Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Hòa thượng Tịnh Không giảng, tập 599
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa.
Chủ giảng: Lão Pháp Sư thượng Tịnh hạ Không.
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội.
Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2010.
Người dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa.
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang.
Thu Âm: Trung tâm Diệu Pháp Âm.
Diễn đọc: Huy Hồ.
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 788, hàng thứ nhất.
Duy Ma Kinh Gia Tường Sớ nói: “Pháp nhãn tịnh, tiểu thừa có pháp nhãn, đại thừa cũng có pháp nhãn. Pháp nhãn tiểu thừa tức sơ quả thấy được pháp Tứ Đế, gọi là pháp nhãn”. Ở trước chúng ta học đến đây.
Pháp nhãn Tiểu thừa, sơ quả sẽ đạt được, họ đạt được điều gì? Thấy được pháp Tứ Đế. Chúng ta cũng biết được pháp Tứ Đế, trong kinh điển đại tiểu thừa nói rất nhiều, danh tướng đều rất quen thuộc, không xa lạ chút nào. Chúng ta có pháp nhãn chăng? Không có. Người ta là chứng ngộ, còn chúng ta là giải ngộ. Chúng ta là tri thức, người ta là cảnh giới thân chứng, điều này không giống nhau. Ở trước chúng ta nói rất nhiều, quan trọng nhất là buông bỏ, những lý sự này chúng ta đều biết rõ, nhưng không buông bỏ được. Trong kinh điển đại tiểu thừa Đức Phật nói rất nhiều, thực tế mà nói phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm.
Lúc Đức Thế Tôn ở dưới cội bồ đề, làm thí nghiệm cho chúng ta. Từ hành nghi một đời của ngài để quan sát, 19 tuổi ngài từ bỏ vương vị, từ bỏ cuộc sống phú quý trong cung đình, đây là buông bỏ phiền não chướng. Ngài biểu diễn cho chúng ta thấy là một phần tử tri thức, hiếu học đa văn. 19 tuổi ra đi tham học đến 30 tuổi, 12 năm. Học thuật Tôn giáo của Ấn độ, ngài đều từng tham học qua, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, vì sao vậy? Vì đó chỉ là tri thức, nghe nhiều, nghiên cứu thảo luận, đều thuộc phạm vi tri thức, như ngày nay người ta thường nói. Cho nên lại biểu diễn một lần nữa cho chúng ta thấy, ngài nhập định dưới cội bồ đề, buông bỏ tất cả sở học của 12 năm, đây là buông bỏ sở tri chướng. Đây là hai loại lớn chướng ngại việc thành Phật, hai loại chướng ngại: phiền não chướng, sở tri chướng. Lần này ngài buông bỏ sở tri chướng, kết quả là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Chúng ta nên nhớ rằng, vấn đề này không phải học mà được, không liên quan đến quảng học đa văn. Nên trong quá trình dạy học, trong tất cả kinh luận đại tiểu thừa Đức Phật thường dạy chúng ta: Sở dĩ làm chúng sanh, vì chúng sanh không trở về được cội nguồn, không kiến tánh, vấn đề chính là ba loại chướng ngại. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thông thường trong kinh điển đại thừa gọi nó là vô minh phiền não, nghĩa là vọng tưởng. Trần sa phiền não là phân biệt. Kiến tư phiền não là chấp trước, chính là ba loại này. Nếu buông bỏ được ba loại này, ta sẽ thành tựu, đồng thời buông bỏ ba loại. Đức Thế Tôn biểu diễn là cùng một lúc buông bỏ, ngài Huệ Năng biểu diễn cho chúng ta thấy, cũng là cùng một lúc buông bỏ. Đây là hàng thượng thượng căn, một nghe ngàn ngộ. Chúng ta nên nhớ, ngài Huệ Năng chưa từng đi học, không biết chữ, người bây giờ gọi là người không có văn hóa. Gia cảnh vô cùng bần hàn. Cha qua đời sớm, ngài với mẹ sống nương nhau. Mỗi ngày vào núi đốn củi gánh vào thành bán, tiền bán được đi mua gạo mua rau đem về nuôi mẹ già, cuộc sống rất gian khổ, là nhờ vào lao lực để sống.
Hiện nay nghề bán củi này không còn, bây giờ trong bếp dùng điện dùng ga, không dùng củi. Thời kỳ kháng chiến vẫn còn dùng củi, các thành phố tương đối, đều không có nước máy, vẫn nấu lò. Chúng tôi sống trong thời kỳ kháng chiến, bán nước, gánh nước vào thành bán, bán củi, đây là những thứ cần thiết trong cuộc sống. Hình như nghề này họ có khách cố định, họ lo việc củi nước của mấy nhà, đồng nghĩa nói họ bao luôn. Bây giờ nghề này không còn, nghề này rất vất vả. Ngài Huệ Năng dựa vào nghề này để mưu sinh, tuổi tác còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Trong lúc đi bán củi ngẫu nhiên nghe được_cầm tiền đi ra, ngẫu nhiên nghe được ở trong phòng, ngài ở ngoài cửa nghe được, ở ngoài cửa sổ nghe có người đọc kinh. Ngài liền đứng nghe một lúc, cảm thấy rất thú vị, nói hay quá. Đợi họ đọc xong, ngài liền đi vào thỉnh giáo: lúc nãy ông đọc gì vậy? Ông ta nói: tôi tụng Kinh Kim Cang. Ngài liền đem mấy câu nghe được, cảm nhận của mình, nói ra chia sẻ với vị cư sĩ này. Ông này nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, kinh điển này rất thâm sâu, vậy mà ngài hiểu được ý của nó. Đàm luận một lúc, hiểu được hoàn cảnh của ngài, vị cư sĩ này nói: Căn tánh ông lanh lợi, ông nên thân cận Ngũ Tổ. Gia cảnh của ngài thanh hàn, vị cư sĩ này vô cùng khẳng khái, tặng ngài mười lượng bạc để làm phí lo cho gia đình. Ông tìm thêm một vài người đồng tu, giúp ngài chăm sóc mẹ già để ngài yên tâm đi tham học. Mẹ già của ông để chúng tôi chăm sóc. Điều này đối với ngài mà nói, đây là việc vui lớn lao để đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ. Ngũ tổ hỏi ngài: Ngươi đến đây để cầu điều gì? Ngài thưa với Ngũ tổ: Con muốn làm Phật. Đại khái trong đời Ngũ Tổ chưa gặp được người nào như vậy. Thông thường người ta đều cầu thăng quan phát tài mà đến, hoặc là đến để học tập kinh giáo, nhưng ngài đến là để làm Phật, quý vị xem mục tiêu khác nhau. Ngũ tổ cũng là một bậc siêu tuyệt: Ngươi đến làm Phật, ta sẽ giúp ngươi thành Phật, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.
Ở trong chùa phân phối cho ngài một công việc là giã gạo chẻ củi, làm đúng nghề của ngài. Lúc đó chùa của Ngũ Tổ vô cùng hưng thịnh, mỗi ngày có hơn 1000 người ăn cơm, người làm việc trong bếp rất vất vả, bảo ngài đi giả gạo chẻ củi. Suốt tám tháng như vậy, ngài ở Hoàng Mai làm khổ công. Giảng đường của chùa ngài chưa từng đến, chưa nghe được một bài giảng nào, cũng chưa ngồi được cây hương nào trong thiền đường, nhưng khi truyền y bát Ngũ Tổ lại truyền cho ngài.
Chúng ta mới biết Ngũ tổ với ngài Huệ Năng, trong hai người họ có sự ký kết ngầm, người khác không nhận ra. Để ngài đến làm khổ công ở chùa suốt tám tháng, đó là gì? Là tu phước! Người học Phật không thể không có phước báo, không có phước báo không thể hoằng pháp lợi sanh. Hoằng pháp lợi sanh phải có phước báo lớn, nên để ngài tu phước. Chỉ có đêm cuối cùng triệu kiến ngài, canh ba nửa đêm, tôi dự đoán nhiều nhất là hai tiếng đồng hồ. Ngài không biết chữ, không cần đưa kinh cho ngài xem. Ngũ Tổ giảng đại ý Kinh Kim Cang cho ngài nghe, giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, khoảng 1/3 Kinh Kim Cang, ngài liền giác ngộ, đại triệt đại ngộ. Ngài đưa ra báo cáo của mình với Ngũ Tổ, giống như bảo vệ luận án tiến sĩ vậy, đó chính là luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của ngài có năm câu, nói một cách rất cảm thán rằng: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, minh tâm kiến tánh, tánh là như thế nào? Vốn tự thanh tịnh, xưa nay chưa từng bị nhiễm ô. “Vốn không sanh diệt”, không có sanh diệt. “Vốn tự đầy đủ”, “vốn không dao động”, “năng sanh vạn pháp”. Ngũ tổ nghe đến đây thì nói, được rồi, không cần nói thêm nữa, cũng không cần giảng nữa, truyền y bát cho ngài, dạy ngài lập tức ra đi, nửa đêm canh ba đưa ngài đi. Ngài ra đi ba ngày sau Ngũ tổ mới tuyên bố với đại chúng, Y bát đã truyền cho Huệ Năng và người này đã ra đi. Lúc này đại chúng mới biết được sự thật, họ không phục! Quý vị thử nghĩ xem, ngài Thần Tú theo Ngũ Tổ bao nhiêu năm, mỗi người đều cho rằng nhất định y bát sẽ truyền cho Thần Tú, sao lại truyền cho người khác? Mọi người chia nhau đi tìm để đoạt lại y bát, đây là gì? Đố kỵ chướng ngại. Thần Tú dù sao cũng không tệ, sư không có tâm này, bản thân sư biết Ngũ Tổ có trí tuệ, tuyệt đối không tùy tiện truyền cho người khác. Thần tú đối với Huệ Năng cũng có tôn trọng, nhưng người dưới không phục.
Bởi thế đó là chứng ngộ, không có gì khác chính là buông bỏ. Cùng một động tác, cùng một cảnh giới như Đức Thế Tôn ở dưới cội bồ đề. Đây là đồng thời buông bỏ toàn bộ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Khó! Vô cùng khó khăn.
Thầy Phương Đông Mỹ nói, trước ngài Huệ Năng không thấy ai, từ ngài Huệ Năng cho mãi đến nay, cũng không thấy ai, người như vậy thật sự gọi là bậc thượng thượng căn. Chúng ta nói đạt đến cảnh giới này, có người vài tháng đạt được, có người năm ba năm đạt được cảnh giới này, cũng có người tám mười năm, cũng có người hai ba mươi năm đạt đến cảnh giới này. Đến cảnh giới này đều là bình đẳng, không có cao thấp, nhưng đó là đoạn dần dần.
Đức Phật dạy chúng ta chia thành ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là đoạn kiến tư, đoạn được kiến tư phiền não chứng được quả A la hán. Tiếp đến đoạn trần sa phiền não, sau đó đoạn vô minh phiền não. Đoạn được trần sa phiền não là Bồ Tát, đoạn được vô minh tức thành Phật. Không thông qua A la hán, không thông qua Bồ Tát liền thành Phật, hạng người này vô cùng ít ỏi. Làm được chăng? Được, chịu buông xả là được, buông không được là không thể, đây thật sự gọi là chứng ngộ. Chứng ngộ và giải ngộ là hai vấn đề khác nhau, giải ngộ những gì ta đạt được là thường thức, ngày nay chúng ta gọi là tri thức. Chứng ngộ là trí tuệ, trong bản tánh vốn có.
Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Mỗi người đều có, nhưng bị ba loại chướng ngại này ngăn trở, nếu buông bỏ được thì tất cả đều hiện ra. Nhất thời đốn xả, là nhất thời đốn ngộ. Đức Phật và ngài Huệ Năng biểu diễn là nhất thời đốn ngộ, không có giai cấp, không có thời gian, ngay tại lúc này. Đạt được cảnh giới này, quý vị xem trong đời ngài Huệ Năng, trong hội của ngài có 43 người khai ngộ, đều đạt đến cảnh giới như ngài, nhưng không phải cùng một lúc. Như vừa nói có người mấy tháng, có người mấy năm, có người mười mấy năm, nhưng đều đạt được cảnh giới này.
Phật giáo chính thức truyền đến Trung quốc, Hán Minh Đế phái đặc sứ đến Tây Vực lễ thỉnh về Trung quốc, lúc đó là năm Vĩnh Bình thứ mười, năm 67 công nguyên, đến nay là gần 2000 năm. Trong 2000 năm này, chư vị nên biết, minh tâm kiến tánh là thành Phật, Phật này đại sư Thiên Thai gọi là phần chứng tức Phật, không phải viên mãn cứu cánh. Phần chứng tức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là pháp thân Bồ Tát, nghĩa là nói không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước. Quý vị thử nghĩ xem, phải chăng họ là bình đẳng? Khởi tâm động niệm đều không có, đương nhiên là bình đẳng, vì sao trong bình đẳng vẫn còn giai cấp? Giai cấp này phân biệt như thế nào?
41 giai cấp, sơ trú Bồ Tát là không khởi tâm không động niệm, buông bỏ khởi tâm động niệm. Đến Đẳng giác vẫn là không khởi tâm không động niệm, trong này có 41 địa vị: Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác. 41 địa vị đều ở trong cõi thật báo trang nghiêm, đó là nhất chân pháp giới. Vì sao gọi họ là Phật? Dụng tâm không giống nhau. Trong mười pháp giới tất cả đều coi là phàm phu, trên lục đạo của mười pháp giới có Thanh văn, A la hán, có Bích chi Phật, có Bồ Tát, có Phật, đều được coi là Phàm phu. Đại thừa gọi là ngoại phàm, phàm phu bên ngoài lục đạo.
Phàm và thánh này tiêu chuẩn là gì? Lấy tâm làm tiêu chuẩn, chân tâm là thánh nhân, vọng tâm là phàm phu. Vọng tâm là gì? Vọng tâm là tâm sanh diệt. Quý vị xem tâm và ý niệm của chúng ta, niệm trước diệt thì niệm sau sanh, sanh diệt không ngừng, mà tốc độ sanh diệt lại rất nhanh, đây là dùng vọng tâm. Chân tâm bất sanh bất diệt, đại sư Huệ Năng đã thấy được. “Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”, đây là kiến tánh. Ngài thấy được liền áp dụng ngay, ngài dùng là tâm bất sanh bất diệt, chúng ta dùng là tâm sanh diệt. Tuy học được rất nhiều kinh giáo, thời gian lâu ngày, thời gian lâu là huân tu, nhưng không dùng được, trong cuộc sống vẫn dùng tâm sanh diệt, đây tức là phàm phu. Nếu dùng tâm bất sanh bất diệt, đó chính là Phật, là pháp thân Bồ Tát. Tiêu chuẩn là điểm này, tiêu chuẩn này quá cao.
41 địa vị trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nên lý giải nó như thế nào? Ở trước có ví dụ, tuyệt đối không được sơ suất. A la hán đoạn tận kiến tư phiền não, nhưng chưa đoạn tận tập khí, đoạn kiến tư phiền não là chứng quả A la hán. Nếu tập khí kiến tư phiền não cũng đoạn, họ không phải là A la hán, mà họ là Bích Chi Phật. Quý vị xem, đoạn tận tập khí, Bồ Tát nâng cao thêm một bậc, đương nhiên Bồ Tát đoạn gì? Đoạn trần sa phiền não, địa vị cao hơn Bích Chi Phật, nhưng tập khí chưa đoạn. Nếu đoạn được tập khí trần sa phiền não, họ liền thành Phật, Phật trong mười pháp giới, cao nhất trong mười pháp giới. Kiến tư phiền não, trần sa phiền não, đến tập khí cũng đã đoạn, nhưng vô minh phiền não chưa đoạn.
Vô minh là khởi tâm động niệm, họ không khởi tâm không động niệm tức vượt ra ngoài mười pháp giới, họ minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Thật sự đạt được pháp bình đẳng, trên đề kinh này nói: Thanh tịnh bình đẳng giác, họ đã đạt được. Vì sao trong bình đẳng còn có 41 địa vị? Chúng ta biết là chưa đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, vậy 41 địa vị từ đâu mà có? Do tập khí dày mỏng khác nhau. Vì tập khí vô minh không thể đoạn tận, không như kiến tư và trần sa. Hai loại này có cách đoạn, còn tập khí vô minh không có cách nào đoạn được, phải làm sao? Cứ để mặc nó, thời gian lâu ngày tự nhiên không còn. Cần thời gian bao lâu? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là ba a tăng kỳ kiếp, thời gian lâu như vậy, tập khí vô minh tự nhiên không còn. Bởi thế chúng ta biết, là do tập khí vô thỉ vô minh dày mỏng khác nhau, nên nói nó có 41 địa vị. 41 địa vị này nói nó có cũng được, nói nó không có cũng được, chúng ta phải hiểu ý này, vì cảnh giới này là cảnh giới bình đẳng, đều không có khởi tâm động niệm. Nếu đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, không còn là Đẳng giác, mà gọi là Diệu giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm quả vị Diệu giác chính là cứu cánh quả Phật, Diệu giác không ở cõi thật báo, họ ở đâu? Họ ở thường tịch quang, nghĩa là họ đã trở về thường tịch quang. Thường tịch quang là tự tánh, vốn không sanh diệt, họ trở về đó. Nên lúc giảng kinh Đức Thế Tôn nói với đại chúng, ngài thành Phật từ những kiếp lâu xa về trước, đâu phải bây giờ mới thành Phật!
Nếu quý vị thành Phật rồi, cũng có thể nói với mọi người: Tôi đã thành Phật từ những kiếp rất lâu xa về trước. Vì sao vậy? Vì quý vị vốn là Phật, trở về thường tịch quang tức là trở về quê nhà. Trong Thiền tông nói: Tìm được bản lai diện mục của ta khi cha mẹ chưa sanh ra. Bản lai diện mục là Phật, vốn là Phật, đâu phải bây giờ thành hay tương lai thành, không phải như vậy. Đây đều gọi là phân biệt chấp trước, vốn là Phật, thật vậy không sai chút nào. Bây giờ thì sao? Bây giờ ta là một vị Phật mê hoặc điên đảo, có vọng tưởng phân biệt chấp trước, chính là như vậy.
Nhưng vọng tưởng phân biệt chấp trước toàn là giả, không có thứ nào là thật: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, đến cõi thật báo trang nghiêm đều là hư vọng. Nó là điều gì biến hiện ra? Là tập khí vô thỉ vô minh biến hiện ra, có tập khí vô thỉ vô minh thì có cảnh giới này tồn tại. Tập khí vô thỉ vô minh không còn, cảnh giới này không còn tồn tại, đạo lý chính là như vậy!
Vậy chúng ta cần phải biết, quý vị có kiến tư phiền não, có tập khí kiến tư tồn tại, sẽ có luân hồi lục đạo. Nếu đoạn được kiến tư phiền não, tập khí có thể không cần nói đến, đoạn rồi, luân hồi lục đạo không còn. Là giả không phải thật, giống như một giấc mộng, quý vị đã tỉnh mộng, mộng tỉnh là cảnh giới gì? Tứ thánh pháp giới, Tịnh độ của Đức Thế Tôn, lục đạo là uế độ của Đức Thế Tôn, quý vị đi đến cõi Tịnh. Trong Tịnh độ kiến tư phiền não không còn, nhưng còn tập khí kiến tư phiền não, đoạn tận là Bích Chi Phật, chưa đoạn là A la hán. Đoạn tận trần sa phiền não là Bồ Tát, đoạn tập khí trần sa phiền não là thành Phật, Phật của mười pháp giới. Nếu buông bỏ khởi tâm động niệm, tức buông bỏ vô minh, họ thật sự đã thành Phật, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, họ đến cõi thật báo, lại một lần nữa tỉnh mộng. Tứ thánh pháp giới vẫn là một giấc mộng, đã tỉnh mộng, sau khi tỉnh dậy là cảnh giới gì? Là cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai, cũng là cõi thật báo trang nghiêm của chính mình, trong này không còn vô minh, nhưng có tập khí vô minh. Nếu tập khí vô minh không còn, đây lại là một giấc mộng, một giấc mộng sau cùng. Khi tỉnh dậy liền trở về tự tánh, thường tịch quang, trở về với thường tịch quang. Thường tịch quang ví như con số không, khi chúng ta mê thì biến thành chúng sanh, là từ nhất niệm bất giác mà mê hoặc, đi một vòng lớn, sau cùng vẫn trở về thường tịch quang, trở về điểm ban đầu. Trong điểm ban đầu không có khởi tâm động niệm, tập khí khởi tâm động niệm cũng không còn, trở về khởi điểm, cứu cánh quả Phật. Hoa Nghiêm gọi là Diệu giác.
Đây là một sự tuần hoàn lớn nhất, khiến chúng ta trở về khởi điểm, mới biết rằng vốn là Phật. Trong kinh Đức Phật nói không sai chút nào, khi nào ta có thể trở về điểm ban đầu, đều ở chỗ ta có buông bỏ được hay chăng. Chúng ta hiểu được đạo lý này, thấu triệt chân tướng sự thật này, có thể không buông bỏ được sao? Chúng ta không có năng lực, vì nghiệp chướng quá nặng, tập khí quá sâu, không thể đồng thời buông bỏ, chỉ có thể buông bỏ ngày một ít. Điều này 60 năm trước đại sư Chương Gia dạy tôi, phải buông bỏ từng ngày, buông bỏ từng tháng, buông bỏ từng năm, như vậy mới có tiến bộ. Buông bỏ được một chút thì phiền não nhẹ một chút, phiền não nhẹ một chút thì trí tuệ tăng hơn một chút, trí tuệ trong tự tánh liền hiển lộ ra bên ngoài, nó sẽ lộ ra một chút. Ta buông bỏ được mấy phần, thì nó có thể hiển lộ ra được mấy phần, tuyệt đối đừng để tăng trưởng phiền não, như vậy là sai. Nhất định phải làm cho phiền não ngày càng giảm nhẹ, không được để ngày càng tăng, như vậy là sai. Bởi vậy nhất định phải biết được chân tướng sự thật, tam giới lục đạo vô cùng thống khổ.
Sơ quả đã thấy được, họ sẽ được thọ dụng. Khi nào chúng ta thấy được? Khi được thọ dụng là thấy được, không có thọ dụng thì chưa thấy được. Chỉ nói thôi không được, mà phải thật sự áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, hoàn toàn ứng dụng vào trong công việc, trong xử sự đối nhân tiếp vật. Tu đà hoàn tức là cảnh giới này, đây là thấp nhất, họ đã áp dụng được. Họ không chấp trước thân này là ta, họ không có biên kiến, tức không có đối lập. Người khác đối lập với họ, nhưng họ không đối lập với người khác, không đối lập khẳng định được một vấn đề gì? Là nhất thể, vạn sự vạn vật khắp biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thế, nhất thể sẽ không có đối lập. Tuy hình tướng khác nhau, như thân người chúng ta, thân người là nhất thể, quý vị nói trên thân người có bao nhiêu sợi lông? Sợi lông và ta là nhất thể, thân thể này có bao nhiêu tế bào? Tế bào với ta là nhất thể. Quý vị xem tế bào tổ hợp thành nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý ở bên ngoài, bên trong lục phủ ngũ tạng, tất cả đều là tế bào hợp thành. Hợp thành khí quản khác nhau, tác dụng khác nhau, nhưng là nhất thể. Biến pháp giới hư không giới với ta là nhất thể, nhận thức này rất tuyệt, tuy chưa chứng quả nhưng có thể thừa nhận, có thể khẳng định, không hoài nghi. Như vậy là nhận ra được đường đi, tìm được đạo bồ đề, nhận ra rất rõ ràng. Quý vị đi theo phương hướng này, sao không thành Phật được! Đi theo phương hướng này, tích lũy công đức, tuy tích lũy công đức, nhưng tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Nếu trong lòng cảm thấy công đức này không tệ, tôi đã tích lũy được rất nhiều, làm được nhiều việc tốt, đã có công đức, nói cho quý vị biết, đó là phước báo. Quý vị xem, vừa khởi tâm động niệm liền biến công đức thành phước đức, phước đức không ra khỏi luân hồi lục đạo, ở trong lục đạo hưởng thụ. Công đức không thể nghĩ bàn, nó có thể giúp ta liễu sanh tử xuất tam giới. Thế giới tấy phương Cực Lạc là do công đức 48 nguyện và năm kiếp tu hành của Phật A Di Đà thành tựu nên. Phật A Di Đà là dùng công đức này gia trì chúng ta, không phải giả.
Đoạn này trong Kinh Niết Bàn Đức Phật nói: “Trước đây Ta cùng các ông không hiểu được tứ chân đế, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ lớn của sanh tử”. Đây là Đức Phật thị hiện nói, nhắc nhở mọi người. Nếu thấy được Tứ Đế, tức phải đoạn sanh tử. Ai là đương cơ? Trong lục đạo chịu khổ đã đủ, không muốn tiếp tục chịu khổ nữa, người này là đương cơ, nghe lời Phật nói, họ sẽ cảm động. Nếu đối với lục đạo vẫn còn mê hoặc điên đảo, vẫn là tham luyến không xả, như vậy sẽ không nghe hiểu được lời nói này của Phật. Chịu đủ khổ, đến đâu mới chịu đủ? Nhất định đến địa ngục, đến vô gián địa ngục mới chịu hết khổ. Tội nghiệp tiêu gần hết, nghe được Phật nói sẽ cảm động.
Trong Chỉ Trì Hội Tập Âm Nghĩa nói, đây thuộc về giới luật. Chỉ là cấm chỉ, như không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không ở đây nghĩa là chỉ. Đại khái Tỳ kheo giới là chỉ trì, Bồ Tát giới là tác trì. Bồ Tát giới là dạy chúng ta phải làm việc lợi ích chúng sanh.
Khổ đế. “Khổ nghĩa là thống khổ phiền não”, đây là đau khổ, phiền não. “Tất cả hữu vi tâm hành”, hữu vi là có sanh có diệt, là phàm phu. Tâm hữu vi, hành vi hữu vi, đây là bao gồm thân khẩu ý. Tâm hữu vi là ý nghiệp, hành là khẩu nghiệp, là thân nghiệp. Thường vì vô thường hoạn lụy mà bị bức ép, nên gọi là khổ. Thường thường vì vô thường, hai chữ này dùng rất hay, tất cả pháp đều là vô thường, bao gồm cả Phật pháp. Phật pháp là nhân duyên sanh, chỉ cần là pháp nhân duyên sanh, tất cả đều là vô thường. Phật pháp thật sự là chân thường, Phật pháp chân thường ở đâu? Chính là tự tánh của chúng ta, lìa tự tánh không có pháp nào đạt được.
Cho nên chúng ta phải biết, Phật và chúng ta thân thiết biết bao, chúng ta không biết, Phật và chúng ta là nhất thể. Thật như người thế gian nói tâm can bảo bối là nhất thể, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Chỉ là chúng sanh trong lục đạo, đến tứ thánh pháp giới, đối với vấn đề này đều mê mà không giác. Tuy tiếp xúc kinh điển Phật giáo, Phật Bồ Tát thường nói, nhưng không nghe lọt vào tai, giữa Phật và bản thân luôn có ranh giới. Ngài là ngài, ta là ta, chúng ta không hề liên quan, chứ không biết được là nhất thể. Trong kinh Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Phật pháp từ tâm tưởng sanh, Phật Tỳ Lô Giá Na từ tâm tưởng sanh, Phật A Di Đà từ tâm tưởng sanh. Lìa tâm tưởng, thì lấy đâu ra Phật A Di Đà? Đâu là thế giới Hoa Tạng? Tâm nghĩ điều gì, liền hiện ra điều đó. Bởi thế trong hội Hoa Nghiêm Đức Phật nói, muôn sự muôn vật khắp biến pháp giới hư không giới là như thế nào? “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm nghĩa là tự tánh, là tự tánh, tự tánh là năng sanh năng hiện, vạn vật là sở sanh sở hiện. Tuy hiện nhưng không khởi biến hóa, vì sao lại thiên biến vạn hóa như vậy? Đó là A lại da, A lại da là thức, thức khiến nó sinh khởi biến hóa, tâm hiện thức biến.
Thức là gì? Là phân biệt, là chấp trước, là vọng tưởng. Có phân biệt vọng tưởng chấp trước sẽ thiên biến vạn hóa, biến thành thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Thập không phải là chữ số, thập tượng trưng vô lượng, vô lượng vô biên vô tận vô số. Trong Hoàn Nguyên Quán nói rất hay: xuất sanh vô tận, đó là thức biến. Không có thức sẽ không có biến, cõi thật báo trang nghiêm nghĩa là bất biến, vì sao vậy? Vì nó không có thức. Phàm là sanh đến cõi thật báo trang nghiêm, tất cả đều chuyển thức thành trí, nó dùng chân tâm, không dùng tâm sanh diệt. Không dùng tâm sanh diệt, nên ở đó là bất sanh bất diệt, nghĩa là không có sanh diệt.
Quý vị xem Bồ Tát ở đó phải ba đại a tăng kỳ kiếp, đây là thọ mạng dài, gọi là vô lượng thọ, đào thải toàn bộ tập khí vô thỉ vô minh, thời gian dài như vậy. Thời gian dài như vậy họ không có biến hóa. Diện mạo của ba đại a tăng kỳ kiếp, giống như vừa mới đến đó vậy, không khởi biến hóa, họ không có tâm sanh diệt. Chẳng những người không có sanh diệt, cây cỏ hoa lá cũng không có sanh diệt, cây cối mãi xanh tươi. Khác với chúng ta ở đây. Cây cối ở thế gian chúng ta biến hóa theo bốn mùa, thế giới Cực Lạc thì vĩnh hằng bất biến, vì sao vậy? Vì nó không có thức, không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm động niệm, làm sao nó biến hóa được, nên gọi là nhất chân.
Phật pháp nói thật giả, định nghĩa của nó là: Thay đổi nghĩa là giả, không thay đổi chính là thật, nó bất biến. Đức Phật nói với chúng ta là sự thật, vì sao vậy? Người ta đã chứng được, đã buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước. Quý vị cần phải tin, nếu buông bỏ được, cảnh giới của ta giống với họ, quý vị đã khế nhập, tuyệt đối không được ngộ nhận rằng: Đức Phật sống trong thời đại đó, mấy ngàn năm trước, làm sao so với hiện nay. Bây giờ khoa học phát triển, chúng ta hưởng thụ đèn điện, sáng hơn nhiều so với đèn dầu ngày xưa. Không ngờ Phật không cần điện, tự thân phóng ánh sáng, cao siêu hơn bây giờ nhiều, ta làm sao sánh được với Phật? Bây giờ chúng ta đi đâu cũng có công cụ giao thông, có xe hơi, máy bay, thuyền. Đức Phật không cần, bởi ngài có thần túc thông, nghĩ đến đâu thì thân lập tức đến đó, chúng ta sao có thể sánh được với ngài?
Phật có tha tâm thông, chúng ta khởi tâm động niệm ngài đều biết hết. Phật có túc mạng thông, nhiều đời kiếp quá khứ của chúng ta ngài đều biết, khoa học hiện nay không đạt được. Coi thường Thánh hiền, coi thường Phật Bồ Tát, sai lầm này nặng biết bao! Họ nói điều này có thể thử nghiệm xem, đây là tinh thần khoa học. Chúng ta thử buông bỏ chấp trước, xem phải chăng là cảnh giới của A la hán, mỗi người đều có thể thí nghiệm.
Một số khoa học thời cận đại, đại khái là khoảng gần 30 năm lại đây, gần đây họ đã phát hiện được. Chính là ý niệm, suy nghĩ, năng lượng này không thể nghĩ bàn, tức là Đức Phật nói: Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Có cống hiến nhất là Max Planck người Đức, đây là nhà lượng tử lực học nổi tiếng nhất thế giới. Ông suốt đời nghiên cứu nguyên tử, nghiên cứu vật chất, vật chất rốt cuộc là gì? Ngạn ngữ nói ông trời không phụ người có tâm, ông ta thật sự đã phát hiện được. Phát hiện nên kết luận của ông là gì? Kết luận nói thế gian này căn bản không có thứ gì gọi là vật chất. Vật chất là gì? Căn bản của vật chất là ý niệm, là suy nghĩ, thì ra vật chất là từ ý niệm sanh ra. Ý niệm từ đâu mà có? Họ không ngừng nghiên cứu, kết luận của họ là từ trong không sanh ra có, quả là rất tuyệt.
Những gì ông ta nói chúng ta hoàn toàn hiểu được, hiện tượng ông ta nói là tam tế tướng của A lại da mà Đức Phật nói trong kinh. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói: Trong bát thức, sức mạnh của ý thức lớn nhất. Cảnh giới nó phan duyên, là tâm tâm sở khác đều không đạt được. Đối với bên ngoài nó có thể duyên đến toàn thể vũ trụ, đối với bên trong có thể duyên đến A lại da, nghĩa là nó vẫn có phạm vi, nó không duyên được tự tánh. Vì sao vậy? Phải buông bỏ mới biết được tự tánh. Quý vị dùng đệ lục ý thức, nghĩa là dùng tư duy, tư tưởng, thì chỉ có thể đạt được cảnh giới này.
Bởi thế nghiên cứu vũ trụ hồng quan, các nhà vật lý học nói với chúng ta: Vụ trụ mà họ quan sát được, chỉ có thể thấy được 10%, còn 90% không thấy được. Chúng ta hiểu được cách nói này, 90% không nhìn thấy đó đi về đâu? Trở về thường tịch quang, chúng ta không thể nào phát hiện ra thường tịch quang, vì sao vậy? Vì nó không có hiện tượng. Nó không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Nhưng ba loại hiện tượng này đều do nó sanh ra, bản thân nó lại không phải ba loại hiện tượng này. Không phải hiện tượng vật chất, ngũ căn của chúng ta, năm căn trước nhãn nhĩ tỷ thiệt thân không duyên được. Không phải hiện tượng tinh thần, đệ lục ý thức không duyên được. Không phải hiện tượng tự nhiên, đến nghiệp tướng của A lại da cũng không duyên được. Buông bỏ ta sẽ thấy được, các nhà khoa học chưa buông bỏ. Thật sự đạt được cảnh giới cao nhất như Đức Phật nói_đối thoại của Bồ Tát Di Lặc và Đức Thế Tôn, là việc của 3000 năm trước. Y theo các bậc tổ sư đại đức xưa, họ nói rằng: Đức Thế Tôn ra đời vào năm thứ 24 của Chu Chiêu Vương, Giáp dần, Đức Phật thuộc tuổi dần, diệt độ vào thời Chu Mục Vương. Tính theo niên đại này, Đức Phật diệt độ đến nay là 3038 năm. Cho nên lời này là Đức Phật nói vào 3000 năm trước, tương ưng với phát hiện của Max Planck. Đồng nghĩa nói phát hiện của Max Planck đã chứng minh Đức Thế Tôn nói về duyên khởi của vũ trụ, là thật không phải giả. Vì nhất niệm bất giác mà có vô minh, A lại da xuất hiện, A lại da không phải thật, nó là vọng tâm. Từ trong chân tâm xuất hiện vọng tâm, chân tâm năng hiện, vọng tâm năng biến. Nghiệp tướng của A lại da, ngày nay các nhà khoa học gọi là năng lượng. Chuyển tướng của A lại da, các nhà khoa học gọi là tin tức. Cảnh giới tướng của A lại da, các nhà khoa học gọi là vật chất, điều này quả là không thể nghĩ bàn! Chúng ta đối với tam tế tướng của A lại da, rất mơ hồ, nói không rõ ràng.
Xem những chú giải của các bậc đại đức, lúc còn trẻ học, nghe thầy dạy, nghe rất mơ hồ, xem văn tự cũng rất mơ hồ. Bây giờ xem hoàn toàn rõ ràng, không phải vấn đề trên mặt văn tự, mà là trí tuệ của chúng ta chưa khai phát, không nhận ra, xem chú giải của cổ nhân thì bán tín bán nghi. Bây giờ mới tin, cảnh giới bên ngoài không sai, hoàn toàn là bản thân chúng ta, mê hoặc điên đảo vô tri, nên xem sai về nó. Phật Bồ Tát là người tu hành, những bậc đại thiện tri thức này đều có định công, đều có trí tuệ, những gì họ nói không sai. Chúng ta nghe sai, thấy sai còn trách họ không nói rõ ràng, quý vị nói chúng ta có tạo nghiệp chăng. Tôi tin rằng chúng ta hữu tâm vô tâm tạo tội nghiệp này, không biết bao nhiêu người! Tôi rất lo lắng, truyền thống văn hóa có thể phục hưng được chăng? Chánh pháp có thể cửu trú chăng? Tôi thật sự lo lắng, vì sao vậy? Vì không có người có tâm chân thành cung kính đó học tập. Mặc dù có thiện tri thức đến dạy, cũng không tìm thấy học sinh. Học sinh tìm thầy khó, thầy tìm học sinh càng khó hơn, đến đâu để tìm.
Tất cả thiện pháp thế xuất thế gian là căn bản của căn bản, là hai câu trước của Tịnh Nghiệp Tam Phước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Tổ tông dạy chúng ta hiếu thân tôn sư, đây là căn bản lớn của thiện pháp thế xuất thế gian, hiện nay không còn. Ai hiểu được hiếu thân? Ai hiểu được tôn sư? Đánh mất tâm thái này, tuy thánh giáo ở thế gian cũng đồng nghĩa là diệt vong, vì sao vậy? Không ai hiểu được giá trị của nó. Người không hiểu giá trị nói những vấn đề này, học những điều này, tất cả đều học thiên lệch, học tà ngụy, không phải là như vậy.
Những gì Đức Phật nói là thật: Tất cả chúng sanh vốn là Phật, quý vị có thể không buông bỏ được sao? Buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước chính là Phật, chỉ đơn giản như vậy. Buông bỏ chấp trước, thành A la hán, liền ra khỏi lục đạo, lục đạo không còn. Buông bỏ phân biệt quí vị thành Bồ Tát. Buông bỏ khởi tâm động niệm, quý vị sẽ thành Phật, thật hành, không buông bỏ không được. Bây giờ mấy người chịu buông bỏ? Đối với thân này, chấp trước vô cùng kiên cố đó là ta, từ cái ta sanh ra tự tư tự lợi.
Dạy, nói thì dễ dàng. Cổ nhân quả thật quá tuyệt, cổ nhân dạy người bắt đầu dạy từ đâu? Bắt đầu dạy từ lúc mang thai, bây giờ đến đâu để tìm. Cổ lễ của Trung quốc, những lễ tiết có liên quan đến mang thai, người làm mẹ nhất định phải hiểu. Họ khởi tâm động niệm đều ảnh hưởng đến thai nhi, ngôn ngữ tạo tác cũng ảnh hưởng thai nhi. Bởi thế trong mười tháng mang thai, đi đứng nằm ngồi đều phải đoan trang, phải có lễ, không có tà tư, không có tà niệm. Đứa trẻ khi sanh ra cũng đoan chánh, rất dễ dạy. Đứa trẻ khi mới sanh ra, mở mắt ra chúng biết nhìn, tai chúng biết nghe, chúng bắt đầu học tập, bắt đầu bắt chước. Bởi thế trong cổ lễ, người lớn và trẻ con gặp mặt nhất định phải giữ lễ, tất cả tư tưởng và hành vi bất thiện, không thể tiếp xúc những em nhỏ, trẻ con. Vì sao vậy? Vì sợ ảnh hưởng đến chúng, phải bảo hộ chúng như vậy. Mẹ là người bảo hộ chúng, là thần bảo hộ, ba năm, 1000 ngày, thâm căn cố đế, đặt nền tảng vững chắc cho chúng. Bởi thế ngạn ngữ cổ có câu: “Ba tuổi xem tám mươi”, đặt nền tảng lúc ba tuổi, đến tám mươi tuổi cũng không thay đổi, là thánh nhân. Thánh nhân là dạy mà ra, Phật Bồ Tát cũng dạy mà được, chúng ta không thể không biết.
Xã hội hiện nay, thánh nhân, Phật Bồ Tát đều vứt bỏ hết, phê bình họ là không có giá trị, là thứ của xã hội cũ thời đại phong kiến, không theo kịp thời đại khoa học hiện nay, đều bài xích họ, từ bỏ họ. Vứt bỏ, thiên tai liền hiện tiền. Không cần những thứ của cổ nhân, phát hiện mới không giải quyết được vấn đề trước mắt, lúc này mọi người mới thấy cấp bách.
Hôm nay tôi thấy chư vị đồng học, đem những tiêu đề về thiên tai đưa cho tôi xem. Tuần trước hình như có 53 lần thiên tai, tuần này 50 lần, nửa tháng 103 lần, sao lại nhiều như vậy? Mà lần này nghiêm trọng hơn lần trước. Trong kinh Đức Phật nói rất rõ ràng, thiên tai do đâu mà có? Đó là quả, có quả tức có nhân. Nhưng mọi người nói đó là Tôn giáo, đó là mê tín, không hợp khoa học. Được, dùng phương pháp khoa học để giải quyết, khoa học không giải quyết được, đây là vấn đề rất hiện thực được bày ra trước mắt. Lời của cổ nhân rất có lý. Thiên tai hiện tiền biết tìm ai? Tìm tổ tông mới có thể giải quyết. Nếu quý vị không chịu quay đầu, không chịu thừa nhận, không chịu tìm tổ tông, như vậy thì quý vị đủ để chịu! Phải lãnh chịu. Phật pháp thường nói: “Quay đầu là bờ”, cổ nhân không ngu ngơ, cổ nhân không ngu si. Cổ nhân là người buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, quả là đáng nể. Trong tự tánh có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, nó có thể giải quyết được vấn đề. Nếu như không buông bỏ, quý vị làm sao biết được. Không có niềm tin đối với cổ thánh tiên hiền, không có niềm tin với tổ tông, không có lòng tin với Phật Bồ Tát. Tín tâm là giới hạn thấp nhất của tất cả pháp thế xuất thế gian, giới hạn này không còn thì hết cách cứu.
Trung quốc gặp tai họa lớn như vậy, trước đây ông Hồ Thu Nguyên nói rất hay, người này lớn hơn chúng tôi một bậc, ông lớn hơn tôi khoảng hơn 20 tuổi, là một học giả rất nổi tiếng. Khi tôi đến thăm ông, ông nói với tôi: Người Trung quốc trong thời đại này, rốt cuộc vấn đề là đâu? Nếu nói vấn đề nghiêm trọng nhất, chính là đánh mất lòng tự tin của dân tộc, đây là nguồn gốc của thiên tai, là nguyên nhân đầu tiên. Chúng ta đánh mất lòng tự tin của dân tộc, mù mờ học theo người phương tây, phương pháp của người phương tây thật sự tốt hơn của người xưa chúng ta ư? Phương pháp của phương tây chúng ta đã thấy, còn của cổ nhân chúng ta chưa thấy được, tất cả đều bị hủy diệt rồi. Đến Nhật, đến Hàn quốc còn có thể thấy được một ít, không nhiều nhưng rất đáng quý. Nếu như đại chúng trong xã hội không biết coi trọng, tôi nghĩ Nhật bản cũng duy trì không được bao nhiêu năm, cũng sẽ biến mất, thật đáng tiếc!
Townenbe nói: Có thể cứu vãn xã hội hiện nay, có thể cứu vãn thiên tai trên thế giới, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa, nhưng thế nào? Chúng ta không tin, người Anh có tin chăng? Họ bán tín bán nghi. Tôi phỏng vấn đại học Oxford, đại học Cambridge, và đại học Luân Đôn, tôi từng thảo luận với họ. Tôi hỏi những gì Townenbe nói, quý vị có tin chăng? Họ nhìn tôi cười không trả lời, tôi hỏi ngược lại một câu, như vậy là Townenbe nói sai ư? Họ vẫn cười không nói gì, sau cùng ép tôi không thể không nói. Tôi nói với mọi người, Townenbe nói không sai, có thể chúng ta đọc và hiểu sai lời của ông, đây là thật không phải giả.
Học thuyết Khổng Mạnh là gì? Tôi tiếp xúc với ba trường này, là hệ Hán học, khoa này ở Úc Châu, là trung tâm nghiên cứu truyền thống văn hóa xưa, rất nổi tiếng. Họ nói tiếng Bắc Kinh rất giỏi, có thể đọc cổ văn, chúng tôi rất khâm phục. Vấn đề của họ là gì? Không có tâm thành kính như cổ nhân. Đại sư Ấn Quang nói: “một phần thành kính được một phần lợi ích”, người học tập không có tâm chân thành cung kính, là thiếu điểm này, mà điểm này quan trọng hơn tất cả. Quý vị có thể thành tựu hay không, thật sự hiểu được nghĩa chân thật của cổ thánh tiên hiền, đều ở chỗ thành kính. Tiếp thu giáo huấn của họ phải khiêm tốn, tâm địa phải thanh tịnh, không được có chút ô nhiễm nào. Hoàn toàn thanh tịnh tiếp thu nó, lợi ích này là vô biên. Nếu như mang theo thành kiến, dùng tư tưởng của riêng mình để nhận xét, thì vấn đề rất khó khăn. Nhìn thấy là lập tức phê bình, như vậy làm sao hiểu được nghĩa chân thật của nó. Những gì trong kinh nói, đều là nói nhân tâm bây giờ, là chướng ngại trong việc học Phật.
“Đại Luận nói”, đại luận là Đại Trí Độ Luận: “Vô lượng chúng sanh có ba loại thân khổ”. Thân có ba loại khổ: Lão, bệnh, tử. Rất nhiều người trẻ tuổi, khi chưa già, chưa bệnh, chưa chết, nên họ không biết ba cái khổ này. Đến khi già, bệnh, sắp chết họ mới biết, lúc đó hối hận cũng không kịp. Còn có “ba loại tâm khổ”, họ không cảm nhận được tâm khổ này - “tham sân si”. Điều này phải là người có trí tuệ mới biết được, nếu biết được ba thứ này là khổ, họ còn làm điều này ư? Họ không biết, thánh hiền nhân biết, Phật Bồ Tát biết.
Lại có “ba loại hậu thế khổ”, hậu thế khổ là gì? Là quả báo, có “địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”. Tham tâm là ngạ quỷ, sân nhuế là địa ngục, ngu si là súc sanh. Ta nói nhưng họ không tin, cho rằng đây là Tôn giáo, là mê tín, là lời giả dối. Cho nên họ đối với điển tịch của thánh hiền, sao có thể xem hiểu được. Nếu như họ không cầm lửa đốt nó, coi như là không tệ, họ rất có thiện căn. Người không có thiện căn, họ sẽ hủy diệt tất cả.
Tóm lại mà nói, có ba khổ tám khổ...đều là hoạn sanh tử trong tam giới. Đế thẩm sanh tử thật là khổ, nên gọi là khổ đế. Đế là siêng năng thẩm xét, tư duy, quan sát, sanh tử thật sự rất khổ! Sanh tử tượng trưng điều gì? Luân hồi lục đạo, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt, thật sự là khổ đế.
“Tam khổ là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ”, “tam khổ” có: sanh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh. Điều này trong kinh Đức Phật thường nói, chúng ta tỉ mỉ đi phản tỉnh, quan sát, là những gì chúng ta phải chịu trước mắt.
“Tập đế, tập nghĩa là chiêu tụ, nếu tâm tương ưng với kết nghiệp, tương lai nhất định có thể chiêu tụ khổ sanh tử, nên gọi là tập”. Tập là tạo tác, những gì hiện nay làm như khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác. Nghiệp chính là sự, khi tạo tác gọi là sự. Quý vị làm điều gì, làm xong việc gọi là nghiệp. Nghiệp chiêu cảm quả báo trong đời sau, thiện nghiệp được phước báo, ác nghiệp chính là ác báo. Hiểu được đạo lý này, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác tự nhiên không tạo ác nghiệp nữa. Nhưng Đức Phật nói với chúng ta, thiện nghiệp cũng không phải thật sự thiện, vì sao vậy? Vì không ra khỏi luân hồi lục đạo, lục đạo thống khổ.
Dục giới cả ba loại khổ đều có: Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Sắc giới thiên không có dục, không có khổ khổ, nhưng có hoại khổ, có hành khổ. Vô sắc giới thiên, đây là phàm phu cao cấp, đến thân cũng không cần, nên họ không có khổ khổ, không có hoại khổ, nhưng có hành khổ. Hành khổ là gì? Họ không cách nào duy trì mãi mãi, thời gian tuy dài, nhưng cũng có lúc đến cùng. Lúc đến cùng vẫn phải đọa lạc, khổ liền đến. Nên họ không phải là giải quyết tận gốc. Đức Phật dạy, tam giới đều là khổ, tam giới là toàn bộ luân hồi lục đạo. Đức Phật thấy rất rõ ràng, ngài biết, người trong luân hồi lục đạo không nhận ra, tưởng rằng có niềm vui, nhưng đó là sai lầm.
Bên dưới nói về Diệt đế- “Tận đế”, tận tức là diệt. “Diệt tức là tận diệt, diệt nghĩa là diệt vô vi. Kết nghiệp đã tận, tức không có tích lũy hoạn nạn của sanh tử, nên gọi là diệt”. Diệt, về mặt quả không thể diệt, phải diệt từ nhân. Ta không tạo nhân ác sẽ không chịu ác báo, đến nhân thiện ta cũng không tạo, như vậy quả báo thiện trong tam giới ta cũng không thọ, mới có thể vượt thoát được. Chúng ta phải nghe rõ điều này, không được sinh ngộ nhận, ngộ nhận vẫn là đang tạo nghiệp, những gì ta tạo đều là nghiệp bất thiện.
Đức Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, ở sau còn một câu là tam luân thể không. Đây gọi là tu Tịnh nghiệp, quả báo không phải ở lục đạo. Đoạn ác không chấp tướng của đoạn ác, tu thiện không chấp tướng của tu thiện, mãi mãi giữ tâm mình thanh tịnh bình đẳng giác, dùng tâm thanh tịnh bình đẳng giác để đoạn ác tu thiện là đúng. Đoạn ác tu thiện đối với bản thân mà nói, tiêu được tập khí nghiệp chướng của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đây là tự lợi. Đối với người mà nói là làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng. Người ta thấy quý vị đoạn ác tu thiện, người thật sự thấu suốt nhìn thấy quý vị đang hành Bồ Tát đạo, quý vị đang giáo hóa chúng sanh.
Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, trú thế 80 năm, dạy học giảng kinh giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm, không phải đều là làm gương cho chúng ta thấy ư? Bát tướng thành đạo là biểu diễn, không phải thật, vốn là Phật. Ngộ rồi tức vốn là Phật, ngộ ra là vô lượng kiếp vô lượng kiếp trước, ta sớm đã thành Phật, mỗi người đều như vậy. Bởi thế lời Đức Thế Tôn nói là thật, hoàn toàn không phải giả.
Diệt phải biết diệt là gì? Diệt những thứ dơ bẩn trong lòng, những thứ tạp loạn, vì tâm của quý vị vốn là thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Hiện nay trong tâm này, vì sao có nhiều rác rưởi như vậy? Bản thân đã có nhiều, còn đem những thứ dơ bẩn của người khác để hết trong lòng mình. Có thể thứ của người khác còn nhiều hơn của mình, biến thành thùng rác lớn, như vậy được coi là thông minh ư? Người thông minh thật sẽ trừ sạch tất cả, khi đoạn sạch rồi, nói cho chư vị biết, đến Phật Pháp cũng không cần. Kinh Kim Cang nói rất hay: “pháp còn phải xả huống gì phi pháp”. Pháp đó là Phật pháp, đây là lời của Đức Thế Tôn. Quý vị đem những pháp của Đức Phật nói đều để trong lòng, như vậy cũng sai. Những pháp này là thiện pháp, quả báo trong ba đường lành, nhưng không ra khỏi luân hồi lục đạo, bởi thế pháp cũng phải xả. Kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn Tịnh độ rất hay, dạy ta điều gì? Tất cả đều buông bỏ, trong tâm chỉ có một thứ chưa buông cũng không được. Nhưng luôn phải có một thứ, quý vị mới có thể buông bỏ được thứ khác. Tịnh độ Tông dạy, trong tâm của quý vị chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra đều buông bỏ hết. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, không có nói Phật pháp là ngoại lệ, buông bỏ tất cả, chỉ có Phật A Di Đà. Mục đích ở đâu? Tôi muốn đến thế giới Cực Lạc, chỉ một niệm này, ngoài niệm này ra không có niệm thứ hai. Đến thế giới Cực Lạc, quý vị mới hoát nhiên đại ngộ, thì ra bản thân chính là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà ở thế giới tây phương Cực Lạc, từ đâu mà có? Là từ tự tánh chúng ta biến hiện ra, tất cả pháp không rời tự tánh. Biến pháp giới hư không giới, không có pháp nào không phải từ tự tánh biến hiện ra, tất cả đều là tự tánh biến hiện. Quý vị đều minh bạch, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, tâm và pháp là một không phải hai, vấn đề này mới thật sự giải quyết được, Triệt để giác ngộ, không còn có ý niệm, có niệm là sai.
Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này, cần phải niệm Phật A Di Đà, đến cảnh giới này Phật A Di Đà cũng không có, nhất định phải biết điều này. Chưa đến quả vị Diệu giác, phải nắm bắt Phật A Di Đà, ta chỉ có một pháp này, ngài sẽ giúp ta chứng được cứu cánh quả Phật, trong tất cả pháp không thể sánh được, cứu cánh viên mãn. Bộ kinh này là nói về vấn đề này, là nói về việc này.
“Kết nghiệp đã tận”, tập khí phiền não đều đoạn tận, “không còn hoạn lụy sanh tử”. Sanh tử là căn bản, sanh tử không còn, lục đạo sẽ không còn, thập pháp giới cũng không còn. Trong mười pháp giới không rời sanh tử, đây gọi là diệt. “Nên các phiền não kiết sử diệt, nghiệp tam giới cũng diệt”, thiện nghiệp ác nghiệp của tam giới, thiện ác nghiệp đều không có. “Nếu nghiệp phiền não trong tam giới diệt, tức là diệt đế hữu dư niết bàn”. Nghiệp của tam giới là nhân, nhân diệt còn quả thì sao? Thân thể vẫn còn, đây gọi là hữu dư niết bàn, còn có thân. Tuy có thân, nhưng không có ý niệm. Trong Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Không những không có tứ tướng, mà tứ kiến cũng không có. Đoạn sau Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến”, tứ kiến cũng không còn. Tức không có ý niệm, nhất niệm bất sanh. Thân thể còn, thân thể còn là hữu dư, thân thể này không cần nữa thì sao? Gọi là vô dư y niết bàn.
Điều này bên dưới nói: “Vì nhân diệt nên quả diệt, lúc bỏ báo thân này, khổ quả đời sau mãi mãi không tương tục”. Sau khi thân này diệt, vĩnh viễn không còn trôi lăn trong luân hồi, đây gọi là “nhập vô dư niết bàn”. Khi nào chứng được niết bàn? Là chứng được khi còn sống. Rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng niết bàn là chết, sai lầm. Niết bàn không thể dịch là chết, niết bàn dịch là diệt, diệt điều gì? Diệt tập khí phiền não, tất cả nghiệp nhân quả báo đều không còn, gọi là diệt. Không thể nói chết nghĩa là niết bàn. Nếu chết là niết bàn, như vậy không cần tu hành, có ai không chết, khi chết không phải đều nhập niết bàn sao? Điều này nói không thông suốt. Vì vậy niết bàn là chứng được khi sống, nên nó cũng dịch là viên tịch. Viên là viên mãn, công đức viên mãn. Tịch là thanh tịnh tịch diệt, cũng tức là nói họ buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, tức thanh tịnh tịch diệt, bởi thế tuyệt đối không được ngộ nhận. Nhưng ngày nay rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng người xuất gia khi chết đều gọi là viên tịch, đều gọi là niết bàn, hoàn toàn hiểu sai ý.
“Đạo đế, đạo nghĩa là năng thông”, thông đạt không có chướng ngại. Đạo là con đường, đây là con đường thành Phật, đây là con đường liễu sanh tử. Đạo, đạo có “chánh đạo, trợ đạo”, thông thường chánh là trí tuệ, trợ là thiền định. Chánh là nhìn thấu, trợ là buông bỏ, vì sao không buông được? Vì chưa nhìn thấu, nhìn thấu là gì? Thấu hiểu triệt để, hoàn toàn thấu hiểu chân tướng sự thật. Như Max Planck nói điều này, ông hoàn toàn đã hiểu rõ về hiện tượng vật chất, thì ra hiện tượng vật chất là do huyễn tướng của ý niệm tích lũy nên. Chúng ta thấy sai, cho rằng vật chất là có thật. Vật chất có thể cứng, có thể lỏng, có thể khí, đây là nguyên nhân gì? Tần suất khác nhau. Tần suất chậm liền biến thành thể cứng, nhanh hơn một chút biến thành thể lỏng, nhanh hơn nữa biến thành thể khí, nhanh hơn thể khí biến thành ánh sáng, biến thành điện, chính là dòng điện. Tần suất khác nhau, hoàn hoàn là hiện tượng dao động, mà tốc độ dao động còn rất nhanh, hiện tượng này Max Planck đã thấy được. Nhưng Bồ Tát Di Lặc đã nói ra con số, nhanh đến mức độ nào? Bồ Tát Di Lặc nói: “Một khảy móng tay”, thời gian một khảy móng tay rất ngắn. Một giây tôi tin rằng có người khảy rất nhanh, trẻ tuổi sức khỏe, thân thể cường tráng, một giây khảy được năm lần là chuyện bình thường. Nếu nói năm lần, lấy năm lần mà nói, trong một giây có 1600 triệu tần suất, là số lần nó dao động. Trong một giây có 1600 triệu, sanh ra huyễn tướng chúng ta tưởng là thật, hiểu được hiện tượng này, niệm niệm bất khả đắc.
Như chúng ta xem film, ở đây tôi có một đoạn film, băng nhựa fiml đèn chiếu. Chiếu film này lên màn hình, một giây có mấy tấm? 24 tấm. Mở ống kính ra, tấm này hiện lên trên màn hình, đóng ống kính lại rồi mở ra, liền đổi qua tấm thứ hai. Tốc độ thay đổi của nó rất nhanh, một giây có 24 tấm, chúng ta đã bị màn hình này gạt, tưởng rằng nó là thật. Bây giờ Bồ Tát Di Lặc nói, một giây có bao nhiêu tấm? Nghĩa là sanh diệt bao nhiêu lần? 1600 triệu lần, làm sao quý vị biết được nó là giả? 24 tấm là đã gạt được, quý vị không cách nào phân biệt được. Bây giờ nói với quý vị về chân tướng, một giây có 1600 triệu, mỗi ý niệm đều khác nhau. Nên Hoàn Nguyên Quán nói: Xuất sanh vô tận, chúng ta hoàn toàn hiểu sai, thấy sai, nghe sai, cho rằng là thật, không hiểu được chân tướng sự thật. Chỉ có Phật Bồ Tát tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh nghĩa là Thiền định, trong thiền định thậm thâm thấy được. Cho nên Chư Phật Bồ Tát là cảnh giới hiện lượng, các nhà khoa học vẫn là tỷ lượng, không phải hiện lượng. Các nhà khoa học mượn toán học để suy đoán, có khả năng này, sau đó dùng máy móc tinh vi để quan sát, đã phát hiện. Họ nói với chúng ta, tốc độ của ý niệm này rất nhanh, không nói ra chữ số, chỉ nói rất nhanh. Bồ Tát Di Lặc nói với chúng ta, một khảy móng tay có 32 ức 100 ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình tức là hiện tượng vật chất. Nghĩa là trong một giây có bao nhiêu hiện tượng vật chất? 320 triệu, đây là một khảy móng tay, 320 triệu hiện tượng vật chất. Nó tích lũy ở đó, quý vị nhìn thấy hình như là vật chất. Hơn nữa hiện tượng vật chất, mỗi hiện tượng vật chất đều có thức, thức là gì? Là thọ tưởng hành thức, hiện tượng vật chất là sắc, trong kinh hợp lại gọi là Ngũ uẩn: Sắc thọ tưởng hành thức. Thời gian nó tồn tại, là một khảy móng tay có 320 triệu. Một khảy móng tay này, bây giờ chúng ta phải tính bằng giây, lấy năm lần khảy móng tay là một giây, đó chính là 1 giây trên 1600 triệu ý niệm. Đây là thời gian tồn tại của một ý niệm, chính là Ngũ uẩn mà Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn thấy được, ngũ uẩn đều là không. Dùng gì để thấy? Trí tuệ.
Quý vị xem trong Tâm Kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ Tát”, nghĩa là Quán Thế Âm, lúc ngài hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thấy được ngũ uẩn đều là không. Ngũ uẩn đều không là sao? Bây giờ chúng ta đã hiểu, tức là hiện tượng mà Max Planck phát hiện, một giây có 1600 triệu lần sanh diệt. Trên một hình ảnh ông đã thấy được điều này, bởi thế nó không phải thật, mà là giả. Điều này hiện nay trong khoa học gọi nó là tiền vệ khoa học, vì khoa học hơn 300 năm nay đều nghiên cứu về vật chất. Chưa từng nghiên cứu hiện tượng tinh thần, toàn là vật chất. Bây giờ biết được vật chất từ đâu mà có? Là ý niệm biến hiện ra. Cho nên hiện nay có không ít các nhà khoa học trẻ nghiên cứu về ý niệm, nghiên cứu về tư duy.
Chúng ta tin rằng, khoảng hai ba mươi năm sau được khắp xã hội đại chúng thừa nhận, có lợi ích gì? Lợi ích rất lớn. Thứ nhất: Quý vị có thể trẻ mãi không già, không dám nói trường sanh bất lão, nhưng có thể sống lâu thọ mạng dài, có thể kéo dài sự suy lão, không đến nỗi lão hóa quá nhanh, nguyên nhân gì? Vì chúng ta hoàn toàn dùng thiện niệm, ý niệm hoàn toàn thanh tịnh, như vậy sẽ không sanh bệnh, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh! Thường nói chỗ này tôi đau, chỗ kia tôi đau, đây có vấn đề, kia có vấn đề, thật sự xảy ra vấn đề, vì vấn đề là từ tâm tưởng sanh. Ý niệm có thể khiến tế bào chúng ta sanh ra biến hóa. Tế bào bình thường chúng ta nghĩ sao nó có vấn đề được, nhưng nó thật sự có vấn đề. Sao lại xảy ra vấn đề? Quý vị nghĩ ra, đây chính là ý niệm chỉ huy vật chất, cho nên ý niệm bất thiện đều biến thành thiên tai, ý niệm thiện biến thành thiên đường, biến thành thế giới Cực Lạc.
Có thể hóa giải được thiên tai ngày nay trên địa cầu chăng? Được, nếu chúng ta không có tham tâm, buông bỏ tham tâm sẽ không có lũ lụt. Buông bỏ sân nhuế, hỏa hoạn không còn, nhiệt độ của địa cầu không cao như vậy, tất cả đều trở lại bình thường. Không có ngu si, gió bão không còn. Ngạo mạn không có, động đất không còn. Không có hoài nghi, kiến lập tín tâm sẽ không có chuyện núi lở đất sụp, có thể giải quyết!
Tiến sĩ Bladen người Mỹ, năm ngoái ông ở Sydney tham gia hội nghị của các nhà khoa học. Hội nghị ngày thứ hai, họ hoàn toàn thảo luận làm sao để ứng phó dự ngôn thiên tai năm 2012 của Maya, ông nói rất hay. Ông nói chỉ cần nhân dân trên địa cầu, trong giai đoạn này thật sự có thể giác ngộ, bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm. Không những có thể hóa giải thiên tai, mà còn đưa địa cầu đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Quý vị xem, ông ta đã nói như vậy, nhà khoa học này cũng là từ vật lý chuyển qua nghiên cứu tâm lý. Đều nghiên cứu về sức mạnh của ý niệm, phát hiện năng lượng của ý niệm vô cùng lớn.
Ý niệm của chúng ta vì sao không thể sanh? Vì ý niệm chúng ta tản mác, quá tạp, quá loạn. Giống như ánh sáng, quý vị thấy ánh sáng, ánh sáng chiếu ra bốn phương, chúng ta không thấy được sức mạnh của nó. Nếu tập trung ánh sáng này lại, để nó phát xạ vào một mục tiêu sẽ biến thành tia laser, tia laser có thể xuyên qua tấm gang. Còn ánh sáng này tờ giấy cũng không xuyên qua được, cách một trang giấy là có thể che được nó. Bởi thế nếu ánh sáng này tập trung vào một nơi, quả là đáng sợ! Các nhà khoa học phát hiện, nếu ý niệm của chúng ta tập trung vào một điểm, sức mạnh đó vô cùng lớn mạnh.
Trong kinh Đức Phật đã nói đến điều này: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Còn có một câu tương đồng với điều này: “Chỉ tâm nhất xứ”, là chỉ của tịnh chỉ. “Chỉ tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Chế là khống chế, chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện. Có thể chế tâm một chỗ, bệnh hoạn trên thân thể chúng ta đều được khôi phục bình thường hết, đều là do ý niệm quá tạp loạn. Nguyên nhân chính là gì? Không tin chính mình. Đây là thật, mất niềm tin đầu tiên là mất lòng tự tin, không tin bản thân mình. Lòng tự tin mạnh nhất, nói cho quý vị biết đó là Phật Bồ Tát, họ có lòng tin kiên định tuyệt đối, nên không có gì họ không làm được.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây. Ngày mai kinh này chắc, nhiều nhất là hai lần, ngày mai có thể giảng xong. Giảng không xong, thêm một lần nữa sẽ giảng viên mãn. Sau khi viên mãn, chúng ta giảng lại từ đầu, giảng lần thứ hai. Tuy bản mới chưa in ra, nhưng có thể dùng bản cũ này, chúng ta vẫn dùng chú giải của Hoàng Niệm Tổ, chú giải của ông là tập chú. Quý vị xem, trong chú giải trích dẫn 83 loại kinh luận, 101 loại trước tác của các bậc tổ sư đại đức, tất cả có 193 loại. Tập kinh và luận đại thừa của các vị tổ sư đại đức chú giải về bộ kinh này, quả là không thể nghĩ bàn. Ông khiêm tốn, ông cũng biết chú giải của mình chưa chắc người ta đã tin. Làm như vậy, mọi người không còn gì để nói, không thể không tin. Lấy kinh chú kinh, dùng chú giải của chư vị tổ sư đại đức làm y cứ.
Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.
Hết tập 599nh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 17.09.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 788, hàng thứ nhất.
Duy Ma Kinh Gia Tường Sớ nói: “Pháp nhãn tịnh, tiểu thừa có pháp nhãn, đại thừa cũng có pháp nhãn. Pháp nhãn tiểu thừa tức sơ quả thấy được pháp Tứ Đế, gọi là pháp nhãn”. Ở trước chúng ta học đến đây.
Pháp nhãn Tiểu thừa, sơ quả sẽ đạt được, họ đạt được điều gì? Thấy được pháp Tứ Đế. Chúng ta cũng biết được pháp Tứ Đế, trong kinh điển đại tiểu thừa nói rất nhiều, danh tướng đều rất quen thuộc, không xa lạ chút nào. Chúng ta có pháp nhãn chăng? Không có. Người ta là chứng ngộ, còn chúng ta là giải ngộ. Chúng ta là tri thức, người ta là cảnh giới thân chứng, điều này không giống nhau. Ở trước chúng ta nói rất nhiều, quan trọng nhất là buông bỏ, những lý sự này chúng ta đều biết rõ, nhưng không buông bỏ được. Trong kinh điển đại tiểu thừa Đức Phật nói rất nhiều, thực tế mà nói phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm.
Lúc Đức Thế Tôn ở dưới cội bồ đề, làm thí nghiệm cho chúng ta. Từ hành nghi một đời của ngài để quan sát, 19 tuổi ngài từ bỏ vương vị, từ bỏ cuộc sống phú quý trong cung đình, đây là buông bỏ phiền não chướng. Ngài biểu diễn cho chúng ta thấy là một phần tử tri thức, hiếu học đa văn. 19 tuổi ra đi tham học đến 30 tuổi, 12 năm. Học thuật Tôn giáo của Ấn độ, ngài đều từng tham học qua, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, vì sao vậy? Vì đó chỉ là tri thức, nghe nhiều, nghiên cứu thảo luận, đều thuộc phạm vi tri thức, như ngày nay người ta thường nói. Cho nên lại biểu diễn một lần nữa cho chúng ta thấy, ngài nhập định dưới cội bồ đề, buông bỏ tất cả sở học của 12 năm, đây là buông bỏ sở tri chướng. Đây là hai loại lớn chướng ngại việc thành Phật, hai loại chướng ngại: phiền não chướng, sở tri chướng. Lần này ngài buông bỏ sở tri chướng, kết quả là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Chúng ta nên nhớ rằng, vấn đề này không phải học mà được, không liên quan đến quảng học đa văn. Nên trong quá trình dạy học, trong tất cả kinh luận đại tiểu thừa Đức Phật thường dạy chúng ta: Sở dĩ làm chúng sanh, vì chúng sanh không trở về được cội nguồn, không kiến tánh, vấn đề chính là ba loại chướng ngại. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thông thường trong kinh điển đại thừa gọi nó là vô minh phiền não, nghĩa là vọng tưởng. Trần sa phiền não là phân biệt. Kiến tư phiền não là chấp trước, chính là ba loại này. Nếu buông bỏ được ba loại này, ta sẽ thành tựu, đồng thời buông bỏ ba loại. Đức Thế Tôn biểu diễn là cùng một lúc buông bỏ, ngài Huệ Năng biểu diễn cho chúng ta thấy, cũng là cùng một lúc buông bỏ. Đây là hàng thượng thượng căn, một nghe ngàn ngộ. Chúng ta nên nhớ, ngài Huệ Năng chưa từng đi học, không biết chữ, người bây giờ gọi là người không có văn hóa. Gia cảnh vô cùng bần hàn. Cha qua đời sớm, ngài với mẹ sống nương nhau. Mỗi ngày vào núi đốn củi gánh vào thành bán, tiền bán được đi mua gạo mua rau đem về nuôi mẹ già, cuộc sống rất gian khổ, là nhờ vào lao lực để sống.
Hiện nay nghề bán củi này không còn, bây giờ trong bếp dùng điện dùng ga, không dùng củi. Thời kỳ kháng chiến vẫn còn dùng củi, các thành phố tương đối, đều không có nước máy, vẫn nấu lò. Chúng tôi sống trong thời kỳ kháng chiến, bán nước, gánh nước vào thành bán, bán củi, đây là những thứ cần thiết trong cuộc sống. Hình như nghề này họ có khách cố định, họ lo việc củi nước của mấy nhà, đồng nghĩa nói họ bao luôn. Bây giờ nghề này không còn, nghề này rất vất vả. Ngài Huệ Năng dựa vào nghề này để mưu sinh, tuổi tác còn rất trẻ, mới 24 tuổi. Trong lúc đi bán củi ngẫu nhiên nghe được_cầm tiền đi ra, ngẫu nhiên nghe được ở trong phòng, ngài ở ngoài cửa nghe được, ở ngoài cửa sổ nghe có người đọc kinh. Ngài liền đứng nghe một lúc, cảm thấy rất thú vị, nói hay quá. Đợi họ đọc xong, ngài liền đi vào thỉnh giáo: lúc nãy ông đọc gì vậy? Ông ta nói: tôi tụng Kinh Kim Cang. Ngài liền đem mấy câu nghe được, cảm nhận của mình, nói ra chia sẻ với vị cư sĩ này. Ông này nghe xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, kinh điển này rất thâm sâu, vậy mà ngài hiểu được ý của nó. Đàm luận một lúc, hiểu được hoàn cảnh của ngài, vị cư sĩ này nói: Căn tánh ông lanh lợi, ông nên thân cận Ngũ Tổ. Gia cảnh của ngài thanh hàn, vị cư sĩ này vô cùng khẳng khái, tặng ngài mười lượng bạc để làm phí lo cho gia đình. Ông tìm thêm một vài người đồng tu, giúp ngài chăm sóc mẹ già để ngài yên tâm đi tham học. Mẹ già của ông để chúng tôi chăm sóc. Điều này đối với ngài mà nói, đây là việc vui lớn lao để đến Hoàng Mai gặp Ngũ Tổ. Ngũ tổ hỏi ngài: Ngươi đến đây để cầu điều gì? Ngài thưa với Ngũ tổ: Con muốn làm Phật. Đại khái trong đời Ngũ Tổ chưa gặp được người nào như vậy. Thông thường người ta đều cầu thăng quan phát tài mà đến, hoặc là đến để học tập kinh giáo, nhưng ngài đến là để làm Phật, quý vị xem mục tiêu khác nhau. Ngũ tổ cũng là một bậc siêu tuyệt: Ngươi đến làm Phật, ta sẽ giúp ngươi thành Phật, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.
Ở trong chùa phân phối cho ngài một công việc là giã gạo chẻ củi, làm đúng nghề của ngài. Lúc đó chùa của Ngũ Tổ vô cùng hưng thịnh, mỗi ngày có hơn 1000 người ăn cơm, người làm việc trong bếp rất vất vả, bảo ngài đi giả gạo chẻ củi. Suốt tám tháng như vậy, ngài ở Hoàng Mai làm khổ công. Giảng đường của chùa ngài chưa từng đến, chưa nghe được một bài giảng nào, cũng chưa ngồi được cây hương nào trong thiền đường, nhưng khi truyền y bát Ngũ Tổ lại truyền cho ngài.
Chúng ta mới biết Ngũ tổ với ngài Huệ Năng, trong hai người họ có sự ký kết ngầm, người khác không nhận ra. Để ngài đến làm khổ công ở chùa suốt tám tháng, đó là gì? Là tu phước! Người học Phật không thể không có phước báo, không có phước báo không thể hoằng pháp lợi sanh. Hoằng pháp lợi sanh phải có phước báo lớn, nên để ngài tu phước. Chỉ có đêm cuối cùng triệu kiến ngài, canh ba nửa đêm, tôi dự đoán nhiều nhất là hai tiếng đồng hồ. Ngài không biết chữ, không cần đưa kinh cho ngài xem. Ngũ Tổ giảng đại ý Kinh Kim Cang cho ngài nghe, giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, khoảng 1/3 Kinh Kim Cang, ngài liền giác ngộ, đại triệt đại ngộ. Ngài đưa ra báo cáo của mình với Ngũ Tổ, giống như bảo vệ luận án tiến sĩ vậy, đó chính là luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của ngài có năm câu, nói một cách rất cảm thán rằng: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, minh tâm kiến tánh, tánh là như thế nào? Vốn tự thanh tịnh, xưa nay chưa từng bị nhiễm ô. “Vốn không sanh diệt”, không có sanh diệt. “Vốn tự đầy đủ”, “vốn không dao động”, “năng sanh vạn pháp”. Ngũ tổ nghe đến đây thì nói, được rồi, không cần nói thêm nữa, cũng không cần giảng nữa, truyền y bát cho ngài, dạy ngài lập tức ra đi, nửa đêm canh ba đưa ngài đi. Ngài ra đi ba ngày sau Ngũ tổ mới tuyên bố với đại chúng, Y bát đã truyền cho Huệ Năng và người này đã ra đi. Lúc này đại chúng mới biết được sự thật, họ không phục! Quý vị thử nghĩ xem, ngài Thần Tú theo Ngũ Tổ bao nhiêu năm, mỗi người đều cho rằng nhất định y bát sẽ truyền cho Thần Tú, sao lại truyền cho người khác? Mọi người chia nhau đi tìm để đoạt lại y bát, đây là gì? Đố kỵ chướng ngại. Thần Tú dù sao cũng không tệ, sư không có tâm này, bản thân sư biết Ngũ Tổ có trí tuệ, tuyệt đối không tùy tiện truyền cho người khác. Thần tú đối với Huệ Năng cũng có tôn trọng, nhưng người dưới không phục.
Bởi thế đó là chứng ngộ, không có gì khác chính là buông bỏ. Cùng một động tác, cùng một cảnh giới như Đức Thế Tôn ở dưới cội bồ đề. Đây là đồng thời buông bỏ toàn bộ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Khó! Vô cùng khó khăn.
Thầy Phương Đông Mỹ nói, trước ngài Huệ Năng không thấy ai, từ ngài Huệ Năng cho mãi đến nay, cũng không thấy ai, người như vậy thật sự gọi là bậc thượng thượng căn. Chúng ta nói đạt đến cảnh giới này, có người vài tháng đạt được, có người năm ba năm đạt được cảnh giới này, cũng có người tám mười năm, cũng có người hai ba mươi năm đạt đến cảnh giới này. Đến cảnh giới này đều là bình đẳng, không có cao thấp, nhưng đó là đoạn dần dần.
Đức Phật dạy chúng ta chia thành ba giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là đoạn kiến tư, đoạn được kiến tư phiền não chứng được quả A la hán. Tiếp đến đoạn trần sa phiền não, sau đó đoạn vô minh phiền não. Đoạn được trần sa phiền não là Bồ Tát, đoạn được vô minh tức thành Phật. Không thông qua A la hán, không thông qua Bồ Tát liền thành Phật, hạng người này vô cùng ít ỏi. Làm được chăng? Được, chịu buông xả là được, buông không được là không thể, đây thật sự gọi là chứng ngộ. Chứng ngộ và giải ngộ là hai vấn đề khác nhau, giải ngộ những gì ta đạt được là thường thức, ngày nay chúng ta gọi là tri thức. Chứng ngộ là trí tuệ, trong bản tánh vốn có.
Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Mỗi người đều có, nhưng bị ba loại chướng ngại này ngăn trở, nếu buông bỏ được thì tất cả đều hiện ra. Nhất thời đốn xả, là nhất thời đốn ngộ. Đức Phật và ngài Huệ Năng biểu diễn là nhất thời đốn ngộ, không có giai cấp, không có thời gian, ngay tại lúc này. Đạt được cảnh giới này, quý vị xem trong đời ngài Huệ Năng, trong hội của ngài có 43 người khai ngộ, đều đạt đến cảnh giới như ngài, nhưng không phải cùng một lúc. Như vừa nói có người mấy tháng, có người mấy năm, có người mười mấy năm, nhưng đều đạt được cảnh giới này.
Phật giáo chính thức truyền đến Trung quốc, Hán Minh Đế phái đặc sứ đến Tây Vực lễ thỉnh về Trung quốc, lúc đó là năm Vĩnh Bình thứ mười, năm 67 công nguyên, đến nay là gần 2000 năm. Trong 2000 năm này, chư vị nên biết, minh tâm kiến tánh là thành Phật, Phật này đại sư Thiên Thai gọi là phần chứng tức Phật, không phải viên mãn cứu cánh. Phần chứng tức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là pháp thân Bồ Tát, nghĩa là nói không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước. Quý vị thử nghĩ xem, phải chăng họ là bình đẳng? Khởi tâm động niệm đều không có, đương nhiên là bình đẳng, vì sao trong bình đẳng vẫn còn giai cấp? Giai cấp này phân biệt như thế nào?
41 giai cấp, sơ trú Bồ Tát là không khởi tâm không động niệm, buông bỏ khởi tâm động niệm. Đến Đẳng giác vẫn là không khởi tâm không động niệm, trong này có 41 địa vị: Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác. 41 địa vị đều ở trong cõi thật báo trang nghiêm, đó là nhất chân pháp giới. Vì sao gọi họ là Phật? Dụng tâm không giống nhau. Trong mười pháp giới tất cả đều coi là phàm phu, trên lục đạo của mười pháp giới có Thanh văn, A la hán, có Bích chi Phật, có Bồ Tát, có Phật, đều được coi là Phàm phu. Đại thừa gọi là ngoại phàm, phàm phu bên ngoài lục đạo.
Phàm và thánh này tiêu chuẩn là gì? Lấy tâm làm tiêu chuẩn, chân tâm là thánh nhân, vọng tâm là phàm phu. Vọng tâm là gì? Vọng tâm là tâm sanh diệt. Quý vị xem tâm và ý niệm của chúng ta, niệm trước diệt thì niệm sau sanh, sanh diệt không ngừng, mà tốc độ sanh diệt lại rất nhanh, đây là dùng vọng tâm. Chân tâm bất sanh bất diệt, đại sư Huệ Năng đã thấy được. “Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”, đây là kiến tánh. Ngài thấy được liền áp dụng ngay, ngài dùng là tâm bất sanh bất diệt, chúng ta dùng là tâm sanh diệt. Tuy học được rất nhiều kinh giáo, thời gian lâu ngày, thời gian lâu là huân tu, nhưng không dùng được, trong cuộc sống vẫn dùng tâm sanh diệt, đây tức là phàm phu. Nếu dùng tâm bất sanh bất diệt, đó chính là Phật, là pháp thân Bồ Tát. Tiêu chuẩn là điểm này, tiêu chuẩn này quá cao.
41 địa vị trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nên lý giải nó như thế nào? Ở trước có ví dụ, tuyệt đối không được sơ suất. A la hán đoạn tận kiến tư phiền não, nhưng chưa đoạn tận tập khí, đoạn kiến tư phiền não là chứng quả A la hán. Nếu tập khí kiến tư phiền não cũng đoạn, họ không phải là A la hán, mà họ là Bích Chi Phật. Quý vị xem, đoạn tận tập khí, Bồ Tát nâng cao thêm một bậc, đương nhiên Bồ Tát đoạn gì? Đoạn trần sa phiền não, địa vị cao hơn Bích Chi Phật, nhưng tập khí chưa đoạn. Nếu đoạn được tập khí trần sa phiền não, họ liền thành Phật, Phật trong mười pháp giới, cao nhất trong mười pháp giới. Kiến tư phiền não, trần sa phiền não, đến tập khí cũng đã đoạn, nhưng vô minh phiền não chưa đoạn.
Vô minh là khởi tâm động niệm, họ không khởi tâm không động niệm tức vượt ra ngoài mười pháp giới, họ minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Thật sự đạt được pháp bình đẳng, trên đề kinh này nói: Thanh tịnh bình đẳng giác, họ đã đạt được. Vì sao trong bình đẳng còn có 41 địa vị? Chúng ta biết là chưa đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, vậy 41 địa vị từ đâu mà có? Do tập khí dày mỏng khác nhau. Vì tập khí vô minh không thể đoạn tận, không như kiến tư và trần sa. Hai loại này có cách đoạn, còn tập khí vô minh không có cách nào đoạn được, phải làm sao? Cứ để mặc nó, thời gian lâu ngày tự nhiên không còn. Cần thời gian bao lâu? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là ba a tăng kỳ kiếp, thời gian lâu như vậy, tập khí vô minh tự nhiên không còn. Bởi thế chúng ta biết, là do tập khí vô thỉ vô minh dày mỏng khác nhau, nên nói nó có 41 địa vị. 41 địa vị này nói nó có cũng được, nói nó không có cũng được, chúng ta phải hiểu ý này, vì cảnh giới này là cảnh giới bình đẳng, đều không có khởi tâm động niệm. Nếu đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, không còn là Đẳng giác, mà gọi là Diệu giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm quả vị Diệu giác chính là cứu cánh quả Phật, Diệu giác không ở cõi thật báo, họ ở đâu? Họ ở thường tịch quang, nghĩa là họ đã trở về thường tịch quang. Thường tịch quang là tự tánh, vốn không sanh diệt, họ trở về đó. Nên lúc giảng kinh Đức Thế Tôn nói với đại chúng, ngài thành Phật từ những kiếp lâu xa về trước, đâu phải bây giờ mới thành Phật!
Nếu quý vị thành Phật rồi, cũng có thể nói với mọi người: Tôi đã thành Phật từ những kiếp rất lâu xa về trước. Vì sao vậy? Vì quý vị vốn là Phật, trở về thường tịch quang tức là trở về quê nhà. Trong Thiền tông nói: Tìm được bản lai diện mục của ta khi cha mẹ chưa sanh ra. Bản lai diện mục là Phật, vốn là Phật, đâu phải bây giờ thành hay tương lai thành, không phải như vậy. Đây đều gọi là phân biệt chấp trước, vốn là Phật, thật vậy không sai chút nào. Bây giờ thì sao? Bây giờ ta là một vị Phật mê hoặc điên đảo, có vọng tưởng phân biệt chấp trước, chính là như vậy.
Nhưng vọng tưởng phân biệt chấp trước toàn là giả, không có thứ nào là thật: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, đến cõi thật báo trang nghiêm đều là hư vọng. Nó là điều gì biến hiện ra? Là tập khí vô thỉ vô minh biến hiện ra, có tập khí vô thỉ vô minh thì có cảnh giới này tồn tại. Tập khí vô thỉ vô minh không còn, cảnh giới này không còn tồn tại, đạo lý chính là như vậy!
Vậy chúng ta cần phải biết, quý vị có kiến tư phiền não, có tập khí kiến tư tồn tại, sẽ có luân hồi lục đạo. Nếu đoạn được kiến tư phiền não, tập khí có thể không cần nói đến, đoạn rồi, luân hồi lục đạo không còn. Là giả không phải thật, giống như một giấc mộng, quý vị đã tỉnh mộng, mộng tỉnh là cảnh giới gì? Tứ thánh pháp giới, Tịnh độ của Đức Thế Tôn, lục đạo là uế độ của Đức Thế Tôn, quý vị đi đến cõi Tịnh. Trong Tịnh độ kiến tư phiền não không còn, nhưng còn tập khí kiến tư phiền não, đoạn tận là Bích Chi Phật, chưa đoạn là A la hán. Đoạn tận trần sa phiền não là Bồ Tát, đoạn tập khí trần sa phiền não là thành Phật, Phật của mười pháp giới. Nếu buông bỏ khởi tâm động niệm, tức buông bỏ vô minh, họ thật sự đã thành Phật, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, họ đến cõi thật báo, lại một lần nữa tỉnh mộng. Tứ thánh pháp giới vẫn là một giấc mộng, đã tỉnh mộng, sau khi tỉnh dậy là cảnh giới gì? Là cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai, cũng là cõi thật báo trang nghiêm của chính mình, trong này không còn vô minh, nhưng có tập khí vô minh. Nếu tập khí vô minh không còn, đây lại là một giấc mộng, một giấc mộng sau cùng. Khi tỉnh dậy liền trở về tự tánh, thường tịch quang, trở về với thường tịch quang. Thường tịch quang ví như con số không, khi chúng ta mê thì biến thành chúng sanh, là từ nhất niệm bất giác mà mê hoặc, đi một vòng lớn, sau cùng vẫn trở về thường tịch quang, trở về điểm ban đầu. Trong điểm ban đầu không có khởi tâm động niệm, tập khí khởi tâm động niệm cũng không còn, trở về khởi điểm, cứu cánh quả Phật. Hoa Nghiêm gọi là Diệu giác.
Đây là một sự tuần hoàn lớn nhất, khiến chúng ta trở về khởi điểm, mới biết rằng vốn là Phật. Trong kinh Đức Phật nói không sai chút nào, khi nào ta có thể trở về điểm ban đầu, đều ở chỗ ta có buông bỏ được hay chăng. Chúng ta hiểu được đạo lý này, thấu triệt chân tướng sự thật này, có thể không buông bỏ được sao? Chúng ta không có năng lực, vì nghiệp chướng quá nặng, tập khí quá sâu, không thể đồng thời buông bỏ, chỉ có thể buông bỏ ngày một ít. Điều này 60 năm trước đại sư Chương Gia dạy tôi, phải buông bỏ từng ngày, buông bỏ từng tháng, buông bỏ từng năm, như vậy mới có tiến bộ. Buông bỏ được một chút thì phiền não nhẹ một chút, phiền não nhẹ một chút thì trí tuệ tăng hơn một chút, trí tuệ trong tự tánh liền hiển lộ ra bên ngoài, nó sẽ lộ ra một chút. Ta buông bỏ được mấy phần, thì nó có thể hiển lộ ra được mấy phần, tuyệt đối đừng để tăng trưởng phiền não, như vậy là sai. Nhất định phải làm cho phiền não ngày càng giảm nhẹ, không được để ngày càng tăng, như vậy là sai. Bởi vậy nhất định phải biết được chân tướng sự thật, tam giới lục đạo vô cùng thống khổ.
Sơ quả đã thấy được, họ sẽ được thọ dụng. Khi nào chúng ta thấy được? Khi được thọ dụng là thấy được, không có thọ dụng thì chưa thấy được. Chỉ nói thôi không được, mà phải thật sự áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, hoàn toàn ứng dụng vào trong công việc, trong xử sự đối nhân tiếp vật. Tu đà hoàn tức là cảnh giới này, đây là thấp nhất, họ đã áp dụng được. Họ không chấp trước thân này là ta, họ không có biên kiến, tức không có đối lập. Người khác đối lập với họ, nhưng họ không đối lập với người khác, không đối lập khẳng định được một vấn đề gì? Là nhất thể, vạn sự vạn vật khắp biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thế, nhất thể sẽ không có đối lập. Tuy hình tướng khác nhau, như thân người chúng ta, thân người là nhất thể, quý vị nói trên thân người có bao nhiêu sợi lông? Sợi lông và ta là nhất thể, thân thể này có bao nhiêu tế bào? Tế bào với ta là nhất thể. Quý vị xem tế bào tổ hợp thành nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý ở bên ngoài, bên trong lục phủ ngũ tạng, tất cả đều là tế bào hợp thành. Hợp thành khí quản khác nhau, tác dụng khác nhau, nhưng là nhất thể. Biến pháp giới hư không giới với ta là nhất thể, nhận thức này rất tuyệt, tuy chưa chứng quả nhưng có thể thừa nhận, có thể khẳng định, không hoài nghi. Như vậy là nhận ra được đường đi, tìm được đạo bồ đề, nhận ra rất rõ ràng. Quý vị đi theo phương hướng này, sao không thành Phật được! Đi theo phương hướng này, tích lũy công đức, tuy tích lũy công đức, nhưng tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Nếu trong lòng cảm thấy công đức này không tệ, tôi đã tích lũy được rất nhiều, làm được nhiều việc tốt, đã có công đức, nói cho quý vị biết, đó là phước báo. Quý vị xem, vừa khởi tâm động niệm liền biến công đức thành phước đức, phước đức không ra khỏi luân hồi lục đạo, ở trong lục đạo hưởng thụ. Công đức không thể nghĩ bàn, nó có thể giúp ta liễu sanh tử xuất tam giới. Thế giới tấy phương Cực Lạc là do công đức 48 nguyện và năm kiếp tu hành của Phật A Di Đà thành tựu nên. Phật A Di Đà là dùng công đức này gia trì chúng ta, không phải giả.
Đoạn này trong Kinh Niết Bàn Đức Phật nói: “Trước đây Ta cùng các ông không hiểu được tứ chân đế, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ lớn của sanh tử”. Đây là Đức Phật thị hiện nói, nhắc nhở mọi người. Nếu thấy được Tứ Đế, tức phải đoạn sanh tử. Ai là đương cơ? Trong lục đạo chịu khổ đã đủ, không muốn tiếp tục chịu khổ nữa, người này là đương cơ, nghe lời Phật nói, họ sẽ cảm động. Nếu đối với lục đạo vẫn còn mê hoặc điên đảo, vẫn là tham luyến không xả, như vậy sẽ không nghe hiểu được lời nói này của Phật. Chịu đủ khổ, đến đâu mới chịu đủ? Nhất định đến địa ngục, đến vô gián địa ngục mới chịu hết khổ. Tội nghiệp tiêu gần hết, nghe được Phật nói sẽ cảm động.
Trong Chỉ Trì Hội Tập Âm Nghĩa nói, đây thuộc về giới luật. Chỉ là cấm chỉ, như không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không ở đây nghĩa là chỉ. Đại khái Tỳ kheo giới là chỉ trì, Bồ Tát giới là tác trì. Bồ Tát giới là dạy chúng ta phải làm việc lợi ích chúng sanh.
Khổ đế. “Khổ nghĩa là thống khổ phiền não”, đây là đau khổ, phiền não. “Tất cả hữu vi tâm hành”, hữu vi là có sanh có diệt, là phàm phu. Tâm hữu vi, hành vi hữu vi, đây là bao gồm thân khẩu ý. Tâm hữu vi là ý nghiệp, hành là khẩu nghiệp, là thân nghiệp. Thường vì vô thường hoạn lụy mà bị bức ép, nên gọi là khổ. Thường thường vì vô thường, hai chữ này dùng rất hay, tất cả pháp đều là vô thường, bao gồm cả Phật pháp. Phật pháp là nhân duyên sanh, chỉ cần là pháp nhân duyên sanh, tất cả đều là vô thường. Phật pháp thật sự là chân thường, Phật pháp chân thường ở đâu? Chính là tự tánh của chúng ta, lìa tự tánh không có pháp nào đạt được.
Cho nên chúng ta phải biết, Phật và chúng ta thân thiết biết bao, chúng ta không biết, Phật và chúng ta là nhất thể. Thật như người thế gian nói tâm can bảo bối là nhất thể, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Chỉ là chúng sanh trong lục đạo, đến tứ thánh pháp giới, đối với vấn đề này đều mê mà không giác. Tuy tiếp xúc kinh điển Phật giáo, Phật Bồ Tát thường nói, nhưng không nghe lọt vào tai, giữa Phật và bản thân luôn có ranh giới. Ngài là ngài, ta là ta, chúng ta không hề liên quan, chứ không biết được là nhất thể. Trong kinh Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Phật pháp từ tâm tưởng sanh, Phật Tỳ Lô Giá Na từ tâm tưởng sanh, Phật A Di Đà từ tâm tưởng sanh. Lìa tâm tưởng, thì lấy đâu ra Phật A Di Đà? Đâu là thế giới Hoa Tạng? Tâm nghĩ điều gì, liền hiện ra điều đó. Bởi thế trong hội Hoa Nghiêm Đức Phật nói, muôn sự muôn vật khắp biến pháp giới hư không giới là như thế nào? “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm nghĩa là tự tánh, là tự tánh, tự tánh là năng sanh năng hiện, vạn vật là sở sanh sở hiện. Tuy hiện nhưng không khởi biến hóa, vì sao lại thiên biến vạn hóa như vậy? Đó là A lại da, A lại da là thức, thức khiến nó sinh khởi biến hóa, tâm hiện thức biến.
Thức là gì? Là phân biệt, là chấp trước, là vọng tưởng. Có phân biệt vọng tưởng chấp trước sẽ thiên biến vạn hóa, biến thành thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Thập không phải là chữ số, thập tượng trưng vô lượng, vô lượng vô biên vô tận vô số. Trong Hoàn Nguyên Quán nói rất hay: xuất sanh vô tận, đó là thức biến. Không có thức sẽ không có biến, cõi thật báo trang nghiêm nghĩa là bất biến, vì sao vậy? Vì nó không có thức. Phàm là sanh đến cõi thật báo trang nghiêm, tất cả đều chuyển thức thành trí, nó dùng chân tâm, không dùng tâm sanh diệt. Không dùng tâm sanh diệt, nên ở đó là bất sanh bất diệt, nghĩa là không có sanh diệt.
Quý vị xem Bồ Tát ở đó phải ba đại a tăng kỳ kiếp, đây là thọ mạng dài, gọi là vô lượng thọ, đào thải toàn bộ tập khí vô thỉ vô minh, thời gian dài như vậy. Thời gian dài như vậy họ không có biến hóa. Diện mạo của ba đại a tăng kỳ kiếp, giống như vừa mới đến đó vậy, không khởi biến hóa, họ không có tâm sanh diệt. Chẳng những người không có sanh diệt, cây cỏ hoa lá cũng không có sanh diệt, cây cối mãi xanh tươi. Khác với chúng ta ở đây. Cây cối ở thế gian chúng ta biến hóa theo bốn mùa, thế giới Cực Lạc thì vĩnh hằng bất biến, vì sao vậy? Vì nó không có thức, không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm động niệm, làm sao nó biến hóa được, nên gọi là nhất chân.
Phật pháp nói thật giả, định nghĩa của nó là: Thay đổi nghĩa là giả, không thay đổi chính là thật, nó bất biến. Đức Phật nói với chúng ta là sự thật, vì sao vậy? Người ta đã chứng được, đã buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước. Quý vị cần phải tin, nếu buông bỏ được, cảnh giới của ta giống với họ, quý vị đã khế nhập, tuyệt đối không được ngộ nhận rằng: Đức Phật sống trong thời đại đó, mấy ngàn năm trước, làm sao so với hiện nay. Bây giờ khoa học phát triển, chúng ta hưởng thụ đèn điện, sáng hơn nhiều so với đèn dầu ngày xưa. Không ngờ Phật không cần điện, tự thân phóng ánh sáng, cao siêu hơn bây giờ nhiều, ta làm sao sánh được với Phật? Bây giờ chúng ta đi đâu cũng có công cụ giao thông, có xe hơi, máy bay, thuyền. Đức Phật không cần, bởi ngài có thần túc thông, nghĩ đến đâu thì thân lập tức đến đó, chúng ta sao có thể sánh được với ngài?
Phật có tha tâm thông, chúng ta khởi tâm động niệm ngài đều biết hết. Phật có túc mạng thông, nhiều đời kiếp quá khứ của chúng ta ngài đều biết, khoa học hiện nay không đạt được. Coi thường Thánh hiền, coi thường Phật Bồ Tát, sai lầm này nặng biết bao! Họ nói điều này có thể thử nghiệm xem, đây là tinh thần khoa học. Chúng ta thử buông bỏ chấp trước, xem phải chăng là cảnh giới của A la hán, mỗi người đều có thể thí nghiệm.
Một số khoa học thời cận đại, đại khái là khoảng gần 30 năm lại đây, gần đây họ đã phát hiện được. Chính là ý niệm, suy nghĩ, năng lượng này không thể nghĩ bàn, tức là Đức Phật nói: Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Có cống hiến nhất là Max Planck người Đức, đây là nhà lượng tử lực học nổi tiếng nhất thế giới. Ông suốt đời nghiên cứu nguyên tử, nghiên cứu vật chất, vật chất rốt cuộc là gì? Ngạn ngữ nói ông trời không phụ người có tâm, ông ta thật sự đã phát hiện được. Phát hiện nên kết luận của ông là gì? Kết luận nói thế gian này căn bản không có thứ gì gọi là vật chất. Vật chất là gì? Căn bản của vật chất là ý niệm, là suy nghĩ, thì ra vật chất là từ ý niệm sanh ra. Ý niệm từ đâu mà có? Họ không ngừng nghiên cứu, kết luận của họ là từ trong không sanh ra có, quả là rất tuyệt.
Những gì ông ta nói chúng ta hoàn toàn hiểu được, hiện tượng ông ta nói là tam tế tướng của A lại da mà Đức Phật nói trong kinh. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói: Trong bát thức, sức mạnh của ý thức lớn nhất. Cảnh giới nó phan duyên, là tâm tâm sở khác đều không đạt được. Đối với bên ngoài nó có thể duyên đến toàn thể vũ trụ, đối với bên trong có thể duyên đến A lại da, nghĩa là nó vẫn có phạm vi, nó không duyên được tự tánh. Vì sao vậy? Phải buông bỏ mới biết được tự tánh. Quý vị dùng đệ lục ý thức, nghĩa là dùng tư duy, tư tưởng, thì chỉ có thể đạt được cảnh giới này.
Bởi thế nghiên cứu vũ trụ hồng quan, các nhà vật lý học nói với chúng ta: Vụ trụ mà họ quan sát được, chỉ có thể thấy được 10%, còn 90% không thấy được. Chúng ta hiểu được cách nói này, 90% không nhìn thấy đó đi về đâu? Trở về thường tịch quang, chúng ta không thể nào phát hiện ra thường tịch quang, vì sao vậy? Vì nó không có hiện tượng. Nó không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Nhưng ba loại hiện tượng này đều do nó sanh ra, bản thân nó lại không phải ba loại hiện tượng này. Không phải hiện tượng vật chất, ngũ căn của chúng ta, năm căn trước nhãn nhĩ tỷ thiệt thân không duyên được. Không phải hiện tượng tinh thần, đệ lục ý thức không duyên được. Không phải hiện tượng tự nhiên, đến nghiệp tướng của A lại da cũng không duyên được. Buông bỏ ta sẽ thấy được, các nhà khoa học chưa buông bỏ. Thật sự đạt được cảnh giới cao nhất như Đức Phật nói_đối thoại của Bồ Tát Di Lặc và Đức Thế Tôn, là việc của 3000 năm trước. Y theo các bậc tổ sư đại đức xưa, họ nói rằng: Đức Thế Tôn ra đời vào năm thứ 24 của Chu Chiêu Vương, Giáp dần, Đức Phật thuộc tuổi dần, diệt độ vào thời Chu Mục Vương. Tính theo niên đại này, Đức Phật diệt độ đến nay là 3038 năm. Cho nên lời này là Đức Phật nói vào 3000 năm trước, tương ưng với phát hiện của Max Planck. Đồng nghĩa nói phát hiện của Max Planck đã chứng minh Đức Thế Tôn nói về duyên khởi của vũ trụ, là thật không phải giả. Vì nhất niệm bất giác mà có vô minh, A lại da xuất hiện, A lại da không phải thật, nó là vọng tâm. Từ trong chân tâm xuất hiện vọng tâm, chân tâm năng hiện, vọng tâm năng biến. Nghiệp tướng của A lại da, ngày nay các nhà khoa học gọi là năng lượng. Chuyển tướng của A lại da, các nhà khoa học gọi là tin tức. Cảnh giới tướng của A lại da, các nhà khoa học gọi là vật chất, điều này quả là không thể nghĩ bàn! Chúng ta đối với tam tế tướng của A lại da, rất mơ hồ, nói không rõ ràng.
Xem những chú giải của các bậc đại đức, lúc còn trẻ học, nghe thầy dạy, nghe rất mơ hồ, xem văn tự cũng rất mơ hồ. Bây giờ xem hoàn toàn rõ ràng, không phải vấn đề trên mặt văn tự, mà là trí tuệ của chúng ta chưa khai phát, không nhận ra, xem chú giải của cổ nhân thì bán tín bán nghi. Bây giờ mới tin, cảnh giới bên ngoài không sai, hoàn toàn là bản thân chúng ta, mê hoặc điên đảo vô tri, nên xem sai về nó. Phật Bồ Tát là người tu hành, những bậc đại thiện tri thức này đều có định công, đều có trí tuệ, những gì họ nói không sai. Chúng ta nghe sai, thấy sai còn trách họ không nói rõ ràng, quý vị nói chúng ta có tạo nghiệp chăng. Tôi tin rằng chúng ta hữu tâm vô tâm tạo tội nghiệp này, không biết bao nhiêu người! Tôi rất lo lắng, truyền thống văn hóa có thể phục hưng được chăng? Chánh pháp có thể cửu trú chăng? Tôi thật sự lo lắng, vì sao vậy? Vì không có người có tâm chân thành cung kính đó học tập. Mặc dù có thiện tri thức đến dạy, cũng không tìm thấy học sinh. Học sinh tìm thầy khó, thầy tìm học sinh càng khó hơn, đến đâu để tìm.
Tất cả thiện pháp thế xuất thế gian là căn bản của căn bản, là hai câu trước của Tịnh Nghiệp Tam Phước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Tổ tông dạy chúng ta hiếu thân tôn sư, đây là căn bản lớn của thiện pháp thế xuất thế gian, hiện nay không còn. Ai hiểu được hiếu thân? Ai hiểu được tôn sư? Đánh mất tâm thái này, tuy thánh giáo ở thế gian cũng đồng nghĩa là diệt vong, vì sao vậy? Không ai hiểu được giá trị của nó. Người không hiểu giá trị nói những vấn đề này, học những điều này, tất cả đều học thiên lệch, học tà ngụy, không phải là như vậy.
Những gì Đức Phật nói là thật: Tất cả chúng sanh vốn là Phật, quý vị có thể không buông bỏ được sao? Buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước chính là Phật, chỉ đơn giản như vậy. Buông bỏ chấp trước, thành A la hán, liền ra khỏi lục đạo, lục đạo không còn. Buông bỏ phân biệt quí vị thành Bồ Tát. Buông bỏ khởi tâm động niệm, quý vị sẽ thành Phật, thật hành, không buông bỏ không được. Bây giờ mấy người chịu buông bỏ? Đối với thân này, chấp trước vô cùng kiên cố đó là ta, từ cái ta sanh ra tự tư tự lợi.
Dạy, nói thì dễ dàng. Cổ nhân quả thật quá tuyệt, cổ nhân dạy người bắt đầu dạy từ đâu? Bắt đầu dạy từ lúc mang thai, bây giờ đến đâu để tìm. Cổ lễ của Trung quốc, những lễ tiết có liên quan đến mang thai, người làm mẹ nhất định phải hiểu. Họ khởi tâm động niệm đều ảnh hưởng đến thai nhi, ngôn ngữ tạo tác cũng ảnh hưởng thai nhi. Bởi thế trong mười tháng mang thai, đi đứng nằm ngồi đều phải đoan trang, phải có lễ, không có tà tư, không có tà niệm. Đứa trẻ khi sanh ra cũng đoan chánh, rất dễ dạy. Đứa trẻ khi mới sanh ra, mở mắt ra chúng biết nhìn, tai chúng biết nghe, chúng bắt đầu học tập, bắt đầu bắt chước. Bởi thế trong cổ lễ, người lớn và trẻ con gặp mặt nhất định phải giữ lễ, tất cả tư tưởng và hành vi bất thiện, không thể tiếp xúc những em nhỏ, trẻ con. Vì sao vậy? Vì sợ ảnh hưởng đến chúng, phải bảo hộ chúng như vậy. Mẹ là người bảo hộ chúng, là thần bảo hộ, ba năm, 1000 ngày, thâm căn cố đế, đặt nền tảng vững chắc cho chúng. Bởi thế ngạn ngữ cổ có câu: “Ba tuổi xem tám mươi”, đặt nền tảng lúc ba tuổi, đến tám mươi tuổi cũng không thay đổi, là thánh nhân. Thánh nhân là dạy mà ra, Phật Bồ Tát cũng dạy mà được, chúng ta không thể không biết.
Xã hội hiện nay, thánh nhân, Phật Bồ Tát đều vứt bỏ hết, phê bình họ là không có giá trị, là thứ của xã hội cũ thời đại phong kiến, không theo kịp thời đại khoa học hiện nay, đều bài xích họ, từ bỏ họ. Vứt bỏ, thiên tai liền hiện tiền. Không cần những thứ của cổ nhân, phát hiện mới không giải quyết được vấn đề trước mắt, lúc này mọi người mới thấy cấp bách.
Hôm nay tôi thấy chư vị đồng học, đem những tiêu đề về thiên tai đưa cho tôi xem. Tuần trước hình như có 53 lần thiên tai, tuần này 50 lần, nửa tháng 103 lần, sao lại nhiều như vậy? Mà lần này nghiêm trọng hơn lần trước. Trong kinh Đức Phật nói rất rõ ràng, thiên tai do đâu mà có? Đó là quả, có quả tức có nhân. Nhưng mọi người nói đó là Tôn giáo, đó là mê tín, không hợp khoa học. Được, dùng phương pháp khoa học để giải quyết, khoa học không giải quyết được, đây là vấn đề rất hiện thực được bày ra trước mắt. Lời của cổ nhân rất có lý. Thiên tai hiện tiền biết tìm ai? Tìm tổ tông mới có thể giải quyết. Nếu quý vị không chịu quay đầu, không chịu thừa nhận, không chịu tìm tổ tông, như vậy thì quý vị đủ để chịu! Phải lãnh chịu. Phật pháp thường nói: “Quay đầu là bờ”, cổ nhân không ngu ngơ, cổ nhân không ngu si. Cổ nhân là người buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, quả là đáng nể. Trong tự tánh có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, nó có thể giải quyết được vấn đề. Nếu như không buông bỏ, quý vị làm sao biết được. Không có niềm tin đối với cổ thánh tiên hiền, không có niềm tin với tổ tông, không có lòng tin với Phật Bồ Tát. Tín tâm là giới hạn thấp nhất của tất cả pháp thế xuất thế gian, giới hạn này không còn thì hết cách cứu.
Trung quốc gặp tai họa lớn như vậy, trước đây ông Hồ Thu Nguyên nói rất hay, người này lớn hơn chúng tôi một bậc, ông lớn hơn tôi khoảng hơn 20 tuổi, là một học giả rất nổi tiếng. Khi tôi đến thăm ông, ông nói với tôi: Người Trung quốc trong thời đại này, rốt cuộc vấn đề là đâu? Nếu nói vấn đề nghiêm trọng nhất, chính là đánh mất lòng tự tin của dân tộc, đây là nguồn gốc của thiên tai, là nguyên nhân đầu tiên. Chúng ta đánh mất lòng tự tin của dân tộc, mù mờ học theo người phương tây, phương pháp của người phương tây thật sự tốt hơn của người xưa chúng ta ư? Phương pháp của phương tây chúng ta đã thấy, còn của cổ nhân chúng ta chưa thấy được, tất cả đều bị hủy diệt rồi. Đến Nhật, đến Hàn quốc còn có thể thấy được một ít, không nhiều nhưng rất đáng quý. Nếu như đại chúng trong xã hội không biết coi trọng, tôi nghĩ Nhật bản cũng duy trì không được bao nhiêu năm, cũng sẽ biến mất, thật đáng tiếc!
Townenbe nói: Có thể cứu vãn xã hội hiện nay, có thể cứu vãn thiên tai trên thế giới, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa, nhưng thế nào? Chúng ta không tin, người Anh có tin chăng? Họ bán tín bán nghi. Tôi phỏng vấn đại học Oxford, đại học Cambridge, và đại học Luân Đôn, tôi từng thảo luận với họ. Tôi hỏi những gì Townenbe nói, quý vị có tin chăng? Họ nhìn tôi cười không trả lời, tôi hỏi ngược lại một câu, như vậy là Townenbe nói sai ư? Họ vẫn cười không nói gì, sau cùng ép tôi không thể không nói. Tôi nói với mọi người, Townenbe nói không sai, có thể chúng ta đọc và hiểu sai lời của ông, đây là thật không phải giả.
Học thuyết Khổng Mạnh là gì? Tôi tiếp xúc với ba trường này, là hệ Hán học, khoa này ở Úc Châu, là trung tâm nghiên cứu truyền thống văn hóa xưa, rất nổi tiếng. Họ nói tiếng Bắc Kinh rất giỏi, có thể đọc cổ văn, chúng tôi rất khâm phục. Vấn đề của họ là gì? Không có tâm thành kính như cổ nhân. Đại sư Ấn Quang nói: “một phần thành kính được một phần lợi ích”, người học tập không có tâm chân thành cung kính, là thiếu điểm này, mà điểm này quan trọng hơn tất cả. Quý vị có thể thành tựu hay không, thật sự hiểu được nghĩa chân thật của cổ thánh tiên hiền, đều ở chỗ thành kính. Tiếp thu giáo huấn của họ phải khiêm tốn, tâm địa phải thanh tịnh, không được có chút ô nhiễm nào. Hoàn toàn thanh tịnh tiếp thu nó, lợi ích này là vô biên. Nếu như mang theo thành kiến, dùng tư tưởng của riêng mình để nhận xét, thì vấn đề rất khó khăn. Nhìn thấy là lập tức phê bình, như vậy làm sao hiểu được nghĩa chân thật của nó. Những gì trong kinh nói, đều là nói nhân tâm bây giờ, là chướng ngại trong việc học Phật.
“Đại Luận nói”, đại luận là Đại Trí Độ Luận: “Vô lượng chúng sanh có ba loại thân khổ”. Thân có ba loại khổ: Lão, bệnh, tử. Rất nhiều người trẻ tuổi, khi chưa già, chưa bệnh, chưa chết, nên họ không biết ba cái khổ này. Đến khi già, bệnh, sắp chết họ mới biết, lúc đó hối hận cũng không kịp. Còn có “ba loại tâm khổ”, họ không cảm nhận được tâm khổ này - “tham sân si”. Điều này phải là người có trí tuệ mới biết được, nếu biết được ba thứ này là khổ, họ còn làm điều này ư? Họ không biết, thánh hiền nhân biết, Phật Bồ Tát biết.
Lại có “ba loại hậu thế khổ”, hậu thế khổ là gì? Là quả báo, có “địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”. Tham tâm là ngạ quỷ, sân nhuế là địa ngục, ngu si là súc sanh. Ta nói nhưng họ không tin, cho rằng đây là Tôn giáo, là mê tín, là lời giả dối. Cho nên họ đối với điển tịch của thánh hiền, sao có thể xem hiểu được. Nếu như họ không cầm lửa đốt nó, coi như là không tệ, họ rất có thiện căn. Người không có thiện căn, họ sẽ hủy diệt tất cả.
Tóm lại mà nói, có ba khổ tám khổ...đều là hoạn sanh tử trong tam giới. Đế thẩm sanh tử thật là khổ, nên gọi là khổ đế. Đế là siêng năng thẩm xét, tư duy, quan sát, sanh tử thật sự rất khổ! Sanh tử tượng trưng điều gì? Luân hồi lục đạo, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt, thật sự là khổ đế.
“Tam khổ là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ”, “tam khổ” có: sanh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh. Điều này trong kinh Đức Phật thường nói, chúng ta tỉ mỉ đi phản tỉnh, quan sát, là những gì chúng ta phải chịu trước mắt.
“Tập đế, tập nghĩa là chiêu tụ, nếu tâm tương ưng với kết nghiệp, tương lai nhất định có thể chiêu tụ khổ sanh tử, nên gọi là tập”. Tập là tạo tác, những gì hiện nay làm như khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác. Nghiệp chính là sự, khi tạo tác gọi là sự. Quý vị làm điều gì, làm xong việc gọi là nghiệp. Nghiệp chiêu cảm quả báo trong đời sau, thiện nghiệp được phước báo, ác nghiệp chính là ác báo. Hiểu được đạo lý này, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác tự nhiên không tạo ác nghiệp nữa. Nhưng Đức Phật nói với chúng ta, thiện nghiệp cũng không phải thật sự thiện, vì sao vậy? Vì không ra khỏi luân hồi lục đạo, lục đạo thống khổ.
Dục giới cả ba loại khổ đều có: Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Sắc giới thiên không có dục, không có khổ khổ, nhưng có hoại khổ, có hành khổ. Vô sắc giới thiên, đây là phàm phu cao cấp, đến thân cũng không cần, nên họ không có khổ khổ, không có hoại khổ, nhưng có hành khổ. Hành khổ là gì? Họ không cách nào duy trì mãi mãi, thời gian tuy dài, nhưng cũng có lúc đến cùng. Lúc đến cùng vẫn phải đọa lạc, khổ liền đến. Nên họ không phải là giải quyết tận gốc. Đức Phật dạy, tam giới đều là khổ, tam giới là toàn bộ luân hồi lục đạo. Đức Phật thấy rất rõ ràng, ngài biết, người trong luân hồi lục đạo không nhận ra, tưởng rằng có niềm vui, nhưng đó là sai lầm.
Bên dưới nói về Diệt đế- “Tận đế”, tận tức là diệt. “Diệt tức là tận diệt, diệt nghĩa là diệt vô vi. Kết nghiệp đã tận, tức không có tích lũy hoạn nạn của sanh tử, nên gọi là diệt”. Diệt, về mặt quả không thể diệt, phải diệt từ nhân. Ta không tạo nhân ác sẽ không chịu ác báo, đến nhân thiện ta cũng không tạo, như vậy quả báo thiện trong tam giới ta cũng không thọ, mới có thể vượt thoát được. Chúng ta phải nghe rõ điều này, không được sinh ngộ nhận, ngộ nhận vẫn là đang tạo nghiệp, những gì ta tạo đều là nghiệp bất thiện.
Đức Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, ở sau còn một câu là tam luân thể không. Đây gọi là tu Tịnh nghiệp, quả báo không phải ở lục đạo. Đoạn ác không chấp tướng của đoạn ác, tu thiện không chấp tướng của tu thiện, mãi mãi giữ tâm mình thanh tịnh bình đẳng giác, dùng tâm thanh tịnh bình đẳng giác để đoạn ác tu thiện là đúng. Đoạn ác tu thiện đối với bản thân mà nói, tiêu được tập khí nghiệp chướng của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đây là tự lợi. Đối với người mà nói là làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng. Người ta thấy quý vị đoạn ác tu thiện, người thật sự thấu suốt nhìn thấy quý vị đang hành Bồ Tát đạo, quý vị đang giáo hóa chúng sanh.
Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, trú thế 80 năm, dạy học giảng kinh giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm, không phải đều là làm gương cho chúng ta thấy ư? Bát tướng thành đạo là biểu diễn, không phải thật, vốn là Phật. Ngộ rồi tức vốn là Phật, ngộ ra là vô lượng kiếp vô lượng kiếp trước, ta sớm đã thành Phật, mỗi người đều như vậy. Bởi thế lời Đức Thế Tôn nói là thật, hoàn toàn không phải giả.
Diệt phải biết diệt là gì? Diệt những thứ dơ bẩn trong lòng, những thứ tạp loạn, vì tâm của quý vị vốn là thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Hiện nay trong tâm này, vì sao có nhiều rác rưởi như vậy? Bản thân đã có nhiều, còn đem những thứ dơ bẩn của người khác để hết trong lòng mình. Có thể thứ của người khác còn nhiều hơn của mình, biến thành thùng rác lớn, như vậy được coi là thông minh ư? Người thông minh thật sẽ trừ sạch tất cả, khi đoạn sạch rồi, nói cho chư vị biết, đến Phật Pháp cũng không cần. Kinh Kim Cang nói rất hay: “pháp còn phải xả huống gì phi pháp”. Pháp đó là Phật pháp, đây là lời của Đức Thế Tôn. Quý vị đem những pháp của Đức Phật nói đều để trong lòng, như vậy cũng sai. Những pháp này là thiện pháp, quả báo trong ba đường lành, nhưng không ra khỏi luân hồi lục đạo, bởi thế pháp cũng phải xả. Kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn Tịnh độ rất hay, dạy ta điều gì? Tất cả đều buông bỏ, trong tâm chỉ có một thứ chưa buông cũng không được. Nhưng luôn phải có một thứ, quý vị mới có thể buông bỏ được thứ khác. Tịnh độ Tông dạy, trong tâm của quý vị chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra đều buông bỏ hết. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, không có nói Phật pháp là ngoại lệ, buông bỏ tất cả, chỉ có Phật A Di Đà. Mục đích ở đâu? Tôi muốn đến thế giới Cực Lạc, chỉ một niệm này, ngoài niệm này ra không có niệm thứ hai. Đến thế giới Cực Lạc, quý vị mới hoát nhiên đại ngộ, thì ra bản thân chính là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà ở thế giới tây phương Cực Lạc, từ đâu mà có? Là từ tự tánh chúng ta biến hiện ra, tất cả pháp không rời tự tánh. Biến pháp giới hư không giới, không có pháp nào không phải từ tự tánh biến hiện ra, tất cả đều là tự tánh biến hiện. Quý vị đều minh bạch, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, tâm và pháp là một không phải hai, vấn đề này mới thật sự giải quyết được, Triệt để giác ngộ, không còn có ý niệm, có niệm là sai.
Chúng ta chưa đạt đến cảnh giới này, cần phải niệm Phật A Di Đà, đến cảnh giới này Phật A Di Đà cũng không có, nhất định phải biết điều này. Chưa đến quả vị Diệu giác, phải nắm bắt Phật A Di Đà, ta chỉ có một pháp này, ngài sẽ giúp ta chứng được cứu cánh quả Phật, trong tất cả pháp không thể sánh được, cứu cánh viên mãn. Bộ kinh này là nói về vấn đề này, là nói về việc này.
“Kết nghiệp đã tận”, tập khí phiền não đều đoạn tận, “không còn hoạn lụy sanh tử”. Sanh tử là căn bản, sanh tử không còn, lục đạo sẽ không còn, thập pháp giới cũng không còn. Trong mười pháp giới không rời sanh tử, đây gọi là diệt. “Nên các phiền não kiết sử diệt, nghiệp tam giới cũng diệt”, thiện nghiệp ác nghiệp của tam giới, thiện ác nghiệp đều không có. “Nếu nghiệp phiền não trong tam giới diệt, tức là diệt đế hữu dư niết bàn”. Nghiệp của tam giới là nhân, nhân diệt còn quả thì sao? Thân thể vẫn còn, đây gọi là hữu dư niết bàn, còn có thân. Tuy có thân, nhưng không có ý niệm. Trong Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Không những không có tứ tướng, mà tứ kiến cũng không có. Đoạn sau Kinh Kim Cang nói: “Vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến”, tứ kiến cũng không còn. Tức không có ý niệm, nhất niệm bất sanh. Thân thể còn, thân thể còn là hữu dư, thân thể này không cần nữa thì sao? Gọi là vô dư y niết bàn.
Điều này bên dưới nói: “Vì nhân diệt nên quả diệt, lúc bỏ báo thân này, khổ quả đời sau mãi mãi không tương tục”. Sau khi thân này diệt, vĩnh viễn không còn trôi lăn trong luân hồi, đây gọi là “nhập vô dư niết bàn”. Khi nào chứng được niết bàn? Là chứng được khi còn sống. Rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng niết bàn là chết, sai lầm. Niết bàn không thể dịch là chết, niết bàn dịch là diệt, diệt điều gì? Diệt tập khí phiền não, tất cả nghiệp nhân quả báo đều không còn, gọi là diệt. Không thể nói chết nghĩa là niết bàn. Nếu chết là niết bàn, như vậy không cần tu hành, có ai không chết, khi chết không phải đều nhập niết bàn sao? Điều này nói không thông suốt. Vì vậy niết bàn là chứng được khi sống, nên nó cũng dịch là viên tịch. Viên là viên mãn, công đức viên mãn. Tịch là thanh tịnh tịch diệt, cũng tức là nói họ buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, tức thanh tịnh tịch diệt, bởi thế tuyệt đối không được ngộ nhận. Nhưng ngày nay rất nhiều người ngộ nhận, cho rằng người xuất gia khi chết đều gọi là viên tịch, đều gọi là niết bàn, hoàn toàn hiểu sai ý.
“Đạo đế, đạo nghĩa là năng thông”, thông đạt không có chướng ngại. Đạo là con đường, đây là con đường thành Phật, đây là con đường liễu sanh tử. Đạo, đạo có “chánh đạo, trợ đạo”, thông thường chánh là trí tuệ, trợ là thiền định. Chánh là nhìn thấu, trợ là buông bỏ, vì sao không buông được? Vì chưa nhìn thấu, nhìn thấu là gì? Thấu hiểu triệt để, hoàn toàn thấu hiểu chân tướng sự thật. Như Max Planck nói điều này, ông hoàn toàn đã hiểu rõ về hiện tượng vật chất, thì ra hiện tượng vật chất là do huyễn tướng của ý niệm tích lũy nên. Chúng ta thấy sai, cho rằng vật chất là có thật. Vật chất có thể cứng, có thể lỏng, có thể khí, đây là nguyên nhân gì? Tần suất khác nhau. Tần suất chậm liền biến thành thể cứng, nhanh hơn một chút biến thành thể lỏng, nhanh hơn nữa biến thành thể khí, nhanh hơn thể khí biến thành ánh sáng, biến thành điện, chính là dòng điện. Tần suất khác nhau, hoàn hoàn là hiện tượng dao động, mà tốc độ dao động còn rất nhanh, hiện tượng này Max Planck đã thấy được. Nhưng Bồ Tát Di Lặc đã nói ra con số, nhanh đến mức độ nào? Bồ Tát Di Lặc nói: “Một khảy móng tay”, thời gian một khảy móng tay rất ngắn. Một giây tôi tin rằng có người khảy rất nhanh, trẻ tuổi sức khỏe, thân thể cường tráng, một giây khảy được năm lần là chuyện bình thường. Nếu nói năm lần, lấy năm lần mà nói, trong một giây có 1600 triệu tần suất, là số lần nó dao động. Trong một giây có 1600 triệu, sanh ra huyễn tướng chúng ta tưởng là thật, hiểu được hiện tượng này, niệm niệm bất khả đắc.
Như chúng ta xem film, ở đây tôi có một đoạn film, băng nhựa fiml đèn chiếu. Chiếu film này lên màn hình, một giây có mấy tấm? 24 tấm. Mở ống kính ra, tấm này hiện lên trên màn hình, đóng ống kính lại rồi mở ra, liền đổi qua tấm thứ hai. Tốc độ thay đổi của nó rất nhanh, một giây có 24 tấm, chúng ta đã bị màn hình này gạt, tưởng rằng nó là thật. Bây giờ Bồ Tát Di Lặc nói, một giây có bao nhiêu tấm? Nghĩa là sanh diệt bao nhiêu lần? 1600 triệu lần, làm sao quý vị biết được nó là giả? 24 tấm là đã gạt được, quý vị không cách nào phân biệt được. Bây giờ nói với quý vị về chân tướng, một giây có 1600 triệu, mỗi ý niệm đều khác nhau. Nên Hoàn Nguyên Quán nói: Xuất sanh vô tận, chúng ta hoàn toàn hiểu sai, thấy sai, nghe sai, cho rằng là thật, không hiểu được chân tướng sự thật. Chỉ có Phật Bồ Tát tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh nghĩa là Thiền định, trong thiền định thậm thâm thấy được. Cho nên Chư Phật Bồ Tát là cảnh giới hiện lượng, các nhà khoa học vẫn là tỷ lượng, không phải hiện lượng. Các nhà khoa học mượn toán học để suy đoán, có khả năng này, sau đó dùng máy móc tinh vi để quan sát, đã phát hiện. Họ nói với chúng ta, tốc độ của ý niệm này rất nhanh, không nói ra chữ số, chỉ nói rất nhanh. Bồ Tát Di Lặc nói với chúng ta, một khảy móng tay có 32 ức 100 ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình tức là hiện tượng vật chất. Nghĩa là trong một giây có bao nhiêu hiện tượng vật chất? 320 triệu, đây là một khảy móng tay, 320 triệu hiện tượng vật chất. Nó tích lũy ở đó, quý vị nhìn thấy hình như là vật chất. Hơn nữa hiện tượng vật chất, mỗi hiện tượng vật chất đều có thức, thức là gì? Là thọ tưởng hành thức, hiện tượng vật chất là sắc, trong kinh hợp lại gọi là Ngũ uẩn: Sắc thọ tưởng hành thức. Thời gian nó tồn tại, là một khảy móng tay có 320 triệu. Một khảy móng tay này, bây giờ chúng ta phải tính bằng giây, lấy năm lần khảy móng tay là một giây, đó chính là 1 giây trên 1600 triệu ý niệm. Đây là thời gian tồn tại của một ý niệm, chính là Ngũ uẩn mà Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn thấy được, ngũ uẩn đều là không. Dùng gì để thấy? Trí tuệ.
Quý vị xem trong Tâm Kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ Tát”, nghĩa là Quán Thế Âm, lúc ngài hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thấy được ngũ uẩn đều là không. Ngũ uẩn đều không là sao? Bây giờ chúng ta đã hiểu, tức là hiện tượng mà Max Planck phát hiện, một giây có 1600 triệu lần sanh diệt. Trên một hình ảnh ông đã thấy được điều này, bởi thế nó không phải thật, mà là giả. Điều này hiện nay trong khoa học gọi nó là tiền vệ khoa học, vì khoa học hơn 300 năm nay đều nghiên cứu về vật chất. Chưa từng nghiên cứu hiện tượng tinh thần, toàn là vật chất. Bây giờ biết được vật chất từ đâu mà có? Là ý niệm biến hiện ra. Cho nên hiện nay có không ít các nhà khoa học trẻ nghiên cứu về ý niệm, nghiên cứu về tư duy.
Chúng ta tin rằng, khoảng hai ba mươi năm sau được khắp xã hội đại chúng thừa nhận, có lợi ích gì? Lợi ích rất lớn. Thứ nhất: Quý vị có thể trẻ mãi không già, không dám nói trường sanh bất lão, nhưng có thể sống lâu thọ mạng dài, có thể kéo dài sự suy lão, không đến nỗi lão hóa quá nhanh, nguyên nhân gì? Vì chúng ta hoàn toàn dùng thiện niệm, ý niệm hoàn toàn thanh tịnh, như vậy sẽ không sanh bệnh, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh! Thường nói chỗ này tôi đau, chỗ kia tôi đau, đây có vấn đề, kia có vấn đề, thật sự xảy ra vấn đề, vì vấn đề là từ tâm tưởng sanh. Ý niệm có thể khiến tế bào chúng ta sanh ra biến hóa. Tế bào bình thường chúng ta nghĩ sao nó có vấn đề được, nhưng nó thật sự có vấn đề. Sao lại xảy ra vấn đề? Quý vị nghĩ ra, đây chính là ý niệm chỉ huy vật chất, cho nên ý niệm bất thiện đều biến thành thiên tai, ý niệm thiện biến thành thiên đường, biến thành thế giới Cực Lạc.
Có thể hóa giải được thiên tai ngày nay trên địa cầu chăng? Được, nếu chúng ta không có tham tâm, buông bỏ tham tâm sẽ không có lũ lụt. Buông bỏ sân nhuế, hỏa hoạn không còn, nhiệt độ của địa cầu không cao như vậy, tất cả đều trở lại bình thường. Không có ngu si, gió bão không còn. Ngạo mạn không có, động đất không còn. Không có hoài nghi, kiến lập tín tâm sẽ không có chuyện núi lở đất sụp, có thể giải quyết!
Tiến sĩ Bladen người Mỹ, năm ngoái ông ở Sydney tham gia hội nghị của các nhà khoa học. Hội nghị ngày thứ hai, họ hoàn toàn thảo luận làm sao để ứng phó dự ngôn thiên tai năm 2012 của Maya, ông nói rất hay. Ông nói chỉ cần nhân dân trên địa cầu, trong giai đoạn này thật sự có thể giác ngộ, bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm. Không những có thể hóa giải thiên tai, mà còn đưa địa cầu đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Quý vị xem, ông ta đã nói như vậy, nhà khoa học này cũng là từ vật lý chuyển qua nghiên cứu tâm lý. Đều nghiên cứu về sức mạnh của ý niệm, phát hiện năng lượng của ý niệm vô cùng lớn.
Ý niệm của chúng ta vì sao không thể sanh? Vì ý niệm chúng ta tản mác, quá tạp, quá loạn. Giống như ánh sáng, quý vị thấy ánh sáng, ánh sáng chiếu ra bốn phương, chúng ta không thấy được sức mạnh của nó. Nếu tập trung ánh sáng này lại, để nó phát xạ vào một mục tiêu sẽ biến thành tia laser, tia laser có thể xuyên qua tấm gang. Còn ánh sáng này tờ giấy cũng không xuyên qua được, cách một trang giấy là có thể che được nó. Bởi thế nếu ánh sáng này tập trung vào một nơi, quả là đáng sợ! Các nhà khoa học phát hiện, nếu ý niệm của chúng ta tập trung vào một điểm, sức mạnh đó vô cùng lớn mạnh.
Trong kinh Đức Phật đã nói đến điều này: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Còn có một câu tương đồng với điều này: “Chỉ tâm nhất xứ”, là chỉ của tịnh chỉ. “Chỉ tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Chế là khống chế, chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện. Có thể chế tâm một chỗ, bệnh hoạn trên thân thể chúng ta đều được khôi phục bình thường hết, đều là do ý niệm quá tạp loạn. Nguyên nhân chính là gì? Không tin chính mình. Đây là thật, mất niềm tin đầu tiên là mất lòng tự tin, không tin bản thân mình. Lòng tự tin mạnh nhất, nói cho quý vị biết đó là Phật Bồ Tát, họ có lòng tin kiên định tuyệt đối, nên không có gì họ không làm được.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây. Ngày mai kinh này chắc, nhiều nhất là hai lần, ngày mai có thể giảng xong. Giảng không xong, thêm một lần nữa sẽ giảng viên mãn. Sau khi viên mãn, chúng ta giảng lại từ đầu, giảng lần thứ hai. Tuy bản mới chưa in ra, nhưng có thể dùng bản cũ này, chúng ta vẫn dùng chú giải của Hoàng Niệm Tổ, chú giải của ông là tập chú. Quý vị xem, trong chú giải trích dẫn 83 loại kinh luận, 101 loại trước tác của các bậc tổ sư đại đức, tất cả có 193 loại. Tập kinh và luận đại thừa của các vị tổ sư đại đức chú giải về bộ kinh này, quả là không thể nghĩ bàn. Ông khiêm tốn, ông cũng biết chú giải của mình chưa chắc người ta đã tin. Làm như vậy, mọi người không còn gì để nói, không thể không tin. Lấy kinh chú kinh, dùng chú giải của chư vị tổ sư đại đức làm y cứ.
Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.