Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Hòa thượng Tịnh Không giảng, tập 595
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa.
Chủ giảng: Lão Pháp Sư thượng Tịnh hạ Không.
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội.
Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2010.
Người dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa.
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang.
Thu Âm: Trung tâm Diệu Pháp Âm.
Diễn đọc: Huy Hồ.
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 782, hàng thứ tư từ dưới đếm lên: “Thân người khó được”, bắt đầu xem từ đây. Mời quý vị ngồi xuống.
“Thân người khó được, phần tựa trong Kinh Phạm Võng nói: Một khi mất thân người, vạn kiếp khó gặp”, điều này rất khó. Thân người không dễ đạt được, nhưng rất dễ đánh mất, khó được dễ mất. Trong Kinh Niết Bàn lại nói: “Thân người khó được, như Hoa Ưu Đàm”. Chúng ta nói đến Đàm Hoa, cái gọi là Hoa Đàm xuất hiện. Thời gian Hoa Đàm nở rất ngắn, đều nở lúc nửa đêm, 12 giờ đêm. Thời gian hoa nở chỉ khoảng nửa tiếng, nửa tiếng sau là hoa héo, một tiếng sau là hoa rụng, nên không dễ đạt được. Đặc biệt là ở vùng đất Trung nguyên, chỉ nghe nói có Hoa Đàm, nhưng chưa từng thấy. Ở vùng nhiệt đới Nam Dương nhiều hơn.
“Được thân người như đất trong móng tay, mất thân người như đất của đại địa”, trong kinh Đức Phật nói như vậy. Ở Tịnh xá Kỳ Viên có một lần trong công trình, Đức Phật dẫn một số đệ tử đi xem công trình, ngài tiện tay bốc một nắm đất. Sau đó ngài đem nắm đất này rải ra trên đất, trong tay không còn nữa, chỉ còn lại một chút trong móng tay. Chư vị đệ tử thỉnh giáo ngài, động tác này nói lên điều gì? Đức Phật nói: Con người có được thân người, khi đánh mất thân người này, nếu có thể đạt được thân người lại, giống như đất trong móng tay của Ta vậy. Khi mất thân người, đời sau không thể được thân người, giống như đất ta rãi trên mặt đất, vậy bên nào nhiều? Không cân xứng, chứng tỏ cơ hội được thân người rất khó, được thân người nhất định phải nắm chắc. Trong thời gian ngắn ngủi đó, có cơ hội thoát ly luân hồi lục đạo, có cơ hội chứng được vô thượng bồ đề, thật sự phải dựa vào vận khí. Vận khí không phải ngẫu nhiên, vận khí là thiện căn phước đức nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp. Trong đời này chúng ta có thể gặp được Phật pháp, chứng minh nhiều đời kiếp quá khứ ta từng cúng dường vô lượng Như Lai, trong kinh Đức Phật đã nói như vậy. Đời này ta có thể gặp được, đương nhiên vẫn có chướng ngại. Chướng ngại này là tập khí bất thiện tích lũy từ nhiều kiếp tạo nên, thông thường gọi là nghiệp chướng, khi biết rồi phải sám trừ nghiệp chướng. Bây giờ chúng ta biết có rất nhiều phương pháp sám trừ nghiệp chướng, thông thường người ta tụng kinh, lạy Phật, lễ sám, đây là phương pháp sám trừ nghiệp chướng của những người bình thường, người dùng phương pháp này rất nhiều.
Người có trình độ cao hơn một chút, nghiên cứu kinh giáo, tu hành chỉ quán, đoạn ác tu thiện, đây là người thuộc bậc trung. Hàng căn tánh bậc thượng biết được, công đức danh hiệu của Phật A Di Đà không thể nghĩ bàn. Thiện trong các điều thiện, không có gì thiện hơn điều này. Nhất tâm thọ trì, mỗi danh hiệu diệt vô lượng tội nghiệp, trong kinh nói: Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, một niệm tương ưng này diệt tội nặng sanh tử trong 80 ức kiếp. Người thường chúng ta nghe được rất khó tin, rất khó tiếp thu. Đức Phật nói có khoa trương, có quá đáng chăng? Điều này chúng ta nhất định phải biết: Phật Bồ Tát thuyết pháp nhất định là chân thật, không quá đáng chút nào, không khoa trương chút nào, vấn đề là chúng ta không làm được. Chúng ta niệm một câu Phật hiệu này, với người biết niệm_với hàng thượng thượng căn niệm một câu Phật hiệu, công đức không giống nhau. Chúng ta niệm câu Phật hiệu này, không thể tương ưng với Chư Phật Bồ Tát, vì sao vậy? Vì trong câu Phật hiệu này có xen tạp, có hoài nghi, có gián đoạn. Không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, là Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta: “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Phương pháp niệm này mới hữu hiệu.
Chúng ta ngày nay không nhiếp được lục căn, không nhiếp được lục căn đang tạo nghiệp. Mắt thấy sắc, thấy tất cả người sự vật, lập tức liền khởi tốt xấu, tôi thích điều này, tôi ghét cái kia, đây chính là tạo nghiệp. Nó sẽ khởi tâm động niệm, sẽ phân biệt chấp trước. Tai nghe âm thanh, lưỡi nếm vị, lục căn đối với cảnh giới lục trần đều đang tạo nghiệp. Tóm lại mà nói, nghiệp này gọi là nghiệp luân hồi, ta đang tạo ra luân hồi lục đạo.
Thiện nhiều ác ít cảm ứng với ba đường lành, ác nhiều thiện ít cảm ứng với ba đường ác, tức là làm chuyện này. Dùng tâm này niệm Phật, chỉ có thể trồng thiện căn, không thể giống như trong kinh nói, diệt tội nghiệp nặng như vậy. Những gì Phật nói không phải giả dối, mà do tâm chúng ta không thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh bình đẳng niệm Phật, công đức này sẽ rất lớn, như những gì Đức Phật nói.
“Phật nan trực”, trực là gặp được, không dễ gì gặp được Phật. Trước thời Đức Thế Tôn, thời gian rất dài thế giới này không có Phật. Sau khi Đức Phật diệt độ, vị Phật tiếp theo là Bồ Tát Di Lặc thị hiện thành Phật ở thế gian này, phải 56 ức bảy ngàn vạn năm sau. Trong thời gian dài như vậy, không có Phật xuất thế. Pháp vận của Đức Thế Tôn, nghĩa là pháp của ngài ảnh hưởng, chỉ có 12000 năm. 12000 năm so với 56 ức năm, quá ngắn ngủi. Có Phật ra đời, con người sẽ có cơ duyên được độ, liễu sanh tử xuất tam giới. Không có Phật ra đời, sẽ không có cơ hội này, sanh đến nhân gian cũng không ra khỏi luân hồi lục đạo.
Chúng ta tuy không sanh cùng thời với Đức Thế Tôn, nhưng sanh trong phạm vi pháp vận của Đức Thế Tôn, điều này không dễ. Pháp vận của Phật là 12000 năm, chúng ta sanh vào lúc này là cuối cùng của 3000 năm, mở đầu của 4000 năm. Theo ghi chép của ngày xưa, năm nay là Đức Phật diệt độ 3038 năm, rất may mắn, không dễ gì! Tuy Phật không còn, nhưng kinh điển còn, từ trên kinh điển chúng ta biết về Đức Phật, chúng ta hiểu về ngài. Chúng ta tin rằng, trí tuệ của Đức Phật vô lượng vô biên, đức năng không thể nghĩ bàn.
Phát tâm quy y, phát tâm học tập theo Đức Phật. Mở kinh điển ra, đối diện với Đức Phật, chí thành đảnh lễ. Đại sư Ấn Quang nói: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Lời của tổ sư Ấn Quang nghĩa là chúng ta gặp được Phật, đạt được lợi ích như thế nào, then chốt ở chỗ tâm chân thành cung kính đối với Phật như thế nào, là thật không phải giả.
Trong số các bạn đồng học, tôi được lợi ích nhiều hơn một chút, nguyên nhân là gì? Không phải thông minh trí tuệ hơn người khác, không phải phước đức lớn hơn người khác, không phải vậy, những điều này tôi không bằng người khác. Hơn người khác một chút, chính là tâm cung kính nhiều hơn một chút. Quý vị có một hai phần tâm cung kính, tôi có mười mấy hai mươi phần cung kính, chỉ như vậy mà thôi.
Đối với giáo huấn của thánh hiền thế xuất thế gian, chỉ có tin thật, thật muốn học, quý vị mới có thể được lợi ích. Nếu như không phải tin thật học thật, sẽ chẳng đạt được lợi ích, gặp rồi cũng chỉ là con số không. Điều này trong kinh Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta, rất khó! Quả thật không phải là chuyện dễ.
Bên dưới đưa ra Phẩm Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa nói, trong kinh có một đoạn như vậy: “Tỳ kheo nên biết, chư Phật ra đời, khó có thể gặp được, cho nên vì thế, những người đức mỏng”, đức hạnh không dày, đức hạnh không cao. “Quá” là trải qua, “vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp”, phải trải qua thời gian dài như vậy. “Hoặc có thấy Phật, hoặc không thấy Phật, vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp”. Trong thời gian dài như vậy, có thể gặp được Phật hay không còn chưa biết được. “Nên vì điều này, Ta mới nói rằng: Này các Tỳ kheo, Như Lai khó có thể gặp được”. Đức Phật không dễ gì xuất hiện ở thế gian, những lời này đều là khuyên chúng ta cần phải quý trọng nhân duyên, quả thật nhân duyên không nhiều. Trong bài Kệ Khai Kinh nói: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”. Cư sĩ Bành Thế Thanh nói, vì sao chúng ta gặp được Phật là rất may mắn? Là một ngày hy hữu khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, vậy mà ta đã gặp được. Gặp được Phật nghĩa là gặp được cơ hội liễu sanh tử xuất luân hồi, quý vị không gặp được là không có cơ hội này. Gặp được đời này rất có thể quý vị sẽ thành Phật. Quý vị thật sự buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, là quý vị thành công, Phật nói từng câu từng chữ đều là thật. Nếu không chịu buông bỏ, nói không dễ nghe một chút gọi là hạ thấp bản thân mình. Sự gặp gỡ của một người trong đời, sự gặp gỡ đời đời kiếp kiếp không thể trách người khác, tất cả đều là tự làm tự chịu.
Bên dưới đưa ra một ví dụ: Đương thời, lúc Đức Phật ở thành Vương Xá tại nước Ấn Độ, trong kinh có ghi chép điều này, trong thành chỉ có 1/3 người thấy được Phật. Đức Phật mỗi ngày ra đi khất thực, lúc này sẽ thấy được Phật. Còn 1/3 số người chỉ nghe danh Phật, chứ chưa thấy được Phật. Biết được có một người như vậy, có người nói với họ, nhưng chưa thấy mặt. Ngoài ra còn có 1/3 số người, không thấy không nghe. Đức Phật ở thành Vương Xá thời gian rất dài, giảng không ít kinh điển, vậy mà vẫn có 1/3 số người không hề hay biết. Cho thấy gặp Phật rất khó” gặp Phật không phải là chuyện dễ dàng.
Ngày nay ở thế giới này, tin tức truyền bá trong đại chúng phát triển, nên không ít người biết có Phật. Chưa thấy Phật, có ai không biết chăng? Có, địa cầu này lớn như vậy, có rất nhiều người căn bản không biết. Chúng ta có thể thấy được, biết được ấn tượng trong lòng những người này rất mơ hồ. Đại đa số đều cho rằng Phật là mê tín, là Tôn giáo, xem Chư Phật Bồ Tát giống như thần minh. Người như vậy trong thời đại này là đại đa số, còn người thật sự nhận thức thấu triệt đã ít lại càng ít. Do đó mới biết bản thân chúng ta, đối với nhân duyên này là đáng quý biết bao, khó được biết bao.
“Có niềm tin có trí tuệ là khó trong các điều khó”, thật sự khó! Thật sự tin tưởng là quý vị có trí tuệ, có trí tuệ mới có thể nhận thức, mới có thể lý giải. Không có trí tuệ, quý vị coi là mê tín, là thần minh, đó là không có trí tuệ. Tin, trong nhà Phật niềm tin đầu tiên là tin vào bản thân mình, không phải tin vào người khác, điều là rất khó. Tin chính mình là sao? Bản thân vốn là Phật. Nho giáo dạy học cũng đặt vấn đề này lên hàng đầu, Nho giáo thừa nhận bản tánh vốn thiện, bản tánh vốn thiện là thánh nhân. Bởi vậy Nho giáo nói: “Người người đều có thể làm Nghiêu Thuấn”. Hai ông vua Nghiêu Thuấn này trong thời cổ đại được tôn xưng là đại thánh nhân. Thời kỳ họ làm hoàng đế, xã hội này gọi là cách trị đại đồng. Những gì được miêu tả trong Lễ Vận Đại Đồng Thiên của Lễ Ký, thời đại của Nghiêu Thuấn đều làm được. Đại đồng không phải lý tưởng, ngày xưa đã từng xuất hiện, người người đều có thể làm Nghiêu Thuấn, cùng một ý nghĩa với câu “tất cả chúng sanh vốn là Phật” mà trong Phật pháp nói.
Từ đó cho thấy, mục tiêu dạy học của ba nhà Nho Thích Đạo là thánh hiền, là Phật Bồ Tát, chứ không phải gì khác. Đây mới thật sự là siêu việt, siêu việt vĩnh hằng, vượt thoát lục đạo, vượt thoát mười pháp giới. Bởi thế trí tuệ vô cùng quan trọng. Nền tảng của trí tuệ là gì? Chính là niềm tin. Người xưa nói đạo đức là quy luật của đại tự nhiên, vận hành của đại tự nhiên được gọi là đạo. Tùy thuận đại tự nhiên được gọi là đức.
Trong lịch sử thời cổ đại đã ghi chép những điều này, thời đại Tam Hoàng là lấy đạo trị thiên hạ. Thời đại Ngũ Đế là lấy đức trị thiên hạ, Nghiêu Thuấn Vũ Vương là lấy đức trị thiên hạ. Đến Tam Hoàng, Tam Hoàng là tam đại Hạ Thương Chu, hơn 2000 năm. Nhà Hạ 400 năm, nhà Thương 600 năm là 1000 năm, nhà Chu 800 năm. Thời kỳ này là lấy nhân trị thiên hạ, kẻ nhân thương người. Xuân Thu Chiến Quốc xuất hiện loạn thế 500 năm, những bá chủ này nói nghĩa khí. Nhân không còn, chỉ dùng nghĩa, lấy nghĩa trị thiên hạ. Đạo đức nhân nghĩa, trượt dốc, trượt xuống dưới. Sau khi Tần Hán thống nhất, Hán Võ Đế áp dụng kiến nghị của Đổng Trọng Thư, dùng học thuyết Khổng Mạnh giáo hóa nhân dân toàn quốc, lấy lễ trị thiên hạ. Sau khi chế định chế độ này, mãi đến thời Mãn Thanh, hơn 2000 năm, cũng từng có được nền trị an lâu dài. Thời nhà Hán, dưới sự trị vì của Văn Cảnh, và Trinh Quán, Khai Nguyên thời nhà Đường; Khang Hy, Càn Long thời nhà Thanh là thịnh thế! Từ nhà Thanh mất nước đến nay, 100 năm này lễ không còn. Cổ nhân nói: “Đạo đức nhân lễ nghĩa”, nếu lễ không còn xã hội sẽ loạn, không sai chút nào. Hiện nay xã hội động loạn, lễ không còn, lúc động loạn con người rất khổ!
Mỗi người đều quan tâm, làm sao có thể khiến xã hội khôi phục an định, không còn động loạn? Chỉ có tìm các bậc tổ tông, phương pháp của họ rất có hiệu quả, sáng tạo cái mới không sáng tạo được, thánh nhân không có bản lĩnh sáng tạo cái mới. Khổng tử nói rất hay, suốt đời ông là “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”, thiên hạ có thể thái bình, nhân dân có thể hạnh phúc. Khoa học là sáng tạo cái mới, 300 năm sáng tạo cái mới đem đến cho xã hội ngày nay, vẫn không ngừng sáng tạo cái mới. Các nhà khoa học từng nói, khoa học phát triển đến cực điểm, thế giới sẽ bị hủy diệt, cư dân trên thế giới phải như thế nào? Khoa học kỷ thuật phát triển có thể ngồi phi thuyền, di dân đến các tinh cầu khác, đây là khoa học kỹ thuật. Chúng ta nỗ lực tư duy, lãnh hội, những gì của tổ tông để lại đều rất hay, rất có giá trị, làm sao để khôi phục an định hòa bình? Khôi phục lễ trở lại, lễ là gì? Quy củ, đúng như câu: “Không nương vào quy củ, không thể thành tựu”, quy củ rất quan trọng!
Người xưa có đạo, người ta muốn hưng thịnh nhất định là gia quy nghiêm chỉnh. Hiện nay nhà không còn, gọi là người mất nhà tan. Con người sống trên thế gian này, đặc biệt là tuổi già, thật sự gọi là lẻ loi một mình, sống một cách rất đáng thương, hoàn toàn mất đi sự tôn nghiêm. Người ngày xưa hạnh phúc hơn chúng ta, vì sao vậy? Vì họ có nhà, bất luận là lưu lạc bên ngoài bao nhiêu năm, sau cùng họ trở về quê hương, người trong nhà nuôi họ: Anh là người nhà của tôi. Nhà quan trọng nhất nuôi người già dạy trẻ em, bây giờ người già không ai nuôi, trẻ con không ai dạy, xã hội sao không loạn được. Nếu nhà bại hoại, nhất định là do không giữ gia quy, không giữ quy củ thì nhà này sẽ bại hoại. Người trong xã hội đều không giữ quy củ, xã hội này sẽ loạn, đạo lý chính là như vậy.
Cho nên nền tảng căn bản nhất, giới hạn thấp nhất của đạo đức chính là niềm tin. Không có niềm tin, nhân lễ nghĩa trí tín trong ngũ thường, tín là nền tảng, giống như đây là tầng thứ nhất trong năm tầng lầu vậy. Không có tầng thứ nhất, thì ở trên hoàn toàn không có. Từ tín nâng cao thêm một bậc, trí tuệ hiện tiền. Có trí tuệ mới nói lý, nói đạo lý, đó gọi là nghĩa. Người nói đạo lý tâm địa mới nhân từ, mới thật sự thương người. Đây là Ngũ thường mà từ xưa các bậc tổ tông đã nói, chúng ta thử suy nghĩ tường tận xem có tốt hay không. Xã hội này là xã hội nhân lễ nghĩa trí tín là tốt, hay là bất nhân bất nghĩa, vô lễ vô nghĩa, hai bên không tin tưởng nhau là tốt?
Xã hội ngày nay là như vậy, là tương phản 180 độ với Ngũ thường. Bất nhân là không có lòng thương người, đều là tự tư tự lợi, chỉ biết tư lợi, không có lòng thương yêu. Đối với người nhà của mình đều không có lòng thương yêu, không có lòng yêu thương cha mẹ. Trẻ con lúc nhỏ cũng có thể có chút lòng thương yêu, nhưng khi lớn lên lòng thương yêu đó không còn, hai bên đều không có lòng thương yêu. Xã hội ngày nay cũng là thiên tai của ngày nay, thiên tai do đâu mà có? Do không có đạo đức nhân lễ nghĩa, nên thiên tai xuất hiện. Người không giống người.
Ngày nay nếu muốn khôi phục xã hội an định hòa bình, nên bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ bản thân, làm như thế nào? Chịu khổ. Đức Phật dạy chúng ta rằng: “Lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”. Hai câu này của Phật có thể cứu thế giới hiện tại. Chúng ta chịu khổ được, trì giới nghĩa là giữ quy củ, chúng ta có thể giữ quy củ. Tổ tông dạy chúng ta về Ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức, thực hành nó một cách triệt để. Thực hành nó từ trong cuộc sống hằng ngày, từ trong công việc, từ trong xử sự đối nhân tiếp vật. Điều này rất khổ, nếu mọi người không thực hành, thì tôi thực hành! Nếu không chịu khổ được là không thể giữ quy củ, giữ được phép tắc nhất định có thể chịu khổ, làm gương cho xã hội đại chúng. Dạy người thời đại này, thân giáo là hiệu quả nhất. Bản thân ta chưa làm được, cho dù nói hay đến đâu, người ta cũng coi thường, không tin.
Đại sư Trí Giả thời nhà Đường nói: “Nói được không được là quốc sư vậy”, bây giờ quốc sư như vậy cũng vô dụng, không ai tin họ. Ngày xưa quốc sư có thể giúp đất nước trị thiên hạ, bây giờ quốc sư cũng vô dụng, không ai tin họ. Bây giờ con người muốn quốc bảo, quốc bảo là gì? Nghĩa là bản thân phải làm được, giống như Đức Thế Tôn vậy, là quốc bảo! Có thể chịu được cái khổ mà tất cả mọi người không chịu được, có thể giữ được quy củ mà người khác không giữ được. Đây là quốc bảo, biểu hiện cho mọi người thấy để mọi người giác ngộ, khiến mọi người quay đầu. Ngày xưa quốc sư có thể giúp trị thiên hạ, ngày nay không thể. Mọi hành vi của mình nhất định phải có phép tắc, có thể làm gương cho tất cả đại chúng trong xã hội, như vậy xã hội mới được cứu. Ai có thể làm những việc hy sinh cống hiến như vậy? Làm được những sự hy sinh cống hiến này là của báu của đất nước!
Sau đó những thứ ba nhà Nho Thích Đạo nói, như nhà Phật nói đến từ bi, Nho giáo nói về trung thứ, Đạo giáo nói về trung tín, liền khởi tác dụng. Nếu không có ai thực hành, không được. Trung là chân tâm, trung nghĩa là khi chúng ta nhìn thấy phù hiệu này, liền nghĩ đến phải giữ tâm chơn chánh, không lệch lạc, không tà ngụy, đây là gì? Là lương tâm. Trong cuộc sống, xử sự đối nhân tiếp vật phải dùng lòng chân thành, không lệch lạc không tà vạy.
Thứ là tha thứ cho người khác, bất luận người nào làm sai đều phải tha thứ. Trong kinh này chúng ta học được từ bi của Phật. Vì sao phải tha thứ cho họ? Vì từ nhỏ không ai dạy họ, ngày nay họ làm điều sai trái quý vị có thể trách cứ họ chăng? Cha mẹ không dạy họ, thầy giáo không dạy họ. Đời trước nữa, như ông bà không dạy họ, trước đó một đời nữa là ông bà cố không dạy họ. Vậy lỗi lầm ngày nay họ phạm nên trách ai? Cho nên Đức Phật nói rất hay: Người trước vô tri, không biết đạo đức. Sao lại nói như vậy? Những người đi trước đã bỏ quên việc giáo dục, đối với nền giáo dục luân lý đạo đức họ không biết. Không phải không dạy, mà họ không biết. Người Trung quốc ít nhất đã lãng quên nền giáo dục về luân lý đạo đức của tổ tông đã 200 năm nay, bao nhiêu thế hệ rồi! 100 năm trước lơ là, như cổ nhân nói: “nói được không làm được”. 200 năm trước không phải như vậy, đều là nói được làm được, nên xã hội tốt đẹp. Cuối thời nhà Thanh, từ lúc thái hậu Từ Hy chấp chánh là bắt đầu lơ là. Bà không coi trọng Phật giáo, không coi trọng văn hóa truyền thống, mà lại tin vào quỷ thần. Sau khi Mãn Thanh mất nước, 100 năm này không ai nói đến, trong xã hội không hề nghe đến. Bởi vậy người Trung quốc đối với Nho Thích Đạo vô cùng xa lạ, không có người nói, càng không có người thực hành. Không biết ngày xưa cha ông mình có một nền văn hóa rất đáng tự hào như vậy.
Năm 2006 và 2007, chúng tôi làm thí nghiệm ở thị trấn Thang Trì, người dân ở đó đều vô cùng kinh ngạc: Sao tổ tiên chúng ta lại có những lời dạy tốt đẹp như vậy, vậy mà chúng ta không biết. Chúng ta tin rằng không chỉ ở thị trấn Thang Trì này, mà hầu như khắp cả nước, đều không biết đến những điều vô cùng tốt đẹp mà tổ tông đã lưu lại. Họ đã vứt bỏ, vứt bỏ một cách triệt để, ra bên ngoài không tìm thấy những điều gì tốt đẹp hơn, tìm không ra phương pháp có thể giúp xã hội an định.
Bây giờ phương tây cũng đang loạn, người phương tây đến Trung quốc để tìm, đến Ấn độ để tìm Phật giáo, đến Trung quốc để tìm Nho giáo và Đạo giáo. Họ đâu biết rằng Phật giáo ở Trung quốc, không phải ở Ấn độ, nền văn hóa này vẫn tồn tại. Nhưng không có trung tín, không có thành kính, tìm được cũng vô ích. Ta không hiểu, không có ai dạy, đây mới là nguy cơ thật sự khiến người ta lo lắng, đây mới là điều phiền phức thật sự. Nhưng khi biết khổ, muốn quay đầu, đây là tín hiệu tốt.
Thật sự phải trở về thời kỳ lấy lễ trị thiên hạ, như trong sách sử cận đại của Trung quốc nói: Ít nhất cũng phải cần đến ba thế hệ, thời đại chúng ta chắc chắn không có kết quả. Ba thế hệ phải có truyền nhân, thật sự là đại Nho, đại Đạo, đại Phật. Phải có người thật sự chịu khổ, chịu giữ quy củ, làm gương dẫn đầu, không chịu khổ được chắc chắn không làm được. Cho nên hai chữ tín huệ này rất khó!
Câu này chính là như kinh văn ở trước nói: “Nếu nghe kinh này”, kinh này tức là bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. “Tin thích thọ trì, khó trong các điều khó, không có gì khó hơn”, đây là thật, vì sao Đức Phật nói như vậy?
Bên dưới Hoàng Niệm Tổ chú giải rất hay: “Tuệ có thể sanh tín giải, nên nghe kinh tin hiểu vui thích”. Hiện nay như thế nào? Hiện nay không có trí tuệ. Người bây giờ toàn tâm toàn lực truy tìm là tri thức, không phải trí tuệ. Bởi vậy tri thức rất phong phú, nhưng biểu hiện của họ rất nông nổi. Nếu họ có trí tuệ, những biểu hiện của họ vô cùng hài hòa vững vàng, ta có thể nhận ra được điều này.
Trong đời này tôi thấy được một người là đại sư Chương Gia, ngôn hành cử chỉ của ông giống như đang ở trong định. Động tác ngôn ngữ rất chậm, rất đơn giản, rất có sức mạnh. Chúng ta gặp và nói chuyện với đại sư, không thể không khâm phục, oai nghi của đại sư đã nhiếp phục được chúng ta. Ngày nay chúng ta tìm đâu ra được người như vậy? Không có người như vậy không thể phục hưng giáo pháp, không có trí tuệ sẽ giải thích sai kinh điển. Bản thân mình sai không sao, ảnh hưởng đến xã hội đại chúng mới là điều rắc rối. Hoàn toàn giải thích sai, người ta quan niệm rằng biết trước là đúng, đến khi gặp được những điều đúng đắn họ cũng bài xích. Tôi giải thích khác anh, anh đã sai lầm rồi. Chỉ trích chú trích của người xưa giải là sai lầm nặng nề, điều này liên quan rất lớn, lớn ở đâu? Xã hội động loạn, địa cầu thiên tai, không dừng được, không cứu được. Nếu thật sự cứu được mình, cứu bản thân không phải cứu thiên tai trước mắt chúng ta, cứu bản thân là không đọa vào ba đường ác, đây là điều kiện thấp nhất. Người thông minh hơn cứu bản thân là gì? Tôi không muốn tiếp tục trôi lăn trong luân hồi, đó mới thật sự là cứu chính mình. Cao nhất là tôi muốn thành Phật đạo, đây là ba bậc thượng trung hạ. Bậc thượng muốn thành Phật; bậc trung muốn ra khỏi luân hồi lục đạo, đây là bậc trung; hàng hạ căn là tôi không đọa vào ba đường ác. Đây gọi là cứu bản thân, không phải chuyện nhỏ nhặt trước mắt. Nếu không có trí tuệ, hoàn toàn không làm được. Tâm lớn phải có trí tuệ lớn, nguyện vọng của bậc trung cần đến trí tuệ bậc trung, nguyện vọng nhỏ là muốn mình đời sau vẫn được thân người, không đọa vào ba đường ác, đây là ít trí tuệ. Không có trí tuệ đều không làm được.
Cho nên ở đây Đức Phật nói: Có tín tâm có trí tuệ để nghe pháp, là khó trong các điều khó. Ngày nay có người nghe pháp, nhưng người có tín tuệ nghe pháp ít lại càng ít.
“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Tịnh tông khó tin, ngày nay đã đạt được những điều khó được, nghe được những điều khó nghe, tin được những điều khó tin”. Nếu thêm vào trí tuệ nữa, quả thật là khó trong các điều khó, ta cần phải có trí tuệ.
“Phật khuyên người tu hành, nên tin sâu nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh, đừng nên bỏ lỡ. Nếu bỏ qua lần này, thì quả đúng là sai lầm lớn”. Chúng ta thật sự là quá sai lầm, cơ hội lần này rất khó gặp được, gặp được nhân duyên này không dễ chút nào. Nếu biết nhân duyên này khó gặp được như vậy, mới biết trân trọng nó. Tín tâm và trí tuệ quan trọng hơn bất kỳ điều gì.
Tuệ nhất định phải từ buông bỏ, tuệ đạt được từ trong định, không phải nhờ đa văn mà được. Đa văn thuộc về tri thức, trong định sinh ra tuệ đó là trí tuệ, là tự tánh vốn có.
Chúng ta xem tiếp hai bài kệ sau:
“Nhược chư hữu tình đương tác Phật
Hành siêu Phổ Hiền đăng bỉ ngạn
Thị cố bác văn chư trí sĩ
Ứng tín ngã giáo như thật ngôn
Như thị diệu pháp hạnh thính văn
Ưng thường niệm Phật nhi sanh hỷ
Thọ trì quảng độ sanh tử lưu
Phật thuyết thử nhân chân thiện hữu”
Thiện hữu nghĩa là chân thiện tri thức. “Hai bài kệ bên phải này là tổng kết toàn văn. Phẩm thứ hai của kinh này là Đức Tuân Phổ Hiền, chư Bồ Tát dự hội đều cùng tuân thủ đức tu của Phổ Hiền đại sĩ”. Đây là mở đầu của kinh văn.
Bây giờ chúng ta sắp kết thúc: “Đối với cuối kinh này”, sau cùng của bản kinh này, Đức Phật lại nói: “Nếu các hữu tình được làm Phật, phải hành siêu Phổ Hiền để đăng bỉ ngạn”. Ở trước nói Đức Tuân Phổ Hiền, bây giờ nói “hành siêu Phổ Hiền, hà da?” vì sao vậy? “Câu này là nguyên văn của Đường Dịch, dịch giả là Đường Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chí, văn dịch không trái với yếu chỉ của kinh”. Tin vào bản phiên dịch của Bồ Đề Lưu Chí Tam Tạng Pháp Sư, không trái với nguyên văn. “Mà đầu bản kinh của Đường Dịch cũng nói với hội chúng, cùng tuân thủ tu đạo của Phổ Hiền”, là một câu kinh văn như vậy. Hiện nay trong kinh này nói: “cùng tuân thủ tu đức của Phổ Hiền đại sĩ”. Cho thấy Đức Tuân Phổ Hiền ở trước”, và “Hành Siêu Phổ Hiền” đang nói đây, đầy đủ yếu chỉ của nguyên bản kinh văn tiếng Phạn, chứ không phải dịch giả có sai sót. Đây là từ trên văn tự phiên dịch để nói, Bồ Đề Lưu Chí không có dịch sai, đích thực là nguyên nghĩa của Đức Thế Tôn nói.
Ở trước bắt đầu học theo Phổ Hiền Bồ Tát, bây giờ thành tựu đã vượt qua ngài Phổ Hiền. Phổ Hiền là Bồ Tát Đẳng Giác, hơn ngài Phổ Hiền là Diệu Giác. Nếu thật sự tuân thủ tu hành, nhất định sẽ vượt qua. Đức của đại sĩ Phổ Hiền, hoặc là đạo của Phổ Hiền đại sĩ đều được, cùng một nghĩa, chính là thập đại nguyện vương. Chúng ta thực hành thập đại nguyện vương chăng?
Nguyện thứ nhất là: “Lễ kính chư Phật”, trong lòng chúng ta đối với tất cả chúng sanh có chân thành cung kính chăng? Trong tất cả chúng sanh, bao gồm sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá. Các bậc thánh hiền dạy chúng ta, câu đầu tiên của Khúc Lễ trong Lễ Ký là: “vô bất kính”. Chân thành lễ kính như vậy có tốt chăng, nó là trân bảo hay là thứ không có giá trị? Thời nay có người thấy giáo huấn của cổ nhân cho rằng lạc hậu, không nên giữ lại. Hiếu dưỡng phụ mẫu là điều đã lỗi thời, không cần nữa, bất hiếu cha mẹ mới tốt. Tôn sư trọng đạo cũng chẳng có ý nghĩa gì, đừng trọng đạo, cũng đừng tôn sư, đều không cần đến. Phàm là những gì của cổ nhân để lại đều không có giá trị, đều không cần, bởi thế thiên tai trước mắt không thể tránh khỏi. Những gì cổ nhân lưu lại cho chúng ta đều lành mạnh, giống như thực phẩm vậy, vô cùng an toàn. Thực phẩm bây giờ là nói đến thay đổi gen, khiến chúng ta ăn vào sanh ra rất nhiều bệnh, vậy mà chúng ta vẫn thích nó. Vứt bỏ thực phẩm an toàn để dùng những loại thực phẩm độc hại này, ăn đến chết mà không biết vì sao, oan uổng quá! Văn hóa truyền thống của cổ nhân khiến thân tâm ta mạnh khỏe, gia đình ta hạnh phúc. Đem đến an định cho xã hội, hòa bình cho thế giới, thế mà ta không cần, vậy thì hết cách.
Con người tôi không có tri thức, cũng không có trí tuệ, những thứ của thánh hiền học không nhiều, chỉ học được một chút bên ngoài. Nhưng tôi nhận ra được giá trị, biết được đó là những điều tốt đẹp. Tôi rất muốn học, nhưng tuổi tác đã lớn. Bây giờ chỉ có thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, ngoài điều này ra thì tôi có lòng mà không đủ sức, đây là lời nói rất thật. Hy vọng ở thế gian này xuất hiện bậc cứu thế. Như thế nào mới có thể cứu thế gian? Chịu khổ được, biết giữ quy củ, đem giáo huấn của thánh hiền diễn thuyết cho người khác nghe. Diễn là thực hành nó, nói rõ ràng minh bạch, giáo hóa người trong thiên hạ, như vậy thế giới này mới được cứu.
Từ kinh nghiệm ở Thang Trì chúng tôi phát hiện ra rằng, con người rất dễ dạy. Trước khi chúng tôi mở lớp, trong lòng nghĩ ít nhất phải hai ba năm mới thấy được kết quả, không ngờ chỉ ba bốn tháng hiệu quả lại rất nổi bật, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ! Đến tất cả các thầy cô đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc, con người sao lại dễ dạy đến thế? Chỉ là không có ai dạy! Chứng minh lời cổ nhân nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, cũng đã chứng minh lời Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, nên vừa dạy là họ tiếp thu ngay.
Cho nên phải “Đức Tuân Phổ Hiền”, chúng ta tu dưỡng đạo đức của mình, thực hành mười lời nguyện của Phổ Hiền, đây là tiêu chuẩn cao. Đức của Phổ Hiền với đức của đại thừa Bồ Tát có gì khác nhau? Thật ra hoàn toàn giống nhau, chỉ là tâm lượng khác nhau. Quý vị xem tâm của Phổ Hiền, hãy xem chữ “Phổ”, phổ là phổ biến, không có giới hạn. Tâm của Bồ Tát không rộng lớn như Bồ Tát Phổ Hiền, ngài phổ biến đến mức độ nào? Biến pháp giới hư không giới.
Đứng trên phương Phật pháp đại thừa mà nói thì không có ai không phải là Phật. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, đây là tâm của Phổ Hiền Bồ Tát. Tâm của Phổ Hiền Bồ Tát rộng lớn như pháp tánh, rộng lớn như hư không pháp giới, bao hàm tất cả, dung nạp tất cả. Bởi thế ngài lễ kính Chư Phật, Chư Phật ở đây là tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh bao gồm hữu tình chúng sanh, trên đến Chư Phật Như Lai, dưới đến chúng sanh trong địa ngục, hữu tình chúng sanh. Cũng bao gồm vô tình chúng sanh như cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa, cho đến khắp hư không, không có gì không bao hàm, tâm lượng lớn đến như vậy. Sự kính lễ của Bồ Tát Phổ Hiền quả là vô cùng vô tận, khác với phàm phu chúng ta.
Tôi xem được một CD, lần trước có người đồng tu ở phương bắc tặng cho tôi hai đĩa CD, tôi đã xem, nói về chuyện nhập hồn. Hai vị tướng quân thời kỳ Trung Nhật nhập hồn vào người khác, một vị tướng quân của Trung quốc, và một vị tướng quân của Nhật Bản, họ cầu siêu độ. Nói với người siêu độ: Quý vị hồi hướng phải đọc tên họ, phải quán tưởng, phải nghĩ đến họ mới được, chỉ đọc mà không nghĩ đến thì chẳng ích gì, họ không siêu thoát được. Nhất định phải nghĩ đến họ mới được, tin tức này rất hay. Hiện nay đa số đều đọc theo văn tự chứ không quán tưởng, đọc như vậy chỉ uổng công. Đọc đến nhất định phải nghĩ đến.
Niệm đến Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, trong tâm phải nghĩ đến ngài, như vậy mới có cảm ứng, chỉ niệm mà không nghĩ đến, không khởi cảm ứng. Niệm Bồ Tát Quán Âm phải nghĩ đến Bồ Tát Quán Âm, niệm gì thì phải nghĩ đến điều đó, mới có hiệu quả. Bởi vậy sự kính lễ của Phổ Hiền đúng là rộng lớn vô lượng vô biên! Nghĩ đến tất cả hữu tình vô tình khắp biến pháp giới hư không giới, công đức này thù thắng biết bao! Lễ kính Chư Phật không dễ, biến pháp giới hư không giới không sót một pháp nào. Xưng tán Như Lai cũng như vậy, đều là cảnh giới rộng lớn như thế. Nếu chúng ta y theo đó tu hành, từ mở đầu đến sau cùng ta sẽ thành công. Khi mở đầu chúng ta là một đại tâm phàm phu, sau khi học xong bộ kinh này, quý vị đã thành Diệu Giác Như Lai, vượt qua ngài Phổ Hiền.
Trong kinh Đức Phật dạy rằng: Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền, không thể viên thành Phật đạo. Phổ Hiền là Đẳng Giác, vượt qua là Diệu Giác, tức là viên mãn. Thập nguyện này có thể ghi nhớ chăng? Có thể thường để trong lòng chăng? Phải ghi nhớ, phải thường để trong lòng, phải tinh tấn nỗ lực thực hành, thực hành bất cứ lúc nào. Thứ nhất là lễ kính, thứ hai là xưng tán. Con người khởi tâm động niệm có thiện có bất thiện. Thiện thì khen ngợi họ, động viên họ. Bất thiện thì không nói, tha thứ cho họ, đừng để trong lòng, khiến họ dần dần cảm thấy hổ thẹn, tự nhiên sẽ đoạn ác tu thiện, cải tà quy chánh, như vậy là đúng. Nhất định phải dùng đức hạnh của mình để cảm hóa họ.
Thứ ba là cúng dường, toàn tâm toàn lực tùy theo sức mình, tôi có bao nhiêu năng lực đều phổ biến cúng dường. Sự thù thắng của Bồ Tát Phổ Hiền, chính là không có phân biệt chấp trước, cúng dường bình đẳng, phổ biến cúng dường. Trong mắt ngài tất cả chúng sanh đều là Phật, cúng dường bất cứ người nào đều là cúng Phật, cúng dường con trùng con kiến cũng là cúng Phật. Sự chân thành cung kính này ngài vĩnh viễn không thay đổi.
“Sám trừ nghiệp chướng”, tập khí phiền não trong quá khứ và hiện tại quá nặng, có ý hoặc vô ý đã tạo ra rất nhiều nghiệp chướng. Ngày ngày sám hối, niệm niệm sám hối. Bốn nguyện ở trước của mười nguyện là tu thật, ở sau mới là“tùy hỷ công đức”, tùy hỷ công đức vô cùng quan trọng. Vì sao vậy? Vì hàng phục phiền não của chính mình như ngạo mạn, tật đố. Chẳng những không đố kỵ với việc tốt của người khác, mà còn sanh tâm hoan hỷ, khen ngợi họ. Nếu mình có năng lực thì phải giúp họ, thành tựu cho họ, đây là tùy hỷ. Người đó tu được bao nhiêu công đức, công đức tùy hỷ của quý vị cũng lớn như họ vậy, quý vị sẽ đạt được.
Vì sao phải đố kỵ? Vì sao phải chướng ngại? Tùy hỷ không phí tâm lực mà lại đạt được công đức. Nếu chướng ngại, đố kỵ, nghiệp báo này tạo rất nặng. Việc tốt của họ phạm vi ảnh hưởng bao nhiêu, thời gian ảnh hưởng bao lâu, đó chính là họ gặp ác báo trong tương lai, gặp phải ác báo lớn chừng nào. Thời gian quý vị chịu khổ chịu nạn bao lâu, bằng với mức độ phạm vi ta tạo nghiệp. Bởi vậy không được làm. Các ác nghiệp khác không đề cập đến, đặc biệt đề cập đến điều này. Ở đây dụng ý rất sâu, điều này mọi người dễ tạo.
Bên dưới nói: “Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế”. Thỉnh chuyển pháp luân là thỉnh giảng kinh, thỉnh mời ai? Lúc chúng ta còn trẻ học Phẩm Hạnh Nguyện, liền nghĩ đến mời ai? Thỉnh người khó, chi bằng thỉnh bản thân. Mời mình học giảng kinh đáng tin hơn, mời người khác không đáng tin, cầu người chi bằng cầu bản thân, ép bản thân phải phát tâm. Thấy chúng sanh khổ, thấy địa ngục khổ, giảng kinh dạy học là việc tốt lớn, vì sao không làm? Phải phát tâm học Đức Thế Tôn, suốt đời chỉ làm nghề này, mà còn là một nghề tình nguyện, không thu học phí, không so đo tính toán. Trong số học sinh có cúng dường, có thể tiếp nhận. Chỉ cần duy trì được cuộc sống là được, ngoài ra còn phải học đại sư Ấn Quang, hoàn toàn dùng nó để hoằng pháp lợi sanh. Đại sư Ấn Quang đem tất cả những gì của tứ chúng cúng dường, thành lập một xưởng in ấn, Hoằng Hóa Xã là ngài thành lập nên. Những sách hay, khuyên làm thiện, kinh điển ngài đều in, chất lượng in rất tốt, trong thời cận đại được gọi là bản đẹp. In đẹp, giấy đẹp, chữ cũng rất lớn, đóng bìa đều đẹp, rất ít chữ sai, mời những chuyên gia học giả đến hiệu đính. Nên bản của Hoằng Hóa Xã là bản đẹp! Có thể dùng làm bản gốc để in ấn. Hy vọng càng nhiều người đọc được kinh Phật, có thể phát tâm học Phật, thỉnh chuyển pháp luân.
Tiếp theo là “Thỉnh Phật trụ thế”. Ở đây tất cả có bảy điều, bảy điều này gọi là nguyện, ba điều sau là hồi hướng. Trong thập nguyện chỉ có bảy điều là nguyện. Thỉnh Phật trụ thế nghĩa là gì? Ở một nơi để hoằng pháp, không nên đi khắp nơi.
Vấn đề này thầy Lý từng nói với tôi hai lần, khuyên tôi ở một nơi. Tôi nói tôi rất muốn ở một nơi, nhưng không có nhân duyên, duyên rất mỏng manh. Mọi người mời quý vị đi giảng kinh, giảng xong một bộ thì phải ra đi. Không có ai xây dựng một đạo tràng để cúng dường quý vị, không có! Bản thân chúng tôi muốn thành lập đạo tràng cũng không được, đến sau cùng nhân duyên sanh khởi biến hóa, ép quý vị không thể không đi, bởi thế suốt đời lưu lạc. Có được một chút an ủi, là thấy Đức Thế Tôn cũng suốt đời lưu lạc, ngài không ở nơi nào cố định.
Từ xưa các bậc tổ sư đại đức có phước báo, có thể ở trên núi mười mấy hai mươi năm, thậm chí suốt đời không xuống núi là đại phước báo! Chúng ta không có nhân duyên này, phước báo lớn phải có người đủ tài lực hộ trì. Ngày xưa hộ trì Phật pháp là các hoàng đế, hiện nay không còn, không có ai hộ trì. Mặc dù có đại phú trưởng giả, nhưng không biết về Phật pháp, chỉ lâu lâu mời quý vị giảng một bộ kinh, tu một chút phước, họ đã cảm thấy rất vừa lòng rồi. Mà không biết phước báo lớn này, họ không biết, nên họ chỉ mời thầy giảng kinh, mà không biết mời thầy thường trú, điều này họ không làm được.
Ở sau là hồi hướng. “Thường tùy Phật học”, là hồi hướng bồ đề. “Hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng cho chúng sanh. “Phổ giai hồi hướng” là hồi hướng thực tế, nghĩa là trở về tự tánh. Nếu thật sự thực hiện được mười nguyện này, quả là quá tuyệt vời!
Thập nguyện Phổ Hiền người nào là đương cơ? 41 vị pháp thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm, là họ đương cơ. Nên Hành Siêu Phổ Hiền là nói những người này, không phải nói chúng ta. Chúng ta không có cách nào, không thể làm được. 41 địa vị, từ Viên giáo sơ trú bắt đầu học bộ kinh này, học xong bộ kinh này họ đến được Đẳng Giác. 41 địa vị này đều vượt qua Đẳng Giác, họ đạt được quả vị Diệu Giác. Quý vị xem công đức này lớn biết bao.
Mở đầu kinh này là học “Đức Tuân Phổ Hiền”, đến sau cùng “Hành Siêu Phổ Hiền”, chứng được Diệu Giác Như Lai. Câu Đức Tôn Phổ Hiền: “Đức tuân Phổ Hiền ở trước và hành siêu Phổ Hiền ở sau”, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa bao hàm trong đó, hiện thị bộ kinh này không thể nghĩ bàn! Không những là đệ nhất kinh trong tất cả kinh điển mà Đức Như Lai thuyết trong 49 năm, cũng là kinh điển bậc nhất về sở tu, sở thuyết, sở truyền của tất cả Chư Phật Như Lai trong mười phương ba đời. Ý nghĩa chính là như vậy.
Phẩm thứ nhất trong 48 phẩm kinh là phần tựa, phẩm thứ hai vẫn là phần tựa, phẩm thứ ba vẫn là phần tựa. Phần tựa của kinh này có ba phẩm, phẩm thứ ba là biệt tự, phẩm thứ nhất và thứ hai là thông tự. Đến phẩm thứ 47 phẩm là thành Phật, hành siêu Phổ Hiền là thành Phật, điều này quá tuyệt vời!
Bộ kinh này chúng ta đã học được một năm, đến nay đã sắp học xong, có hành siêu Phổ Hiền chăng? Không có, vì sao vậy? Chúng ta không có tu theo đức của Phổ Hiền, nếu chúng ta thật sự tu theo đức của Phổ Hiền, chắc chắn có thể tu hành vượt qua ngài Phổ Hiền, đây là lần thứ nhất. Lần thứ nhất ăn món rau này, ăn vội ăn vàng không biết được mùi vị của nó. Hy vọng lần thứ hai phải tỉ mỉ hơn để thưởng thức mùi vị, nhai nuốt kỹ càng để thưởng thức được mùi vị của nó, gọi là pháp vị. Đây là thật, không phải giả.
Chúng ta xem tiếp chú giải của Hoàng Niệm Tổ, đây là nói về phiên dịch trước. Ở đây không những không có sai lầm, phiên dịch chính xác, nhất định không có sai. Mà thực tế là Đức Thế Tôn từ bi đến tột đỉnh, “rút ruột rút gan, tương kiến cùng hội chúng”, đây là hình dung Đức Thế Tôn nói bộ kinh này, ai biết? Người chưa trải qua không biết được!
“Phổ Hiền là đại hạnh Bồ Tát”, bốn vị đại Bồ Tát này ở Trung quốc, là bốn trụ lớn của đại thừa. Thứ nhất là Bồ Tát Địa Tạng, Địa Tạng tượng trưng điều gì? Địa là đại địa, tạng là bảo tạng, đại địa có thể sinh ra ngũ cốc lương thực, trong đất chứa đựng vô lượng trân bảo. Bảy báu đều lấy ra từ đất, nên đại địa chứa đựng bảo tạng. Đức Phật dùng điều này để tượng trưng tâm địa, trong tâm địa chứa đựng bảo tạng, vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Ba loại vô lượng này biến hiện khắp biến pháp giới hư không giới, vô lượng vô biên vô tận y chánh trang nghiêm cõi nước Chư Phật. Dùng tâm địa để hiển thị, gọi là Địa Tạng.
Dùng gì để khai phát bảo tạng? Bồ Tát Địa Tạng có bốn chữ: Hiếu thân tôn sư. Cho nên Kinh Địa Tạng là hiếu kinh của Phật giáo. Chỉ có hiếu và kính, hiếu với cha mẹ, kính với thầy tổ, có thể khai phát bảo tạng của tự tánh. Như đại sư Ấn Quang nói: Một phần thành kính được một phần lợi ích, vạn phần thành kính được vạn phần lợi ích. Nếu không có tâm thành kính, ta không thể nào lấy được bảo tạng. Không có trí tuệ ta không thể nhận thức được nó, không có phương pháp ta không thể khai thác, ta không đạt được lợi ích. Nên cần có trí tuệ, phương pháp khai thác là hiếu kính, Địa Tạng tượng trưng hiếu kinh. Từ hiếu kính tiếp tục nâng cao lên là Bồ Tát Quán Thế Âm, từ bi vô tận, cứu khổ cứu nạn, dùng cái gì để cứu khổ cứu nạn? Dùng cách khai thác, từ trong tự tánh khai thác ra bảo tạng. Bảo tạng này chính là tất cả các kinh điển mà Đức Thế Tôn thuyết trong suốt 49 năm. Những gì tất cả Chư Phật Như Lai biểu diễn, và những gì họ nói là bảo tạng, dùng những điều này để cứu khổ cứu nạn. Nếu chỉ có từ bi mà không có trí tuệ, các bậc tổ sư đại đức có nói: Từ bi nhiều tai họa, phương tiện sinh hạ lưu. Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi phương tiện, nếu không có trí tuệ liền xảy ra tác dụng phụ. Bởi thế vị thứ ba là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, tượng trưng cho trí tuệ, khiến hiếu kính, từ bi đều đi trên đường chánh đạo, không để sanh ra tác dụng phụ. Trí tuệ của Văn Thù, đại hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Hiền đem ba thứ ở trên: Hiếu kính của Bồ Tát Địa Tạng, từ bi của Bồ Tát Quán Âm, trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù thực hành trong cuộc sống, thực hành trong công việc, thực hành trong việc xử sự đối nhân tiếp vật hằng ngày, đây gọi là Phổ Hiền. Bồ Tát Phổ Hiền thực hành, thực hành ba thứ ở trước. Nếu không thực hành ba thứ này, không phải toàn bộ là con số không ư? Thực hành cả ba thứ, như vậy mới thật sự có lợi ích.
Đây là bốn vị đại Bồ Tát của đại thừa, bốn vị đại Bồ Tát là nhất thể không thể tách rời. Người bây giờ không biết, cho rằng chuyên lễ lạy Quán Thế Âm thì không lạy các Bồ Tát khác, bởi vậy họ mê, họ không có trí tuệ, mê muội. Bốn vị đại Bồ Tát tượng trưng tu đức, Phật tượng trưng tánh đức, tánh tu không hai, tánh tu nhất như. Đạo lý này phải nói rõ ràng, sau đó tu học đại thừa mới là viên tu viên giải viên chứng, quý vị đạt được là viên mãn. Bởi thế Phổ Hiền là đại hạnh Bồ Tát.
“Tượng trưng trí tuệ sai biệt”, trí tuệ sai biệt nghĩa là trí tuệ áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, mọi thứ đều biết. “Gọi là trưởng tử Hoa Nghiêm”, trong chúng Bồ Tát ở hội Hoa Nghiêm, vị trí của ngài đứng đầu, Bồ Tát Văn Thù thứ hai.
Ba vị ở phía sau chúng tôi là Hoa Nghiêm Tam Thánh, ở giữa là Phật Tỳ Lô Giá Na. Quý vị xem bên phải là Bồ Tát Phổ Hiền, bên trái là Bồ Tát Văn Thù. Từ xưa đến nay, bên phải là vị thứ nhất. Quý vị xem viết đối liễn, cách treo đối liễn, ở sau chúng ta nhất định là: bên này là chủ, là nơi chính; bên này là tân, là khách. Phổ Hiền là ở chủ vị, vị thứ nhất, tượng trưng cho hạnh. Hoa Nghiêm là gì? Hoa Nghiêm là lấy hạnh làm đệ nhất, giải là thứ hai_Văn thù tượng trưng giải.
Tịnh độ tông cũng là chú trọng về hạnh, nên Bồ Tát Quán Thế Âm ở bên này, Bồ Tát Đại Thế Chí ở bên này, coi trọng hạnh. Quý vị xem vị trí đặt các vị Bồ Tát, quý vị sẽ biết trọng điểm của họ ở đâu. Pháp môn này, Hoa Nghiêm hành là đệ nhất, giải là đệ nhị. Chúng ta xem Đức Thế Tôn, Thờ Đức Thế Tôn, thờ Ca Diếp, thờ A nan, cũng là Ca diếp tượng trưng hành môn, A nan tượng trưng giải môn, đều là nặng về hành. Trong giáo lý đại thừa hành đứng ở hàng đầu.
“Lấy thập đại nguyện vương quy về Cực Lạc, nên nguyện mà xưng vương”. Là hạnh nguyện đệ nhất trong các hạnh nguyện của Bồ Tát, nên gọi là vương, tác dụng của nó là quy về thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc là nơi về của Hoa Nghiêm, ý nghĩa này quá thâm sâu. “Nguyện của Phổ Hiền rộng lớn không có biên tế, cùng kiếp vô tận, quy về Cực Lạc, lợi ích độ tế tất cả”. Lợi là lợi ích, tế là cứu tế, cứu tế chúng sanh khổ nạn. Lợi là lợi ích vô thượng, lợi ích này không cùng tận, nên gọi là “vua của đại nguyện”. Hèn gì trong kinh điển Đức Thế Tôn nói với chúng ta: Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền, không thể thành tựu Phật đạo. “Cho nên trong kinh này thánh chúng đến dự hội, đều tu theo đức của Phổ Hiền”. Kinh này là kinh điển đại thừa, không những là đại thừa, mà cổ nhân đã đem kinh này cho rằng là nơi trở về của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, mà Pháp Hoa và Hoa Nghiêm là dẫn dắt của bộ kinh này. Chúng ta xem bài tựa của Mai Quang Hy, trong đó viết rất rõ ràng, dụng ý này vô cùng thâm sâu, đích thực là đệ nhất kinh trong tất cả các kinh. Cư sĩ Bành Tế Thanh gọi bản kinh này là trung bổn Hoa Nghiêm, gọi Kinh A Di Đà là tiểu bổn Hoa Nghiêm, rất có lý!
Ba bộ kinh này số lượng văn tự khác nhau, Kinh Hoa Nghiêm phân lượng lớn, Kinh Di Đà phân lượng ít, nhưng nội dung không có gì khác biệt. Bởi thế cư sĩ Bành Tế Thanh xem nó thành một bộ. Nói tường tận là Hoa Nghiêm, lược thuyết là Kinh Di Đà, nên dùng Kinh Di Đà làm khóa tụng là lý tưởng nhất. Bộ kinh này ở giữa hai bộ đó, nên gọi là trung bổn, là tinh hoa của Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, là nói tường tận về Kinh A Di Đà. Là một bản kinh vô cùng lý tưởng đối với người học tập hiện nay, càng khó được là chú giải này của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ quá hay, giúp ích rất lớn cho hàng sơ học của chúng ta. Học bộ kinh này nên tu theo đức của Phổ Hiền, mới có thể thật sự đạt được lợi ích chân thật như trong bộ kinh này nói, một trong ba loại chân thật. Rốt ráo chân thật, trí tuệ chân thật, lợi ích chân thật ta đều có thể đạt được, then chốt là ở hạnh Phổ Hiền.
“Nhưng trong kinh này Thế Tôn thùy từ dùng pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện, càng hiển lộ viên đốn trong sự viên đốn, trực tiếp dụng pháp tín nguyện trì danh, rộng nhiếp lục độ vạn hạnh”. Đây là khen ngợi, cũng là lời thật, đích thực là Đức Phật dùng pháp phương tiện nhất trong các pháp phương tiện, phương tiện trong các phương tiện. Phương là phương pháp, tiện là tiện nghi, nói một cách đơn giản nghĩa là phương pháp thích hợp nhất, phương pháp trực tiếp nhất, phương pháp dễ dàng nhất, phương pháp đơn giản nhất, là phương pháp mọi người đều có thể học tập, đây gọi là phương tiện trong các phương tiện. Quả đúng là độ hết ba căn, lợi độn đều nhiếp, càng hiện rõ viên đốn trong viên đốn. Ở dưới đã nói ra cho chúng ta biết, phương tiện viên đốn là gì? Chính là tín nguyện trì danh.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.