông ta nghe Đức Phật là giòng họ Thích xuất gia học đạo, thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thấu suốt hết mọi tâm niệm của thế gian, khéo giảng nói chánh pháp đầu, giữa, cuối đều mang đầy đủ ý nghĩa thiện, mùi vị thiện và hình tướng phạm hạnh thanh bạch, cùng các đệ tử du hóa đến ấp này. Tỳ-lan-nhã rất đỗi vui mừng thốt nên lời: “Lành thay! Ta nguyện xin bái kiến Phật”. Lập tức, ông ta cùng năm trăm quyến thuộc tiền hô hậu ủng đến nơi Phật đang cư ngụ. Từ xa trông thấy Đức Thế Tôn nơi rừng cây với ánh sáng đặc thù, các căn đều tịch định, ông ta rất hớn hở, xuống xe đi bộ về phía Đức Thế Tôn, cung kính hỏi chào rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì ông ta thuyết giảng pháp diệu khiến ông ta vui mừng vì lợi ích được chỉ bày. Từ tấm lòng hoan hỷ sau khi nghe pháp, ông ta liền bạch Phật:
– Nguyện xin Phật và Tăng chúng nhận lời thỉnh của con đến an cư ba tháng để con được cúng dường.

Đức Phật dạy:
– Đại chúng của Ta thì đông mà lòng tin của ông có khác, cách nhìn của ông có khác, niềm vui nơi tín ngưỡng của ông có khác, liệu được chăng?

Ông ta bạch Phật:
– Tuy lòng tin của con có khác, cách nhìn và niềm vui có khác song đối với số chúng đông đảo của Thế Tôn thì không can gì!

Được ông thỉnh mời như vậy đến ba lần, Đức Phật mới nhận lời. Từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, ông nhiễu quanh bên phải rồi cúi chào Phật ra về. Sau khi trở về nhà, ông cho chuẩn bị đầy đủ phẩm vật cúng dường an cư.

Lúc ấy, ma Ba-tuần nảy sinh ý niệm: “Nay người Bà-la-môn này thỉnh cầu Phật và Tăng chúng về an cư ba tháng, ta phải gây độc hại làm mê loạn ý nghĩ của hắn”. Ma liền thực hiện ý đồ. Bị ma làm mê hoặc, người Bà-la-môn này bèn lui vào trong nhà thọ hưởng dục lạc, ra lệnh cho người giữ cửa: “Ta nay muốn được nghỉ ngơi ba tháng trong khuôn viên nhà này, mọi sự việc bên ngoài dù xấu tốt gì cũng đều khỏi phải bẩm báo”. Ông ta hoàn toàn không nhớ đến việc thỉnh Phật và Tăng chúng.

Đã một thuở, quốc độ này tin theo tà đạo nên khắp cả ấp chưa có một Tinh xá, giảng đường. Phía Bắc thành có núi, có rừng, có nhiều dòng nước chảy trong lành, Đức Phật cùng đại chúng lấy nơi đây làm chỗ an cư. Vào thời điểm ấy gặp lúc mất mùa, khó tìm được nơi khất thực, chư Tăng chia nhau vào các xóm để khất thực cũng không nhận được thức ăn gì. Cũng vào thời điểm ấy, ở nước Ba-lợi có người lái buôn ngựa, đưa năm trăm con ngựa đi tránh nắng đầu mùa Hạ, thấy nơi ấp này có dòng nước mát và cỏ tươi nên thu gom ngựa dừng lại nơi đây để cho chúng nghỉ ngơi ăn uống.

Đến giờ khất thực, các Tỳ-kheo đến chỗ người chủ ngựa đứng im lặng (trong sự trầm mặc). Người chủ ngựa với tấm lòng thanh tịnh tin Phật, động lòng nghĩ đến các Tỳ-kheo khất thực không được, bèn từ tốn nói:
– Tôi có loại lúa cho ngựa ăn, nếu quý thầy có thể dùng được thì tôi bớt nửa phần, một thăng xin biếu quý vị, chắc có thể đủ nuôi sống mà hành đạo.

Các Tỳ-kheo nói:
– Đức Phật chưa cho phép chúng tôi ăn phần lúa của ngựa.

Các Tỳ-kheo đem sự việc này bạch Phật. Và nhân đó, Đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng rồi bằng nhiều cách, Ngài đề cao, khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc và nói trước các Tỳ-kheo:
– Từ nay về sau cho phép ăn phần lúa của ngựa.

Khi đó, Tôn giả A-nan nhận phần lúa của Phật rồi nhờ người làm bún cúng dường Đức Thế Tôn. Các chúng Tỳ-kheo trẻ thì tự giã nấu lấy để ăn.

Trong thời gian ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên từ chỗ vắng lặng sinh ý niệm: “Hiện nay trong quốc độ này việc khất thực khó được, ta nên cùng với các vị có thần thông đến xứ Uất-đơn-việt lấy thức ăn bằng lúa gạo tự nhiên”. Với ý niệm này, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nơi Đức Phật đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, kính cẩn thưa:
– Bạch Thế Tôn! Trong con đã phát sinh ý nghĩ: “Hiện nay, nơi quốc độ này khất thực khó được, con sẽ cùng với các vị có thần thông đến xứ Uất-đơn-việt để lấy thức ăn bằng lúa gạo tự nhiên.

Đức Phật hỏi lại Tôn giả Mục-liên:
– Riêng các thầy thì được rồi, còn đối với các Tỳ-kheo phàm phu thì giải quyết sao đây?

Tôn giả Mục-liên bạch Phật:
– Con sẽ vận dụng thần lực để tiếp giúp cho họ.

Đức Phật bảo:
– Đừng, đừng làm như vậy! Thầy tuy có được thần lực nhưng đối với nhân quả của nghiệp đời trước thì bỏ vào đâu? Lại nữa, đối với phàm phu đời đương lai thì sao?

Tôn giả Mục-liên ghi nhận lời dạy này của Phật, trong tư thế đứng im lặng sâu lắng.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ nơi chỗ vắng lặng, suy nghĩ: “Các Đức Phật trong đời quá khứ, phạm hạnh của Đức Phật nào không được lâu dài? Phạm hạnh của Đức Phật nào được trụ lâu?

Sau khi suy nghĩ, Tôn giả Xá-lợi-phất bèn từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, sụp lạy dưới chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, kính cẩn bạch Phật:
– Trong con đã gợi lên ý nghĩ: Các Đức Phật đời quá khứ, Đức Phật nào thì phạm hạnh không dài lâu? Đức Phật nào thì phạm hạnh trụ lâu?

Bấy giờ, Đức Phật hết lời khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Lành thay! Lành thay! Ý nghĩa của thầy rất sâu xa, câu hỏi của thầy cũng thật hay. Này Xá-lợi-phất! Đức Phật Duy Vệ, Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tùy Diếp thì phạm hạnh không lâu dài. Đức Phật Câu Lâu Tôn, Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca-diếp thì phạm hạnh lâu dài.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do vì nguyên nhân nào mà phạm hạnh của ba Đức Phật ấy không được dài lâu, phạm hạnh của ba Đức Phật kia lại được bền vững?

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Ba Đức Phật ấy không vì đệ tử giảng nói rộng chánh pháp, không kiết giới cũng không nói Ba-la-đề-mộc-xoa nên sau khi Phật và đệ tử vào Niết-bàn, các đệ tử bao gồm nhiều chủng tộc xuất gia, nên phạm hạnh nhanh chóng chấm dứt. Ví như trên chiếc bàn trải nhiều loại hoa, đem đặt ở ngả tư đường, gió từ bốn phương thổi đến, hoa tùy theo gió mà bay tứ tản. Tại sao vậy? Vì không có dây buộc giữ nó lại. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất! Ba Đức Phật ấy không vì đệ tử rộng giảng nói chánh pháp, không kiết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa, vì vậy phạm hạnh không được lâu dài. Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đức Phật Tùy Diếp cùng một ngàn đệ tử du hành đến rừng Khủng Bố, sở dĩ có tên gọi ấy là vì người chưa lìa dục mà vào rừng này thì lông trong người đều dựng ngược lên. Ngài đã vì đệ tử không dùng lời nói mà dùng tâm niệm thuyết pháp: Các Tỳ-kheo nên nghĩ như thế này, không nên nghĩa như thế kia, nên suy tư như thế này, không nên suy tư như thế kia, nên đoạn điều này, nên tu điều này, nên y theo đây mà làm. Các Tỳ-kheo dùng tâm biết rõ như vậy rồi, các lậu liền dứt sạch, ý sáng tỏ đắc đạo quả A-la-hán.


 
di sa tắc bộ hòa hê ngũ phần luật 3 min


Này Xá-lợi-phất! Đức Phật Câu Lâu Tôn, Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca-diếp vì đệ tử rộng giảng nói chánh pháp không biết mỏi mệt, như nói Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Già Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, Dục Đa Già Bà, Bổn Sinh, Tỳ Phú La, Vị Tằng Hữu, A Bà Đà Na, Ưu Ba Đề Xá, Kiết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Sau khi Đức Phật và đệ tử vào Niết-bàn, các đệ tử tuy nhiều giòng họ xuất gia nhưng phạm hạnh không sớm bị tiêu diệt. Ví như các loại hoa đã dùng sợi chỉ xâu kết lại để trên bàn, đem đặt ở ngả tư đường, dù có gió bốn phương thổi đến cũng không bay tứ tản được. Vì sao thế? Chính sợi chỉ xâu đã buộc giữ nó lại. Cũng như vậy, này Xá-lợi-phất! Ba Đức Phật này vì đệ tử rộng giảng nói các pháp như đã đề cập ở trên, chính vì thế mà phạm hạnh được bền vững.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Nếu vì lẽ không rộng giảng nói pháp, không kiết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa mà phạm hạnh không được trụ lâu thì cúi xin Đức Thế Tôn vì các đệ tử rộng giảng nói pháp, kiết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa, phải chăng chính nay đã đúng lúc?

Đức Phật dạy:
– Thôi đi! Ta tự biết khi nào thì đúng lúc. Này Xá-lợi-phất! Trong chúng thanh tịnh của Ta chưa có và cũng chưa hề xảy ra sự việc gì, kẻ thấp nhất cũng đắc quả Tu-đà-hoàn, đủ chứng minh sự trong sạch trong chúng của Ta rồi. Các Đức Phật Như Lai chưa bao giờ kiết giới cho hàng đệ tử khi các pháp hữu lậu chưa phát sinh. Trong chúng của Ta đây chưa có ai cậy cho mình là đa văn nên không sinh các lậu hoặc, chưa hề có ai mang tiếng vì lợi dưỡng, chưa hề có người có nhiều ham muốn, chưa hề có người hiện thần túc cho trời, người quen biết nên không phát sinh các lậu hoặc.

Bấy giờ đã hết ba tháng an cư, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Ông và Ta cùng đến chỗ Tỳ-lan-nhã.

Tôn giả A-nan vâng lời, y phục tề chỉnh theo hầu Phật. Khi đến cửa ngõ, lúc Bà-la-môn đang thọ hưởng dục lạc, từ trên lầu cao trông thấy Đức Thế Tôn, ông ta liền sực nhớ, vội vàng xuống lầu lau chỗ ngồi, cung thỉnh Phật an tọa. Ông ta gieo năm chi thể sát đất, đảnh lễ Phật, hối hận tự trách:
– Con là người ngu si, đã thỉnh Phật an cư mà không cúng dường. Không phải con có lòng tiếc rẻ cũng không phải thiếu phương tiện, chỉ vì con đã quên mất không còn nhớ. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận cho con sự sám hối này. Đức Phật dạy:
– Ông quả là ngu si, thỉnh Phật và Tăng mà không cúng dường, sám hối là điều hợp lý. Nay Ta và chúng Tăng nhận sự sám hối của Ông.

Đức Phật lại bảo Bà-la-môn.
– Trong Thánh pháp của người biết sám hối thì pháp thiện được tăng trưởng.

Người Bà-la-môn lại bạch Phật:
– Nguyện xin Phật và Tăng lưu lại đây một tháng để con được cúng dường.

Đức Phật không nhận, lại có lời dạy:
– Ông là người Bà-la-môn lòng tin có khác, nhận thức có khác nhưng ông đã có thể thỉnh được Phật rồi, đó là việc lớn.

Bà-la-môn ba lần thỉnh mời như vậy, Đức Phật đều không nhận lời, Ngài nói:
– Ta đã an cư nơi đây ba tháng, nay cần du hóa, không thể ở lại được.

Người Bà-la-môn lại tha thiết bạch Phật:
– Cúi xin Đức Thế Tôn nhận bữa cơm cúng dường tiễn đưa của con vào ngày mai.

Đức Phật im lặng nhận lời.

Ngay trong đêm đó, Bà-la-môn cho chuẩn bị đầy đủ các thức ăn thượng vị.

Sáng ngày sau, đến gần thời thọ thực, ông ta trải phu cụ lên tòa ngồi rồi đúng thời thỉnh Phật quang lâm. Đức Thế Tôn cùng chúng đệ tử đến đông đủ rồi an tọa nơi các chỗ ngồi. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã sau khi thiết lễ tác bạch cúng dường, đích thân hầu hạ dâng từng món ăn, lại tận tay đem nước đến. Sau khi ăn xong, ông ta dâng cúng lên Phật bốn trương vải Kiếp bối và một đôi dép, còn chúng Tăng hai trương vải Kiếp bối và một đôi dép. Đây gọi là phẩm vật cúng dường an cư. Các Tỳ-kheo nói:
– Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận phẩm vật cúng dường an cư.

Nhân sự việc này, các Tỳ-kheo thỉnh thị ý kiến Phật. Đức Phật đã hết lời đề cao khen ngợi hạnh tri túc, thiểu dục, đề cao giới khen ngợi người trì giới rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Nhân sự cúng dường của Tỳ-lan-nhã, từ đây về sau cho phép nhận phẩm vật an cư.

Phẩm vật cúng dường của Tỳ-lan-nhã, đã được phép, các Tỳ-kheo thọ nhận.


 
di sa tắc bộ hòa hê ngũ phần luật 4 min


Về phía người Bà-la-môn, tâm ông vô cùng hoan hỷ. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện với Đức Phật, ông ta lắng nghe Đức Phật nói kệ tùy hỷ:

Tất cả sự thờ cúng
Thờ lửa là hơn hết
Các học thuyết khác biệt
Tát Bà Đế cao nhất.
Trong tất cả hạng người
Vua Chuyển Luân hơn hết
Nước trong mọi dòng chảy
Nước biển cả nhiều nhất.
Mọi nguồn sáng chiếu rọi
Nguồn trời, trăng sáng nhất
Phước cả thế gian này
Ruộng phước Phật là nhất.


 
Ngay sau khi nói kệ này, Đức Thế Tôn thuyết pháp. Người Bà-lamôn vui mừng vì điều lợi ích được Đức Phật chỉ rõ ràng. Rời ấp Tỳ-lan-nhã, Đức Phật cùng chúng Đại Tỳ-kheo đi về nước Tăng-già-thi, du hóa khắp cả nước này, sau cùng đến Tỳ-xá-ly trú tại giảng đường Trùng các bên bờ sông Di-hầu. Tại đây bốn chúng Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng quốc vương, Đại thần, Samôn, Bà-la-môn cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Ngài.

Bấy giờ, các trưởng giả người ấp Ca-lan-đà nhân có sự việc vào thành, nghe Đức Phật – Thế Tôn ở tại giảng đường Trùng các, nên cùng rủ nhau đến chỗ Phật. Họ trông thấy Đức Phật Thế Tôn đang giảng nói pháp trước một rừng người, đủ mọi tầng lớp vây quanh. Trong rừng người ấy có con trưởng giả Ca-lan-đà tên là Tu-đề-na, Tu-đề-na nghe pháp rất hoan hỷ, liền gợi lên ý nghĩ: Như lời Phật dạy đã lý giải cho ta thấy: “Phàm người tại gia thì bị ân ái ràng buộc không thể trọn đời tu phạm hạnh được. Xuất gia không bị đắm vướng, ví như hư không. Nay ta đâu có thể đặt lòng tin vào gia đình mà phải xuất gia tu đạo”.

Chúng hội ra về, Tu-đề-na đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát chân và thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã hết lòng nghe Ngài thuyết pháp, trong con gợi lên ý niệm: “Như lời Phật dạy đã lý giải cho thấy: Phàm người tại gia thì bị ân ái ràng buộc, không thể trọn đời tu phạm hạnh. Xuất gia không bị đắm vướng ví như hư không. Nay con đâu có thể đặt lòng tin vào gia đình mà phải xuất gia tu đạo”. Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã có ý niệm như vậy, nay muốn xuất gia, cúi xin Ngài nhận cho con được xuất gia thọ giới.

Đức Phật dạy:
– Tốt lắm, nhưng cha mẹ của con đã cho phép hay chưa?
– Dạ thưa chưa được phép, Tu-đề-na kính cẩn đáp lời.

Đức Phật dạy:
– Theo pháp của Phật, cha mẹ không cho phép thì không được nhận vào đạo.

Tu-đề-na liền bạch Phật:
– Nay con xin trở về để xin phép cha mẹ.

Đức Phật dạy:
– Con nên thực hiện ngay.

Tu-đề-na nhanh nhẹn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên phải ba vòng rồi trở về nhà. Tu-đề-na thưa với cha mẹ:
– Con nghe Đức Phật dạy: Tại gia luôn bị ràng buộc chặt chẽ, nay con xin phép cha mẹ được xuất gia tu phạm hạnh.

Cha mẹ gạt ngay:
– Thôi đi Tu-đề-na! Con đừng nói điều đó. Trước đây cha mẹ không có con, tế cúng cầu khẩn thần kỳ mới có được mụn con. Con là đứa con duy nhất của cha mẹ, tình thương của cha mẹ đối với con quá ư sâu nặng, dù chết cũng không muốn xa nhau, huống chi là sống biệt ly. Nhà mình nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, con cứ tu phước theo ý muốn, với đời tận hưởng thú vui, không phiền gì phải xuất gia để lòng thương của cha mẹ bị tan nát.

Ba lần khẩn thiết cầu xin, cha mẹ vẫn không hứa nhận, Tu-đề-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, một mình đến ở nơi chốn vắng vẻ lập lời thề: “Nếu không được xuất gia, dứt khoát không bao giờ ăn uống, đối với nguyện này thà chết, đâu cần phải sống uổng phí”. Tu-đề-na không ăn cho đến ngày thứ sáu. Thần thích nghe tin động lòng đến khuyên bảo.

– Cha mẹ anh chỉ có một mình anh là con, tình thương rất là sâu nặng, chết không còn muốn xa lìa, huống chi là sống mà biệt ly. Nhà anh quá giàu có, có thể gieo trồng phước đức, đạo do nơi tâm chứ đâu ở nơi hình thức áo quần, hà tất phải sống với khổ cực, làm ngược lại ý của cha mẹ.

Khuyến dụ như vậy đến Ba lần, Tu-đề-na vẫn im lặng điềm nhiên không trả lời.

Bấy giờ tới lượt các bạn bè cùng đến, dùng hết lời can gián tha thiết như trên, cũng bị thất bại như vậy, tất cả đều rút lui.

Họ đến chỗ cha mẹ Tu-đề-na, đều nói:
– Theo nhận xét của chúng tôi, không thể thuyết phục làm lay chuyển được Tu-đề-na. Tốt hơn ông bà nên cho phép Tu-đề-na xuất gia, theo thời gian sẽ thấy rõ, người không vui sống với đạo ắt sẽ quay về, ngày ấy không xa, chứ đã trên sáu ngày tuyệt thực rồi, mạng sống mong manh, trong vài ngày nữa ắt phải đem bỏ nơi hoang dã, mặc cho chim quạ, cọp beo tranh nhau xâu xé. Làm cha, làm mẹ sao nỡ nhẫn tâm trước thảm cảnh này.


 
di sa tắc bộ hòa hê ngũ phần luật 5 min


 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây