KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA (BÌA MỀM) - HT THÍCH TUỆ HẢIDịch Giả: Thích Tuệ Hải Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Số Trang: 549 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Khổ Sách: 15x22cm Năm Xuất Bản: 2020 Độ Dày: 2,6cmKPH3KINH TỤNG80.000đSố lượng: 50 Quyển
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA (BÌA MỀM) - HT THÍCH TUỆ HẢI
THAY LỜI TỰA Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh đại thừa gồm bảy quyển tổng cộng là hai mươi tám phẩm, suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát. Tâm nguyện của Phật là tâm nguyện khắp độ chúng sanh đạt thành đạo quả giác ngộ. Bởi thế nên ngay quyển đầu của kinh về phẩm phương tiện đã nói: (Phật ra đời là vì một nhơn duyên lớn duy nhất là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật). Thế nghĩa là Phật rộng mở phương tiện pháp môn, chỉ bày chơn tâm Phật tánh để chúng sanh tin tưởng khả năng thánh thiện của mình mà tiến tu đến Phật quả.
Phương tiện của Phật là phương tiện huyền diệu được sanh trưởng và dinh dưỡng bởi trí huệ từ bi hỷ xả lợi tha có khả năng đưa tất cả chúng sanh đồng chứng nhất thừa Phật quả. Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành, nếu chúng sanh tinh tấn nỗ lực tu hành thì cũng sẽ thành Phật như ta vậy. Nhưng chúng sanh đắm chìm trong ngũ dục lạc, nên tạo nhiều tội lỗi để rồi hiện thành căn tánh cao thấp, nghiệp duyên nặng nhẹ khác nhau. Đức Phật lại phải từ đó mà lập ra có muôn ngàn phương tiện để hóa độ. Nghĩa là từ nhứt thượng thừa mà đức Phật đã phải phương tiện huyền khai làm thành ba thừa để rồi sau đó, khi căn tánh chúng sanh thuần thục ngài lại dần dần đưa lên nhứt thừa vô- thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Hai mươi tám phẩm kinh Diệu Pháp Liên Hoa chan chứa tâm hạnh của Phật và đại Bồ-Tát, trải dài những con đường phương tiện giáo hóa thênh thang ngõ hầu mang chúng sanh từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh-văn Duyên-giác và Bồ-Tát đến quả vị nhứt thừa vô thượng Phật quả. Nội dung kinh Pháp-Hoa cho ta thấy không phương tiện độ sanh nào mà không có, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm thiện duyên thâm mật với chúng sanh cõi ta bà này mà không ảnh hiện, không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật và Bồ-Tát mà không thể đạt ba la mật. Thật là một bộ kinh khế hợp cho đủ mọi trình độ căn tánh nghiệp duyên của chúng sanh. Vì thế xưa nay kinh Pháp-Hoa đã được không biết bao nhà Phật học huyên bác chú thích sớ giải làm cho kinh Pháp-Hoa rạng rỡ từ ngàn năm này đến ngàn năm khác và phổ cập nhân gian. Đến nỗi nghĩa lý của kinh Pháp-Hoa quá ư vi diệu tuyệt vời, kinh bản được đời đời ấn hành phổ biến uy thế tạo thành một tôn phái với danh xưng là Pháp-Hoa-Tôn hay Thiên-Thai-Tôn, một tôn phái có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản và Trung Hoa do Trí Giả Đại Sư thành lập.
Trong thời thế sự cuồng quây, đạo tâm ngày một suy vi, phong hóa niềm tin lay chuyển đến tận gốc rễ như thời này đây, để cho mọi người còn chút phước duyên đang bền bồng trên bể đời có thuyền nương tựa, có đất phì nhiêu của bến bờ để gieo giống Bồ-đề, nên Phật Học Viện Quốc Tế nguyện in lại kinh Pháp-Hoa này ngõ hầu làm thuyền bát nhã, làm ruộng phước phì nhiêu, làm hải đăng và bến đổ cho khắp cả mọi kiếp thuyền đời trở thành những thiện hữu Bồ-đề kết duyên cùng Phật đạo Chánh-đẳng Chánh-giác. Khắp nguyện mười phương bạn lành gần xa mở rộng lòng ra phát tâm Bồ-đề thọ trì và ấn tống kinh Pháp-Hoa này để tạo cơ hội sớm ngộ nhập tri kiến Phật, ngõ hầu thăng hoa đời sống đạo quả vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Phật lịch 2530, Vía Phật A Di Đà 1986 Bính Dần Thích Đức Niệm
Trích “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm “Tựa” Thứ Nhất”: Chính tôi được nghe: Một thời bấy giờ, Đức Phật cùng với chúng đại Tỷ Khưu, một vạn hai nghìn người, đều hội họp ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá. Các vị này đều là bậc A La Hán, mọi lậu nghiệp đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã làm xong, dứt hết mọi sự ràng buộc ở trong các cõi, được tâm tự tại. Những vị đó là: A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Gia Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Nâu Lâu Đà, Kiếp Tân Na, Kiều Phạm Ba Đề, Ly Bà Đa, Tất Lăng Già Bà Ta, Bạc Câu La, Ma Ha Câu Hy La, Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà, Phú Lâu Na Di Na Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, A Nan, La Hầu La... Những vị đại A La Hán ấy, đều là người trí thức trong chúng.
Lại có bậc hữu học hai nghìn người như: Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tỷ Khưu Ni cùng với quyến thuộc sáu nghìn người. Thân mẫu của La Hầu La là Da Du Đà La Tỷ Khưu Ni cùng với quyến thuộc thảy đều hội họp ở đó. Các bậc Bồ Tát và đại Bồ Tát tám vạn người, đều là những bậc không còn thoái chuyển, nơi đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, đều đã chứng được phép Đà La Ni nhạo thuyết biện tài, chuyển nói pháp luân bất thoái chuyển, đã từng cúng dàng vô lượng trăm nghìn chư Phật. Thường được chư Phật khen ngợi, dùng đức Từ tu thân thể nhập khéo léo vào trí tuệ Phật, thông suốt Phật trí, đến nơi bờ giác, tiếng vang dồn khắp vô lượng thế giới, hay độ cho vô số trăm nghìn chúng sinh. Tên các vị đó là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Bảo Chưởng Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dũng Thí Bồ Tát, Mãn Nguyệt Bồ Tát, Đại Lực Bồ Tát, Vô Lượng Lực Bồ Tát, Việt Tam Giới Bồ Tát, Bạt Đà Bồ Tát, Đại sư Bồ Tát... Những Bồ Tát và đại Bồ Tát ấy đều có tám vạn người.
Bấy giờ, vua Thích Đề Hoàn Nhân cùng với quyến thuộc đều có hai vạn Thiên Tử. Lại có Minh Nguyệt Thiên Tử, Phổ Hương Thiên Tử, Bảo Quang Thiên Tử, bốn vị Đại Thiên Vương cùng với quyến thuộc một vạn Thiên Tử. Có Tự Tại Thiên Tử, Đại Tự Tại Thiên Tử cùng với quyến thuộc ba vạn Thiên Tử. Chủ cõi Sa Bà: vua Phạm Thiên Vương, Thi Khí Đại Phạm, Quang Minh Đại Phạm... cùng với quyến thuộc một vạn hai nghìn vị Thiên Tử. Lại có tám vị Long Vương: Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương, Sa Già La Long Vương, Hòa Tu Cát Long Vương, Đức Xoa Ca Long Vương, A Na Bà Đạt Đa Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Ưu Bát La Long Vương... Đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc.
Có bốn vị Khẩn Na La Vương: Pháp Khẩn Na La Vương, Diệu pháp Khẩn Na La Vương, Đại Pháp Khẩn Na La Vương, Trì Pháp Khẩn Na La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc. Có bốn vị Càn Thái Bà Vương: Nhạc Càn Thái Bà Vương, Nhạc Âm Càn Thái Bà Vương, Mỹ Càn Thái Bà Vương, Mỹ Âm Càn Thái Bà Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc. Có bốn vị A Tu La Vương: Bà Trĩ A Tu La Vương, Khư La Khiên Đà A Tu La Vương, Tỳ Ma Chất Đa A Tu La Vương, La Hầu A Tu La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc. Có bốn vị Ca Lầu La Vương: Đại Uy Đức Ca Lầu La Vương, Đại Thân Ca Lầu La Vương Đại Mãn Ca Lầu La Vương, Như ý Ca Lầu Như Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc.
Vua A Xà Thế con bà Vi Đề Hy, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc. Đại chúng đều tề tựu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui về một bên. Bấy giờ, hàng tứ chúng vây quanh Đức Thế Tôn mà cúng dàng, cung kính tán thán tôn trọng, vì các Bồ Tát nói kinh Đại Thừa tên là “Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”. Nói Kinh này xong, Đức Phật ngồi xếp bằng nhập Chính định “Vô Lượng Nghĩa Xứ”, thân tâm không hề lay động.
Khi ấy, trời mưa hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa để rải trên Đức Phật cùng các đại chúng, khắp các cõi Phật, sáu điệu vang động. Bấy giờ, trong chúng hội: các hàng Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân, các vị Tiểu vương, Chuyển Luân Thánh vương, tất cả đại chúng đều được thấy những việc chưa từng có, liền vui mừng chắp tay một lòng nhìn Phật.
Khi ấy, ở giữa khoảng lông mày Đức Phật phóng ra tướng hào quang trắng, chiếu khắp cả một muôn tám nghìn thế giới phương Đông, dưới thì chiếu xuống địa ngục A Tỳ, trên thấu suốt cõi trời Sắc cứu kính. Những người cõi này đều thấy sáu loài chúng sinh ở các cõi kia. Lại thấy các Đức Phật hiện tại ở các cõi kia, và nghe chư Phật ở các cõi đó diễn nói Kinh pháp. Cùng thấy các hàng Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ở các cõi đó là người tu hành đắc đạo. Lại thấy các vị Bồ Tát và đại Bồ Tát, dùng hết thảy các món nhân duyên, các lòng tín giải, các loại tướng mạo mà tu hành đạo Bồ Tát. Lại thấy các Đức Phật và Niết Bàn; lại thấy sau khi chư Phật vào Niết Bàn, đem Xá lợi của Phật xây dựng tháp bằng bảy báu.
Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc nghĩ rằng: “Hôm nay Đức Thế Tôn hiện thần biến tướng, là vì duyên gì, mà lại có điềm lành này? Nay Đức Thế Tôn đương vào Chính định, việc biến hiện hiếm có không thể nghĩ bàn này ta sẽ hỏi ai, ai là người giải đáp? Ngài lại nghĩ rằng: “Chỉ có Ngài Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử là người đã từng thân cận cúng dàng vô lượng chư Phật đời quá khứ tất sẽ được thấy tướng hiếm có này, ta thử lại hỏi ngài xem”. Khi ấy, hàng Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và các Trời, Rồng, Quỷ, Thần đều nghĩ rằng: Tướng thần thông của Phật chiếu sáng đây, nay nên hỏi ai? Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc muốn giải quyết chỗ nghi của mình.
Ngài lại xem xét tâm của bốn chúng: Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và cả chúng hội Trời, Rồng, Quỷ, Thần... mà hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Vì nhân duyên gì mà có tướng điềm lành thần thông này? Phật phóng ra hào quang lớn chiếu khắp một muôn tám nghìn về cõi phương đông, đều thấy cõi nước trang nghiêm của các Đức Phật?...
MỤC LỤC: PHẦN NGHI LỄ QUYỂN THỨ NHẤT
Phẩm “Tựa” Thứ Nhất
Phẩm “Phương Tiện” Thứ Hai
QUYỂN THỨ HAI
Phẩm “Thí Dụ” Thứ Ba
Phẩm “Tín Giải” Thứ Tư
QUYỂN THỨ BA
Phẩm “Dược Thảo Dụ” Thứ Năm
Phẩm “Thụ Ký” Thứ Sáu
Phẩm “Hóa Thành Dụ” Thứ Bảy
QUYỂN THỨ TƯ
Phẩm “Ngũ Bạch Đệ Tử Thụ Ký” Thứ Tám
Phẩm “Thụ Ký Học, Vô Học” Thứ Chín
Phẩm “Pháp Sư” Thứ Mười
Phẩm “Thấy Bảo Tháp” Thứ Mười Một
Phẩm “Đề Bà Đạt Đa” Thứ Mười Hai
Phẩm “Trì” Thứ Mười Ba
QUYỂN THỨ NĂM
Phẩm “An Lạc Hạnh” Thứ Mười Bốn
Phẩm “Tòng Địa Dõng Xuất” Thứ Mười Lăm
Phẩm “Như Lai Thọ Lượng” Thứ Mười Sáu
Phẩm “Phân Biệt Công Đức” Thứ Mười Bảy
QUYỂN THỨ SÁU
Phẩm “Tùy Hỷ Công Đức” Thứ Mười Tám
Phẩm “Pháp Sư Công Đức” Thứ Mười Chín
Phẩm “Thường Bất Khinh Bồ Tát” Thứ Hai Mươi
Phẩm “Như Lai Thần Lực” Thứ Hai Mươi Mốt
Phẩm “Chúc Lũy” Thứ Hai Mươi Hai
Phẩm “Dược Vương Bồ Tát Đản Sự” Thứ Hai Mươi Ba
QUYỂN THỨ BẢY
Phẩm “Diệu Âm Bồ Tát” Thứ Hai Mươi Bốn
Phẩm “Phổ Môn Của Bồ Tát Quán Thế Âm” Thứ Hai Mươi Lăm
Phẩm “Đà La Ni” Thứ Hai Mươi Sáu
Phẩm “Trang Nghiêm Vương” Thứ Hai Mươi Bảy
Phẩm “Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát” Thứ Hai Mươi Tám