Câu Hỏi
Tôi là Phật tử, tìm hiểu Phật pháp tôi biết rằng cuộc sống của con người do luật Nhân quả chi phối. Vừa rồi cô tôi mất (cô tôi ít đi chùa nhưng hiền lành, thỉnh thoảng có niệm Phật với hình thức là chính, tâm không mấy chuyển hóa), chị tôi có mời một nhóm hộ niệm đến niệm Phật cho cô. Sau khoảng 8 giờ niệm Phật, họ kiểm tra người cô, nói cô nóng trên đầu và khẳng định đã tái sinh về Tây phương. Chị tôi rất tin tưởng nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người cả đời không có tin sâu vào Phật pháp, khi sống không có phát nguyện về cảnh giới Cực lạc, chỉ nhờ người niệm Phật trong mấy tiếng đồng hồ mà được vãng sinh, như vậy có trái với luật Nhân quả?
Trả lời
Đúng như bạn đã nhận thức, vạn sự vạn vật nói chung đều vận động theo sự chi phối của luật Nhân quả, chính xác là Nhân-duyên-quả. Nhân-duyên-quả là quá trình tương tác, vận động khách quan của vạn pháp. Các đấng thần linh không thể can thiệp vào tiến trình này. Ngay cả Đức Phật, với tuệ giác vô thượng đã phát hiện ra quy luật nhân quả nhưng cũng chỉ dạy rõ về tiến trình ấy để mỗi người tự quyết định nhân quả thiện ác cho mình mà Ngài cũng không thể chi phối hay can thiệp vào.
Với con người, quy luật Nhân-duyên-quả vận động và hình thành nên đời sống của một cá nhân gọi đủ là Nhân quả-Nghiệp báo. Tạo nghiệp nhân tốt ắt sẽ được nghiệp quả lành. Ngược lại, gieo nghiệp nhân xấu ắt sẽ gặt quả báo ác. Một người sống hiền lành, thỉnh thoảng có đi chùa, niệm Phật, khi chết được hộ niệm thì vấn đề thành tựu “Đới nghiệp vãng sinh” vẫn có thể xảy ra. Vấn đề này, nếu hiểu rõ về các phương diện của Nghiệp thì cũng không có gì trái với Nhân quả.
Trước hết, không ai có thể biết rõ về Nghiệp, trừ các bậc Thánh A-la-hán, Bồ-tát và Phật. Nhất là Túc nghiệp, tức những nghiệp đã gây tạo từ đời trước và Cận tử nghiệp, những nghiệp tạo ra lúc sắp lâm chung. Một người bình thường, hiện đời không tạo nghiệp ác cực trọng tuy nhiên cũng không tu tập gì nhiều, nhưng lúc lâm chung với sự hỗ trợ của Túc nghiệp và Cận tử nghiệp thiện lành (nhờ hộ niệm nên duy trì niệm Phật trong tâm) thì có thể sinh vào cảnh giới tốt đẹp hay thành tựu “Đới nghiệp vãng sinh”. Tất cả những diễn tiến này đều phù hợp với quy luật Nhân quả.
Vấn đề cần nói rõ ở đây là không phải ai được hộ niệm thì cũng đều thành tựu vãng sinh, nhất là những người chưa gieo trồng nhiều nhân lành với Tam bảo. Mặt khác, việc xem xét điểm nóng ấm sau cùng tại 6 vị trí nơi thân của người chết để đoán định cảnh giới tái sinh, thiết nghĩ cũng nên cẩn trọng.
Bởi lẽ, theo kinh luận Phật giáo Nam truyền, để biết một người chết sinh về đâu, chỉ có tuệ giác Thiên nhãn minh của các bậc Thánh A-la-hán và Phật mới rõ được. Kinh luận Phật giáo Bắc truyền có nói đến 6 điểm nóng trên thân thể người chết tương ứng với 6 cảnh giới tái sinh. Cụ thể:
1-Nóng sau cùng ở đỉnh đầu, sinh về cõi Thánh.
2-Nóng sau cùng ở vùng trán (mắt), sinh vào cõi trời.
3-Nóng sau cùng ở ngực, sinh vào cõi người.
4-Nóng sau cùng ở bụng, sinh vào ngạ quỷ.
5-Nóng sau cùng ở đầu gối, sinh vào súc sanh.
6-Nóng sau cùng ở lòng bàn chân, sinh vào địa ngục. (Đảnh Thánh, nhãn thiên sanh/Nhân tâm, ngạ quỷ phúc/Súc sanh tất cái ly/Địa ngục cước phản xuất).
Khởi nguyên cho quan điểm này có thể thấy từ luận Câu-xá, kế đến là luận Du-già sư địa do ngài Huyền Trang (đời Đường) dịch ra chữ Hán. Ngài Đạo Thế (đời Đường), biên soạn Pháp uyển châu lâm có đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, khuyến cáo của Đại sư Ấn Quang (1862-1940), Tổ sư thứ 13 của Tịnh Độ tông, thiết nghĩ rất cần thiết: “Những thuyết Đảnh thánh, nhãn thiên sanh quả thật có chứng cứ, nhưng Quang sợ kẻ vô tri chỉ chăm chú thăm dò chỗ nóng - lạnh, ý tôi cho rằng: Hễ có Tín Nguyện và lúc lâm chung Chánh niệm phân minh bèn được vãng sanh, chẳng cần phải chuyên thăm dò nóng - lạnh để làm chứng cứ, nên mới nói cũng đừng theo lệ ấy vì sợ rằng thăm dò quá nhiều lần đến hỏng việc (Ấn Quang Đại sư Gia ngôn lục, phần 3).
Tóm lại, hộ niệm cho người chết là cần thiết. Còn vãng sinh hay không, người có chánh kiến hãy tùy duyên.
Chúc bạn tinh tấn!