KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI - BỒ TÁT GIỚI TUỆ NHUẬNBiên Soạn: Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư Việt Dịch: Bồ Tát Giới Đệ Tử Tuệ Nhuận Nxb: Tôn Giáo Số Trang: 287 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14,5x20,5cm Năm XB: 2018 Độ Dày: 1,5cmKADDGIẢNG GIẢI KINH50.000đSố lượng: 999999 Quyển
Biên Soạn: Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư Việt Dịch: Bồ Tát Giới Đệ Tử Tuệ Nhuận Nxb: Tôn Giáo Số Trang: 287 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 14,5x20,5cm Năm XB: 2018 Độ Dày: 1,5cm
PHẬT TÁNH - LỜI TỰA A DI ÐÀ KINH YẾU GIẢI MỚI DỊCH RA TIẾNG VIỆT Tu Thiền Tông mau chóng thành Phật nhất, tu Tịnh Ðộ tông còn mau chóng và chắc chắn hơn. Tu môn này thì mỗi tiếng niệm Phật danh là thấy rõ Phật tính hiện tiền. Thấy rõ Phật tính là thành Phật quả, thành Phật quả là chuyển hóa được quả đất Ta Bà thành quả đất Cực Lạc, là diệt trừ được tai nạn chiến tranh tàn sát cho quần chúng hết đau khổ, là trả lại hạnh phúc, hòa bình, tự do, bình đẳng cho tất cả muôn loài. Tuệ Nhuận
Phật nói: “Tất cả chúng sinh ai cũng có tính Phật thì ai cũng sẽ thành Phật”. Bồ Tát Giới nói: “Ông là Phật sẽ thành, tôi là Phật đã thành, thường khởi tin như thế, giới phẩm đầy đủ rồi…”
Theo Phật phải học Phật, học Phật có ba môn: “Giới, Ðịnh, Huệ”, giống như 3 chân cái đỉnh trầm, gãy một chân thành đồ vô dụng; người tam học thiếu một môn cũng là người vô dụng. Học đủ 3 môn áp dụng vào đời sống của mình và của người, gọi là thành Phật.Học Phật tới đích thâm truyền, chỉ cần hiểu suốt chính nghĩa một câu này, được đầy đủ 3 môn Giới, Ðịnh, Huệ: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, ai cũng thành Phật”. Nếu ta áp dụng vào đời sống của ta và của muôn loài, ta có 4 thực hiện:
1) Ta thấy ta với mọi loài là bình đẳng. 2) Ta không dám xâm lăng áp bức sát hại một loài nào, dù là loài rất nhỏ mọn. 3) Ta giữ được định tâm bình đẳng đối với ta và đối với mọi loài. 4) Ta có tính Phật, mọi loài cũng có tính Phật, ta thành Phật, mọi loài cũng thành Phật.
Mắt thấy thế, tâm biết thế, là mắt Phật, tâm Phật đấy rồi, còn phải tìm đâu nữa. Một người thấy và biết như thế là người siêu phàm thoát tục, người xuất gia, xuất thế, người thành Bồ Tát, thành Phật. Khế Kinh gọi là “người chính biến tri”. Trái lại, kẻ nào không thấy, không biết như thế gọi là kẻ tà kiến, tà tri, là phàm phu si ám, là chúng sinh mê muội trong 7 Thú: Thiên, tiên, nhân, a tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
Tính Phật là tính hiểu biết sáng suốt, không sai lầm một ly, tất cả muôn vật, muôn sự, muôn pháp trong vũ trụ vô biên. Tất cả chúng sinh trong 7 thú, ai cũng có tính Phật hiểu biết sáng suốt ấy, lẽ dĩ nhiên ai cũng là bình đẳng, ai cũng là Phật; lẽ dĩ nhiên không còn ai xâm lăng, áp bức, sát hại. Lẽ dĩ nhiên tai nạn chiến tranh phải tuyệt dứt, hạnh phúc, hòa bình phải trở lại. Và lẽ dĩ nhiên không còn có những thế giới và những căn thân của chúng sinh trong 7 thú nữa, chỉ còn một thế giới Cực Lạc với một loại thân vô lượng thọ, vô lượng quang (Amita) mà thôi.
Ðó là công nghiệp Tịnh Ðộ hóa cái thế gian ngũ ấm 7 thú mà người theo đạo Phật phải làm ngay. Sự nghiệp Tịnh Ðộ hóa thế gian ô trược này mà không thành thì sự học Phật của mình chưa có gì, vì mình chưa đủ Giới, Ðịnh, Huệ, chưa hiểu Phật tính là gì, chưa thực hiện được chính nghĩa bình đẳng của Phật.Học Phật cần phải hiểu tính Phật, cốt để hiểu biết tính của mình, tính của người, tính của muôn vật, muôn pháp trong vũ trụ vô biên (tự giác, giác tha). Mình sở dĩ hiểu biết sáng suốt chu biến như thế, là bởi tính Phật của mình nó hiểu biết.
Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sinh trong 7 thú và các vị Thanh Văn, Duyên Giác đều chẳng thấy được Phật tính của mình. Các vị Thập Trụ Bồ Tát mới thấy được, nhưng thấy không rõ. Chỉ có chư Phật và các vị đại Bồ Tát mới thấy được rõ ràng”.Ngài Sư Tử Hống Bồ Tát hỏi Phật: “Phật tính của chúng sinh là một hay nhiều? Tất cả chúng sinh cùng có chung Phật tính, hay là mỗi người có một Phật tính riêng biệt?”
Phật đáp: “Tất cả chúng sinh, tất cả chư Phật cùng có chung một Phật tính; nhưng Phật tính chẳng phải một, chẳng phải hai, Phật tính bình đẳng, giống như hư không”.Nghe Phật dạy ngài Sư Tử Hống Bồ Tát như thế, chúng sinh phàm phu si ám trong 7 thú, liệu có hiểu biết Phật tính của mình nó thế nào không?
Ta nên nghe kỹ, nghe kỹ:
Phật nói: “Nó chẳng phải một”, rõ ràng là nó nhiều. Nhưng Phật lại nói: “Nó chẳng phải hai”, vậy thì nó lại là một. Phật lại nói: “Nó bình đẳng như nhau và nó giống như hư không”, vậy nó vẫn là nhiều (vì nó bằng nhau), nhưng nó giống như hư không thì nó phải là một (vì hư không vô biên, không thể có hai được).Ta tuy là phàm phu trong bảy thú, nhưng nếu ta có chút thông minh, thẳng thắn mà suy nghĩ, ta cũng hiểu được chính nghĩa lời Phật dạy bảo.
Một khi Phật nói: Phật tính của tôi, của anh, của nó, của chúng sinh, của chư Phật đều là bình đẳng như nhau, hẳn anh cũng hiểu như tôi rằng: Như nói Tính của anh, lẽ dĩ nhiên không phải Tính của tôi. Và khi nói Tính của tôi, cố nhiên cũng không phải Tính của anh. Rõ ràng, anh có một Tính, tôi một Tính: Một với một là hai, đâu có phải là một (đó chính là nghĩa: Bất Nhất). Chỉ có điều Phật lại nói: Tính anh và Tính tôi bình đẳng, rõ ràng 2 Tính của hai ta bằng nhau. Khi đã nhận rõ 2 Tính bằng nhau, nên coi 2 là 1, không nên phân biệt làm 2 (đó là chính nghĩa: Bất Nhị). Phật lại nói: Phật tính của ta bình đẳng như hư không, thì dù biết nó là nhiều, nhưng không ai có tài phân tách hư không ra làm nhiều được, mà phải để nó hợp nhất với nhau làm một (đó là chính nghĩa: “bất nhất mà lại bất nhị” và “bình đẳng mà lại như hư không”).
Khi Phật nói: Phật tính của chúng sinh là bằng nhau, ta phải ước lượng mỗi tính rộng rãi, cao là ngần nào, xem nó có thật bằng nhau hay không. Nhưng Phật đã bảo Tính ấy rộng lớn bằng cả hư không thì chẳng ai có tài đo được hư không vô biên ấy, cũng không thể tách hư không ra làm hai hoặc làm nhiều được.
Vậy ta nên sáng suốt cố hiểu một tí: Phật tính của chúng sinh là bình đẳng (bằng nhau), lẽ dĩ nhiên phải có nhiều cái so sánh với nhau, mới thấy nó bằg nhau; chứ chỉ có một cái thì bằng nhau với cái gì? – Ta đã nhận rõ tính Phật của ta là bằng nhau, lẽ dĩ nhiên không có cái lớn, cái nhỏ, cái nào cũng phải bằng nhau và phải rộng lớn bằng cả hư không; vậy tuy là nhiều, mà ta đành phải để nó hợp nhất với nhau làm một, bởi vì chẳng ai có tài phân tách hư không ra làm 2 hoặc làm nhiều được (đó là chính nghĩa: bất nhị).
Anh và tôi, hai ta cùng sống chung trên một quả đất, trong một hư không. Nhưng anh ở bên Ðông, tôi ở bên Tây, anh đừng mê muội, tưởng lầm quả đất và hư không phải cắt đôi ra làm hai để anh nắm chặt lấy một phần làm của riêng anh và riêng cho tôi một phần làm của riêng tôi! – Không phân tách được đâu!Hư không và quả đất chẳng khi nào chịu để hai ta chia sẻ nó, nếu ta tham vọng cố làm, thì chỉ thêm nhọc xác gây oán thù với nhau đời đời vô cùng tận; gây cái mầm đại bất bình đẳng, đại chiến tranh thế giới. Mầm ấy chỉ chờ duyên là kết quả tức thì.Phật tính của anh to bằng cả hư không, Phật tính của tôi cũng phải to bằng cả hư không, thì mới gọi là bằng nhau, là bình đẳng chứ.
Nếu anh và tôi có tài chia được hư không ra làm hai khu vực Ðông và Tây, thực sự thì hư không sẽ mất cá tính hư không bình đẳng của nó rồi, còn chi là hư không bình đẳng nữa. Lại nữa, hư không là vô biên (không có bến bờ), nếu ta có tài chia được nó ra làm 2 khu vực khác nhau, thì nó sẽ mất cá tính vô biên, nó sẽ thành 2 cái hư không hữu biên, là hai cái không thể có được ở thế gian này, nó chỉ là hai cái: lông rùa và sừng thỏ. Phật tính như hư không của hai ta là cá tính diệu chân như, “thường trụ chu biến”.Thế nào là “thường trụ”? Là nó thường hằng ở suốt cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai, chứ nó không cố định chỉ ở một thời gian này hay một thời gian kia. Giờ phút nào nó cũng có mặt hiện tại, không đi đâu, không ở đâu đến.
Thế nào là “chu biến”? Là nó thường hằng ở khắp cả mười phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc, tứ duy, thượng, hạ, chứ nó không cố định chỉ ở một phương này hay một phương kia. Chỗ nào cũng phải có mặt nó hiện tại, nó không hề ở đâu đến, cũng không hề đi đâu bao giờ.Có hiểu được chính nghĩa bốn chữ “thường trụ chu biến” mới hiểu được lời huyền vi của Phật. Phật tính của chúng sinh không có cái lớn, cái nhỏ, cái nào cũng bình đẳng, cái nào cũng rộng lớn bằng cả hư không. Khi mắt Phật, tâm Phật của anh đã mở ra, anh thấy rõ, biết rõ hôm nay anh mới đến ở phương Ðông mà Phật tính như hư không của anh nó vẫn đã ở phương Ðông từ hôm qua, từ bao nhiêu kiếp trước rồi; dù ngày mai anh bỏ phương Ðông đi phương khác, Phật tính của anh vẫn ở mãi đấy không hề đi đâu.
Lại nữa, như hiện nay anh đang ở phương Ðông, tôi ở phương Tây, nhưng Phật tính của hai ta, nó không hề bị bó buộc vào trong hai cái thân ta bé nhỏ mà ở ra làm hai nơi đâu! Tuy thân chúng ta, mỗi người mỗi phương, mà Phật tính của ta, cũng như hư không của ta, nó vẫn thường hằng ở khắp mười phương, chứ không phải đút nút chặt vào trong cái thân ta như một tí hư không bị đút nút chặt vào trong một cái hũ tí hon đâu!
Anh nên nghe kỹ lời Phật dạy dỗ tôn giả Ananda trong kinh Surangàma: Phật đặt ra một người rất ngu độn, vô minh, tà kiến làm thí dụ, để diễn giảng cái tính Duy Thức (tức Tính Phật) cho tôn giả nghe. Phật nói: Trong thế gian ngũ ấm của ông, có cái Thức ấm, vốn là tính diệu chân như, tính Như Lai tạng nó rộng lớn chu biến thường trụ giống như hư không. Bây giờ có người ở phương Ðông, lấy cái bình Tần Già đút nút miệng bình lại, trong bình ấy đựng đầy hư không, vác đi xa ngàn dặm bố thí cho người bạn ở phương Tây. Người mê muội ấy vọng tưởng rằng cái bình Tần Già của mình đã mang mất một ít hư không ở phương Ðông đi rồi; khi họ đến phương Tây, mở nút đổ ra, họ tưởng sẽ thấy một ít hư không của họ lấy ở phương Ðông đổ vào phương Tây! Không phải thế đâu, các ông thiện nam tử ơi! Khi ông đem thân và bình đựng hư không đi khỏi phương Ðông thì hư không của ông ở phương Ðông vẫn nguyên vẹn chẳng mất đi tí nào. Và khi ông đến phương Tây đem hư không ở bình đổ ra, hẳn ông cũng chẳng thấy ở phương Tây thêm ra được một tí hư không nào!
Bây giờ mắt Phật, tâm Phật của ông đã mở rộng ra, ông đã thấy rõ, biết rõ Phật tính của ông cũng như của tôi, cũng như của chư Phật và của chúng sinh trong mười phương Pháp giới đều là bình đẳng ngang nhau, không có cái nào to, cái nào nhỏ, cái nào cũng rộng lớn bằng cả hư không, nó vẫn y nguyên ở khắp mười phương, nó không đi đâu lại đâu cả, chỉ có cái thân của chúng sinh vác cái bình hành nghiệp vọng thức, vác đi nay đây, mai đó, vòng quanh trong 7 thú đấy mà thôi.
Chúng sinh mê muội trong 7 thú cứ tưởng lầm cái thân ông này to, vác cái bình lớn đựng được nhiều hư không Phật tính, còn cái thân con kiến, con ong bé tí, vác cái bình nhỏ xíu đựng được ít thôi. Vì vô minh tưởng tượng ấy mà nảy nở ra biết bao trí óc bất bình đẳng phân biệt nòi giống, màu da, mạnh ai nấy được, tranh cướp lấy thật nhiều hư không về bè mình, định nô lệ hóa những loài nhược tiểu! Rốt cuộc hư không chẳng cướp được, chỉ cướp được cái bình nghiệp báo thật to. Than ôi! Chiến tranh chưa kết liễu, bình đã vỡ, thân đã tàn. Hư không Phật tính của người nào vẫn nguyên vẹn của người ấy, chẳng ai cướp được của ai một tí nào!
Vì muốn diệt khổ bất bình, chiến tranh, tai nạn do chúng sinh mê muội trong 7 thú đã tạo ra, nên Phật Thích Ca phải giáng sinh vào thế gian ngũ ấm ô trược và nói pháp cho chúng sinh giác ngộ rằng: Phật tính của tất cả chúng sinh, của tất cả chư Phật là bình đẳng, rộng lớn như hư không, bất nhất và bất nhị. Sự nghiệp vô cùng vĩ đại của Phật và quyết định Duy Thức hóa và Tịnh Ðộ hóa cái thế gian ngũ ấm ô trược đầy bất bình: sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, chuyển nó thành thế giới thất bảo như thế giới Cực Lạc Tây phương của Phật A Di Ðà đã chuyển.
Vậy đương khi ông ngồi đây niệm Phật cầu sinh về Cực Lạc Tây phương, cách xa đây mười vạn ức Phật độ, thế mà Phật tính của ông vẫn đã ở Cực Lạc rồi, chẳng phải chờ khi ông chết, ông vác cái bình Tần Già đựng một ít hư không ở đây về Cực Lạc làm gì! Ông đừng tà kiến vô minh mê muội tưởng lầm như thế.Còn ai muốn niệm Phật cầu sinh về thế giới Ðông phương của Phật Dược Sư cách xa đây nhiều Phật độ hơn, nhiều bằng mười số cát sông Hằng, thế mà Phật tính của người ấy cũng vốn đã ở phương Ðông rồi, người ấy đừng mê muội đựng một ít hư không ở đây vào cái bình Tần Già mang đi, mang lại cho thêm phiền.
Như vậy, mỗi tiếng niệm Phật của ta ở đây đã rung cảm Phật tính của ta ở khắp mười phương rồi, tùy ý ta muốn hiện sinh ở phương nào, Phật tính của ta hiện thân ngay ở phương ấy. Thật là Bản Như Lai Tạng diệu Chân Như tính của người, của ta, của chúng sinh, của Phật bao giờ cũng thường hằng, linh thông cảm ứng với nhau vô lượng vô biên, vô cùng vô tận!
Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Ðà Phật. Nam mô Vô Biên Thân Bồ Tát Ma Ha Tát. Nam mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Người học Phật tinh thâm ai cũng biết tên tuổi ngài Trí Húc Ðại Sư là một lãnh tụ trong giới Thiền tông. Từ miệng Ngài đã nói ra: “Khi Húc mới xuất gia, tự phụ là Thiền Tông, khinh miệt các giáo môn khác, dám nói rằng: ‘Phép Niệm Phật riêng cho người trung căn và hạ căn’. Về sau, nhân vì đau nặng mới phát tâm cầu về Tây Phương, mới chịu nghiên cứu các sách: Diệu Tông, Viên Trung, Vân Thê Sớ Sao, mới biết phép Niệm Phật Tam Muội thực quý giá vô ngần, mới chịu hết lòng niệm Phật với một sức mạnh bằng vạn con trâu kéo không lại.
Một ông bạn tu Tịnh Ðộ của tôi là ông Khứ Bệnh, ông muốn cho ý nghĩa lớn lao của kinh này được rất rõ rệt, mà lời giảng đừng rậm quá, ông yêu cầu tôi trước thuật một Yếu Giải, tôi cũng muốn cùng với các hữu tình trong Pháp giới cùng sinh về Cực Lạc, nên tôi không từ chối, cầm bút viết luôn từ ngày 27 tháng 9 năm Ðinh Hợi, đến mồng 5 tháng 10 vừa xong, tất cả mất chín ngày. Tôi mong rằng mỗi câu, mỗi chữ là một môn tư lương, mỗi người thấy, mỗi người nghe cùng lên ngôi Bất Thoái, người tin, người nghe cùng gieo giống Bồ Ðề, người chê, người khen cùng về nơi Giải Thoát.
Tôi ngửa trông chư Phật, Bồ Tát nhận lấy và chứng minh cho, các bạn đồng học tùy hỷ giúp sức. Kinh Phật nói rằng: ‘Ðời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người tu đắc đạo; chỉ còn nhờ phép Niệm Phật mới được độ thoát’. Than ôi! Nay chính là đời Mạt Pháp rồi mà bỏ pháp môn Niệm Phật này thì còn có pháp môn nào tu học được nữa?”
Trên đây là lời văn kết luận trong sách kinh A Di Ðà Yếu Giải của ngài Trí Húc Ðại Sư. Riêng về phần tôi, trước đây hơn 20 năm, tôi phát tâm học Phật, tôi cũng tự phụ có đủ thông minh tu học được Thiền tông, tuy không có thầy, mà cũng mon men vào cửa ải ấy. Phúc cho tôi quá, ngày 26 tháng 3 năm Canh Thìn (Mai 1940), tôi được gặp ngài Thái Hư Ðại Sư qua chơi Hà Nội, tôi đến bái yết Ngài trong một khách sạn, tôi hỏi Ngài về Thiền Tông. Ngài nói: “Tôi xét thấy ở Việt Nam, cư sĩ đã tu Tịnh Ðộ rồi, thế là hay hơn cả. Vả chăng, tu Tịnh Ðộ đến chỗ niệm Phật nhất tâm bất loạn thì Thiền Tông của ngài Quán Thế Âm, hay của ngài Ðại Thế Chí đều ở cả trong chỗ ấy rồi”.
Tôi liền quy y Ngài và xin Ngài cho nghe thế nào là có nhiều thiện căn, nhiều phúc đức để sinh về Cực Lạc. Ngài nói: “Thông thường, nghĩa thiện căn là tâm Bồ Ðề mình có 5 căn: Tín, Tiến, Niệm, Ðịnh, Huệ. Phép tu Tịnh Ðộ là một pháp môn rất khó tin. Người nào có tâm tin sâu mới chịu dốc lòng phát nguyện đi sinh sống ở Tịnh Ðộ, chỉ người ấy mới có đủ thiện căn (bắt đầu đã có Tín căn và Tiến căn rồi). Lại thêm có tâm niệm Phật luôn luôn không ngừng, là có Niệm căn. Niệm mãi rồi có cái tâm nhất định là Ðịnh căn. Thế là 5 thiện căn, đã có bốn, chỉ còn chờ đón ngày đi sinh sang Tịnh Ðộ, nếu có thể thì trước khi sang, là ngày tỏ ngộ được “vô sinh”, ấy là Huệ căn. Thế là 5 căn đầy đủ cả.
Trong khi tu tập năm căn ấy; lại tu thêm các món tư lương Bồ Ðề là tu những phép: Trì Giới, Nhẫn Nhục, Bố Thí v.v… cho có được nhiều duyên phúc đức, thì mới đúng với cái nghĩa: “Ða thiện căn, đa phúc đức nhân duyên, đắc sinh bỉ độ”.Nghe xong, tôi sung sướng, không dám ngồi lâu nữa, cho được nghe thế là đại phúc rồi, liền cáo từ. Ngài nói: “Tôi biết cư sĩ là một đạo khí, khi về nước có pháp bảo sẽ gởi tặng sau. Chúc cư sĩ vào Như Lai Tạng đem ân huệ Phật nhuần thấm sinh linh”.
Lại một hạnh phúc, tôi không nhớ vì đâu, có lẽ là của một bạn hiền đem biếu, trong tủ kinh tôi có một quyển KinhDi Ðà Yếu Giải, tôi đọc qua một lần như người mới tìm thấy vật báu của mình mất đã nhiều đời. Tôi phát tâm dịch ra Việt văn để cống hiến đồng nhân; vì ít phúc duyên, từ đấy đến nay vẫn không dịch được. Nay tôi họp anh em lại diễn giảng sách ấy, mong có người nối chí và giúp sức, nhưng chưa gặp ai, một thân vừa già vừa đau, tôi cầu nguyện cho thân tôi được bệnh tật tiêu trừ, nhất là cái cố tật Vô Minh; thời gian tao loạn cấp lắm, lần này tôi phải gắng hết sức dịch cho xong. Ngửa mong chư Phật, Bồ Tát phù trì và các vị thiện tri thức tùy hỷ gia bị, ngõ hầu cùng với hết thảy người nhất tâm tín nguyện niệm “Nam mô A Di Ðà Phật” cùng về Cực Lạc Tây Phương.
Trước khi dịch kinh này và để các vị chứng minh phép tu Tịnh Ðộ cao quý và chắc chắn hơn phép tu Thiền Tông, tôi hãy dịch, của ngài Vĩnh Minh Thọ thiền sư, là một vị đại đức trong Thiền Tông mà cũng phải tu Tịnh Ðộ. Bốn bài kệ của Ngài như sau này:
Có Thiền tông, có Tịnh Ðộ, Như thêm sừng cho mãnh hổ. Ðời hiện tại làm thầy người, Ðời vị lai làm Phật, Tổ. Có Thiền tông, không Tịnh Ðộ, Mười người tu, chín người rớt Ấm cảnh nếu thấy hiện ra, Chỉ chớp mắt là theo nó. Không Thiền tông, có Tịnh Ðộ Vạn người tu, vạn người đỗ (đắc). Ðã được thấy A Di Ðà, Còn lo gì chẳng khai ngộ. Không Thiền Tông, không Tịnh Ðộ, Ðịa ngục đêm ngày đau khổ Muôn đời nghìn kiếp còn lâu, Nhờ cậy ai, ai tế độ?
CHÁNH VĂN Nguyên là chư Phật thương xót lũ người mê, phải tùy cơ của mỗi người mà bố thí cho lời giáo hóa.Ðưa người tới đích, tuy chỉ có một đích thôi, mà dùng phương tiện để đưa đi, tất phải dùng nhiều phương tiện. Trong hết thảy các phép phương tiện, tìm lấy một phép rất thẳng, rất mau, rất tròn, rất chóng, thì không phép nào bằng phép “niệm Phật cầu sinh Tịnh Ðộ”. Lại trong các phép niệm Phật, tìm lấy một phép giản dị, rất ổn đáng thì không phép nào bằng phép “tín, nguyện, chuyên trì danh hiệu”. Thế cho nên ba bộ kinh nói về Tịnh Ðộ đều có lưu hành, mà cổ nhân chỉ chọn lấy một bộ kinh A Di Ðà làm khóa tụng hàng ngày. Thế chẳng phải là một phép Trì Danh ấy hợp với tất cả ba hạng người: thượng căn, trung căn, và hạ căn, tóm thâu được cả phần Sự, phần Lý không còn thiếu sót. Cả Thiền tông và các giáo môn khác cũng không thể ra ngoài được phép Trì Danh này. Thực là một phép chẳng khá nghĩ bàn vậy.
Về việc chú thích và giải nghĩa kinh này, thời đại nào cũng không thiếu người, nhưng còn để lại ở đời không có mấy. Bộ sách Sớ Sao của ngài Vân Thê thì rộng lớn tinh vi, bộ Viên Trung Sao của ngài U Khê thì cao cả sâu rộng, như hai vầng mặt trời, mặt trăng ở giữa trời, ai có mắt mà chẳng thấy rõ. Chỉ vì văn chương giàu có lắm, nghĩa lý phồn thịnh nhiều không bờ, không bến chẳng ai đo lường được, đến nỗi những người mới học, biết ít, khó bề ngoi lên để mở lòng tin và phát nguyện. Cho nên tôi chẳng quản ngu hèn, lại trước thuật sách Yếu Giải này, chẳng dám cùng với hai ông cạnh tranh mà lập dị, và cũng chẳng dám cố ép cho được đồng ý với hai ông.Trước hết, tôi rút ở trong những câu văn của bộ kinh này, lấy 5 tầng nghĩa lý huyền vi mà giải thích:
I. Thích nghĩa rõ cái tên đề của bộ kinh. II. Biện luận thể chất của bộ kinh. III. Nói rõ tôn chỉ của bộ kinh. IV. Nói rõ lực dụng của bộ kinh. V. Nói về giáo tướng của bộ kinh.
(Lời người dịch:Ðọc tụng bộ kinh này, phải biết rõ năm tầng nghĩa huyền vi ấy thì người tu mới thấy có hiệu nghiệm và đắc đạo)…
TRÍCH ĐOẠN:
NGŨ TRÙNG HUYỀN NGHĨA (NĂM TẦNG NGHĨA HUYỀN VI)
I.- Thích rõ nghĩa cái tên đề của bộ kinh Bộ kinh này dùng người nói ra kinh và người bị nói đến trong kinh để đặt thành cái tên đề của bộ kinh là “Phật thuyết A Di Ðà kinh”. Chữ “Phật” ở đây nghĩa là gì? Chữ “Phật” ấy là đức giáo chủ, người nói ra bộ kinh này, tức là đức Thích Ca Mâu Ni, Ngài theo sức mạnh của lời thề nguyện và lòng thương xót hết thảy, mà Ngài giáng sinh vào trong đời đầy cả năm uẩn độc ác. Ngài là người giác ngộ trước tiên, Ngài giác ngộ cho người sau cũng giác ngộ như Ngài; không có một pháp nào mà Ngài chẳng biết rõ, thấy rõ.
Chữ “thuyết” là Ngài vui lòng mà nói ra. Phật lấy việc cứu độ chúng sinh làm vui lòng nhất. Cơ hội chúng sinh được thành Phật đã đến rồi, nên Ngài mới nói cái phép tu rất khó tin này cho mà nghe, để cho chóng được giải thoát rốt ráo, cho nên Ngài rất vui lòng mà nói. Chữ “A Di Ðà” là tên của đức Ðạo Sư ở quả đất bên kia, là người bị nói đến trong bộ kinh này, tức là đức A Di Ðà người đã dùng 48 lời thệ nguyện để tiếp dẫn những chúng sinh có lòng tín, nguyện, niệm Phật cho sinh về thế giới Cực Lạc, được vĩnh viễn lên ngôi Bất Thoái.
Chữ “A Di Ðà” là tiếng Phạn (Brahma) ở Ấn Ðộ, nguyên âm đọc là Amita, dịch nghĩa ra chữ Hán là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, nghĩa là “sống lâu vô cùng, sáng suốt vô cùng”. Nhưng nói tóm lại thì Ngài còn có rất nhiều công đức đều là vô cùng, vô tận, vô lượng, vô biên, như là: trí tuệ, thần thông, đạo lực, y báo trang nghiêm, thuyết pháp, giáo hóa, tế độ v.v… cái gì cũng vô lượng, vô biên cả. Chữ “kinh” thì tất cả những lời vàng do Phật nói ra đều là Kinh. Chữ “kinh” là phần Thông, đối với 5 chữ “Phật thuyết A Di Ðà” ở trên là phần Biệt. Cả hai phần hợp lại mà thành ra cái tên của bộ kinh này. Mỗi bộ kinh phải có đủ ba phần: phần giáo, phần hình và phần lý; phần nào cũng có cả Thông và Biệt, muốn hiểu biết, xem bộ Thai Tạng sẽ rõ.
II. Biện luận về thể chất của bộ kinh Kinh Ðại Thừa nào cũng phải lấy Thực tướng làm thể chất chính của bộ kinh. Thực tướng là cái gì? Thực tướng là tâm tính của con người ta. Tâm tính của con người ta nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng). Ðối với không gian nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Ðối với thời gian, nó chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Ðối với mầu sắc, nó chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng… Ðối với hình thức, nó chẳng phải dài, ngắn, vuông, tròn… Ðối với phẩm chất, nó chẳng phải Hương, chẳng phải Vị, chẳng phải Xúc, chẳng phải Pháp… Tìm nó mãi chẳng thể thấy được, mà chẳng khá bảo rằng nó là cái không thực có; nó tạo ra được đủ 100 pháp giới, 1.000 cái Như Thị, mà chẳng khá bảo rằng nó là cái thực có.
Nó không phải là hình tướng của những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, bằng chữ viết, câu văn; thế mà những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, chữ viết, câu văn đều không có tự tính nếu không có nó. Tóm lại, nó chẳng phải là hết thảy mọi hình tướng, mà nó tức là hết thảy mọi pháp (mọi sự, mọi vật). Vì nó chẳng phải là mọi hình tướng, cho nên nó không có hình tướng; nhưng nó tức là mọi pháp cho nên hình tướng nào nó cũng có. Bất đắc dĩ, chẳng biết gọi nó là gì, phải miễn cưỡng gọi nó là “Thực tướng” vậy. Thể chất của Thực tướng chẳng phải yên lặng (tịch), chẳng phải soi sáng (chiếu), lại vẫn yên lặng mà thường soi sáng, vẫn soi sáng mà thường yên lặng (tịch chiếu, chiếu tịch).
Vì nó soi sáng mà yên lặng, nên miễn cưỡng gọi nó là chỗ ở Thường Còn, Yên Lặng, Sáng Ngời (Thường Tịch Quang Ðộ). Vì nó yên lặng mà soi sáng, nên miễn cưỡng gọi nó là Thân Pháp Tính Trong Sạch (Thanh Tịnh Pháp Thân). Lại còn, nó vừa Chiếu và Tịch, nên miễn cưỡng gọi nó là Pháp Thân; nó vừa Tịch vừa Chiếu, nên miễn cưỡng gọi nó là Báo Thân. Lại còn, trong nó có hai Ðức, một đức về phần Tính và một đức về phần Tu. Tu đức của nó cũng vừa Tịch vừa Chiếu, nên gọi nói là Báo Thân. Lại nữa, Tu đức của nó vừa Chiếu vừa Tịch, nên gọi là Thụ Dụng Thân. Tu đức của nó vừa Tịch vừa Chiếu nên gọi là Ứng Hóa Thân.
Phần Tịch, phần Chiếu chẳng phải là hai. Phần Tính, phần Tu chẳng phải là hai. Thân với Ðộ chẳng phải là hai. Cái gì cũng là Thực tướng cả. Thực tướng không phải là hai, cũng không phải là chẳng hai. Bởi thế, cho nên có khi toàn thể cái Thực Tướng ấy, cái thì tạo ra y báo, cái thì tạo ra chính báo, cái thì tạo ra Pháp Thân, cái thì tạo ra Báo Thân, cái thì tạo ra tự mình, cái thì tạo ra kẻ khác v.v… cho đến có khi: cái thì tạo ra người Năng Thuyết, cái thì tạo ra người Sở Thuyết, cái thì tạo ra người Năng Ðộ, cái thì tạo ra người Sở Ðộ, cái thì tạo ra Năng Tín, cái thì tạo ra Sở Tín, tạo ra Năng Nguyện, Sở Nguyện, Năng Trì, Sở Trì, Năng Sinh, Sở Sinh, Năng Tán, Sở Tán v.v… cái gì cũng là “nét in” của “con dấu” Thực tướng đã in ra cả.
(Lời người dịch: Ý nghĩa huyền bí của tầng thứ hai này là: Tất cả những cái gì nói ở trong bộ kinh A Di Ðà đều là những cái do Thực tướng tâm tính Bồ Ðề của con người ta hay là của chư Phật, hay là của chúng sinh đã tạo ra tất cả. Tức là cái nghĩa huyền bí ở trong câu: “Nhất thiết duy tâm tạo” ở kinh Hoa Nghiêm, hay là ở trong câu: “Thị chư Pháp Thực Tướng” ở kinh Pháp Hoa, hay là ở trong câu “nhất thiết duy tâm sở hiện” ở kinh Thủ Lăng Nghiêm. Vậy chỉ có tâm Bồ Ðề của con người là Chính Thể của tất cả kinh Ðại Thừa. Hiểu được huyền nghĩa này, các kinh sẽ hiểu).
(1) Chỗ này người tu học phải để ý nghiền ngẫm sâu xa lắm mới hiểu được, đừng có cho là lời nói suông, xem qua rồi bỏ đấy. Thể chất chính là cốt tủy của bộ kinh, ý nói kinh Ðại Thừa nào cũng phải lấy cái Thực tướng là tâm tính của con người làm cốt tủy. Tâm tính đây là tâm tính Bồ Ðề chân thực, sống lâu sáng suốt vô cùng tận, tràn đầy khắp mười phương ba đời vô tận, vô biên, chứ không phải là cái tâm tính vọng tưởng nghĩ lăng xăng suốt đêm ngày ở trong trái tim, khối óc.
(2) Chữ Hán là: “Ngô nhân hiện tiền nhất niệm tâm tính”.
(3) Trong vũ trụ này có 10 pháp giới: một giới Phật và 9 giới chúng sinh là: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, nhân, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Mỗi một Thực tướng tạo ra được đủ mười pháp giới. Mỗi một pháp giới phải có 10 mầm mống pháp giới ở trong, thế là 10 pháp giới mà thành ra 100 pháp giới. Như tôi là “người – nhân” thì trong tôi phải có đủ cả 10 cái mầm pháp giới. Siddhartha là Phật thì trong Phật cũng phải có đủ cả 10 cái mầm pháp giới, còn 8 pháp giới kia cũng thế.
(4) Ðộ là cõi đất, nghĩa rộng là cái chỗ để yên thân, cho nên đã có thân thì phải có độ là chỗ để yên thân.
(5) Thân là cái thân con người. Ðộ là cái chỗ để ở yên thân.
(6) Năng thuyết là người nói ra kinh này, tức là Phật Thích Ca.
(7) Sở thuyết là người bị nói đến ở trong kinh này, tức là Phật A Di Ðà.
(8) Năng độ là người có năng lực cứu độ, tức là chư Phật.
(9) Sở độ là người được độ, tức là chúng sinh.
Năng tín là cái tâm mình tin tưởng. Sở tín là cái pháp mình tin tưởng. Năng nguyện là cái tâm mình phát nguyện phải làm cho được, tức là mình quyết định bỏ ác ở Ta Bà, làm thiện ở Tịnh Ðộ. Sở nguyện là nơi mình sở thích ở, tức là thế giới Cực Lạc. Năng trì là 3 nghiệp thân, miệng, ý của mình vì nó cùng chấp trì được danh hiệu Phật. Sở trì là danh hiệu Phật bị chấp trì. Năng sinh là ba món tư lương: “tín, nguyện, hạnh” để cho mình đi đường sinh Tịnh Ðộ. Sở sinh là bốn cõi Tịnh Ðộ: “Thường Tịch Quang, Thực Báo Trang Nghiêm, Phương Tiện Thánh Cư và Cực Lạc Ðồng Cư”, là nơi mình được sinh sang. Năng tán là người hay khen ngợi, tán thán, tức là Phật Thích Ca và chư Phật ở khắp mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Sở tán là phần độ Y Báo và phần thân Chính Báo của đức A Di Ðà được tán thán, khen ngợi.
Lại còn, chữ Tịch là cái thể chất yên lặng của Thực tướng; chữ Chiếu là cái thể chất soi sáng của Thực tướng. Pháp Thân là cái thân Pháp Tính, giác quan của loài chúng sinh chẳng thể nào cảm thấy được. Báo Thân là cái thân quả báo tốt lành, bởi công đức tu hành kết lại mà hiện ra. Thụ Dụng Thân là cái thân để cho mình thụ dụng, hay để cho người khác thụ dụng. Ứng Thân là cái thân ứng hiện và biến hóa ra để cứu các loài chúng sinh…
MỤC LỤC:
KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI KINH KIẾN CHÍNH KINH 42 CHƯƠNG KINH DI GIÁO BÀI CẢNH SÁCH CỦA TỔ QUY SƠN