PHẬT GIÁO VÀ THẾ TỤC - ĐẠI SƯ TINH VÂNGiảng Giải: Đại Sư Tinh Vân Việt Dịch: Nguyễn Phước Tâm Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Số Trang: 185 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập Khổ: 13,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2015 (tái bản 2020) Độ Dày: 1,7cmPGVTTĐẠI SƯ TINH VÂN60.000đSố lượng: 110 Quyển
Giảng Giải: Đại Sư Tinh Vân Việt Dịch: Nguyễn Phước Tâm Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Số Trang: 185 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập Khổ: 13,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2015 (tái bản 2020) Độ Dày: 1,7cm
Lời Người Dịch: Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên; ban đầu truyền vào các nước lân cận, và đến nay đã lan khắp thế giới. Để có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ như thế, dĩ nhiên Phật giáo phải đáp ứng đầy đủ những quan điểm hiện thực khách quan của một xã hội hiện đại – nói như tác giả Thích Nhuận Đạt trong Lời Nói Đầu của dịch phẩm “Tư Tưởng Hiếu Đạo Trong Phật Giáo”.
“Hiện thực khách quan” mà Phật giáo có thể đáp ứng là gì? Theo Giáo sư Tiến sĩ Vương Hy Nguyên, đó là tinh thần cứu thế vĩ đại, có đặc tính hiện thực và con đường Trung đạo, coi trọng luân lý đạo đức, phù hợp với nhu cầu nhân loại và tình hình thế giới; đặc biệt ngày nay, lúc mà nhân loại phải hứng chịu những vụ hiếp dâm, sát hại, khủng bố thảm khốc đang diễn ra tràn lan, thì càng cần đến Phật giáo để ngăn chặn, chuyển hóa cái xấu cái ác, tịnh hóa thân tâm, hướng dẫn con người quay về nẻo thiện lành, xây dựng một xã hội an hòa.
Khi nhắc đến Phật giáo, không ít người cho rằng Phật giáo là một tôn giáo mang màu sắc mê tín nặng nề. Cách nhìn này là phiến diện, bởi họ chỉ thấy một vài trường hợp trong xã hội hoặc đọc dẫn một vài câu trong một chỉnh thể của kinh văn nào đó. Về vấn đề này, Lương Khải Siêu (1873 – 1929), nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị cận đại khẳng định rằng: “Tín ngưỡng Phật giáo là trí tín mà không phải mê tín, là kiêm thiện mà không phải độc thiện, là nhập thế mà không phải yếm thế, là vô hạn mà không phải hữu hạn, là bình đẳng mà không sai biệt, là tự lực mà không phải là tha lực, đặt niềm tin ở các tôn giáo khác thì có thể xuất hiện thói xấu, đặt niềm tin ở Phật giáo tuyệt đối không có thói xấu.”
Tuy nhiên, giá trị của Phật giáo không chỉ hạn cục ở niềm tin, đạo đức, mà còn ở khía cạnh khoa học, sức mạnh xây dựng của một quốc gia. Điều này được Tôn Trung Sơn (1866-1925), nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc xác nhận: “Phật giáo là lòng nhân ái cứu đời, Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ sung những mặt còn thiếu sót của khoa học. Phật giáo là luồng lực lượng mạnh mẽ nhất tạo dựng dân tộc và duy trì dân tộc”. Xa hơn thế, như Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý lý thuyết người Đức đã có lần phát biểu: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua qua học”.
Trong ba vị ấy, ta thấy Tôn Trung Sơn là một nhà tư tưởng lớn cận đại, Lương Khải Siêu cũng là người lỗi lạc trong giới tư tưởng, và nhà vật lý lừng danh Albert Einstein, nhân vật của thế kỷ 20 do tạp chí Time (Mỹ) bình chọn. Họ là những nhà bác học uyên thâm, những phát ngôn của họ hẳn đều xuất phát từ nhận định thấu đáo, mang tính chuẩn xác, quả đáng cho chúng ta suy ngẫm về các giá trị trong Phật giáo. Chính vì vậy, tôi cho rằng ngày nay việc tìm tòi, nghiên cứu, hay kể cả công tác phiên dịch những tác phẩm Phật học của các học giả nổi tiếng trên thế giới sang Việt ngữ hoặc ngược lại, nhằm giới thiệu giá trị ấy tới các giới trong xã hội là việc làm cần thiết. Đấy là lý do ra đời của dịch phẩm “Phật giáo và thế tục” (được in trong bộ sách Phật học giáo khoa thư của Tinh Vân, do nhà xuất bản Từ Thư Thượng Hải xuất bản năm 2008).
Tập sách xiển dương tinh thần Phật giáo nhân gian, bám sát sự phát triển thời đại, dưới nhiều góc độ và với cái nhìn sâu sắc, tác giả trình bày một cách nhẹ nhàng, gãy gọn các vấn đề liên quan giữa đạo và đời mà ta thường gặp trong đời sống thường ngày, như: Vũ trụ, Vận mệnh, Thần thông, Pháp luật, Triết học, Giáo dục, Quản lý, Khoa học, Y học, Hội nghị, Hành hương, Môi trường, Nông lâm, Nghệ thuật, Văn học, Kiến trúc, Âm nhạc, Vũ đạo, Địa lý phong thủy, Tâm lý …
Tác phẩm tuy mỏng, chỉ vỏn vẹn 22 bài, dưới dạng tản văn, song nội hàm súc tích; không chỉ có giá trị giúp con người hướng thượng và hướng thiện, mà còn khơi gợi và mở ra nhiều hướng nghiên cứu khoa học khác, rộng hơn, sâu hơn (ví dụ nghiên cứu liên ngành – interdisciplinaire, đa ngành – multi-disciplinary). Hy vọng dịch phẩm nhỏ nhoi này có thể cung cấp đến giới học Phật và học giả thông thường một cái nhìn đầy đủ hơn về mối tương quan giữa Phật học và thế học, cũng như sự quan tâm của Phật giáo đối với cuộc đời trần tục này.
Và cuối cùng, người dịch cũng phải thừa nhận rằng, việc chuyển dịch Hoa ngữ, chuyên ngành Phật học sang tiếng Việt Nam, thật sự là không dễ dàng chút nào, vì trong nguyên văn đã dùng không ít Phật điển, thành ngữ, điển tích …, lại nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Do vậy, mặc dù đã rất cố gắng trong việc chuyển ngữ (trên tinh thần dịch sát để bảo đảm độ chính xác và giữ được nguyên ý nguyên giọng / lối hành văn của tác giả), nhưng chắc chắn vẫn không tránh khỏi những sơ sót. Rất mong được các bậc thức giả chỉ chính. Trân Trọng. Nguyễn Phước Tâm – Trà Vinh, ngày 20/11/2014
Trích “Bài 1 – Phật Giáo Và Vũ Trụ”: Các phương đông, nam, tây, bắc, trên, dưới gọi là “vũ”, tức chỉ không gian vô hạn; từ ngàn xưa đến ngày nay gọi là “trụ”, tức chỉ thời gian vô hạn. Trong triết học gọi là thế giới, tức chỉ tất cả vật chất và toàn bộ hình thức tồn tại của nó. “Vũ trụ” của Phật giáo cũng bao hàm tứ duy (đông nam tây bắc) thượng hạ, quá khứ, hiện tại, và vị lại, đồng thời dung chứa thế gian hữu tình vô lượng vô số, và khí thế gian rộng lớn mênh mông. Từ xưa đến nay, con người không ngừng thảo luận và nghiên cứu về sự tồn tại bí ấn của vũ trụ; từ trong thần thoại của thuở hồng hoang đến sự phát hiện lần lượt của hệ thái dương, hệ ngân hà; sự biến chuyển từng ngày của kkhoa học, khiến cho nhân loại bừng sáng và hiểu ra rằng thời không (thời gian và không gian), hữu tình, vật chất đều bao la vô tận, vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết của loài người.
Cách đây 2.600 năm trước, đối với thời không rộng khắp bạt ngàn ấy, Đức Phật đã có kiến giải thấu triệt, sâu sắc; điều này chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các kinh điển Phật giáo. Do nội dung sâu rộng của giáo pháp, đệ tử Phật qua các thế hệ đã tìm hiểu nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, dần dần làm cho nội dung “Vũ trụ luận” của Phật giáo ngày một phong phú, các học phái ồ ạt ra đời. Nói theo Thế gian luận thì, phẩm Diêm phù châu trong kinh Khởi thế miên tả và trình bày sự hình thành của “tam thiên đại thiên thế giới”, cho thấy trong vũ trụ đang tồn tại con số những thế giới đếm không xuể, nhiều đến nỗi có thể dùng số lượng của “hằng hà sa” hay của “vi trần” để ví von, gọi chung là “tam thiên đại thiên thế giới” hay “thập phương vi trần sát độ”. Tam thiên đại thiên thế giới này, trải qua quá trình thành, trụ, hoại và không, không ngừng lưu chuyển tuần hoàn.
Đối với thế gian hữu tình và tịnh độ Phật quốc, vũ trụ quan Phật giáo đã có cách nhìn tường tận, thấu đáo: thế gian hữu tình nương vào quả báo tốt xấu của chúng sinh với sự sai biệt khổ lạc có thể chia làm ba tầng dục giới, sắc giới, và vô sắc giới, gọi tắt là “tam giới” (ba cõi). Dục giới là nơi chúng sinh nam nữ có ái dục về giới tính và những ái dục khác, sống tụ tập với nhau, lấy ngũ dục duy trì sinh mệnh, do dục niệm thiện ác ấy trôi chảy, mà có quả báo thụ sinh trong “lục đạo”. Sắc giới là nơi chúng sinh đã xa rời tình dục, ở trên cõi dục, không có sự phân biệt nam nữ, không tồn tại ý niệm tình ái, đều do tu tập từ “định” mà hóa sinh, nương vào độ sâu cạn, thô diệu của thiền định mà phân làm bốn cấp, tất cả có mười tám tầng trời. Trên nữa là cõi trời vô sắc, cõi này không có vật chất, chỉ lấy tâm thức trú ở thiền định thâm diệu, làm thế giới tinh thần thuần túy.
Trong phẩm Thí dụ của Kinh Pháp Hoa nói: “Tam giới vô an, do như hỏa trạch, chúng khổ sung mãn, thậm khả bố úy, thường hữu sinh lão bệnh tử ưu hoạn”, nghĩa là tam giới không yên, hệt như nhà lửa, khổ não đầy rẫy, thật đáng kinh hãi, thường có sinh già bệnh chết lo âu. Khí thế gian mới có y báo chiêu cảm nghiệp duyên của hữu tình chúng sinh, tam ác ngũ thú trà trộn ở với nhau, để làm cho chúng sinh thoát khỏi chốn trọc uế, Đức Phật đã nói về cõi Tịnh Độ Phật Quốc thanh tịnh an lạc, khuyến khích chúng sinh phát nguyện vãng sinh, không còn thọ khổ trong luân hồi. Kinh A-di-đà nói: “Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc”, tức là từ thế giới này đi về hướng Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, ở đấy, đất được rải bằng những bảo vật quý báu, lầu gác được làm bằng thất bảo kim, ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, và san hô, không tồn tại tam ác đạo, đều là nơi tụ hội, gặp gỡ của những người lành thượng đẳng. Trong Kinh Dược Sư cũng ghi chép, thế giới Lưu Ly của Phật Dược Sư ở phương Đông, vật chất dân sinh ở đấy phong phú, tất cả đều có thể làm theo ý muốn, nhân dân hiền lành đôn hậu. Ngoài ra, luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, Kinh Thập Cát Tường v.v…, đều ghi lại một cách tỉ mỉ về các loại Tịnh Độ của chư Phật trong mười phương…
Mục Lục: Lời Người Dịch Bài 1: Phật Giáo Và Vũ Trụ Bài 2: Phật Giáo Và Vận Mệnh Bài 3: Phật Giáo Và Thần Thông Bài 4: Phật Giáo Và Pháp Luật Bài 5: Phật Giáo Và Triết Học Bài 6: Phật Giáo Và Giáo Dục Bài 7: Phật Giáo Và Quản Lý Bài 8: Phật Giáo Và Khoa Học Bài 9: Phật Giáo Và Y Học Bài 10: Phật Giáo Và Hội Nghị Bài 11: Phật Giáo Và Hành Hương Bài 12: Phật Giáo Và Môi Trường Bài 13: Phật Giáo Và Nông Lâm Bài 14: Phật Giáo Và Nghệ Thuật Bài 15: Phật Giáo Và Văn Học Bài 16: Phật Giáo Và Kiến Trúc Bài 17: Phật Giáo Và Âm Nhạc Bài 18: Phật Giáo Và Vũ Đạo Bài 19: Phật Giáo Và Các Quy Phạm Tục Lệ Bài 20: Phật Giáo Và Địa Lý Phong Thủy Bài 21: Phật Giáo Và Sự Nghiệp Công Ích Bài 22: Phật Giáo Và Tư Vấn Tâm Lý Đôi Nét Về Đại Sư Tinh Vân