Trích “Niệm Phật Sám Pháp - Niệm Phật Phải Vì Thoát Sanh Tử Luân Hồi”:
Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn vì thương xót tất cả chúng sanh mà hiện ra nơi đời ác trược, với bốn mươi chín năm thuyết pháp, mục đích mở bày và chỉ rõ tri kiến Phật cho chúng sanh, để khiến cho chúng sanh tỏ ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật. Giáo nghĩa tuy nhiều hơn số cát sông Hằng, nhưng tất cả năm thừa, tám giáo đều không ra ngoài pháp môn niệm Phật. Do bản nguyện lực của đức A Mi Đà, do năng lực hộ niệm của sáu phương chư Phật, cùng với gia trì lực của chư vị đại địa Bồ tát; đệ tử chúng con được gặp duyên lành dẫn dắt vào chân lý tối thượng bằng cửa ngõ niệm Phật. Như mùa hạ thì phải mặc áo vải, mùa đông phải mặc áo bông, sự tu hành cũng thế, nghĩa là không thể trái với thời tiết và cơ duyên được. Dù đức Đạt Ma Tổ sư tái hiện ngay lúc nầy, nếu muốn hợp thời cơ để cứu độ chúng sanh mau được giải thoát, thì cũng không có pháp nào hơn pháp môn niệm Phật cả. Vì thế, thuyết pháp mà không phù hợp với căn cơ và trình độ, thì chắc chắn chúng sanh bị chìm trôi trong biển khổ vậy. Đệ tử chúng con vốn là phàm phu vô trí, nên phải một mực y theo lời Phật dạy, chẳng dám tự chuyên, vì thế mà xưa nay, chúng con đều chuyên niệm danh hiệu đức A Mi Đà.
Theo lời Phật dạy là thế nào? Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn có lời huyền ký rằng: Đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót riêng lưu trụ kinh nầy trong khoảng một trăm năm. Nếu có chúng sanh nào gặp được kinh nầy tùy ý sở nguyện đều được đắc độ. Nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn dạy rằng: Trong thời mạt pháp, có ức ức người tu hành, song ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà thoát luân hồi. Ngài Thiên Như Thiền sư sau khi đắc đạo cũng đã khuyên dạy rằng: Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lại bốn chữ A Mi Đà Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất bị đọa địa ngục. Bởi vì đời mạt pháp về sau, khi các kinh đều ẩn diệt, chúng sanh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật thì không biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi thì việc lành khó tạo, còn điều ác thì dễ làm, cho nên sớm muộn gì cũng bị đọa địa ngục. Ấn Quang Pháp sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa cũng đã dạy rằng: Thời mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài môn niệm Phật mà tu các nghiệp lành khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nhưng nơi phần liễu thoát luân hồi ngay trong hiện thế thì không.
Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, nhưng đó là những bậc Bồ tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp như Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo, chứ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn niệm Phật, tuy ít có người tu chứng được niệm Phật tam muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Mi Đà mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc. Khi được về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không còn bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến khi chứng quả vị Vô sanh.
Những lời huyền ký như trên, cho chúng con thấy pháp môn niệm Phật rất thích hợp với nhân duyên, thời tiết và trình độ căn cơ của chúng sanh đời nay. Vì thế đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn, lưu trụ Kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa về môn niệm Phật. Ngoài ra, còn có chư Bồ tát và Tổ sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương xót, tùy theo thời cơ mà chỉ dạy pháp môn niệm Phật để cứu vớt chúng sanh. Đệ tử chúng con vì vô minh khuất lấp, vì thiếu suy nghĩ chín chắn, vì tâm mong cầu quá sôi nổi và cạn cợt, vì dục vọng ngăn che, nên đã gây nhiều cái thấy biết lệch lạc, để rồi chúng con đã hành trì pháp môn niệm Phật không phù hợp với bản ý của đức Bổn Sư và xa cách với bản nguyện cứu độ của đức A Mi Đà. Đệ tử chúng con đi chùa thấy người khác niệm Phật, thì cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không có chủ định. Hoặc có người niệm Phật nguyện cho tai qua nạn khỏi và cầu cho gia đình bình yên, đời sống làm ăn mua bán ngày thêm thịnh vượng và sung túc. Hoặc có kẻ gặp cảnh đời không vừa ý bèn sinh ra buồn rầu phẫn chí, nên đã niệm Phật cầu mong sao cho kiếp sau đừng gặp phải các cảnh ấy nữa, cũng như mong mọi việc đều thuận lợi, nếp sống xinh tốt vinh hoa. Lại có những người cảm thấy trần gian chẳng có điều gì hứng thú, dù cho giàu sang quyền quý cũng còn lo lắng khổ não, cho nên họ hy vọng dùng công đức niệm Phật để kiếp sau sinh lên cõi trời, sống lâu, nhàn vui, tự tại.
Lại có những người nghĩ mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp nầy dễ gì giải thoát, nên đã niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, để xuất gia tu hành, làm bậc cao tăng ngộ đạo. Cũng có nhiều người nỗ lực niệm Phật để đàn áp vọng tưởng, và chế ngự phiền não, với mục đích gần gũi là thanh lọc tâm tư để đời sống được thanh tịnh... Nếu niệm Phật với những thái độ và mục đích như vậy đều là sai lầm, vì trái nghịch với bản hoài của Phật Thích Ca và quay lưng trước bản nguyện tiếp độ của Phật A Mi Đà. Đây là một lỗi lầm lớn lao nhất. Thật vậy, chúng con vẫn hiểu rằng không có lỗi lầm nào to lớn và nặng nề bằng tội hành trì trái nghịch với di huấn của đức Bổn Sư, để rồi phụ rẫy công ơn tiếp độ của đức Từ Phụ A Mi Đà… Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiền Tâm:
Hòa thượng Thích Thiền Tâm pháp hiệu Trí Hiền, pháp danh Thiền Tâm, pháp tự Vô Nhất, bút hiệu Liên Du, thế danh là Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 tại làng Bình Xuân, quận Hoà Đồng, tỉnh Gò Công, xuất gia từ năm 7 tuổi. Năm 1964 Hoà thượng là Trưởng giáo kiêm Giám đốc Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Giảng sư Phân khoa Phật học Viện Đại học Vạn Hạnh, Giáo thọ các Ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm. Hòa thượng phiên dịch và trước tác nhiều kinh sách giá trị quý báu lưu truyền hậu thế, đã được phổ biến khắp mọi nơi và hiện vẫn được dùng làm cho việc giảng dạy và tu học như:
PHIÊN DỊCH:
- Kinh Nhân Quả Ba Đời.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
- Kinh Thiên Thủ Thiễn Nhãn Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
- Lá Thư Tịnh Độ.
- Liên Tông Thập Tam Tổ.
- Tịnh Độ Pháp Nghi.
- Tịnh Độ Thập Nghi Luận.
- Tịnh Học Tân Lương.
- Phật Thuyết Thiện Ác Nhân Quả Báo Ứng.
- Vô Lượng Thọ Sớ Sao.
- Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni.
- Đại Nhựt Kinh Sớ.
- Mật Tạng Phật Giáo Việt Nam.
TRƯỚC TÁC:
- Phật Học Tinh Yếu (3 tập).
- Duy Thức Học Cương Yếu.
- Niệm Phật Sám Pháp.
- Niệm Phật Sám Pháp (Tam Muội).
- Niệm Phật Thập Yếu .
- Hương Quê Cực Lạc.
- Tây Phương Nhựt Khóa.
- Nhân Quả Luân Hồi Tạp Lục Ký.
- Chú giải 100 bài kệ Niệm Phật.
- 108 bài kệ Ẩn Tu Ngẫu Vịnh.
- Những ngày chay.
- Liên Tông Thập Tam Tổ.
- Tam bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục.
- Mấy Điệu Sen Thanh (lược dịch Tịnh Độ Thánh Hiền Lục)
Năm 1966-1968, Hòa thượng về ẩn tu tại thôn Phú An (Làng Chùa Đại Ninh), xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), là Khai sơn Viện chủ Hương Nghiêm Tịnh viện, Pháp chủ Phương Liên Tịnh xứ Mật Tịnh Đạo tràng. Năm 1992, nhằm này 14 tháng 12 dương lịch, Hòa thượng an nhiên thâu thần thị tịch, thọ 68 tuổi (nhằm 21 tháng 11, Nhâm Thân). Mục Lục:
Nghi Thức Trì Tụng
Quyển Thượng: - Phẩm 1: Niệm Phật Phải Vì Thoát Sanh Tử Luân Hồi
- Phẩm 2: Niệm Phật Phải Vì Phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm
- Phẩm 3: Niệm Phật Phải Đặt Trọn Lòng Tin Vào Lời Phật Dạy
- Phẩm 4: Niệm Phật Phải Phát Nguyện Vãng Sanh Cực Lạc
- Phẩm 5: Niệm Phật Phải Hành Trì Cho Thiết Thực
Quyển Hạ:
- Phẩm 6: Niệm Phật Phải Dứt Trừ Phiền Não
- Phẩm 7: Niệm Phật Phải Thực Chứng Bằng Kinh Nghiệm Của Bản Thân
- Phẩm 8: Niệm Phật Phải Bền Lâu Không Gián Đoạn
- Phẩm 9: Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên
- Phẩm 10: Niệm Phật Phải Dự Bị Lúc Lâm Chung
Nghi Thức Hồi Hướng
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiền Tâm