KINH ĐẠI BỬU TÍCH - HT THÍCH TRÍ TỊNHViệt Dịch: HT Thích Trí Tịnh Pháp Hội Bất Động Như Lai In Ấn: Chùa Vạn Đức Số Trang: 159 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Bọc Nilon Khổ: 15,5x24cm Độ Dày: 1,1cmKDBTTHÍCH TRÍ TỊNH50.000đSố lượng: 1000000 Quyển
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh Pháp Hội Bất Động Như Lai In Ấn: Chùa Vạn Đức Số Trang: 159 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Bọc Nilon Khổ: 15,5x24cm Độ Dày: 1,1cm
LỜI NÓI ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ Trong khế kinh, Đức Phật nói. “Chỉ vì đại sự nhơn duyên duy nhất mà Đức Phật xuất hiện thế gian, đó là muốn mọi người, mọi chúng sanh đều thành Phật đồng như Đức Phật”. Lời Đức Phật thật đơn giản, mà ý nghĩa lại tột cùng sâu rộng. Trong lời đó có nghĩa cứu cánh bình đẳng. Phật và chúng sanh không có sai khác. Còn có nghĩa là hiện tại mỗi chúng sanh đều có đủ tánh đức đồng như Phật. Cũng có nghĩa là nếu chúng sanh có lòng tin thanh tịnh, y giáo phụng hành thì quyết sẽ thành Phật, như trong đại thừa, Kinh thường có câu, chính Đức Phật dạy. “Các ngưòì là Phật sẽ thành, còn chư phật là Phật đã thành. Vì thấy rõ tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật nên Đức Phật ra đời, dùng thân khẩu truyền cho đời những phương cách, nhập pháp môn làm điều kiện cụ thể để bưôc lên đường Phật, để rồi đến quả Phật. Những phương pháp cụ thể đó gọi là Phật Pháp.
Vì các chúng sanh căn không đồng nhau, tánh không đồng nhau, ý thích cùng sự mong muốn ..vân vân… cũng không đồng nhau, nên Đức Phật phải theo cơ mà dạy rát nhiều pháp môn, nhiều nên phải dùng từ “Vô lượng pháp môn” . Dầu là vô lượng nhưng nếu mỗi chúng sanh y theo một pháp môn, đúng với căn tánh thích muốn của chính mình rồi, quyết tâm hiểu rõ hành trì thật đúng thật bền, thật sâu, thì nhất định đạt thành đạo quả.
Như trên nói mọi chúng sanh đều có đủ đức tính đồng như Phật chỉ vì điên đảo vọng tưởng hư vọng phân biệt, dục tham phiền não che chướng nên những tánh đức trong sáng sẵn có ấy không hiện thật. Tất cả pháp môn của Đức Phật dạy, những phương pháp mà Đức Phát, lúc hành đạo, đã thật hành, đã hiểu rõ, đã kinh nghiệm và do đó đã đạt kết quả cứu cánh, nay đem truyền dạy lại cho mọi người, đều nhằm vào việc phải trừ những đảo tưởng phân biệt, dục tham phiền não, để cho tánh đức sẵn có phát hiện tác dụng. Vì đó là sẵn có nên Đức Phật tự nói. “Ta không có một chút pháp gì để thành vô thượng bồ đề cả” . Phật pháp là phương tiện đưa người vào đạo, liều thuốc chữa trị bịnh hư vọng phiền não, là cách thức rửa lau những đảo tưởng như lau bụi trên mặt gương, mà tuyệt đối không có chút gì là có, là được, vì đạo là tánh đức sẵn đủ vậy.
Phật pháp vô lượng môn cô đọng lại trong ba môn vô lậu: Giới, Định và Huệ. Vô lậu giới để phòng ngừa, để ngăn đảo vọng. Vô lậu định để chận đứng, để đôí trị “đảo vọng. Vô lậu huệ dứt sạch đảo vọng. Và tùy theo giai đoạn mà đảo vọng từng phần được dứt trừ, thì tánh đức sẵn có của hành giả cũng từng phần thể hiện, đó là các bực Hiền, các bực Thánh, các bực Bồ Tát. Cho đến lúc tất cả đảo vọng sạch trọn vẹn, thì tánh đức thể hiện trọn vẹn, đó là quả Phật, là thành Phật. Trong cuốn Kinh Đại Bửu Tích nầy, nội dung không ngoài những điều đã nêu ở trên, dầu là rất nhiều, rất rộng.
Trong thập niên năm mươi, tôi được đọc tụng bộ Kinh nầy từ bản phương sách của Bắc bộ Việt Nam ta, bản Hán văn, tôi đã có hoài bão phiên dịch ra Việt văn để được thông dụng theo thời đại Mãi đến năm 1979 mới hoàn thành bộ Việt văn, và đến nay ngót mười năm mới có đủ duyên để được đem ra ấn hành lần đầu tiên. Mong rằng sự ấn loát và lưu hành đều tốt đẹp như ý muốn. Cầu nguyện tất cả mọi người, mọi thí chủ, hoặc thiện chí hoặc công sức hoặc tịnh tài, đều tròn đầy phước lạc. Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh (chùa Vạn Đức, Thủ Đức 12-7-1987)
Trích “Phẩm Thọ Ký Trang Nghiêm – Thứ Nhứt”: Tôi nghe như vầy: Một lúc đức Phật ở thành Vương Xa tại núi Kỳ Xà Quật cùng một ngàn hai trăm năm mươi chúng đại Tỳ kheo câu hội. Chúng đại Tỳ kheo nầy đều là bực A-la-hán mà mọi người đều quen biết. Các Ngài ấy đã hết những phiền não, tâm huệ giải thoát tự tại vô ngại dường như đại Long, việc làm đã xong vứt bỏ gánh nặng sanh tử, đã được lợi ích của chính mình, hết những nghiệp kết, thông đạt chánh giáo đến bờ bên kia, riêng ngài A Nan còn ở bực Hữu học.
Lúc ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Phật mà bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thuở xưa chư đại Bồ tát phát tâm hướng đến Vô thượng Bồ đề như thế nào? Tu hành khắp các hạnh thanh tịnh, mặc giáp tinh tấn công đức trang nghiêm thế nào? Chư đại Bồ tát ấy do mặc áo giáp nên được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.
Bạch Đức Thế Tôn! Hạnh nguyện và sự phát tâm ấy, xin đấng Đại Từ khai thị diễn thuyết cho. Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ tát ấy vì lợi ích an lạc chư Thiên và nhơn dân mà chuyên cần tu tập khắp các hạnh thanh tịnh mặc giáp tinh tấn, do đó mà lợi ích an lạc tất cả chúng sanh và sẽ làm ánh sáng Phật pháp lớn cho chư Bồ tát hiện tại và vị lai, vì họ tán dương công đức chứng được thiện căn vậy. Chư Bồ tát nghe pháp nầy rồi chuyên cần tu học chơn như pháp tánh sẽ được Vô thượng Bồ đề.
Đức Phật phán dạy: Lành thay, lành thay! Nầy Xá Lợi Phất! Ông có thể thưa hỏi đức Như Lai về tịnh hạnh quang minh, giáp trụ rộng lớn công đức sâu dày của chư đại Bồ tát thuở quá khứ để nhiếp thọ chư đại Bồ tát vị lai. Lắng nghe, lắng nghe, suy gẫm đúng lý, Ta sẽ vì ông mà nói.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi muốn xin được nghe.
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Từ đây qua phương Đông, quá một ngàn thế giới có quốc độ tên là Diệu Hỷ. Thuở xưa có đức Phật hiệu Quảng Mục Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất hiện trong nước Diệu Hỷ ấy vì chư đại Bồ tát nói pháp vi diệu, từ pháp lục ba la mật làm đầu. Lúc ấy, có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Quảng Mục Như Lai mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời đức Phật đã dạy về pháp Bồ tát, xin chí nguyện tu hành.
Đức Quảng Mục Như Lai nói: Nầy Tỳ kheo! Nay ông cần phải biết giáo pháp Bồ tát rất khó tu tập. Tại sao vậy? Vì Bồ tát đối với chúng sanh chẳng có lòng sân hại vậy.
Tỳ kheo ấy bạch: Bạch đức Thế Tôn! Từ hôm nay, tôi phát tâm Vô thượng Bồ đề, dùng lòng không dua dối, lời nói chơn thật chẳng đổi khác để cầu Nhứt thiết chủng trí. Từ nay cho đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu tôi sanh lòng sân hại thì chính là trái bỏ chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp trong vô lượng vô số vô biên thế giới…
Bài Tán Lư Hương Lư hương vừa ngún chiên đàn Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa Lòng con kính ngưỡng thiết tha Ngửa mong chưa Phật thương mà chứng minh Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát ma ha tát. CHƠN NGÔN TỊNH PHÁT GIỚI: Án Lam (7 lần) CHƠN NGÔN TỊNH KHẨU NGHIỆP: Tu rị tu rị, ma ha tu rị, tu tu rị ta bà ha (3 lần) CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP: Án ta phạ, bà phạ thuật đà ta phạ, đạt mạ ta pha, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) CHƠN NGÔN PHỔ CÚNG DƯỜNG: Án nga nga nẳng, tam bà pha, phiệt nhựt ra hồng. (3 lần)
Mục Lục: Nghi Thức Trì Tụng Phẩm Thọ Ký Trang Nghiêm Phẩm Thanh Văn Chúng Phẩm Bồ Tát Chúng Phẩm Niết Bàn Công Đức Trang Nghiêm Phẩm Nhơn Duyên Vãng Sanh