KINH ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG SÁM HỐI DIỆT TỘI TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬTDịch Giả: HT Thích Trung Quán NXB: Tôn Giáo Số Trang: 190 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 15,5x23cm Năm XB: 2017 Độ Dày: 1cmDTPQKINH TỤNG35.000đSố lượng: 1000099 Quyển
KINH ĐẠI THÔNG PHƯƠNG QUẢNG SÁM HỐI DIỆT TỘI TRANG NGHIÊM THÀNH PHẬT
Quyển "Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật" này là một bộ kinh rất có ý nghĩa và lợi lạc vô cùng nếu được thường xuyên tụng đọc, hoặc giảng giải huyền nghĩa đến mọi người tín tâm, khiến cho họ có được công năng chuyển hóa nghiệp chướng sâu dầy, trở nên nhẹ nhàng thanh thản, và phát tâm tinh tấn tu hành giải thoát.
Nay có nhân duyên được Tỳ kheo Ni Bồ Tát giới Như Ngộ, và các Phật tử phát tâm ấn tống kinh văn; tôi xin tùy hỉ tán thán công đức pháp thí này, và hướng nguyện mười phương Tam Bảo, chứng minh gia hộ cho tất cả những vị phát tâm ấn tống, phát nguyện thọ trì, kẻ thấy người nghe, đều được phát bồ đề tâm, tiêu trừ nghiệp chướng, thuận duyên phụng hành Phật sự, lợi lạc âm dương hữu tình. Xin trân trọng giới thiệu quyển kinh này đến với thiện hữu tri thức, Tăng Ni Phật tử, để cùng nhau đồng xướng tụng kinh văn, cầu sám hối diệt trừ tội chướng từ vô thỉ kiếp mà phát lòng cầu chứng vô thượng bồ đề. Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
NGHI THỨC TỤNG KINH Nhất thiết cung kính: Nhất tâm kính lễ thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo (3 lễ) Nhất tâm kính lễ Tu Di Đăng Vương Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Bảo Vương Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ BảoThắng Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ A Di Đà Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Tỳ Bà Thi Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Đa Bảo Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Đại Thông Phương Quảng cập Thập Nhị Bộ Tôn Kinh (1 lễ) Nhất tâm kính lễ Thập Phương Chư Đại Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)
TÁN LƯ HƯƠNG Lò hương vừa mới đốt, Khắp pháp giới thơm lừng, Chư phật nơi hải hội, Hết thảy đều vui mừng, Mây lành tùy xứ hiện, Đệ tử chí ân cần, Chư phật hiện toàn thân. Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma ha Tát. (3 lần) Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
KHAI KỆ KINH Pháp Phật cao sâu rất nhiệm mầu, Trăm ngàn muôn kiếp dễ tìm đâu! Con nay được gặp xin vâng giữ, Nguyện hiểu rành chân nghĩa Như Lai Nam mô Khai Bảo Tạng Bồ Tát Ma ha tát. (3 lần)
TRÍCH ĐOẠN:
QUYỂN THƯỢNG Chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật ở thành Vương Xá, cùng với các Bồ Tát ba vạn sáu ngàn người, đều là các vị Nhất sinh bổ xứ, oai đức tự tại, nói rõ phương tiện của Như Lai; mật làm Phật sự, đều được thành tựu tạng oai đức của chư Phật đã kiến lập, thụ trì Ðại thừa, thuyết pháp như sấm động, như sư tử gầm, danh thơm lừng mười phương, đức cao như Tu Di, trí sâu như biển cả, hàng phục chúng ma, dẹp yên ngoại đạo, khiến cho thanh tịnh; đầy đủ mọi lực, vô ngại giải thoát, an trụ không động, niệm, định, tổng trì, nhạo thuyết biện tài, tứ đẳng lục độ, vô lượng phương tiện, tất cả pháp nghĩa, đều đầy đủ hết, tùy thuận chúng sinh, quay xe bất thoái, chỉ trí hữu, vô, khéo giải pháp tướng, hiện vào ba cõi, năm mắt coi thấy, biết căn chúng sinh, oai đức vô lượng, trùm cả đại chúng, thiền định trí tuệ, dùng để tu tâm, tướng tốt nghiêm thân, mọi tướng đệ nhất, tâm như hư không, bỏ cả sắc đẹp, ở trong thế gian, suốt các pháp tính, trí tuệ vô ngại, khéo biết chúng sinh, đi lại các thú, đủ mọi tam muội, gần vô đẳng đẳng, trồng căn lành lâu, đã được trí tuệ, tự tại của Phật, đầy đủ thập lực, bốn vô sở úy, mười tám phép bất cộng, thông đạt các cõi lành, đóng mọi cửa ác đạo, coi chúng sinh bình đẳng, như coi con một, thị hiện sinh thân, ở trong năm thú, muốn độ chúng sinh, làm bậc đại y vương, ở trong sinh tử, khéo biết bệnh nhân, tùy bệnh cho thuốc, khiến chúng phục hành, lìa hẳn sinh tử, nếu ai nghe biết, đều được giải thoát, đầy đủ như thế! Vô lượng công đức, đã từng cúng dàng, vô lượng chưPhật, ở đời quá khứ, thấy rõ Phật tính, như các Như Lai, thường nói chúng sinh, đều có Phật tính.
Các vị đó tên là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ðịnh Quang Bồ Tát, Long Thụ Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát, Sư Tử Hống Bồ Tát, Ðà La Ni Bồ Tát, Bảo Tạng Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Tín Tướng Bồ Tát, Vô Thắng Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, các vị Bồ Tát ma ha tát như thế ba vạn sáu ngàn người.
Lại có tám mươi muôn ức oai lực chư thiên, và Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Trời, Rồng, Dạ xoa, Nhân, Phi nhân v.v.. Vua Thích Ðề Hoàn Nhân với vô lượng người cõi trời, đứng trên không trung rải các thiên hoa quý báu xuống như mưa, vô lượng âm nhạc, tự nhiên vang dội. Cõi trời Phạm, Ma, Tam bát, đốt hương mầu nhiệm, cúng dàng Như Lai, khói hương bay khắp mười phương vô lượng thế giới, nguyện đồng cúng dàng khắp mười phương tất cả chư Phật, cúng dàng mười phương tất cả chư Pháp, cúng dàng mười phương tất cả chư đại Bồ Tát. Các ông trời này, vì lợi như thế, mà cúng dàng chư Phật, để cầu đạo Ðại thừa vô thượng.
Khi bấy giờ Ðức Thế Tôn, có vô lượng vô biên đại chúng vây quanh trước sau, Ngài đi về rừng Sa La, giữa ngày mười rằm tháng hai, tới lúc sắp vào Niết bàn, Phật dùng sức thần, tâm đại bi trùm che, tiếp độ chúng sinh, phát âm thanh lớn; âm thanh vang động mười phương, tùy theo tiếng của mỗi loài, để bố cáo cho chúng sinh biết rằng: Hôm nay Như Lai Ứng Chính Biến Tri, thương xót chúng sinh, che chở chúng sinh, nhiếp thụ chúng sinh, nhìn chúng bình đẳng, như coi con một, chúng không chỗ nương nhờ, ta vì làm chỗ nương nhờ, kẻ chưa thấy Phật tính, ta cho thấy Phật tính; kẻ chưa hết phiền não, ta cho dứt phiền não; kẻ không được an ổn, ta cho được an ổn; kẻ chưa được giải thoát, ta cho được giải thoát; kẻ chưa được an lạc, ta cho được an lạc; kẻ chưa lìa nghi hoặc, ta cho lìa nghi hoặc; kẻ chưa sám hối, sẽ được sám hối; kẻ chưa được Niết bàn, ta cho được Niết bàn.
Khi đó đạo tràng thanh tịnh bình chính, cát tường phúc địa, ngang dọc mười ngàn do tuần. Ðức Phật thấy chốn đạo tràng bình chính thanh tịnh, Ngài dừng nghỉ bảo các Tỷ khưu rằng: “Ở nơi đây có thể thuyết pháp?”.
Khi đó A Nan Tỷ khưu bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Xưa Như Lai tính thường ham nơi rừng núi, nước chảy suối trong, vườn rừng hoa quả, ở nơi đây không có suối chảy, nước trong, vườn rừng, quốc độ, nhân dân, làng mạc, hôm nay Như Lai an cư thuyết pháp, người ở nơi xa lại đây đông đảo, mỏi mệt đói thiếu, tính mạng không yên, có thực có mạng, có mạng có thân, có thân có đạo, không thực không mạng, không mạng không thân, không thân không đạo, ở đây những việc không hợp ý như vậy, làm sao Ðức Thế Tôn lại thuyết pháp?”.
Khi bấy giờ Ngài Ðại trí Xá Lợi Phất dùng trí lực Phật bảo ông A Nan rằng:
“Trước là vì pháp, không có quan niệm gì khác. Như Lai Thế Tôn chẳng những Thập lực, Vô sở úy; Như Lai Thế Tôn còn có vô lượng lực, nhất thiết vô sở úy trí tuệ vô lượng, oai thần vô lượng, kẻ không có chốn quy y, vì họ làm chốn quy y; kẻ chưa thấy Phật tính, khiến cho họ được thấy Phật tính; kẻ chưa ly được phiền não, khiến cho họ được lìa khỏi phiền não; kẻ chưa được yên ổn, làm cho họ được yên ổn; kẻ chưa được giải thoát, khiến cho họ được giải thoát; kẻ chưa được an lạc, khiến cho họ được an lạc; kẻ chưa được Niết bàn, khiến cho họ được Niết bàn. Ðức Như Lai Thế Tôn, có vô lượng thần lực như thế, lo gì đức Như Lai, mà không tự nhiên? Tôi nhớ thuở xưa, Duy Ma Ðại sĩ, Bồ Tát phương khác, Thanh Văn, Duyên Giác, oai lực chư Thiên, Long thần đại chúng, họp ở trong nhà, chưa từng thấy có thức ăn, khi đó tôi nghĩ rằng: Trong đại chúng bây giờ lấy gì mà ăn! Ðại sĩ Duy Ma liền bảo tôi rằng: Thanh Văn trí nhỏ, hãy niệm chính pháp! Tại sao lại nghĩ y thực là mạng giường tòa trước như vậy? Duy Ma Ðại sĩ khi nói lời đó, thì trời, người đắc đạo, tôi mang lòng hổ thẹn, tâm niệm của ông hôm nay cũng lại như thế!”.
Khi bấy giờ đức Như Lai bảo A Nan tôi rằng: “Thực đúng như lời ông Xá Lợi Phất nói! Nên niệm Ðại thừa chớ niệm an thân!”. Nói rồi Ngài nhập Tam muội, dùng lực oai thần, từ đất mọc lên một bông kim hoa, hoa cao bốn mươi muôn do tuần, che khắp ba ngàn thế giới lớn, màng lưới lưu ly, che phủ trên hoa, ở dưới hoa có nhiều ao tắm quý báu, với hoa bình đẳng gọi là bát công đức, nước thơm tràn đầy, bốn bên bờ ao có rất nhiều hoa quý, như hoa: Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phần đà lợi, có vô lượng danh hoa như thế, để làm trang nghiêm cho ao. Nếu nhìn thấy kim hoa ao báu, sẽ được “pháp nhãn tịnh” huống là lại được vào trong tắm gội, nếu được vào trong tắm gội, sẽ được “thanh tịnh vô sinh pháp nhẫn”. Dưới kim hoa có tòa sư tử quý báu, tòa cao một trăm do tuần.
Ðức Như Lai ngồi trên bảo tọa, những lỗ chân lông trên thân Ngài, từng chi tiết trên dưới đều phóng đại quang minh, bóng quang minh vàng đồng sắc với hoa, ánh vàng tuôn ra bốn phía; chiếu khắp mười phương tất cả cõi Phật; quang Phật ánh hoa chiếu đến đâu núi hang quốc độ cao thấp bằng phẳng thuần sắc vàng, không còn nhơ uế, địa ngục tan không, ngã quỷ giải thoát, trừ một hạng xiển đề và báng kinh Phương Ðẳng. Như thần lực Phật cõi này và cõi khác đều một như nhau không có khác biệt. Mười phương chư Phật, thấy ánh quang ấy, đều khen Đức Phật Thích Ca rằng: Hay thay! Hay thay! Ðại từ Thế Tôn! Nay phóng quang minh, khác ánh quang thường, xưa kia phóng quang, chiếu về Ðông phương trước, hôm nay phóng quang, một lúc phóng cả bốn phương, soi khắp mười phương, nên biết ánh quang này, ý muốn độ cho tất cả chúng sinh khổ não, khiến ra ngoài ba cõi, đến nơi đại Niết bàn.
Khi bấy giờ mười phương chư Phật, khác miệng cùng tiếng bảo Thị giả và chúng đại Bồ Tát rằng: “Thiện nam tử! Các ngươi nên biết, hôm nay trong nước thế giới Sa Bà Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai phóng đại quang minh, sẽ thuyết pháp mầu, độ chúng sinh khổ, các ngươi nên sang nước đó cúng dàng Phật, nghe kinh pháp, thỉnh hỏi chỗ nghi, chúng sinh nước đó, từ trước đến nay cương ác, dối trá không thực, không tin nhất thừa. Phật Thích Ca tâm từ rộng lớn, muôn phương tiện khéo, diễn ra ba thừa, độ thoát ba cõi. Tuy nói ba thừa thượng ngữ cũng thiện, trung ngữ cũng thiện, hạ ngữ cũng thiện, ý nghĩa sâu xa, thuần hậu đầy đủ. Phật Thế Tôn kia, trăm ngàn muôn kiếp, không thể gặp gỡ, nói ra kinh pháp, khó thể được nghe, các đại chúng kia, gặp thời chẳng dễ, chỗ Thích Ca sinh, kim hoa mầu nhiệm, không thể được thấy, vì thế các ngươi, hãy sang cõi kia, mà gặp Đức Phật, thỉnh hỏi chỗ ngờ, được lợi ích mình, và lợi chúng sinh. Nói lời thế rồi, mười phương cõi Phật, mỗi mỗi đều có, mười ức Bồ Tát, từ tòa đứng lên, để làm lễ Phật, cùng nhau đi lại, mỗi mỗi Bồ Tát, đều có mang theo, trăm ngàn âm nhạc, mưa hoa báu nhiệm, đi đến chốn Phật, khi tới nơi rồi, nhiễu Phật bảy vòng, lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, cùng nhau nói ra, khác miệng cùng tiếng, mà bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Chúng con hôm nay, muốn hỏi một điều, cúi xin Thế Tôn, vì chúng con nói, lợi ích chúng sinh!”.
Khi đó Đức Phật, bảo các Bồ Tát Ma ha tát rằng: “Các Thiện nam tử! Nếu có nghi ngờ, nay cứ hỏi đi! Ta sẽ vì ngươi, quyết định nói rõ!”.
Các vị Bồ Tát, liền bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Ðức Phật nước con, chỉ nói nhất thừa, tại sao Như Lai, lại nói tam thừa?”.
Khi đó Thế Tôn, dùng trí vô ngại, bảo các Bồ Tát, các ngươi hôm nay, vì lợi chúng sinh, hỏi ta nghĩa đó, nghe kỹ! Nghe kỹ! Các Thiện nam tử! Ví như một người, mà có ba tên, khi còn thơ ấu, gọi là tiểu đồng, lúc hai mươi tuổi, gọi là trung niên, quá tám mươi tuổi, gọi là lão niên, ta thuyết tam thừa. Cũng lại như thế, kẻ bé tâm nhỏ, là người Thanh Văn, ta thuyết Tiểu Thừa; vì người trung tâm, là bậc Duyên Giác, ta nói Trung thừa; vì đại Bồ Tát, tâm người đạo lớn, ta nói Ðại thừa. Các Thiện nam tử! Các ngươi nghe đây, lý không hai cực, về cùng một nẻo, giải tuy khác luật, chung quy nhất quán, lý là nhất thừa, phân ra thành ba, Thanh Văn, Duyên Giác, đều nhập Ðại thừa, như Ðại thừa đó, tức là Phật thừa, cho nên tam thừa, tức là nhất thừa.
Khi thuyết pháp này, trong hội tất cả, mười ngàn Bồ Tát, được Vô sinh nhẫn, tám trăm Tỷ khưu, được quả La Hán, hai muôn người, trời, được pháp nhãn tịnh, tám trăm muôn người, phát tâm Bồ đề.Khi đó Bồ Tát, ở mười phương lại, cùng nhau chắp tay, mà bạch Phật rằng: Chúng con hôm nay, nhờ sức Phật kia, lại tới cõi này, được thấy Thế Tôn, được nghe Ðại thừa, xin cho chúng con, thụ trì kinh ấy, sau khi Phật diệt, ở quốc độ này, và cõi nước khác, gốc cây núi rừng, thần tiên cư xứ, thành ấp xóm làng, đồng không mộ địa, chùa, tháp, phòng Tăng, hội đông giảng pháp, chốn ở người tục, truyền bá kinh này, lan rộng khắp nơi, khiến cho không dứt, là vì cớ sao? Kinh này tồn tại, khiến cho đường ác, ngắt dứt lâu dài, sở dĩ như thế, từng nghe Phật nói, địa ngục chẳng ngăn, nếu tụng một câu, chư Thiên hoan hỷ, thường lại thân gần, tự nhiên tu thiện, nếu có người nào, nghe kinh Phương Quảng, vui mừng kính tín, viết chép đọc tụng, lễ bái thụ trì, xưng niệm trong kinh, một danh hiệu Phật, một tên Bồ Tát, hiện đời người ấy, an vui lành mạnh, không thấy tai ác, sau khi mạng chung, Bồ Tát chúng tôi, đến trước người đó, dẫn về nước tôi, cùng sinh một xứ, là bởi lẽ gì? Là vì người đó, thụ trì kinh này. Thụ trì kinh này, là trì thân Phật, người trì thân Phật, tức là Bồ Tát, vì thế người này, đồng học với tôi, bởi nhân duyên thế, thụ trì kinh này, nguyện sinh một chốn, không bỏ lìa nhau.
Trong khi bấy giờ, các Quỷ thần vương, Ðại Phạm thiên vương, Tam thập tam thiên, Hộ Thế tứ vương, Kim Cương mật tích, chư Quỷ thần vương, Tán chỉ đại tướng, Na La Long vương. Nan Ðà Long vương, Bà Nan Ðà Long vương, A Tu La vương, Ca Lâu La vương, Ðại Biện Thiên vương, Quỷ Tử Mẫu Thiên vương, Chư sơn quỷ thần, Thần vương, Thụ thần vương, Hà thần vương, Hải thần vương, Ðịa thần vương, Thủy thần vương, Hỏa thần vương, Phong thần vương, như thế vô lượng vô biên các Thần vương và chư Thiên đều từ tòa đứng lên, đầu mặt lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính, mà bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Chúng con từ nay, thường thường hộ trì, lời Thế Tôn nói, kinh Phương Quảng này, chỗ nào có kinh, Thần vương chúng con, thường ở tại trước, vì làm thanh tịnh, nếu ở trong tháp, hoặcở trong phòng, ở nhà bạch y, hoặc ở chỗ không, nếu có người nào, đem tay bất tịnh, vỗ nắm kinh này, hoặc chẳng cung kính, đọc tụng kinh này, con khiến kẻ đó, đi đứng ngồi nằm, thân tâm chẳng yên, xứ xứ sợ hãi, vướng mắc ác sự, hiện thân phải chịu, đến khi mạng chết, vào trong địa ngục. Nếu người cung kính, thân tâm thanh tịnh, bưng đỡ kinh này, tắm rửa đốt hương, thụ trì đọc tụng, hoặc là viết chép, ghi nhớ không quên, nhớ kinh điển này, không làm việc ác, nếu hay như thế, Thần vương chúng con, vì kinh điển này, bảo hộ người đó, người đó nếu nằm, đứng trước người đó, không cho thấy ác, và cũng không cho, ác nhân ác thần, làm hại người đó, nếu là trụ xứ, giữ cho nhà cửa, nếu muốn đi lại, Thần vương chúng con, đi trước người đó, để mà dẫn đường, dùng gì cho nấy, đi trong bốn phương, không cho chướng ngại, thường thấy việc lành, tới khi mạng chung, được sinh lên trời, nhân thế gặp Phật, không mất Ðại thừa.
Khi đó Thế Tôn, bảo các Bồ Tát, và Thần vương rằng: Như thế! Như thế! Ðúng như người nói, như kinh điển này, không thể được nghe, phương chi được thấy, nếu muốn thụ trì, đọc tụng kinh này, phải tắm rửa sạch, mặc áo mới sạch, quét sạch phòng xá, treo phan lụa lọng, trang nghiêm trong nhà, đốt các hương thơm, như hương chiên đàn, hương bột, hương bôi, lễ bái sáu thời, đều từ một ngày, cho đến bảy ngày, trong thời gian đó, đọc tụng kinh này, chính tâm chính ý, chính niệm chính quan, chính tư duy, chính tư nghị, chính thụ trì, chính dụng hành, chính giáo hóa, ngày đêm sáu thời, lễ bái trong kinh, chư Phật Bồ Tát, mười hai bộ kinh, nếu hay như thế, lễ bái đọc tụng, tín kính nhất tâm, như trong kinh này, nói các tội nặng, đều trừ diệt hết, không còn ngờ gì, là bởi cớ sao? Kinh Ðại Phương Quảng, mười phương chư Phật, theo đây tu hành, theo đây hộ trì, là mẹ chư Phật, làm vua mọi kinh, kho tàng diệu nghĩa, là đạo Bồ Tát, kinh điển Ðại thừa, Phương Quảng thâm diệu, cũng như thế gian, có đủ sáu đại, không thể nghĩ bàn, những gì là sáu? Một là đại địa, hai là đại thủy, ba là đại hỏa, bốn là đại phong, năm là đại nhật, sáu là đại không, kinh như đại địa, đựng chỡ tất cả, tịnh uế tốt xấu; kinh như đại thủy, tẩy trừ tất cả, uế ác bất tịnh, các vẩn cấu nhơ, kinh như đại hỏa, cháy tiêu tất cả, phiền não uế ác, các vật bất tịnh, kinh như đại phong, thổi bay tất cả, trần cấu bất tịnh, kinh như đại nhật, phổ chiếu tất cả, các chỗ tối tăm; kinh như đại không, dung thụ tất cả, “vũ trụ thế giới”, hảo ác tốt xấu, kinh Phương Quảng này, là kinh Ðại thừa, rộng lớn vô song, không thể sánh đối. Thượng đến Bồ Tát, trung đến thanh văn, hạ đến hữu hình, đều dung nạp hết, vì thế các ngươi, thụ trì kinh này, lưu bá kinh này, tín kính kinh này, thường khiến lũ ngươi, và các Bồ Tát, nhập trí tuệ Phật, thấy rõ Phật tính, sẽ khiến lũ ngươi, chư Thiên, Thần vương, và người thụ trì, đọc tụng kinh này, thường được thấy ta, và thấy tất cả, chư Phật vị lai, chuyển đại pháp luân, ngồi tràng Bồ đề.
Ðương khi bấy giờ, ở trong đại chúng, có vị Bồ Tát, tên là Tín Tướng, từ tòa đứng lên, sửa sang áo mặc, lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Chúng con hôm nay, muốn hỏi một điều, cúi xin Thế Tôn! Nhủ lòng chỉ dạy, lời Thế Tôn nói, hay làm lợi ích, vô lượng chúng sinh!”.
Khi đó Phật bảo: “Tín Tướng Bồ Tát, hay thay! Hay thay! Này Thiện nam tử! Nếu muốn hỏi gì, thì cứ hỏi đi, ta sẽ vì ngươi, phân biệt giải thuyết, chỗ ngươi hỏi ta, làm đại lợi ích, vô lượng chúng sinh!”.
Tín Tướng Bồ Tát, liền bạch Phật rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Con nhớ thuở xưa, về đời quá khứ, đã vô lượng thế, có Phật Thế Tôn, tên là Bảo Thắng, nghe tên Phật ấy, chỉ có một lần, đều được sinh Thiên, sau chẳng bao lâu, trong nước nhà vua, Thiên Tự Tại Quang, trong cánh đồng rộng, có một ao lớn, nước đã khô cạn, ở trong ao có, mười ngàn cá lớn, bị ánh mặt trời, phơi thân nóng nhiệt, sắp vào cửa chết, có một Ðại sĩ, tên là Lưu Thủy, nhìn thấy lũ cá, sinh tâm từ bi, cho nước ăn uống, được sống ít ngày, biết cá chẳng lâu, tất nhiên sẽ chết, vì cá xưng niệm, tên Phật Bảo Thắng, chỉ có ba lần, cá vừa nghe xong, bèn chết hết cả, được sinh lên trời, Ðao Lợi thiên cung, bởi nhân duyên thế, nay xin Thế Tôn, vì đại chúng đây, và các chúng sinh, ở đời vị lai, nói tên chư Phật, và nghe danh hiệu, Thích Ca Thế Tôn, cũng được vô lượng, vô biên lợi ích, vô biên công đức, thường được giàu vui, được thấy Phật rồi, là tính nhân duyên, nên cầu nguyện đó, cúi xin nói cho, độ thoát trọng tội, do những giới cấm, chúng sinh mê hoặc”.
Khi đó Phật bảo, Tín Tướng Bồ Tát, Ma ha tát rằng: “Gã Thiện nam tử, nếu ta nói rộng, mười phương chư Phật, có những danh hiệu, trăm ngàn muôn kiếp, nói không thể hết, tất cả thứ nước, có thể biết được, số giọt của nó, danh hiệu chư phật, không thể biết hết, các núi Tu Di, biết được cân lạng, danh tự chư Phật, không thể biết hết, tất cả đại địa, có thể biết được, độ số của nó, danh tự chư Phật, không thể biết hết, hư không thế giới, có thể biết tận, biên bờ của nó, danh tự chư Phật, không thể biết hết, ta nay vì ngươi, lược nói danh tự, ba đời chư Phật, nếu ai được nghe, qua tai một lần, tới lúc mạng chung, cũng được sinh Thiên, nghe rồi tín kính, lại hay viết chép, xưng danh lễ bái, được diệt vô lượng, sinh tử trọng tội, được phúc vô lượng, người đó mạng chung, mười phương thế giới, tùy ý vãng sinh, cũng được thấy ta, và thấy chư Phật, vị lai hiền kiếp”.
Khi đó Thế Tôn, bảo đại chúng rằng: Các ngươi phải nên, chỉnh đốn y phục, chính tâm, chính thân, chính ý, chính niệm, và chính quán sát, muốn được nghe pháp, phải nên nhất tâm, kính lễ Đức Phật, Tu Di Ðăng Vương, kính lễ Đức Phật Bảo Vương, kính lễ Đức Phật Bảo Thắng, kính lễ Đức Phật A Di Ðà, kính lễ Đức Phật Tỳ Bà Thi, kính lễ Đức Phật Ða Bảo, kính lễ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, kính lễ nhiếp trì nhất thiết pháp, kính lễ quá xưng lượng, kính lễ vô thí loại, kính lễ vô biên pháp, kính lễ nan tư nghị, kính lễ trụ lực, lực trung lực, kính lễ thập lực vô sở úy, kính lễ tam giới tôn, kính lễ nhất thiết đại đạo sư, kính lễ năng đoạn chúng kết phọc, kính lễ dĩ đáo ư bỉ ngạn, kính lễ dĩ độ chư thế gian, kính lễ vĩnh ly sinh tử đạo, kính lễ tam muội đắc giải thoát, kính lễnhư không vô sở y, kính lễ chúng trung đại pháp vương, kính lễ phá hoại tứ ma chúng, kính lễ nhất tử đại từ phụ. Cúi xin đời đời gặp chư Phật, minh kiến Phật tính, đến đại Niết bàn, là vì sao? Vì hết thảy loài hữu hình đều có Phật tính. Ðại chúng chắp tay mười ngón, dốc lòng nghe kỹ, nhất tâm cúng dàng....