PHẬT HỌC QUẦN NGHI - HT THÍCH THÁNH NGHIÊMTác Giả: Thích Thánh Nghiêm Dịch: Thích Minh Quang Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo Số Trang: 381 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2011 Độ Dày: 1,8cmPHQNSÁCH GIÁO LÝ80.000đSố lượng: 50 Quyển
Tác Giả: Thích Thánh Nghiêm Dịch: Thích Minh Quang Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo Số Trang: 381 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2011 Độ Dày: 1,8cm
LỜI NGƯỜI DỊCH Những ai mới phát tâm học Phật, chắc không khỏi hoang mang, thắc mắc khi đối diện trước biển Phật Pháp mênh mông, cũng như bao khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống tu hành thực tế. Vì vậy, việc thân cận, học hỏi thiên hữu tri thức là điều không sao thiếu được trên bước đường tu học. Song minh sư khó gặp, bạn ác dễ gần. Đã không có ít người tuy qui y Tam Bảo nhiều năm, mà vẫn ngơ ngác giữa ngã ba đường học Phật, hay lầm lạc đi vào nẻo tà, tạo thành nhân duyên thoái đọa, bởi không đủ chánh kiến, chánh tín.
Phật Học Quần Nghi là tác phẩm Phật học mang tính phổ thông, nhằm giải tỏa nghi vấn, phá dẹp tà kiến, kiến lập chánh tín cho người Phật tử. Tác giả đã qui nạp những vấn đề Phật học thường gặp thành bảy mươi bốn câu hỏi, rồi mượn đó làm chủ đề để phát huy nội dung Phật học, mà không phải hạn cuộc ở hỏi đáp thông thường. Nó không những cho chúng ta những kiến giải Phật học chính xác, phong phú, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trên con đường tự tu và hóa tha. Như trong lời tựa tác giả đã thổ lộ: “Nội dung quyển sách này là tri thức học vấn, song quan trọng hơn nữa, nó còn là thực tế trong cuộc sống”.
Nếu chúng ta thiếu cơ duyên, thời gian, phương tiện gần gũi bậc thiện tri thức, quyển sách chánh kiến, chánh tín này sẽ là người thầy, người bạn sáng suốt, nhiệt tình, sẵn sàng chỉ bảo, giải quyết khó khăn cho chúng ta bất cứ lúc nào, nơi nào. Nó giúp chúng ta gạn đục khơi trong: Đâu là Phật giáo chân chánh, đâu là tín ngưỡng dân gian; những gì là Chánh pháp, những gì là Phi pháp; và nhất là đính chánh những quan niệm lệch lạc, sai lầm về Phật giáo. Nhờ vậy, chúng ta sẽ tự tin, vững bước hơn trên nẻo đường học Phật, mà không sợ sa lạc vào ngã rẽ tà kiến. Vì tính chất đặc thù của quyển sách, chúng ta có thể đọc nó từ đầu đến cuối, hay xem mục lục, chọn đọc trước những vấn đề mà mình quan tâm thắc mắc.
Nhận thấy giá trị và lợi ích của quyển sách này, dịch giả đã phát tâm dịch ra Việt văn để kết Pháp duyên cùng tất cả mọi người. Kính nguyện những ai có duyên đọc được, chánh kiến, chánh tín chưa sinh sẽ sinh; chánh kiến, chánh tín đã sinh càng kiên cố; Bồ đề tâm tăng trưởng, bất thoái cho đến ngày viên thành Phật đạo. Nghiên Cứu Sở Phật Học Trung Hoa. Tapei, ngày 19.09.1999 Dịch giả cẩn chí
Trích “Tín Ngưỡng Theo Phật Giáo Có Nhất Định Phải Quy Y Tam Bảo Hay Không?”: Nhất định phải quy y! Tín ngưỡng Phật giáo cần phải đầy đủ Tam Bảo. Điều này vốn khác với tín ngưỡng dân gian sùng bái quỷ thần. Tam Bảo là chỉ Phật Pháp Tăng. Xưng là Bảo, vì công đức ba ngôi này quý báu hơn mọi châu báu thế gian, một khi nhận được thì vĩnh viễn không mất: nước cuốn chẳng trôi, lửa thiêu chẳng cháy, trộm cướp càng không thể tranh đoạt. Thật là lấy mãi chẳng hết, dùng mãi chẳng cạn, thọ dụng vô cùng!
Phật bảo là người tu hành đã đạt đến mức phước đức, trí tuệ cứu cánh viên mãn. Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Cho nên chư Phật trong mười phương, ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều là bậc chúng ta quy y, tôn kính. Song chỉ có đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử trong thế giới chúng ta. Pháp bảo là chỉ đạo lý và phương pháp tu hành thành Phật. Pháp bảo mà chúng ta được biết là do đức Phật Thích Ca tuyên nói. Do đó ta xưng Ngài là đức Phật bổn sư. Pháp bảo được thấy hiện nay là Tam tạng Thánh giáo gồm Kinh Luật Luận, cộng thêm các chú giải và ngữ lục của chư Tổ sư. Đây chính là chuẩn mực chỉ dẫn chúng ta phương hướng tu học.
Tăng bảo là chỉ người xuất gia đang tu học, và giúp đỡ người khác cùng tu học như mình. Đây là bao gồm chư Bồ tát, La hán và tất cả tăng ni phàm phu. Song chúng ta là người phàm mắt tục, dù gặp được Thánh Tăng cũng không nhận ra. Chúng ta tiếp xúc chủ yếu là phàm phu Tăng, cho nên phải lấy Tỳ kheo, Tỳ kheo ni ở nhân gian làm trung tâm của Tăng bảo. Tăng bảo là thầy, Pháp bảo là sách giáo khoa, còn Phật bảo là người dày dặn kinh nghiệm đã tìm ra chân lý và thuật lại thành sách. Có đủ Tam Bảo mới là Phật giáo hoàn chỉnh. Bằng không, chỉ tin Phật bảo khác gì mù quáng mê tín quỷ thần; chỉ tin Pháp bảo thì giống như học giả nghiên cứu học vấn; chỉ tin Tăng bảo có khác chi bái nhận cha nuôi mẹ nuôi. Tất cả đều không phải là Phật giáo.
Cho nên quy y Tam Bảo là bước đầu của việc tin và học Phật. Giống như học sinh đến trường ghi tên nhập học mới có hồ sơ học bạ, mới được thừa nhận là học sinh của trường và có quyền lên lớp. Học sinh có bổn phận đi học, còn nhà trường có trách nhiệm giảng dạy. Cho nên nghi thức quy y vô cùng quan trọng, giống như việc vợ chồng kết hôn, quan chức nhậm chức, đảng viên gia nhập đảng, đều phải có nghi thức tuyên thệ để chứng tỏ sự thận trọng và khẳng định. Người chưa thông qua nghi thức quy y Tam Bảo tất nhiên vẫn có thể học Phật. Phật giáo không bài xích người chưa quy y như ma quỷ. Song người chưa quy y về mặt tâm lý sẽ có sự thoái thác, do dự, trì nghi. Đến lúc thử thách gay go họ sẽ mượn cớ bảo: Tôi vẫn chưa phải là Phật tử, nên không cần giữ theo giới luật Phật chế. Đối với các thói xấu và nghiệp ác như biếng nhác, phóng túng, tà dâm, vọng ngữ, trộm cắp v.v… họ sẽ dễ dãi tự tha thứ cho mình, càng không biết ngăn ngừa để khỏi vi phạm ở tương lai. Người sau khi quy y Tam Bảo, sẽ biết khắc chế, cảnh giác và sách tấn lấy mình, đồng thời họ cũng được các bậc thiện tri thức như thầy tổ, bạn tu khích lệ, đôn đốc, khuyên răn. Cho nên họ sẽ đi vào chánh đạo trong việc thăng hoa nhân cách, trưởng dưỡng đạo tâm và tinh tấn tu tập.
Xin bạn đọc không nên cho rằng quy y là việc không quan trọng, hay hiểu lầm rằng mình còn chưa hiểu Phật Pháp và chưa có tu nên không đủ tư cách quy y. Thật ra chỉ cần biết được Phật Pháp là đáng tin đáng học thì có thể quy y. Chính vì chưa thông hiểu và tu tập Phật Pháp nên càng phải mau mau quy y Tam Bảo! Vì vậy nếu vị nào nghĩ mình chưa đủ tư cách làm đệ tử Phật thì nên quy y ngay bây giờ. Sau khi quy y không luận về mặt tâm linh, thói quen hay cuộc sống … đều được chư Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp, long thần, cùng chư thiện hữu tri thức hộ trì giúp đỡ. Do đó nhờ quy y sẽ khiến người thiếu tín tâm tăng thêm tín tâm, thiếu ý chí vững mạnh thêm ý chí…
MỤC LỤC:
Mười Công Đức Lớn
Lời Người Dịch
Tín Ngưỡng Theo Phật Giáo Có Nhất Định Phải Quy Y Tam Bảo Hay Không?
Nhất Định Phải Nhìn Thấu Được Cảnh Hồng Trần Rồi Sau Mới Có Thể Học Phật?
Phải Chăng Học Phật Cũng Cần Đến Tri Thức Và Học Vấn?
Phật Tử Tại Gia Có Phải Kiêng Kị Gì Không?
Học Phật Có Cần Phải Bỏ Hết Những Hưởng Thụ Hiện Có Hay Không?
Các Phật Tử Có Quan Niệm Về Ăn Uống Như Thế Nào?
Thế Nào Là Định Nghĩa Và Phạm Vi Sát Sinh?
Vì Sao Phóng Sinh Và Nên Phóng Sinh Như Thế Nào?
Người Phật Tử Nên Kiếm Tiền Với Thái Độ Như Thế Nào?
Phật Tử Có Thể Có Cuộc Sống Tình Cảm Được Không?
Phật Tử Nên Cử Hành Nghi Thức Tang Lễ Như Thế Nào?
Nên Làm Phật Sự Như Thế Nào?
Cư Sĩ Có Thể Nhận Quà Tặng Của Nhà Chùa Không?
Phật Tử Tại Gia Nên Lập Bàn Thờ Phật Như Thế Nào?
Phật Tử Ở Nhà Thờ Khóa Tụng Niệm Như Thế Nào?
Có Thể Tiêu Tai Tăng Thọ Được Chăng?
Gia Trì Có Hiệu Nghiệm Thật Không?
Bậc Đại Tu Hành Có Thể Tiêu Nghiệp Thay Cho Chúng Sinh Không?
Trì Chú Có Công Hiệu Hay Không?
Phật Giáo Có Tin Thuyết Kiếp Số Khó Tránh Không?
Làm Thế Nào Để Người Ta Tin Nhân Quả Ba Đời?
Quan Điểm Của Phật Giáo Đối Với Tướng Mệnh Và Phong Thủy
Niệm Phật Một Tiếng Tiêu Tội Hằng Sa Có Đúng Không?
Mang Nghiệp Vãng Sinh Có Phải Là Trốn Nợ Không?
Sao Gọi Là Niệm Phật Đến Nhất Tâm Bấn Loạn?
Người Niệm Phật Trông Thấy Tướng Lành Phải Làm Sao?
Lúc Lâm Chung Thấy Tướng Lành Có Phải Chứng Tỏ Là Giải Thoát Không?
Làm Cách Nào Biện Minh Khi Lâm Chung Là Ma Cảnh Hay Phật Đến Tiếp Dẫn?