094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI (BỘ 9 TẬP) - CS HẠNH ĐOAN BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI (BỘ 9 TẬP) - CS HẠNH ĐOAN Tác Giả: Nhiều Tác Giả
Biên Dịch: Hạnh Đoan
NXB: Hồng Đức & Phương Đông
Hình Thức: Bìa Mềm
Khổ Sách: 13x20,5cm
Năm Xuất Bản: 2014
Trọn Bộ 8 Quyển: 9 Tập
Tập 1 & 2: Công Chúa Thăng Hoa
Tập 3: Tần Phu Nhân
Tập 4: Bay Qua Miền Hạnh Phúc
Tập 5: Nhân Quả Giải Theo Phật Giáo
Tập 6: Giai Nhân Áo Phượng
Tập 7: Nơi Mẹ Tôi Đến
Tập 8: Hồi Ký Phùng Phùng
Tập 9: Bí Ẩn Những Vì Sao
BUHĐ1 NHÂN QUẢ - BÁO ỨNG 450.000 đ Số lượng: 13 Bộ
  • BÁO ỨNG HIỆN ĐỜI (BỘ 9 TẬP) - CS HẠNH ĐOAN

  •  7453 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: BUHĐ1
  • Giá bán: 450.000 đ

  • Tác Giả: Nhiều Tác Giả
    Biên Dịch: Hạnh Đoan
    NXB: Hồng Đức & Phương Đông
    Hình Thức: Bìa Mềm
    Khổ Sách: 13x20,5cm
    Năm Xuất Bản: 2014
    Trọn Bộ 8 Quyển: 9 Tập
    Tập 1 & 2: Công Chúa Thăng Hoa
    Tập 3: Tần Phu Nhân
    Tập 4: Bay Qua Miền Hạnh Phúc
    Tập 5: Nhân Quả Giải Theo Phật Giáo
    Tập 6: Giai Nhân Áo Phượng
    Tập 7: Nơi Mẹ Tôi Đến
    Tập 8: Hồi Ký Phùng Phùng
    Tập 9: Bí Ẩn Những Vì Sao


Số lượng
Lời Người Dịch (tập 1&2)
Cuốn sách này được chia làm ba phần, phần một của cư sĩ Quả Khanh, phần hai là câu chuyện của nhiều tác giả trên nhiều nước (đích thân mục kích hoặc nghe kể) đã viết ra và gởi đến Hội Đạo Đức Trung Hoa. Phần ba là chuyện do ký giả trực tiếp phỏng vấn hay nghe kể lại mà viết ra. Tôi đã cất công săn lùng trong rừng hồi ký nguyên tác Hán tự mênh mông để tìm những câu chuyện hay và hữu ích; sau đó chắt lọc; tuyển lựa, rồi dịch ra để chia sẻ cùng bạn đọc. Quý vị có quyền tin hoặc không. Nhưng bộ sách Báo Ứng Hiện Đời này không đơn thuần là chuyện đọc “để mua vui một vài trống canh” mà mang theo cả tấm lòng yêu thương nhân gian của người viết lẫn người dịch.


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 1 min


Trong thời buổi ngày nay, đọc một tờ báo, lên một trang net, chúng ta thấy tội ác dẫy đầy, tàn nhẫn, kinh hãi đến mức báo động. Tất cả đều do con người không tin nhân quả. Vì không tin nên không biết sợ nên chẳng cẩn trọng giữ gìn. Đến nỗi một nhà nghiên cứu giáo dục đã phải than rằng: Đây là thời “cái ác lên ngôi”! Có câu: “Thánh hiền sợ nhân, chúng sinh sợ quả” tại sao Thánh hiền sợ nhân? Vì các Ngài chứng kiến nhiều, đã từng đau khổ và thấm thía tận xương tủy nên luôn cẩn trọng, giữ gìn từng hành vi ý nghĩ. Còn chúng ta ít chứng kiến, không hiểu, không tin, không nhớ… nên hoàn toàn mất kiểm soát, phóng túng gieo nhân bừa bãi. Chẳng hạn như một nhân viên thủ quỹ giữ “kho vàng” cho công sở hay tư nhân, nếu không tin tội phước báo ứng, thì rất dễ dàng thụt két, tham lam tạo tội.

Nhưng nếu họ tin nhân quả, hiểu là “của phi nghĩa chẳng những không xài được mà còn di họa đến bản thân và con cháu”… thì dù không có giám sát viên theo dõi, họ vẫn giữ mình trong sạch thanh liêm. Chỉ mong rằng sau khi đọc cuốn sách này quý vị sẽ có tầm nhìn rõ hơn về nhân quả và sẽ sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Nếu như tác phẩm này mang đến cho bạn đọc chút lợi ích tâm linh, hay niềm vui trong ý sống, thì đó là phần thưởng lớn nhất của người dịch. Cuối cùng, xin quý vị vui lòng tha thứ cho những sai sót của người dịch.
Hạnh Đoan 29/03/2013


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 2 min



Trích “Tập 1 – Thiếu Niên Bất Lương”:
Một ngày vào năm 1995, nơi nhà khách tự viện Ngũ Đài Sơn, có hai mươi mấy người chờ đợi được thỉnh giáo Hòa thượng Diệu Pháp. Những người này đến từ trời Nam đất Bắc, luân phiên nhau hỏi. Mà vị Sư phụ sung mãn trí huệ kia, các vấn đề khách nêu lên dù nặng nề đến mấy thì Ngài đều giải đáp hết sức ổn thỏa dễ dàng. Tất cả giống như “Vừa trị bệnh là thấy hiệu quả ngay, lay người tỉnh mạnh”, khiến cho mọi người nghe cảm giác như được uống cam lồ, pháp hỷ tràn trề sung mãn. Bạch Sư phụ! Con từ Đài Loan sang Đại lục khám bệnh. Ba năm trước con bị bệnh nặng, sau đó toàn thân phát đau đớn, bệnh hành hạ con đến ăn uống chẳng vô, ngủ cũng không được, tứ chi bải hoải không còn sức lực, thống khổ vô cùng.

Các bệnh viện lớn ở Đài Loan có chẩn khám nhưng tìm không ra bệnh, họ chỉ nói là con bị “Thần kinh thực vật bị rối loạn”… Con đã tiêm, châm, uống đủ thuốc nhưng thảy đều vô hiệu. Mà uống thuốc nhiều còn bị tác dụng phụ nữa. Thân thể ngày càng suy, lần này con đến Bắc Kinh khám, họ cũng chẩn đoán nói giống y như bên Đài Loan vậy. Không ai tìm ra nguyên nhân bệnh cả. Con chán nản lắm rồi. trước khi về Đài Loan, con muốn lên Ngũ Đài Sơn bái Bồ-tát, vừa rồi nghe một lão tiên sinh đi cùng xe, luôn miệng tán thán Ngài, nếu như mà Ngài có thể chữa bệnh cho, thì dù tốn bao nhiêu, con cũng trả hết…

Người đang nói khoảng hơn ba mươi tuổi, thân hình gấy ốm, ngũ quan tuy đoan chính nhưng sắc mặc rất âm u. Từ anh ta toát ra một luồng tà khí hắc ám, so với các thiện chúng đang ngồi tại đây thì rất tương phản. Âm thanh Sư phụ không cao, nhưng đầy nghiêm nghị, lạnh nhạt. Ngài nói:
– Anh chẳng phải đồ đệ ta, không cần gọi ta là Sư phụ! Ta cũng không phải là đại phu, không có khám bệnh, càng không dám lấy tiền của anh. Anh hãy đi về và thỉnh các vị cao minh khác đi!

Nói xong, Hòa thượng truyền lịnh đuổi khách, khiến những người ngồi tại đó rất ngạc nhiên. Xưa nay Ngài chưa từng đối với ai như vậy. Người Đài Loan này (tôi quên mất tên họ anh ta là gì), cảm thấy mất mặt, gương mặt xám vàng của anh ta bỗng đỏ phừng lên. Anh tức giận nói:
– Nhà Phật không phải chuyên rao giảng từ bi hay sao? Lý do nào ông có thể khám cho người khác mà không chịu khám cho tôi? Lại còn muốn đuổi tôi nữa? Trong khi tôi chưa hề đắc tội với ông!

Giọng Sư phụ sắc lạnh và thật nghiêm:
– Ngay cả cha mẹ sinh thành dưỡng nuôi mình mà ngươi còn dám đánh mắng – thì còn sợ gì chuyện đắc tội với ta?

Câu nói này khiến anh ta lập tức giống hệt quả bóng bị xì hơi. Anh ta sững sờ, mắt mở to kinh ngạc, sắc mặt từ đỏ phừng chuyển sang tái nhợt, không nói ra được một lời. Các vị trong nhá khách im tiếng lao xao, mọi nhãn quan đều đổ dồn về anh ta. Hơn một phút trôi qua, anh nhũn nhặn thưa:

– Ngài… làm sao biết việc của con, trong đây không có ai quen biết con hết mà…
– Ta đâu cần người khác mách, vì trước ngực ngươi có viết rõ ràng bốn chữ: “NGỖ NGHỊCH BẤT HIẾU” rất to kìa!

Nghe nói vậy anh kinh hãi cúi xuống nhìn vào ngực mình để kiểm tra, ánh mắt người trong khán phòng thảy đều dán chặt vào ngực của anh, cùng tìm tòi soi mói, nhưng không thấy có gì khác lạ. Lúc này, anh đột nhiên đứng dậy, tiến tới mấy bước, quỳ sụp xuống dưới chân Hòa thượng, đập đầu đến chảy máu, run rẩy khẩn cầu Sư phụ cứu anh.

Anh kể mình từ bé là một thiếu niên bất lương. Mấy cái chuyện trộm cắp, đánh nhau, chửi rủa thiên hạ… Anh đều phạm qua. Anh không nghe lời cha mẹ dạy, sau đó bị trường học đuổi học, anh lang thang trôi dạt khắp nơi rồi gia nhập băng đảng Xã hội đen. Anh chuyên thu tiền bảo kê, gạt lừa con gái, cướp bóc… không chuyện ác nào mà không làm. Cha anh tức giận đánh anh, thì bị anh đánh trả lại nên cha anh ngã nhào trên đất. Anh còn xô té luôn mẹ và tuyên bố nếu ai muốn quản giáo anh, thì sẽ phóng hỏa thiêu trụi luôn cả cái nhà. Phụ thân anh tuổi cao, giận quá sinh bệnh nằm liệt gường, mẹ anh hằng ngày phải chăm sóc ông. Lại sợ anh ở ngoài tạo họa gieo ác, cha mẹ anh không bao lâu nối tiếp nhau qua đời…

Anh ta quỳ hướng về Hòa thượng Diệu Pháp khai báo những hành vi tàn ác đã qua của mình, khi kể đến song thân tạ thế thì anh không ngăn được nghẹn ngào, bật khóc to. Thế là một “khối đá” cứng cỏi, ương bướng khó điều phục, đã bị uy đức của Sư phụ làm cho mềm nhũn, phải mọp đầu phủ phục…


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 4



Trích “Tập 3 – Tâm Sự Trùm Du Đãng”:
Thưa chư vị cư sĩ: Tôi tên Lữ Sơn Kiệt, người Hà Nam. Một ngày cách đây hơn bốn năm, trong lúc nghỉ trưa tôi tình cờ nghe cô Lý Linh kể các câu chuyện kỳ diệu của vợ chồng cô (khi họ đến Ngũ Đài Sơn lễ Hòa thượng Diệu Pháp) cho những người trong xưởng nghe. Những câu chuyện báo ứng nhân quả này thật hấp dẫn và lôi cuốn khiến tôi rất ưa nghe, nhưng không dám tới gần (vì sợ lảm ảnh hưởng tâm tư mọi người), song khi tôi đi tới thì thấy các vị trong xưởng hầu như chẳng ai tránh né tôi cả.

Ăn tối xong, tôi không kềm chế được cảm giác xúc động (vì lần đầu tiên được nghe Phật pháp), nên ráng thu hết can đảm đến trước nhả Lý Linh. Thật may, lúc này chỉ có cô và ông xã lả Đan cư sĩ ở nhà. Hai người họ chẳng những không đuổi tôi đi, ngược lại còn nhiệt tình tiếp đãi (một kẻ không được ai hoan nghênh như tôi). Vợ chồng cô Lý Linh là đệ tử Hòa thượng Diệu Pháp, tôi nói chuyện với họ tới ba-bốn tiếng đồng hồ. Được pháp Phật tẩy gội thấm nhuần, không những tôi hiểu được nguyên nhản bịnh hoạn trên thân mình, mà còn biết rằng nếu như tôi không sớm hối cải sửa lỗi sám hối, thì tương lai chắc chắn sẽ phải đọa địa ngục vô gián.

Tôi là người như thế nào ư? Xin thưa với quý vị, con nít mà đang khóc ầm ĩ, chỉ cần nghe người lớn nói một câu: -“Lữ Sơn Kiệt đến kìa!” là chúng lập tức nín ngay. Tên của tôi có thể giúp người trong thôn làng đem ra hù con nít thì phải biết là thành tích “oai hùng” của tôi rất vang danh, nỗi cộm! Xin đơn cử một chuyện nhỏ (như hạt mè) thôi, để bạn hiểu tính cách “hảo hớn” của tôi như thế nào: “Nhiều năm lâu xa về trước, ngày nọ tôi cùng một người bạn tản bộ trên đường, vừa đi vừa nói cười rôm rả, thì ngay lúc đó bỗng nghe phía sau có tiếng còi xe  “tin tin” vọng tới, tôi ngoái nhìn thi thấy đó là một chiếc xe vận tải to đùng. Nhưng tôi vẫn tỉnh bơ đi nghênh ngang trên đường, chẳng thèm lý gì tới nó. KÉ…ÉT..ÉT!

– Tiếng kèn xe rống to như muốn xé màng nhĩ, tôi giật nẩy người, gã tài xế quát to:
– “MÀY MUỐN CHẾT Ư?!

Chiếc xe lúc này đã dừng lại. Tài xế thò đầu ra mắng tiếp:
– Đúng là mày tự tìm cái chết mà!

Tôi nghe xong, bốc hỏa. Liền chạy tới đập rầm rầm vào xe, tay trái nắm chặt cửa xe, tay phải thoi lia vào tên tài xế. Đột nhiên tôi phát hiện: ngồi bên phải hắn là một cô gái xinh đẹp, thế là tôi lập tức nhảy xuống đất, chạy vòng qua bên đó mở cửa xe ra, dùng thân đè lên người cô gái và tay phải thì đấm tên tài xế nhừ tử”… Những ác nghiệp tạo trong quá khứ, tôi chỉ kể tí xíu cho mọi người nghe, để biết tôi có thành tích anh hùng ra sao thôi. Thú thật, tôi kể mà xấu hổ lắm, vì từ khi biết Phật pháp rồi, hễ nhớ tới là tôi ăn năn và đau lòng vô cùng. Do vậy mà tôi quyết tâm sám hối sửa đổi, nguyện từ nay bỏ tà quy chính, làm một người tốt đổi mới hoàn toàn.

Tin tôi cải tà quy chính lả một điều quái lạ nên chẳng mấy chốc được đồn lan. Lập tức đủ lời dèm pha của mọi người truyền đến tai tôi: -“Cái thẳng Lữ Sơn Kiệt muốn học Phật hả?… Thế thì cứt ngựa cũng có thể nở hoa đấy!” – “Phật giáo dù tốt đến đâu, hễ mà có Lữ Sơn Kiệt nhào dzô thì tôi đây không thèm học Phật nữa!”…

Quả tình còn rất nhiều lời khó nghe vô cùng, nhưng lúc đó tôi nghe xong chẳng hề nổi nóng má còn tăng thêm tâm sám hối. Đúng là tôi từng tác tệ đến nỗi ngay lúc muốn học Phật, muốn làm người tốt mà không ai dám tin! Đây chính là báo ứng mà! Trồng nhân gì thì gặt quả đó, không sai chút nào. Thế là tôi âm thầm hạ quyết tâm: “Lữ Sơn Kiệt tôi, trước đây quen sống xấu xa, xấu tới thiên hạ biết mặt, biết danh vả chạy làng. Hôm nay thân tôi rơi vào cảnh bịnh hoạn, không những toàn thân vô lực, mà còn hay bị chóng mặt choáng váng. (Đan cư sĩ nói tất cả đều là quả báo do tôi đánh người, sát sinh)… bây giờ tôi đã được nghe Phật pháp, hiểu rõ và tin có báo ứng đáng sợ rồi, nên quyết tâm làm lại cuộc đời, thệ từ nay vĩnh viễn làm người tốt, là đệ tử ngoan của Phật. Đức Phật từng nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính, thế thì vì sao tôi lại không thể … chứ?

Tất nhiên đã quyết tâm tu sửa, thì phải biết đón nhận những khinh miệt rẻ rúng mọi người dành cho mình. Chư Phật và Bồ-tát, chẳng phải đã từng dạy: “Kẻ phạm lỗi một khi hiểu rõ Phật pháp, thì phải biết khiêm cung nhận lỗi, phải nhẫn giỏi và bắt đầu tu tỉnh, học tập từ ngay trong những lời mạ nhục chửi mắng” hay sao? Từ đó, mỗi khi tan sở về nhà, tôi vùi đầu nghiên cứu kinh pháp, không những dứt tuyệt ăn mặn, mà ngay cả rượu, thuốc tôi cũng bỏ luôn. Dù trước đây tôi là con sâu rượu, (nhậu như hủ chìm và phì phà thuốc như ống khói tàu). Mỗi ngày tôi còn ở trước Phật kiểm lại những lỗi lầm trong quá khứ, chân thành phát lộ sám hối, từng lỗi sát, đạo, dâm, vọng, tôi đều dũng mãnh thề đoạn dứt, bỏ ác theo thiện…

Tôi lạy trăm lễ, hai trăm lễ, ba trăm, một ngàn… xin hồi hướng cho các sinh vật bị tôi giết hại, hồi hướng cho những người bị tôi đánh mắng mạ nhục, hồi hướng cho những người bị tôi bắt nạt, ăn hiếp… Mỗi một lạy đều phát xuất từ tâm chí thành sám hối của tôi, đều mang theo giọt lệ ăn năn tràn mặt, tôi lạy đến ngay bản thân tôi cũng không nhận ra mình là Lữ Sơn Kiệt nữa. Cuối cùng cũng đến một ngày, các bạn đạo chịu tiếp nhận tôi, láng giềng hương thôn mỗi lần gặp tôi đều vui vẻ chào hỏi, (cứt ngựa đã nở hoa) tên “ác quỷ” Lữ Sơn Kiệt giờ đã biến thành “người”, đã sống lại, đổi mới, đã quay về vị trí làm người, đã có tư cách con người rồi! Đan cư sĩ còn dẫn tôi đi quy y Hòa thượng Diệu Pháp, tôi vui và mãn nguyện lắm, dốc toàn lực bắt đầu cuộc đời mới. Đêm nọ, tôi nằm mộng thấy một con chó đen cao to rất quen, nó hiền lành quấn quýt bên tôi, tôi liền dang tay ôm, vuốt ve nó và nói bất tận những lời thân ái…



 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 5


Trích “Tập 4 – Quan Âm Cứu Nạn”:
Một ngày khoảng 8 giờ tối năm 1997, tôi vừa tan sở xong thi vội lên chuyến xe tối về nội thành. Lúc này người trên xe rất ít, đi được nửa đường thì bỗng có 4 thanh niên say bí tỉ bước lên xe. Trong tay mỗi người cầm một chai rượu, y phục xốc xếch, rỗ ràng là “say quắc cần câu”. Một thanh niên trong đây thấy tôi ngồi một mình, liền bước xiêu vẹo tới ngồi cạnh tôi, còn tùy tiện gác một tay lên lưng ghế tôi, ba ông ma men kia thấy vậy đều nhào tới, ngồi xuống bao vây tôi. Lúc đó tôi cảm thấy cực kỳ bất an, trong lòng hơi ớn nhưng ráng giữ bình tĩnh, nghiêm nghị bảo anh thanh niên ngồi sát tôi hãy bỏ tay xuống…

Kết quả, chẳng những anh ta không nghe mà còn phản ứng suồng sã táo tợn hơn (bằng cách choàng tay lên vai tôi, còn cười ha hả thật lớn). Chắc chắn đây là một tên lưu manh! Tôi muốn đổi chỗ nhưng gã chẳng cho tôi đi ra. Tôi liền hướng anh bán vé cầu cứu, tôi kêu thật to:
– Anh bán vé ơi!…

Anh bán vé từ từ đi tới, tên lưu manh này thấy vậy liền sa sầm mặt, vội xỉa tiền ra mua năm vé, còn chỉ chỉ vào tôi, trâng tráo bảo:
– Em gái này thuộc nhóm bọn tôi, người của nhau cả đấy!

Nghe vậy, tôi thật… có miệng mà nói khó khăn, nhưng vẫn ráng giải thích: 
-  Tôi không quen họ… anh đừng lấy tiền họ, vé của tôi… hãy để tôi mua!

Nói xong, tôi đưa mắt nhìn anh bán vé ngầm cầu giúp đỡ… nhưng anh ta chừng như quá sợ đám du côn này, khẽ liếc tôi một cái rồi lùi về chỗ mình ngay, anh ta cứ giả lơ, làm như không nghe thấy gì! Còn lại mình tôi với đám lưu manh… không ai bảo vệ, trong lúc cực kỳ nguy cấp đó, tôi chỉ còn biết cầu Bồ-tát cứu mình thôi. Tôi rất tin Bồ- tát Quan Âm “hữu cầu tất ứng”, trong lúc nguy nan sẽ chở che gia hộ bất tư nghi!

Giữa đêm tối bơ vơ không ai giúp đỡ, tôi đành chắp tay niệm thầm: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát”… Tôi nhất tâm khẩn cầu Ngài che chở, cứu tôi thoát khỏi cảnh nguy hiểm. Dần dần nội tâm tôi trở nên bình tĩnh, Không còn căng thẳng, mà cũng chẳng còn sợ hãi nữa, vì ngay lúc đó tâm và Phật hiệu đã hợp nhất. Khoảng chừng 15 phút sau, trong lúc tôi đang chuyên tâm nhất ý niệm danh Bồ-tát Quan Thế Âm, thi đột nhiên mấy gã say đang hùng hổ bao vây áp đảo tôi… bỗng thét lên thật to:

– TÀI XẾ! MAU DỪNG LẠI!…
– Chuyện gì vậy? Phiền phức quá đi! Hiện xe đang chạy lên đường cao tốc, không thể dừng! Tài xế bực mình đáp.
– Quả thực chúng tôi không nhịn được, không nhịn được nữa rồi!…
Mau dừng xe lại! DỪNG LẠI NGAY ĐI!
Gã ngồi cạnh tôi vừa nói vừa tỏ vẻ rất thống khổ…

Lúc này mấy gã say còn lại cũng quýnh quáng đứng dậy hết, đồng hoảng loạn la to:
– Mắc tiểu quá, hết nhịn nổi rồi, mau dừng xe! CHÚNG TÔI MUỐN XUỐNG XE!

Tài xế vừa dừng thì bốn gã say vội nhào lăn xuống đường rối biến mất hút trong đêm…
Ông Tài xế chửi đổng một câu:
– Đồ thần kinh!
Rồi cho xe chạy tiếp.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Trên xe bầu không khí giờ đã yên tĩnh trở lại. Tôi hết sức cảm tạ Bồ- tát Quan Thế Âm đã ngầm gia trì, chính là nguyện lực từ bi của Ngài đã giúp tôi “hóa hiểm thành an”. Đúng như trong Kinh Phổ Môn nói: “Chúng sinh bị khổ ách, vô lượng khổ bức thân, Quan Âm diệu trí lực, năng cứu khổ thế gian”… Lúc ách nạn tôi được thọ ân như thế, xin mạo muội kể ra chia sẻ cùng người hữu duyên: tôi muốn nói rằng nếu bạn gặp nguy hiểm, lâm vào cảnh bơ vơ cô độc một mình không có ai chở che… thì hãy chí thành niệm danh Bồ-tát Quan Thế Âm, chỉ cần bạn thành tâm hết lòng, nhất định sẽ nhận được lực gia trì không thể nghĩ lường của Ngài…


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 3 min


Trích “Tập 5 – Tây Du Ký Và Phong Thần”:
Sư phụ, nghe ngài phân tích nhận định truyện Bạch Xà, con cảm thấy rất có lý. Hiện tại con còn vài vấn đề muốn thỉnh giáo sư phụ: Tây Du Ký là bộ truyện trứ danh rất được quần chúng ưa thích, đã dựng thành phim và được bao người hoan nghinh… Nhưng hồi nhỏ xem phim, con cảm thấy Đường Tăng quá khiếp nhược, yếu đuối… vì sao Bồ tát Quan Âm lại bảo Tôn Ngộ Không bái ông làm thầy? Hơn nữa, ngài còn truyền chú cần Cô cho Đường Tảng để trị kẻ chuyên “phạt ác dương thiện” như Tôn Đại Thánh? Đường Tăng không tài giỏi hơn, sao có thể giáo hóa đồ đệ chứ? Câu chuyện này theo quan điểm Phật giáo phải giải thích như thế nào đây?

Hòa thượng Diệu Pháp đáp:
– Tôi cho rằng nếu hiểu Phật pháp, thì nên giải thích Tây Du Ký như thế này: Như trong sách đã nêu, bản thân Đường Tăng theo pháp Tiểu thừa, cho nên Bồ tát Quan Âm mới hóa hiện thành một lão Hòa thượng, chỉ điểm, mách cho Đường Tăng nên đi Tây phương bái kiến Phật tổ, xin thỉnh kinh Đại thừa. Đường đi Tây Thiên thỉnh kinh thực tế là con đường mà ngài Huyền Trang tu hành, tự độ và độ người. Nhưng đường tu không bao giờ bằng phẳng, luôn có đầy gian nan hiểm trở. Ba đồ đệ đi theo Đường Tăng, là đại diện cho ba loại ác tập: tham, sân, si, của mỗi chúng sinh.Trư Bát Giới đại diện cho người tham dục trầm trọng: tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, tham ăn, tham ngủ… vì vậy mới bắt ông giữ tám giới, hàm ý rằng chỉ có giữ giới mới dập tắt tham dục; chỉ có giữ giới mới hoạch đắc trí huệ, cho nên gọi là Ngộ Năng.

Tôn Ngộ Không là đại diện cho những kẻ hành sự có trách nhiệm bổn phận, có tài, nhưng khí sân rất lớn! Ban tên Ngộ Không, chính là báo cho những dạng người này phải hiểu rõ đạo lý: “Tất cả vô thường, vạn pháp giai không”. Còn Sa Ngộ Tịnh là chỉ những người thực thà phúc hậu nhưng ngu si, vì không hiểu rõ Phật pháp, nên tạo nhiều tội nghiệp (ăn thịt sát sinh), ông từng ở sông Lưu Sa chuyên ăn thịt người mà sống. Đặt tên Ngộ Tịnh là muốn ông tu tịnh hạnh (hạnh thanh tịnh) nếu muốn thoát ly tam giới thì cần phải từ bi, bất sát.

Đường Tăng thân là sư phụ, xem tứ đại giai không, chẳng bị tài sắc danh lợi quyến dụ, tuy không giỏi tài phép như các đệ tử, nhưng những phút giây ở sát bên bờ vực sinh tử, đối diện với chuyện sống chết, ông vẫn xem nhẹ và tuyên bố:

“Thà tiến lên một bước hướng Tây phương mà chết, chứ quyết chẳng lui về để được sống” – gặp lúc Ngộ Không phá giớt sát, chẳng vâng lời thầy nên ông buộc phải niệm chú cẩn Cô… điều này hàm ý rằng: dùng giới luật để câu thúc, khiến y cải tà quy chính. Đường Tăng không thề đằng vân giá võ, không thể biến hóa, chỉ biết nhất tâm niệm Phật, hàm ý rằng: “Mục đích tu hành không phải để cầu thần thông”. Còn xem Ngộ Không dù thần thông quảng đại, gặp lúc yêu quái có tài phép quá giỏi, chẳng phải y cũng thúc thủ hết cách sao? Nhưng cuối cùng thì tà không thể thắng chánh!…


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 6


Trích “Tập 6 – Giọt Nước Mắt Anh Tài Công”:
Việc này xảy ra vào khoảng hơn 20 năm trước, lúc đó nhằm thời “Văn hóa đại cách mạng” tình thế đất nước đang dầu sôi lửa bỏng. Năm ấy tôi vừa nhận công tác lái xe cho công ty vận tải của huyện. Đương thời toàn huyện có hai đảng đối nghịch: đảng “Bó Đuốc” và đảng “Sóng Thần”. Nhân viên trong công ty đa phần thuộc bên “Sóng Thần”. Phần tôi đối với chính trị không ưa xen dự vào. Khi đó mới sang thu, do thành phố đang muốn thực thi ba công trình lớn nên đơn vị chúng tôi phải gấp rút làm việc. Công ty ra lệnh cho hơn mười tài xế trẻ hợp thành một tổ, đi đến huyện lân cận cách đó hơn hai trăm cây số để chở vậy liệu xây dựng. Chỉ có mình xe tôi lãnh nhiệm vụ chở gỗ. Do vậy mà hằng ngày khi đội xe xuất phát, tôi và các bạn tài công chỉ song hành bên nhau khoảng nửa lộ trình, sau đó thì rẽ theo đường riêng. Ai nấy tự lo việc chuyên chở của mình.

Tôi lái xe thẳng tiến theo lộ trình đến xưởng gỗ và khi về thành là kẻ chạy đơn độc trên lộ trình. Từ huyện đến xưởng gỗ có hai con đường: Một con đường tráng nhựa, chạy êm, ngon nhưng dài và xa; một con đường đất gồ ghề quanh co nhưng mau đến đích. Nếu đi đường tắt tôi có thể tiết kiệm xăng vì rút ngắn được một tiếng. Thường thì lúc đi tôi luôn chọn đường tắt, nhưng bận về thì chọn đường nhựa, bởi vì lúc này xe chở nặng, chạy trên đường gập ghềnh sẽ không an toàn. Thêm một điểm đáng ngại nữa là: Đi đường quê phải ngang qua một nghĩa trang rộng lớn, chứa hơn ngàn ngôi mộ. Buổi sáng xuất phát, chạy trên đường này thì tôi không sợ, nhưng khi về, trời đã tối mà phải đi qua nghĩa địa một mình thì tôi không có can đảm.

Nhưng có hai lần tôi chạy về trên con đường quê này trong đêm và hoàn toàn không thể ngờ được rằng hai lần đó đã bất ngờ cứu mạng tôi! Lần thứ nhất: Sau khi chất hàng xong thì trời đã nhá nhem tối, tất nhiên tôi phải lái theo con đường tráng nhựa. Nhưng vừa mới nổ máy thì bỗng thấy có con thỏ trắng to xuất hiện ở phía trước xe, làm tôi sinh hiếu kỳ, quyết định đuổi theo nó. Khi đó giới tài công đều biết: Loài thỏ ưa chạy đường tắt, đặc biệt là khi có ánh sáng chiếu soi thì nó giống như bị ánh đèn xe thôi miên mê hoặc, cứ cắm đầu chạy mãi, chạy hoài đến khi kiệt lực mà chết. Vì vậy mới có câu đồn:
“Loài thỏ ngu!”.

Tôi vô tình bị con thỏ này “hút hồn” nên đã đuổi theo nó một quảng rất xa, lúc này trời đã tối, con thỏ đã mệt lả, nó chạy tới một bia mộ thì dừng lại và gục xuống tại đó. Khi ấy tôi mới bừng tỉnh và nhận ra mình đã lái vào con đường quê và hiện thời đang ở trong nghĩa trang. Tôi không ngăn được toàn thân toát mồ hôi lạnh, nhưng vẫn làm gan xuống xe. Bởi vì bóng dáng trăng trắng của con thỏ đang ở rất gần, đủ để lôi cuốn tôi đến gần nó. Khi tôi bồng con thỏ lên thì phát hiện nó đã chết. Tôi cũng kịp nhìn thấy trên bia mộ có khắc hàng chữ: “Kiều Tú Văn!” Khi cái tên này vừa đập vào mắt tôi, lập tức tôi nghĩ ngay:

“Nằm trong mộ này ắt là một vị phu nhân nào đó!”. Trong lòng tôi thầm nói: “Xin thành kính phân ưu!”. Rồi tôi vội leo lên xe, quýnh quáng lái đi, chạy một mạch như điên như khùng, chỉ mong mau về tới nơi. Té ra, chính trong đêm tôi lái vào con đường tắt đó thì ngoài con đường nhựa tôi hay về thường ngày đã xảy ra sự cố cầu sập bất ngờ, do vậy mà có hơn hai mươi chiếc xe vì không phát hiện kịp thời mà bị rơi xuống vực lãnh thảm nạn: Xe nát, người chết! Và thời điểm phát sinh ra tai họa này, chính là lúc tôi thường về và hay đi qua cầu.

Tối hôm đó, sau khi tôi về đến nhà, hai đấng sinh thành vừa gặp mặt tôi đã bật khóc to. Khi tôi hay được tin cầu sập, nhiều xe lẫn người đều gặp nạn thì lòng rất kinh hoàng. Tôi không ngờ mình may mắn thoát hiểm chỉ vì đuổi theo con thỏ. Do vậy tôi không nỡ ăn thịt con thỏ đó, cha tôi đem nó đi chôn, biểu lộ chút niềm cảm tạ ân đức cứu tử. Lần thứ hai là: Sau đó khoảng hơn nửa tháng, xe tôi đến trại gỗ thì gặp có đám tiệc. Trưởng xưởng vồn vã mời tôi nán lại dự tiệc. Lúc tôi cáo từ, ông còn lấy một vò rượu ngon tặng tôi và bảo: “Hãy đem về cho thân phụ chú uống nha!”.

Lúc tôi ngồi vào buồng lái, mới hay là do mình ăn tiệc nên đã bị trễ hai tiếng rồi. Hơn nữa chất men đang dần phát tác dù uống rất ít nhưng tôi giống như người say nặng, không hiểu tại sao hay do ma xui quỷ khiến gì mà tôi lại nhè vào con đường quê mà đi. Thực tế thì khi về, tôi không bao giờ có ý muốn chạy trên con đường gồ ghề này, nhất là vào ban đêm. Hình như lúc đó trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ: Phải mau về tới nơi. Nhưng chạy được một quãng thì xe đột nhiên tắt máy. Tôi mày mò, chỉnh sửa đủ cách mà xe không nhúc nhích. Tôi mệt đến hoa mắt, bởi lúc đó tôi vào nghề chưa được bao lâu nên không có nhiều kinh nghiệm sửa chữa máy móc…

 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 7 min


Trích “Tập 7 –  Anh Bạn Sinh Viên”:
Tú là bạn học chung trường với tôi. Anh cao vừa tầm, dung mạo bình thường, gia cảnh nghèo, tính nhút nhát hay mắc cỡ, anh giống tôi ở chỗ ưa lướt net vui chơi, học tập nhàn nhã. Chúng tôi đồng học Văn khoa, cùng chưa xong năm tư. Thời buổi này, sinh viên đứa nào cũng mơ ước sau khi tốt nghiệp tìm được công tác ngon, thu nhập mãn ý, vì vậy ai cũng lo phấn đấu, mong gặp may, vớ được cơ hội tốt. Anh Tú thời cao trung đã có bạn gái. Sau đó mỗi người thi đậu vào trường đại học riêng, tuy khác thành phố, nhưng hai bên vẫn duy trì tình cảm mật thiết. Hôm nọ, cô bạn sinh viên tìm đến thăm, hơn nữa còn chủ động muốn trao thân cho anh.

Lúc này Tú đã có nhà trọ riêng, song ngay vào thời diểm quan trọng nhất, anh vẫn kiên trì giữ mình như ngọc, nhất quyết dùng lý trí chiến thắng dục vọng, không chịu vượt qua lễ giáo khi chưa kết hôn. Trước sự cự tuyệt của anh, cô bạn gái xấu hổ hóa giận, sau khi bỏ ra về rồi thì dứt khoát chia tay với anh. Tôi hỏi anh:
– Có hối tiếc vì thái độ cư xử phong kiến bảo thủ ấy chăng?
Anh đáp: Tuyệt đối không!

Và anh giải thích rằng đó là khuôn vàng thước ngọc mà cổ thánh tiên hiền từng nhắc nhở, bản thân anh bắt buộc phải tôn trọng, vâng theo. Mặc cho bạn bè cười đùa, chế nhạo rằng: Anh làm vậy là thiếu nam tính, không chuẩn “men”, họ còn nghịch ngợm tỏ vẻ nghi ngờ, nói: Hay là anh thuộc loại… pê đê? Anh vẫn tỉnh bơ không thèm để ý và luôn nghiêm túc giữ mình, trung thành với câu “nhất quyết không vượt qua lễ giáo khi chưa kết hôn”. Do vậy mà anh không bao giờ suồng sã với ai.

Chỉ trích chế nhạo riết không nhằm gì, chúng tôi xoay qua kính phục tính nết đoan chính của anh. Dù vậy, chúng tôi vẫn không tha, thường trêu anh là “động vật quý hiếm” còn sót lại trên thế gian này. Vì nếu gặp tay chúng tôi mà cô nào sẵn lòng trao thân thì… sẽ nhiệt tình đáp ứng ngay. Dạo gần tốt nghiệp, các sinh viên vừa học, vừa lo kiếm tìm công tác cho lúc ra trường, ai cũng bận bù đầu, chỉ riêng Tú là thong dong nhàn nhã, anh không lộ vẻ ưu tư chi, vì vậy mà chúng tôi thường trêu anh: “Nếu không biết lo xa thì sau khi tốt nghiệp cũng đồng nghĩa với thất nghiệp đấy”… Nhưng Tú vẫn không đề lòng. Kết quả: Sau khi tốt nghiệp xong, anh thất nghiệp thiệt, do vậy mà anh phải đi Thẩm Quyến để tìm việc…

Nhưng không ai ngờ được là, sau đó không lâu, Tú đã nhanh chóng được quý nhân giúp đỡ, tiến thẳng vào làm trong đài truyền hình X, một nơi rất nổi danh (có tiêu chuẩn tuyển người rất khắt khe, song là một chỗ làm cực kỳ ngon mà đa số chúng tôi đều mơ ước nhưng không phải ai cũng với tới được). Vì vậy mà Tú đã khiến tất cả bạn bè đều tròn mắt ngạc nhiên, bởi các nhân vật tài ba ưu việt muốn vào làm trong đài truyền hình X này mà còn chưa được, vậy mà hạng xoàng mới ra trường như Tú lại trúng tuyền ngon ơ. Phải nói đây là may mắn đặc biệt hiếm, không phải ai cũng tốt số như anh…



 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 8 min


Trích “Tập 8 - Hồi Ký Phùng Phùng”:
Tôi là người không bao giờ có thể ăn mặn, nên hễ gặp đậu hũ, rau cải, đậu phộng v.v... thì rất thích; còn đối với cá thịt, vịt, gà... nghĩa là các món mặn dù có đủ sơn hào hải vị... thì chỉ vừa nhìn thôi là tôi đã muốn nôn. Những khi bạn bè mời dùng bữa, họ thấy tôi ngồi trước mâm cao cỗ đầy, ê hề món mặn... mà mặt mày ủ ê, không muốn đụng đũa tới, thì cả khách lẫn chủ đều chẳng vui, không khí tẻ nhạt. Họ hay hỏi tôi:
- Sao bạn ngốc thế? Cá ngon, thịt thơm như vậy mà chẳng chịu ăn, lại ưa chi cái thứ cơm trắng rau nhạt khó nuốt?...

Vâng, tôi ngốc vậy đó, ngốc bẩm sinh mà! Quả thật tôi vô phương nuốt trôi mấy thứ đồ mặn, nghĩa là những thức ăn làm bằng thi thể loài vật tanh nồng này, cho dù nó có được chế biến từ các nhà hàng lớn nổi danh (những người khác chỉ cần vừa nghe mùi thôi là họ đã tấm tắc khen thơm, khen ngon nức nở, còn tôi thì: Dù đã lùi xa tới... ba thước, song vẫn bị cái mùi tanh đó xông lên, hành khó chịu đến nhức óc nhức mũi!)... Với tôi tất cả thức mặn dù có chế biến ngon đến đâu thì vẫn là mùi của... thây chết! Thế nên hễ mùi này mà vừa bốc lên, bay ra... là tôi đã muốn nôn thốc nôn tháo, ói sặc sụa rồi...

Thế này là sao vậy? Mọi người ai cũng ngạc nhiên nên cứ thắc mắc, vặn hỏi đủ điều. Chính tôi còn không hiểu là tại sao, chỉ có thể giải thích rằng: Tôi sinh ra đã không thể ăn mặn! Nói chính xác thì thế này: Hình như tôi quen ăn chay ngay từ trong bụng mẹ lận! Hồi bé, tôi nhớ là mình luôn né tránh, đẩy thức ăn mặn ra. Cha mẹ thấy vậy rất âu lo, cứ sợ tôi dinh dưỡng không đủ chất, nên càng ép buộc, muốn tôi được tẩm bổ bằng đủ loại thịt, cá... nhưng tôi nhất quyết không chịu nuốt. Vì vậy mà mỗi khi đến giờ ăn thì giống như tôi bị thọ đại khổ hình: Mặc cho cha mẹ la hét, đe dọa... bày ra đủ trò, đủ cách... nhưng dù có khủng bố hay dỗ dành thế nào, cũng không sao ép tôi chịu hả miệng để nuốt đồ mặn vào. Có lúc vì sợ cha mẹ không vui, tôi cũng ráng ăn, nhưng vừa nuốt vào là đã ói hết ra ngay, do vậy mà tôi vừa khóc vừa la.

Kết quả: Tôi ăn no đòn, bị chổi lông gà quất tới tấp vào mông. Hầu như ngày nào tới bữa ăn tôi cũng bị đòn, phải chịu hình phạt dữ dội... do vậy mà trong nhà thường xuyên hiện cảnh khóc la ầm náo, chuyện này diễn ra suốt thời thơ ấu của tôi. Mẹ tôi hết sức buồn rầu, bà thở dài than:
- Thằng bé cứ đẩy đồ mặn ra như thế này mãi thì làm sao nó có đủ dinh dưỡng để mà lớn được cơ chứ? Nó không chịu ăn bất kỳ thức mặn bổ dưỡng nào!

Cha tôi bực mình nói:
- Đem ném quách nó vô chùa, cho làm hòa thượng đi! Giữ nó ở nhà chỉ tổ vô ích! Ngày nào cũng xảy ra cảnh khóc lóc rùm beng, không có được một hôm yên tĩnh! Làm sao mà chịu nổi đây hở trời?

Do tôi luôn cãi lời, nhất quyết không chịu ăn mặn và cứ khóc ầm ĩ trong bữa ăn, đã khiến cho cha mẹ tôi cũng nhân đây mà phát sinh gây cãi bất hòa. Hồi đó mẹ tôi chưa biết đạo nên không tin hay thờ Phật chi. Bà từng làm hộ lý trong bệnh viện, chịu ảnh hưởng cách ăn uống dinh dưỡng theo kiểu Tây phương, cộng thêm quan niệm khoái tẩm bổ của người Trung Quốc, nên trong nhà bà nuôi rất nhiều gà vịt để giết lấy thịt để tẩm bổ. Hầu như ngày nào bà cũng cho ăn các món gà hầm đương quy, sâm nhung v.v...


 
báo ứng hiện đời bộ 9 tập 9 min


Trích “Tập 9 – Bí Ẩn Những Vì Sao”:
Người ta kể rằng có một con ếch sinh ra và lớn lên trong giếng, cả đời không bao giờ rời khỏi miệng giếng, nên thế giới của nó chỉ gói gọn trong cái giếng, bốn bên được bao quanh bởi vách thành cao nên khi nó nhìn lên, tuy có thấy bầu trời, nhưng bị hạn cuộc theo độ rộng của miệng giếng. Thế là nó nghĩ: “Bầu trời bất quá chỉ lớn tí chút như vậy thôi, mà trên không thì trống rỗng, ngó bộ chả có gì”. Triết lý Phật giáo quảng đại, pháp Phật rộng lớn vô biên, dù thực hành đến hết đời mình, ta cũng khó thấy được toàn bộ diện mạo hay cảnh giới vô hạn và năng lực siêu nhiên bất khả tư nghị của Phật pháp. Tuy khó thấy được toàn bộ cảnh giới huyền diệu lẫn sức mạnh siêu nhiên, những nhờ thực hành Phật Pháp, ta mới dần thể hội được khả năng siêu nhiên và năng lực vĩ đại của Phật pháp.

Người luôn có thành kiến và từ chối tiếp thu Phật pháp, thì cũng giống như con ếch ngồi đáy giếng, do sống quanh quẩn trong giếng nên không thể nào nhìn thấy chân tưởng của bầu trời cao rộng. Lại có nhiều người tự cho rằng đầu óc mình rất tân tiến, khoa học. Hễ mở miệng ra là nói: “Bây giờ là thời đại văn minh, khoa học ưu tú của thế kỷ 20”... nhưng họ chỉ nhìn thấy được hiện tượng vật chất xung quanh và chỉ biết khoa học vật lý ở giai đoạn này, rồi cho như thế là đủ để giải thích tất cả các hiện tượng trong vũ trụ, rồi phủ nhận tất cả hiện tượng siêu nhiên. Họ nói: “Không có ma quỷ, không có thần, không có Phật, chả có thần thông hay quyền năng siêu nhiên gì ráo! Cũng không có Phật lực, Phật pháp chi cả!...”

Thế là họ ngạo nghễ tuyên bố: “TIN PHẬT LÀ MÊ TÍN!”, rồi đem tất cả điều mình chưa hiểu lẫn khả năng nghiên cứu hiện tượng siêu nhiên hạn hẹp của mình để miệt thị và bác bỏ những gì họ không hiểu và chưa từng nghiên cứu. Nhiều người cho siêu nhiên là hiện tượng tâm lý, một số khác thì cho là do bản ngã tạo ra ảo giác để tự đánh lừa bản thân mà thôi. Họ cho rằng: Khoa học hiện đại đã rất phát triển nên có thể nhìn thấu những điều thâm áo bí ẩn trong vũ trụ.

Họ hoàn toàn không biết rằng: Khoa học hiện đại vẫn đang ở giai đoạn manh nha! Vì mỗi ngày đều có khoa học gia phát hiện ra điều mới lạ và đưa ra luận thuyết phản bác lại nhiều quan niệm thuộc khoa học cũ. Tân khoa học càng nghiên cứu thâm nhập vũ trụ, thì càng phát hiện vũ trụ có rất nhiều điều bí ẩn mà kinh nghiệm tri thức khoa học hiện tại chưa đủ để giải thích. Kể cả những người không chịu chấp nhận vũ trụ không gian và thế giới tinh thần hay tâm linh đa chiều có nhiều mức độ đi nữa, thì khoa học tối tân tiên tiến nhất dần dần cũng sẽ chứng minh những điều này tồn tại, nhờ vào sự không ngừng tìm hiểu nghiên cứu.

Hễ dạng nghiên cứu này ngày càng gia tăng mạnh mẽ, thì càng dễ nhìn ra sự thực, càng trở thành hướng nghiên cứu cho khoa học tối tân. Trong kinh Phật từ mấy ngàn năm trước đã thông báo và tiết lộ quan niệm “vũ trụ đa độ”, còn mô tả cuộc sống vũ trụ bên ngoài siêu suất địa cầu, thậm chí vượt khỏi vũ trụ này. Những chủ đề này, suốt bốn năm nay tôi đã liên tục viết rất nhiều bài đăng trong tạp chí Phật giáo nổi tiếng rồi. Nhưng trong quyển sách này, đây là lần đầu tôi đề cập đến, hy vọng tương lai sẽ có nhiều bài viết về điều này hơn.

Tôi không vọng ngôn bàn luận hồ đồ mà chỉ muốn ném đá dẫn ngọc, muốn dùng những ý tưởng khoa học mới mẻ để chứng minh rằng: Phật giáo cực kỳ khoa học, chứ không hề mê tín! Các bài tôi viết trong tạp chí Nội Minh đã nhắc nhiều đến hiện tượng siêu nhiên nơi chùa Kim Sơn và Vạn Phật Thành, tất cả đều dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà báo cáo tình hình thực tế. Tôi chỉ kể lại những gì mình đã từng trải qua và tất nhiên những điều này khiến nhiều pháp hữu hứng thú, xao bàn tán. Nhưng cũng có không ít kẻ hoài nghi, thậm chí có nhiều bậc đại đức còn tìm đến khuyên tôi không nên bàn về những điều thần bí linh dị và nói rằng: Những điều tôi nhìn thấy tại Kim Sơn Tự Vạn Phật Thành chỉ là vọng tướng, vọng tưởng; không phải Phật lực! Ngoài ra còn có một số vị bảo rằng: Hễ tin Phật thì không được bàn đến những điều thần dị!...


 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây