PHÁP NGỮ - HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNGTác Giả: HT Tịnh Không Sách Song Ngữ Anh – Việt Dịch: Thích Nguyên Tạng NXB: Phương Đông Số Trang: 341 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14x20cm Năm XB: 2006 Độ Dày: 1,5cmPN1PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG60.000đSố lượng: 999995 Quyển
Tác Giả: HT Tịnh Không Sách Song Ngữ Anh – Việt Dịch: Thích Nguyên Tạng NXB: Phương Đông Số Trang: 341 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14x20cm Năm XB: 2006 Độ Dày: 1,5cm
Lời giới thiệu Mục đích giáo lý của Ðạo Phật chỉ nhằm trưng bày hai vấn đề: khổ và phương pháp diệt khổ. Con đường đưa tới sự diệt khổ để đạt được giác ngộ và giải thoát, hành giả phải đi qua cửa ngõ “Tam vô lậu học”, đó là văn huệ, tư huệ và tu huệ, nếu hành giả nào áp dụng triệt để sẽ có kết quả mỹ mãn trong lộ trình trở về cội nguồn tâm linh của mình. Văn huệ là nghe giảng, đọc sách, thảo luận với thiện hữu tri thức để hiểu cho thấu đáo và rộng rãi lời Phật dạy. Tư huệ là suy nghĩ cân nhắc đắn đo về những giáo lý mình đã nghe, đi sâu vào giáo lý bằng tâm ý của mình chứ không chỉ bằng lỗ tai và cái miệng. Có tư duy thiền định mới thấm được những lợi ích sâu xa của giáo pháp ngoài các lợi ích nhỏ nhoi như cứu bệnh, mua may bán đắt, đạt được địa vị cao. Tu huệ nghĩa là áp dụng giáo lý đã học vào đời sống hàng ngày sau khi chọn lựa những gì thích hợp cho trình độ mình. Thật vậy, do thấy sai, nhận thức sai, đưa đến việc trồng nhân sai, nên cuối cùng con người phải gặt hái những kết quả khổ đau và phiền lụy. Có học, có suy nghĩ và có tu, sẽ giúp cho hành giả thay đổi, tháo gỡ những nhận thức sai lầm của mình trước đây để thay thế cho những chánh kiến, an lạc, hạnh phúc và giải thoát.
“Pháp Ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không” là một tập sách dung chứa nhiều bài giáo lý sâu sắc như “Sự chân xác của luật nhân quả, nghệ thuật sống, Phật Giáo là một nền giáo dục”... sẽ giúp cho hành giả có thêm kiến thức, niềm tin và lạc quan trên lộ trình giải thoát của mình. Hòa Thượng Tịnh Không, chủ giảng những bài pháp thoại của tập sách này, hiện nay là một danh tăng của Phật giáo thế giới, người có công làm phát triển Phật giáo phương Tây, những bài giảng của Ngài rất thực tế và gần gũi với người đệ tử Phật.
Ðại Ðức Thích Nguyên Tạng, dịch giả của tập sách này, là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Ðại Lợi – Tân Tây Lan, dù bận rộn nhiều Phật sự của bổn tự và của giáo hội, nhưng Ðại Ðức vẫn dành thời gian nhất định để nghiên cứu và dịch thuật kinh sách để phổ biến và chia sẻ với mọi người về giáo lý Phật Ðà. Tôi xin có lời tán dương công đức hộ trì Chánh Pháp của Hòa Thượng Tịnh Không cũng như Ðại Đức Thích Nguyên Tạng và trân trọng giới thiệu cùng tất cả quý độc giả xa gần về tác phẩm Pháp Ngữ này. Hòa Thượng Thích Như Huệ (Adelaide, Mùa An Cư năm Giáp Thân, Phật lịch 2548 – 2004.)
Lời của dịch giả “Cúng dường Pháp là tối thượng nhất”. Ðây là cách ngôn của Chư Tổ nhằm nhắc nhở hàng đệ tử thực thi công hạnh này trên lộ trình trở về cội nguồn tâm linh của mình. Cúng dường Pháp, đơn giản là chia sẻ, chỉ dẫn cho người khác nhận ra chân lý giác ngộ của Phật Ðà, hầu tránh được những lỗi lầm đau khổ. Một khi học được Phật pháp, cuộc đời sẽ thay đổi, sẽ ý thức, tự mình bước lên trên con đường quang minh sáng ngời ánh đạo, giác ngộ và giải thoát. Hòa Thượng Tịnh Không cho rằng, việc cúng dường pháp xem ra đơn giản, nhưng không đơn giản chút nào; cho nên Ngài đã cố công thực hiện, “cúng dường Pháp” bằng cách thành lập Nhà Xuất Bản Phật Ðà ở Ðài Loan (Taiwan) và ấn tống miễn phí toàn bộ Kinh điển của Phật giáo. Không những là kinh sách tiếng Hoa, mà HT đã cho phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như: Anh, Pháp, Việt.... để giúp nhiều người dễ dàng tìm thấy được Chánh Pháp.
Theo Hòa Thượng Tịnh Không, một quyển kinh phải được in thật đẹp và trang nhã, nhằm tạo nên sự thu hút cho người học Phật trong thời hiện đại hiện nay. Thật vậy, Hòa Thượng Tịnh Không là người đã thực hành pháp cúng dường này một cách chí tâm, tha thiết và nếu không muốn nói là Ngài đã thành tựu viên mãn về việc làm này trong hai thập niên qua.
Giữa năm 2003, Tu Viện Quảng Ðức đã nhận được 300 thùng sách kinh từ Nhà Xuất Bản Phật Ðà của Hòa Thượng Tịnh Không gởi tặng; trong đó tôi thích nhất là Bộ Càn Long Ðại Tạng Kinh, nội dung gồm toàn bộ Tam Tạng giáo điển của Phật giáo, do Hòa Thượng Tịnh Không phát tâm tái bản để gởi tặng cho các Phật học viện và các cơ sở Phật giáo trên thế giới, không phân biệt sắc thái, chủng tộc... Ðặc biệt trong 300 thùng sách, tôi đã chọn ra tập sách “Tịnh Không Pháp Ngữ” và xin chuyển ngữ cuốn sách này để Phật tử Việt Nam hiểu biết chút ít tư tưởng của Ngài.
Phiên dịch và ấn hành tập sách Pháp Ngữ này, tôi muốn dâng tặng Hòa Thượng Tịnh Không như một món quà tinh thần trong dịp Hòa Thượng viếng thăm và thuyết giảng tại Tu Viện Quảng Ðức vào trung tuần tháng 10 năm 2004 này. Thượng Tọa Trụ Trì Thích Tâm Phương và bản thân tôi cũng như đông đảo Phật tử địa phương tại nơi đây ước mong Ngài sẽ về Melbourne một lần để chia sẻ và khai thị về pháp tu niệm Phật. Mong lắm thay.
Nhân duyên hoàn tất tập sách này, dịch giả không thể quên ơn nhiều người. Nhân đây xin chân thành cảm tạ Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ đã viết lời giới thiệu; sự khuyến khích và động viên của Thượng Tọa Tâm Phương trong công tác nghiên cứu và dịch thuật. Dịch giả cũng không quên ghi ơn Ðại Ðức Phổ Huân (Úc), Sư Cô Nhật Nhan (USA), Sư Cô Như Nguyệt (Ðài Loan), cùng các đạo hữu Chris Dunk, Gia Khánh, Thiện Khánh, Nhị Tường, Cao Thân, Hải Hạnh, Tâm Kiến Chánh, Tấn Nhứt, Thanh Phi, Thanh Tâm, Nguyên Nhật Minh Kim Ánh, Quảng Như, Tâm Lạc... đã giúp nhiều việc khác nhau để hoàn thành dịch phẩm này. Chúng tôi cũng có lời tán thán công đức của Ðạo hữu Tuệ Duyên Phiến Ðan đã đọc tập sách này để ghi âm vào băng cassette và CD-Rom, giúp cho các vị lớn tuổi hoặc những vị không có thời giờ đọc sách, có thể nghe được tài liệu này một cách dễ dàng. Sau cùng xin chân thành cảm tạ quý Phật tử xa gần, đặc biệt là nhiều độc giả trang nhà Quảng Ðức đã đóng góp tịnh tài ấn hành miễn phí tập sách này.
Vì bận rộn quá nhiều Phật sự, nên việc dịch thuật, biên tập và in ấn, chắc chắn không sao tránh khỏi những sai sót, ngưỡng mong chư tôn đức cùng quý độc giả xa gần niệm tình miễn thứ và hoan hỷ bổ chính cho những thiếu sót. Nếu có chút công đức nào từ việc dịch thuật và ấn hành tập sách, nguyện xin hồi hướng cho thế giới sớm hòa bình, nhân sinh được an lạc. Nam Mô A Di Ðà Phật! Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng (Viết tại Tu Viện Quảng Ðức - Mùa An Cư Kiết Hạ năm Giáp Thân 2004)
TRÍCH: Nguyên Nhân Của Sự Hỗn Loạn Trong Thế Giới Ngày Nay Ngày nay, xã hội Ðài Loan và những nơi khác trên thế giới đã trở nên không bình thường, một hiện tượng chưa hề có trước đây, dù ở Tây phương hay Ðông phương. Một vài người Tây phương tiên đoán rằng tận thế diễn ra vào năm 1999, và Chúa Giê-Su sẽ trở lại thế gian trong ngày phán xét. Người Ðông phương cũng tiên tri về những tai họa sắp xảy ra tương tự như những lời tiên tri của Tây phương, chỉ khác nhau về thời gian, tức là khoảng hai mươi năm sau nữa. Một số lời tiên tri như thế đã có từ thời xưa, và chúng ta không nên quá coi trọng những lời này. Tuy nhiên nếu xét một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy thế giới này đang ở trong tình trạng nguy hiểm thực sự.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ngày nay loài người đã bắt đầu hiểu sự cần thiết phải bảo vệ môi trường của mình. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm tâm linh còn nghiêm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường bên ngoài. Ðây là nguồn gốc của những tệ nạn đang diễn ra trên thế giới mà ít có ai nhận ra được. Người Trung Hoa có câu nói: “Giáo dục là điều cần thiết để thành lập một quốc gia, để huấn luyện người lãnh đạo cũng như người dân”. Trong nhiều thế kỷ người Trung Hoa đã luôn luôn tin vào sự quan trọng hàng đầu của giáo dục, vốn được coi là nền móng của một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Giáo dục sẽ cung cấp cho chúng ta cách giải quyết vô số những tệ nạn của xã hội, và sẽ hướng dẫn cách chuyển khổ đau thành phúc lạc cho mỗi người. Giáo dục có sức tác động mạnh mẽ vào quốc gia và dân tộc. Thêm nữa trường sơ học là nền tảng của một hệ thống giáo dục.
Phật Giáo Như Là Một Nền Giáo Dục Phật giáo chính thức truyền vào Trung Hoa vào 67 Tây lịch. Hoàng đế Trung Hoa đã cử một đoàn sứ giả đặc biệt đi Ấn Ðộ cung thỉnh các Tăng sĩ Phật giáo đến Trung Hoa để truyền bá lời Phật dạy mà vào thời đó được coi là một hệ thống giáo dục chứ không phải là một tôn giáo. Có điều đáng tiếc là khoảng hai trăm năm trước đây việc tu hành đã trở thành như một tôn giáo.Vì vậy, mục đích của bài này là để điều chỉnh lại sự hiểu lầm này bằng cách đưa chúng ta trở về với hình thức Phật giáo nguyên thủy như Phật Thích Ca đã truyền dạy.
Mục Đích Của Lời Dạy Của Ðức Phật Phật giáo là một hệ thống giáo dục của Phật Thích Ca, tương tự như nền giáo dục của Khổng Tử, vì cả hai hệ thống này trình bày những quan điểm và những phương pháp giống nhau. Mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo là đạt tới trí tuệ. Trong Sanskrit, cổ ngữ của Ấn Ðộ, trí tuệ Phật giáo được gọi là “Anuttara-Sanyak-sambhodi”, tức “Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” hay “trí tuệ của hoàn hảo tối thượng”. Ðức Phật dạy rằng mục đích chính yếu của việc tu tập là đạt trí tuệ vô thượng này. Ngài còn dạy rằng ai cũng có tiềm năng chứng ngộ trạng thái trí tuệ tối thượng, vì nó là một thành phần cốt yếu trong chân tính của con người, chứ không phải là một cái gì ở bên ngoài để người ta thủ đắc. Nhưng vì đại đa số chúng sinh quá vô minh nên đã không biết tới tiềm năng này. Vì vậy nếu biết giải trừ vô minh lầm chấp thì chúng ta sẽ chứng ngộ được phần cốt yếu trong chân tính của mình. Vậy, Phật giáo là một hệ thống giáo dục nhắm tới việc chứng ngộ chân tính.
Phật giáo cũng dạy về sự bình đẳng tuyệt đối, vì Ðức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh tức là chân tính và trí tuệ vô thượng. Vì thế không có sự khác biệt thực sự nào giữa chúng sinh. Hiện tại chúng ta thấy mọi người có sự sai biệt khác nhau, đó là vì chúng ta không nhận ra chân tính của mình và đã trở nên vô minh, mức độ thông minh của mỗi người tùy thuộc vào mức độ vô minh chứ không liên quan gì tới chân tính của người đó. Giáo lý của Ðức Phật giúp chúng ta nhận ra trí tuệ nội tại, hoàn hảo, và vô thượng của mình. Với trí tuệ, chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề và chuyển khổ đau thành phúc lạc. Do thiếu trí tuệ mà chúng ta đã có nhận thức, ý kiến và hành vi sai lầm, và do đó phải chuốc lấy những nghiệp quả xấu. Nếu có trí tuệ thì ý nghĩ, quan điểm và hành vi của chúng ta đúng đắn, và như vậy ta sẽ không phải chịu sự hành hạ của đau khổ, và tất nhiên ta sẽ hưởng những niềm vui. Từ đây chúng ta có thể thấy rằng vô minh là nguyên nhân của đau khổ, và chứng ngộ trí huệ là gốc rễ của phúc lạc.
Cốt Tủy Của Ðạo Phật Giáo lý của Ðức Phật có ba điểm chính yếu, đó là trì giới, thiền định và trí tuệ. Trí tuệ là mục tiêu, còn thiền định là tiến trình cần yếu để đạt trí tuệ. Trì giới là phương tiện giúp hành giả đạt trạng thái tâm ổn định và khi đó hành giả tự nhiên sẽ chưùng ngộ trí tuệ. Toàn bộ hệ thống giáo lý Ðạo Phật được bảo tồn trong kinh điển không bao giờ xa rời ba điểm này. Phật giáo được bao gồm trong ba Tạng Kinh Ðiển, tức là ba Tạng Kinh, Luật và Luận, nói về thiền định, trì giới, và trí tuệ, theo thứ tự như vậy.
Tổ Chức Giáo Dục Phật Giáo Ở Trung Hoa Nền giáo dục Phật giáo có nền móng là sự hiếu thảo, giống như nền văn hóa Trung Hoa vậy. Trước khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, sự hiếu để đã là cột trụ của xã hội và đã được ủng hộ bởi các nhà thông thái của Trung Hoa thời xưa. Khi các Tăng sĩ từ Ấn Ðộ tới Trung Hoa và bắt đầu thuyết pháp cho các quan chức thì mọi người nhận thấy ngay rằng Phật giáo có vô số điểm tương đồng với truyền thống Khổng giáo bản địa. Kết quả là triều đình Trung Hoa đã tiếp nhận Phật giáo và thỉnh cầu các Tăng sĩ ở lại quốc gia này lâu dài.
Hai Tăng sĩ Ấn Ðộ đầu tiến đến Trung Quốc là Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan. Hai vị này được Hồng Lô Tự (Hong Lu Si) đón tiếp một cách nồng hậu. Hồng Lô Tự tương đương như Bộ Ngoại Giao hay Bộ Nội Vụ ngày nay. “Tự” có nghĩa là một bộ của chính phủ. Vị đứng đầu Hồng Lô Tự tương đương như Bộ Trưởng Ngoại Giao hay Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Tuy nhiên, Hồng Lô Tự chỉ có thể đón tiếp các khách ngoại giao một thời gian ngắn, vì vậy để các vị khách có thể ở lại thường trực, Hoàng đế Trung Hoa đã thành lập thêm một bộ nữa là, đó là “Bạch Mã Tự”, phụ trách về Phật học. Như vậy lúc đầu, “Tự” không có nghĩa là một ngôi chùa, mà là một bộ của chính quyền. Chỉ về sau này ở Trung Hoa, "Tự” mới của nghĩa là “chùa”. Vậy có hai bộ phụ trách về giáo dục, đó là “Bộ Lễ” và “ Bạch Mã Tự”. Bộ Lễ trực thuộc tể tướng, và phụ trách Khổng học, hệ thống giáo dục truyền thống của Trung Hoa. Bộ Lễ tồn tại cho tới đầu thế kỷ hai mươi. Do hoàng đế Trung Hoa giúp đỡ rất nhiều cho Bạch Mã Tự nên Phật học mau chóng lan truyền khắp Trung Hoa. Có những nơi Phật học có ảnh hưởng đến dân chúng nhiều hơn là nền giáo dục truyền thống của Bộ Lễ. Kết quả cho thấy, không phải ở làng nào, xóm nào cũng có trường Khổng giáo, nhưng ngược lại ở đâu cũng có “Tự”, tức là ngôi chùa Phật giáo. Trong thời gian đầu tiên, chùa Phật là nơi giáo dục hay là học viện và không cử hành bất kỳ lễ nghi tôn giáo nào, không giống như ngôi chùa ngày nay.
Một nhiệm vụ khác của ngôi “Tự” nguyên thủy là dịch thuật kinh sách. Nỗ lực dịch thuật này rất lớn mà người ngày nay khó có thể tưởng tượng được. Trong thế kỷ thứ bảy, Pháp sư Huyền Trang đã trông coi sáu trăm học giả trong việc dịch kinh sách. Trước đó một nhà phiên dịch kinh tạng khác là Ngài Cưu Ma La Thập (Kumaraja) đã có một nhóm dịch thuật gồm bốn trăm học giả. Như vậy, “Tự” là một tổ chức lớn của chính quyền. Nhưng không may là khoảng hai trăm năm trước “ Tự” đã hoàn toàn biến thành nơi mê tín. Tính chất giáo dục và học thuật của “ Tự” đã hoàn toàn không còn nữa, thật là một điều đáng buồn.
Bốn Loại Phật Giáo Ngày Nay Ngày nay có bốn loại Phật giáo đang được thực hành. Thứ nhất là tôn giáo Phật giáo mà người ta có thể thấy trong các chùa ở Ðài Loan. Loại hình này không phải là Phật giáo chính thống. Thứ hai là Phật giáo kinh viện, được dạy ở các trường đại học ngày nay, nơi Phật giáo chỉ được xem như một triết lý, một môn học, đặc biệt là ở Nhật bản . Ðây không phải là nền giáo dục thật sự của Ðức Phật.Thứ ba, và không may mắn nhất là sự thoái hóa hoàn toàn của Phật giáo thành một loại hình mê tín. Loại Phật giáo thứ ba này làm tổn hại nhiều cho quần chúng hơn là hai loại trên. Sau cùng là loại Phật giáo chân truyền, cốt tủy của những lời dạy của Ðức Phật, rất hiếm có trong thời đại của chúng ta…
MỤC LỤC Lời giới thiệu của Hòa Thượng Thích Như Huệ Lời ngỏ của dịch giả Quyển 1. Phật Giáo Là Một Nền Giáo Dục Chương 1. Nguyên nhân của sự hỗn loạn trong thế giới ngày nay Chương 2. Phật giáo như là một nền giáo dục Chương 3. Kinh nghiệm bản thân của tác giả về Phật giáo Chương 4. Phương pháp học và biểu tượng học Phật giáo Chương 5. Phối hợp Khổng giáo và Phật giáo Chương 6. Phật Giáo dành cho mọi người Chương 7. Chìa khóa mở cửa kho tàng lớn nhất Quyển 2. Nhận Thức Phật Giáo Chương 1. Một nền giáo dục đạo đức và hoàn hảo Chương 2. Mục đích của Phật Giáo Chương 3. Biểu tượng học và mỹ học Chương 4. Năm sự hướng dẫn thực hành Chương 5. Tịnh Ðộ Tông Quyển 3. Quy Y Tam Bảo Quyển 4. Nghệ Thuật Sống Chương 1. Nền giáo dục của Ðức Bổn Sư Phật Thích Ca Chương 2. Bốn loại Phật Giáo ngày nay Chương 3. Nghệ thuật sống Chương 4. Quy Y Tam Bảo Chương 5. Người nội trợ tu tập Bồ Tát Ðạo trong đời sống hằng ngày Chương 6. Những tâm niệm của người đệ tử Phật trong đời sống hằng ngày Quyển 5. Sự Bất Biến Của Luật Nhân Quả Quyển 6. Giải pháp: Sự Hiền Hòa Và Tâm An Lạc