Lời Người Dịch
Sách Trung Dung, một loại cổ thư của Trung Hoa có đưa ra một lộ trình tám bước mà kẻ sĩ đại phu nào muốn hoàn thiện nhân cách và kỹ năng cũng đều phải đi qua. Tám bước ấy là: cách vật, trí trị, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hai bước đầu là cách vật và trí tri; cách vật là phân tích, khám phá, mổ xẻ mọi sự kiện, sự vật trong đời sống của nhân sinh và vũ trụ để từ đó có được sự hiểu biết tường tận, khách quan một cách minh triết, nhằm đưa sự hiểu biết đến tận cùng của tri thức (trí tri). Mở đầu trang mạng điện tử (web site) của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận - một trí thức Phật tử - phần mở đầu viết: “Khoa học (trong tiếng Latin Scientia, có nghĩa là “kiến thức”, hoặc hiểu biết) là các nỗ lực thực hiện phát minh, và tăng lượng tri thức hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh. Thông qua các phương pháp kiểm soát, nhà khoa học sử dụng cách quan sát các dấu hiệu biểu hiện mang tính vật chất và bất thường của tự nhiên nhằm thu thập dữ liệu, phân tích thông tin để giải thích cách thức hoạt động, tồn tại của sự vật hiện tượng. Một trong những cách thức đó là phương pháp thử nghiệm nhằm mô phỏng hiện tượng tự nhiên dưới điều kiện kiểm soát được và các ý tưởng thử nghiệm. Định nghĩa về khoa học được chấp nhận phổ biến rằng khoa học là tri thức tích cực đã được hệ thống hóa”.
Hai ý vừa dẫn, một của Nho giáo, một của khoa học hiện đại, cả hai đều cùng khuyến khích và cũng cố nhu cầu hiếu trị của con người. Nhưng, với Lão Tử - một bậc cổ triết của Trung Hoa - thì: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi lựu tổn, dĩ chí ử vô vi”. (Đi với cái học, thì ngày càng tăng ích về tri thức, đi về với đạo, thì ngày càng gọt bỏ (tri thức thu thập được), gọt bỏ rồi lại gọt bỏ, đến không còn gì (vô vi) để bỏ. Đặc biệt là với Phật giáo, mà cụ thể là nội dung của tập sách này chừng như mâu thuẫn hoàn toàn với hai ý trên. Mâu thuẫn là vì tánh Không học là môn học (có thể nói như thế) đi sâu phân tích và tìm hiểu nguyên gốc cấu thành của thế giới vạn hữu. Để làm được điều đó đương nhiên phải sử dụng tri thức. Nhưng Phật pháp gọi tri thức như vậy là thuộc thế tục đế - tức cái đúng, cái chân lý theo nhận thức của thế tục - cần phủ định. Vì cái đúng của thế tục mang tính nhị nguyên đối đãi, nhị nguyên đối đãi hẳn phải dựa vào ý tưởng và ngôn ngữ; ý tưởng tới đâu ngôn ngữ tới đó và ngược lại. Nó hoàn toàn xuất phát từ tri thức chủ quan; tri thức chủ quan không thể hiển thị “sở chứng” của bậc Thánh giải thoát. Chỉ có trực giác giác ngộ mới thẩm nhập được “sở chứng”, và không cần thông qua ý tưởng (tri thức) và ngôn ngữ. Phật pháp nói chung, và sách này nói riêng chủ trương phân tích một cách chi li, để từ đó loại bỏ, đúng ra là vượt qua rào cản của ngữ ngôn và ý tưởng - tức thế tục đế - để ngộ nhập đạo lý không tịch Niết bàn. Bằng tinh thần đó, chúng tôi dịch tập sách Tìm Hiểu Nguồn Gốc Tánh Không Học này mong góp chút trợ duyên trong hành trình tu học của các giới học Phật. Rất mong nhận được sự nhuận chính của các bậc trí giả sau khi đọc tập sách này.
Viết tại chùa An Dưỡng - Thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái. TP. Nha Trang. Mùa Phật Đản 2557.
Thích Tâm Trí. Trích “Dẫn Luận – Không Là Đặc Chất Của Phật Pháp”:
“Tánh Không” có căn nguyên từ kinh A Hàm, được thai nghén qua luận A Tỳ Đàm (quảng nghĩa) của Bộ phái; kinh đại thừa Không tương ưng mở đầu thâm quán một cách hùng hồn sâu rộng; thánh Long Thọ là người thừa kế của sơ kỳ đại thừa, chủ yếu là “đại phần thâm nghĩa của kinh Bát nhã. Ông trực tiếp tham cứu nghĩa gốc từ kinh A Hàm, và quyết trạch ở A Tỳ Đàm, tạo dựng luận Tánh không trung đạo (duy danh). Vì vậy, nếu không đọc kinh đại thừa Không tương ưng và Trung luận thì khó mà ngộ giải được chân nghĩa của Tánh Không; bằng như không tìm cầu ở kinh A Hàm và A Tỳ Đàm luận, tựu trung không thể biết được dòng chảy lâu dài của Tánh Không, không biết được duyên khởi trung đạo của Tánh Không, vì đó chính là tâm tủy căn bản của Phật giáo.
“Không” là đặc chất sở tại của Phật pháp; Không cứ là đại thừa hay tiểu thừa, là thuyết hữu hay thuyết không, đều không thể không nói đến “Không”. Thiếu “Không” không thành được cứu cánh của Phật giáo. Mục đích chính của Phật giáo là chuyển mê khai ngộ, chuyển nhiễm hoàn tịnh, xuất phát từ hiện thực nhân sinh mà giác ngộ về muôn trùng thống khổ, không chút tự do mà kiếp con người gánh chịu. Thống khổ là do gây tạo những việc làm bất chính, hành vi sở dĩ không hợp chánh đạo là do sự hiểu biết không chính xác và đầy đủ. Do trị kiến bất chính về chân tướng của kiếp nhân sinh, nên Phật Pháp nhắm đúng vào điểm này bằng cách dùng sự thấy biết đúng như thực khám phá sự hư vọng, giúp con người xa lìa biên kiến, tà kiến và qui về trung đạo, được vậy mới có thể tự tại giải thoát. Trong Phật pháp tự tại giải thoát có thể là do ngộ lý, do tụ hành và chứng quả. Nhưng có điểm chung nhất mà vô luận là ngộ lý, là tu chứng cũng đều yêu cầu có một cuộc cách tân. Yêu cầu này đối với giải hành cố hữu bị phủ định (đại sư Thái Hư từng viết “cuộc cách mệnh đại thừa”, ấy là ông cứ vào “Không” mà lập luận). Có người cho rằng nên như vậy, người khác lại nói nên phải như vậy. Hiện nay dành cho mỗi khám phá, phủ định - và cho rằng không phải như vậy, không nên như vậy. Phủ định là nhằm biểu thị sự ngăn vọng, lìa tà, có thể dùng nhiều danh xưng để biểu thị sự ngăn vọng lìa tà, nhưng “Không” là từ ngữ thích đáng nhất.
“Không” chẳng những ngăn chặn sự hí luận hư vọng, mà còn hiển khai sự tịch diệt như thật từ sự ngộ giải và chứng nhập; ngăn tình hiển lý một cách thống nhất. Ngăn tình hiển lý không dựa vào danh cú luận biện, mà chính là qua sự thể nghiệm của tu hành thực tiễn. Bản giáo của đức Thích Tôn cùng với Đại thừa Không tương ứng Kinh và Luận Trung quán đều cùng một dạng. Tạp A Hàm, kinh 80 (y đại chánh tạng kinh biên thứ) có đoạn nói: “tâm nhạo thanh tịnh giải thoát, cố danh vi không? (tâm vui giải thoát thanh tịnh, nên gọi là không).
Tóm lại, Phật pháp cung cấp một thứ “bất chủ cố thường” một đại sư vượt hẳn thế gian. Đại sư thực tiễn này cần thấu rõ “Không”, tức đối với sự cố hữu của thế gian cần thêm một đột phá, phủ định. Không, chẳng phải là xóa sạch tất cả, mà là đào thải. Nói theo thuật ngữ hiện đại là sự “ruồng bỏ”. Cách tân tư tưởng và hành vi là nhằm đánh đổ “tính chấp” trong tâm con người, chuyển hóa tính chấp trở thành nhận thức đúng như thật trong tâm thức. Vì thế, “Không” chẳng phải là không có gì để thấy, mà ngược lại nhân vào “Không” để có thể giác ngộ hiện thực một cách tự tại, thuần thiện và thanh tịnh. Giả sử hành vi và nhận thức, tất cả đều ở hiện trạng an tịnh, người người ai cũng như vậy, thì hà tất trên cõi đời này cần gì đến Phật pháp? Cần đối diện với hiện thực để phủ định và vượt lên trên hiện thực mới nhận ra đặc chất của Phật pháp, mới thấy đặc chất của Phật pháp là tánh Không. Nên hiểu rằng đã là Phật pháp, thì không luận là Tiểu hay Đại thừa, tông này hay phái kia, tất cả đều không thể không nói đến “Không”. Nhân đấy thánh Long Thọ - một đại gia kiệt xuất - phát huy “Không nghĩa” một cách đặc biệt chính xác và tường tận.
Nhưng “Không” không hạn cuộc chỉ có Long Thọ học. Như nhà Duy thức cũng nói rõ về “Vô cảnh”, về Biến kế sở chấp là vô tánh, đấy tựu trung vẫn là không nghĩa. Học giả Thanh văn cũng minh triệt về vô ngã, vô ngã sở, vô tướng, vô nguyện, tất cả vẫn không ngoài “Không nghĩa”. Chung qui, dù ai nhấn mạnh “nhất thiết hữu” đi nữa cũng không thể không nói đến cái “Không” này. Vì vậy, chúng ta nên biết: “Không” trong Phật pháp là đại sự vô cùng biến thông, vô cùng trọng yếu, là sở cộng của đại, tiểu thừa học phái; vấn đề còn lại là do trình độ nông sâu, thiên viên, chính xác hoặc thố mậu mà thôi!... MỤC LỤC:
CHƯƠNG I
Tiết I: Phiếm Luận Không Là Tông Cực Của Phật Pháp - Không Là Đặc Chất Của Phật Pháp
- Không Tông
Tiết II: Mối Quan Hệ Không – Hữu
- Dựa Hữu Làm Rõ Không
- Biết Không Chưa Hẳn Hiểu Hữu
- Trầm Không Trệ Tịch
Tiết III: Nghiên Cứu Không Nghĩa
CHƯƠNG II
Tiết I: Tổng Thuyết
- Nguồn Gốc Không Nghĩa Từ A Hàm
- Chơn, Thực, Đế, Như
- Thế Tục Và Thắng Nghĩa
- Tư Trạch Và Hiện Quán
Tiết II: Quyết Trạch Của Không
- Vô Thường Là Đầu Mối Để Luận Về Uẩn Không
- Vô Ngã Làm Căn Bản Hư Không
- Niết Bàn Là Cõi Về Của Duyên Khởi Không
- Ngã, Pháp, Không, Hữu
Tiết III: Thực Tiễn – Thực Hành Không
- Không Và Thiền
- Không, Vô Tướng – Vô Sở Hữu
- Thiền Định Hóa Theo Thứ Lớp Không Nghĩa
CHƯƠNG III
Tiết I: Tổng Thuyết
- Tỳ Đàm Và Sự Phân Lưu Của Học Phái
- Sự Triển Khai Không Nghĩa
- Kiến Lập Nhị Đế
Tiết II: Thực Tướng Và Giả Danh
- Có Như Thực Biết Có Vô Như Thực Biết Vô
- Giả Danh Hữu
- Sự Giả Thực Của Pháp Thể
- Phân Biệt Từ Pháp Tướng Đến Danh Ngôn
Tiết III: Kết Cục Quy Về Không
- Vô Vi Thường Trụ
- Pháp Tánh Không Vô Ngã