094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

TRÁI TIM CỦA BỤT - HT THÍCH NHẤT HẠNH (bìa cứng) TRÁI TIM CỦA BỤT - HT THÍCH NHẤT HẠNH (bìa cứng) Tác Giả: Thích Nhất Hạnh
NXB: Tổng Hợp TP.HCM
Số Trang: 455 Trang
Hình Thức: Bìa Cứng
Khổ Sách: 16x26cm
Năm Xuất Bản: 2021
Độ Dày: 2.2 cm
S001618 THÍCH NHẤT HẠNH 220.000 đ Số lượng: 100 Quyển
  • TRÁI TIM CỦA BỤT - HT THÍCH NHẤT HẠNH (bìa cứng)

  •  2131 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: S001618
  • Giá bán: 220.000 đ

  • Tác Giả: Thích Nhất Hạnh
    NXB: Tổng Hợp TP.HCM
    Số Trang: 455 Trang
    Hình Thức: Bìa Cứng
    Khổ Sách: 16x26cm
    Năm Xuất Bản: 2021
    Độ Dày: 2.2 cm


Số lượng
Hôm nay là ngày 21 tháng 11 năm 1993, chúng ta khai giảng khóa tu mùa Đông ở tại Xóm Hạ, Làng Hồng. Khóa học của chúng ta là Phật Pháp Căn Bản (Basic Buddhism). Tuy gọi là Căn Bản nhưng chúng ta phải hết sức dụng tâm tu học thì mới hiểu được đến chỗ sâu sắc. Trong bài mở đầu này tôi sẽ trình bày với quý vị về cách chúng ta nên học Phật Pháp như thế nào.

Phải Học Kinh Điển Một Cách Khôn Ngoan
Chúng ta biết rằng hơn 400 năm sau khi Bụt nhập diệt, kinh điển mới được chép thành văn. Trước đó kinh điển chỉ được truyền tụng bằng miệng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, do các vị gọi là kinh sư. Các vị kinh sư ngày xưa thuộc hết các kinh điển và có nhiệm vụ tụng đọc lại cho đại chúng nghe. Có những vị thuộc lòng tất cả tạng kinh. Ngoài các vị kinh sư còn có những vị luật sư. Các vị kinh sư thuộc kinh, những vị luật sư thì nhớ luật. Sự truyền thừa kinh và luật hoàn toàn căn cứ vào trí nhớ. Mãi đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch kinh điển mới được ghi chép. Vì vậy trong thời gian bốn, năm trăm năm truyền thừa, nhiều điều sai lầm cũng được chép lại, lý do là nhiều thế hệ Phật tử đã nhớ sai, hiểu lầm và hành trì không đúng.


 

Chúng ta biết rằng ngay chính trong thời Bụt còn tại thế mà nhiều người vẫn không hiểu được lời Bụt dạy, vẫn diễn giải lời Bụt một cách sai lầm. Nhiều khi Bụt phải gọi người đó tới hỏi: “Thầy nghe như thế nào mà thầy nói như vậy?” Không những người ngoài đời hiểu lầm giáo lý của Bụt, mà cả trong giáo đoàn cũng có nhiều người hiểu lầm nữa. đọc kinh Người Bắt Rắn, chúng ta đã thấy chính đệ tử của Bụt đã hiểu lầm Bụt, ngay trong khi Bụt còn tại thế. Vậy thì trong 400 năm, 500 năm sau ngày Bụt nhập diệt, truyền thừa lại những lời của Bụt bằng trí nhớ, bằng cách truyền miệng, thế nào cũng có sai lầm. Sai lầm không những vì nhớ lầm mà thôi, mà còn vì cách hiểu và hành trì không đúng. Khi hiểu sai rồi hành trì sai, thì những lời Bụt dạy truyền lại cũng sai luôn.

Vì vậy chúng ta phải rất cẩn thận trong khi học đạo Bụt, và đừng bị kẹt vào những câu những chữ ở trong kinh. Trong truyền thống Đại thừa có câu “y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”, nghĩa là nếu quý vị nương vào kinh mà giải nghĩa từng chữ, từng câu một thì thế nào cũng nói oan cho các đức Bụt trong ba đời. Nhưng cũng phải biết câu thứ hai “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, nghĩa là nếu quý vị bỏ một chữ trong kinh đi thì những điều quý vị nói sẽ có thể tương tự những điều ma quỷ nói. Một mặt mình không thể bỏ kinh được, một mặt mình không nên quá chấp vào từng chữ từng câu để cắt nghĩa.

Đó là thái độ khôn ngoan của những người học Phật. Phải nương vào kinh, nhưng sử dụng kinh với tất cả sự thông minh và khôn khéo của mình thì mới không bị kẹt quá vào những câu những chữ trong kinh điển. Theo lời truyền tụng, thì ở Tích Lan vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa giáng sinh người ta đã có ý định ghi chép lại những lời Bụt dạy. Nhưng mãi tới thế kỷ trước Thiên Chúa giáng sinh thì các vị mới thực hiện được việc chép lại kinh điển trên lá bối. Và cũng theo lời truyền tụng trên thì lúc đó ở trong giáo đoàn chỉ còn lại một thầy thuộc lòng được hết tất cả các kinh trong Đại Tạng. Chỉ có một thầy, những thầy khác cũng thuộc nhưng không thuộc hết.

Điều này cho người ta thấy nguy cơ thất truyền kinh điển, nên vội tìm cách chép kinh. Người ta cũng kể rằng thầy đó tuy thuộc hết tất cả các kinh nhưng tánh tình không dễ thương. Tuy nhiên mọi người đành phải chịu đựng, chiều chuộng hết mực để thầy ấy ngồi tụng lại tất cả các kinh mà thầy thuộc cho người ta ghi chép trên lá bối. Khi nghe câu chuyện đó tôi rất buồn cười. Vì nếu thầy đó tính tình khó chịu thì có lẽ thầy hiểu và thực tập kinh cũng không hay gì mấy, do đó kinh thầy thuộc cũng không thể đúng hoàn toàn. Đó là câu chuyện trong đạo Bụt Nam Truyền. Trường hợp của đạo Bụt Bắc Truyền, các kinh điển bằng tiếng Prakrit, bằng chữ Sanskrit cũng được chép lại vào khoảng cùng một thời gian. Có nhiều kinh nguyên bản Sanskrit hiện giờ không còn nữa và chúng ta phải căn cứ trên những bản dịch chữ Hán hay Tây Tạng.

Đạo Bụt Nam Truyền có một truyền thống rất lâu dài và không đứt đoạn. đạo Bụt Nam Truyền đã sử dụng tiếng Pali để ghi chép kinh điển và giáo lý. Trong khi đó thì đạo Bụt Bắc Truyền, chẳng Hạn học phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), gọi tắt là Hữu Bộ, lại sử dụng tiếng Sanskrit. Hữu Bộ đã được truyền thừa khá lâu, tới 1000 năm, ở vùng Kashmir, Đông Bắc Ấn Độ. Các kinh điển của Hữu Bộ được tuần tự dịch ra chữ Hán và truyền vào Trung Hoa. Đạo Bụt Nam Truyền ở Tích Lan được gọi là Theravada. Thật ra đó là một tông phái tên là Xích Đồng Diệp Bộ, gọi tắt là Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya), có nghĩa là môn phái những vị xuất gia đắp y màu đồng, màu hỏa hoàng. Cố nhiên cái tên cũng không có nghĩa gì mấy và vì ai cũng muốn tự nhận mình là đạo Bụt truyền thống, nên đã từ lâu đạo Bụt ở Tích Lan tự gọi là Theravada, Thượng Tọa Bộ, tức là đạo Bụt chính thống, nguyên thủy. Còn đạo Bụt ở Kashmir được gọi là đạo Bụt của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.


 

Khi đạo Bụt chia ra làm nhiều bộ phái, 18 hoặc 20 bộ phái, một bộ phái đi xuống phía Nam, ở tại Tích Lan, một bộ phái đi lên miền Bắc ở Kasmir, còn các bộ phái kia tản mác khắp nơi ở Ấn Độ. Nếu so sánh các kinh điển của hai bộ phái Đồng Diệp Bộ và Hữu Bộ, mà thấy những điểm giống nhau, thì chúng ta biết rằng những điểm đồng đó là đạo Bụt trước khi phân phái. Và nếu chúng ta thấy những điểm dị, những điểm khác nhau, điều đó có nghĩa là từ ngày tách rời hai bộ phái bắt đầu có những cách thấy khác nhau, những cách hiểu khác nhau. Thành ra sự nghiên cứu để so sánh kinh điển của phái Theravada (Đồng Diệp Bộ) và của phái Hữu Bộ giúp chúng ta biết được những cái gì có trước khi phân phái, và những gì bất đồng sau khi phân phái.

Tuy nhiên trước khi chia ra nhiều phái đạo Bụt cũng đã biến hình rồi. Chúng ta biết ngay trong thời đại Bụt đang còn tại thế đã có sự hiểu lầm về giáo lý đạo Bụt, thì cố nhiên sau khi Bụt nhập diệt và trong mấy trăm năm truyền thừa thế nào cũng đã có những chuyện hiểu lầm và truyền thừa sai lạc. Cho nên khi học chúng ta phải cẩn thận so sánh. Nhất là chúng ta phải tìm một cái nhìn có tính cách nhất quán, một cái nhìn thấu suốt xuyên qua tất cả những điểm khác biệt. Giống như là khi có nhiều viên ngọc chúng ta dùng một sợi dây xâu lại hết tất cả để tạo thành một chuỗi ngọc vậy.

Cái nhìn nhất quán có nghĩa là cái nhìn hệ thống hóa và vượt khỏi những mâu thuẫn trên bề mặt. Trên bề mặt có thể thấy những điều trái ngược nhau. Nhưng nếu chúng ta có cái nhìn nhất quán thì những mâu thuẫn biến đi. Khi học kinh không được hướng dẫn thì ta có thể thấy lộn xộn lắm. Có khi một kinh nói thế này, khi thì một kinh khác nói ngược lại, ta không biết đường nào mà theo. Khi thì kinh nói có sinh và có tử, khi lại nói không có sinh, không có tử. Thành ra chúng ta không biết là có sinh có tử là đúng, hay không sinh không tử là đúng. Vì vậy chúng ta phải tìm ra phương pháp để có được cái nhìn nhất quán và thấu triệt và có tính cách hệ thống hóa. Phương Pháp đó dựa trên nguyên tắc Nhị Đế, Tứ Tất Đàn, Bốn Điều Y Cứ, Tương Tức và tính chất thực chứng của đạo Bụt mà chúng ta sẽ lần lượt duyệt qua.


Hai Cách Nhìn Sự Thật: Sự Thật Phân Biệt Tục Đế Và Chân Đế
Trong đạo Bụt có quan niệm về nhị đế. Nhị đế có nghĩa là hai loại sự thật, sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Sự thật tương đối gọi là tục đế (samvrti-satya), tức sự thật trong cuộc đời thế tục, có khi gọi là thế đế hay thế tục đế. Bụt luôn luôn nói sự thật, không bao giờ Ngài không nói sự thật. Nhưng có khi Ngài nói về sự thật tương đối và có khi Ngài nói về sự thật tuyệt đối. Nếu không biết điều đó, nếu không có tiêu chuẩn để phán xét, chúng ta có thể thấy nhiều điều Bụt nói trái ngược nhau. Xin nói lại: chân lý tương đối, chân lý ở ngoài đời, gọi là tục đế, thế tục đế hay thế đế. Còn chân lý tuyệt đối gọi là chân đế, thắng nghĩa đế hay đệ nhất nghĩa đế (paramartha-satya). Thắng nghĩa tức là cao hơn hết. Vậy khi nghe lời Bụt chúng ta phải có khả năng nhận diện đó là một lời tuyên bố về chân lý tương đối hay là một lời tuyên bố về chân lý tuyệt đối, thì chúng sẽ không bị lộn xộn. Trong kinh có bài kệ này rất nổi tiếng:

Chư hạnh vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc




Trong kinh Đại Niết Bàn chữ Hán, chúng ta thấy bài này, là bài kệ Bụt nói trước khi nhập diệt. Chư hạnh vô thường là tất cả mọi hiện tượng mà chúng ta thấy và tiếp nhận đều là vô thường cả. Dịch sang tiếng Anh: All formations are impermanent. Chữ hạnh (samkara) này có nghĩa là formation. Ví dụ cái bình trà này là một hạnh. Vì bình trà này do đất, nước, lửa, gió, con người, thời gian, không gian cấu hợp lại mà thành, cho nên nó là một hạnh, một formation. Cái bông hoa kia cũng là một hạnh, tại vì trong hoa có đám mây, có mặt trời, có đất, có nước, những điều kiện phối hợp lại làm ra bông hoa. Chư hạnh vô thường là tất cả mọi hiện tượng của thế gian đều là vô thường. Bình trà và bông hoa là hai hạnh thuộc về sắc, về vật chất, nhưng cơn giận của mình hoặc nỗi buồn của mình cũng là những hạnh, chúng cũng vô thường. Giận và buồn gọi là tâm hành hay tâm hành (citta samskara). Có tâm hạnh và có sắc hạnh.

Chư hạnh vô thường, thị sinh diệt Pháp: Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường, chúng đều là những Pháp có sinh và có diệt.
Sinh diệt diệc dĩ: Khi cái sinh và cái diệt đã bị diệt đi rồi thì lúc bấy giờ, sự tịch diệt, niềm yên lặng đó là niềm vui chân thật: Tịch diệt vi lạc.

Hai câu đầu nói về thế giới hiện tượng, nói về tục đế, về chân lý tương đối, diễn tả thế giới trong đó có sinh và có diệt. Nhưng hai câu sau đã đưa ta đi qua bình diện của chân đế tức là thực tại vượt thoát cái sinh và cái diệt. Khi mà cái sinh và cái diệt không còn nữa, khi mà cái sinh và cái diệt đã diệt rồi thì sự vắng lặng đó là niềm vui chân thật. Trong thế giới này có sinh và có diệt. Nhưng trong thế giới kia mà ta có thể gọi là Pháp giới thì không có sinh và không có diệt. Nếu ta nghĩ hai lời tuyên bố này trái chống nhau thì không đúng. Thế giới của hai câu đầu là thế giới hiện tượng (phenomenal world), thế giới của Tích Môn. Đứng về phương diện tướng, ta thấy có sinh có diệt; đứng về phương diện tính, ta thấy không có sinh cũng không có diệt.


 

Đây là thế giới của Bản Môn. Khi quán sát những đợt sóng, ta thấy sóng có những cái tướng, như tướng cao, tướng thấp, tướng bắt đầu, tướng chấm dứt, tướng đẹp, tướng xấu, tướng có, tướng không. Mỗi đợt sóng mang theo tướng có và tướng không. Trước khi đợt sóng vươn lên thì hình như là nó không có. Khi nó bắt đầu rồi thì hình như là nó có. Khi nó chấm dứt thì hình như là nó không có nữa. Tướng có, tướng không, tướng sinh, tướng diệt, tướng thấp, tướng cao, tướng đẹp, tướng xấu, là những tướng thuộc về thế giới hiện tượng. Nhưng có một thế giới khác nằm ngay ở trong thế giới hiện tượng này mà không bị những cái tướng đó ràng buộc. Thế giới đó gọi là thế giới của Pháp tánh, thế giới của Bản thể (noumenal world) mà ở đây ta có thể ví dụ với nước. Sóng thì có không, có có, có cao, có thấp, có đẹp, có xấu. Nhưng nước thì không như vậy.

Những cái tướng kia, những danh từ, những khái niệm mà mình dùng để mô tả sóng kia, ta không thể sử dụng để mô tả nước được. Đối với nước thì ta không thể nói là đẹp hay xấu, cao hay thấp, có hay không, theo nghĩa những tiếng đã dùng để nói về sóng. Và thế giới thứ hai này là thế giới của tánh. Như nước đối với sóng, thế giới này không tách rời ra khỏi thế giới của tướng. Nó đồng thời là thế giới của tướng. Không thể dùng các khái niệm về thế giới của tướng để nói về thế giới của tánh, cho nên ta nói nước không đẹp, không xấu, không có, không không, không thấp, không cao.

Ta hãy cùng đọc lại bài kệ: Chư hạnh vô thường, tất cả mọi hiện tượng đều vô thường. Thị sinh diệt Pháp, chúng là những hiện tượng có sinh và có diệt. Đó là sự thật mà thế gian công nhận và Bụt cũng nói như vậy. Đó là thế đế, là thế tục đế. Nhưng nếu tiếp tục quán sát cho sâu sắc thêm thì chúng ta đi sâu vào đằng sau thế giới sinh diệt, và chúng ta có thể tiếp xúc được với thế giới bất sinh bất diệt, thế giới của thể tánh. Và khi tiếp xúc được với thế giới này rồi thì ta không còn thấy sinh diệt nữa. Cái sinh cũng diệt mà cái diệt cũng diệt. Sinh diệt diệt dơi, tịch diệt vi lạc, tức là khi những ý niệm về sinh diệt không còn nữa thì sự vắng lặng của những ý niệm ấy chính là niềm an lạc thật sự.

Khi một đợt sóng lên cao, xuống thấp, dạt vào, trôi ra, nó có thể đau khổ, đó là vì nó chỉ tiếp xúc được với những tướng cao, tướng thấp, tướng đẹp, tướng xấu, tướng có, tướng không của nó mà thôi. Nhưng nếu đợt sóng tiếp xúc được với bản chất của nó, tức là nước, thì sự tình khác hẳn. Nó không còn sợ hãi nữa. Nó không còn mặc cảm nữa. Nó biết nó là nước. Và khi nó tự đồng nhất mình với nước rồi thì những tướng có, không, đẹp, xấu, thấp, cao kia không còn làm nó đau khổ nữa, không làm nó sợ hãi nữa. Do đó nó đạt tới được niềm vui chân thật. Chìa khóa của giải thoát là khi ta từ thế giới hiện tượng mà đi được tới thế giới của Pháp tánh. Đi tới được, thì ta đạt được an lạc chân thật.

Vậy thì nói có sinh có diệt là đúng, hay không sinh không diệt là đúng? Hai cách nói có thể đều đúng cả. Một câu đúng về tục đế, một câu đúng về chân đế. Khi cần phát biểu về sự thật tương đối ta phải dùng tục đế, khi phát biểu về sự thật tuyệt đối ta phải dùng chân đế. Khi quý vị hướng dẫn một bài thiền tập về sinh diệt thì thường thường quý vị bắt đầu nói rằng “ta thế nào cũng phải già, ta thế nào cũng phải chết.” Ta thực tập trong cảnh có sinh, bệnh, già, và chết. Đến khi quý vị bắt đầu hướng dẫn người khác quán chiếu về không sinh, không diệt, họ có thể ngạc nhiên. Họ nói: Vừa rồi nói có sinh có diệt mà bây giờ thầy lại nói không sinh không diệt, tại sao? Vì họ không biết rằng thực tập trong phạm vi có sinh, có diệt sẽ đưa ta tới cái thấy về sự thật không sinh không diệt. Câu hỏi đặt ra ở đây là thực tập về sự thật tương đối (tục đế) có liên hệ tới sự thực tập về sự thật tuyệt đối (chân đế) như thế nào?


 

Hai sự thật có liên hệ với nhau. Nếu ta nắm vững tục đế mà đừng vướng kẹt vào tục đế, nếu tiếp xúc với tục đế cho thật sâu sắc, thì tự khắc ta tiếp xúc được với chân đế. Từ tục đế người ta có thể đi tới chân đế, không cần phải bỏ tục đế ta vẫn tới được chân đế như thường. Hai cách nhìn sự thật, Tục đế và Chân đế không đưa tới cái thấy trái ngược với nhau. Chúng ta có thể lấy những thí dụ ở ngoài đời: đứng trước cùng một hiện tượng ta có thể dùng hai cách nhìn khác hẳn nhau. Cách nhìn này không chối bỏ cách nhìn khác, hai cách nhìn sẽ bổ túc cho nhau. Thí dụ khi ta đi máy bay từ thành phố A đến thành phố B. Rời điểm A đi tới điểm B thì, theo một lối nhìn, ta càng ngày càng đi xa điểm A, ta sẽ nghĩ mình không bao giờ trở lại A nữa. Nhưng sự thật nếu đi mãi, đi mãi thì, vì trái đất tròn, sẽ có lúc ta trở lại điểm A.

Cho nên nhìn theo một cách nhìn thì rời điểm A là đi xa A, theo cách nhìn khác thì rời A đi cũng là quay về với điểm A. Ai cũng nghĩ là ánh sáng luôn luôn truyền theo đường thẳng. Nhưng khoa học ngày nay đã cho thấy rằng khi đi ngang gần một vật thể lớn trong không gian, ánh sáng sẽ đi cong. Đó là hai sự thật khác hẳn nhau về cùng một hiện tượng. Khi ngồi nhìn lên chúng ta nghĩ đó là phía trên, nhìn xuống ta nghĩ đó là phía dưới. Nhưng cùng một lúc đó, đồng loại ta ở phía bên kia địa cầu nhìn sẽ thấy ngược lại. Phía mình nghĩ là trên thì họ coi là dưới. Ý niệm về trên và dưới áp dụng cho mặt đất thì đúng, áp dụng cho không gian trong vũ trụ thì sai. Trong vũ trụ cái không trên không dưới là một sự thật. Sự thật đó không hẳn chống đối với sự thật có trên có dưới ở trên mặt đất.

Ngày nay các nhà khoa học tin vào thuyết vũ trụ bung nở, nghĩa là cả vũ trụ đang trương ra, bất tận. Từ một điểm trong vũ trụ đứng quan sát ta thấy tất cả các điểm khác đều chạy xa chỗ ta đang đứng, và tốc độ rời xa tăng theo khoảng cách từ chỗ ta đứng. Một tinh hà cách ta hai tỷ năm ánh sáng di chuyển với tốc độ gấp hai lần một tinh hà ở cách một tỷ năm ánh sáng. Quan sát như thế, ta sẽ có cảm tưởng chỗ ta đứng là trung tâm của vũ trụ. Nhưng sự thật là ngược lại. Chính vì vũ trụ nở theo tốc độ gia tăng với khoảng cách như vậy mà phải kết luận vũ trụ không có trung tâm. Vì đứng từ bất cứ điểm nào ta cũng thấy cùng một hiện tượng đó. Thuyết vũ trụ nổ bùng (Big Bang) có thể khiến ta tưởng vũ trụ có một sự khởi đầu, tin sự sáng thế do một đấng hoá công.


 

Nhưng sự thật là chính thuyết đó chứng tỏ trước vụ nổ bùng thì không có không gian và thời gian, do đó không thể nào có khái niệm trước và sau, sinh và diệt, nghĩa là không có sự khởi đầu, sự sáng thế. Ta biết thời gian cũng là một giả tướng do tri giác của ta tạo ra mà thôi. Giả tướng đó không thể tách rời giả tướng không gian và vật thể. Sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối liên tục, không chống báng lẫn nhau. Nếu chúng ta tiếp xúc sâu sắc với sự thật tương đối thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với sự thật tuyệt đối. Khi nào chúng ta thấu hiểu sinh tử một cách sâu sắc thì chúng ta cũng tiếp xúc được với thực tại không sinh không tử. Điều đó trong đạo Bụt gọi là tùng tướng nhập tánh, theo lối đi từ tướng để vào cõi của tánh.

Người không hiểu điều đó khi nghe nói những điều về chân đế lại lấy tiêu chuẩn tục đế ra phê phán. Giả dụ có người nghe tụng Tâm Kinh Bát Nhã thấy nói không có mắt, tai, mũi, lưỡi v.v.., bèn tới nắm mũi người tụng kinh vặn đùa một cái. Người kia la lên: “Sao lại vặn mũi tôi?” - “Vì anh nói không có mũi, thành thử tôi muốn thử xem có đúng là anh không có mũi thật chăng?” Đó là một cách nhìn sai lầm, mang cái thước đo của sự thật tương đối để luận bàn về sự thật tuyệt đối. Hai cách trình bày sự thật đều có giá trị cả. Nếu ta quán chiếu, tiếp xúc và đi sâu vào sự thật tương đối thì sẽ khám phá ra sự thật tuyệt đối…



 



Mục Lục:
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Nhất
  • Phải Học Kinh Điển Một Cách Khôn Ngoan
  • Hai Cách Nhìn Sự Thật: Sự Phân Biệt Tục Đế Và Chân Đế
  • Tứ Tất Đàn: Bốn Tiêu Chuẩn Về Sự Thật
  • Bốn Điều Y Cứ
  • Cây Đuốc Duyên Khởi
  • Thiền Hành
  • Nhận Diện
  • Tiếp Xúc
  • Phụ Lục
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai
  • Học Phật Phải Thấy Lòng Nhẹ Nhàng
  • Không Cần Chất Chứa Kiến Thức
  • Khế Lý Cũng Là Khế Cơ
  • Duyên Khởi
  • Tương Tức Và Tương Nhập
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Ba
  • Pháp Thoại Đối Nhau
  • Bốn Sự Thật
  • Bốn Sự Thật Tương Tức
  • Trung Đạo
  • Tính Cách Nền Tảng
  • Tính Cách Nhập Thế
  • Nghệ Thuật Nghe Pháp Thoại
  • Khổ Và Lạc
  • Tam Chuyển
  • Tứ Diệu Đế Là Phép Thực Tập
  • Nhị Đế
  • Tịch Diệt
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Tư
  • Niềm Vui Tương Đối
  • Khổ Thọ
  • Năm Thủ Uẩn
  • Hành Trì Thị Chuyển
  • Rác Và Hoa
  • Niềm Vui Xuất Thế
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Năm
  • Chánh Kiến
  • Chánh Kiến Về Tứ Diệu Đế
  • Hạ Thủ Công Phu
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Sáu
  • Quá Trình Văn Tư Tu
  • Đạo Vượt Trên Ngôn Ngữ
  • Kinh Chánh Kiến
  • Bốn Loại Thức Ăn
  • Tưới Tẩm Hạt Giống Chánh Kiến
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Bảy
  • Bát Chánh Đạo Tương Sinh Tương Tức
  • Chánh Tư Duy Về Vô Thường, Vô Ngã
  • Tư Duy Ở Trình Độ Xuất Thế Gian
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Tám
  • Ái Ngữ
  • Hạt Giống Của Chánh Ngữ
  • Bài Thực Tập Chánh Ngữ
  • Hạnh Lắng Nghe
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Chín
  • Chánh Niệm Và 51 Tâm Hành
  • Thực Tập Chánh Niệm Và Chánh Ngữ
  • Phép Tu Im Lặng
  • Chánh Niệm Làm Cơ Bản
  • Như Lý Tác Ý
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười
  • Sống Giây Phút Hiện Tại
  • Chánh Niệm Làm Sự Sống Có Mặt
  • Chánh Niệm Là Nuôi Dưỡng
  • Chánh Niệm Làm Vơi Đau Khổ
  • Chánh Niệm Để Quán Chiếu
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Một
  • Chánh Niệm Là Tự Làm Chủ
  • Nhận Diện Đơn Thuần
  • Chánh Niệm Là Trở Về
  • Kinh Người Biết Sống Một Mình
  • Quán Niệm Thân Trong Thân
  • Rửa Chén Hay Chép Kinh Trong Chánh Niệm
  • Hiện Pháp Lạc Trú
  • Đâu Chẳng Phải Là Nhà
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Hai
  • Tiếp Xúc Với Sự Sống Nhiệm Mầu
  • Chuyển Hóa Xả Thọ Thành Lạc Thọ
  • Chánh Niệm Nuôi Dưỡng Các Phần Khác Của Thánh Đạo
  • Năm Giới
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Ba
  • Như Lý Tác Ý
  • Một Bài Thực Tập Quán Hơi Thở
  • Bài Thực Tập Tiếp Tục Với Hơi Thở Chánh Niệm
  • Tịnh Độ Là Ở Đây
  • Học Đời Sống Của Bụt
  • Hạnh Phúc Ở Trong Ta
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Bốn
  • Quán Chiếu Cảm Thọ
  • Nhận Diện Các Tâm Hành
  • Quán Chiếu Về Tưởng Để Vượt Thoát Mê Lầm
  • Niềm Tin Phải Vững Mạnh
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Lăm
  • Quán Pháp Trong Pháp
  • Chánh Tinh Tấn
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Sáu
  • Chánh Định
  • Thảnh Thơi
  • Bụt Đang Có Mặt
  • Chánh Định
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Bảy
  • Tam Pháp Ấn
  • Vô Thường Là Vô Ngã
  • Không, Giả Và Trung
  • Niết Bàn Và Vô Tác
  • Tám Chữ Tháo Tung
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Mười Tám
  • Chuyển Hóa Tập Khí
  • Thực Tập Năm Cái Lạy
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Bài Thứ Mười Chín
  • Quán Không Trong Năm Lạy
  • Quán Không Trong Khi Ăn
  • Quán Vô Tướng
  • Áp Dụng Quán Vô Tướng Trong Cuộc Sống
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi
  • Quán Vô Tác Vô Nguyện
  • Áp Dụng Ba Cửa Giải Thoát
  • Các Cách Trình Bày Khác Về Pháp Ấn
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi Mốt
  • Bốn Duyên Và Sáu Nhân
  • Mười Hai Nhân Duyên
  • Liên Hệ Giữa Mười Hai Nhân Duyên
  • Mặt Tích Cực Của Mười Hai Nhân Duyên
  • Thân Thị Hiện
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi Hai
  • Hộ Trì Sáu Căn Bằng Chánh Niệm
  • Tứ Vô Lượng Tâm
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi Ba
  • Tu Tập Từ Quán
  • Quán Chiếu Để Tự Chuyển Hóa
  • Từ Bi Là Hành Động
  • Tứ Vô Lượng Tâm Và Thiền Quán
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi Bốn
  • Niềm Tin Thể Hiện Trong Đời Sống
  • Tăng Thân Và Pháp Thân
  • Tam Bảo Là Đối Tượng Tu Học
  • Phật Bảo
  • Pháp Bảo
  • Tăng Bảo
  • Tu Tập Trong Tích Môn Thấy Được Bản Môn
Phật Pháp Căn Bản – Bài Thứ Hai Mươi Lăm
Phụ Lục: Giới Bản Năm Giới Tân Tu


 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây