094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

NGUYÊN THỦY TIỂU THỪA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN - KIMURA TAIKEN NGUYÊN THỦY TIỂU THỪA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN - KIMURA TAIKEN Tác Giả: Kimura taiken
Dịch: HT. Thích Quảng Độ
NXB: Hồng Đức - Khổ: 13x20,5cm
Năm XB: 2021 - Hình Thức: Bìa Mềm
Nguyên Thủy: 416 Trang – Độ Dày: 1,9cm
Tiểu Thừa: 788 Trang – Độ Dày: 3,4cm
Đại Thừa: 575 Trang – Độ Dày: 2,5cm
NTDP SÁCH VỀ LUẬN 620.000 đ Số lượng: 1000000 Bộ
  • NGUYÊN THỦY TIỂU THỪA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN - KIMURA TAIKEN

  •  3404 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: NTDP
  • Giá bán: 620.000 đ

  • Tác Giả: Kimura taiken
    Dịch: HT. Thích Quảng Độ
    NXB: Hồng Đức - Khổ: 13x20,5cm
    Năm XB: 2021 - Hình Thức: Bìa Mềm
    Nguyên Thủy: 416 Trang – Độ Dày: 1,9cm
    Tiểu Thừa: 788 Trang – Độ Dày: 3,4cm
    Đại Thừa: 575 Trang – Độ Dày: 2,5cm


Số lượng
Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm nhiều cành lá. Phần gốc là căn bản Phật giáo, phần thân cây là Tiểu Thừa Phật Giáo. Người ta không thể nào tưởng tượng được sự tồn tại của một cái cây mà không có gốc nhưng nếu chỉ có gốc không thôi thì cây ấy không còn sức sống; hoặc giả có gốc, có thân cây mà không có cành lá thì cây ấy cũng như cây trong mùa đông không khỏi gây cho người ta cái ấn tượng trơ trụi tiêu điều. Nếu phần gốc và thân cây giữ cho cái cây đứng vững, thì phần cành lá sum suê, xanh tốt là sự biểu dương cho cái sức sống mãnh liệt của toàn bộ cái cây; hơn nữa tàn cây tươi thắm tỏa ra che rợp khoảng không gian có đủ sức mang lại cho người lữ hành trên con đường dài mệt mỏi những phút giây êm mát, thoải mái giữa buổi trưa hè oi bức.

 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 1


Cái cây Phật Giáo cũng thế: cả ba phần Căn Bản, Tiểu Thừa, Đại Thừa có hợp lại, có biểu lí và bổ sung cho nhau thì mới là cái cây Phật giáo hoàn toàn. Sau khi đọc xong ba bộ sách Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Bác sĩ Kimura Taiken, chúng tôi đã có ý nghĩ như thế. Do đó theo thiển kiến, quan điểm của các nhà Đại Thừa (Bồ Tát) xưa đối với các nhà Tiểu Thừa (La Hán) cũng như những thành kiến của các nhà Tiểu Thừa đối với các nhà Đại Thừa đều là sai lầm. Chẳng hạn quan niệm của các nhà Đại Thừa thường cho các nhà Tiểu Thừa là hạng “tiêu nha bại chủng” (dứt hạt giống Phật), nghĩa là hạng người ích kỷ, chỉ biết tìm cầu giải thoát cho riêng mình, không lo “hoằng pháp lợi sinh” để tiếp nối cái tinh thần truyền đạo của Phật v.v.. là quan niệm rất sai lầm, hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử. Khi đọc lịch sử truyền bá Phật pháp, không ai biết đến trường hợp Phú-lâu-na (Punna).

Ở Mạn tây Ấn Độ thuở xưa có một địa khu gọi là Du-lâu-na (Sunaparanta), Phật giáo chưa được truyền đến đây và dân bản xứ thì rất hung ác. Phú-lâu-na có ý định qua đó truyền giáo, bèn đến xin phép Phật để đi. Phật bảo: “Dân xứ Du-lâu-na dữ tợn, khó thuyết phục lắm, nếu ông đến đấy mà họ sỉ vả ông thì sao?”. Phú-lâu-na trả lời: “Con nghĩ rằng họ vẫn là những người hiền lành, vì họ đã không dùng gậy gộc đánh đập con”.

- “Vậy nếu họ dùng gậy gộc đánh đập ông thì ông nghĩ sao?”. - “Con nghĩ họ vẫn là người lương thiện vì họ đã chẳng dùng dao búa chém giết con”. - “Thế lỡ họ dùng dao búa chém giết ông thì ông nghĩ sao?”. - “Con nghĩ là họ vẫn tốt và con phải cám ơn họ vì nhờ họ mà con xả bỏ được cái thân nhơ nhớp khổ đau này.” Biết được ý chí kiên quyết và dũng cảm ấy, Phật liền tán đồng và cho phép Phú-lâu-na đến truyền đạo tại xứ đó. Ai dám bảo thái độ ấy là thái độ “độc thiện kỳ thân”, là “tiêu nha bại chủng”?. Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong vô số trường hợp khác mà ở đây chúng tôi không thể kể hết được. Hơn nữa, cứ nhìn vào tình hình Phật giáo Tiểu Thừa tại các nước như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, v.v… Hiện nay ta cũng thấy rõ công đức truyền bá và duy trì Phật pháp của các nhà Tiểu Thừa như thế nào rồi, đặc biệt tấm gương sáng chói của Anagarika Dhammapala gần đây cũng chính là tiếp nối cái tinh thần truyền thống của những Puma và Mahinda từ nghìn xưa vậy.

Trái lại, quan niệm của các nhà Tiểu Thừa thường cho rằng Đại Thừa là “Phi Phật thuyết” (Đại Thừa không phải phật nói ra ngụ ý là ngoại đạo), rồi tự mãn với lối sống truyền thống của mình, tự đóng kín, không chịu tìm hiểu các kinh điển của Đại Thừa thì quan niệm ấy nếu không là cố chấp thái quá thì cũng là hơi hẹp hòi. Nếu bảo Đại Thừa “Phi Phật thuyết” thì ngoài một bậc Đại giác “Cùng tận chúng sinh nghiệp tính” ra, ai có được những tư tưởng siêu việt như tư tưởng trong các kinh Đại Thừa? Rồi độc giả (nếu tôi hân hạnh có được) sẽ thấy, thế giới quan “trùng trùng duyên khởi” một kiến trúc vĩ đại, trong Hoa Nghiêm, thế giới quan “không” của Bát Nhã, tư tưởng “chư pháp thực tướng” trong Pháp Hoa, tư tưởng “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương, cho đến tư tưởng “Vô trụ niết bàn”, “phiền não tức Bồ Đề”, v.v… Tất cả những tư tưởng mông mênh, bao la và thăm thẳm ấy đều đã bắt nguồn từ tư tưởng của Phật Giáo nguyên thủy.

Phật pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát, nhưng phương pháp để đạt đến giải thoát thì có rất nhiều và phương pháp nào-dù là Đại Thừa hay Tiểu thừa cũng đều nhằm đạt đến mục đích nhất vị kể trên. Chính vì muốn nhấn mạnh ở điểm đó nên chúng tôi đã cố gắng phiên dịch các cuốn Đại Thừa Phật giáo Tư tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật giáo Tư tưởng Luận và cuối cùng cuốn Nguyên Thủy Phật giáo Tư tưởng Luận này để cống hiến một ít tài liệu cho những vị nào hằng lưu tâm đến các vấn đề Phật giáo, nhất là thường thắc mắc đến những điểm dị đồng giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Chắc độc giả sẽ tự hỏi tại sao chúng tôi đã không bắt đầu dịch từ Nguyên Thủy, qua Tiểu Thừa, rồi đến Đại Thừa để cho người đọc dễ theo dõi quá trình diễn biến của Tư tưởng Phật giáo hơn mà lại dịch Đại Thừa trước thì có khác nào người đọc sách bắt đầu từ trang cuối cùng trở lên không? Đó chính là đều chúng tôi rất tiếc. Đôi khi chúng tôi có ý nghĩ rằng trong cái thế giới đảo điên này, nếu người ta bắt đầu mọi công việc từ cuối trước có lẽ lại hay hơn. Nhưng đây không phải là lý do trong trường hợp này, mà lý do là chúng tôi đã có được cuốn Đại Thừa trước hết, kế đó là cuốn Tiểu Thừa nhưng đến cuốn Nguyên Thủy này thì chúng tôi đã không thể nào kiếm được là vì nó đã được dịch và xuất bản lần đầu từ gần bốn mươi năm nay và từ đó theo chỗ chúng tôi biết vẫn chưa được in lại. Nhưng duyên may đã đến khi chúng tôi được Thượng Tọa Trí Quang cho biết là Thượng Tọa Thiện Siêu hiện có cuốn sách này, bởi thế một hôm, nhân Thượng Tọa Minh Châu có việc sắp đi Huế, chúng tôi đã bày tỏ niềm khao khát của chúng tôi với hy vọng được Thượng Tọa giúp đỡ bằng cách trực tiếp hỏi Thượng Tọa Thiện Siêu để mược giúp tôi thì chắc chắn sẽ được và Thượng Tọa Minh Châu đã hoan hỷ nhận lời. Thế là sau chuyến đi Huế ấy của Thượng Tọa Minh Châu, chúng tôi đã có được bộ Nguyên Thủy Tiểu Thừa Đại Thừa Phật Giáo Tư tưởng Luận, một bảo vật mà chúng tôi hằng mong ước. Khi có được Nguyên Thủy thì chúng tôi cũng đã dịch gần hoàn thành cuốn Tiểu Thừa đó là lý do cắt nghĩa tại sao chúng tôi đã bắt đầu cuốn Đại Thừa trước.

Nhân cơ hội này, chúng tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với quý Thượng Tọa Thiện Siêu, Minh Châu và Trí Quang đã giúp đỡ chúng tôi đạt thành ý nguyện. Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ đó và coi nó là một duyên may lớn cho chúng tôi. Sau hết, chúng tôi thành kính cầu mong các bậc cao minh sẽ phủ chính cho những lỗi lầm mà chúng tôi tin rằng có rất nhiều, để, nhờ đó, sau này, nếu có thể, cuốn sách sẽ được kiện toàn trong kỳ tái bản.
HT. Thích Quảng Độ


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận



TRÍCH: Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Phương Pháp Chỉnh Lý Những Tài Liệu Nghiên Cứu:
Vấn đề nghiên cứu Phật Giáo là một vấn đề rất đặc biệt và to lớn. Mục đích của các nhà nghiên cứu trước kia, kể cả Đại Thừa và Tiểu Thừa, là tìm hiểu trong các Kinh điển xem những kinh nào là đại biểu cho bản ý đích thực của Phật, còn những kinh nào chỉ vì muốn đưa đến bản ý đích thực ấy mà Phật đã phương tiện nói ra. Tất cả các nhà thuyết minh chú giải đều bắt đầu công việc như thế cả, nhưng nay thì khác. Cái phương pháp được coi là chủ yếu của sự học vấn là tìm xem những tư tưởng nào là đại biển chân ý của Phật và đã trãi qua những quá trình khai triển như thế nào mà làm cho Phật giáo được chỉnh lý và thiết lập thành hệ thống. Trước kia, cho tất cả lời Phật nói đều bao hàm trong phương pháp giáo hóa của Phật rồi đem chỉnh lý, thống hợp và lấy khoảng thời gian vài trăm năm sau Phật nhập diệt là giáo pháp chân chính của Đức Phật. Một khi đã hiểu rõ được những kinh điển nào là đại biểu thì mới có thể quán triệt được tất cả giáo lý Phật giáo. Đứng về phương diện nghiên cứu giáo lý Phật giáo, đây là điểm cực kỳ trọng yếu, có thể nói là điểm xuất phát của sự nghiên cứu cũng không phải là quá đáng.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 2


Song, trong các Kinh điển được lưu truyền đến ngày nay thì những Kinh điển nào gần với chân tướng của Phật giáo Nguyên Thủy nhất? Nếu nói một cách chặt chẽ thì đây tuy là vấn đề rất khó giải đáp, nhưng nếu nói một cách đại yếu thì ta có thể cho đó là các bộ A-Hàm và Luật bộ (luật Tiểu Thừa). Vì những sự ghi chép trong hai bộ kinh điển này, về nơi chỗ cũng như về nhân vật và các chi tiết khác, so với những kinh điển khác, nhất là với Kinh điển Đại Thừa thì gần với sự thật cũng như gần với chân tướng của Phật Giáo Nguyên Thủy hơn. Trước kia, vào thời đại Đức-Xuyên, Phú-Vĩnh-Trọng-Cơ cũng đã từng suy định về vấn đề này. Ngày nay, trong cái gọi là Nam Phương Phật Giáo, tức dùng kinh điển bằng văn Ba-li không thấy ghi chép tên một cuốn kinh Đại Thừa nào, không những thế mà ngay cả trong các bản Hán dịch của A-Hàm bộ cũng không thấy chép. Suy luận như thế thì đại khái sự quyết đoán cho rằng A-Hàm bộ và Luật bộ là những Kinh điển gần với chân tướng của Phật giáo Nguyên Thủy nhất, có thể là sự quyết đoán không di dịch. Như vậy, sự nghiên cứu của Phật giáo Nguyên Thủy, nếu chỉ lấy văn sách làm tài liệu thì đó chỉ là sự nghiên cứu, phê bình và chỉnh lý A-Hàm bộ và Luật bộ mà thôi.

Trên đây chỉ là nói đại thể thôi, nếu lại tiến lên một bước nữa mà khảo sát thì A-Hàm bộ và Luật bộ có thật đã đủ truyền bá chân tướng của Phật giáo Nguyên Thủy ? Nếu nói một cách nghiêm khắc thì như thế cũng chưa đủ. Vì lẻ A-Hàm bộ và Luật bộ tuy là những kinh điển chính thống nhất, tức được ghi chép và lưu bá bằng văn Ba-li, nhưng theo truyền thuyết mãi đến thời đại A-Dục-Vương (lên ngôi vào năm 269 trước Tây lịch) tức hơn hai trăm năm sau Phât nhập diệt, những kinh điển ấy mới được chỉnh lý thành thể tài như hiện nay. Như vậy hiển nhiên điều đó đã hàm ý nghĩa giáo lý đã có thời kỳ phát đạt. Còn các bản Hán dịch từ Ba-li thì nhận xét về nhiều phương diện, so với các nguyên điển, có thể nói thời kỳ biên tập còn muộn hơn nhiều. Song, bất luận là nguyên điển Ba-li hay là Hán dịch; nếu chúng vẫn giữ được nguyên hình thì tương đối cũng có thể tin là đúng với giáo nghĩa nguyên thủy, nhưng vì đã qua một giai đoạn chỉnh lý mới thành hình thức hiện hữu thì trong đó không khỏi có cái gọi là thành kiến tông phái (thông thường nói tắt là mười tám Bộ Phái Tiểu Thừa).


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 3


Một khi thành kiến đã bị xâm nhập thì tất nhiên phải có ý kiến bất đồng về những điểm nên để hay nên bỏ. Bởi thế, trong các kinh điển hiện còn lưu truyền, dù là Ba-li hay Hán dịch, người ta thấy các nhà biên tập đã hình-phạm-hóa để ghi lại giáo pháp của Phật hay trạng huống sinh hoạt của Giáo Đoàn thời bấy giờ và kết quả những kinh điển đó đã được quy nạp trong một hình phạm nhất định, điều này ai đã từng đọc A-Hàm bộ hay Luật bộ cũng phải thừa nhận. Do đó, những kinh điển ấy đã mất một phần nào tính thuần chân của Nguyên Thủy và như trên đã nói một cách chặt chẽ không thể được coi là truyền bá cái chân tướng, như thực của Phật giáo Nguyên Thủy.

Điều này cũng hệt như kinh Phúc Âm của Cơ-đốc-giáo, không phải truyền bá lời nói và việc làm thật của Gia-Tô mà là do các nhà biên tập Phúc Âm đời sau thêm bớt mà tạo thành. Hay cũng như trường hợp Socrates được biểu hiện trong sách vấn đáp của Plato, những lời nói và việc làm của Socates đã chẳng được phản ánh một cách trung thực. Cứ xem vài thí dụ đó cũng đủ rõ. Bởi thế, nói một cách nghiêm khắc, muốn nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy chân chính, lại phải khu biệt những tài liệu trong A-Hàm bộ và Luật bộ xem tài liệu nào là cũ, tài liệu nào là mới rồi lựa chọn lấy những cái Nguyên Thủy đó là lý do cắt nghĩa tại sao sự nghiên cứu A-Hàm bộ và Luật bộ sau này đã trở thành một đề mục chủ yếu. Nhưng làm thế nào phân biệt được là việc cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta may mắn còn có hai bộ Hán dịch (nguyên điển hoặc bằng Sanskrit) và Ba-li được truyền lại. Căn cứ vào những điểm tương đương của cả hai người, ta có thể thấy được hình thức cũ của các bộ phái truyền lưu và giữa những sự bất đồng, cũng có chỗ nhất trí. Cho dù những hình thức ấy không phải thuần túy nguyên thủy đi nữa nhưng ít ra cũng có thể được coi thuộc loại cựu truyền, còn sự không nhất trí thì đó chẳng qua chỉ là phương pháp suy định và thuyết minh đặc hữu của một phái nào đó mà thôi. Cũng như những kinh điển hiện còn lưu truyền đến ngày nay, bất luận là Hán dịch hay là văn Ba-li, đều chưa chắc đã hoàn toàn là cổ truyền: điều này tưởng không cần nói ai cũng biết. Tức có khi nữa chừng bị thất lạc, hoặc do phái này truyền, phái kia không truyền, cho nên không thể căn cứ vào một tông phái đặc định nào để suy định chân lý mà phải căn cứ theo những điểm tương đương để tìm thấy một tiêu chuẩn nhất định.

Về điểm này, chúng tôi đặc biệt tán thưởng giáo sư Tỷ-Kỳ đã cho ra đời một danh tác dưới tiêu đề: The four Buddhist Aganas in Chinese (Accordance of their parts and of the corresponding counteparts in Palinkapa, 1908, Tokyo). Bộ sách này đã so sánh, đối chiếu A-Hàm bộ giữa Ba-li và bản Hán dịch, đây là tài liệu tham khảo rất hữu ích. Nếu lại tiến lên bước nữa mà di chuyển Luật bộ và Phật giáo Nguyên Thủy đến thời đại Phật giáo Bộ phái và trong quá trình đó Luật bộ đã sản sinh cũng được so sánh, đối chiếu như thế thì thật là sử liệu rất hữu ích cho việc nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy. Hiện nay thì chưa tiến đến điểm ấy, tuy nhiên nó phải là mục tiêu cố gắng của chúng ta sau này. Rồi giai đoạn thứ hai tức phải đạt đến là: trong hai bộ Hán dịch và Ba-li được chỉnh lý đó lại phải tìm xem những chỗ nào nhất trí và những chỗ nào không nhất trí, và bộ phận nào là cựu truyền, bộ phận nào được thêm vào sau v.v… Đây tuy là việc vô cùng khó khăn nhưng là phương hướng không thể không nhắm tới nếu muốn đạt đến mục đích hoàn toàn. Nói một cách nghiêm khắc thì nếu không theo phương châm ấy sẽ không thể hoàn thành việc nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy chân chính.

Phương pháp chỉnh lý được trình bày trên đây thật ra chỉ nói theo ý nghĩa nguyên thủy rất hạn định thôi. Nếu giải thích nguyên thủy theo nghĩa rộng thì bất tất phải nói một cách chặt chẽ như thế. Vì nguyên thủy theo nghĩa rộng là chỉ Phật giáo từ thời đại Phật cho đến khoảng một trăm năm sau Phật nhập diệt, lúc đó Giáo hội chưa phân chia thành các bộ phái. Những tài liệu nghiên cứu không phải chỉ hạn cục phương diện rồi đến giáo lý của Phật giáo nguyên thủy cũng không cứ phải do Phật hoàn thành, hay do Phật ám thị mà có thể là do đệ tử Phật biên tập dần dần mà thành. Nói cách khác, bất cứ tài liệu nào có thể làm sáng tỏ tinh thần chân chính của Phật giáo cũng được nhận là nguyên thủy, cũng được coi như đồng nhất với lời Phật nói.

Song, những tài liệu như thế hoàn toàn không thể tìm đâu ngoài A-Hàm bộ hay Luật bộ. Lại nữa, những người biên tập các tài liệu ấy không những chỉ là các đệ tử trực tiếp ở thời đại Phật mà có thể là ở thời kỳ một trăm năm, hay xa hơn nữa sau Phật nhập diệt. Thậm chí A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư đã chiếm một địa vị đặc thù cũng đã manh nha từ A-Hàm và Luật bộ. Do đó, theo ý nghĩa ấy có thể nói A-Hàm và Luật bộ là tài liệu toàn bộ để nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy. Còn về những yếu tố được thêm bớt sau này tuy không phải không có nhưng theo truyền thuyết, trong lúc biên tập đã có nhiều Trưởng Lão, Thượng Tọa và Cư sĩ hội họp để kiểm duyệt lại và chỗ nào là đại biểu chân chính cho lời Phật nói rồi mới ghi chép, trong đó cũng như các Bộ luận của hậu thế, nếu không có chủ trương tông phái đặc trưng rõ ràng thì không được ghi chép.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 4


Nói một cách dễ hiểu là kinh luật được lưu truyền đến nay là do các tông phái duy trì, trong đó vì sự tiện lợi của mỗi tông phái nên cũng có điểm thêm hay bớt cho phù hợp với chủ trương của mình. Hơn nữa trong lúc biên tập, vì muốn có được hình thức tương đồng nên không khỏi có sự sửa đổi nguyên hình. Duy cái bản thể thì nói một cách khái quát, vẫn có thể đại biểu cho Phật giáo trước thời kỳ phân phái, tưởng đây không phải là một nhận định sai lầm to tát. Cái dụng ý cho A-Hàm và Luật Bộ là những kinh điển nguyên thủy chính cũng ở đó. Tuy nhiên, Khi dùng các kinh điển ấy làm tài liệu nghiên cứu, nếu nói Phật giáo nguyên thủy theo nghĩa rộng, ta cũng cần phải chú ý đến tất cả những điểm đã được trình bày ở trên. Còn về phương pháp chỉnh lý cũng phải được phê bình nếu muốn coi Phật giáo là một nền học thuật để nghiên cứu, đây là điều ta cần ghi nhận.

Nhan đề cuốn sách này (Nguyên thủy Phật giáo Tư tưởng Luận) là nói theo nghĩa rộng và chỉ lấy A-Hàm bộ (và Luật bộ) làm tài liệu nghiên cứu chủ yếu. Như phần mục lục cho thấy, mục đích của cuốn sách này chuyên đứng về tư tưởng mà lý luận hóa và triết học hóa rồi từ đó suy diễn rộng ra để nói rõ tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy, đồng thời cũng từ các kinh điển A-Hàm mà khảo sát cái nguồn gốc của tư tưởng đời sau, nhất là tư tưởng Đại thừa. Nói tóm lại, việc dùng tài liệu không thể hạn cục trong một phạm vi chật hẹp, nghĩa là tuy lấy những tài liệu nhất trí giữa Ba-li và Hán dịch làm chủ yếu nhưng trong trường hợp chỉ có Ba-li thì sau khi nghiên cứu, nếu nhận thấy là căn bản, các tài liệu ấy cũng vẫn chưa được thu dụng. Dĩ nhiên, văn Ba-li xưa hơn Hán dịch, nhưng theo chỗ tôi nhận xét, trong các bản Hán dịch hiển nhiên cũng có các nhà biên tập Thánh điển Ba-li, bởi thế không những chúng ta nên tham khảo cả hai bộ Hán dịch và Ba-li mà còn cần phải so sánh, đối chiếu và tổng hợp toàn thể để xem những tư tưởng nào đã là đại biểu cho những A-Tỳ-Đạt-Ma-Luận của các bộ phái cũng như những kinh luận của Đại thừa sau này. Điều này cũng có vẻ mâu thuẫn với những điểm đã được trình bày ở trên, nhưng chúng tôi không bao giờ xa lìa kiến giải sử liệu, và đôi khi còn phải phê bình tài liệu dùng để nghiên cứu nữa. Đó là chủ trương khác với lập trường không phê bình của các nhà ngiên cứu xưa…



TRÍCH: Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Lời người dịch
Phật giáo được sáng lập trên cơ sự tự giác của đức Thích Ca, tuy có chỗ siêu việt các tư tưởng nhất ban, nhưng cũng có nhiều điểm thừa thụ nền tư tưởng cố hữu của Ấn Độ mà phát đạt: đó là một sự thực lịch sử mà, ngày nay, không một nhà nghiên cứu Phật pháp nào không thừa nhận. Về điểm này, nhà Phật học Nhật-Bản, Bác sĩ Mộc-Thôn-Thái-Hiền (Kimura Taiken), đã viết chung với Bác sĩ Cao-Nam một cuốn sách dưới tiêu đề Ấn Độ Triết Học Tôn Giáo Sử, trong đó, các ông đã giới thiệu một cách cực đơn giản, nhưng rất có hệ thống, tư tưởng Ấn Độ về hai phương diện triết học và tôn giáo trước thời đại Phật giáo, làm cho người đọc không những chỉ hiểu nguồn gốc triết học, tôn giáo Ấn Độ trong các thời đại quá khứ mà, đồng thời, còn thấy một cách rất rõ, rất sâu và rộng cái bối cảnh đã sản sinh ra tư tưởng Phật giáo.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 5


Nhưng, Kumara Taiken là một học giả Phật giáo, chí ông không phải chỉ ở sự trình bày về tư tưởng triết học, tôn giáo của Ấn Độ cổ đại, mà, đối với tư tưởng Phật giáo, muốn mở ra một con đường tham cứu, bởi thế, công tác của ông đối với toàn thể Phật pháp là đi theo con đường tiến triển của tư tưởng để tạo nên một bộ luận có tổ chức vá nhất quán: ý hướng và tư tưởng có tính cách nhất quán này ta có thể thấy rõ trong các tác phẩm của ông, như: Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận (sẽ in một ngày gần đây), Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (đã xuất bản). Tại sao phải luận cứu như thế? Vì, nhận xét về phương diện phát triển tư tưởng của Phật giáo thì đúng là nó đã từ Nguyên Thủy tiến đến Tiểu Thừa và từ Tiểu Thừa mà đến Đại Thừa, cứ như thế tiến xa, tiến cao và, nghiên cứu Phật giáo, nếu không phát hiện được tiến trình tư tưởng đó thì rất khó mà hiểu một cách chính xác cái sai-dị-tính của Phật giáo qua các thời đại.

Đối với tư tưởng sử của Phật giáo Ấn Độ, Kimura Taiken đã chia thành ba bộ môn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận và Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, rồi chỉnh lý và bàn luận thêm để chỉ người ta thấy cái nguồn gốc của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ qua các thời kỳ, tức đâu là manh nha của tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy, đâu là tiền đạo của tư tưởng Phật giáo Tiểu Thừa và đâu là tiên phong của tư tưởng Phật giáo Đại Thừa: đọc ba bộ sách này ta sẽ tìm ra manh mối. Bởi thế, nếu muốn hiểu rõ tư tưởng sử của Phật giáo Ấn Độ, chúng ta không thể không đọc ba bộ sách quý giá này.

Từ rất sớm, cuốn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận đã được Âu Dương Hãn Tồn phiên dịch vào năm Dân Quốc XXII và do Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quân xuất bản; cuốn Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận do chúng tôi, (Thích Diễn Bồi) phiên dịch năm Dân Quốc XXXXIII và do Hương Cảng Nội Minh Xuất Bản Xã ấn hành. Hai cuốn sách này tuy được xuất bản cách nhau hơn hai mươi năm nhưng đều được các giới học giả coi trọng, đủ biết giá trị của chúng như thế nào rồi. Cái môi giới giữa Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận là Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, bởi thế, nếu không phiên dịch cuốn sau này nữa thì khó mà nhận ra toàn diện tư tưởng Phật giáo. Vì cảm thấy sự cần thiết như thế nên chúng tôi đã cố gắng phiên dịch nó để cống hiến những vị hằng lưu tâm đến việc nghiên cứu Phật pháp.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 6


Cứ theo Kimura Taiken đã nói thì Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận cũng còn gọi là A-Tỳ-Đạt-Ma-Tư-Tưởng-Luận. Ngay khi ông bắt đầu viết Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận ông đã có ý nguyện nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo rồi và cuốn Nghiên Cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Luận chính là tiên khu vậy. Sau, nhờ đã sưu tập và chuẩn bị được những tài liệu tương đương về phương diện nghiên cứu này nên ông đã dần dần bắt tay vào việc nghiên cứu A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo Tư Tưởng Luận mà ông hằng mong ước. Phạm vi liên quan của cái gọi là A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo Tư Tưởng, hay, nói khác đi Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng, không phải chỉ hạn cục trong tư tưởng của những bộ luận đặc định nào, nếu suy rộng ra thì có thể nói tư tưởng sử nhất ban của Phật giáo ít ra là quan liên từ sau khi Phật nhập diệt suốt đến thời kỳ tư tưởng Phật giáo Đại Thừa hưng thịnh, do đó, phạm vi nghiên cứu của nó lẽ tự nhiên cũng rất rộng.

Song, khảo sát tư tưởng A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo không dễ dàng như khảo sát tư tưởng Phật giáo Đại Thừa, bởi lẽ Tiểu Thừa có rất nhiều phái khác nhau mà theo truyền thuyết thông thường thì có tới mười tám hay hai mươi bộ phái, và mỗi phái đều có A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư riêng, như vậy, tư tưởng đặc hữu do mỗi phái chủ trương đều phải được trình bày. Nhưng, phàm muốn trình bày và giới thiệu tư tưởng của một học phái nào tất phải dựa vào sách vở của học phái đó chứ không thể chỉ căn cứ vào ý tưởng riêng của mình rồi muốn nói thế nào thì nói mà được. Song, ai cũng biết rằng, những luận thư chủ yếu do cả nam và bắc lưu truyền đến ngày nay chỉ một số ít bộ phái có, còn A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư của nhiều bộ phái hiện nay đã thất lạc.

Như vậy, đối với những phái không có sách vở truyền lại thì tư tưởng của họ chỉ còn được biết đến một cách rời rạc và tản mạn từ các luận thư khác và lẽ dĩ nhiên là không được hoàn toàn. Cho nên, nếu đứng về phương diện toàn bộ A-Tỳ-Đạt-Ma Tư Tưởng Luận mà nói thì bộ sách này vẫn chưa đề cập đến tư tưởng tất cả các bộ phái: đều này tưởng không cần nói ai cũng biết. Điều ấy chính tác giả cũng đã phải thừa nhận khi ông nói: “Về tư tưởng này, sự chuẩn bị của tôi, đến một trình độ nào đó, vẫn chưa được chỉnh lý một cách đầy đủ”. Nhưng, như thế không có nghĩa là tác giả đã không dụng công mà thật ra vì đã không có tài liệu làm căn cứ, đó là một sự bất đắc dĩ. Bất cứ ai, khi luận cứu đến vấn đề này cũng sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn mà không có cách nào giải quyết được cả.

Tuy nói thế, nhưng, đối với các A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư hiện có, tác giả thật đã dầy công nhiên cứu, với cái học uyên bác và tài năng lỗi lạc, ông đã áp dụng phương pháp hoàn toàn mới trong việc nghiên cứu; điều này xem nội dung tác phẩm của ông cũng đủ rõ. Duy còn một điều chúng cần đặc biệt lưu ý là: trong các Thánh Điển của Phật giáo, bản thân A-Tỳ-Đạt-Ma hết sức phiền tỏa, vả cũng có khi rất khô khan vô vị nữa, bởi thế ta thấy trong tác phẩm của ông, khi ông luận cứu về một vấn đề nào đó, thường đột nhập những vấn đề cực phiền tỏa hoặc cực vô vị khiến cho người đọc không khỏi cảm thấy tẻ nhạt. Nhưng không có cách nào khác hơn, vì lẽ thuyết minh tư tưởng của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo mà không đề cập đến A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư thì thật “vô pháp khả thi”.

Song, đối với những vấn đề như thế tác giả xử lý một cách rất có phương pháp và khéo léo, nghĩa là, tác giả chỉ nắm lấy những điểm chủ yếu rồi tóm tắt và phê phán cái ý chính của vấn đề khiến cho người đọc, nếu nhẫn nại một chút, ai cũng có thể có được một khái niệm đại cương về các vấn đề ấy, bởi thế tôi cho đây là một cuốn sách rất có giá trị, không những về phương diện tư tưởng, mà cả về phương diện tổ chức và phương pháp nghiên cứu mà những ai hằng lưu tâm tìm hiểu Phật pháp không thể không đọc qua.

Phần nội dung của cuốn sách được chia thành hai bộ phận lớn là TỔNG TỰ và BẢN LUẬN. Trong phần TỔNG TỰ gồm có năm TIẾT, cho chúng ta thấy sự dị, đồng giữa Nguyên Thủy Phật Giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo như thế nào, sự phân phái và A-Tỳ-Đạt-Ma của các phái ra sao, A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư bắt nguồn từ bao giờ, quá trình phát đạt của chúng ra sao và yếu nghĩa của A-Tỳ-Đạt-Ma là gì, v.v… Trong phần BẢN LUẬN gồm có sáu Thiên lớn: Thiên thứ nhất, Phật Đà Luận cho thấy cách nhận xét của các học giả A-Tỳ-Đạt-Ma về sự xuất hiện của đức Phật ở thế gian này, luận từ Bồ Tát suốt đến Phật Thân Quan. Thiên thứ hai, yếu tố thành lập vũ trụ, thuyết minh về vũ trụ vạn hữu đựơc thành lập như thế nào, thuyết minh từ bản chất tồn tại các loại yếu tố, cho đến Nhân Duyên Luận.

Thiên thứ ba là Thế Giới Quan, trước hết, trong phần Tổng Luận, nói rõ về định nghĩa Thế Giới Quan, kế đó, thuyết minh Thế Giới Quan của Phật giáo nguyên thủy, Thế Giới Quan của A-Tỳ-Đạt-Ma, rồi tiến lên bước nữa, lại từ Thế Giới Quan của Bà La môn nói đến Thế Giới Quan của Phật giáo, Thiên thứ tư Tâm Lý Luận, từ cái gọi là tự thể của tâm, tướng nhất của tâm, tác dụng của tâm,v.v… để nói về những hoạt động tâm lý phức tạp của người ta, như tình tự, ý chí, cảm giác, mộng mị và phát cuồng, tất cả đều được thuyết minh một cách tường tận.

Thiên thứ năm Luân Lý Luận trong đó chia ra tám CHƯƠNG, nói rõ về hành vi đạo đức và do hành vi mà có luân hồi, ba tính thiện, ác, vô ký, mối quan hệ giữa ba tính và các dụng của tâm ra sao, hành vi đạo đức là gì, tướng trạng của nó như thế nào, do nghiệp thiện ác, mà có quả báo sướng, khổ ra sao, tướng trạng luân hồi như thế nào, sự quan hệ giữa hình thức luân hồi và Duyên Khởi Luận, và Mười Hai Nhân Duyên Luận là hình thức luân hồi, v.v… Đứng trên lập trường tôn giáo học mà nhận xét thì đây là một Thiên rất trọng yếu, Thiên thứ sáu, Tu Đạo Luận cho ta thấy tại sao phải tu đạo, nguyên tắc tu đạo là gì, sau hết luận qua về Thiền Định. Rất tiếc Thiền này chưa hoàn tất, tất cả vấn đề như: tâm lý quan có liên quan với Thiền, lý tưởng luận, phương pháp luận, và mục đích luận v.v… đều chưa được bàn tới, đối với người đọc, đây là một điều rất đáng tiếc.
Viết tại Bảo Đảo, Phúc Nghiêm Tinh Xá - Ngày 6 tháng 6 năm Dân Quốc thứ XXXXVI.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 7


Điểm Dị Đồng Giữa Nguyên Thủy Phật Giáo Và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật Giáo
Vấn đề này, đúng ra, phải nói đến sau, nhưng, vì đối với những người chưa quen với cái danh từ A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, nên chúng tôi thấy cần phải có một ý niệm tổng quát trước đã. Nguyên Thủy Phật giáo là Phật giáo thuộc thời kỳ nào? Dĩ nhiên, vấn đề này tùy theo sự nhận xét khác nhau của các nhà khảo cứu mà có sự bất đồng; nhưng, theo tôi, nếu nói một cách đại thể, thì Phật giáo Nguyên Thủy ở vào thời gian đức Phật còn tại thế cho đến thời kỳ sau đức Phật nhập diệt khoảng một trăm năm, điều này có thể tin là xác đáng. Vì vào thời kỳ ấy Phật giáo vẫn chưa chia thành bộ phái, có thể nói giáo pháp của Phật cũng như nước biển chỉ có một vị, ít ra trên cách thức, bản ý của Phật được phô diễn như thế nào thì cũng được thực hành theo đúng như thế ấy. Dĩ nhiên, trên thực tế, vì thiếu sử liệu, nên muốn biết rõ ràng Phật giáo ở thời kỳ này như thế nào là một điều vô cùng khó khăn. Những kinh điển được coi là đã ghi chép tình hình Phật giáo ở thời này là bộ A-Hàm hoặc Luật-bộ – những kinh điển hiện còn lưu truyền – cũng chỉ được kết tập và thành lập vài trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Nếu nói một cách chặt chẽ thì những kinh điển đó không thể được coi là sử liệu chắc chắn nhất được.

Song, đó là vấn đề thực tế, nếu nói theo cách thức thì, như vừa nói ở trên, vẫn có thể lấy thời kỳ Phật tại thế cho đến một trăm năm sau Phật nhập diệt làm thời kỳ Nguyên Thủy Phật giáo. Đó là điểm đoán định thỏa đáng hơn cả. Sau Phật nhập diệt một trăm năm, sự phân phái mở màn, những ý kiến bất đồng bắt đầu xuất hiện, rồi sản sinh ra những sách giáo khoa, tức A-Tỳ-Đạt-Ma Luận-Thư, làm phương châm chỉ đạo cho các học phái; tiếp sau đó là thời kỳ bắt đầu của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo. Dĩ nhiên, nếu nói một cách nghiêm khắc, khuynh hướng A-Tỳ-Đạt-Ma đã ngấm ngầm tồn tại ngay trong thời đại đức Phật rồi, và những bộ luận A-Tỳ-Đạt-Ma vĩ đại cũng đã xuất hiện rất nhiều cả sau thời kỳ Đại Thừa hưng khởi. Tuy nhiên, trên phương diện cách thức, ta vẫn có thể lấy thời gian khoảng từ hai đến năm trăm năm sau Phật nhập diệt làm thời đại A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, và lấy thời kỳ đó để quyết định phương hướng nghiên cứu, theo tôi, có thể nói là tiện lợi hơn cả.

Nhưng giữa Nguyên-Thủy Phật giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo có những tư tưởng gì khác biệt? Vấn đề này rất khó phân xử, vì những tài liệu để nghiên cứu Nguyên-Thủy Phật giáo như bộ thánh điển A-Hàm, đối với giáo hội Phật giáo, đã trở thành phong trào quan sát sự vật của A-Tỳ-Đạt-Ma mà được thành lập, trong đó đã có tác phong của A-Tỳ-Đạt-Ma; đồng thời, những tư tưởng của Nguyên-Thủy Phật giáo nằm trong những bộ luận A-Tỳ-Đạt-Ma dĩ nhiên cũng chỉ là khai triển cái phương pháp luận cứu đó thôi, cho nên khó mà phân chia lĩnh vực của nó một cách rõ ràng. Bây giờ muốn nắm được cái đặc trưng hiển trứ để mà phân biệt tư tưởng của Nguyên-Thủy Phật giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo đại để có thể nói như sau:

1 – Nói theo phương pháp luận cứu: thời đại Nguyên-Thủy Phật giáo, nhất là lúc chính đức Phật thuyết pháp, tất cả lời Phật nói đều minh bạch dễ hiểu, không có điều gì bí mật khúc mắc, vì mục đích của Phật khi nói pháp không phải nhằm vào việc trao truyền tri thức cho các đệ tử, cũng không phải bắt họ cố thủ giáo điều, nhưng mục tiêu chính của Ngài là “chuyển mê khai ngộ” cho đệ tử. Do đó, những lời Phật nói tất phải dản dị khiến cho trong thính chúng ai cũng hiểu được. Nhưng đến thời đại A-Tỳ-Đạt-Ma – nhất là thời kỳ A-Tỳ-Đạt-Ma tiến bộ – thì trước tiên là đem phân loại mọi vấn đề, cho mỗi vấn đề đó một định nghĩa, rồi đứng trên những lập trường khác nhau để thuyết minh mối quan hệ hỗ tương giữa các vấn đề ấy: đó là đặc sắc của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo. Ý nghĩa này đã được biểu hiện trong câu nói của Phật-âm như sau: “Trong kinh, Ngũ-Uẩn được thuyết minh một cách tổng hợp, chứ không phân tích chi ly. Nhưng trong A-Tỳ-Đàm thì dùng phương pháp phân biệt kinh, luận và vấn đáp để thuyết minh Ngũ-Uẩn một cách chi ly, Thập-Nhị-Xứ, Thập-Bát-Giới cho đến Tứ-Đế… cũng thế”. Ý kiến của Phật-âm thật đã nói rõ sự khác biệt về phương pháp luận cứu giữa Nguyên-Thủy Phật giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo. Như vậy, sự phân tích có thể nói là đặc trưng lớn nhất của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, và nhiệm vụ chủ yếu của A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo là ở ở như cái gọi là “chư môn phân biệt”, nghĩa đứng trên nhiều lập trường khác nhau để luận cứu tính chất của vạn pháp.

2 – Bây giờ hãy đứng về phần nội dung tư tưởng (tức giáo lý tự phần) để nhận xét sự khác biệt giữa Nguyên-Thủy và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo. Dĩ nhiên, ở đây không thể đề cập đến tất cả mọi vấn đề mà chỉ nói đến cái đặc trưng lớn nhất mà thôi. Nói một cách đại thể, Nguyên-Thủy Phật giáo đứng trên lập trường giá trị xử lý mọi vấn đề, nghĩa là, lấy lý tưởng tối cao của con người làm tiêu chuẩn, và căn cứ vào sự có thể hay không thực hiện được lý tưởng ấy mà phân đoán hết thẩy: đó là thái độ của đức Phật đối với sự thật. Trong việc thực hiện lý tưởng, sự quan quán và nhận thức sự vật tuy là phương pháp tu dưỡng trọng yếu, nhưng nó phải lấy giá trị thực tế làm trung tâm, nghĩa là, sự quan sát đó phải trực tiếp đưa đến việc thực hiện lý tưởng, chứ không phải quan sát để tạo thành những vấn đề luận lý chi ly. Do đó, đối với những vấn đề như thế giới là hữu biên hay vô biên, thể xác và linh hồn là một hay khác, đức Phật đã giữ một thái độ yên lặng. Bởi vậy, nếu muốn hiểu chơn lý Nguyên-Thủy Phật giáo, ngoài việc nghiên cứu phần giáo lý biểu diện liên quan đến sự thật, còn cần phải đi sâu vào sự quan sát những vấn đề lý tưởng và tu dưỡng nữa (xem Nguyên-Thủy Phật giáo Tư-Tưởng-Luận trang 75).

Song, đến A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo thì như thế nào? Dĩ nhiên, về điểm lý tưởng thì A-Tỳ-Đạt-Ma không có gì khác với Nguyên-Thủy Phật giáo, nhất là vào thời đầu, thay vì luận cứu những vấn đề sự thực thì A-Tỳ-Đạt-Ma lại lấy việc luận cứu những giáo lý tu chứng làm mục đích (xin xem A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Nghiên Cứu, trang 53 – 62). Nhưng đến thời kỳ phát đạt sau này thì việc luận cứu sự thật đã dần dần trở thành để mục trọng yếu. Ở thời kỳ này, ngoài những đề mục mới được luận cứu ra, A-Tỳ-Đạt-Ma còn tham luận cả đến những việc mà chỉ vì muốn giúp cho sự tu dưỡng nhất thời mà Nguyên-Thủy Phật giáo đã đề cập đến, chẳng hạn đức Phật thường nói: “Không một hương thơm nào có thể bay ngược gió, duy chỉ có hương thơm của sự giữ thanh tịnh, dù thuận hay nghịch, không một nơi nào không bay tới” (Tạp-A-Hàm quyển 38, Đại-Tạng 2, trang 278, phần hạ).

Nhưng đến A-Tỳ-Đạt-Ma thì lấy hương làm vấn đề tự thân để luận chứng, cho rằng hương dù ngược gió cũng có sức xông tới (Câu-Xá-Luận, quyển II). Nhất là đến bộ Thi Thiết Luận mà ai cũng biết, trong Nhân Thi Thiết Môn thứ 10, đối với vạn hữu trong vũ trụ đều muốn hiểu rõ cái nguyên nhân tại sao? Chẳng hạn, tại sao núi lại cao, biển thì rộng? Tại sao động vật đi ngang mà người lại dọc? v.v… Rồi đến các bộ A-Tỳ-Đạt-Ma Luận Thư tiến bộ còn đi sâu hơn nữa mà luận cứu cả những vấn đề mà đức Phật đã dùng thuyết vô ký để bài xích, cho nên, kết quả là sự thuyết minh đã cực kỳ phiền tỏa mà trong đó, nếu nói theo tiêu chuẩn ngày nay, có nhiều vấn đề và giải đáp hầu như vô nghĩa và rất tức cười. Nhưng, nếu đứng trên lập trường học vấn mà nhận xét thì, dĩ nhiên, trong đó cũng có nhiều đề mục mà ý nghĩa cực sâu xa và rất thú vị.

3 – Sau cùng, Nguyên Thủy Phật giáo căn cứ nơi tâm, và cái phương pháp nắm bắt được tâm và lập trường quan sát duyên khởi, nghĩa là, “một tức hết thảy”, “hết thảy tức một”. Nhưng, đến A-Tỳ-Đạt-Ma thì thay vì căn cứ nơi tâm lại chú trọng thuyết minh sự thực.

Trên đây là ba đặc trưng lớn nhất của sự khác biệt giữa Nguyên Thủy Phật giáo và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo. Nếu nói một cách nghiêm khắc thì vốn không đúng như thế, nhưng, trên đại thể, theo tôi, ba điểm trên đây có thể được coi là gần với sự thực dị đồng giữa hai bên và, dĩ nhiên, phương pháp sử dụng tài liệu để nghiên cứu cũng xuất phát từ quan điểm này. Trong các bộ Thánh điển A-Hàm hay Luật bộ dù cho có quan điểm bất đồng với kinh, luật, nhưng đến A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo thì có điểm tựa hồ không coi trọng kinh, luật mà chuyên chú vào luận. như vậy, nếu tham khảo tư tưởng cả hai bên trong khoảng trung gian từ Nguyên Thủy Phật giáo đến A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo rồi kết lại, ta có thể thấy rõ sự dị đồng giữa Nguyên Thủy và A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo…


TRÍCH: Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Địa Vị Lịch Sử Của Phật Giáo Trong Tư Trào Của Ấn Độ.
Từ xưa, Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết học và thi ca, cho nên trào lưu tư tưởng phát sinh và nảy nở ở Ấn Độ rất nhiều và dưới những hình thức khác nhau, nhưng tư trào rộng lớn hơn cả là tư trào Phật Giáo. Song, Phật Giáo đã chiếm một địa vị như thế nào trong những tư trào ở Ấn Độ?

Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, Phật Giáo là sản phẩm thuộc thời kỳ thứ tư. Thời kỳ thứ nhất là thời đại Lê-Câu-Vệ-Đà (Rg-veda_1.500-1.000 trước T.L.) chuyên sùng bái các hiện trượng thiên nhiên và là thời đại của dân tộc Aryan mở đường tiến thủ. Đứng về phương diện tư tưởng, ta có thể cho đó là thời đại “thần thoại vũ trụ quan”. Thời kỳ thứ hai là Giạ-Nhu-Vệ-Đà_thời đại Phạm ngữ_(1.000-800 trước T.L.). Giống người Aryan từ các địa phương Ngũ Hà tiến vào lưu vực sông Hằng (Gange), thấy đất đai phì nhiêu mới sống cuộc đời định cư tại những khu vực dọc theo con sông ấy. Đó là thời đại mà chế độ hà khắc (bốn giai cấp) và những lễ nghi tôn giáo vô cùng phức tạp được thiết lập, tức là thời đại Bà La Môn giáo vậy.


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 8


Tư tưởng Bà La Môn rất bao quát, dùng chế độ và lễ nghi là nền tảng cho vũ trụ luận, cho nên ta có thể cho thời kỳ này là thời đại “Tế đàn vũ trụ quan”. Thời kỳ thứ ba là thời đại U-Ba-Ni-Sát (Upanishad_800-500 trước T.L.). Về phương diện hình thức, thời kỳ này tuy thừa kế tư trưởng thời kỳ trước, song đã dần dần thay đổi và cuối cùng đã khai sáng một thời đại lấy con người làm trung tâm để giải quyết hết thảy, tức là thời kỳ Bản ngã triết học được thành lập. Do đó đến đây, ta có thể thấy một biến chuyển lớn lao đã xẩy ra trong tư tưởng giới Ấn Độ.

Những trào lưu tư tưởng kể trên tuy triển khai qua ba thời kỳ khác nhau, nhưng chung quy cũng đều bắt nguồn từ tư tưởng Vệ-Đà. Đến tư trào thứ tư thì có rất nhiều điểm bất đồng. Chẳng hạn, nói về địa dư thì ba thời kỳ trước chủ yếu lấy thượng lưu sông Hằng làm trung tâm, mà thời kỳ thứ tư thì lại lấy khu vực hạ lưu sông Hằng làm cứ điểm phát huy tư tưởng. Nói về giai cấp thì những thời kỳ trước chỉ có giòng tăng Sĩ Bà La Môn là người biểu hiện và khai thác tư tưởng, đến thời kỳ thứ tư thì không những chỉ có tư tưởng Bà La Môn mà còn thấy cả hoạt động của giai cấp thống trị Sát-đế-lợi nữa. Do đó, nếu đứng về phương diện tư tưởng mà nói, thời kỳ này tuy cũng lấy tư tưởng truyền thống Bà La Môn của ba thời kỳ trước làm bối cảnh dùng mọi hình thức để mở rộng, song cái tư tưởng đầy sức sống ấy chính là tư tưởng tự do, coi thường truyền thống (phần nhiều trái với Bà La Môn). Đến đây, các giáo phái có chủ trương tín ngưỡng khác nhau lần lượt kế tiếp nhau mọc lên. Bởi thế ta có thể gọi thời kỳ này là thời đại cách mạng của các giáo phái (500-300 trước T.L.). Nhờ xu thế ấy mà trong thời kỳ này Phật Giáo cũng quật khởi. Đứng trong tư trào thứ tư này mà nhận xét, thì đại khái Phật Giáo đã chiếm địa vị như sau:

Như ta đã thấy trào lưu tư tưởng bộc phát trong thời kỳ thứ tư, tuy có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng đại lược ta có thể chia thành hai hệ thống: Bà La Môn giáo hệ và Phi Bà Là Môn giáo hệ. Bà La Môn giáo hệ nhận uy quyền của thánh kinh Về-Đà và tính cách thiêng liêng của chủng tộc Bà La Môn, còn Phi Bà La Môn giáo hệ muốn hoàn toàn đứng trên lập trường tự do để giải thích và phê phán hết thảy. Hề thống này có thể được coi là đại biểu của thời kỳ thứ tư. Cũng có một vài giáo phái không những chỉ có ảnh hưởng trong thời đại đức Phật, mà cả đến những thế hệ sau vẫn còn có uy lực, chẳng hạn như sáu Lục Sư chính là một giáo phái tự do vậy.

Song ảnh hưởng của những giáo phái ấy đối với nhân tâm và sự cảm hóa đương thời ra sao? Giáo hệ Bà La Môn vì theo quan niệm truyền thống, nên có nhiều điểm tuy đã ăn sâu vào nền tảng xã hội, nhưng với thời đại mới thì cũng đã có nhiều điểm không còn được thích ứng nữa. Còn phái tự do tân tiến tuy có ảnh hưởng lớn đối với lòng người khi đã bừng tỉnh nhưng vì thiếu tính chất kiện toàn trong việc hoạt động và lại đi quá đà, đến nỗi gây nguy hại cho thể đạo nhân tâm, theo trong kinh sách của Phật Giáo đã chép thì đó là một sự thật hiển nhiên, không còn nghi ngờ. Nói tóm lại, tư tưởng giới thời bấy giờ, hệ thống cũ dần dần suy sụp, mà hệ thống mới vẫn chưa được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, cho nên đứng về phương diện này mà nhận xét thì thấy có sự tích cực hoạt động, nhưng ở một phương diện khác thì lại vô cùng hỗn độn, bởi vậy không khỏi khiến cho lòng người rơi vào một trạng thái bất an!


 
nguyên thủy tiểu thừa đại thừa phật giáo tư tưởng luận 9


Chính vào lúc lòng người bất an, tư tưởng hỗn loạn ấy mà đức Phật Thích Ca (560-480 trước T.L.), sau khi đã tự tìm ra chân lý, đem đạo Giác Ngộ truyền bá khắp nơi, và Phật Giáo đã thực sự bắt nguồn từ giai đoạn đó. Đứng về phương diện tư tưởng mà nói, tuy Phật Giáo dĩ nhiên không thuộc giáo hệ Bà La Môn giáo mà dung hòa, thống nhất, xa hẳng con đường cực đoan, theo lập trường trung đạo, sáng lập một nền đạo pháp vừa mới mẻ, vừa kiện toàn để dẫn đường cho thế gian, đó là đặc điểm vĩ đại nhất của Phật Giáo. Mặc dầu đứng ở địa vị độc đáo và có sức cảm hóa mãnh liệt, nhưng trong lúc trào lưu tư tưởng mới, cũ giao nhau, Phật Giáo cũng có thái độ tùy cơ, tùy thời và một tinh thần bao dung, quãng đại, và dần dần khiến cho lòng người quy hướng và ổn định.

Lúc đầu, Phật Giáo chỉ là một trong những giáo phái chủ yếu, nhưng lần lần vượt xa hẳn các giáo phái khác, có thế lực rất lớn trong xã hội. Đặc biệt trong lịch sử chính trị Ấn Độ có Hoàng đế A Dục (Ashoka)-(268-226 trước T.L) đã tận lực truyền bá Phật Giáo không những chỉ bành trướng ở Ấn Độ mà còn lan tràn ra các nước ngoài, đó chính là đầu mối của Phật Giáo thế giới vậy. Từ đây trở đi, phạm vi của Phật Giáo càng ngày càng được mở rộng, đồng thời về phương diện nội tại, Phật pháp thực thể tuy bất biến song vì muốn thích ứng với phong trào tư tưởng của mỗi thời đại, nên về hình thức và phương pháp được áp dụng để truyền đạo đã có thay đổi ít nhiều. Như trong bộ Tiểu thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (cùng một tác giả) đã nói, từ Nguyên thủy Phật giáo tiến đến Bộ phái Phật giáo, rồi lại từ Bộ phái Phật giáo tiến đến Đại thừa Phật giáo, kết quả là thế lực của giáo hội Phật Giáo đã bành trướng khắp miền Tiểu Á. Cho đến thế kỷ thứ V, VI sau Tây Lịch thì tổ chức giáo lý lại càng phát đạt và đã hấp thụ tất cả tư tưởng tinh hoa của Ấn Độ (hấp thụ cả tệ đoan của thời đại cũng có) để nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo lớn nhất. Khởi thủy Phật Giáo tuy là một chi phái trong tư trào Ấn Độ, song bất luận về phương diện nào, nội dung cũng như hình thức, so với toàn bộ tư trào Ấn Độ, Phật Giáo vẫn có một ý nghĩa siêu việt hơn, điều đó là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận.

Cũng vì Phật Giáo bao hàm một ý nghĩa như thế và cũng nhân chí khí của dân chúng Ấn Độ muốn trở lại chủ nghĩa truyền thống, vả lại cũng do phạm vi của Phật Giáo rộng rãi, không tránh khỏi sự hấp thụ những tệ bệnh, cho nên từ thế kỷ thứ VIII, ngay trên lãnh thổ Ấn Độ bởi lẽ Phật Giáo được phát triển mạnh mẻ như vậy là nhờ ở tinh thần từ bi, bình đẳng, mà tinh thần ấy lại rất cần thiết cho sự đoàn kết của nhân dân Ấn Độ bất cứ về phương diện nào, xã hội hay chính trị. Khi họ trở lại với tinh thần truyền thống rồi, chế độ giai cấp hà khắc lại được tái lập, tinh thần đoàn kết dân tộc tan rã, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho Ấn Độ phải chịu sự đô hộ của ngoại ban. Song Phật Giáo không phải hoàn toàn tiêu diệt ở Ấn Độ, về hình thức, Phật Giáo có vẻ suy vi, nhưng tinh thần Phật Giáo thì bất diệt. Mấy năm gần đây các phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Ấn Độ đã bắt đầu hoạt động mạnh cho nên rất có thể Phật Giáo lại có cơ phục hưng.


 

Điểm Tương Đồng Giữa Tư Tưởng Ấn Độ Và Tư Tưởng Phật Giáo.
Phật Giáo tuy siêu việt tất cả tư tưởng Ấn Độ, song Phật Giáo cũng phát sinh ở Ấn Độ, và như đã nói ở trên, tùy thời thích ứng với tư tưởng mà phát đạt, cho nên cũng có rất nhiều điểm tương đồng với tư tưởng Ấn Độ. Nếu muốn hiểu rõ tư trào Phật Giáo ở Ấn Độ, trước hết ta phải lưu ý về điểm này. Ta hãy thử đưa ra mấy sự kiện dưới đây, ta sẽ thấy những điểm tương đồng ấy:

1) Vấn Đề Trung Tâm:
Tư tưởng Ấn Độ tuy thiên sai, vạn biệt, song đều đưa đến một điểm then chốt, đó là việc giải quyết vấn đề nhân sinh. Những nhà tư tưởng Ấn Độ đi tìm chân lý là mong tìm ra chỗ quy hướng của kiếp người, tìm lấy một phương châm thực tiễn để quyết định cho lẽ sống, chứ không phải họ chỉ suy tư những điều không tưởng viễn vông, do đó mới tạo thành trung tâm điểm của tư tưởng. Vấn đề trung tâm của Phật Giáo cũng ở điểm ấy. Bởi vậy, khi nghiên cứu Phật Giáo, như Khang Đức đã nói, ta phải đứng trên lập trường thực tiễn mới có thể quan sát được chính xác.

2) Điểm Quan Sát Cơ Bản:
Đối với việc giải quyết vấn đề nhân sinh, trong tư tưởng Ấn Độ cũng có rất nhiều thuyết khác nhau, nhưng tựu trung đều quan sát quanh vấn đề “Bản Ngã”. Bản Ngã là trung tâm của vũ trụ, là cuốn sách chứa đầy ý nghĩa thâm áo và có một giá trị vô cùng cao cả. Về sau, trong tư tưởng giới Ấn Độ cũng có người không tán thành quan điểm đó, nhưng chung quy ta cũng không thấy một thuyết nào là không lấy vấn đề Bản Ngã làm điểm quan sát cơ bản. Thuyết “Vô Ngã” của Phật Giáo, mới nhìn ta thấy có vẻ như mâu thuẫn với lập trường Bản Ngã, nhưng thực ra thì cũng chỉ giải thích Bản Ngã dưới một hình thức khác mà vẫn lấy Bản Ngã làm trung tâm điểm, như thế không có gì sai biệt cả.

3) Sự Nhất Trí Về Nhân Sinh Quan Và Vũ Trụ Quan:
Từ vấn đề nhân sinh quan, tất nhiên lại phải tiến đến vấn đề vũ trụ, mà cái đặc sắc về vũ trụ quan của các học phái Ấn Độ ở chỗ họ cho rằng vũ trụ là phản ảnh rộng lớn của con người. Nói một cách khác, muốn khảo sát vũ trụ phải đứng trên lập trường nhân sinh để quy định bản chất của vũ trụ. Như vậy, con người là tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ. Khuynh hướng ấy đã có từ ngàn xưa và được lưu truyền qua các thế hệ dưới nhiều hình thức. Vũ trụ quan của Phật Giáo cũng thừa nhận rằng, vũ trụ chẳng qua chỉ là sản phẩm do tâm biến hiện. Về vấn đề nầy tôi xin bàn rõ ở các chương sau.

4) Nghiệp Lực Chi Phối Con Người:
Đối với cái sức chi phối vận mệnh con người, tuy các giáo phái Ấn Độ lập ra nhiều nguyên lý, song bất luận nguyên lý nào cũng đều do cái sức căn bản đó là “Nghiệp”. Nghiệp là những hành vi thiện hay ác mà ta đã tạo tác ở kiếp trước, rồi chất chứa trong tạng thức của ta để đến kiếp này trở thành động lực chi phối vận mệnh của ta. Tư tưởng ấy đã hình thành và tản mát trong các kinh thâm áo từ xưa, đến khi các giáo phái tranh nhau phát khởi thì đều thâu nạp tư tưởng đó. Phật Giáo tuy chủ trương thuyết Vô Ngã, song cũng thừa nhận thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi, điều đó cũng không ngoài trào lưu đương thời.

Lại nữa, kết quả của thuyết nghiệp báo và luân hồi đã đem lại một ý nghĩa bao quát liên quan đến các loài sinh vật; người ta đều công nhận rằng, các loài sinh vật vì cứ lẩn quẩn trong vòng sinh tử nên đều có thể là họ hàng, thân thuộc của nhau trong nhiều đời kiếp. Đó cũng là điểm nhất trí của các phái. Thế rồi ngay từ thời kỳ thần thoại, người ta cũng đã cho rằng trời, thần, tiên, ma quỷ cho đến các loài ở địa ngục đều là sinh vật cả. Điểm này các phái lại cũng chủ trương như nhau và như thế là về hữu tình quan của các phái đều nhất trí.

5) Quan Niệm Yếm Thế Và Giải Thoát:
Do ảnh hưởng của thuyết luân hồi mà xưa kia người ta cho rằng cõi trời là một nơi sung sướng cao tột, song cuối cùng họ lại bảo đó không phải là một chỗ vĩnh viễn yên vui. Từ sau thời kỳ các học phái mọc lên, trong tư tưởng giới Ấn Độ đều có huynh hướng yếm thế. Nhưng nói cho đúng, khuynh hướng yếm thế không nhất định là do quan niệm luân hồi phát sinh. Nếu nói theo một ý nghĩa khác, ta có thể cho rằng, vì người ta quá tôn sùng quan niệm lý tưởng nên mới có khuynh hướng yếm thế. Nhưng dù sao chăng nữa thì quan niệm luân hồi cũng đã làm khuynh hướng yếm thế biểu hiện một cách rõ rệt. Đó là một sự thật lịch sử hiển nhiên, và kết quả của khuynh hướng ấy khiến cho toàn thể tư tưởng giới Ấn Độ đi tìm sự giải thoát, nghĩa là muốn thoát khỏi cái kiếp người đầy lo âu để đến một cảnh giới lý tưởng yên vui, bất biến. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Cho nên nói giải quyết vấn đề nhân sinh, bất luận theo ý nghĩa nào, đều lấy sự giải thoát làm mục tiêu. Do đó vấn đề giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ trở thành vấn đề trung tâm, Phật Giáo dĩ nhiên cũng không ngoài công lệ ấy.


6) Thiền Định Là Phương Pháp Để Giải Thoát:
Phương pháp để đạt tới sự giải thoát là quan niệm thực tiễn của các phái. Không cần nói ta cũng thấy rằng, những phương pháp đó có nhiều sắc thái bất đồng. Nhưng ta hãy cứ giả tưởng rằng, trong các phái đó nếu có một phương pháp cộng đồng thì phương pháp ấy là lối tu thiền định, tức là: Tam muội (Samadhi), Tĩnh lự (Dhyana) và Du già (Yoga). Trong Tam học của Phật Giáo , ba môn đó được mệnh danh là Định học, trong Bát chánh đạo thì gọi là Chính định. Như vậy tất cả các phái đều áp dụng phương pháp thiền định để đạt đến giải thoát.

Nếu đứng về phương diện đó mà khảo sát, ta thấy Phật Giáo tuy nói là căn cứ vào cái trí tự giác của đức Phật, song về mặt hình thức của tư tưởng thì có rất nhiều chỗ tương đồng với các tư tưởng phái đương thời. Nhưng có một điểm đặc thù, là Phật Giáo không phải là một sản phẩm của lý luận trừu tượng, mà rất thực tế, có liên hệ đến toàn dân, tùy căn cơ, trình độ giáo hóa cho mọi hạng người, đó là đặc điểm ta cần phải ghi nhớ…


Vài Nét Về Tác Giả:
Bác sĩ Kimura Taiken là một học giả Nhật Bản chuyên khảo cứu về triết học Ấn Độ và đã được giới học giả Nhật coi như một triết gia Ấn. Ông rất giỏi Phạn Ngữ (Sanscrit) và tinh thông các kinh điển Vệ-Đà (Rig-Vedas) và U-Ba-Ni-Sat (Upanishads). Ông đã xuất bản lần đầu tiên cuốn “Lịch Sử Tôn Giáo và Triết Học Ấn Độ” và tác phẩm này đã làm ông nổi tiếng.

Sau đó ông lần lượt hoàn thành các tác phẩm: “Sáu Phái Triết Học Ấn Độ”, “Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận”, “Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận” và “A Tỳ Đạt Ma Luận” v.v… Những sách của ông rất có giá trị về phương diện tư tưởng cũng như rất có hệ thống về phương pháp nghiên cứu và được giới học giả Nhật đón nhận một cách nồng nhiệt.

Phần lớn các tác phẩm của ông đã được dịch ra Hán văn, nay chúng tôi cố gắng dịch bộ “Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận” này ra Việt Ngữ, và nếu hoàn cảnh cho phép, chúng tôi sẽ lần lượt phiên dịch tất cả các tác phẩm trên đây để cống hiến quý vị có nhiệt tâm nghiên cứu Phật giáo. Có điều chúng tôi rất tiếc là chúng tôi không am hiểu Nhật ngữ, do đó, khi dịch, đã phải theo bản Hán văn của Pháp Sư Thích Diễn Bồi, một nhà Phật học hữu danh của Trung Hoa hiện tại.

Người ta thường nói “dịch và diệt”. Khi dịch thẳng một tác phẩm ngoại ngữ ra tiếng bản xứ cũng đã khó mà giữ cho đúng tinh thần của nguyên tác rồi, huống chi đây lại dịch từ một bản dịch thì làm sao tránh khỏi những điều sai lầm. Bởi thế, chúng tôii rất kỳ vọng ở quý vị tinh thông Nhật Ngữ sau này sẽ cống hiến độc giả những bản dịch trực tiếp từ nguyên tác. Trong khi chờ đợi, chúng tôi chân thành xin các bậc cao minh phủ chính những khuyết điểm và thông cảm cho những giới hạn của chúng tôi, nếu dịch phẩm này hân hạnh được đặt vào tay quý vị.
HT. Thích Quảng Độ



 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây