094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

Quy y mà không thọ giới được không?

Thứ hai - 27/02/2017 17:33
Khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?
Quy y mà không thọ giới được không?

Câu hỏi

Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không? Nếu đúng thì cách thức quy y Tam bảo - không thọ giới, được thực hiện như thế nào? Về sau muốn thọ giới thì làm sao

Trả lời

Bạn ở nhà, tự mình đối trước Đức Phật mà phát nguyện quy y thì chỉ thành tựu về mặt tâm nguyện. Đối với pháp thức quy y đúng theo Chánh pháp thì chưa đầy đủ, vì sự lý chưa viên dung. Trong trường hợp nơi bạn ở không có chùa thì tạm thời bạn có thể phát tâm nguyện quy hướng Tam bảo như vậy, nhưng đến khi nào đủ nhân duyên gặp chùa cùng chư vị Tăng (Ni) thì hãy xin quy y. Bạn đối trước ba ngôi quý báu Phật-Pháp-Tăng, tự nói lên tâm nguyện quy hướng Tam bảo ba lần thì pháp quy y thành tựu, bạn chính thức trở thành Phật tử.

Phát nguyện và thọ năm giới tuy xảy ra trong cùng buổi lễ nhưng thực chất là hai vấn đề khác nhau. Quy y là phát nguyện trọn đời quay về nương tựa Tam bảo. Khi đã quy y, chính thức trở thành Phật tử rồi mới được khuyến khích phát nguyện giữ năm giới, để hoàn thiện nhân cách người đệ tử Phật. Tùy theo sự tự giác phát nguyện mà người Phật tử phát tâm thọ trì một, hai, ba hoặc cả năm giới.

Do đó, về mặt phương tiện, nếu sau khi quy y người Phật tử chưa kham nhẫn thọ nhận cả năm giới thì vẫn được. Trong trường hợp này, người Phật tử vẫn tham dự trọn vẹn lễ nhưng lúc vị Tăng (Ni) truyền giới, người này hoàn toàn mặc nhiên im lặng (biểu thị chưa nhận giới). Nhưng trong thực tế, hầu như ai tham dự lễ cũng phát tâm thọ nhận giới pháp, ít nhất cũng được một hoặc hai giới. Giới nào Phật tử phát tâm thọ trì thì khi nghe hỏi “Giới này có giữ được không?” liền đáp lớn, rõ ràng “Mô Phật, con giữ được”.

Nhân đây, thiết nghĩ có hai điều đáng nói. Thứ nhất, phát tâm thọ giới để trau dồi đạo đức chính là biểu hiện cụ thể của quy y. Đã nguyện quay về nương tựa Tam bảo, tất nhiên phải tránh xa sự xấu ác, chuyển hóa tự thân, tích cực làm điều thiện, thọ nhận năm giới quý báu sẽ giúp người Phật tử thực hiện trọn vẹn tâm nguyện này.

Thứ hai, vị thầy truyền giới cần giải thích chính xác và rõ ràng về nội dung cũng như phương cách thọ trì các giới luật, cụ thể như điều gì là trọng tâm của giới, phạm điều gì thì không thể sám hối, phạm điều gì thì sám hối được. Như giới Không sát sinh chẳng hạn, cốt tủy của giới này là không giết người. Phạm vào điều này thì không thể sám hối, chịu đọa lạc. Nhưng nếu vô tình hay vì hoàn cảnh bức ngặt mà tổn hại đến những loài nhỏ hay côn trùng thì có thể sám hối. Cần giải thích về giới thật rõ ràng để người Phật tử sơ cơ thấy rằng mình có thể giữ được để phát tâm thọ nhận.

Trong trường hợp quy y mà chưa thọ giới hay chỉ thọ một hoặc hai giới thì người Phật tử cần nỗ lực, phát tâm tinh tấn hơn nữa để thọ hết năm giới. Thọ hết năm giới và nghiêm cẩn gìn giữ thì nhân cách Phật tử mới được hoàn thiện. Muốn thọ các giới còn lại, bạn cần tham dự một lễ quy y khác. Trong lễ này, phần quy y thì đã xong rồi, đến phần thọ giới, đối với các giới chưa thọ khi được hỏi “Giới này có giữ được không?” liền đáp lớn, rõ ràng “Mô Phật, con giữ được” là trọn vẹn.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây