HOA SEN TRÊN TUYẾT - TS NGUYÊN PHONGBiên Dịch: Nguyên Phong NXB: Đồng Nai Số Trang: 221 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ: 13x20,5cm Năm XB: 2015 Độ Dày: 1cmHSTTVĂN HỌC - TRIẾT HỌC70.000đSố lượng: 1000000 Quyển
ĐÔI NÉT VỀ DỊCH GIẢ: Dịch giả Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể: Hành Trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Minh Triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Hoa Sen Trên Tuyết … Đam mê thiền học, nghiên cứu sâu sắc các vấn đề tâm linh dưới góc nhìn của khoa học, những tác phẩm của ông, phần lớn là phóng tác, giúp người đọc tiếp cận các tác phẩm gốc thuận lợi hơn, lý giải được những vấn đề còn nhiều ẩn số bằng cái nhìn minh triết.
LỜI TỰA: Từ trước đến nay, câu hỏi về cuộc đời vẫn là câu hỏi lớn, đòi hỏi một nỗ lực phi thường để trả lời. Trong đà sống quay cuồng, có khi nào chúng ta biết dừng lại để đặt câu hỏi về cuộc sống? Tại sao chúng ta lại sống như vậy? Chúng ta đã biết gì về sự sống? Đây không phải là câu hỏi dành riêng cho các triết gia, học giả hay để mang ra bàn luận lúc trà dư tửu hậu, mà là một câu hỏi thầm kín, có tính cách cá nhân giữa ta với chính ta.
Nếu chúng ta không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì có lẽ chúng ta chỉ vật vờ sống như chiếc lá nổi trôi, lềnh bềnh trên mặt nước, chịu sự đưa đẩy của dòng đời. Nếu chúng ta không thành thật với chính mình thì cuộc đời chỉ là những màn kịch, mà chúng ta là những diễn viên bắt buộc phải diễn xuất cho đến lúc hạ màn. Nếu câu trả lời không đến từ chính nội tâm ta thì có thể trọn đời chúng ta chỉ chạy theo những ảo ảnh bên ngoài mà không bao giờ hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Cuộc sống thật ra rất đơn giản, nó chỉ là tấm gương phản ảnh thái độ của mình đối với cuộc sống. Nếu chúng ta muốn phấn đấu để sống thì cuộc sống trở thành bãi chiến trường, nhưng nếu chúng ta muốn sống một cách tự nhiên thì cuộc sống sẽ là những buổi bình minh, những bông hoa nở, những tiếng róc rách của khe suối. Ý nghĩa của cuộc đời là sống cho ra sống, sống như một con người, sống và ý thức rằng mình đang sống từng giây từng phút và hiểu biết rằng đời sống vốn là một mảnh vườn đầy hoa thơm cỏ lạ mà bất cứ ai cũng có quyền hưởng thụ. Nguyên Phong
Hoa Sen Trên Tuyết – Hãy Thoát Khỏi Căn Nhà Đang Cháy Câu chuyện bắt đầu với một người đàn ông sinh ra trong nghèo khó. Vì muốn thoát khỏi cảnh cùng cực, anh rời bỏ gia đình ngay khi có thể. Lớn lên anh trở thành y sĩ, anh làm việc gấp ba bốn lần người thường. Cuối cùng anh có được điều bản thân ao ước: một biệt thự lộng lẫy bên hồ, một căn nhà nghỉ mát trên núi, một chiếc du thuyền và một người vợ đẹp như diễn viên.
Nhưng rồi một biến cố xảy ra, anh mắc bệnh ung thư, công việc liên tiếp gặp trục trặc và đỉnh điểm mà người vợ vẫn khiến anh tự hào với bạn bè đòi ly dị và tranh chấp tài sản. Cú sốc quá lớn khiến anh lâm vào khủng hoảng, oán trách cuộc đời và bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Đúng lúc đó, một ngày bạn ngày xưa anh hằng ngưỡng mộ xuất hiện, đã xuất gia thành nhà sư. Người bạn khuyên anh nên đến Dharamsala, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người Tây Tạng lưu vong đang ngụ cư. Và thế là hành trình khám phá Phật giáo Mật Tông Tây Tạng của anh bắt đầu.
Anh ra đi với một tư thế không mong cầu, không hy vọng sẽ khám phá được gì, không ý thức được mình sẽ đi đâu về đâu. Chỉ có một câu hỏi duy nhất tồn tại trong tâm trí là sống để làm gì, khi người ta phải chịu nhiều đau khổ như vậy. Trong hành trình không mục đích rõ ràng ấy, anh đã gặp và chứng ngộ nhiều điều. Những người Tây Tạng sống nghèo khó ở một nơi thời tiết khắc nghiệt, nhưng điều họ tha thiết mong muốn nhất không phải là vật chất, mà là con cháu họ giữ được đạo, biết tu học. Một bà cụ ăn xin đói lả bên đường sẵn sàng chia sẻ miếng bánh quý giá cho con chó hoang. Một thầy tu vì muốn biết mùi vị cuộc đời mà rời bỏ tu viện, cuối cùng phải nếm trải bao nhiêu đau đớn. Một nhà nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng thế giới vì một câu nói mà buông bỏ mọi sự, lên núi ẩn tu mười năm. Và hơn hết, anh đã gặp được Đạt Lai Lạt Ma và biết được bí ẩn tu hành của người Tây Tạng là gì.
Xen lẫn trên hành trình đó, lịch sử Tây Tạng, bí ẩn về các hóa thân Đạt Lai Lạt Ma, sức ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống và cuộc lưu vong vĩ đại của người Tây Tạng hiện ra ngồn ngộn, vẽ nên một chân dung chân thực khiến ta hiểu được tại sao dân tộc này lại quý trọng Phật giáo đến thế. Tại sao lớp lớp người Tây Tạng đến nay vẫn sẵn sàng hy sinh để giữ lấy từng viên gạch, từng cột kèo của những ngôi chùa linh thiêng xứ họ. Tây Tạng kỳ bí và những huyền thoại về Phật giáo Mật tông luôn có sức hấp dẫn với nhiều người.
Riêng Hoa sen trên tuyết lại hướng đến một hành trình khám phá chính mình, tìm thấy bản lai diện mục, để biết rằng không có một pháp môn bí ẩn, không một phương tiện ngoại thân nào quan trọng bằng sự chứng ngộ của chính bản thân mình. Nếu biết thế gian này đầy đau khổ, như một căn nhà đang cháy, thì phải tìm cách thoát khỏi nó. Và không có một đường tắt nào để đạt được điều đó.
2. Hành trình đi tìm chính mình của một triệu phú và câu trả lời đích thực về ý nghĩa cuộc sống Không phải cuốn sách nói về triết học hay Phật giáo, cũng không hẳn là tự truyện được kể bởi một triệu phú, dù đó là nhân vật chính, Hoa sen trên tuyết là hành trình tìm kiếm bản thân của rất nhiều người. Chỉ để trả lời cho câu hỏi: Câu trả lời đích thực về ý nghĩa cuộc sống là gì?
Trên nền câu chuyện cuộc đời của nhân vật có thật, triệu phú Alan Havey, Hoa sen trên tuyết gieo vào độc giả nhiều điều phải nghĩ. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Mỹ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Alan Havey đã nỗ lực rất nhiều để làm việc, học tập và đạt được những thành công nhất định: biệt thự lộng lẫy bên bờ Michigan, căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon, du thuyền, tài khoản kếch xù trong ngân hàng và một cô vợ đẹp như diễn viên điện ảnh… Cuộc sống đầy đủ cứ thế diễn ra cho tới khi những biến cố lần lượt đến trong cuộc đời: ông phát hiện bị ung thư; một số khoản đầu tư bị thua lỗ và sự nghiệp của ông có chiều hướng đi xuống. Và, người vợ – cũng là niềm tự hào của ông với mọi người đòi ly hôn để chia tài sản…
Tại sao ông lại phải gánh chịu những việc như vậy trong khi ông đã dành phần lớn thời gian, công sức của mình để làm việc và nỗ lực? Ông để vợ ông có cuộc sống tốt nhất nhưng cuối cùng ông vẫn bị bỏ rơi với hàng loạt cáo buộc? Thực sự, sống tốt, sống lành là tốt hay không? Câu trả lời rằm ở hành trình ông rời bỏ những bế tắc, theo lời khuyên của một người bạn, để thực hiện một chuyến du lịch “không mục đích” đến Dharamsala – nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng chục nghìn người Tây Tạng đang tị nạn. Cả cuốn sách là những ghi chép tỉ mỉ về hành trình của ông, những người ông gặp để từ đó, mang đến lời giải đáp cho câu hỏi của chung rất nhiều người: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”.
Không trung thành với nguyên tác, với sự am hiểu sâu sắc về văn hoá Đông phương, thông tuệ triết lý nhà Phật, giáo sư John Vũ – Nguyên Phong phóng tác lại Hoa sen trên tuyết khá thành công. Bằng lối kể gần gũi, chân tình để những trải nghiệm và cảm xúc của Alan Havey, người đã từng đứng ở đỉnh cao trong nấc thang địa vị cuộc đời được truyền tải, chạm đến hầu hết người đọc. Bất kỳ ai cũng sẽ tìm thấy bản thân mình ở một khía cạnh nào đó qua lời kể của Allan.
Đọc Hoa sen trên tuyết độc giả cũng sẽ hiểu thêm về đời sống nơi văn hóa tâm linh đang diễn ra ở vùng tuyết sơn Tây Tạng. Suốt hành trình của vị triệu phú, câu thần chú Om Mani Padme Hum xuất hiện hàng nghìn lần, ở khắp mọi nơi và đi sâu vào đời sống của người dân Tây Tạng. Om Mani Padme Hum là câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng và nó có nghĩa là “Hoa sen trên tuyết”. Người Tây Tạng tin rằng, gió sẽ giúp họ lan truyền điều tốt đẹp, linh thiêng đến mọi nơi, muôn loài. Vì vậy họ khắc nó trên đá, trên gỗ, dệt trên vải… và cầu nguyện ngay cả khi đang đi trên đường hay ngoài chợ…. Xuất hiện câu thần chú này nhiều lần trong tập sách, có lẽ, người kể chuyện, Alan Havey, những mong, những tốt lành này cũng sẽ đến với mọi người.
3. Hoa sen trên tuyết với lối viết nhẹ nhàng, gần gũi nhưng không kém phần hấp dẫn Tác giả đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống, văn hóa, lịch sử và đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng dưới góc nhìn của chính nguời dân bản địa lẫn du khách đến từ phương Tây.
Từ băn khoăn của một y sĩ vốn có tiếng tăm và địa vị trong xã hội, một người như bao người trong chúng ta “đã lăn vào đời trước khi có thì giờ tìm hiểu về cuộc đời và bây giờ đã ở giữa dòng đời, đã bị ràng buộc bởi công ăn việc làm”, tác giả đã dẫn dắt độc giả đến một hành trình đầy sống động về cả mặt địa lý và tâm linh nơi mà “thời gian không thể giúp bạn nếu bạn không ý thức rõ ràng về con đường của mình”…
Ngoài biết thêm những kiến thức về Tây Tạng qua các triều đại vua thịnh – suy khác nhau, với những kinh điển truyền thừa từ đời này qua đời khác, từ xứ này qua xứ khác; mình cảm nhận được người dân nơi đây mộc mạc lắm, kiên trì lắm, sức sống bền bỉ của họ trước những cam go thời cuộc, trước những đợt di tản gian nan tựa những đóa sen vươn lên không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, một điểm buộc người đọc không khỏi suy nghĩ là “theo thời gian, ai chẳng phải thay đổi…”. Và người Tây Tạng tị nạn hiện nay cũng không ngoài quy luật đó? Phải chăng trong khi những người phương Tây đang dần tìm về đây để tìm câu trả lời cuộc sống từ trong nội tâm, lại là lúc một số người địa phương bắt đầu chạy theo ảo ảnh thế giới bên ngoài? Phải chăng “thời thế đã thay đổi và đã đến lúc người Tây Tạng phải mở mắt nhìn thẳng vào thực tế. Họ sống thầm lặng quá lâu rồi, đã đến lúc họ phải thức tỉnh và hòa nhập với đời sống bên ngoài”? Câu hỏi của chàng thanh niên Tây Tạng mới lớn với ước mơ đến California đổi đời cũng gợi cho tác giả nhiều suy tư “ Đấy bạn xem, trên đời này đâu có gì tuyệt đối, đâu có ai mà không đòi hỏi gì đâu?”… để rồi tác giả cũng lại gửi gắm một chút niềm tin qua giọng quả quyết của Tashi – một người con Tây Tạng chính gốc “ theo thời gian việc gì rồi cũng thay đổi, một ngày nào đó Tây Tạng sẽ trở lại với chính họ”.
TRÍCH ĐOẠN: Mỗi buổi sáng tôi thường tản bộ dọc theo khe suối như một hình thức thể dục. Từ khách sạn ra đến suối mất khoảng mười lăm phút nhưng dạo này tôi thường đi chậm hơn trước... Khi cái đồng hồ không còn là yếu tố quan trọng nữa thì cảnh vật hai bên đường lại hiện ra thật rõ ràng. Tôi ý thức cái thế giới mình đang sống một cách thân mật hơn. Tiếng chim kêu ríu rít trên cành, những bông sơn lựu thơm ngát rung rinh trước gió, những mạng nhện ướt đẫm sương mai giăng đầy bên bờ cỏ, tiếng chân dẫm lên đá sỏi kêu sột soạt.
Sự tĩnh lặng của buổi sớm làm tôi ý thức về mình nhiều hơn, tôi nghe rõ từng hơi thở trong lồng ngực, từng nhịp đập của tim, thân thể tôi như căng phồng sự sống, hòa nhịp với cái bao la của thiên nhiên, vũ trụ. Đến bờ suối, tôi thường chọn một phiến đá lớn rồi thoải mái phơi mình trong ánh nắng ban mai. Tiếng nước chảy róc rách, những tia nắng lấp lánh, tiếng gió thổi qua cành lá đã đem lại cho tôi những cảm giác tuyệt vời.
Hôm nay có một đám trẻ nhỏ đang đùa dưới suối, có lẽ chúng đến từ một tu viện vì trên bờ có hàng chục bộ áo nâu sồng phơi ngổn ngang. Tiếng cười nói la hét của đám trẻ làm tôi thấy vui lây, những làn nước tung tóe như những hạt ngọc... Nhìn thấy tôi, nhóm trẻ nhào đến vẫy tay rối rít. Tôi mỉm cười lắc đầu nhưng chúng vẫn ra hiệu bằng tay và chỉ xuống dòng nước. Tôi nhủ thầm: Tại sao lại không nhỉ? Chỉ trong thoáng giây phút tôi thấy mình nhào xuống suối, ngụp lặn trong làn nước mát và làm tung tóe những giải nước trong như ngọc.
Một đứa bé dẫn lừa qua khe suối, trên lưng con lừa chất đầy củi vừa nhặt trên rừng. Con lừa vừa đi vừa lắc lư như muốn hất tung đám củi trên lưng xuống suối làm tôi nhớ đến chuyện ngụ ngôn con lừa chở muối cố tình ngã xuống nước cho nước muối tan đi. Đứa bé vừa đi vừa ca hát, âm thanh cao vút như quyện vào không gian. Hai thiếu nữ ôm quần áo ra suối giặt, họ cúi xuống nhìn ngắm hình bóng mình dưới nước rồi mỉm cười bâng quơ. Một người đàn bà răng đã rụng gần hết cắm cúi vò quần áo trong làn nước mát, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên lẩm bẩm lời gì đó.
Một con chim ưng bay sà xuống sườn núi rồi lại vỗ cánh bay thẳng lên không trung, khuất dần sau dải mây hồng nhạt. Được một lúc, cái chấm đen bắt đầu xuất hiện rồi to dần cho đến khi tôi có thể nhìn rõ cặp cánh màu nâu xám vùng vẫy trên nền trời xanh biếc. Ánh mặt trời lấp lánh dưới khe suối, phản chiếu rực rỡ khiến tôi nảy ra một ý nghĩ lạ lùng, tôi vươn tay ra vốc những tia sáng muôn màu đó vào lòng bàn tay rồi đổ xuống dòng nước đang im lặng chờ đợi...
Wangyang chờ tôi trước cửa khách sạn với một ly trà nóng, y chìa cho tôi xem một bức điện tín ngắn của Michael Goodman với nội dung cho biết hắn đang tiếp xúc với một nhà xuất bản để hoàn thành tác phẩm nói về Tây Tạng. Tôi mỉm cười bỏ bức điện tín vào túi. Tôi đã sống tại đây được hơn một năm, Michael đã rời đây từ sáu tháng trước, thời gian trôi qua thật nhanh nhưng không hiểu sao lúc này tôi không quan tâm gì đến ngày tháng nữa.
Tôi đã trải qua một mùa đông buốt giá trong thung lũng Kangra khi tuyết trắng phủ kín các trục giao thông. Tôi dành thời gian này để thiền định, quán tưởng theo phương pháp Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ dạy, tôi chưa trải nghiệm được những điều ngài nói nhưng tôi cũng không mong cầu gì vì tôi đã tìm được sự bình thản trong tâm hồn. Cuộc sống êm đềm, bình dị nơi đây đã giúp tôi thay đổi hẳn quan niệm về cuộc đời. Nhiều lúc nghĩ đến cuộc sống văn minh với những tiện nghi vật chất, tôi thấy mình lại hay so sánh giống như Michael hồi nào.
Trong xã hội văn minh, con người được đào luyện để cạnh tranh, phấn đấu nhằm đạt đến một viễn ảnh mơ hồ, một hứa hẹn mà họ nghĩ sẽ đạt được. Tôi không biết họ sẽ phải trả giá như thế nào nhưng hậu quả đối với tôi là một thân thể bệnh hoạn, một hạnh phúc gia đình tan vỡ, một sự nghiệp dở dang, một tài sản bấp bênh với những rắc rối, phiền não tưởng như không bao giờ dứt. Cuộc sống bình dị tại một nơi hoang vu, thiếu tất cả những tiện nghi vật chất nhưng không thiếu tình thương này đã cho tôi thấy rằng hạnh phúc không phải là đạt được cái gì đó cao xa, ngoài tầm tay của mình, mà là biết thỏa mãn với những gì mình có.
Xã hội văn minh đã huấn luyện tôi phải tranh giành trong thương trường để đạt thứ hạng cao, phấn đấu ngoài sân cỏ để trở thành cầu thủ giỏi, cạnh tranh trong nghề nghiệp để đạt được các mối lợi lớn và khi đạt được phải chiếm giữ không rời. Nhưng rồi tôi cũng đâu giữ được những gì mình sở hữu. Cuộc sống bình dị ngoài thiên nhiên đã dạy cho tôi rằng sự tranh đấu tuy cần thiết nhưng sự chấp nhận hoàn cảnh còn cần thiết hơn vì được hay thua, còn hay mất cũng đều là những khía cạnh của đời sống.
Xã hội văn minh đã khiến con người nghĩ rằng đời sống là cái gì đó vô cùng phức tạp với những luật lệ rắc rối mà người ta phải phấn đấu để sống. Cuộc sống tự nhiên nơi đây giúp tôi nhận thấy cuộc sống thật ra rất đơn giản vì nó chỉ là tấm gương phản ảnh thái độ của mình đối với cuộc sống. Nếu chúng ta muốn phấn đấu để sống thì cuộc sống trở thành bãi chiến trường, nhưng nếu chúng ta muốn sống một cách tự nhiên thì cuộc sống sẽ là những buổi bình minh, những bông hoa nở, những tiếng róc rách của khe suối.
Xã hội văn minh đã giáo dục tôi phải làm thế này, phải trở nên thế kia, phải thành công, phải kiếm được nhiều tiền, phải đầu tư một cách khôn ngoan... Tóm lại là phải trở thành một người hoàn hảo; nhưng vì không thể làm tất cả những điều phải làm, tôi đâm ra không thoải mái với chính mình. Nguyên nhân khiến tôi bực bội, phiền não đều bắt nguồn từ chỗ tôi đã không thể làm tất cả những gì mình muốn, mà tôi thì muốn rất nhiều.
Đời sống êm đềm nơi đây đã dạy tôi rằng chính tôi là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Không ai bắt tôi phải trở thành một người nào, một cái gì hay đạt được một điều gì; tùy thái độ của tôi mà cuộc sống sẽ hiện ra như vậy. Khi tôi không còn nghiêm khắc với bản thân nữa, tôi biết lo lắng cho mình nhiều hơn và khi tôi biết lo cho chính tôi thì tôi nghĩ đến những người chung quanh.
Tôi tin rằng chính tôi đã gây ra tình trạng bệnh hoạn của mình, giống như mọi sự kiện trong đời sống, tư tưởng và phản ứng hàng ngày của tôi trước cuộc sống. Bệnh ung thư chẳng qua chỉ là một vết ung nhọt gây nên bởi lòng tự ái, bởi những tổn thương gây ra vì những bất mãn trong cuộc sống, những đau khổ dằn vặt, lo lắng, hận thù đã gặm nhấm thân thể tôi ngày này qua ngày khác.
Giống như một hạt cát rơi vào lòng một con trai khiến nó đau đớn. Để bảo vệ mình, con trai tiết ra những chất nhờn bao bọc hạt cát. Vì không thể loại bỏ hạt cát đó ra khỏi thân thể, con trai cứ tiếp tục tiết ra những chất nhờn bọc quanh hạt cát khiến nó cứ to dần lên và theo năm tháng trở thành viên ngọc trai.
Có lẽ vết ung thư của tôi cũng vậy, từ những thương tổn bắt nguồn từ các tham vọng, bất mãn mà tôi không thể giải quyết đã tạo thành khối ung nhọt trong thân thể. Theo thời gian, nó tiếp tục nảy nở, sinh sôi vì cuộc sống ngày càng phức tạp, những điều không được như ý càng gia tăng và vết thương cứ bị rách ra, không sao lành lặn được. Chỉ khi tôi hoàn toàn xả bỏ tất cả những đau buồn quá khứ, để thời gian xoa dịu những nỗi bất mãn và tưởng thật nhiều về chữ “Xả” thì tôi mới có hy vọng thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này.
Hơn lúc nào hết, tôi nhận thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhìn thấy rõ tâm trạng tôi khi ngài chọn hình ảnh Đức Quán Thế Âm để hướng dẫn tôi. Từ những tham muốn ích kỷ, tôi tập mở rộng tâm hồn đến tất cả mọi người vì tôi nghiệm ra rằng xã hội hiện nay rất cần tình thương. Tuy nhiên, xã hội hiện nay ngày càng có xu hướng trở thành bãi chiến trường đầy tranh đấu, hận thù. Lý lẽ viện ra là cần sinh sống, cần bảo đảm an ninh, cần có tương lai và hàng trăm lý lẽ khác nữa.
Hơn lúc nào hết, tôi ý thức rõ rệt về sự giáo dục sai lầm mà tôi đã được dạy bảo. Giáo dục không phải là sự gom góp kiến thức, sưu tầm những lời chỉ dạy mà là sự mở rộng tâm hồn để học hỏi, để phá vỡ những vách tường do trí óc tạo ra nhằm bảo vệ an ninh cho nó. Ý nghĩa của cuộc đời là sống cho ra sống, sống như một con người, sống và ý thức rằng mình đang sống từng giây từng phút và hiểu biết rằng đời sống vốn là một mảnh vườn đầy hoa thơm cỏ lạ mà bất cứ ai cũng có quyền hưởng thụ.
Vào những ngày rảnh rỗi, tôi thường đến thăm Umdze và học cách khắc những câu chú lên đá. Tôi đặt hết tâm hồn vào việc này và giữ vững trong tâm hình ảnh của Đức Quán Thế Âm như Đức Đạt Lai Lạt Ma mô tả. Hôm đó, tôi theo Umdze lên đỉnh Dhauladhur, nơi ông xếp đá thành “Mani Wall”.
Tôi cung kính đặt phiến đá do chính tay tôi khắc vào “Mani Wall” sau khi đã cẩn thận làm những nghi thức cần thiết. Gió lồng lộng thổi, những dải mây trắng từ khắp nơi kéo qua thung lũng khiến tôi thấy mình như đang đứng giữa một biển mây trắng toát. Umdze mỉm cười nói một tràng tiếng Tây Tạng nhưng dĩ nhiên tôi không hiểu gì. Tôi đoán là ông hỏi tôi muốn cầu nguyện điều gì sau khi đặt viên đá vào “Mani Wall”. Tôi đưa mắt nhìn quanh rặng núi trùng trùng điệp điệp ở phía nam và nói bằng tiếng Anh, dĩ nhiên Umdze cũng không hiểu.
- Tôi hy vọng gió sẽ mang những câu chú này ban rải khắp mười phương để tất cả chúng sinh thấy rằng họ đều là những vị Phật trong tương lai và phát tâm tu hành để chóng thành Phật Đạo…