TÂM TRÍ TUỆ - ĐẠI SƯ TINH VÂNGiảng: Đại Sư Tinh Vân Dịch: Tố Nga NXB: Hồng Đức & Thời Đại Số Trang: 304 Trang Bìa: Mềm – Có Tay Gập Khổ: 13,5x20,5cm Năm XB: 2014 (tái bản 2020) Độ Dày: 1,3cmTTT2ĐẠI SƯ TINH VÂN75.000đSố lượng: 8 Quyển
Giảng: Đại Sư Tinh Vân Dịch: Tố Nga NXB: Hồng Đức & Thời Đại Số Trang: 304 Trang Bìa: Mềm – Có Tay Gập Khổ: 13,5x20,5cm Năm XB: 2014 (tái bản 2020) Độ Dày: 1,3cm
Trích “Tâm Trí Tuệ - Mười Bảy Con Bò”: Giúp đỡ người khác là một cách kết duyên lành tốt nhất, trong bầu không khí vui tươi hoan lạc, nếu có thể rộng kết duyên lành, thì không những mọi người được lợi, mà bản thân mình cũng hưởng được không ít phước lành. Một trong những người sáng lập nước Mỹ - chính trị gia Benjamin Franklin từng nói rằng: “Nghèo khó thì cố gắng phấn đấu thành công, ấy là điều hoàn toàn chính đáng; tuy nhiên, khi ta đã thành công rồi, thì chớ quên hào phóng chia sẻ với người khác, sau đó phủi tay đi mà không cần người ta phải chịu ơn mình”. Chia sẻ và bố thí là nghĩa cử cao đẹp, có thể làm cho con người cảm thấy an vui và thỏa mãn, bởi vì điều đó nói lên rằng thâm tâm ta giàu có, qua đó thể hiện được tấm lòng chân thành và cao đẹp. Và cao cả hơn ấy chính là “tâm vô sở trước” tức tâm không chấp trước bất cứ điều gì, như thế sẽ không tạo nên gánh nặng cho đôi bên.
Ngày xưa, có một hộ gia đình nọ, khi người cha qua đời có để lại mười bảy con bò, trên di chúc có viết rõ cách chia như sau, người con trai cả được một phần hai số bò, người con trai thứ được một phần ba số bò, người con trai út được một phần chín số bò. Mười bảy con bò chia hai, chia ba hoặc chia chín đều không thể cho ra con số chẳng được, vì thế cả ba anh em đều không biết phải chia làm sao, thậm chí còn xảy ra xung đột cãi vã.
Có một nhà thông thái nhìn thấy anh em họ ngày nào cũng vì mười bảy con bò mà cãi vã nhau suốt. Ông bèn mang con bò duy nhất của nhà mình tặng cho họ. Như thế, mười bảy con bò của người cha cộng thêm một con bò của nhà thông thái, tổng cộng là mười tám con, đem chia một phần hai tức là chín con, chia một phần ba tức là sáu con, và chia một phần chín là hai con, tổng cộng mười bảy con bò không hơn không kém, thế là ba anh em mang con bò còn lại trả cho nhà thông thái. Sau một hồi bận rộn, nhà thông thái không những hoàn toàn không mất mát gì, mà còn giúp cho ba anh em nhà nọ giải quyết một vấn đề rắc rối.
Trong bộ luật Tứ phần khi bàn đến lợi ích của sự bố thí, có viết rằng: “Người mang của cải của mình đi bố thí, ắt sẽ hưởng được lợi ích về sau, nếu có thể vui vẻ mà bố thí cho người, thì sau này nhất định sẽ được an lạc”. Bố thí có thể mang đến niềm vui cho con người, đồng thời cũng có thể giúp cho mọi người tu dưỡng tâm bồ đề, tránh xa tham sân, và nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước đức. Trong đó, vô tướng bố thí là thù thắng nhất; nếu có thể tùy duyên, tùy lực, tùy hỷ, tùy tâm mà bố thí thì quả báo đạt được sau này có thể biến khắp pháp giới hư không, đời đời hưởng không hết.
Trong cuộc sống hằng ngày, miệng ta phải luôn nói lời hay, thân ta nên làm những việc tốt, không hờn giận buồn phiền, chăm chỉ làm việc, phục vụ mọi người, đi đứng ngồi nằm đều thường thực hành bố thí, thực hành pháp quán niệm về lòng bố thí, từng chút cho đi đều không hề uổng phí, bởi vì khi giúp người được mãn nguyện, thì đồng thời bản thân ta cũng được an lạc, hài lòng, thế thì tại sao ta lại không làm kia chứ!
Đóng Giả Cô Dâu Hơn ba mươi năm trước, trong Học viện Phật học mà tôi thành lập, có một vị Tỳ kheo ni, khuôn mặt chữ điền, sức vóc to khỏe, cao hơn cả tôi, nhìn bề ngoài không có dáng vẻ của một người phụ nữ, mà y như một đấng trượng phu. Vị Tỳ kheo ni đó là một người vô cùng hiền lành ít nói, hằng ngày đều chỉ lo chăm chỉ học hành mà ít tiếp xúc với mọi người. Cứ như thế suốt năm, cô ấy lặng lẽ như một pho tượng, không giao lưu chuyện trò với những bạn học khác.
Do dáng hình của cô ấy to khỏe, khuôn mặt góc cạnh, ngũ quan đầy đặn, toát lên vẻ uy nghiêm như một vị Kim Cang Lực Sĩ, nên bạn học ai cũng có đôi phần kính sợ cô ấy, nên cũng ngại tiếp xúc với cô ấy. Mãi cho đến khi tốt nghiệp, mọi người bàn nhau tổ chức một buổi tiệc liên hoan chia tay, đồng thời còn chuẩn bị tiết mục văn nghệ để biểu diễn. Khi thầy trò đang hoan hỷ thưởng thức tiết mục văn nghệ, thì vị Kim Cang Lực Sĩ uy nghiêm ấy lại đóng giả cô dâu xuất hiện trên sân khấu, gương mặt trang điểm xanh xanh đỏ đỏ, quần áo thì sặc sỡ muôn màu, cô ấy vẫn chưa mở miệng nói chuyện, thì tiếng cười đã rộ lên khắp khán phòng.
Rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, một người bình thường nghiêm túc quy củ như thế, tại sao lại chịu đóng vai cô dâu kia chứ? Tôi cũng hiếu kỳ nên hỏi cô ấy, tại sao lại chịu hy sinh hình tượng, dũng cảm lên sân khấu đóng vai một cô dâu như thế? Cô ấy thẹn thùng đáp: “Thưa Viện Trưởng, đệ tử học tập trong mấy năm nay, do cá tính có phần bảo thủ, nên không có bạn bè, cũng không biết làm thế nào để kết bạn, đệ tử thiết nghĩ khi chưa thành Phật đạo, trước hết phải nên kết duyên lành với mọi người. Do đó buổi lễ chia tay này là một cơ hội, đệ tử bằng lòng đóng vai một cô dâu lạ đời như thế, chỉ mong có thể bố thí một chút hoan lạc cho mọi người”.
Có thể bố thí cho người một ít hoan lạc, ấy mới là người có tâm tương hợp với tâm Phật, cũng giống như đức Phật Di Lặc vậy, sở dĩ Ngài luôn được mọi người yêu mến, vì gương mặt luôn tươi cười, ban bố cho mọi người sự vui tươi hoan lạc. Chúng ta hãy nhìn ngắm chân dung của các vị Bồ tát, vị nào cũng mỉm cười vui vẻ, vô tư vô ưu. Thế nên trong cuộc sống hằng ngày, sao chúng ta lại không học theo sự hóm hỉnh của vị “cô dâu” ấy? Một người nếu có được một nhân sinh quan giúp mọi người vui vẻ làm niềm vui cho chính mình, thì vẻ đẹp và sự trang nghiêm trong nội tâm của người đó, còn đẹp hơn cả vẻ ngoài gấp trăm ngàn lần…