Quy Nguyên Trực Chỉ là một trong số rất ít tác phẩm văn học Phật giáo được truyền lại từ cách đây cả ngàn năm. Mặc dù mục đích chính của sách này là khuyên người tu tập, làm lành lánh dữ, niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng với văn tài của các tác giả, tập sách này đã thực sự có được một giá trị văn chương rất độc đáo. Sách ra đời vào triều đại Nam Tống của Trung Hoa, có lẽ đã được soạn trong khoảng cuối thế kỷ 11. Nhờ được lưu giữ trong Đại tạng kinh, nên văn bản có thể nói là khá hoàn chỉnh, không có nhiều nghi vấn. Ngược lại, một số đoạn văn trích dẫn trong sách này còn gợi ra những vấn đề khá thú vị cho việc nghiên cứu. Chẳng hạn, có đoạn dẫn sách Tam giáo pháp số cho biết chính xác Lão tử sinh vào năm 605 trước Công nguyên. Dĩ nhiên, chúng ta không thể tin chắc vào một trích dẫn đơn thuần như thế này, nhưng với một vấn đề đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu từ nhiều năm nay như niên đại của Lão tử, thì đây rõ ràng là một thông tin hết sức thú vị. Hoặc như bản kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ bái được khắc in nguyên vẹn trong sách này lại hoàn toàn khác hẳn với bản kinh cùng tên do ngài An Thế Cao dịch được lưu giữ trong Đại tạng kinh... 
Với giá trị văn chương phong phú cũng như nội dung chứa đựng nhiều tư tưởng, lập luận sâu sắc, chúng tôi tin rằng bản dịch được giới thiệu lần này kèm theo nguyên tác Hán văn sẽ đóng góp được phần nào cho công việc nghiên cứu cũng như sự tu tập hành trì Phật pháp. Bản Việt dịch và chú giải đầy đủ được in kèm cả nguyên tác Hán văn trong lần xuất bản này. Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo, với những áng văn trác tuyệt được sáng tác bởi những bậc thầy văn chương nổi tiếng thời bấy giờ như Tô Đông Pha, Long Thư cư sĩ, Thừa tướng Trịnh Thanh Chi, Thiền sư Trương Lô Trạch, Thiền sư Phật Ấn... tác phẩm này đã trở thành một vốn quý cho những ai muốn tìm hiểu về văn chương Phật giáo. 
Lời Tựa Sách
Tôi thường suy nghĩ: Chỗ lợi hại trong việc tu hành có bốn điều. Một là thầy dạy không sáng suốt, tà kiến phát triển, làm mất đi sự chân thật. Hai là không thực hành theo giới luật, khiến cho giềng mối rối loạn, phạm vào những điều nghiêm cấm. Ba là không thấu hiểu giáo lý, biện luận sai lệch ý nghĩa, làm cho kẻ khác mê lầm. Bốn là không tu các hạnh nguyện, mê lạc vào đường tà, rơi xuống đường ma. Do những điều ấy mà rất nhiều nghĩa lý bị rối loạn, sửa đổi, làm cho những kẻ hậu học phải như đui như điếc, không còn thấy nghe được Chánh pháp, thật đáng xót thương thay!
Ôi! Đạo Tổ từ lâu đã không truyền nối, muốn cho người ta không lầm lạc thật là rất khó!
Nhất Nguyên này tuy chẳng đủ tài trí nhưng thật sự có lòng thương xót, nên cố sức tìm cầu trong Chánh giáo, đọc khắp các bản văn hay, rồi theo đó mà xác định lại tông chỉ chân chánh, trừ phá những luận thuyết sai lệch. Nhân đó mà soạn ra quyển sách này, với mục đích phân biện rõ ràng mọi lẽ chánh tà, rộng khuyên mọi người cùng gắng sức tu trì.
Trích “Quyển Thượng – Chánh tín Niệm Phật sẽ được vãng sanh:
Sách Liên Tông Bảo Giám nói rằng: “Tâm thể chính là cõi Cực Lạc trải khắp mười phương. Tự tánh là đức Di-đà tròn đầy trí giác. Mầu nhiệm ứng theo thanh sắc nơi ngoại cảnh, tỏa sáng nơi tự tâm. Bởi vậy, bỏ mê vọng liền về chân thật, thẳng lìa trần ai tức là giác ngộ.”
“Thuở trước ngài Pháp Tạng phát lời nguyện lớn, khai mở con đường nhiệm mầu sang Cực Lạc. Cho nên đức Thế Tôn mới chỉ về phương Tây mà dạy cho bà Vi-đề-hy biết rõ cõi diệu huyền. Khi ấy, mười phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài mà xưng tán. Nên báo trước rằng khi các kinh khác đều đã mất, sẽ chỉ riêng lưu lại bộ kinh A-di-đà.
“Bởi vì, tâm hỷ xả làm lợi ích chúng sanh càng nhiều thì lượng từ bi ứng hóa càng thêm lớn. Giáo pháp phân chia chín phẩm, riêng mở phép tu này làm phương tiện; một lòng xét rõ, thật đây là nẻo tắt quay về nguồn cội. Thánh phàm gặp gỡ là duyên, như khách phương xa trở về quê cũ; cảm ứng giao thông là đạo, như trẻ thơ quấn quít mẹ hiền.
“Những ai mê muội không hiểu rõ lý này, đối trước ngoại cảnh thảy đều lầm lạc; những ai có lòng tin trọn vẹn, mọi sự ắt đều hiểu thấu. Huống chi lại còn được sức nguyện lực khôn lường của đức Phật, phóng hào quang từ bi tiếp độ, như thuyền xuôi theo nước, chẳng cần nhọc sức; cửa đẩy cối rơi, quyết chắc như vậy. Đã lập nguyện tất được đón về; không cơ duyên nào không ứng tiếp. Như tảng đá nặng nhờ thuyền có thể nổi trên mặt nước; như lửa địa ngục có thể nhờ sức niệm Phật mà tức thì diệt mất. 
“Hàng Bồ Tát, Thanh văn vãng sanh về cõi ấy số nhiều không kể xiết. Bậc hiền thánh từ trước về sau, người đắc đạo có thể thấy biết rất nhiều. Chim anh vũ, tần-già mà còn diễn xướng pháp âm; nên những loài biết bay biết chạy, hẳn đều được nhờ ơn lành giáo hóa.
“Cảnh giới bậc thánh vốn không hư vọng; lời Phật nói ra không thể sai lầm. Vì sao lại chìm đắm giữa giòng sông ái luyến cuộn sóng mà chẳng biết lo; ở trong căn nhà lửa cháy bừng đốt thiêu hoài mà không sợ? Lưới si mê dày đặc, lưỡi gươm trí huệ nếu không sắc bén làm sao chém phá? Mối nghi ngại trồng sâu, đức tin nếu cạn cợt dễ đâu nhổ bỏ? Vậy nên cuối cùng rồi cam tâm nhụt chí, đành lòng mà nhận lấy tai ương. Với cõi thanh tịnh lại chê bai, với đời phiền não thì tham luyến!
“Bướm thiêu, kén cháy, toàn chốn tai ương; cá vạc, chim lồng, lấy làm khoái lạc! Thảy đều là do ác nghiệp nặng hơn căn lành; gốc tội sâu hơn đức tin.
“Cho nên ba cõi mênh mang, bốn loài lăn lộn. Thảy đều vì tham sống mà lận đận, nào biết đường về? Cuối cùng đều theo nghiệp mà lao đao, chẳng lo tìm cách thoát ra. Chết đi sống lại trong quá khứ đã vô số kiếp, đường luân hồi sắp đến cũng lâu xa không sao tính hết!
“Nếu chẳng nhờ duyên lành thuở trước, dễ đâu gặp được nhân này? Trống đánh mở cửa ngục tù, nên mau ra khỏi; gặp thuyền vớt nạn trầm luân, chớ nên chậm chạp. Kính thuận lời vàng, khéo nương học Phật. Những ai chẳng nghe, chẳng hiểu, thật đáng xót thương! Huống chi, cõi ác có năm món ô trược này, lửa đốt bốn bề, muốn được nhờ cứu vớt ra khỏi, duy chỉ có Phật mà thôi!
“Đã được nghe pháp nhiệm mầu, nên trồng lấy duyên thanh tịnh. Một niệm thành tín, muôn đức do đó vun bồi. Dù như hiền triết thuở xưa, cũng khó gặp được pháp chân thường. Mong sao mọi người đều theo như lời dạy, kính cẩn vâng làm, hết lòng đảnh lễ tin nhận.”
Hỏi: Nói là tin, nhưng chưa biết tin ở pháp môn nào?
Đáp: Tin ấy là dựa vào Phật thuyết trong kinh: Niệm Phật nhất định sanh về Tịnh độ. Tin niệm Phật, chắc chắn diệt được tội lỗi. Tin niệm Phật, chắc chắn được Phật hộ trì. Tin niệm Phật, chắc chắn được Phật chứng biết. Tin niệm Phật, khi lâm chung chắc chắn được Phật tiếp độ. 
Tin niệm Phật vãng sanh, chắc chắn được địa vị không thối chuyển. Tin niệm Phật sanh Tịnh độ, chắc chắn không đọa vào ba nẻo dữ. Vì vậy mà khuyên nên tin niệm Phật, tin nhận pháp này, thường niệm như thế này, chắc chắn được vãng sanh Tịnh độ.
Bởi vậy cho nên ba đời chư Phật, chư đại Bồ Tát, các đời Tổ sư tu các công hạnh, đủ nguyện lực lớn, vào cảnh giới của Phật, thành tựu quả Bồ-đề, chưa có ai chẳng nhờ nơi một chữ tin ấy mà được vào.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là gốc của đạo, sanh ra các công đức. Lòng tin có thể nuôi lớn các căn lành. Lòng tin có thể vượt khỏi các đường ma. Lòng tin có thể đắc nhập vào đại định. Lòng tin có thể giải thoát khỏi biển sanh tử. Lòng tin có thể thành tựu quả Phật Bồ-đề.”
Than ôi! Người đời nay biết ăn chay, tin vào việc giữ giới, mà chẳng tin pháp niệm Phật; tin thờ Phật mà chẳng tin việc vãng sanh Tịnh độ. Như vậy đều là tự mình bỏ mất đi một điều lợi lớn!
Cho nên kinh Duy-ma nói rằng: “Lòng tin sâu vững kiên cố cũng như chất kim cang.” Muốn đến cõi Tây phương, trước hết phải do lòng tin sâu vững. Hãy nhìn xem nơi các cõi thế giới thanh tịnh, chư Phật số đông như cát sông Hằng, thảy đều là những người trước đây đã từng gieo nhân chánh tín… 
Mục Lục
Lời Nói Đầu
Lời Tựa Sách Quy Nguyên Trực Chỉ
Quyển Thượng - Chánh tín niệm Phật sẽ được vãng sanh
- Tôn sùng Tam bảo và giáo pháp
- Hiếu dưỡng và báo ơn cha mẹ
- Trên đường cầu thầy học đạo
- Bài văn qui kính chỉ rõ phép tham thiền
- Chỗ khó dễ của phép tu thiền và Tịnh độ
- Phân biệt lẽ chánh tà để dứt lòng nghi
- Khuyên người phát nguyện, quyết định vãng sanh
- Bài kệ dạy người niệm Phật, phát nguyện
- Đại sư Trí Giả khuyên người chuyên tu tịnh độ
- Thiền sư Vĩnh Minh Thọ răn người đừng khinh Tịnh độ
- Thiền sư Trương Lô Trạch khuyên tu Tịnh độ
- Long Thư Vương cư sĩ khuyên người Tịnh độ
- Thừa tướng Trịnh Thanh Chi khuyên tu Tịnh độ
- Biện minh thuyết Tịnh Độ của Lục Tổ đại sư
- Các vị Tổ sư hướng về Tịnh độ
- Các kinh hướng về Tịnh độ
- Luận về nguyên nhân, sự, lý của việc niệm Phật
- Bài văn khuyên giữ gìn khẩu nghiệp
Phụ Lục
Trăm Bài Thơ Vịnh Tây Phương
Quyển Trung
- Tam giáo hướng đến giáo hoá cuộc sống tốt đẹp
- Độc Phong Thiện Thiền sư: Tam giáo đồng một lý
- Diêu thiếu sư: Phật pháp không thể diệt mất
- Luận về Tam giáo một cách công bằng
- Luận trừ những chỗ sai lầm
- Tam giáo dạy về chân như bổn tánh
- Đông Pha học sĩ thuyết về việc ăn uống
- Bài văn giới sát của Tổ sư Ưu Đàm
- Văn giới sát của Thiền sư Phật Ấn
- Văn giới sát của Thiền sư Chân Yết
- Văn giới sát của Tổ sư Phổ Am
- Răn việc sát sanh để cúng tế trời đất
- Con hiếu thờ cha mẹ không sát sanh
- Răn việc giết thịt đãi khách
- Răn việc giết hại để sanh nở được an ổn
- Răn sát sanh trong việc mừng sanh nhật
- Răn việc sát sanh để cầu được thỏa nguyện
- Răng việc sát sanh cầu quỷ thần cứu nạn
- Răn việc giết hại vì người chết
- Răn việc giết hại trước khi cầu siêu, trai giới
- Lòng từ bi không giết hại, thường phóng sanh
- Rộng khuyên tất cả mọi người đừng giết hại
- Thân là cội khổ, giác ngộ sớm tu
- Văn cảnh tỉnh của Thiền sư Vĩnh Minh Thọ
- Dứt sạch lòng nghi, tu theo Tịnh độ
- Ba vị Đại Thánh dứt lòng nghi cho người
- Thiền sư Vạn Tông chỉ thẳng đường tu
- Lược nói về ba hội Long Hoa
- Những lời cốt yếu trong sách Tông kính
- Bài văn lễ Phật và phát nguyện
- Tu Tịnh độ thành Phật
Quyển Hạ
- Biện minh lẽ dị đoan
- Biện minh về học thuyết Dương, Mặc
- Biện minh ý nghĩa hư vô tịch diệt
- Biện minh về quỷ thần
- Biện minh việc trời đánh
- Các vị vua quan và danh nho học Phật
- Các nhà Nho học Phật
- Học Phật bài bác Phật
- Nghe theo người khác bài bác Phật
- Phá trừ ý kiến không tin nhân quả
- Phá trừ ý kiến không tin địa ngục
- Nói về địa ngục, luân hồi và súc sanh
- Nói về việc đầu thai thác sanh luân chuyển
- Biện minh định nghiệp của Lương Võ đế
- Biện minh ranh giới các cõi đông tây
- Biện minh kinh điển của Tam giáo
- Biện minh chỗ chí đạo trong Tam giáo
- Biện minh chỗ hơn kém trong Tam giáo
- Biện minh việc đản sanh của ba vị Thánh nhân
- Biện minh về tinh, khí, thần
- Lìa hình tướng, rõ chân tánh, vãng sanh Tịnh độ
- Thân tuy xuất gia, chẳng cầu Tịnh độ
- Bùi Tướng quốc luận việc thân tâm là hư giả
- Cư sĩ Long Thư bàn về sự dâm dục và giết hại
- Lý và sự tức thời trọn vẹn
- Làm người quân tử
- Luận về cái tình thường
- Bàn về nhân, quả nhỏ nhặt
- Hai vị thiên nhân
- Bàn về sự chuẩn bị trước
- Bàn về việc gửi kho công đức
- Bàn về ba đại kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai
- Kinh Thi-ca-la-việt lễ bái sáu phương
- Lời dạy của các vị Thái Thượng, Đông Nhạc
- Luận răn đời của Tử Hư Nguyên Quân
- Văn khuyến thiện của tiên sanh Khang Tiết
- Phương thuốc trị tâm của Đại sư Vô Tế
- Bài toát yếu khuyên thực hành nhẫn nhục
- Khuyên người tôn trọng giữ gìn giấy có chữ viết
- Khuyên tu Tây phương Tịnh độ
- Rộng khuyên việc tu trì Tịnh độ
- Chuẩn bị hành trang trên đường về Tịnh độ
- Lâm chung chánh niệm được vãng sanh
- Ba điều nghi lúc lâm chung
- Bốn cửa ải lúc lâm chung
Phụ Lục
Trăm Bài Thơ Vịnh Đời Sống Nơi Núi Sâu