094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

ĐẠI ĐẾ ASOKA - TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN SỰ THẬT (BẢN MỚI) - CS LÊ TỰ HỶ ĐẠI ĐẾ ASOKA - TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN SỰ THẬT (BẢN MỚI) - CS LÊ TỰ HỶ Biên Soạn: Lê Tự Hỷ
Nhà Xuất Bản: Hồng Đức
Số Trang: 394 Trang
Bìa: Mềm – Có Tay Gập
Khổ Sách: 14,5x20,5cm
Năm Xuất Bản: 2020
Độ Dày: 1,8cm
HK01 HỒI KÝ - TỰ TRUYỆN 180.000 đ Số lượng: 100 Quyển
  • ĐẠI ĐẾ ASOKA - TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN SỰ THẬT (BẢN MỚI) - CS LÊ TỰ HỶ

  •  1598 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: HK01
  • Giá bán: 180.000 đ

  • Biên Soạn: Lê Tự Hỷ
    Nhà Xuất Bản: Hồng Đức
    Số Trang: 394 Trang
    Bìa: Mềm – Có Tay Gập
    Khổ Sách: 14,5x20,5cm
    Năm Xuất Bản: 2020
    Độ Dày: 1,8cm


Số lượng
Lời Giới Thiệu
Trong Phật giáo có hai vị thí chủ được mọi người biết tiếng nhiều nhất. Đó là trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapindada) và A Dục vương (Đại Đế Aśoka). Một vị ở vào đương thời Phật tại thế và một vị xuất hiện sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm. Trưởng giả Cấp Cô Độc cống hiến tài sản mình để đổi lấy khu vườn của thái tử Kỳ-đà, mở đầu cho tinh xá có đầy đủ nhất về mọi phương diện cư trú cũng như hành đạo của chư Tăng thời đức Phật. Còn đại đế Aśoka là một trường hợp đặc biệt, từ người cực ác đổi sang người tín tâm cực thiện. Sau khi kính tin Phật pháp, ngài đã cống hiến, xây cất rất nhiều công trình cúng dường cho Phật giáo. Ngài phát tâm bố thí không kể đến tài sản của mình, cho tới phút chót chỉ còn làm chủ được nửa trái dâu nhưng cũng đem cúng dường cho chư Tăng mà không hề hối tiếc.

 
đại đế asoka từ huyền thoại đến sự thật 1 min


Ngày nay, nhờ tìm lại được những trụ đá ghi chú các thánh tích của đức Phật do ngài cho dựng, người ta có thêm những cứ liệu lịch sử về cuộc đời của đức Bổn Sư. Cuộc đời của nhà vua được Phật tử Lê Tự Hỷ tái hiện qua các tài liệu nghiên cứu của nhiều học giả đi trước và đọc lại những mẫu tự trên trụ đá của vua A Dục để lại. Tác giả muốn đem hiểu biết của mình hướng dẫn lại những người có ý thích theo học tiếng Phạn được tiếp thu dễ dàng, xóa đi cảm tưởng chữ Phạn rất khó học như người ta thường nghĩ. Xuất hiện tập sách nhỏ này, tác giả muốn đánh dấu bước đầu của việc lập một quỹ hỗ trợ việc học tiếng Phạn do mình đề xuất, và mong muốn rằng Tăng Ni và Phật tử thuộc hệ Đại thừa coi việc học tiếng Phạn là một việc làm cần thiết. Với tâm nguyện hữu ích này, tôi rất hoan hỷ và xin ân cần giới thiệu với quý độc giả.
Tu viện Huệ Quang, 15.02.2017
Tỳ-kheo Thích Minh Cảnh

 
đại đế asoka từ huyền thoại đến sự thật 2 min


Lời Mở Đầu
Mục đích của tập sách nhỏ này là giới thiệu với bạn đọc về cuộc đời ngoại hạng của đại đế Aśoka, mà giới Phật tử Việt Nam gọi là vua A Dục. Từ một bạo chúa với biệt danh Aśoka-Tàn ác (Candāśoka), Asoka đã trở thành hoàng đế có chính sách cai trị rất tiên tiến dựa trên Đạo đức Phật giáo, chăm lo hạnh phúc không những cho nhân dân mà cho cả thú vật và cỏ cây, nên được biệt danh Aśoka-Phật pháp (Dharmāśoka). Tới nay, đã hơn 23 thế kỷ trôi qua, nhưng việc làm của bản thân đại đế Aśoka và chính sách cai trị xã hội của Aśoka sau khi thành Phật tử, vẫn còn nhiều điều đáng được học tập bởi các nhà chính trị, hành pháp cũng như mọi người trong Phật giáo từ cấp cao nhất ở trung ương đến cấp thấp nhất tại địa phương, Tăng, Ni và Phật tử bình thường. Nếu tập sách nhỏ này đem lại một chút gì an lạc cho cuộc sống của bạn đọc thì đó là niềm vui lớn của tác giả. Ngoài ra, tập sách nhỏ này đánh dấu bước đầu trong việc lập một quỹ hỗ trợ việc học chữ Phạn do tác giả đề xuất, với ý nghĩ rằng việc am hiểu chữ Phạn là rất cần đối với các Tăng Ni và Phật tử theo hệ Đại thừa.
Mùa Xuân 2017
Lê Tự Hỷ


Trích “Đại Đế Asoka – Mở Đầu”:
Aśoka là vị hoàng đế trị vì một vương quốc rộng lớn gồm gần hết lục địa Ấn Độ, Bangladesh, nhiều phần ở Pakistan, Afghanistan ngày nay vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Nhưng thân thế và sự nghiệp lẫy lừng của ông đã bị lãng quên, chỉ còn là huyền thoại trong ba bộ sách của Phật giáo một thời gian rất dài, mãi cho tới năm 1837 mới được khám phá dần dần và tới năm 1915 thì mới được khẳng định dứt khoát. Và hiện nay, nhiều học giả coi Aśo- ka như một minh quân, có chế độ cai trị do dân, vì dân, chăm lo hạnh phúc của nhân dân và cả muôn loài tiên tiến hơn cả những nước được cho là tự do dân chủ nhất thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, v.v…

 
đại đế asoka từ huyền thoại đến sự thật 3


Tổng Quan Về Asoka
Asoka sinh khoảng năm 304 trước Tây lịch, là con vua Bindusāra, cháu nội của hoàng đế Chandragupta Maurya, người lập nên triều đại Maurya. Ông trị vì một đế quốc rộng lớn bao gồm gần hết bán đảo Ấn Độ, xứ Bangladesh, Pakistan, Afghanistan ngày nay trong khoảng thời gian 268-232 trước Tây lịch. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của đại đế Aśoka đã bị các nhà sử học lãng quên cho tới giữa thế kỷ XIX, bởi vì: mặc dầu được ghi lại trong ba tác phẩm văn học của Phật giáo từ các thế kỷ đầu Tây lịch: Aśokāvadāna (các chuyện về Aśoka bằng chữ Phạn) của các nhà sư Ấn Độ và hai sử thi bằng chữ Pāli: Mahāvamsa (Đại biên niên sử) và Dīpavamsa (Biên niên sử của đảo quốc) của các nhà sư Sri Lanka nhưng các nhà sử học đều cho là huyền thoại vì các câu chuyện viết không theo tiêu chí nghiêm ngặt của sách lịch sử.

Ngoài ra, các chứng tích lịch sử của đại đế Asoka đã bị che lấp bởi cả thiên nhiên và con người: những biến động của thiên nhiên đã phá hủy, chôn vùi những công trình của Aśoka. Những thay đổi do con người gây ra: ký tự Brāhmĩ thịnh hành thời Aśoka đã bị biến đổi, khiến những thế kỷ đầu sau Tây lịch không ai hiểu những gì Asoka viết. Một phần quan trọng khác là cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào Ấn Độ trong thế kỷ XIII đã phá hủy toàn bộ nền văn hóa Phật giáo, trong đó có việc phá và chôn lấp tất cả những trụ đá mà đại đế Aśoka đã dựng lên và khắc các sắc dụ, bởi vì trên đầu các trụ đá của Aśoka đều có hình tượng các con vật, là điều mà Hồi giáo không chấp nhận.

Như thế tất các chứng tích lịch sử của đại đế Asoka đã hoàn toàn bị lãng quên trong suốt 700 năm từ thế kỷ XIII, mãi cho đến năm 1837 khi James Prinsep, nhà khảo cổ người Anh, đọc được những sắc dụ khắc bằng những ký tự Brāhmĩ trên các trụ đá của một ông vua tên Devānāmpriya Priyadarśin mà lúc đầu người ta chưa biết là vua nào, và James Prinsep cho là một ông vua của Tích Lan (Sri Lan- ka). Sau đó, nhiều sắc dụ khác được khám phá, giải mã, và tới năm 1915 thì có sắc dụ ghi rõ vua Devānāmpriya Priyadarśin chính là đại đế Aśoka. Từ đó người ta mới xác nhận các câu chuyện trong các tác phẩm Phật giáo không phải là hoàn toàn bịa đặt, mà có căn cứ trên các sự kiện lịch sử và tất nhiên đã được ít nhiều cường điệu hóa thành bi tráng, hoặc quá tội lỗi, hoặc quá cao thượng để cho hấp dẫn trong chuyện kể ở các sử thi cổ cũng như sách về nhân quả của Phật giáo.

 
đại đế asoka từ huyền thoại đến sự thật 4 min


Nhưng “quá ác” cũng như “quá tốt” và các câu chuyện về nhân quả cũng khiến người ta khó tin là tính cách thật của một ông vua! Cho nên các câu chuyện được xem như huyền thoại. Từ những chứng cứ lịch sử của các sắc dụ khắc trên đá, các nhà sử học mới quay hướng nghiên cứu về Aśoka và đánh giá ông rất cao như một trong những nhà vua có chính sách cai trị đáng noi gương nhất trong lịch sử nhân loại. Chẳng hạn, nhà sử học H.G. Wells đã viết trong tác phẩm The Outline of History rằng: “Trong số hàng chục ngàn tên quốc vương lấp đầy các cột mốc của lịch sử với các mỹ từ như uy nghi, sang trọng trang nhã, thanh thản, và cao quý vương giả, v.v. thì tên của Aśoka sáng chói, mãi sáng chói, hầu như đơn độc, như một vì sao. Từ Volga tới Nhật Bản, tên của ông vẫn được vinh danh. Trung Quốc, Tây Tạng, và ngay cả Ấn Độ mặc dầu đã từ bỏ học thuyết của ông nhưng vẫn duy trì truyền thống về tính vĩ đại của ông. Ngày nay, người ta tưởng nhớ về ông hơn là tên của Constantine hay Charlemagne đã từng nghe”.

Tất nhiên ở Việt Nam ta thì các Phật tử đều biết tên phiên âm A Dục của ông từ khi còn là Phật tử lớp tuổi ấu thơ. Chính sách cai trị của Aśoka là chính sách Đức trị. Đức trị ở đây là luật pháp dựa trên nền tảng đạo đức của Phật giáo, không những mong đem lại hạnh phúc cho nhân dân mà cả thú vật và cỏ cây. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến cái ác tràn lan khắp nơi làm bất ổn thế giới như chiến tranh vùng Trung Đông do sự khư khư bám víu vào các ý thức hệ đối nghịch nhau, do lòng tham làm giàu khiến cho khí hậu thế giới biến đổi đến mức lâm nguy, do sự ức hiếp của các nước lớn để giành quyền kiểm soát tài nguyên nhiều vùng trên thế giới trong đó có Biển Đông, v.v… Trong bối cảnh ấy, một số học giả trên thế giới vẫn đang xúc tiến các hội thảo về chính sách cai trị của Aśoka, một đại đế đã mất cách đây hơn 23 thế kỷ, để mong tìm học nơi ông một mô hình chính trị khả dĩ lý tưởng đem lại hòa bình thật sự cho nhân loại.

Vì vậy, thiết nghĩ việc tìm hiểu về Asoka là hữu ích, đặc biệt cho các Phật tử, nếu không có cơ hội giúp các việc lớn cho đất nước thì cũng có thể giúp cho cộng đồng nhỏ quanh mình, gia đình mình và bản thân mình sống tốt đẹp hơn. Tập sách nhỏ này dựa vào cả những câu chuyện trong các tác phẩm Aśokāvadāna, Mahāvamsa, Dīpavamsa, mà đã từng bị xem là huyền thoại, và những sự thật lịch sử của các sắc dụ của đại đế Aśoka được khắc trên đá có sẵn và trụ đá do Asoka cho làm ra và dựng lên. Cũng xin nói rõ từ “Phật pháp” được dùng trong tập sách này. Nguyên trong các sắc dụ của Aśoka khắc trên đá hay trụ đá, ông dùng từ “Dharma”, mà trong Phật giáo thì được hiểu là “Phật pháp”. Có nhiều học giả trên thế giới cũng đồng ý từ mà Aśoka dùng là để chỉ “Phật pháp”, nhưng cũng có những học giả khác cho “Dharma” là chỉ chung luật pháp và đặc biệt là những tính chất tốt đẹp trong mọi tôn giáo chứ không riêng gì của Phật giáo. Và họ cũng nêu lý do rằng Aśoka không trích dẫn đủ các giới cấm của Phật giáo. Tuy nhiên, theo người viết tập sách này thì:

- Aśoka tự nhận mình là Phật tử tại gia (sắc dụ phụ số 1 trên đá).
- Asoka không trích hết các giới của Phật giáo để khắc lên đá vì ông đã vận dụng Phật pháp vào thực tế cuộc sống của nhân dân trong xã hội vốn có nhiều tôn giáo khác ngoài Phật giáo.
- Mặc dầu những gì mà Asoka quy định và triển khai trong các sắc dụ trên đá và trụ đá đều là những đức tính tốt chung cho nhiều tôn giáo, nhưng những điều này không hề chống trái với Phật pháp mà lại suy ra từ các giới của Phật giáo, trong khi đó lại chống trái với một số chủ trương của các tôn giáo khác. Chẳng hạn như Aśoka ra lệnh cấm giết hại sinh vật, không con vật nào được dùng làm thức ăn cho con vật khác, khuyên con người ăn chay. Điều này trái với giáo lý của Cơ Đốc giáo, chủ trương “con vật” là sản phẩm của Chúa để cho con người ăn. Aśoka cấm giết con vật để làm lễ hiến dâng lên các thần linh, trong khi Bà-la-môn giáo (Brahmanism, Hindu) chủ trương việc hiến tế này. Tính nhân đạo trong chính sách của Asoka đối với người, với tù nhân, với súc vật, cả cỏ cây đều hoàn toàn phù hợp với đức tính Từ bị của Phật giáo.
- Ngoài ra, trong rất nhiều sắc dụ, mỗi khi nói tới làm việc thiện lành thì Aśoka nói rõ là tạo công đức cho đời này và đời sau, là quan niệm luân hồi và nhân quả của Phật giáo. Vì các lý do trên, ở đây người viết dùng từ “Phật pháp” ứng với từ Dharma (Phạn) hay Dhamma (Pāli) trong tên gọi của Aśoka…

 
đại đế asoka từ huyền thoại đến sự thật 5 min



Nội Dung Tập Sách Nhỏ Này Sẽ Gồm Các Phần Sau Đây:
I. Tổng Quan Về Asoka
Ii. Ba Bộ Sách Của Phật Giáo Có Viết Về Asoka
Iii. Những Sắc Dụ Của Asoka
Iv. Những Trụ Đá Của Asoka
V. Cuộc Đời Của Aśoka Qua Huyền Thoại Và Sự Thật
Vi. Nhận Xét Kết Thúc
Tài Liệu Tham Khảo
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây