Long Thọ Thất Thập Không Tính Luận (Śūnyatāsaptatikārikā) của Tổ sư Long Thọ là một luận cực thâm viễn từ xưa đã hiếm có luận sư giảng cứu. Mặc dù không còn toàn vẹn nguyên tác ngoài những đoạn trích dẫn nhưng chúng ta may mắn còn nhiều bản dịch Tạng văn. Trong Đại Tạng Hán ngữ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh in đầu thế kỷ XX chúng ta cũng chỉ được biết các bậc thạc đức nói đến tên luận mà chưa thấy bản dịch hay chú sớ nào xuất hiện. Trong lần in này, tôi cho in thêm bản Sanskrit tái tạo từ bản Tạng văn cùng hai bản dịch mới Hoa ngữ và Anh ngữ để giúp độc giả có đủ văn bản khi so sánh. Bản Việt ngữ Long Thọ Thất Thập Không Tính Luận lần này dù đã được cố gắng sửa lỗi, nhuận sắc và tiếp tục dùng Trung Luận như cơ bản tham chiếu, nhưng trong giới hạn cá nhân tôi vẫn thấy rất khó có thể trình bày dễ hiểu hơn. Vì vậy tôi cho in lại hai tiểu luận “Nhập Môn Triết Học Tính Không” và “Triết Học Long Thọ” được dùng như chú giải chi tiết cho luận này. Phụ lục cuối sách này là “Bảng Tra Phạn Tạng” là phần sơ khảo của quyển tiểu tự điển Trung Quán soạn chung với Geshe J.J. Lai sẽ được ấn hành đầy đủ trước khi Tùng Thư giới thiệu các sách luận viết về Long Thọ và Trung Quán của các học giả hiện đại.
Vũ Thế Ngọc – Bát Bất Đường Lập Đông 2016
Lời Nói Đầu
Long Thọ được tôn xưng là Đức Phật thứ hai, được tôn lập là tổ tám đại tông môn, xuống Long Cung mang kinh điển Đại Thừa về, thì có thể chỉ là sự kính ngưỡng và huyền thoại của tín đồ, nhưng Long Thọ là người đặt cơ sở tư tưởng cho Phật giáo Đại thừa là một sự thật lịch sử. Từ Ấn Độ tư tưởng Long Thọ trở nên lập cước chung của tất cả các tông môn Phật giáo phát triển sau đó. Ở Tây phương, từ thế kỷ trước Thiền tông và sau đó là Kim cương thừa cùng song hành phát triển cũng đã giúp phần làm tươi trẻ lại suối nguồn giáo lý Tính Không và cũng là nơi trong nhiều thế kỷ phần hình thức danh tướng từ lâu đã che mờ phần tinh túy của giáo lý Trí tuệ Giải thoát.
Quả thật trong một thời gian dài, không ít tu sĩ và quần chúng giáo đồ đã tập trung quá nhiều tâm huyết cho những nghi quỹ (như ở Ấn Độ và Tây Tạng) hay danh tướng (như ở Trung Hoa). Cho nên nếu Phật giáo chỉ còn là sinh hoạt hình tướng thì tất nhiên phần tư tưởng tinh túy giải thoát cũng thường dễ bị khuất lấp sau không khí hương khói dung tục. Trước đó ở Ấn Độ, nơi xuất phát của Phật giáo, hơn sáu trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt thì cũng không khác. Phật Pháp đã bị phân hóa thành mười tám bộ phái và sống trong bóng mờ hào quang thời vua A Dục. Giữa thời đại mà ý thức hệ và tôn giáo Bà La Môn đang phát triển, Phật giáo khi đó vẫn còn nhiều chùa thất, nhiều tín đồ và cũng có nhiều tu sĩ hành đạo nhưng ít người giác ngộ. Ngài Long Thọ xuất hiện. Không dựng lập thêm một tông môn mới cũng không ấn khả truyền thừa, ngài chỉ phá tà hiển chánh, trùng tuyên chính pháp của Đức Phật đang bị các tư tưởng thần giáo xâm nhập trong tình trạng các bộ phái Phật giáo tiếp tục phân hóa và truyền bá nhiều giáo điều hình tướng lẫn huyền bí (vay mượn từ những tôn giáo khác và truyền thống địa phương) để vừa răn đe vừa để phù hợp với các nhu cầu dung tục của quần chúng trong một thời đại xã hội đang có các biến chuyển lớn. Long Thọ xuất hiện không những đã thành công trong việc trùng tuyên chính pháp mà còn xây dựng cơ sở nền tảng cho Phật giáo Đại thừa tiếp tục phát triển.
Hiện nay giới trí thức ưu tú của thế giới đang tu học kinh luân Long Thọ không phải chỉ nghiên cứu tư tưởng giáo pháp, mà còn với viễn kiến tìm đến một trí tuệ giải thoát trong một thực tại thế giới đang đối diện trước sự phá sản tri thức lẫn thiên nhiên đang đe dọa nhân loại. Là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, người Việt Nam càng có thêm lý do để tu học kinh luận mà Long Thọ đã giao truyền để xiển dương lại chính pháp trong thời đại của mình. Long Thọ viết nhiều luận, nhưng tinh yếu tư tưởng giáo pháp của ngài kết tinh trong bốn luận Trung Luận, Hồi Tránh Luận, Thập Nhị Môn Luận và Thất Thập Tính Không Luận hôm nay đã được dịch giảng đầy đủ ra Việt ngữ. Đây chính là nhân duyên cho sự phục hưng lại truyền thống tinh nhất của Phật pháp ở Việt Nam.
Thất Thập Không Tính Luận (Śūnyatāsaptatikārikā) mà chúng ta có ngày nay chỉ còn trong các bản Tạng ngữ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều giảng luận của các đại sư danh tiếng như Thanh Biện (Bhavya thế kỷ VI), Nguyệt Xứng (Candrakirti thế kỷ VIII) và Tịch Hộ (Śāntaraksita thế kỷ VIII) có trích dẫn tác phẩm này. Trước cả thời ngài Thanh Biện chúng ta cũng còn thấy nhiều sớ luận trích dẫn và nhắc đến Thất Thập Không Tính Luận, cho nên hầu như tất cả luận sư học giả từ xưa đến nay dù rất bảo thủ về nguyên tắc văn bản, đều đồng ý tác giả của Thất Thập Không Tính Luận là Long Thọ.
Hiện nay ngoài Tạng bản sTon pa ñid bdun cu pa’i (Peking Edition, # 5227) chúng ta còn có các Tạng bản Thất Thập Không Tính Luận Thích (Śūnyatāsaptati– vrtti) được coi là của chính Long Thọ (Peking Edition, # 5231), một bản khác cùng tên của Nguyệt Xứng (Peking Edition, # 5268) và Śūnyatāsaptativivrtti của Thanh Biện (Peking Edition #5269). Bản dịch Hán văn Thất Thập Không Tính Luận đã mất từ lâu, tuy nhiên người ta thấy trong bản Hán văn Thập Nhị Môn Luận do Cưu Ma La Thập (344-416) dịch có trích hai kệ (kệ 8 và 19) từ luận này. Chỉ gần đây chúng ta mới thấy có các bản dịch bằng các ngôn ngữ hiện đại như chữ Nhật, Danish và Anh ngữ; ngoài ra các bản dịch Hoa ngữ, Pháp ngữ và Đức ngữ đã được thông báo là sẽ in.
Phá Hủy Thập Nhị Nhân Duyên
Quần chúng Phật giáo đều quen thuộc với giáo lý Thập nhị nhân duyên. Và cũng vì quá quen thuộc nên giáo lý duyên khởi đã bị dung tục hóa, biến thành “giáo điều duyên khởi” xem duyên khởi như là lý nhân quả đơn giản, máy móc và một chiều như là một định mệnh thuyết. Nhưng rất ít người hiểu rằng mục đích quan trọng Đức Phật muốn dạy là phải phá hủy mười hai nhân duyên này. Và đó là nỗ lực của Long Thọ.
Thập nhị nhân duyên là giáo lý căn bản của Phật Pháp, được tất cả các tông môn Phật giáo bảo lưu và tôn trọng như giáo lý giao truyền từ Đức Phật, dù cách giải thích có đôi chút khác nhau tùy theo tông môn. Thập nhị nhân duyên là giáo lý nói về mười hai lý do và điều kiện tâm, sinh, và vật lý tạo nên đời sống nằm trong một chuỗi liên hệ. Đó là những lý do (nhân) và điều kiện (duyên) đã khiến con người cứ mãi mãi luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi. Vì vậy viết hay giảng về Thập nhị nhân duyên dù có chi tiết và thú vị đến đâu chăng nữa như các luận sư thường thuyết giảng lâu nay, cũng chẳng giúp được gì nhiều cho thính chúng, và chỉ càng xa rời chính đạo của Đức Phật. Vì vậy mục đích của Long Thọ không phải là rao giảng 12 nhân duyên, mà là nỗ lực phá hủy mười hai nhân duyên để đưa về mục đích thực sự mà Đức Phật nhắm đến là Giải Thoát. Vì giải thoát chính là sự phá hủy mười hai nhân duyên. Trung Luận, Hồi Tránh Luận và Thất Thập Không Tính Luận không dạy về Thập nhị nhân duyên mà chỉ nhắm vào một mục đích là phá hủy vòng vây mười hai nhân duyên này. Trước khi nghe Thất Thập Không Tính Luận giảng về con đường phá hủy Thập nhị nhân duyên chúng ta cần hiểu 12 nhân duyên này liên hệ với nhau như thế nào theo giáo lý Duyên khởi:
1 – Vô minh (avidyā) là biết không rõ về chính ta và mọi hiện tượng quanh ta, trong đó quan trọng nhất là không hiểu Khổ (duhkha: bất toàn) là tính chất căn bản chung của mọi hiện tượng trong đời sống. Vô minh được coi là phiền não của thời quá khứ vô thủy.
2 – Vô minh là duyên sinh Hành (saṃskāra, có thể gọi là Hành nghiệp hay Hành lực) là sức mạnh của các hành động tạo nghiệp. Hành lực có ở cả ba dạng thân khẩu ý. Vì nghiệp không chỉ có ở hành vi cụ thể (thân) như giết người mà còn ở khẩu như dạy giảng sai kinh điển, và ở ý như các tư tưởng tàn ác bất thiện. Hành lực được coi là có cội nguồn từ quá khứ (kể cả quá khứ tức thời).
3 – Hành là duyên sinh Thức (vijñāna). Được coi là nghiệp thức từ quá khứ mà thụ sinh vào thời hiện tại.
4 – Thức là duyên sinh của Danh Sắc (nāmarūpa). Danh Sắc là toàn bộ tâm lí và vật lí của hình tướng từ khi còn là bào thai do ngũ uẩn (pañcaskandha) tạo thành.
5 – Danh Sắc là duyên sinh Lục xứ (Ṣaḍāyatana) hay lục căn, gồm năm giác quan và khả năng suy nghĩ.
6 – Lục căn tiếp xúc với thế giới bên ngoài khởi sinh Xúc (sparśa).
7 – Xúc là duyên sinh Thụ (vedanā). Thụ là cảm nhận của con người với thế giới bên ngoài.
8 – Thụ là duyên sinh Ái (tṛṣṇā). Khi có cảm thụ tất sinh lòng tham ái, ham muốn.
9– Ái là duyên sinh Thủ (upādāna). Khi tham ái thì phải sinh ý chiếm giữ.
10 – Thủ là duyên phát sinh Hữu (bhāva). Hữu là toàn bộ những gì gọi là tồn tại, là sự hữu, thế giới. Đây là nghiệp gây ra quả tương lai.
11 – Hữu là duyên dẫn đến Sinh (jāti). Từ cái nghiệp hiện tại mà có một cá nhân mới xuất hiện ở thời vị lai.
12 – Sinh là nhân duyên của Lão Tử (Jarāmaraṇa), vì có sinh nên có lão tử, là già và chết. Mười hai nhân duyên chỉ rõ tính chất liên hệ lẫn nhau trong dòng chảy của thế giới hiện tượng (1-2 là thời quá khứ, 3-7 là nguyên nhân và điều kiện của đời sau, 8-10 là kết quả của thời hiện tại, 11-12 là đời sống phía trước). Người ta có thể giải thích khác nhau, nhưng tựu trung các tông môn dù Nguyên thủy hay Đại thừa đều thường giải thích 12 nhân duyên là nói về sự bất toàn (khổ) của mọi pháp hữu vi (saṃskṛta) rằng các nhân duyên đều sinh khởi vì do nhiều nguyên nhân và điều kiện, không hề có tự tánh để tự hiện hữu độc lập và vĩnh cửu. Nói cách khác, mười hai nhân duyên cũng như mọi pháp hữu vi đều có thể bị phá hủy.
Chúng ta cần nắm vững lý luận của Thập nhị nhân duyên để thấy học thuyết Tánh Không phá hủy chúng như thế nào. Giảng và học Thập nhị nhân duyên cả ngàn năm cũng chỉ là cái học danh tướng và chỉ thấy các hiện tượng liên hệ trùng trùng. Vấn đề cứu cánh là giải thoát, và chỉ có thể giải thoát khi phá hủy được mười hai nhân duyên này. Đó mới chính là điều Phật dạy mà ngài Long Thọ xiển dương.
Nội dung Thất Thập Không Tính Luận
Thất Thập Không Tính Luận gồm 73 kệ tụng, cùng với Hồi Tránh Luận, được coi là hai luận ngắn Long Thọ viết sau Trung Luận để luận thêm về một số đề tài đã thảo luận hay mới phác họa trong Trung Luận. Long Thọ viết nhiều luận gồm nhiều đề tài cho nhiều thành phần tu sĩ và tín đồ, nhưng học giới từ xưa cho đến nay đều cho rằng ba luận này làm thành một nhóm luận ngài viết nhắm vào giới trí thức thượng thủ, đặc biệt là các luận sư Nhất thiết Hữu bộ. Thất Thập Không Tính Luận không phải là phụ đính để chú thích Trung Luận theo nghĩa vậy mà như Nguyệt Xứng cho là nó và Hồi Tránh Luận là hai luận đi kèm với Trung Luận. Khi truyền giáo lý Trung Quán vào Tây Tạng, Atisha cũng khẳng định hai tác phẩm Trung Luận và Thất Thập Luận là hai luận quan trọng nhất để giải nghĩa Tính Không của Long Thọ. Thất Thập Không Tính Luận là một luận viết theo văn pháp kệ tụng āryā giống như Trung Luận, theo sát nội dung Trung Luận nhưng rất cô đọng nên Santina gọi là “luận viết cho các triết gia, hoặc ít nhất là cho những học giả thông minh”.
Thực tế phân tích nội dung, chúng ta sẽ thấy có nhiều kệ của Thất Thập Không Tính Luận dù chỉ gồm vài câu nhưng là cô đọng cả một chương của các luận khác. Thí dụ như kệ của Thất Thập Không Tính Luận có thể là đã tóm lược 35 kệ của phẩm “Quán về các Pháp Hữu Vi” trong Trung Luận, hay kệ 19 của Thất Thập Không Tính Luận là cô đọng phẩm “Quán về Thời” trong Trung Luận mà Santina ca tụng là “tóm lược mà hầu như không để mất một ý niệm nào của phẩm này”. Vì vậy việc đọc Thập Thập Không Tính Luận là một thách thức lớn cho học giả. Cho nên nhiều người đồng ý cho rằng có lẽ Long Thọ viết luận này nhắm vào đối tượng chính là các luận sư triết gia đương thời chưa thấu triệt về Trung Quán chứ không phải cho quần chúng Tăng Ni bình thường.
Vì thế chúng ta đã thấy Phật học Trung Hoa dù đều biết Trung Luận từ lâu nhưng cho đến thời cận đại rất ít học giả thảo luận đến Hồi Tránh Luận và hầu như không đề cập Thất Thập Không Tính Luận. Vì vậy cho đến thời hiện đại, chúng ta không thấy lấy làm lạ khi Lindtner được coi là người thẩm quyền về văn bản tiêu chuẩn của Long Thọ, nhưng ông chỉ thuần túy dịch mà không luận giải. Trong các sách dịch Thất Thập Không Tính Luận Lindtner cũng chỉ dịch Luận tụng (kārikā) mà không giảng luận, kể cả dịch phần “tự chú” của Long Thọ (svavrtti – autocommentary). Mặc dù ông tuyên bố là khi dịch phần chính luận kārikās ông hoàn toàn theo sự giải thích của svavrtti. Tác phẩm mới hơn và phổ biến hiện nay về Thất Thập Không Tính Luận là sách của Komito có phần luận giải của Lạt-ma Tây Tạng Sonam Rinchen, nên dễ đọc hơn nhưng cũng không giúp ích nhiều cho học giả. Vào năm 2002 Satina có dịch lại Thất Thập Không Tính Luận ra Anh ngữ cùng dịch cả phần “tự chú” (svavrtti). Nhưng cuối cùng chính ông cũng nhận là khó phổ biến và không hài lòng. Độc giả khi đọc Thất Thập Tính Không Luận nên đọc kèm Trung Luận và Hồi Tránh Luận của Long Thọ…
MỤC LỤC:
Lời Nói Đầu
PHẦN THỨ I
Nhập Môn Triết Học Tính Không - Không (Sunya)
- Tính Không (Sunyata)
- Nhị Đế Và Trung Đạo
- Trung Quán Tông Madhyamika
- Không Và Bát Bất
- Hữu (Bhava) Và Vô (Adhava: Phi Hữu)
- Tự Tính (Svabhava)
- Duyên (Pratyaya) Và Duyên Khởi (Pratityasamutpada)
- Không Và Thập Nhị Nhân Duyên
- Vô Ngã (Anatman)
- Vô Vi Và Hữu Vi
- Nhất Thiết Pháp Không – Sunyah Sarvabhavah
PHẦN THỨ II
Triết Học Long Thọ
- Tiểu Sử Long Thọ
- Thời Đại Long Thọ
- Quan Điểm Của Các Tông Môn Phật Giáo
- Tác Phẩm Của Long Thọ
- Thư Mục Tham Khảo Về Long Thọ
PHẦN THỨ III
Thất Thập Không Tính Luận Dịch Giảng
- Văn Bản
- Về Bản Dịch Việt Ngữ
- Thất Thập Không Tính Luận
Phụ Lục
Thư Mục Chọn Lọc
Sách Của Vũ Thế Ngọc
Giới Thiệu Tùng Thư Long Thọ Tính Không