Pháp Bảo Đàn Kinh là một quyển Kinh chuyên hoằng PHÁP ĐỐN GIÁO của THIỀN TÔNG, do Lục Tổ Huệ Năng giảng và ngày Pháp Hải ghi lại, nay đã dịch sang nhiều thứ tiếng và đã phổ biến nhiều nước trên thế giới. Lục Tổ là người không biết chữ nhưng nói ra lời nào cũng đúng ý Phật. Tổ nói: “Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng gì đến văn tự”. Như vậy người đọc nên được ý quên lời, chờ nên chấp lời nghịch ý. Như Lục Tổ nói: “Nay ta gượng nói ra, khiến ông bỏ tà kiến, chớ hiểu theo lời nói, mới cho biết ít phần”. “Chớ hiểu theo lời nói” là chớ chấp lời mà nghịch ý; “Mới cho biết ít phần” là được ý mà quên lời, nói “Được ý” là phải đốn ngộ ý của Tổ, cũng là ý của Phật vậy. Phật nói: “Sự suy lường phân biệt chẳng thể hiểu được pháp này”.
Hễ nói “Đã chứng” thì chẳng thể tỏ rõ cho người biết, nếu nói “Chẳng chứng” thì thuyết lý chẳng thể liễu triệt, nên pháp đốn giáo này chẳng phải người muốn hiểu theo lời, cần phải tự tin, tự tu, tự chứng, tự ngộ mới được. Nếu chỉ dùng miệng luận bàn, dùng tâm suy lường là trái với ý Tổ. Phật có nói: “Như Lai dùng tất cả thí dụ đễ diễn đạt mọi việc thì được; Nhưng chẳng thí dụ nào có thể diễn đạt pháp này”. Tại sao vậy? Vì tự tánh bất khả tự nghì, tâm trí chẳng đến được. Vậy phải tin rằng: Miệng luận bàn, dùng tâm suy lường là việc chướng đạo vậy. Đối với pháp thế gian thì dùng miệng luận bàn, dùng tâm suy lường có thể thấu hiểu được; Với pháp xuất thế gian dùng miệng luận bàn, dùng tâm suy lường lại càng xa với Đạo. Cổ Đức nói: Đối với việc này, có tâm chẳng thể cầu, vô tâm chẳng thể đắc, ngôn ngữ chẳng thể thông đạt, im lặng chẳng thể thấu suốt. Quyển kinh này, mỗi phẩm đều có tỏ bày ý chỉ như thế, xin độc giả tự xét kỹ xem! Nói tóm lại, PHÁP ĐỐN GIÁO này là khai thị cho người học đạo để y theo CHÁNH PHÁP tu hành cho đến đốn ngộ mà thôi. THÍCH DUY LỰC
Mục lục: Lời dịch giả Phẩm tựa thứ nhất Phẩm Bát Nhã thứ hai Phẩm nghi vấn thứ ba Phẩm Định Huệ thứ tư Phẩm tọa thiền thứ năm Phẩm sám hối thứ sáu Phẩm cơ duyên thứ bảy Phẩm đốn tiệm thứ tám Phẩm pháp hội thứ chín Phẩm phó chức thứ mười