Mở Đề:
Bộ Kinh Hoa Nghiêm này còn gọi là Kinh Pháp Giới, cũng gọi là Kinh Hư Không, tận hư không khắp pháp giới, chẳng có một nơi nào mà chẳng có Kinh Hoa Nghiêm ở đó. Chỗ ở của Kinh Hoa Nghiêm tức cũng là chỗ ở của Phật, cũng là chỗ ở của Pháp, cũng là chỗ ở của Hiền Thánh Tăng. Cho nên khi Phật vừa mới thành chánh giác, thì nói bộ Kinh Hoa Nghiêm này, để giáo hóa tất cả pháp thân Đại Sĩ. Vì bộ Kinh này là Kinh vi diệu không thể nghĩ bàn, do đó bộ Kinh này được bảo tồn ở dưới Long cung, do Long Vương bảo hộ giữ gìn. Về sau do Ngài Bồ Tát Long Thọ, xuống dưới Long cung đọc thuộc lòng và ghi nhớ bộ Kinh này, sau đó lưu truyền trên thế gian. Bộ Kinh Hoa Nghiêm này, cũng như vầng mây cát tường ở trong hư không, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, như mưa pháp cam lồ, thấm nhuần hết thảy tất cả chúng sinh. Bộ Kinh Hoa Nghiêm này, cũng như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp đại thiên thế giới, khiến cho tất cả chúng sinh đều được ấm áp. Kinh Hoa Nghiêm này cũng như đại địa, làm sinh trưởng tất cả vạn vật. Cho nên, có Kinh Hoa Nghiêm tồn tại, thì có thể nói là thời kỳ chánh pháp trụ lâu dài. Mỗi ngày chúng ta giảng giải Kinh Hoa Nghiêm, nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, quan trọng là phải y chiếu nghĩa lý Kinh điển mà tu hành, phải dùng Kinh để đối trị bệnh tật của thân tâm chúng ta. Tự thân chúng ta có tâm tham, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm tham; có tâm sân, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm sân; có tâm ngu si, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm ngu si.
Đạo lý của bộ Kinh này, là đối trị tập khí mao bệnh của chúng ta. Đừng cho rằng những gì nói trong Kinh, chỉ vì Bồ Tát mà nói, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, hoặc là pháp nói cho các bậc A La Hán, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, chúng ta phàm phu nghe bộ Kinh này chỉ là nghe thôi, tự biết làm không được cảnh giới của các bậc Thánh nhân. Nếu bạn nghĩ như thế thì, đó là tự hại mình, tự vứt đi, tự dứt tuyệt nơi Thánh nhân. Mỗi câu Kinh Hoa Nghiêm đều là Pháp Bảo vô thượng, nếu chúng ta cung hành thực tiễn, y chiếu nghĩa lý Kinh văn tu hành, thì nhất định sẽ thành Phật. Cho nên, Kinh Hoa Nghiêm cũng có thể nói là mẹ của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm là pháp thân của chư Phật. Đức Phật tán thán Kinh Kim Cang rằng: “Phàm là chỗ nào có Kinh điển thì chỗ đó có Phật”. Chỗ nào có bộ Kinh Hoa Nghiêm này thì có Phật tại chỗ đó, bất quá nghiệp chướng của bạn quá sâu nặng, đối diện mà chẳng thấy Phật, do đó có câu: “Đối diện bất thức Quán Thế Âm” (đối diện chẳng nhận ra Bồ Tát Quán Thế Âm). Các bạn thấy vị Bồ Tát Quán Thế Âm này, ngàn tay ngàn mắt, luôn luôn phóng ra quang minh vô ngại, chiếu khắp tất cả chúng sinh có duyên trong ba ngàn đại thiên thế giới. Thế mà chúng ta hằng ngày lễ Phật tại đây, niệm Phật, lạy Bồ Tát Quán Âm, niệm Bồ Tát Quán Âm, cũng chẳng thấy Bồ Tát Quán Âm, mà thành ra bắt chước, tức là họ lạy, ta cũng lạy theo, họ niệm ta cũng niệm theo, đó là cảnh giới chuyển theo người, mà chẳng chân chánh trở về trong thâm tâm của mình.
Hằng ngày ta lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, ta nên làm như thế nào? Phải chăng ta có nhiều sân hận? Phải chăng chứng tật cũ ta không sửa đổi? Như thế thì bạn lạy đến hết thuở vị lai, bạn cũng chẳng thấy được Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu bạn cải ác hướng thiện, chân chánh trừ khử tập khí mao bệnh, sửa lỗi làm con người mới, thì nhất định Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ gia bị cho bạn. Cho nên có người tu rất nhiều năm, một chút trí huệ cũng không khai mở, có người tu hành chẳng bao lâu thì khai mở trí huệ, đắc được biện tài vô ngại. Do đó, chúng ta là người xuất gia, phải siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, cử chỉ hành động đều phải hồi quang phản chiếu, tu hành như thế mới có tiến bộ. Chúng ta giảng Kinh Hoa Nghiêm, nghe Kinh Hoa Nghiêm, lạy Kinh Hoa Nghiêm, tụng Kinh Hoa Nghiêm, nhưng không y chiếu đạo lý Kinh Hoa Nghiêm mà thực hành thì Kinh là Kinh, bạn là bạn, ta là ta, chẳng có chút nào hợp mà làm một. Chúng ta phải hợp với Kinh điển mà làm một, chiếu theo đạo lý trong Kinh điển mà thực hành, tức là hợp mà làm một; bạn không chiếu theo Kinh điển mà thực hành thì tâm từ bi cũng chẳng đủ, tâm hỷ xả cũng không nhiều, chỉ có vô minh phiền não theo mình, đó là chẳng hiểu được Kinh, cũng chẳng nghe được Kinh. Nghe được Kinh câu nào thì nghĩ xem: ta làm thế nào để thực hành? Phải chăng ta chạy theo thói hư tật xấu? Hay là chiếu theo Kinh điển mà tu hành? Thường thường tự hỏi mình thì chắc chắn sẽ đắc được lợi ích.
Tại sao chẳng đắc được lợi ích lớn? Vì bạn xem Kinh là Kinh, đối với ta chẳng có quan hệ gì. Thật ra, lúc ban đầu đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm cũng vì bạn, tôi và tất cả chúng sinh mà nói, đó là Phật đối với chúng ta mà nói. Chúng ta nghe Kinh văn này, cũng như chính tai chúng ta nghe đức Phật nói đạo lý này, dạy chúng ta y chiếu theo pháp môn này mà tu hành. Bất cứ pháp gì, cũng đều không ra khỏi tự tánh của mỗi chúng ta. Tự tánh của chúng ta, cũng là tận hư không khắp pháp giới. Cho nên, nếu bạn phóng tâm lượng rộng lớn, thì bạn sẽ hợp với Kinh Hoa Nghiêm mà làm một, song, hai mà chẳng phải hai. Ai ai cũng đều y theo cảnh giới Hoa Nghiêm làm cảnh giới của mình, lấy đạo lý vô lượng vô biên, trí huệ vô lượng vô biên của Kinh Hoa Nghiêm, thu nhiếp làm trí huệ của mình. Bạn xem! Như vậy rộng lớn biết dường nào! Dẫn Nhập
Bộ Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật này, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cội bồ đề, vừa mới thành chánh giác, không rời khỏi tòa ngồi mà ở trong định đến bảy nơi (ba nơi tại nhân gian, bốn nơi ở tại Thiên cung), vì các bậc đại thiện căn viên đốn, mà nói tự thân chứng được pháp môn viên đôn, đi thẳng vào đạo lý pháp giới, trải qua chín hội trong vòng hai mươi mốt ngày, thì nói xong bộ Kinh không thể nghĩ bàn này. Bộ kinh này gồm có 45 phẩm Kinh văn, nhưng chỉ dịch ra được 39 phẩm, gồm 80 quyển. Trong mỗi hội Đức Phật đều phóng quang, đại biểu nói Hoa Nghiêm pháp lớn. Quang minh là biểu thị cho trí huệ, gia bị cho tất cả chúng sinh, đều đắc được lợi ích Phật Pháp. Bộ Kinh Hoa Nghiêm này từ đầu cho đến cuối, đều nói đạo lý năm vòng nhân quả.
Hội thứ nhất thì nói về “tin nhân quả”.
Từ hội thứ hai đến hội thứ sau thì nói về “sai biệt nhân quả”.
Hội thứ bảy thì nói “bình đẳng nhân quả”.
Hội thứ tám thì nói “thành hạnh nhân quả”.
Hội thứ chín thì nói “chứng nhập nhân quả”.
Ngài Thanh Lương Quốc Sư đem hết toàn bộ Kinh 80 quyển phân làm bốn phần. Hội thứ nhất có 11 quyển là: Cử quả hoan lạc sinh tín phần. Từ hội thứ hai đến hội thứ bảy cộng lại có 41 quyển là: Tu nhân khế quả sinh giải phần. Hội thứ tám có 7 quyển là: Thác pháp tiến tu thành hạnh phần. Hội thứ chín có 21 quyển là: Y nhân chứng nhập thành đức phần. Hội thứ nhất tại Bồ Đề Đạo Tràng, vị trí ở hướng tây cách thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đà khoảng hai trăm dặm, nay tức là Bodh Gaya. Hội này Đức Phật phóng quang minh giữa lông mày, biểu thị quang minh của Phật chiếu khắp hết thảy mọi nơi, khiến cho tất cả chúng sinh đến nghe pháp lớn. Lại phóng quang minh ở răng, biểu thị khiến cho chúng sinh nếm được pháp vị. Bộ Kinh này là mười phương chư Phật đều nói, cho nên trong các hội, phần nhiều là mười phương chư Phật gia bị cho Bồ Tát nói. Hội này là mgười phương chư Phật gia trì cho Bồ Tát Phổ Hiền nói, Bồ Tát Phổ Hiền làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Đức Phật mà nói: y, chánh hai báo trang nghiêm Phật quả, phát triệt tâm tín ngưỡng của chúng sinh. Hội này nói sáu phẩm: - Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm.
- Phẩm Như Lai Hiện Tướng.
- Phẩm Phổ Hiền Tam Muội.
- Phẩm Thế Giới Thành Tựu.
- Phẩm Thế Giới Hoa Tạng.
- Phẩm Tỳ Lô Giá Na.
Sáu phẩm này là vòng tin nhân quả, là “quả cử hoan lạc sinh tín phần”. Hội thứ nhì ở tại Điện Phổ Quang Minh. Hội này ở phía đông nam cây bồ đề, khoảng ba dặm trong khúc eo sông Ni Liên Thiền, là do các Long Vương vì Đức Phật mà tạo nên. Đức Phật phóng quang chiếu khắp mười phương vô biên thế giới, nên tên là Điện Phổ Quang Minh. Trong hội này Đức Phật phóng quang dưới hai bàn chân, biểu thị khiến cho chúng sinh y pháp tu hành. Hội này Bồ Tát Văn Thù làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Đức Phật, Mà nói đạo lý pháp môn Thập Tín mỹ đức, hội này nói sáu phẩm: - Phẩm Danh Hiệu Như Lai.
- Phẩm Bốn Thánh Đế.
- Phẩm Quang Minh Giác.
- Phẩm Bồ Tát Vấn Minh.
- Phẩm Tịnh Hạnh.
- Phẩm hiền thủ.
Sáu phẩm này là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”. Trên đây là mười hai phẩm diệu pháp nói ở tại nhân gian. Hội Thứ Ba ở tại Điện Diệu Thắng trên cung trời Đao Lợi. Hội này ở đỉnh núi Tu Di, là “địa cư thiên”, tức cũng là tầng trời thứ hai của dục giới. Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm là pháp thân nói, pháp thân thì tận hư không khắp pháp giới, vô tại vô bất tại, vô sở bất tại (không có chỗ nào mà không có). Cho nên, có thể đến bất cứ nơi nào giảng Kinh thuyết pháp. Trong hội này Đức Phật phóng quang ở ngón chân, biểu thị pháp là từ chỗ thấp mà sinh ra, khiến cho chúng sinh từ cơ bản mà học lên. Hội này Bồ Tát Pháp Huệ làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói đạo lý Thập Trụ. Hội này cũng nói sáu phẩm: - Phẩm Thăng Lên Đỉnh Tu Di.
- Phẩm Kệ Tán Tu Di.
- Phẩm Thập Trụ.
- Phẩm Phạm Hạnh.
- Phẩm Công Đức Ban Đầu Phát Tâm.
- Phẩm Minh Pháp.
Sáu phẩm này cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ tư ở tại Điện Bảo Trang Nghiêm, cung trời Dạ Ma. Hội này ở trên không đỉnh núi Tu Di, là “không cư thiên” (cõi trời ở trên không), tức cũng là tầng trời thứ ba của dục giới. Trong hội này Đức Phật phóng quang ở mu hai bàn chân, biểu thị pháp là từ dưới mà lên, khiến cho chúng sinh y theo thứ lớp mà học lên. Hội này Bồ Tát Công Đức Lâm làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Phật mà nói đạo lý pháp môn Thập Hạnh. Hội này nói bốn phẩm:
- Phẩm Thăng Lên Trời Dạ Ma.
- Phẩm Kệ Tán Dạ Ma.
- Phẩm Thập Hạnh.
- Phẩm Thập Vô Tận Tạng.
Bốn phẩm này cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”.
Hội thứ năm ở tại Điện Nhất Thiết Diệu Bảo Trang Nghiêm, cung trời Đâu Suất. Hội này ở phía trên trời Dạ Ma, tức cũng là tầng trời thứ tư của dục giới. Trong hội này Đức Phật phóng quang hai đầu gối, biểu thị hồi hướng, khiến cho chúng sinh: hồi sự hướng lý, hồi nhân hướng quả, hồi tự hướng tha. Hội này Bồ Tát Kim Cang Tràng làm chủ đại hội, Ngài nương thần lực của Đức Phật mà nói đạo lý pháp môn Thập Hồi Hướng. Hội này nói ba phẩm:
- Phẩm Thăng Lên Trời Đâu Suất.
- Phẩm Kệ Tán Đâu Suất.
- Phẩm Thập Hồi Hướng.
Ba phẩm này cũng là vòng sai biệt nhân quả, là “tu nhân khế quả sinh giải phần”…