LỜI NÓI ĐẦU (Cũng là lời tự thuật)Thời gian qua tôi từng tự nghĩ:
Ta cùng thập phương chư Phật đồng một bản chơn giác tánh, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật há chẳng từng dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đầu đầy đủ Như Lai Trí huệ đức tướng” đó ư!
Từ khi sơ thỉ có thân, không phải là ta sau chư Phật. tại sao chư Phật, các Ngài đã giải thoát tự tại, đủ vô lượng trí huệ công đức thần thông, mà ta vẫn bị buộc ràng trong vòng sanh tử, đầy vô biên phiền não tội nghiệp khốn khổ? Phải chăng là do vì chư Phật sớm chứng ngộ bản chơn, còn ta mải mê say trần dục! Thật là đáng hổ thẹn! Thật là đáng thống trách!
Tôi lại tự nghĩ:
Đã tự biết rồi, giờ đây ta phải kíp lo sao cho được giải thoát và phải giải thoát nơi đời hiện tại này. Nếu trong đời hiện đại này, mà chưa được giải thoát, đời sau quyết khó bảo đảm, và có thể vẫn loanh quanh mãi trong vòng luân hồi như những đời quá khứ thôi! Vì sao vậy? Có nhiều điều rất chướng ngại con đường giải thoát của ta ở đời sau:
1. Do phước lực tu hành hiện đời mà ta sẽ sanh lên các cõi trời ư? Trong Kinh có lời: Chư Thiên cõi Dục, vì cảnh ngũ dục quá thắng diệu dồi dào làm cho say mê, lại không có sự thống khổ làm cho thức tỉnh, nên khó phát tâm chịu nhọc chịu khổ mà tu hành đạo hạnh. Hưởng phước vui mãi mà không tu, tất có ngày hết phước mà phải sa đọa. Còn chư Thiên trong cõi Sắc và Vô Sắc lại vì mãi an trụ trong cảnh giới thiền định, khó tấn tu đạo giải thoát, lúc sức thiên định đã mãn, vẫn uy nghiêm làm kẻ luân hồi. Vĩnh Gia Thiền sư có nói: Người tu phước sanh lên các cõi trời sẽ chiêu vời quá khổ ở tương lai, như bắn mũi tên lên hư không, khi sức đã mãn tên lại rơi xuống đất. Đó là sanh lên cõi trời thời không bảo đảm giải thoát.
2. Ta sẽ được thân làm người nữa ư? Đui, điếc, câm, ngọng trên mặt địa cầu rất lắm kẻ; Mán, Mọi, dã man cũng nhiều người; biết bao xứ không Phật, Pháp, Tăng; nơi nơi đầy ngoại đạo tà giáo. Được thân người mà có một trong các điều trên đây rất khó mong tu hành chánh đạo, tất sẽ lạc vào tà ngoại. Ngoài ra, nếu ta có phước mà sẽ làm vua, làm quan, làm nhà triệu phú: “Sang giàu học đạo làm khó” Lời Phật rành rành trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Hoặc giả đời trước có tu thiền quán mà được thông minh: “Thể trí biện thông” là một trong bát mạn. Đó là chưa kể đến không biết bao nhiêu người lợi dụng sự sang giàu tài trí để gây tạo những tội ác tày trời, mà ta thường nghe thường thấy trong đời…
3. Phật nói: “Chúng sanh được thân người như đất dính móng tay, còn sa váo ác đạo như đất toàn cõi đại địa”. Sau khi ta bỏ thân này, ta dám cả quyết là không đi xuống ư? Kinh nói: “Phạm một tội nhỏ (kiết-la) phải đọa địa ngục bằng tuổi thọ của Tứ Thiên Vương”. Huống là nghiệp chướng từ vô lượng đời đến nay khó có thể lường. E rằng “Cường giả tiên khiên”, một bước trật chân chắc chắn là lăn xuống đến đáy hố sâu. Đây là điều lo sợ cho đời sau mãi mãi trầm luân.
Rồi tôi tự gẫm:
Y cứ nơi Thánh giáo: Dứt sạch tam giới kiến tư hoặc mới siêu thoát luân hồi. Nếu phiền não còn mảy may, cội gốc sanh tử còn chưa đoạn. Đây là thông luận của Đại thừa và Tiểu thừa. Riêng phần Đại thừa, được bảo đảm trên con đường siêu thoát thành Phật, tất phải vào bậc tín tâm bất thối làm đầu. Chứng bậc này, theo kinh Tín Luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ đề tâm, đặng gặp chư Phật gần gũi cúng dường, tu Bồ tát hạnh. Tu tập như vậy mãi đến đủ một vạn đại kiếp tín tâm mới thành tựu.
Nhưng tôi tự an ủi:
Đức Phật Như Lai có dạy một phương tiện siêu thắng để bảo đảm sự giải thoát mà cũng để bảo đảm vững bước đường thành Phật cho tất cả chúng sanh: Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới. Theo lời Phật, dầu là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo pháp môn này trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh; đã được vãng sanh thời siêu phàm nhập thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thối Vô thượng Bồ đề.
Nương pháp môn này, ắt là ta sẽ được toại bổn nguyện: giải thoát, thành Phật, độ sanh. Người cực ác tu được thành tựu thay, huống hồ là chưa phải là kẻ ác! Từ ngày ấy tôi lập chí kiên quyết nơi Tịnh độ và cố gắng thực hành. Tôi giao phó Pháp thân huệ mạng mình cho Đức Từ Phụ A-Di Đà Phật coi cõi cực lạc là gia hương của mình, bớt lần sự duyên để tu tâm niệm Phật…
Vì thế nên tôi không quản vụng về quê dốt gom góp những chỗ những nơi chỉ dạy về “Pháp môn Tịnh Độ”của Phật, Bồ-tát và Cổ đức, trong các Kinh các Luận chính thức, cùng diễn thuật các sự tích của Tăng, tục tứ chúng vãng sanh ở những bộ sách chánh truyền, mà tổ họp thành bộ “Đường về Cực Lạc” này.
“Đường về Cực Lạc” là con đường pháp dẫn ta và tất cả chúng sanh từ xứ ác trược ta bà về đến thế giới thanh tịnh Cực Lạc. Cũng chính là “Pháp môn Tịnh độ” nói bằng một cách khác đấy thôi… Về phần lược sử của các nhà tu Tịnh độ được vãng sanh, tôi chọn lấy những chuyện tích có ghi rõ công hạnh tấn tu, hay lời chỉ dạy xác đáng, để có thể làm quy giám cho những người phát tâm tu hành, cùng giúp thêm hạnh giải cho người đọc.
Đọc kỹ toàn bộ sách này, ngoài sự lợi ích lớn là được hiểu rõ Tịnh độ và pháp môn Tịnh độ; được phát khởi Tín, Hạnh, Nguyện; nếu ta chưa phát, tăng trưởng Tín, Hạnh, Nguyện, nếu ta đã phát thành tựu Tín, Hạnh, Nguyện, nếu đã tăng trưởng và viên mãn; nếu đã thành tựu ta lại có thể dùng đây là ông bạn tốt chỉ chỗ phải răn điều quấy trong khi ta hành đạo, vì những căn trí, tâm tánh , những trường hợp cảnh duyên, những sự thuận trơn hay những điều thắc mắc của mỗi người trong chúng ta, không nhiều thì ít, quyết định là có trúng vào các truyện tích trong bộ này. Tôi chí thành cầu nguyện bộ sách này sẽ đem kết quả tối thắng lại cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng sanh đúng như tên của nó: “Vãng sanh Cực Lạc, trụ bậc bất thối Vô thượng Bồ Đề”.
Phật lịch 2497, ngày Phật Đản (1953)
Hân Tịnh Sa-môn Thích Trí Tịnh PHÁP MÔN NIỆM PHẬTLà Thắng Phương Tiện Của Như LaiPhật dạy:
“Nếu có người nào đã phát nguyện, hiện phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật, thời các người ấy đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và hoặc đã sanh về Cực Lạc rồi, hoặc đương sanh, hoặc sẽ sanh. Xá Lợi Phất! Vì thế các thiện nam tín nữ nếu có lòng tin nên phải phát nguyện sanh về cõi đó”. (KINH A DI ĐÀ)
Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ trí huệ đức tướng như Phật không khác. Chỉ vì trái giác tánh theo trần lao, nên toàn thể trí đức chuyển thành vô minh phiền não. Rồi thuận theo phiền não gây tạo những nghiệp hữu lậu kết thành những quả báo sanh tử trong tam giới. Từ quả báo sanh tử sanh phiền não rồi lại gây nghiệp hữu lậu... Vì cớ ấy nên chúng sanh từ vô thỉ đến nay, trải vô lượng vô biên kiếp chịu khổ mãi trong vòng luân hồi sanh tử.
Vì lòng đại bi, Đức Phật xuất thế thuyết pháp độ sanh. Nguyên bổn tâm của Phật chỉ muốn tất cả chúng sanh đều thoát hẳn sanh tử luân hồi chứng viên mãn Phật đạo mà thôi. Song vì chúng sanh căn tánh lợi độn không đồng, trí ngu sai khác nên Đức Phật phải chiều theo cơ nghi mà giáo hóa. Do đó nên pháp môn của Phật nhiều đến vô lượng.
Với chúng sanh hạng lợi căn đại trí, thời Đức Phật dạy Phật thừa để đặng liền viên Phật quả. Như Thiện Tài trong pháp hội Hoa Nghiêm, Long Nữ nơi đạo tràng Diệu Pháp... Với chúng sanh hạng căn trí kém, thời Đức Phật giảng Bồ Tát thừa, Duyên Giác thừa và Thanh Văn thừa, để cho hạng ấy lần lượt tu tập, tuần tự chứng quả.
Với chúng sanh trình độ quá thấp, thời Đức Phật nói Thập thiện Ngũ giới, Thiên thừa và Nhơn thừa, cho hạng ấy nương theo để khỏi sa đọa vào ác đạo, đặng còn thân nhơn thiên mà vun bồi thiện căn lần lần. Tương lai nương nơi căn lành ấy mà tấn tu Thánh đạo; hoặc học Bồ Tát thừa tu lục độ vạn hạnh mà chứng pháp thân, hoặc y theo Duyên Giác thừa hay Thanh Văn thừa ngộ duyên sanh cùng Tứ đế mà đặng đoạn phiền não chứng Niết bàn...
Tất cả những pháp môn ấy, bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, Tiệm giáo hay Đốn giáo, nơi hành giả đều phải tự lực tu tập cho đến đoạn thật hết phiền não mới ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Nếu kiến hoặc tư hoặc còn chừng mảy tơ thời cội gốc sanh tử vẫn chưa dứt hẳn. Như tam quả Thánh nhơn (A-na-hàm) sau khi sanh lên Bất Hoàn Thiên, còn phải trải qua nhiều thời gian mới chứng quả A-la-hán. Chứng A-la-hán rồi mới là thật dứt hẳn cội gốc sanh tử.
Nhưng A-la-hán chỉ là bậc Thánh Tiểu thừa còn cần phải hồi tâm tu Đại thừa mà cầu Phật đạo: rèn bi nguyện hiện thân trong lục đạo, tu hành lục độ vạn hạnh, trên cầu thành Phật, dưới cứu khổ mọi loài, lần lượt chứng các bậc: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác Bồ Tát. Bậc Đẳng Giác lại phải dùng Kim Cang trí phá một phần sanh tướng vô minh, mới viên mãn chủng trí mà chứng Phật quả (Diệu giác). Giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy, từng bậc tu chứng từ phàm lên Thánh, từ Thánh đến Phật, quyết không thể vượt ngoài tuần thứ kể trên.
Đức Bổn Sư của chúng ta biết rằng nếu chúng sanh chỉ dùng tự lực để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập Thánh thời rất khó đặng, nên ngoài vô lượng pháp môn chỉ thuộc tự lực, Ngài dạy một pháp môn tự lực nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, dễ thực hành mà thành công cao, dùng sức ít mà mau có hiệu quả, tất cả căn cơ đều hạp, tất cả Thánh phàm đồng tu. Chính là Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh vậy.
Do vì Đức Phật A Di Đà có bổn thệ nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật. Nên người dùng tín nguyện mà niệm Phật (tự lực) thời cảm thông với nguyện lực của Phật, nương nguyện lực của Phật nhiếp thủ (tha lực) liền đặng siêu thoát sanh tử luân hồi mà sanh về Cực Lạc Tịnh độ. Đã được vãng sanh tức là cao thăng và bậc Thánh lưu bất thoái, nên gọi là rất viên đốn, rất huyền diệu, và thành công cao.
Nơi pháp môn này, phương pháp thực hành rất giản tiện, mọi người đều có thể tùy phần tùy sức mà hành đạo. Chỉ cần chỗ tu cho đúng pháp thời chắc chắn là thành tựu cả, nên gọi là dùng sức ít, dễ thực hành và mau có hiệu quả. Tổ Thiện Đạo cho rằng nghìn người tu không sót một. Vĩnh Minh Đại sư công nhận là mười người tu, được cả mười... Với Pháp môn Tịnh độ này, không luận là kẻ trí hay ngu, không luận là Tăng hay Tục, không luận là sang giàu hay nghèo hèn, không luận là già trẻ nam nữ, không luận là sĩ, nông, công, thương... Tất cả các giới trong xã hội đều có thể tu tập và đều có thể thành tựu được cả.
Văn Thù Bồ Tát nói: Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Niệm Phật là “Vua” trong các pháp môn.
Đức Quan Thế Âm bảo: Tịnh độ pháp môn hơn tất cả hạnh khác.
Mã Minh Đại sĩ cho rằng: Chuyên tâm niệm Phật là phương tiện siêu thắng của Đức Như Lai.
Long Thọ Tôn giả nói: “Niệm Phật Tam muội” có đại trí huệ, có đại phước đức, hay đoạn trừ tất cả phiền não, hay độ được tất cả chúng sanh, “Niệm Phật Tam muội” hay sanh vô lượng Tam muội cho đến “Thủ lăng nghiêm Tam muội”.
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói: Pháp môn niệm Phật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát tắt nhứt của mọi loài.
Ấn Quang Đại sư từng nói: Vì nương Phật lực nên tất cả mọi người, không kể là nghiệp hoặc nhiều hay ít, không kể là công phu hành đạo cạn cùng sâu, miễn tin cho chắc, nguyện cho thiết, thời quyết muôn người tu muôn người vãng sanh không sót một. Còn nếu là bậc đã đoạn hoặc chứng nhơn mà cầu vãng sanh thời đốn siêu Thập Địa. Bậc Thập Địa mà cầu sanh thời mau viên Phật quả. Vì thế nên Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v... các đại Bồ Tát đều nguyện vãng sanh. Đến như những kẻ tạo ác cả đời sắp đọa địa ngục, hồi tâm niệm Phật cũng được giải thoát, như các ông: Trương Thiện Hòa, Trương Chung Húc, Hùng Tuấn, Duy Cung v.v...
Hạng người phạm tội ác ấy mà còn được thành tựu thay, huống là những người chưa quá ác, huống là những người lành! Do đây nên thấy rằng Pháp môn Tịnh độ này nhiếp cả Thánh phàm, nhiếp cả thiện ác, nhiếp cả chúng sanh, như biển lớn gồm thâu muôn dòng vậy. Vì Pháp môn Tịnh độ với chúng sanh có sự lợi ích rộng lớn như thế, nên muôn kinh vạn luận luôn luôn nhắc đến, chư Thánh chư Hiền đồng nguyện cùng về.
Thật là:
Cửu giới chúng sanh rời pháp môn này thời chẳng thể viên thành Phật quả.
Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ khắp quần sanh.
Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có lời huyền ký: “Thời mạt pháp, muôn ức người tu hành, khó có một người được giải thoát, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi”. Đó là Phật bảo chúng ta phải tín hướng và thật hành Pháp môn Tịnh độ này vậy. Chúng ta há chẳng phải là người thời mạt pháp đó ư!
Vì những lẽ như trên mà biết rằng:
Ngoài môn “niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới”, quyết định chúng ta hiện đời không thể siêu sanh thoát tử được. Còn đúng theo pháp môn “niệm Phật cầu sanh” này mà tu, chắc chắn một đời hiện tại này chúng ta đặng vãng sanh Cực Lạc Tịnh độ và bảo đảm trên đường thành Phật. Tổng quát rằng: “Thiệt vì sanh tử phát Bồ-đề tâm, dùng tin sâu và nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh A Di Đà Phật”. Đây là tông thú chủ chánh của Pháp môn Tịnh độ này. Tâm hạnh đúng theo đây gọi là tu đúng pháp.
Khi chúng ta được nghe giáo pháp của Đức Phật dạy về môn Tịnh độ, chúng ta tự nghĩ rằng: Cõi Ta Bà là chốn ngũ trược ác thế, tam giới như nhà lửa, cõi Dục mà chúng ta hiện ở đây khác nào một cái hố sâu đầy sình. Ta và mọi người cho đến muôn loại, hiện tại cũng như dĩ vãng, nhiều đời nhiều kiếp mang lấy không biết bao nhiêu là sự thống khổ trong vòng sanh tử luân hồi. Ngày nay, ta được thân làm người lại được nghe biết pháp môn giải thoát mau tắt siêu thắng, ta phải kíp quyết chí y pháp tu hành, để mình và mọi người đồng thoát ly sanh tử khổ, đồng chứng chơn thường lạc”. Đây là “Thiệt vì sanh tử mà phát Bồ-đề tâm vậy.
Rồi ta tự nhận rằng: Thân cùng cảnh ở Ta Bà này đủ điều chướng đạo: dễ sanh phiền não, dễ đắm nhiễm, dễ gây ác nghiệp; nội những sự già, bệnh, chết, vô thường thiên biến cũng đủ ngăn trở con đường giải thoát của ta. Còn thân cùng cảnh ở Cực Lạc rất là lợi đạo: thường được thấy Phật, luôn nghe pháp âm nên tâm thanh tịnh mà định huệ thành; ở chung với chư Đại Bồ Tát thượng thiện nhơn thời Thánh nghiệp ngày tăng, chánh hạnh ngày tấn; không già không bệnh, thọ mạng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên nội một đời một thân thẳng lên đến bậc Đẳng giác bổ xứ thành Phật.
Ta lại nhận định: Nguyện lực của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật rộng lớn bất tư nghị, nay ta đúng theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ mà tu, quyết đặng Phật nhiếp thọ, quyết đặng vãng sanh, đã đặng vãng sanh tức là trụ bậc Bất thoái mau thành Phật đạo, chỉ có nguyện lực của Phật là chiếc thuyền từ có thể đưa ta ra khỏi biển khổ thôi! Chỉ có cõi Cực Lạc là đại học đường có thể đem ta đến bờ Đại Giác thôi!
Tự nhận như thế rồi bền chặt một lòng: nguyện thoát ly Ta Bà ác trược, như người tù muốn ra khỏi ngục tối không chút quyến luyến; nguyện về đến Cực Lạc thanh tịnh, dường như trẻ thơ đi lạc mong mỏi được về nhà không chút dần dà. Nhận định như vậy, lập nguyện như vậy, đó là “Tin sâu cùng nguyện thiết” đấy.
Bắt đầu từ đây cho đến trọn đời, tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, tùy sức tùy phần, chí tâm trì niệm sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”, coi đó như là một công vụ hết sức khẩn yếu phải tận lực mà làm. Nếu là người rảnh rang vô sự thì ngày liền đêm, lúc đi đứng cũng như lúc ngồi nằm, giữ chặt chánh niệm: Phật không rời tâm, tâm không rời Phật; hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, nhiếp cả sáu căn, Phật hiệu nối luôn: đây là tương tục chấp trì; niệm như vậy lâu lâu sẽ tự chứng Tam muội: hiện tiền thấy Phật thọ ký, lâm chung cao thăng thượng phẩm. Còn nếu là người đa đoan công việc: việc nước, việc nhà v.v... không nhiều giờ rảnh, thời nên tối và sáng sớm, thực hành phương “Thập niệm”, giữ mãi trọn đời không sót không bỏ cũng được vãng sanh. Vì Đức Từ Phụ có bổn nguyện: “Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu Ta rồi chí tâm tin muốn, nguyện sanh về cõi nước của Ta nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh ấy không được sanh, thời Ta không ở ngôi Chánh giác”.
Ngoài ra những người nào ở vào trường hợp chặng giữa, thời châm chước phân thời định khóa mà thọ trì. Tất cả đều phải cung kính, chí tâm, kỹ chắc trong lúc trì niệm, là điều kiện khẩn yếu. Hành trì như vậy gọi là “chuyên trì Hồng danh A Di Đà”, và đây là chánh hạnh. Người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới còn cần phải làm những điều lành: có lòng từ bi giới sát hộ sanh, bố thí, cứu tế, trì trai, giữ giới, hiếu thảo cha mẹ, kính thờ Sư trưởng, phò trì Tam bảo, lợi mình lợi người, dẹp lòng ngã mạn tham sân, thêm lớn hòa vui nhẫn nhục, sâu tin nhơn quả, mở mang chánh kiến... dùng đây làm trợ hạnh. Tín nguyện đã có, chánh trợ đã đủ, đến lúc lâm chung, chắc chắn được Đức Từ Phụ cùng Thánh chúng thừa bổn nguyện lực đích thân đến tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.
Dầu Tín, Nguyện và Hạnh phải đủ cả ba mới được vãng sanh, như cái đảnh ba chân, thiếu một thời ngã, nhưng nên hiểu thêm rằng: được vãng sanh là do lòng tin sâu chắc, chí nguyện cho tha thiết để cảm thông với nguyện lực của Phật, còn nơi công hạnh: ít thời quả thấp, nhiều thời phẩm cao. Do vì công hạnh không hạn cuộc mà chú trọng nơi tín và nguyện như vậy, nên đoạn trước có nói: “Tất cả người trong tất cả các giới ở xã hội đều có thể thật hành và đều có thể thành tựu được cả” vì tín sâu và nguyện thiết hạng người nào cũng có thể lập được, thập niệm niệm Phật ở trường hợp nào cũng đều thực hành được. Nội dung của bộ “Đường về Cực Lạc” này cũng không ngoài phạm vi “Tín nguyện hạnh”.
Các chương đầu thuật lại tiền thân của Đức A Di Đà Phật và tả rõ chánh báo cùng y báo trang nghiêm của Cực Lạc thế giới để mọi người đối với Đức Phật và Tịnh Độ được sự nhận thật, đã nhận thật tức là tin chắc và chí nguyện tha thiết sẽ do đó mà lập được. Đến các chương kế thuật lược sử của chư Bồ Tát, chư đại Tổ sư tự thân tu Tịnh độ mà được thành công, cùng những lời dạy vẽ khuyên nhắc của các ngài, để mọi người bền vững tín tâm, kiên quyết chí nguyện, cùng hiểu rõ phương pháp hành trì để thẳng tấn tinh tu. Nhẫn đến các chương về Tứ chúng vãng sanh, và cuối cùng, chương thích nghi cũng cùng một mục đích ấy.
Phật dạy:
“Nếu người nào được nghe lời này nên phải phát nguyện: nguyện sanh về Cực Lạc thế giới”
(KINH A DI ĐÀ)
Phật dạy:
Chúng sanh nào được nghe lời ta đã nói, nên phải phát nguyện cầu sanh về cõi nước ấy (Cực Lạc).
Vì đặng cùng với các bậc thượng thiện nhơn như thế (Bổ xứ Bồ Tát) câu hội một chỗ...”
(KINH A DI ĐÀ) TRÍCH ĐOẠN:Chương Thứ Nhất - Tiền Thân Của Cực Lạc Giáo Chủ A Di Đà PhậtĐức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã là một đấng lịch sử trong cõi Ta Bà, ngoài mấy nghìn năm, hình ảnh Ngài vẫn in sâu nơi ký ức của nhơn loại, do truyện ký cùng di tích, nhứt là nét vàng rực rỡ trong Tam tạng. Đức Từ Phụ A Di Đà Phật cũng là một đấng hoàn toàn lịch sử ở thế giới Cực Lạc, trên vài mươi thế kỷ, hồng danh mãi vang lên nơi miệng, nơi tâm của tất cả, y cứ nơi kim ngôn của Đức Bổn Sư, đấng chơn thật ngữ.
Đức Bổn Sư trước khi hiện thân thành đạo Vô thượng ở cội Bồ-đề, để rồi trở nên vị Giáo chủ cao cả của cõi Ta Bà, Ngài là Thiện Huệ Bồ Tát dâng hoa trải tóc cúng dường Phật Nhiên Đăng và là Hộ Minh Bồ Tát ngự ở cung trời Đâu Suất, v.v... Đức Từ Phụ cũng thế, trước khi viên thành quả Chánh giác giữ ngôi Pháp Vương ở Cực Lạc thế giới, Ngài cũng có nhơn địa của Ngài: Vua Vô Chánh Niệm thời kỳ Phật Bảo Tạng, Vương tử Thắng Công Đức trong pháp hội của Phật Bảo Công Đức, Bồ Tát Sa Di con trai của Đức Đại Thông Trí Thắng Phật v.v... Trước khi nói đến thân và cõi hiện tại của Đức Từ Phụ, ta cần nên rõ nhơn địa của Ngài, để biết rằng kết quả Vô thượng đây, tất do nơi nhơn thù thắng thuở trước vậy.I- BỒ TÁT SA DITrích Thuật Theo Kinh Pháp Hoa - Phẩm Hóa Thành Dụ Thứ 7
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi Quốc vương, có 16 người con trai. Lúc Quốc vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16 vị Vương tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí huệ. Sau khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đại chúng trong pháp hội, Đức Đại Thông Trí Thắng Phật liền nhập tịnh thất trụ trong đại định.
Thời gian Đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ Tát Sa di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý Kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Mỗi vị Bồ Tát Sa di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na-do-tha hằng hà sa người. Mười sáu vị Sa di đó hiện nay đều đã thành Phật cả, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa di thứ 16 thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành Phật ở Cực Lạc thế giới, tức là Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.II- THÁI TỬ THẮNG CÔNG ĐỨCTrích Thuật Theo Kinh “Nhứt Hướng Xuất Sanh Bồ Tát”
Về thuở quá khứ có ông Thái tử tên là Bất Tư Nghị Thắng Công Đức. Năm 16 tuổi, Thái tử được nghe Kinh “Pháp Bổn Đà-la-ni” nơi Đức Phật Bảo Công Đức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai. Nghe Kinh xong, Thái tử tinh tấn tu tập trong bảy muôn năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm không dựa. Nhờ sức dũng mãnh ấy, nên lần lần Thái tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn Đức Phật. Bao nhiêu Kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái tử đều có thể thọ trì tu tập cả. Về sau Thái tử xuất gia làm Sa môn, lại tu tập “Pháp Bổn Đà-la-ni” chín muôn năm và giảng truyền Chánh pháp cho mọi người.
Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa, trong một đời hoằng pháp Thái tử độ được tám mươi ức na-do-tha người phát Bồ-đề tâm, trụ bậc bất thoái chuyển. Thái tử Thắng Công Đức là tiền thân của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.III- VUA VÔ TRÁNH NIỆM VÀ HAI VƯƠNG TỬTrích thuật theo Kinh Bi Hoa
Vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, ở thế giới San Đề Lam, con trai của Phụ tướng Bảo Hải xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Bấy giờ, Quốc vương Vô Tránh Niệm cùng đi với Phụ tướng Bảo Hải, các vị Vương tử và thần dân, đến đạo tràng cúng dường Đức Phật Bảo Tạng. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, Vua cùng Phụ tướng đồng phát Bồ-đề tâm. Đức vua thời nguyện trang nghiêm Tịnh độ để nhiếp thọ chúng sanh. Quan Phụ tướng thời nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự phục mọi loài.
Đức Phật Bảo Tạng phán rằng : “Quá trăm nghìn muôn ức Phật độ về phương Tây có thế giới của Tôn Âm Vương Như Lai, một hằng hà sa a-tăng-kỳ kiếp sau, thế giới đó sẽ đổi tên là Cực Lạc; bấy giờ vua sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai. Và quan Phụ tướng Bảo Hải sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở Ta Bà thế giới”. Quan Phụ tướng là tiền thân của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của Từ Phụ A Di Đà Phật.
Lúc vua Vô Tránh Niệm phát nguyện và được thọ ký xong, Thái tử Bất Huyền, trưởng tử của vua, phát nguyện rằng : “Sau này, thời gian tôi tu Bồ Tát hạnh, có chúng sanh nào gặp phải các sự khổ não khủng bố v.v... sầu lo cô cùng không ai cứu hộ, không chỗ cậy nương, kẻ ấy nhớ đến tôi, xưng danh hiệu của tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi thấy đến, nếu những chúng sanh đó chẳng được thoát khỏi các sự khổ não khủng bố, thời tôi thề trọn không thành bậc Chánh giác. Và khi vua cha thành Phật ở Cực Lạc thế giới, thời tôi thường ở Cực Lạc thực hành Bồ Tát đạo và hộ trì Chánh pháp”.
Đức Bảo Tạng Như Lai phán với Thái tử : “Ông quan sát tất cả chúng sanh mà sanh lòng đại bi, muốn dứt tất cả sự khổ não của chúng sanh, và muốn làm cho chúng sanh đều được an lạc, nay nên đặt hiệu cho ông là Quan Thế Âm. Về sau lúc Đức Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết-bàn, cõi Cực Lạc đổi tên là Nhứt Thiết Trân Bửu Thành Tựu thế giới, ông sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Biến Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”.
Bấy giờ Vương tử Ni Ma, con thứ của vua, phát nguyện đem tất cả công đức hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, và lúc Thái tử Bất Huyền thành Phật, người sẽ là vị Bồ Tát thỉnh chuyển pháp luân trước nhứt, cũng thường ở luôn một bên Sơn Vương Như Lai giúp Phật hoằng hóa. Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương tử Ni Ma sẽ được toại nguyện, lúc Sơn Vương Như Lai nhập Niết-bàn, người sẽ hộ trì Chánh pháp và sau cùng sẽ thành Phật nơi thế giới ấy, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bửu Vương Như Lai. Quang minh, thọ mạng, quốc độ, cùng tất cả Phật sự đều đồng như đức Sơn Vương Như Lai. Thái tử Bất Huyền là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và Vương tử Ni Ma là tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát.
Phật dạy : Đây là tam đồ lục đạo, tam giới như : nhà lửa, sanh già bệnh chết vô lượng sự khổ, vô thường sanh diệt rình rập hại người, dục vọng phiền não trùm phủ tâm người, cùng những phương pháp diệt khổ, để mọi người sanh lòng nhàm lìa thân cảnh ô trược khốn khổ này, mà cầu mong được thoát khỏi v.v... Đây là môn “Chiết phục”. Đức Phật chỉ cõi Tịnh độ hoàn toàn an vui cứu cánh thanh tịnh giải thoát, cùng những pháp môn Tịnh độ, để người ham mộ nguyện về; đây là môn “Nhiếp thọ”.
Lời phê phán của Đại sư rất hiệp với bổn nguyện của hai Đức Phật : “Thích Ca Mâu Ni Phật nguyện ở uế độ để ngự phục chúng sanh cang cường. A Di Đà Phật nguyện trang nghiêm tịnh độ để nhiếp thọ chúng sanh thanh tịnh”… TRÍCH LỤC NHỮNG KINH VỀ TÂY PHƯƠNG TỊNH ĐỘ TRONG ĐẠI TẠNG50 năm thuyết giáo, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cả vạn pháp môn. Trong đó, duy có pháp môn Tây phương Tịnh Độ, Đức Bổn Sư giảng dạy rất nhiều lần hơn cả và cặn kẽ hơn cả. Cứ đây mà xét, đủ thấy rằng pháp môn này rất thích hợp và rất lợi ích cho người nhứt. Dưới đây tôi sẽ tuần tự giới thiệu các Kinh dạy về pháp môn này mà tôi đã được đọc, đồng thời lược chép vài đoạn văn thiết yếu trong ấy, hầu giúp thêm tài liệu nghiên cứu và khải tín cho các bạn đồng tu. Ngoài ra, tôi tin rằng còn rất nhiều Kinh giảng về pháp môn này mà tôi chưa được đọc tới, mong nó sẽ được bổ túc ở các bậc đa văn.1.- ĐẠI A DI ĐÀ KINHNguyên đồng một bổn văn Phạn, dịch thành năm bổn văn Hán:
A - Vô Lượng Bình Đẳng Thanh Tịnh Giác Kinh
B - Vô Lượng Thọ Kinh
C - A Di Đà Kinh
D - Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh
E - Bửu Tích Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở tại thành Vương Xá, núi Linh Thứu, vì Di Lặc Bồ Tát và A Nan Đà Tôn giả mà nói về nhơn hạnh bổn nguyện và quả địa của Đức A Di Đà Phật, Giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc. (Từ Pháp Tạng Tỳ kheo phát 48 điều đại nguyện, vô số kiếp tu nhơn v.v... cho đến thành Phật nơi Cực Lạc).2.- QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINHĐức Thích Ca ở tại Vương Xá thành, núi Kỳ Xà Quật, vì Hoàng thái hậu Vi Đề Hi mà giảng về cõi Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà. Đồng thời dạy rành mười sáu phép điều quán. (Từ pháp quán mặt trời lặn nhẫn đến cửu phẩm vãng sanh. Trong đây tả cảnh Cực Lạc cùng thân hình Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí rất rõ).3.- PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINHĐức Bổn Sư ở Tinh xá Kỳ Hoàn nước Xá Vệ, kêu ông Xá Lợi Phất mà nói về Đức Phật A Di Đà và tả cảnh trang nghiêm thanh tịnh của Cực Lạc thế giới cùng hết lời khuyên mọi người nên tín hướng niệm Phật cầu vãng sanh. Có cả chư Phật lục phương đồng lên tiếng chứng minh và khuyên chúng sanh tín hướng.
(Ba bộ Kinh trên đây giảng nói về Tây phương Tịnh Độ rành rẽ và đầy đủ nhứt, muốn rõ xin xem nguyên bổn).4.- CỔ ÂM THANH VƯƠNG KINHĐức Phật Thích Ca giảng tại Chiêm Ba Đại Thành. Trong ấy nói nếu hàng tại gia hay xuất gia thọ trì danh hiệu của Phật A Di Đà, đến khi mạng chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc thế giới v.v...5.- A DI ĐÀ PHẬT KỆ KINHTrong đây toàn văn kệ, Đức Bổn Sư thuật và khen Đức A Di Đà.6.- HOA NGHIÊM KINH NHẬP PHÁP GIỚI PHẨMGiải Thoát Trưởng giả bảo Thiện Tài Bồ Tát : “Ta nếu muốn thấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai (A Di Đà Phật) ở An Lạc thế giới (Cực Lạc) tùy ý liền thấy v.v...7.- HOA NGHIÊM KINH HẠNH NGUYỆN PHẨMĐức Phổ Hiền khuyến tấn Thiện Tài Bồ Tát và đại chúng Bồ Tát tu mười nguyện lớn. Đến lúc mạng chung, thân căn hư rã, quyến thuộc tiền của đều lìa tan, chỉ có nguyện lớn này theo mãi không rời, sẽ đưa người vãng sanh Cực Lạc thế giới. Đến Cực Lạc liền thấy Đức Phật A Di Đà, cùng thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc các vị đại Bồ Tát. Tự thấy mình sanh trong hoa sen, được Phật A Di Đà thọ ký. Khi đã được thọ ký, có sức trí huệ, tùy cơ của chúng sanh trong vô lượng thế giới ở mười phương mà giáo hóa lợi ích v.v... Nhẫn đến có thể vào trong biển đại khổ phiền não cứu vớt chúng sanh làm cho ra khỏi và đều được sanh về Cực Lạc thế giới của Đức Phật A Di Đà v.v...8.- DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHTrong phẩm Dược Vương, Đức Phật Thích Ca nói: “Người nghe Kinh điển này đúng như chỗ Kinh dạy mà tu hành, sau khi mạng chung liền được sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Sanh trong hoa sen trên tòa báu, ở chung với chúng đại Bồ Tát, liền được Bồ Tát thần thông vô sanh pháp nhẫn. Được pháp nhẫn này rồi, nhãn căn thanh tịnh thấy được trăm vạn hai ngàn ức na-do-tha hằng sa chư Phật Như Lai v.v...”.9.- THỦ LĂNG NGHIÊM KINHĐại Thế Chí Bồ Tát bạch Phật Thích Ca: Tôi nhớ hằng hà sa kiếp xưa, có Phật Vô Lượng Quang ra đời... rồi đến Phật Vô Biên Quang ra đời. 12 Đức Phật ra đời trong một kiếp. Đức Phật thứ 12 hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy tôi pháp niệm Phật Tam muội: “Ví như hai người, một thời chuyên nhớ, còn người kia thời chuyên quên, hai người như thế, hoặc gặp nhau cũng thành không gặp, hoặc thấy nhau cũng như không thấy. Hai người ấy mà nhớ nhau cho sâu chặt, thời đời đời không xa rời nhau, đồng như hình với bóng. Chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con... Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền và đương lai tất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng cần phương tiện, tự động tâm trí khai thông. Như người ướp dầu thơm, nơi thân có mùi thơm, đây gọi là hương quang trang nghiêm. Nhơn địa của tôi do tâm niệm Phật, nhập vô sanh nhẫn. Nay tôi ở thế giới Ta Bà này nhiếp người niệm Phật về Cực Lạc Tịnh Độ...”10.- BỬU TÍCH KINHĐức Bổn Sư nói với Phụ vương (Tịnh Phạn Vương): “Tất cả chúng sanh đều là Phật. Phụ vương nên niệm Tây phương thế giới A Di Đà Phật thường siêng tinh tấn sẽ được thành Phật”. Vương hỏi: “Thế nào tất cả chúng sanh là Phật ?”. Đức Bổn Sư giảng: “Tất cả quyết vô sanh, không động lay, không thủ xả, không tướng mạo, không tự tánh. Nên an trụ tâm mình trong Phật pháp này chớ tin nơi khác”. Bấy giờ Phụ vương cùng bảy vạn người dòng Thích, nghe Phật giảng, tin hiểu vui mừng ngộ vô sanh nhẫn. Đức Phật mỉm cười mà nói kệ rằng:
Họ Thích có trí quyết định
Thế nên ở nơi Phật pháp
Quyết định tin, tâm an trụ
Sau khi bỏ thân người đây
Được sanh về nước An lạc (Cực Lạc)
Gần gũi Phật A Di Đà
Chứng vô úy thành Bồ-đề.11.- BỬU TÍCH KINHPhật Thích Ca bảo Di Lặc Bồ Tát phát tâm mười điều, được vãng sanh Cực Lạc:
1) Ở nơi chúng sanh có tâm đại bi, không bức não.
2) Ở nơi chúng sanh có tâm đại từ, không tổn hại.
3) Có tâm thủ hộ Phật pháp, không tiếc thân mạng.
4) Có tâm thắng nhẫn, không chấp trước đối với tất cả pháp.
5) Có tâm ý nhạo thanh tịnh, không tham lợi dưỡng cung kính tôn trọng.
6) Có tâm luôn cầu Phật trí không lúc nào quên.
7) Có tâm tôn kính chúng sanh không hề khinh rẻ.
8) Có tâm quyết định nơi Bồ-đề phần, không mê theo thế luận.
9) Vun trồng thiện căn với tâm thanh tịnh không tạp nhiễm.
10) Khởi tâm niệm Phật xa lìa các tướng.
Trên đây gọi là Bồ Tát phát tâm mười điều. Do tâm này sẽ được vãng sanh. Nếu trong mười tâm ấy, bất luận thành tựu một tâm nào, mà ưa thích vãng sanh Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà, thời quyết định được sanh.12.- BÁT CHU TAM MUỘI KINHĐức Phật Thích Ca bảo Bát Đà Hoa Bồ Tát: Nếu Sa môn hay bạch y nghe Tây phương A Di Đà Phật, rồi thường niệm được nhứt tâm trong một ngày đêm hay đến bảy ngày đêm. Sau bảy ngày thấy A Di Đà Phật. Ví như chỗ thấy trong chiêm bao, không biết là đêm hay ngày, không phân là trong hay ngoài, không phải vì tối mà chẳng thấy, không phải vì nhà vách ngăn che mà chẳng thấy... bèn thấy Đức A Di Đà Phật, nghe Phật ấy nói Kinh, đều thọ trì được cả, rồi ở trong chánh định đều có thể vì người thuyết pháp đủ cả.13.- QUÁN PHẬT TAM MUỘI KINHVăn Thù Bồ Tát tự thuật túc nhơn được niệm Phật Tam muội, sẽ sanh Tịnh Độ. Đức Thích Ca thọ ký rằng: Ông sẽ vãng sanh Cực Lạc thế giới.14.- ĐẠI TẬP KINH PHẨM HIỀN HỘĐức Phật Thích Ca nói với Pháp Hội: Người cầu Vô thượng Bồ-đề nên tu niệm Phật thiền Tam muội... Rồi Phật nói kệ:
Nếu người xưng niệm Phật A Di Đà
Gọi đó là vô thượng thâm diệu thiền
Lúc chí tâm tưởng tượng được thấy Phật
Chính là đắc pháp bất sanh bất diệt.15.- THẬP TRỤ ĐOẠN KIẾT KINHBấy giờ trong pháp hội có bốn ức chúng, tự biết rằng chết đây sanh kia, dây dưa không dứt, chính ái dục là nguồn của sanh tử, nên muốn sanh về cõi không ái dục. Đức Phật Thích Ca bảo: “Cách đây về phương Tây có Phật hiệu Vô Lượng Thọ, cõi ấy thanh tịnh không có dâm, nộ, si; liên hoa sanh không do bào thai của cha mẹ, các ông nên cầu sanh”.16.- NHƯ LAI BẤT TƯ NGHỊ CẢNH GIỚI KINHBồ Tát biết rõ tất cả pháp đều là duy tâm, đặng tùy thuận nhẫn, hoặc nhập sơ địa. Mạng chung liền sanh về trong Cực Lạc Tịnh Độ, hay Diệu Hỷ thế giới v.v...17.- TÙY NGUYỆN VÃNG SANH KINHVô lượng cõi Phật, sao lại chỉ chuyên cầu sanh Cực Lạc thế giới? – Một là vì nhơn thù thắng, do thập niệm làm nhơn. Hai là vì duyên thù thắng, do 48 điều nguyện phổ độ chúng sanh.18.- XƯNG DƯƠNG CHƯ PHẬT CÔNG ĐỨC KINHNếu ai được nghe danh của Vô Lượng Thọ Như Lai (A Di Đà Phật) nhứt tâm tin ưa. Lúc người này mạng chung, đức A Di Đà Phật và chư Thánh hiện ra trước mặt, ma chướng không làm hoại loạn được tâm chánh giác của người này... Nếu ai thọ trì tụng niệm Kinh này, sẽ được phước vô lượng, khỏi hẳn tam đồ, sau khi mạng chung, vãng sanh cõi của Đức Phật ấy.19.- ĐẠI VÂN KINHĐức Bổn Sư dạy: “Này thiện nam tử, về hướng Tây của thế giới Ta Bà này có một cõi gọi là An Lạc. Giáo chủ là Phật Vô Lượng Thọ, hiện nay thường vì chúng sanh mà tuyên giảng chánh pháp. Đức Phật ấy đương bảo một vị Bồ Tát rằng: đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở Ta Bà thế giới đương nói Kinh Đại Vân cho những chúng sanh bạc phước độn căn. Ông nên qua đó chí tâm nghe pháp. Điềm lành hiện ra đây chính là vì vị Bồ Tát ấy sắp đến đây. Thiện nam tử này! Ông xem các vị Bồ Tát ở cõi An Lạc thân cao năm vạn sáu ngàn do tuần”.
- Bạch Đức Thế Tôn! Vị Bồ Tát sắp đến đây danh hiệu là chi ? Đến đây để làm gì, phải chăng là muốn độ chúng sanh mà đến ? Xin đức Thế Tôn nói cho đại chúng được rõ.
- Này thiện nam tử! Vị Bồ Tát ấy đến đây là vì muốn nghe việc thọ ký của Tịnh Quang, và muốn cúng dường chánh định ấy. ngài hiệu là Vô Biên Quang (tức Đại Thế Chí Bồ Tát), đủ trí phương tiện, có thể giáo hóa, dẫn đạo chúng sanh một cách khéo giỏi.20.- LĂNG GIÀ KINHĐức Phật phán: Này Đại Huệ! Ông nên biết sau khi ta diệt độ, có vị danh đức Tỳ kheo ở xứ Nam Thiên Trúc, hiệu là Long Thọ. Tỳ kheo ấy dẹp được sự tranh chấp của các tông về Hữu với Vô, để nêu cao pháp vô thượng Đại thừa của ta. Vị ấy chứng bậc sơ Hoan Hỷ địa và vãng sanh nước An Lạc.21.- ĐẠI BI KINHSau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, xứ Bắc Thiên Trúc có Tỳ kheo hiệu Kỳ Bà Già, tu tập vô lượng thiện căn tối thắng, mạng chung sanh về thế giới của Phật Vô Lượng Thọ cách đây trăm ngàn ức cõi về hướng Tây. Sau đây, ông sẽ thành Phật hiệu là Vô Cấu Quang Như Lai.22.- HOA NGHIÊM KINH, NHẬP PHÁP GIỚI PHẨMĐức Vân Tỳ kheo nói với Thiện Tài Bồ Tát rằng: “Ngài chứng được niệm Phật Tam muội, và đây là lời của ngài thuật lại công dụng của niệm Phật Tam muội mà ngài đã được: Ta được môn “ức niệm nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến”. Trong chánh định thường hiện cõi và cung điện trang nghiêm thanh tịnh của tất cả chư Phật. Có thể làm cho chúng sanh thấy Phật rồi được thanh tịnh. Làm cho chúng sanh chứng nhập trong mười trí lực của Như Lai. Thấy vô lượng Đức Phật và được nghe pháp. Bình đẳng thấy tất cả thế giới. Thấy thần thông tự tại của chư Phật. Thấy công việc làm của chư Phật trong tất cả thời gian. Thấy mình luôn gần bên Phật không xa rời. Thấy Phật cao đẹp hơn tất cả. Muốn thấy Đức Phật nào, thời liền được thấy. Khắp thấy chư Phật tuần tự hiện trong tất cả cảnh giới. Chư Phật nhập Niết-bàn đều thấy cả. Trong một niệm thấy rõ sự xuất hành của tất cả chư Phật. Trong mỗi thân Phật đều lớn đầy cả hư không pháp giới. Vô lượng chư Phật ra đời đều đến hầu hạ. Trong nhứt tâm, thấy rõ cả chư Phật thành chánh giác hiện ra đời thuyết pháp độ sanh. Hiện cảnh tượng nghiệp thiện ác của chúng sanh đã gây tạo cho chúng thấy để họ tự giác ngộ. Thấy Phật ngự trên tòa sen báu rộng lớn nở xòe trùm pháp giới. Thấy vô lượng thân của Như Lai trang nghiêm.23.- QUANG MINH GIÁC PHẨMĐức Văn Thù Bồ Tát ở trước Phật nói kệ rằng:
Khi đi đứng lúc nằm ngồi
Thường niệm công đức của Phật
Ngày đêm chớ để tạm quên
Phải nên siêng tu như vậy...24.- HIỀN THỦ PHẨMThấy người lâm chung khuyên niệm Phật
Lại chỉ tượng Phật bảo chiêm ngưỡng
Khiến người sanh lòng kính tin Phật
Nên đặng thành quang minh Như Lai...25.- THẬP ĐỊA PHẨMTừ bậc ban đầu đến bậc rốt sau, mỗi địa đều nói rằng tất cả chỗ làm của Bồ Tát đều không rời niệm Phật.26.- TỌA THIỀN TAM MUỘI KINHBồ Tát tọa thiền không niệm tất cả, chỉ niệm một Đức Phật bèn chứng được Tam muội.27.- VĂN THÙ BÁT NHÃ KINHĐức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo ngài Văn Thù Bồ Tát: Muốn chóng thành quả Vô thượng Bồ-đề, phải tu nhứt hạnh Tam muội. Người muốn nhập nhứt hạnh Tam muội phải ở chỗ vắng vẻ rảnh rang, nhiếp tâm chánh niệm để tâm nơi một Đức Phật rồi chuyên xưng danh hiệu, nên ngồi ngay thẳng hướng về phía Đức Phật ấy (Niệm A Di Đà Phật thời xoay mặt về hướng Tây). Nếu có thể chuyên niệm một Đức Phật nối luôn, bèn ở trong chánh niệm thấy được chư Phật trong mười phương ba thuở. Công đức niệm một Đức Phật cùng công đức niệm vô lượng Đức Phật bằng nhau. Nếu được nhứt hạnh Tam muội, thời được trí huệ biện tài, tất cả pháp môn đều thấu rõ. Ngày đêm, tuyên giảng không trệ, không tuyệt. Sức đa văn biện tài của A Nan trăm nghìn phần vẫn không bằng một phần của người được nhứt hạnh Tam muội này...28.- ĐẠI TẬP KINHMạt thế, ức ức người tu hành không có một người được giải thoát; chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi. Kinh lại nói: Nếu người chuyên niệm Phật, hoặc ngồi mà niệm, hoặc đi mà niệm, ròng rặt trong 49 ngày, thời hiện đời được thấy Phật, liền được vãng sanh...
Trích lục ngày 1 tháng Giêng Phật lịch 2501 (1957)
Hân Tịnh TIỂU SỬ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH+ Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh
+ Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
+ Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN
+ Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN
+ Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh
+ Viện chủ chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Chùa Vạn Linh, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
THÂN THẾ:
Đại lão Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại xã Mỹ An Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cân, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Đại lão Hòa thượng có 6 anh em, 2 trai, 4 gái; Đại lão Hòa thượng là người con trai út trong gia đình.
Đại lão Hòa thượng được sinh trưởng trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhơn từ, có nề nếp đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo. Khi song thân qua đời, Đại lão Hòa thượng sống với các anh chị và học hết chương trình Tiểu học Pháp tại tỉnh nhà rồi sang học chữ Nho với người Chú và học thuốc Bắc với người anh họ. THỜI GIAN HÀNH ĐẠONăm 1945, Đại lão Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, thành lập Phật học đường Phật Quang, Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long), do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Giám đốc, Hòa thượng làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ. Để viên mãn Tam đàn giới pháp, năm 1945, Đại lão Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc, do Hòa thượng Chánh Quả làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm 1948, Đại lão Hòa thượng về Sài Gòn và thành lập Phật học Trường Liên Hải, tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, huyện Long Hưng Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh), do Hòa thượng làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Huyền Dung làm Đốc giáo.
Năm 1950, Đại lão Hòa thượng nhập thất tịnh tu tại chùa Linh Sơn – Vũng Tàu.
Năm 1951, Đại lão Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thiện Hòa sáp nhập 03 Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, quận 10, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, TP.Hồ Chí Minh). Từ năm 1951 – 1956, Đại lão Hòa thượng tham gia Ban Giảng huấn và giảng dạy cho Lớp Cao đẳng Phật học.
Năm 1954, Đại lão Hòa thượng khởi công xây dựng chùa Vạn Đức, Thủ Đức.
Năm 1955, Đại lão Hòa thượng sáng kiến thành lập Hội Cực Lạc Liên hữu tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức do Đại lão Hòa thượng làm Liên trưởng, Thượng tọa Thích Huệ Hưng làm Liên phó.
Năm 1957, Đại lão Hòa thượng được Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm Trị sự phó và kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đồng thời, hợp tác với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa mở các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư… để đào tạo trụ trì và Giảng sư cho Giáo hội.
Năm 1959, trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam kỳ II, vào 2 ngày 10, 11-9-1959 tại chùa Ấn Quang, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Trị sự phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam.
Năm 1960 – 1962, Đại lão Hòa thượng làm Tuyên Luật sư trong các Đại Giới đàn, tổ chức tại chùa Ấn Quang, Pháp Hội… để truyền trao giới pháp Cụ túc cho chư Tăng.
Năm 1962, Đại lão Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào cương vị Phó Viện trưởng Phật học Viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1964, Đại lão Hòa thượng làm Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi trong những ngày 30, 31-12-1963 và 1-1-1964 để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tại Đại hội này, Đại lão Hòa thượng được suy cử vào cương vị Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự.
Năm 1964, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị làm Tuyên Luật sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự – Sài Gòn.
Năm 1965, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Yết-ma Đại giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm – Gia Định và Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Từ Hiếu – Thừa Thiên-Huế.
Năm 1966, Đại lão Hòa thượng là Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Quảng Đức, tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1966 – 1968, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hòa thượng được suy cử vào cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.
Năm 1968 – 1971, Đại lão Hòa thượng tham gia Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy Phật pháp cho lớp Chuyên khoa Phật học trong ba năm.
Năm 1969, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1970, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn đến năm 1975.
Năm 1971, sau khi Giáo hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – Gia Định, Đại lão Hòa thượng được cử làm Viện trưởng từ năm 1971 đến năm 1991.
Năm 1973, trong phiên họp của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Đại lão Hòa thượng được cử làm Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Vào ngày 5-7-1973, Đại lão Hòa thượng được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng thống, GHPGVNTN.
Cũng trong năm 1973, tại Đại hội Giáo hội Trung ương kỳ 4, Đại lão Hòa thượng được tấn phong Hòa thượng và được suy cử đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cuối năm 1974, Đại lão Hòa thượng được cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa cử làm Cố vấn Hội đồng Quản trị tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc tổ đình.
Năm 1975, Đại lão Hòa thượng được Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cử làm Trưởng ban Kiến thiết Pháp Bảo Viện tại xã Linh Xuân Thôn, Thủ Đức – Gia Định.
Năm 1976, Đại lão Hòa thượng được mời làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 1977 và 1980, Đại lão Hòa thượng được cử làm Tuyên Luật sư và Chánh Chủ khảo trong Đại Giới đàn Thiện Hòa, tổ chức tại chùa Ấn Quang.
Đặc biệt, vào đầu xuân Canh Thân năm 1980, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, giang sơn nối liền một dãy, Bắc Nam sum họp một nhà, tất cả sự sinh hoạt, từ phương diện kinh tế, chính trị, xã hội… đều thống nhất trong phạm vi cả nước, và đấy cũng là một thuận duyên cho Phật giáo Việt Nam có đầy đủ cơ duyên thống nhứt thành một mối, trong phạm vi cả nước. Do đó, trong phiên họp hiệp thương của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, cư sĩ của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh để thảo luận chương trình thống nhất Phật giáo nước nhà. Kết quả một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và Đại lão Hòa thượng được cử làm Phó ban Vận động kiêm Trưởng Tiểu ban Nội dung.
Tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 4 đến 7-11-1981, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ I, Đại lão Hòa thượng được cử làm Trưởng BTS Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh đến năm 1987.
Năm 1984, sau khi Hòa thượng ThíchTrí Thủ – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào tháng 4-1984, Đại lão Hòa thượng được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến ngày về cõi Phật.
Từ năm 1984 đến năm 2013, Đại lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Đại Giới đàn đầu tiên và những Giới đàn tiếp theo của Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Ấn Quang.
Tháng 12-1984, tại Đại hội UBMTQVN TP.Hồ Chí Minh lần thứ 4, Đại lão Hòa thượng được Đại hội cử làm Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM.
Tại Đại hội kỳ III – 1992, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Từ Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ II (1983) cho đến Đại hội VII, Đại lão Hòa thượng được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và tại Đại hội VI, VII (2009), Đại lão Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 2004, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tổ chức.
Đặc biệt, Đại lão Hòa thượng đã được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu cung thỉnh đảm nhiệm cương vị Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn Thiện Hòa I (1993), Thiện Hòa III (2000), Thiện Hòa IV (2003), Thiện Hòa V (2006), Thiện Hòa VII (2013). Ngoài ra, Đại lão Hòa thượng còn chứng minh nhiều Đại Giới đàn do Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh lân cận TP.Hồ Chí Minh tổ chức.BIÊN SOẠN VÀ PHIÊN DỊCHMặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, Đại lão Hòa thượng vẫn dành thời gian để dịch kinh và giảng kinh. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như:
Kinh Pháp hoa (1 quyển); Kinh Hoa nghiêm (4 quyển); Kinh Đại bát Niết-bàn (2 quyển); Kinh Đại Bát-nhã (3 quyển); Kinh Đại bảo tích + Đại Tập (9 quyển); Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện ; Kinh Địa Tạng bổn nguyện; Kinh Tam bảo; Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới; Kinh Pháp hoa cương yếu; Kinh Pháp hoa thông nghĩa; Đường về Cực lạc; Tứ hoằng thệ nguyện, Kinh A Mi Đà giảng giải, Kệ niệm Phật, Sổ niệm Phật công cứ, Ngộ tánh luận.MỤC LỤC:LỜI NÓI ĐẦU
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
CHƯƠNG THỨ NHỨT – TIỀN THÂN CỦA A DI ĐÀ PHẬT - Bồ Tát Sa-Di
- Thái Tử Thắng Công Đức
- Vua Vô Chánh Niệm Và Hai Vị Vương Tử
- Pháp Tạng Bồ Tát
CHƯƠNG THỨ HAI – DANH HIỆU
CHƯƠNG THỨ BA – HOẰNG NGUYỆN VÀ ĐẠI HẠNH
- Hoằng Nguyện Của A Di Đà Phật
- Đại Hạnh
CHƯƠNG THỨ TƯ – THÂN TƯỚNG
- Tướng Hảo Của A Di Đà Phật
- Tướng Hảo Của Quan Thế Âm Bồ Tát
- Tướng Hảo Của Đại Thế Chí Bồ Tát
CHƯƠNG THỨ NĂM – QUỐC ĐỘ CỰC LẠC THẾ GIỚI
- Cảnh Vật (Y Báo)
- Nhân Dân (Chánh Báo)
CHƯƠNG THỨ SÁU – CHƯ ĐẠI BỒ TÁT KHUYÊN NIỆM PHẬT VÀ NGUYỆN VÃNG SANH
- Đại Thế Chí Bồ Tát – Lời Phụ
- Phổ Hiền Bồ Tát – Đức Phổ Hiền Dạy Tu “Niệm Phật Tam Muội”
- Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
- Hai Vị Đại Thánh Ứng Tích – Lời Phụ
- Đức Quan Thế Âm Bồ Tát Hiển Thánh
- Mã Minh Đại Sĩ
- Long Thọ Bồ Tát
- Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát – Lời Phụ
CHƯƠNG THỨ BẢY – LIÊN TÔNG CHƯ TỔ
- Lô Sơn Đông Lâm Tự - Huệ Viễn Đại Sư
- Trường An Quang Minh Tự - Thiện Đạo Đại Sư
- Hoành Sơn – Bát Chu Thừa Viễn Đại Sư
- Hàng Châu – Pháp Chiếu Đại Sư (Ngũ Hội Pháp Sư)
- Tân Định – Thiếu Khương Đại Sư (Đài Nham Pháp Sư)
- Vĩnh Minh Tự - Diên Thọ Đại Sư (Trí Giác Thiền Sư)
- Chiêu Khánh Tự - Tỉnh Thường Đại Sư (Tịnh Hạnh Pháp Sư)
- Vân Thê Tự - Châu Hoằng Đại Sư (Liên Trì Đại Sư)
- Linh Phong – Trí Húc Đại Sư (Ngẫu Ích Đại Sư)
- Tiên Lâm Tự - Thiệt Hiền Đại Sư (Tỉnh Am Pháp Sư)
- Tư Phước Tự - Tế Tỉnh Đại Sư (Triệt Ngộ Thiền Sư)
CHƯƠNG THỨ TÁM – TỨ CHÚNG VÃNG SANH TRUYỆN
TỨ CHÚNG VÃNG SANH THỨ NHỨT
A1. Chư Sư Tăng
B1. Chư Sư Ni
C1. Chư Tín Sĩ
D1. Chư Tín Nữ
TỨ CHÚNG VÃNG SANH THỨ NHÌ
A2. Chư Sư Tăng
B2. Chư Sư Ni
C2. Chư Tín Sĩ
D2. Chư Tín Nữ
TỨ CHÚNG VÃNG SANH THỨ BA
A3. Chư Sư Tăng
B3. Chư Sư Ni
C3. Chư Tín Sĩ
D3. Chư Tín Nữ
TỨ CHÚNG VÃNG SANH THỨ TƯ
A4. Chư Sư Tăng
B4. Chư Sư Ni
C4. Chư Tín Sĩ
D4. Chư Tín Nữ
THIỀN TỊNH QUYẾT NGHI
LỜI ĐẦU QUYỂN
- Tự Thuật
- Giá Trị Của Pháp Môn Tịnh Độ
- Đem Thiền Gạn Tịnh
- Thiền Không Bảo Đảm Giải Thoát Bằng Tịnh: Tứ Liệu Giản
- Chánh Giải Tứ Liệu Giản
- Thượng Tọa Phát Nguyện
LƯỢC SỬ CHIẾU ĐẠI SƯ
TRÍCH LỤC NHỮNG KINH VỀ TÂY PHƯƠNG TỊNH ĐỘ