Nói đến tông Tịnh Độ thì phải nói đến Đại sư Thiện Đạo, cũng như nói đến tông Thiên Thai thì phải nói đến Đại sư Trí Giả (538-597), nói đến tông Hoa Nghiêm thì phải nói đến Đại sư Hiền Thủ (643-712), nói đến tông Duy Thức thì phải nói đến Đại sư Khuy Cơ (632-682), vì các ngài là tổ sư sáng lập các tông ấy tại Trung Hoa. Tông Tịnh Độ được Đại sư Thiện Đạo (613-681) khai sáng vào đời Đường, Trung Hoa bằng cách tập đại thành tư tưởng Tịnh Độ của các Đại sư Đàm Loan (476 - ?), Đạo Xước (562-645). Tại Ấn Độ chỉ có pháp môn Tịnh Độ do đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói trong ba kinh Tịnh Độ (kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quân Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà), chứ chưa thành lập tông Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ từ Ấn Độ truyển sang Trung Hoa thông qua Bồ-tát Long Thọ (với Dị hành phẩm trong Thập trụ tỳ-bà-sa luận) và Bồ-tát Thế Thân (với Vãng sanh luận), tư tưởng Tịnh Độ của hai ngài thích hợp với cần tánh của người Trung Hoa, nên pháp môn Tịnh Độ được đâm chồi nảy lộc và pháp triển mạnh mẽ tại đất nước Trung Hoa với sự tiếp thu của Đại sư Đàm Loan (trứ tác Văng sanh luận chú), Đại sư Đạo Xước (trứ tác An Lạc tập), Đại sư Thiện Đạo (trứ tác năm bộ, chín quyển). Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo đóng vai trò chủ đạo trong việc thành lập tông Tịnh Độ tại Trung Hoa, sau này Pháp Nhiên thượng nhân (1133-1212) cũng dựa vào tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo mà trứ tác Truyển trạch bản nguyện niệm Phật tập làm cơ sở thành lập tông Tịnh Độ Nhật Bản vào đầu thế kỷ XIII.