Giảng: Tinh Vân Đại Sư Dịch: Vũ Nguyễn Minh Thy NXB: Hồng Đức & Thời Đại Số Trang: 247 Trang Bìa: Mềm – Có Tay Gập Khổ: 13,5x20,5cm Năm XB: 2016 (tái bản 2020) Độ Dày: 1cm
Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, lấy Pháp là trọng; Pháp còn tồn tại là tôn quý nhất. Phật pháp là chân lý của vũ trụ nhân sinh, Là chiếc thuyền từ giúp chúng ta giải thoát tự tại.
Kinh A Hàm là bộ kinh sớm nhất của Phật giáo, cũng là nền tảng ý tưởng quan trọng nhất của Phật giáo thời kỳ sơ khai, bên trong chứa đựng đầy đủ tinh thần cũng như những giáo nghĩa của Phật giáo nhân gian. Kinh A hàm tổng cộng phân làm bốn bộ, gồm kinh Trường A hàm, kinh Trung A hàm, kinh Tăng nhất A hàm và kinh Tạp A hàm. Trong kinh Trường A hàm có một đoạn kinh gọi là Bốn pháp chí thượng, nghĩa là có bốn loại Phật pháp, hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. “Bốn pháp tối thượng” có bốn điểm để lý giải:
Thứ Nhất:Người bố thí sẽ nhận được phước lành
Nói đến bố thí, trong quan niệm của mọi người, bố thí tức là cho người khác, thực ra, người nhận được ân huệ lớn nhất chính là bản thân mình. Bố thí cũng giống như gieo hạt, sau này nhất định sẽ gặt hái được thành quả. Bố thí chính là cách đầu tư đảm bảo nhất trên thế gian này, bất luận là tài thí, pháp thí, vô úy thí, chỉ cần có bố thí thì nhất định sẽ được phước báo, cho nên mới có cụm từ “trồng ruộng phước”. Phật giáo có nói “Trong tám loại phúc điền, khám bệnh là đệ nhất”, lại còn nói “Ruộng tâm không giống nhau thì quả báo cũng sẽ không giống nhau”, thực ra không cần biết đó là bậc thánh hiền, cha mẹ, hay thậm chí là người nghèo khó, bịnh tật, chỉ cần thành tâm bố thí, thì cũng đều là ruộng phước vô thượng. Bố thí cho thấy sự giàu có của bản thân, một người nếu như mỗi ngày đều phụ thuộc vào người khác, nhận sự bố thí của người khác, cũng tức là người đó bần hàn, thiếu thốn, cho nên con người phải hoan hỷ mà bố thí, càng vui vẻ bố thí bao nhiêu thì sẽ càng nhận được nhiều phước báo bấy nhiêu.
Thứ Hai:Người có tâm từ bi sẽ không oán hận
Phật giáo lấy tâm từ bi làm gốc, cho nên có thể nói đạo Phật là đạo từ bi. Tâm từ bi chính là nguồn suối dạt dào của vạn vật cho nên tuôn chảy đời đời không ngừng nghỉ, từ bi là giọt sương soi rọi nhân tính, từ bi cũng giống như một liều thuốc tốt, có thể chữa khỏi được bệnh sân hận, sở dĩ con người với con người tranh giành không dứt, quốc gia và quốc gia chiến đấu liên miên, tất cả đều xuất phát từ tâm sân hận. Chỉ cần có từ bi thì long sân hận sẽ được giải trừ, nếu như chúng ta sử dụng tâm từ bi để đối đãi với con người hay vạn vật, hoặc khi hành động hay nói chuyện, thì chẳng những không gây thù chuốc oán mà tự bản thân mình cũng sẽ cảm thấy cam tâm tình nguyện, không giận không buồn, bởi vì “Một người từ bi, mọi người thành bạn; vạn người từ bi, pháp giới là một”.
Thứ Ba: Người làm thiện sẽ giải trừ ác nghiệp
Kinh Phật có dạy: “chúng sinh phàm phu, khởi tâm động niệm, tất cả đều là nghiệp”. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp vô ký (không thiện không ác), khi một người tạo ra nghiệp nhân thiện ác, thì tất yếu sẽ nhận lại quả báo thiện ác tương ứng, cho nên mới nói: Đã gieo nhân ác thì sẽ nhận lấy quả báo ác, không thể nào lấy việc làm tốt để triệt tiêu quả báo xấu. Nhưng Phật giáo có một pháp môn rất vi diệu, đó là nếu biết sám hối tội lỗi đã qua mà làm việc thiện, tích tụ nhiều thiện duyên, thì có thể làm cho ác báo chuyển thành nhẹ; hoặc là nếu tăng thêm thật nhiều thiện duyên, nghiệp thiện trở nên mạnh hơn thì có thể làm cho thiện báo trở nên mau chóng chín muồi, khiến cho sức mạnh của ác duyên dần bị suy yếu. Cũng giống như một ly nước muối, nếu như ta rót vào nhiều nước lã tượng trưng cho thiện duyên thì sẽ làm dịu bớt vị mặn của ác báo vậy. Và cũng giống như một ruộng mạ, chỉ cần không ngừng bón phân tưới nước, khi những cây mạ lớn lên khỏe mạnh thì đám cỏ dại dưới chân cây giống cũng không thể gây nên tác hại gì. Cho nên, gây ra tội không đáng sợ, quan trọng là phải làm nhiều việc thiện để tích thành công đức; khi đã có nhân thiện duyên thiện thì nhất định sẽ tiêu trừ ác nghiệp.
Thứ Tư:Người xa rời ham muốn sẽ không bị phiền não
Con người trên thế gian này, mỗi ngày đều tìm kiếm đủ thứ, tất cả đều vì tìm cầu thú vui của ngũ dục lục trần. Nhưng “biển ham muốn thì khó đầy”, dục vọng vĩnh viễn không thể nào thỏa mãn, dục vọng càng nhiều thì phiền não cũng càng nhiều. Đến mức có lúc đang theo đuổi dục vọng thì đồng thời lại tạo ra quả khổ nghiệp tội, vì thế cho nên sự vui sướng của ngũ dục trên thế gian này chỉ có thể nói là một nửa vui sướng, một nửa khổ sở, vừa sướng mà vừa khổ, bởi vì “dục lạc” có tính ô nhiễm, có tính tạm thời, lại không có tính xác định. Từ xưa đến nay các bậc thánh hiền đều răn dạy mọi người không được chạy theo ham muốn, Phật giáo tuy là không hoàn toàn cấm tiệt con người ham muốn, nhưng ham muốn cần phải được khơi thông, những cơn sóng dữ của biển ham muốn phải được dẫn dắt đi đúng hướng, đó là tìm kiếm “ham muốn thiện”, xa lánh “ham muốn ô nhiễm”. Khi chúng ta xa lánh được những ham muốn ô uế thì khi đó chúng ta đã xa lánh được những điều phiền muộn trói buộc, như vậy thì giải thoát tự tại biết bao?
Tam bảo Phật Pháp Tăng, lấy pháp làm trọng; ở đâu có “pháp” thì ở đó có sự tôn quý. Phật pháp là chân lý của vũ trụ nhân sinh, là con thuyền từ bi giúp chúng ta giải thoát tự tại, nên mới có câu “nương vào chính mình, nương vào giáo pháp, không nương vào bất kỳ cái gì khác”. Vì vậy, Bốn pháp tối thượng của kinh Trường A Hàm có thể được dùng làm khuôn mẫu cho cuộc sống của chúng ta. “Bốn pháp tối thượng” chính là:
Người bố thí sẽ nhận được phước lành.
Người có tâm từ bi sẽ không oán hận.
Người làm thiện sẽ giải trừ ác nghiệp.
Người xa rời ham muốn sẽ không bị phiền não…
MỤC LỤC: Phần I: Bốn Pháp Tối Thượng Phần II: Bốn Điều Cần Thiết Khi Làm Người Phần III: Bốn Điều Quan Trọng Trong Đời Người Quyển IV: Bốn Cách Cư Xử Với Mọi Người