Ngày xưa ở nước Kế Tân,Tây Vực, có một vị cao tăng tên gọi là Ly Việt, lúc trẻ xuất gia, ở trong hang động trên một đỉnh núi hoang vắng học đạo, công phu tu hành thiền định rất chuyên cần, chứng được quả A La Hán và lục thần thông. Vì thế nên người người xa gần biết tiếng, tìm đến xin bái ngài làm sư phụ.
Dưới sự chỉ dẫn khéo léo và từ bi của ngài, đệ tử ngài cũng chứng quả A La Hán rất mau, chứng quả xong họ phân tán khắp nơi để lo việc hoằng pháp.
Tuy ngài Ly Việt đã chứng thánh quả nhưng vẫn không ngừng tinh cần tu trì, rất ít khi nghỉ ngơi. Một hôm có chút giờ nhàn rỗi, ngài mới nhân đó dọn dẹp hang động, chợt thấy tấm y màu xám mà ngài thường mặc đã theo thời gian mà ngả sang màu bạc trắng.
Không biết tại sao hôm ấy ngài lại nổi hứng lên núi hái rễ cỏ và vỏ cây làm thuốc nhuộm rồi đem tấm y trăm mảnh ra nhuộm lại. Bỏ tấm y trong nồi thuốc nhuộm rồi, ngài dùng một nhánh dương liễu khuấy nước để trộn thuốc nhuộm cho đều, thì quái lạ thay, tấm y bỗng dưng biến thành một tấm da trâu! Chưa hết, thuốc nhuộm trong nồi đang đen như mực, bỗng biến thành màu đỏ như máu, và mấy cái rễ cỏ vỏ cây lại biến thành những miếng thịt trâu. Quái dị hơn nữa là mùi thịt trâu còn bốc ra từ cái nồi đang sôi, khiến ngài cứ trố mắt ra nhìn một cách kinh ngạc.
Đúng lúc ấy một người nông phu từ chân núi chạy lên, thấy ngay miếng thịt trâu trong nồi, bèn la hét giận dữ:
- A, ông thật là to gan! Hôm nay ông khai giới sát nên mới đem con trâu của tôi ra giết phải không! Sáng sớm tôi dắt trâu lên núi ăn cỏ, mấy phút sau không thấy nó nữa, đi tìm khắp nơi mà tìm không ra, may mà có mùi thịt dẫn đường nên tôi mới tìm được tới đây! Thì ra là ông, một kẻ xuất gia, đã ăn trộm con trâu của tôi đem ra làm thịt! Bây giờ ông có gì nói để tự biện hộ không? Đi! Đi với tôi đến gặp vua ngay!
Người nông phu nóng nảy không chịu nghe lời phân trần, lôi Ly Việt xềnh xệch đi đến gặp vuạ Thời ấy không có toà án, không có pháp đình, dân chúng hễ có việc gì bất bình là kéo nhau đi gặp vua, nhờ vua phân xử.
Khi người nông phu kể lể hết sự tình cho vua nghe, vua bèn hỏi Ly Việt có lời nào biện bạch không? Chứng cớ đã rành rành ra đó, còn có gì để nói nữa, do đó vua xử Ly Việt ngồi tù 12 năm.
Mười hai năm, tức là bốn ngàn ba trăm tám chục ngày hơn chứ có phải ít đâu! Ly Việt La Hán trong suốt thời gian tù tội phải đảm nhiệm công việc quét dọn nhà lao và chùi rửa cầu xí cho sạch sẽ. Buổi tối, ngài dụng công chuyên cần tu thiền định, không bao giờ nằm xuống. Ngài từ bi nhẫn nại như thế nên đến cả mấy người cai ngục, người nào cũng hết sức cảm động.
Thời gian 12 năm tù đã mãn hạn, những người đệ tử ngày xưa tham thiền với ngài bỗng không hẹn mà cùng một lúc nhớ nghĩ đến sư phụ trong núi, tất cả bèn dùng thần thông quan sát, biết là sư phụ bị tù oan trong 12 năm trường.
Họ cưỡi gió bay về cung vua, trong không trung khua trống pháp để tỏ sự bất bình. Nhà vua nghe thế hết sức kinh ngạc, vội vàng tự tay phóng thích Ly Việt La Hán ra khỏi nhà giam.
Sau 12 năm tù đày, Ly Việt tóc thì dài râu thì trắng, nhưng khi ngài vừa bước chân ra khỏi cửa ngục thì râu tóc tự động rụng xuống đất, rồi còn bay lên không trung, biến hiện vô lượng hóa thân, mỗi hóa thân phóng ra ánh sáng rực rỡ. Thái độ an nhiên của ngài không giống một người mới được thả ra khỏi tù chút nào.
Lúc ấy, chư vị
A La Hán muốn ra tay trừng phạt nhà vua làm việc không công minh, nhưng ngài Ly Việt ngăn lại:
- Các con không được ra tay, đây là nghiệp chướng của ta, không thể oán trách bất cứ ai khác.
Trong một kiếp quá khứ, ta là một người nông phu, có một con trâu đi lạc. Ta lên núi tìm nó, đi cùng hết núi tìm cũng không ra, mà lại gặp một vị xuất gia tu hành. Không suy nghĩ gì thêm, ta liền nghi ngờ chính vị này ăn cắp trâu của tạ Trong suốt 12 tiếng đồng hồ ngày hôm đó, trong tâm ta khởi đầy vọng niệm, ta muốn đuổi vị ấy ra khỏi núi, ta muốn bắt vị ấy đưa lên vua để vị ấy bị giam cầm vào ngục tối... Ta đã tạo nghiệp ác, khiến kiếp này phải bị 12 năm tù oan.
Giống như chuyện cho vay ăn lãi, thời gian càng lâu thì tiền lãi càng cao, quả báo ta phải bồi thường lên tới 8 000 lần số "nợ" ta đã mượn.
Ta chỉ hận tại sao lúc đó không làm gì ích lợi cho người khác, không phát tâm bố thí rộng rãi, có phải là kiếp này đã tiêu nghiệp chướng rồi không?
Các vị mới chứng quả A La Hán, nhà vua và đại thần nghe Ly Việt kể lại chuyện xưa như vậy, ai nấy đều tỉnh ngộ và đều hiểu rằng nguyên tắc nhân quả là một nguyên tắc bất di bất dịch, không một ai có thể đứng ngoài nguyên tắc này.