094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

MÂY TRẮNG HỎI ĐƯỜNG QUA - HT THÍCH THÁI HÒA MÂY TRẮNG HỎI ĐƯỜNG QUA - HT THÍCH THÁI HÒA Tác Giả: Thích Thái Hoà
NXB: Hồng Đức 
Số Trang: 272 Trang
Hình Thức: Bìa Cứng 
Khổ: 14,5x20,5cm
Năm XB: 2018
Độ Dày: 2,5cm
MTHD VĂN HỌC - TRIẾT HỌC 100.000 đ Số lượng: 1000000 Quyển
  • MÂY TRẮNG HỎI ĐƯỜNG QUA - HT THÍCH THÁI HÒA

  •  1564 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: MTHD
  • Giá bán: 100.000 đ

  • Tác Giả: Thích Thái Hoà
    NXB: Hồng Đức 
    Số Trang: 272 Trang
    Hình Thức: Bìa Cứng 
    Khổ: 14,5x20,5cm
    Năm XB: 2018
    Độ Dày: 2,5cm


Số lượng
Trích “Hoa Từ Bi – Mây Trắng Hỏi Đường Qua”:
Ngày chánh niệm tại Non Nước (7/05/1995). Cuộc hành trình, nếu không có bước khởi đầu, thì làm sao có bước thứ hai, thứ ba, những bước kế tiếp và đi dẫn đến đích. Từ ngày thực tập chánh niệm tại Chánh Niệm Lâm và từ Chánh Niệm Lâm chúng ta có Thạch Niệm Lâm, từ Thạch Niệm Lâm chúng ta bước về Thuyền Tôn tự, Quan Âm Phật đài, Hoài Nguyên Lâm ở Thừa Lưu, Thúy Vân Linh Thái và giờ đây, Thầy trò chúng ta vượt đường xa qua đèo, qua núi để đi vào ngoại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nơi có danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình ngàn năm lưu dấu, đó là Ngũ Hành Sơn và chùa Linh Ứng để thực tập ngày tu học Chánh niệm.


 
mây trắng hỏi đường qua


Xe đưa đoàn tu học Chánh Niệm gồm có ba chiếc, tập trung tại 3 địa điểm: Tây Lộc, Thành Nội và 56 Lê Lợi, đoàn xe chuyên chở khoảng 100 người khởi hành lúc 4 giờ 30 phút, cùng tại tụ điểm 56 Lê Lợi. Cũng như thường lệ, tất cả học chúng về hình thức ăn mặc gọn gàng lịch sự, nét mặt trông tươi vui, phấn khởi mặc dù đêm đó không mấy ai ngủ sớm và dậy trễ đâu! Quý vị mang theo đầy đủ phẩm vật để cúng dường: hoa quả, trầm hương, dầu hỏa và không quên mang chút đặc sản của Huế là mè xửng đặc biệt và kẹo cau. Rồi mỗi người tay xách, vai mang, có những vị hai ba xách: thức ăn, nước uống, những đồ dùng cho ngày chánh niệm. Đi xa mà mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh cũng rườm rà thật, nhưng tất cả đều muốn làm đẹp, có ý nghĩa và trang trọng trong ngày chánh niệm cũng như trong cuộc sống vậy. Đoàn xe đưa Thầy trò chúng tôi rời Huế lúc mặt trời hừng đông và chẳng bao lâu đoàn xe đã vượt Phú Bài, Truồi, Nong..., Nước Ngọt, Thừa Lưu, Lăng Cô, và lên đến đỉnh đèo:

Đỉnh đèo cao hút gió
Bờ vực thẳm vô minh
Quanh co đồi núi hiểm
Xa phố chợ phù vân.

Gần đến đỉnh, Thầy trò chúng tôi xuống xe và thiền hành lên đỉnh, dừng lại 57 phút trên đèo và thong thả bách bộ xuống núi, vừa đi vừa ngắm cảnh, nhìn bầu trời xanh cao vời, trông xuống vực sâu thăm thẳm, cùng đoàn xe xa trông nhỏ nhoi, rì rầm, leo dốc núi, chúng ta thấy rõ sự tự tin của con ngƣời trước thiên nhiên hùng vĩ. Đoàn chúng tôi thanh thản với những bước chân nhàn du giữa đèo cao, núi biếc. Rồi đoàn xe nối đuôi nhau vượt đường trường, lẹ làng, len lỏi lách qua những chiếc xe lớn kềnh càng chạy chậm rãi, xe lên xuống quanh co, khúc khuỷu nhưng vẫn bon bon vun vút trên đường dài thiên lý!

Mới Huế đó mà chừ Liên Chiểu, Kim Liên, Hòa Khánh và kìa tượng đức Bổn Sư lộ thiên khổng lồ màu trắng tỏa, đường đi “Trưa Huế, xế Quảng” đã đến nơi rồi! Đoàn xe qua Hòa Mỹ, Phước Tường đến ngã Ba Huế, xe rẽ phải, đi thêm mấy đoạn đƣờng vùng chợ mới và xe từ từ qua cầu Delasse, cầu kiến trúc đơn giản, nhưng cứng rắn vững chắc như nói lên sức sống kiên cường đấu tranh dũng mãnh của người dân xứ Quảng.

Chúng tôi đến nơi, khoảng 9 giờ, xuống xe là chúng tôi tươi cười nhìn đá, sư tử đá, đồ gia dụng bằng đá với nhiều màu sắc rất đẹp, nhìn qua cũng tương tợ như hồng ngọc, bạch ngọc, túy ngọc đắt giá trong các cửa hiệu kim hoàn, có cả những chiếc vòng cẩm thạch cũng lên nước vân xanh, vân xám nhạt! Tiểu thủ công nghệ thì rất tỉ mỉ, công phu do bàn tay và trí óc của những nghệ nhân điêu khắc sáng tạo. Đường lên Non Nước đục núi mà đi, tầng cấp dốc khá cao, nhìn những bậc đá đã nói lên sự kiên trì và công phu xây dựng. Mấy vị cao niên dìu nhau đi nhưng vẫn tươi vui tiến bước, chúng tôi nhờ Phật lực gia bị, vừa đi, vừa xách trong chánh niệm, nên cũng không thấy mệt, các em thanh thiếu niên nữ thoăn thoắt, lẹ làng lên chùa trước với những xách, giỏ nặng tay!

Kìa! Ngôi chùa thật nguy nga tráng lệ, kiến trúc hùng tráng, tân kỳ, chạm trỗ hoa văn với nhiều màu sắc rực rỡ. Chúng tôi đi thẳng vào sân chùa. Quý vị, ngƣời thì đến ngồi gần giàn hoa lan cạnh hồ nƣớc để nghỉ chân sau khi lên dốc, kẻ thì lo sửa soạn lễ vật cúng dƣờng. Chúng tôi được dạy mang hành trang cùng đoàn qua ngôi “Nhà Không”, nói theo ngôn ngữ thiền là “Phương trượng”. Ở đây một gian nhà rộng rãi, trống không thoáng mát, xin được phép lộng ngữ ví von: “ngôi nhà của ngài Duy Ma Cật”. Quý vị điều hành của chùa thật chu đáo lưu tâm! Chúng tôi giải lao khoảng 15 phút và tất cả chỉnh đốn lại tư thế. Quý Thầy và quý vị tăng sinh mặc áo vàng, chúng tôi mặc áo tràng tươm tất (nếu có), nghiêm trang xếp hàng một theo sau thầy thiền hành lên điện Phật.

Thầy làm chủ lễ, các vị tăng sinh xếp hàng đứng trước, chúng tôi xếp hàng hai bên, phía sau cùng với quý vị Phật tử địa phƣơng đến lễ bái ngày hôm nay. Thầy kính cẩn niêm hương và hành lễ. Sau nghi lễ, thầy dạy: “Thưa đại chúng, hôm nay ngày mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi, tức là ngày 7 tháng 5 năm 1995, tất cả chúng ta đã có cơ duyên về ngôi chùa Linh Ứng này, thuộc Thủy Sơn ở trong Ngũ Hành Sơn để thực tập chánh niệm. Trước khi đi vào chương trình tu học chánh niệm, thầy công bố nội quy:

1. Ý thức tự giác cao: tự mình làm cho mình có an lạc.
2. Tất cả phải có tinh thần đồng đạo. Mặc dù “mỗi người, mỗi nước, mỗi non, bước vào cửa Phật là con một nhà”. Cho nên phải giúp đỡ, tạo điều kiện tu tập cho nhau.
3. Phải luôn luôn yêu chuộng môi trường sống, không làm điều gì thương tổn, ngay cả cỏ cây, hoa lá và làm thế nào để khi ra đi còn để lại hương thơm!


 
mây trắng hỏi đường qua 1



Sau đó, Thầy giới thiệu về địa thế: “Theo Đại Nam nhất thống chí, thì vị trí của Ngũ Hành Sơn: phía tây là sông cái nước luồn, phía đông của Ngũ Hành Sơn là biển cả mênh mông. Đỉnh cao nhọn và đẹp, trời tạnh nhìn xa sắc như mây gấm... tục gọi là Non Nước. Năm 1837 vua Minh Mạng sắc phong các núi ở Non Nước là Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn bao gồm: Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn và Kim Sơn. Chùa Linh Ứng nằm trong địa phận Thủy Sơn. Đồng thời Thầy lược giảng về nguồn gốc của chùa Linh Ứng tại Thủy Sơn như sau: “Theo truyền thuyết, ngày xưa nơi đây có một bậc Tiên hiền ở làng Khải Đông, đã đến tu học ở động Tăng Chơn, là người đầu tiên khai phá xây dựng nơi này. Rồi theo thời gian chùa thay danh đổi hiệu, đến triều Thành Thái thì từ Ứng Chơn được đổi thành Linh Ứng. Hiện tại thượng tọa Thiện Nguyện đang trú trì ngôi chùa này.

Thầy nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta về đây tu học trong cảnh quang trang nghiêm tráng lệ này, chúng ta không quên công lao của Tổ Đức, cũng như sự đóng góp của bao thế hệ tăng già, cư sĩ và những sự đóng góp ấy không những phản ánh văn hóa xứ Quảng mà còn là di sản văn hóa của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đạo cũng như đời, khi nhìn từng viên ngói, từng viên đá, cỏ hoa, ta sẽ cảm nhận sâu xa, không những chúng ta phải trân trọng truyền thống của Phật giáo Việt Nam nói chung mà Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng nữa”. Sau phần giới thiệu, chúng tôi theo gót chân thầy thiền hành vào động Tăng Chơn để dự buổi Pháp thoại. Thật không biết làm sao để chúng tôi có thể diễn tả hết được cảnh kỳ bí, thiêng liêng và với cái tâm sùng kính trong cảnh thực hư mầu nhiệm này, chúng tôi chỉ biết lắng tâm cảm nhận...

Sau nghi thức thiền lễ, Thầy nói với hội chúng rằng: “Hôm nay chúng ta có pháp thoại về Bông hoa Từ Bi
- Thế nào là Bông hoa Từ Bi?
- Hoa Từ Bi là hoa có khả năng chuyển hóa từ khổ đau đến an lạc, từ trói buộc sang tự tại, từ mù quáng đến trí tuệ, từ thù hận đến thương yêu và từ hệ lụy đến giải thoát. Đó là bông hoa có khả năng chuyển hóa để hướng thượng!

Hoa Từ Bi là đóa hoa mang chất liệu giải thoát, chất liệu hạnh phúc, tươi mát. Và khi đã có hoa Từ Bi thì cũng có hoa không Từ Bi. Hoa không Từ Bi là loại hoa làm nên bởi những chất liệu ganh tỵ, tham lam, giận hờn, mù quáng, khinh mạn, do dự, nhận thức sai lầm bản thân, nhận thức một chiều, hiểu biết một góc cạnh. Hoa không Từ Bi là hoa cố chấp quan điểm sẵn có của mình, hoa tạo nên bởi chất liệu giáo điều, nhận thức sai lầm, không thấy rõ nhân duyên, nhân quả, chấp có, chấp thường, chấp không, chấp đoạn. Bông hoa không Từ Bi hiện hữu giữa đời không có hương thơm, làm cho những người có duyên tiếp xúc với nó sẽ trở nên úa tàn, khô chết! Trái lại Hoa Từ Bi được tạo nên bởi những chất liệu sau:

1. Tình yêu: Tình yêu không vị ngã, không mang chất liệu ngã tính.
2. Tự kiểm soát lấy chính mình: Có khả năng kiểm soát tâm của mình để cho tâm không khởi lên vọng tưởng, điên đảo. Thân và ngữ cũng vậy, không nói những lời nói vô ích, không hành động những hành động điên đảo, vọng tưởng và từ sự kiểm soát đó mà trong đời sống bông hoa Từ Bi phát sinh chất liệu an lạc, tự do, tự tại.
3. Kiên trì và chịu đựng: Bông hoa Từ Bi có khả năng chịu đựng những trở ngại để rèn luyện chất liệu giải thoát. Vì vậy mà ngay trong lò lửa hoa vẫn nở tươi và vẫn tỏa hương thơm.
4. Không biến chất, không giải đãi, không biếng nhác mà tích cực, nhiệt tình: Hoa Từ Bi là bông hoa có khả năng biểu hiện tự tính vô ngã một cách tự nhiên, không bao giờ bị biến chất bởi thời đại; không lúc nào và không ở đâu mà không biểu hiện cái đẹp một cách tự nhiên của mình.
5. Bình tĩnh và thanh thản trước mọi vấn đề xảy ra với chính nó: Có bình tĩnh, nên hoa Từ Bi không bị thác loạn, manh động, điên đảo, vọng tưởng đối với mọi hoàn cảnh. Nhờ có chất liệu thanh thản, nên hoa Từ Bi thanh thản ngay ở nơi bận rộn.
6. Sự sáng suốt: Nhờ có chất liệu sáng suốt, nên hoa Từ Bi có khả năng soi chiếu để thấy rõ sự thật của vạn vật.
7. Biết thích ứng: Hoa Từ Bi biết thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi căn cơ, thời đại để chuyển hóa từ thấp lên cao, từ phàm phu lên Thánh.
8. Thệ nguyện: Không có hoa Từ Bi nào mà không phát khởi thệ nguyện. Đó là thệ nguyện thành Phật, thệ nguyện độ chúng sanh.
9. Năng lực tự tại: Loại hoa bình thường hay bị trói buộc bởi điều kiện, còn hoa Từ Bi không bị trói buộc bởi những gì tạo ra nó.
10. Trí tuệ: Chất liệu thông minh tạo nên bông hoa Từ Bi. Trong mười chất liệu tạo nên hoa Từ Bi, có hai chất liệu nổi bật đó là chất liệu tình yêu và trí tuệ.

- Bằng chất liệu tình yêu, hoa Từ Bi hiện hữu mênh mông, bao la, không hạn chế bởi không gian và thời gian. Hoa Từ Bi hiện hữu bằng trái tim toàn vẹn và tinh khôi của mình.
- Bằng chất liệu trí tuệ, hoa Từ Bi thấy rõ bản chất của mọi sự vật mà không bị hình tướng bất thực của mọi sự vật đánh lừa. Hoa Từ Bi hiện hữu ở đâu cũng là hiện hữu của tình và lý. Trong tình có lý và trong lý có tình. Nếu chỉ hiện hữu một chiều thì rơi vào cực đoan. Hoa Từ Bi làm chỗ nương tựa cho hết thảy chúng sanh và ai có duyên tiếp xúc với những bông hoa đó, thì sẽ có hạnh phúc không những ngày mai mà chính ngay đây và bây giờ.

Trong kinh Pháp Hoa có ghi rằng, lúc Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh Đại thừa tên Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, Ngài nói Kinh đó xong, liền ở trong đại chúng ngồi xếp bàng, nhập vào chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thân và tâm chẳng động. Khi ấy trời mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa từ trên hư không rãi xuống cúng dường đức Phật và hàng đại chúng. Hoa Mạn-đà-la là hoa sen trắng tinh. Hoa Ma-ha Mạn-đà-la là hoa sen trắng tinh vĩ đại trùm khắp mười phương.

Hoa Mạn-thù-sa loại hoa sen đỏ cánh rất mịn. Hoa Ma-ha Mạn-thù-sa là hoa sen đỏ vĩ đại, hương thơm mênh mông, rộng lớn cùng khắp. Và đó là biểu tượng cho bốn hàng Bồ tát: Thập trú, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, đang hành đạo khắp mười phương thế giới đều trở về núi Linh Thứu, dự phần vào Pháp hội Nhất thừa. Hoa Mạn-đà-la là biểu tượng cho hàng Bồ tát đã khơi mở được tri kiến giác ngộ.

Hoa Ma-ha Mạn-đà-la là biểu tượng cho hàng Bồ tát đã hiển thị được Phật tánh, tuệ giác ở ngay nơi chính mình. Hoa Mạn-thù-sa là biểu tượng cho hàng Bồ tát đã chứng ngộ Phật tánh, chứng ngộ tuệ giác ngay ở nơi chính mình và luôn luôn có tâm hạnh mong cầu cho hết thảy chúng sanh đều chứng ngộ tuệ giác, chứng ngộ Phật tánh. Hoa Ma-ha Mạn-thù-sa là biểu tượng cho hàng Bồ tát sắp sửa chứng nhập trọn vẹn tuệ giác và sắp sửa sống trọn vẹn với tuệ giác đó.


 
mây trắng hỏi đường qua 2


Hoa Từ bi là bông hoa tạo nên từ sự tu tập và đó là sự tu tập từ bi và trí tuệ. Sự tu tập ấy có hương thơm theo chiều gió và ngược chiều gió, có hương thơm bay khắp bốn phương, bay khắp mọi thời gian và mọi không gian. Cho nên, chúng ta tu tập nguyện không làm loài hoa thường tình sinh diệt mà chúng ta nguyện làm hoa Từ Bi. Ta nguyện sống một ngày trong chánh niệm, kiểm soát lại tâm hồn, lời nói, cách sống để xem chúng ta có bao nhiêu chất liệu của hoa Từ Bi, nếu đã có thì chúng ta giữ gìn, nuôi dưỡng, làm tăng trưởng thêm lên và chúng ta soát xét lại chúng ta có những gì không phải là bông hoa Từ Bi, thì chúng ta sẽ gạn lọc, lựa chọn, để chuyển hóa thành chất liệu của bông hoa Từ Bi và làm cho hương thơm tỏa bay khắp mười phương”.

Sau bài Pháp thoại Thầy dạy: Mỗi một thiền sinh tự chọn chỗ ngồi để thực tập chánh niệm. Chúng tôi thực tập thiền tọa một góc động chênh chênh dưới chân Phật, tại động Tăng Chơn. Chúng tôi nhìn lên và chiêm ngưỡng Ngài và cảm nhận sự từ bi vô hạn, sự tự tại vô cùng với nụ cười bao dung, thanh thản. Rồi chúng tôi soát xét lại tâm tư như những lời Thầy chỉ dạy trong bài pháp thoại. Và trong niềm Pháp lạc, chúng tôi bộc khởi mãnh liệt những chất liệu của bông hoa cao quý, và giây phút này tự gạn lọc, đào thải những chất liệu của loài hoa luân lưu sinh diệt.

Bài Pháp thoại với chúng tôi là sự chuyển hóa mầu nhiệm, là sức sống trao truyền và là mục đích tu tập trong cuộc đời chúng tôi. Đó là bản chất của Đạo, của giác ngộ, giải thoát ngay đây, bây giờ và sẽ mãi mãi mai sau. Chúng tôi như được bảo bọc bởi suối nguồn tươi mát cho đến khi nghe tiếng lắc linh báo hiệu xả thiền. Chúng tôi chánh niệm đứng dậy, đến ngay tượng Phật và đảnh lễ Tam Bảo ba lạy, tưởng niệm đến các bậc phạm hạnh, Tổ đức đã dày công tạo dựng nơi đây và biết đâu với bản nguyện, các Ngài vẫn còn tiếp tục có mặt nơi đây! Đồng thời, chúng tôi chí thành tri ân những bậc đã trao truyền Giáo pháp, khai mở cách nhìn, cách suy tư, cách sống cho chúng tôi. Và rồi chúng tôi thiền hành lên hang gió, đường tuy dốc đứng, chúng tôi gặp những tượng Phật, vị thì thiền tọa ở hang động này, vị thì tự tại ở góc động kia, chính nhờ thế mà chúng tôi thư thái leo lên gần khoảng không, có vòm trời xanh, có thể nhìn thấy mây bay về nơi không trú ngụ. Sau đó đoàn chúng tôi tuần tự thiền hành trở lại phương trượng.

Bữa ăn trưa bắt đầu đúng 12 giờ, những khoanh cơm bới trắng tinh, xôi đậu xanh mềm dẻo, bánh mì... các món ăn cao cấp như: canh kim châm nấu nấm tươi và đậu ngự, mì căng xào chua ngọt với thơm và nấm, măng non kho khuôn đậu, mướp đắng kho rim, bắp giả ram dòn, muối sả đậu phụng đậm đà, tương chao xì dầu cay cay mặn miệng... đó những hương vị hấp dẫn của thiền môn, và cũng không quên món ăn tươi mát là xà lách dắp cá, dưa gang trộn gỏi. Ở đây, cũng không thiếu các thứ bánh lọc bọc cà rốt nấm mèo, bánh chưng Nhật Lệ, bánh ngọt Trung Quốc, thật trăm hoa đua nở, mỗi người mỗi tay nữ công gia chánh đã tạo nên một thực đơn dồi dào hấp dẫn của bữa ăn “thiền duyệt thực” để tiếp sức cho phần tham quan leo nhiều dốc núi và thiền đàm tại đèo Hải Vân.

Trong khi ăn, mọi người đã ăn trong không khí tươi vui, thong thả tự nhiên và đạo vị. Tội nghiệp, có mấy em thuộc địa điểm Tây Lộc đi trễ xe, phải về trạm An Cựu mua vé và tiếp tục cuộc hành trình, nên chi các em ăn trễ, tuy thế thức ăn cho các em cũng đầy đủ. Sau bữa ăn, mấy chị em chúng tôi cùng nhau xếp dọn đồ đạc, gom góp gọn gàng, quét sạch trong ngoài và cùng các em Phật tử tại chùa giải quyết những đống lá bánh, bao, bì, vỏ cam, vỏ quýt... và hoàn trả những đồ dùng của chùa, các em rất nhiệt tình hoan hỷ, chúng tôi không quên ngỏ lời cảm ơn!... Sau đó chúng tôi tuần tự đi tham quan. Vì thời gian có hạn, nên chúng tôi không ngắm kỹ, chỉ lướt qua hồ, cá đỏ bơi lội tung tăng, cá ở đây cũng rất hạnh phúc! Chúng tôi leo lên nhiều bậc thang đá, hoa Sứ nở rộ tỏa mùi thơm dễ chịu, tôi tưởng chừng như đâu đây hương hoa tỏa xuống tự mây trời! Đến đâu chúng tôi cũng chiêm ngưỡng tượng Phật. Với sự mầu nhiệm của tạo hóa, phối hợp với trí óc siêu phàm đạo vị của con người đã tạo nên những thắng tích kỳ bí. Tôi quanh quẩn ở tượng Phật Bổn Sư ngoài trời, đang được quý Phật tử chuẩn bị thiết lập lễ đài cho ngày Phật đản sắp tới, tâm tư tôi xin được phép dùng lời thơ của một thiền sư để ca ngợi:

Đường xưa còn một lối
Ngôn ngữ vượt qua rồi
Ôi, đất trời mầu nhiệm
Còn chăng một nụ cười!


 
mây trắng hỏi đường qua 3



Dù thời gian hạn định, chúng tôi cũng đã đi các động xa hơn, huyền bí và thần thoại như động Huyền không, Linh Nham, và Hoa Nghiêm ... Vào 1 giờ 45 phút, đoàn chúng tôi được Thầy chỉ thị chuẩn bị rời Non Nước. Sau khi Thầy từ giã quý vị điều hành ở chùa, chúng tôi với hành trang gọn nhẹ trên vai, trang nghiêm vái lạy giữa đất trời và cùng nhau thong thả xuống núi trầm lắng và trật tự như khi lên Non vậy. Hai bên đường dốc đá, khách thập phương và du khách nước ngoài với nhiều màu sắc, nét mặt tươi cười, có lẽ tất cả đều hân hoan ngưỡng mộ, mặc dù đường dốc và nắng. Chúng tôi có thỉnh một tượng Phật lưu niệm, du khách và bạn bè chúng tôi đã làm hạnh bố thí, san sẻ với những kẻ bất hạnh niềm vui nho nhỏ nói lên sự ưu ái của tình người! Hai giờ, đoàn xe rời Non Nước, xe chạy đến đường Bà mẹ Anh hùng và chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt vùng Quảng Nam Đà Nẵng.

Đến Hòa Khánh khoảng 2 giờ 30 phút, Thầy trò chúng tôi ghé lại chùa Quang Minh. Đoàn chúng tôi lên điện Phật, chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường phước sương và xuống sân chùa ngắm hoa. Ở đây, có giàn hoa leo màu xanh ngát dịu dàng, nhu nhuyễn và có một loại hoa rất lạ đối với tôi, thân và lá màu túy lục, hoa trắng ngà tinh khiết e ấp nụ hoa, có lẽ thuộc dòng họ hoa lan. Hỏi ra, tên hoa là Quan Âm. Bông hoa thì xa lạ, nhưng tên hoa thân thương không biết tự bao giờ!

Đến chùa nào cũng để lại trong tâm tư chúng tôi những niềm vui nhẹ nhàng, thanh thản. Và hôm nay, đặc biệt quý sư bà, sư cô ở đây đã ưu ái đến thầy trò chúng tôi và sau cùng, thầy trò chúng tôi đã mang tặng phẩm theo xe về Huế. Đoàn chúng tôi rất cảm động và nhủ thầm khi nào hội đủ nhân duyên sẽ trở lại. Và đây là chuyến về đặc biệt, thầy trò chúng tôi mang quà đường xa về cho quý vị ở Huế thọ dụng, có thể là hôm nay có các em Phật tử làm lồng đèn Phật đản, có thể là các chú, các điệu... dùng. Chắc là khi ăn, ai cũng tươi cười cảm động trước sự ân cần “của chẳng bao nhiêu đồng mà công khó quý sư cô mấy lượng!

Ba giờ, thầy trò chúng tôi kiếu từ. Xe chuyển bánh trực chỉ Hải Vân lâm. Chẳng mấy chốc, đoàn xe đã lên đèo và dừng lại sát đồi thông, đoàn thực tập thiền đàm tại đây. Sau nghi thức thiền đàm, thầy dạy: “Khi những thiền sinh trả lời công án, thì các thiền sinh khác lắng nghe và tập giữ tâm bình thản, vô phân biệt, không thiên kiến, mọi người tự do phát biểu theo ý của mình trong thiền vị, và buổi thiền đàm bắt đầu bằng công án: “Trong cuộc sống của bạn, cái gì làm chủ?”.

Trước tiên là một thiền sinh nữ đáp án: “Theo kinh Pháp Cú là do “Tâm làm chủ”, tâm tạo tác, nếu với tâm nhiễm ô, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như bánh xe lăn theo chân vật kéo!” và tuần tự các thiền sinh khác cũng phát biểu tương tự, hàm ý cũng không ra ngoài “Tâm làm chủ”. Chúng tôi suy tư về bức tranh “Thập mục ngưu đồ”, thường treo trong nhà thiền và rồi cũng chập chững bắt chước, tập trả lời theo ngôn ngữ ngắn gọn. Cũng có nam thiền sinh trả lời rằng, bằng những động tác nói lên sự suy tư của tâm, chúng tôi không ghi lại sự suy luận vì mấy ai đoán được tâm ai, ví phỏng cuộc đời này có mấy ai là Bá Nha và Chung Tử Kỳ?! Nếu không khéo, mình đem cái tâm chúng sanh của mình mà suy diễn là vô tình đặt vào cái tâm siêu phàm bạt tục của kẻ khác, thì sẽ rơi vào quan điểm vọng tưởng.


 
mây trắng hỏi đường qua 4



Và sau đó, có một vị tăng sinh trả lời tương tự như sự phát biểu của một thiền sinh lão thành đã thọ Bồ tát Giới. Theo đáp án của vị tăng sinh, thì: Chánh niệm tĩnh thức làm chủ trong đời sống của chúng ta”. Quả thật, như tấm gương phản chiếu, người chân chánh, hiền hòa, thì chỉ suy tư điều chánh và tĩnh thức chánh niệm làm chủ. Còn với cái tâm chúng sanh chay của chúng tôi đây chưa thuần thục, khi thì thiện, lúc thì ác, khi thì phàm, lúc thì thánh sai khiến, điều hành, cho nên, còn đứng xa ngoài ngõ thiền môn! Âu đó cũng là Pháp nhĩ như thị! Vậy, chúng tôi cần phải có sự suy tư, phải cố gắng tu tập mỗi ngày, mỗi chuyển hóa để có đôi chút chất liệu của bông hoa Từ Bi.

Hội chúng đã thiền ca và thiền đàm trong niềm vui an tịnh giữa đồi thông xanh mát và gió biển rì rào... Im lặng trong giây lát và Thầy hỏi nhỏ: Mấy giờ ...? Bây giờ, Thầy bắt đầu đứng dậy, chắp tay ngang ngực. Chúng tôi chỉnh đốn tư thế ngồi cùng chắp tay ngang ngực, lắng nhìn từng bước chân đi... Thầy đi từng bước thiền hành qua mặt tất cả học chúng, gót chân là tụ điểm của bàn chân. Thầy đi tiếp đến chỗ đặt bình hoa, nhẹ nhàng bưng bình hoa lên ngang ngực, nét mặt hiền hòa nhìn rõ bông hoa và xoay chiều hoa vào trước ngực, rồi đi về chỗ ngồi. Thầy khoan thai đặt bình hoa trước mặt, nhìn tất cả hội chúng và nói với âm thanh rõ ràng, trong sáng: “Tâm thiện là chủ của cõi Thánh. Tâm ác là chủ của cõi chúng sanh. Thiện và ác là hai mặt của Tâm. Nhưng tâm không có hình tướng, không có màu sắc, thì chúng ta diễn đạt về tâm chẳng qua chỉ là ngôn ngữ giả định mà thôi. Tâm phải là tâm kia mà, chứ đâu phải là ngôn ngữ!

Bạn cứ bước đi, những ớc chân có ý thức chánh niệm, thảnh thơi, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm tự giác, thì bạn là chủ của bạn, nếu bạn sống vội vã, bồn chồn, thì bạn đã bán đứng bạn cho chúng sanh, cho vọng tưởng. Nếu đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng trong chánh niệm, thì bạn sẽ có hạnh phúc. Tâm là một dòng sông chảy liên lỉ. Tâm phải là ông chủ kia mà! Chứ không phải ông chủ mang ý nghĩa ông chủ ước lệ! Theo kinh Hoa Nghiêm, tất cả đều tác động bởi tâm, nên khổ đau hay an lạc đều do tâm tác động. Giờ đây, chúng ta ngồi giữa núi rừng và cảm nhận sự an lạc, trong khi bao nhiêu người cũng ở giữa núi rừng mà nào có thấy an lạc gì đâu? Cho nên, an lạc là phải sống thực để thấy rõ từ nơi tâm, chứ không phải do cảnh. Vậy tâm làm chủ, tâm tạo tác, tâm dẫn đến hành động”.

Thầy cũng đã ngỏ lời nhắc nhủ: “Quí vị đã đáp án mỗi người mỗi vẻ, phản ảnh tự tâm của mình, tuy nhiên không nên tự cho mình đúng hoặc nghĩ rằng mình sai mà chỉ nên suy tư trong chánh niệm”. Thầy dứt lời, tất cả hội chúng đều đứng dậy, chắp tay ngang ngực, Thầy nói tiếp: “Giờ đây chúng ta thành kính tưởng niệm và vô cùng biết ơn đối với Tam Bảo, các vị Sơn thần, Thổ thần, Long thần, Lâm thần... các vị hiện có mặt hoặc ẩn khuất, xin quý vị hãy ghi nhận tấm lòng tri ân sâu sắc của Thầy trò chúng tôi trong buổi tụ tập này, nếu có điều thiện nào, thì xin hồi hướng đến quý vị để ông chủ ác trở về với ông chủ thiện và nếu có điều gì không vui, xin quý vị vui lòng chuyển hóa để trở thành bông hoa Từ Bi bất tử “. Hội chúng cùng Thầy tụng bài hồi hướng:

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

Âm thanh của lời kinh hồi hướng tỏa rộng đến vô cùng! Trời đã về chiều, chúng tôi tuần tự xuống đồi thông và đoàn xe chuyển bánh, ngoài khơi biển xanh mênh mông sóng lặng hiền hòa! Xe đến ngang đèo, mây bay lờ lững quyện cùng với núi đá, chúng tôi bỗng cảm nhận: Sương khói chiều nay trên đỉnh đèo, đường về theo nhịp bước chân ai, in trên núi biếc gầy thân hạc ... và những vần thơ trong tập “Sương đọng ven trời”:

“...Đi không lưu một dấu hài
Ngày về cũng vượt ra ngoài có không...”

Phải chăng, những bước chân “từ thiên hà xa xôi trở về trái đất” hay những bước chân chừ đi trong cõi phù trần đều đến như mây bay và đi như gió thoảng, mà đường mây thì mênh mông không lộ và gió kia đang trú ngụ nơi nào, tùy duyên mà tụ tán, tùy duyên mà đem sự tươi mát, an lạc đến, đi giữa dòng đời với tâm vô điểm trú. Xe về đến Huế, thành phố đã lên đèn. Đường tuy xa mà tất cả hầu như không thấy mệt, thật an toàn, hạnh phúc. Chúng tôi nhìn hai vị quay phim và nhiếp ảnh như hứa hẹn ngày Phật đản, lúc 3 giờ tại chùa Phước Duyên (như lời Thầy dặn) để được xem những hình ảnh ghi lại đẹp và đầy đủ ý nghĩa về ngày thực tập chánh niệm.

Đoàn xe và tất cả học chúng đã về đầy đủ tại tụ điểm 56 Lê Lợi, trước khi trả học chúng về các địa điểm Tây Lộc - Thành Nội. Chúng tôi chia tay nhau bằng nụ cười tươi vui thân quí và trong tự tâm tôi khởi niệm danh hiệu đức Bồ tát Quán Thế Âm. Chúng tôi thiết nghĩ, máy quay phim và máy ảnh cũng như tâm quí vị là những phóng viên bén nhạy linh động và kinh nghiệm, chắc chắn ghi nhận chính xác và đầy đủ nhiều. Riêng chúng tôi, cũng xin được góp nhặt ghi lại một cách tương đối và còn nhiều khiếm khuyết để được cùng quí vị nói lên cuộc hành trình tu tập chánh niệm đường xa, mong sao quí vị ở nhà có thể hình dung cảm nhận đôi nét sinh hoạt trong ngày tu học mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1995), tại Non Nước, Đà Nẵng.

Quả thật “đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó lòng người ngại núi e sông”, và một khi với những tâm hồn hiền thiện làm chủ, trong sự quyết tâm tu học như ngày hôm nay, thì cho dù “Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua!” Huống chi, chừ đây đã rõ kiếp người trong từng hơi thở mong manh và nhìn lại thân tâm, nào ta đã có chút gì đâu gọi là hành trang mang theo trong cuộc hành trình dài đăng đẳng, để mong có cơ duyên thoát ly sinh tử luân hồi.
Học trò Nhuận Thiều Nguyên kính ghi



 
mây trắng hỏi đường qua 5



MỤC LỤC
HOA TỪ BI.........................................................................................................................3
VU LAN..............................................................................................................................29
BỐN PHÉP LẠ CỦA Ý..........................................................................................................60
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI HỌC TRÒ THÔNG MINH VÀ HỌC GIỎI................70
HẠNH LẮNG NGHE............................................................................................................74
NHỮNG ĐÓA HOA TUYỆT VỜI..........................................................................................80
NGƯỜI VỀ TỪ ĐỈNH NÚI...................................................................................................86
KHÉO SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN........................................................................................98
NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ........................................................................................................144
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ HUẾ.........................................................169
BẦU TRỜI VẪN XANH TRONG ...........................................................................................214
PHẬT GIÁO HUẾ VÀ AM TRANH GIỮA LƯNG ĐỒI.............................................................245
GẬY THIỀN DỰNG NƯỚC NON.........................................................................................265




 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây