094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

THIỀN LÂM BẢO HUẤN - HT THÍCH THANH KIỂM THIỀN LÂM BẢO HUẤN - HT THÍCH THANH KIỂM Dịch Giả: Thích Thanh Kiểm
Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo
Số Trang: 492 Trang
Hình Thức: Bìa Mềm
Khổ Sách: 14,5x20,5cm
Năm Xuất Bản: 2016
Độ Dày: 2,2cm
TLBH THIỀN & MẬT TÔNG 80.000 đ Số lượng: 120 Quyển
  • THIỀN LÂM BẢO HUẤN - HT THÍCH THANH KIỂM

  •  4377 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: TLBH
  • Giá bán: 80.000 đ

  • Dịch Giả: Thích Thanh Kiểm
    Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo
    Số Trang: 492 Trang
    Hình Thức: Bìa Mềm
    Khổ Sách: 14,5x20,5cm
    Năm Xuất Bản: 2016
    Độ Dày: 2,2cm


Số lượng
Lời Nói Đầu
Giáo pháp của Phật Đà được ghi chép trong Tam Tạng là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Ta thường gọi là Tam tạng Thánh giáo. Giáo điển của Phật giáo ngoài ba phần nói trên, còn có một phần được ghi chép những lời nói và việc làm có tính cách siêu việt của các cổ nhân được tập trung lại gọi là Ngữ lục. Thiền Lâm Bảo Huấn đây chính là phần Ngữ lục. Nội dung của sách Bảo Huấn được chia thành bốn quyển, gồm gần 300 thiên. Mỗi thiên đều là những lời vàng ngọc để răn dạy về cách tu tâm xử thế, đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc thạc đức danh Tăng. Mỗi ý tưởng, mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung cho hậu thế. Thế nên, những người nạp tử có chí hướng kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ nghiệp đều phải học hỏi và bắt chước.


 
thiền lâm bảo huấn 1 min


Thiền sư Viên Ngộ nói với thiền sư Phật Giám rằng: “Sư ông chùa Bạch Vân, mỗi khi hành động cất nhắc một việc gì, cũng đều khảo xét những hành động của cổ nhân xưa”. Sư ông thường nói: “Sự việc mà chẳng khảo xét của tiền nhân thì bảo đó là chẳng đúng phép. Ta chỉ vì ghi được nhiều lời nói và đức hạnh của cổ nhân mà đạt thành được chí khí. Nhưng chẳng phải chỉ vì hiếu cổ, mà lại bỏ cái hay của người đời nay đáng để bắt chước”. Tiên sư thường nói: “Sư ông vì chấp cổ, nên chẳng biết thay đổi theo thời”. Sư ông nói: “Thay đổi thói cũ, biến đổi đạo thường, chính là mối đại họa của người đời nay. Ðó là điều ta trọn chẳng làm vậy”. Như vậy, chỗ bắt chước cổ nhân, có nghĩa là bắt chước cái hay, cái đẹp của cổ nhân để tạo thành cái hay, cái đẹp cho đương thế, để mong sao cho Tổ đình hưng thịnh, cho Phật pháp xương minh. Ðó chính là cái hoài bão chung của những người con Phật.

Sách Thiền Lâm Bảo Huấn này được lưu truyền tại Việt Nam có ba bản khác nhau. Bản thứ nhất được khắc từ năm Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ sáu đời Lê, và được tàng trữ tại chùa Khán Sơn ở thành Thăng Long. Bản thứ hai được khắc vào năm Quý Sửu và được tàng trữ tại chùa Xuân Áng huyện Lương Tài. Hai bản này duy chỉ có phần chính văn, không có phần chú thích. Bản thứ ba được khắc vào năm Mậu Ngọ, năm Tự Ðức thứ 11, và được tàng trữ tại chùa Linh Thiền núi Long Ðọi (cũng thường gọi là chùa Long Đọi), tỉnh Hà Nam. Bản này có phần âm nghĩa và chú thích của Vân Thê Thiền sư.


 
thiền lâm bảo huấn 2 min


Ba bản trên đây đều bằng Hán văn, và đã được lưu truyền tại Việt Nam trải qua nhiều thời đại. Nhưng trong thời đại nào, sách Bảo Huấn này vẫn được coi là bộ sách giáo khoa của Phật giáo. Vì lẽ, trong bất cứ một hội Hạ hay một trường Phật học nào, cũng đều thấy có chương trình học hay giảng Thiền Lâm Bảo Huấn. Phần nguyên bản của sách Thiền Lâm Bảo Huấn này y cứ nơi chính bản trong Ðại Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh tập thứ 48, từ trang 1016 - 1040. Phần chú thích thì y cứ vào bản chú thích của Vân Thê Thiền sư Trung Hoa, và bản Nhật dịch Thiền Lâm Bảo Huấn tập thứ 4 trong Quốc Dịch Thiền Tông Tùng Thư của Nhật Bản.

Trong những phần phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, sách Thiền Lâm Bảo Huấn này chắc không thể tránh khỏi được chỗ khuyết điểm sai lầm, nếu các bậc cao minh độc giả nhận thấy có những chỗ sai lầm đó, xin vui lòng phủ chính, để sẽ được sửa lại hoàn hảo hơn ở lần tái bản sau.
Phật lịch 2516, mùa Xuân năm Quý Sửu 1973. Dịch giả cẩn chí
Sa môn Thích Thanh Kiểm


 
thiền lâm bảo huấn 3


Thiền Lâm Bảo Huấn Tự
Bảo Huấn giả, tích Diệu Hỷ, Trúc Am, chu mao Giang Tây, Vân Môn thời cộng tập. Dư Thuần Hy gian, du Vân Cư, đắc chi Lão tăng Tổ Am. Tích kỳ niên thâm đố tổn, thủ vĩ bất hoàn. Hậu lai hoặc kiến vu Ngữ lục Truyện ký trung, tích chi thập niên cận ngũ thập thiên dư. Nhưng thủ Dương Kỳ Hoàng Long, hạ chí Phật Chiếu, Giản Ðường, chư lão Di ngữ, tiết tập loại tam bách thiên. Kỳ sở đắc hữu tiên hậu, nhi bất di cố kim vị thuyên thứ. Ðại khái sử học giả, tước thế lợi nhân ngã, xu đạo đức nhân nghĩa nhi dĩ. Kỳ văn lý ưu du bình dị, vô cao đản hoang mạc quý dị chi tích. Thực khả dĩ trợ nhập đạo chi viễn du dã. Thả tương san mộc, di quảng lưu truyền, tất hữu đồng chí chi sĩ, nhất kiến nhi tâm hứa giả. Dư tuy lão tử khâu hác, nhi chí nguyện túc hỷ.
Ðông Ngô, Sa Môn Tịnh Thiện thư.


Bài Tựa Thiền Lâm Bảo Huấn
Sách Bảo Huấn do hai ngài Diệu Hỷ và Trúc Am cùng soạn tập trong một am cỏ, khi ở chùa Vân Môn đất Giang Tây. Khoảng niên hiệu Thần Hy, tôi tới chùa Vân Cư, may mắn được tặng cuốn sách này ở một vị lão Tăng Tổ Am. Rất tiếc sách này đã lâu năm, nên bị mối mọt làm rách nát, đầu sách và cuối sách không còn chu toàn. Sau đó những lời lẽ trong sách này lại thấy được ghi chép trong các Ngữ lục và Truyện ký nên tôi mới thu thập lại trong khoảng mười năm trời, được tất cả hơn năm mươi thiên. Tiếp đó tôi lại trích thêm phần Di ngữ của các ngài Dương Kỳ, Hoàng Long, rồi đến Ngữ lục của các lão Tăng như Phật Chiếu và Giản Ðường, rồi tự mình lại tiết giảm, tu chỉnh, chia loại mà hợp thành ba trăm thiên. Trong các thiên này vì chỗ lựa chọn được có trước sau mà xếp đặt ở trước ở sau, chớ không theo chỗ lần lượt xưa nay. Ðại để chỉ khiến cho người học loại bỏ được thế tục, quyền lợi, nhân ngã, để đạt tới chỗ đạo đức nhân nghĩa mà thôi. Lời văn và ý nghĩa của sách này thì dồi dào bình dị, không có những vết tích mông lung, mơ hồ, dối trá, thực đúng là cái đầu mối để giúp người vào đạo. Vì vậy, nên tôi cho đem khắc vào gỗ để lưu truyền được sâu rộng. Tất sẽ có những kẻ sĩ đồng chí nếu một khi thấy được việc làm này mà để tâm tùy hỷ, thì tôi dẫu chết già nơi hang núi chăng nữa, nhưng cái chí nguyện của tôi cũng đã viên mãn rồi vậy.
Sa Môn Tịnh Thiện, đất Ðông Ngô viết


 
thiền lâm bảo huấn 4 min


Trích “Thiền Lâm Bảo Huấn - Quyển Ðệ Nhất”:
Nguyên Văn:
明教嵩和尚曰。尊莫尊乎道。美莫美乎德。道德之所存。雖匹夫非窮也。道德之所不存。雖王天下非通也。伯夷叔齊昔之餓夫也。今以其人而比之。而人皆喜。桀紂幽厲昔之人主也。今以其人而比之。而人皆怒。是故學者患道德之不充乎身。不患勢位之不在乎己。

鐔津集

Phiên Âm:
Minh Giáo Tung Hòa thượng viết: Tôn mạc tôn hồ đạo, mỹ mạc mỹ hồ đức. Ðạo đức chi sở tồn, tuy thất phu phi cùng dã, đạo đức chi sở bất tồn, tuy vương thiên hạ phi thông dã. Bá Di, Thúc Tề tích chi ngạ phu dã, kim dĩ kỳ nhân nhi tỷ chi, nhi nhân giai hỷ. Kiệt, Trụ, U, Lệ tích chi nhân chủ dã, kim dĩ kỳ nhân nhi tỷ chi, nhi nhân giai nộ. Thị cố học giả hoạn đạo đức chi bất sung hồ thân, bất hoạn thế vị chi bất tại hồ kỷ.
Ðàm Tân Tập


Dịch Nghĩa:
Minh Giáo Tung Hòa thượng nói: Cao chẳng gì cao bằng đạo, đẹp chẳng gì đẹp bằng đức. Người có đạo đức tuy là kẻ thất phu cũng không phải là cùng, kẻ không có đạo đức, tuy là đấng vương giả cũng không phải là thông. Bá Di, Thúc Tề xưa kia là người chết đói; đời nay, nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều mừng. Kiệt, Trụ, U, Lệ xưa kia là đấng nhân chủ; đời nay, nếu người ta lấy đó để so sánh thì mọi người đều giận. Thế nên, người học giả chỉ lo phần đạo đức của mình không trọn vẹn, chứ đừng lo thế vị không đến với mình.
Ðàm Tân Tập


Nguyên Văn:
明教曰。聖賢之學。固非一日之具。日不足繼之以夜。積之歲月。自然可成。故曰。學以聚之。問以辨之。斯言學非辨問無由發明。今學者所至罕有發一言問辨於人者。不知將何以裨助性地。成日新之益乎。
九峯集

Phiên Âm:
Minh Giáo viết: Thánh hiền chi học, cố phi nhất nhật chi cụ, nhật bất túc kế chi dĩ dạ, tích chi tuế nguyệt, tự nhiên khả thành. Cố viết: Học dĩ tụ chi, vấn dĩ biện chi. Tư ngôn, học phi biện vấn vô do phát minh. Kim học giả sở chí hãn hữu phát nhất ngôn vấn biện ư nhân giả, bất tri tương hà dĩ tỳ trợ tính địa, thành nhật tân chi ích hồ.
Cửu Phong Tập

Dịch Nghĩa:
Ngài Minh Giáo nói: Cái học của Thánh hiền, cố nhiên chẳng phải một ngày mà đủ, ngày chẳng đủ thì kế đêm, rồi chứa góp hàng tháng hàng năm tự nhiên sẽ thành tựu. Nên nói: học để tích lũy tri thức, hỏi để biện minh. Câu này có nghĩa là, nếu học mà không biện vấn thì không do đâu mà phát minh. Ðời nay ít có những người học thường nêu ra câu hỏi để vấn biện với người, như vậy không biết đem cái gì để giúp ích cho tính địa, trở thành cái lợi ích đổi mới mỗi ngày vậy ư!
Cửu Phong Tập

Nguyên Văn
明教曰。太史公讀孟子。至梁惠王問何以利吾國。不覺置卷長嘆。嗟乎。利誠亂之始也。故夫子罕言利。常防其原也。原者始也。尊崇貧賤。好利之弊。何以別焉。夫在公者。取利不公則法亂。在私者以欺取利則事亂。事亂則人爭不平。法亂則民怨不伏。其悖戾鬪諍。不顧死亡者。自此發矣。是不亦利誠亂之始也。且聖賢深戒去利尊先仁義。而後世尚有恃利相欺。傷風敗教者何限。況復公然張其徵利之道而行之。欲天下風俗正而不澆不薄。其可得乎。
鐔津集

Phiên Âm:
Minh Giáo viết: Thái Sử Công độc Mạnh Tử, chí Lương Huệ Vương vấn, hà dĩ lợi ngô quốc, bất giác trí quyển trường thán: “Ta hồ! Lợi thành loạn chi thủy dã.” Cố Phu Tử hãn ngôn lợi. Thường phòng kỳ nguyên dã. Nguyên giả thủy dã. Tôn sùng bần tiện, hiếu lợi chi tệ, hà dĩ biệt yên. Phù tại công giả, thủ lợi bất công tắc pháp loạn, tại tư giả, dĩ khi thủ lợi tắc sự loạn. Sự loạn tắc nhân tranh bất bình, pháp loạn tắc dân oán bất phục. Kỳ bội lệ đấu tránh, bất cố tử vong giả, tự thử phát hỹ. Thị bất diệc lợi thành, loạn chi thủy dã. Thả Thánh hiền thâm giới, khử lợi tôn tiên nhân nghĩa. Nhi hậu thế thượng hữu thị lợi tương khi thương phong bại giáo giả hà hạn. Huống phục công nhiên, trương kỳ chinh lợi chi đạo nhi hành chi, dục thiên hạ phong tục chính nhi bất kiêu bất bạc, kỳ khả đắc hồ!
Ðàm Tân Tập


 
thiền lâm bảo huấn 5


Dịch Nghĩa
Ngài Minh Giáo nói: Thái Sử Công đọc sách Mạnh Tử tới chỗ Lương Huệ Vương hỏi thầy Mạnh Tử, đem gì để lợi cho nước tôi, bất giác để sách xuống mà thở dài. Than ôi! “Lợi thực là cái mầm mống của loạn, nên Phu Tử Ngài ít nói đến lợi, để đề phòng cái gốc. Vì gốc là mầm mống phát sinh. Người tôn quý kẻ bần tiện, đối với cái tệ hiếu lợi thì đều giống nhau. Ôi! Người ở chỗ công, nếu lấy lợi không công bằng, thời làm rối loạn pháp luật, kẻ ở chỗ riêng, nếu lấy lợi bằng cách lừa bịp, thời làm rối loạn sự việc. Sự việc rối loạn thời nhân sự bất bình, pháp luật rối loạn thời nhân dân chẳng phục. Gây ra mối họa xung đột rồi cùng nhau đấu tranh, chẳng đoái hoài đến cảnh chết chóc cũng vì thế mà phát sanh. Ðó chẳng phải chỉ vì lợi mà trở thành cái mầm mống rối loạn đấy ư? Như các bậc Thánh hiền xưa kia thì lại cảnh giới, bỏ cái lợi mà tôn điều nhân nghĩa, mà người đời sau lại cậy mối lợi để dối trá lẫn nhau, làm tổn thương đến phong tục, bại hoại đến thanh giáo không có giới hạn, lại còn công nhiên noi theo con đường tranh danh đoạt lợi để đi, mà muốn phong tục tốt trong thiên hạ không phai không mờ, há lại được vậy ư!”
Ðàm Tân Tập
…………………………….

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm:
Thân Thế
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, pháp hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23/12/1921 (25/11/Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ ông Vũ Đức Khanh, thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Thinh. Hòa thượng có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.

Thời Kỳ Xuất Gia Tu Học
Khi lên 6 tuổi, Hòa thượng được song thân cho theo học chữ Hán với các cụ đồ tại địa phương. Năm 15 tuổi, hạt giống xuất trần phát triển, khi nhân duyên hội đủ, Hòa thượng đã noi gương chị gái là sư bà Đàm Hữu, phát tâm xuất gia với sư cụ chùa Linh Đường. Về sau xin cầu Pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Thanh Khoát trụ trì chùa Bạch Chư (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).


 
screenshot 1648797218


Năm lên 18 tuổi, Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thụ giới Sa di tại chốn Tổ Trung Hậu. Sau khi thụ giới Sa di, năm 19 tuổi, để mở mang kiến thức Phật học, làm tư lương tiến tu hành đạo, Hòa thượng đã lần lượt theo học với các chốn Tổ: Tổ Giám Cồn và Hòa thượng Thanh Thuyên chùa Cao Phong. Năm 22 tuổi, để viên mãn tam đàn giới pháp, Hòa thượng được Bổn sư cho thụ giới Tỳ khưu tại chốn Tổ Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong thời gian lưu học tại Quán Sứ, Bồ Đề, Hòa thượng đã hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học với các huynh đệ đồng môn như cố Hòa thượng Tâm Giác v.v. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Giáo hội được thành lập, Giáo hội Tăng già Bắc Việt là hậu thân của Giáo hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do cố Hòa thượng Tố Liên khởi xướng. Năm 1953 - 1954, Hòa thượng được cử làm Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt.

Năm 1954, trong chương trình đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hội An Nam Phật học và Giáo hội Tăng già Bắc Việt đã cử Hòa thượng đi du học Nhật Bản với cố Hòa thượng Thích Tâm Giác. Trong thời gian lưu học tại Đại học đường Rissho, Hòa thượng tốt nghiệp Cử nhân Phật học năm 1959, Tiến sĩ Phật học năm 1961.

Thời Kỳ Hóa Đạo
Sau khi tốt nghiệp, năm 1962 Hòa thượng trở về quê hương để phục vụ đạo pháp. Năm 1963, trong phong trào đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Hòa thượng đã cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, Phật tử đấu tranh tích cực cho đến khi cách mạng thành công. Sau ngày 11/11/1963, cách mạng thành công, Phật giáo được thoát nạn. Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời. Hòa thượng được cử làm Vụ trưởng phiên dịch thuộc Tổng Vụ Hoằng pháp, do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng Vụ trưởng.

Năm 1964 - 1971, Hòa thượng đã cùng Hòa thượng Tâm Giác và chư Tăng Ni, Phật tử Miền Vĩnh Nghiêm, hỗ trợ xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm để làm trụ sở cho Miền, và đã hoàn thành một cách trang nghiêm tú lệ như ngày hôm nay. Kể từ năm 1973, sau khi Hòa thượng Tâm Giác, Chính đại diện Miền Vĩnh Nghiêm, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, Hòa thượng đã được Giáo hội và Miền cũng như môn phái Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chính đại diện kiêm trụ trì chốn Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngày viên tịch. Sau năm 1975, trải qua một thời gian khó khăn ngắn, Hòa thượng vẫn tiếp tục trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa lớn nhất ở Sài Gòn, Việt Nam. Dù ở trong thời thế nào, Hòa thượng vẫn luôn luôn đặt trọng tâm vào việc phát triển đạo pháp lên trên hết.

Vào năm 1987, Hòa thượng đã tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm Trường Cơ bản Phật học để chư Tăng Ni sinh về tu học thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ. Nhận thấy sau một cuộc chiến tranh dài và vì ý thức hệ chính trị nên nền Phật giáo tại miền Bắc có phần suy yếu, Hòa thượng đã chú trọng rất nhiều vào việc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc trên phương diện nhân sự. Hòa thượng đã tuyển vài khóa Tăng sinh từ miền Bắc để vào Nam (chùa Vĩnh Nghiêm) tu học. Sau đó, vì nhận thấy có nhiều điều bất tiện trong việc di chuyển, nên Hòa thượng phối hợp với chư Tăng miền Bắc tổ chức ngay tại làng Đại Mỗ, tỉnh Hà Tây một trường Trung cấp Phật học, đồng thời tiến tới việc thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Với trình độ uyên thâm về ba tạng Kinh Luật Luận Nam Bắc truyền, Hòa thượng đã tham gia rất nhiều vào công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, Ngài đảm nhiệm làm Giáo sư Viện Cao đẳng Phật học, Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam v.v. Qua giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn tùng lâm, nên từ những thập niên 60, Hòa thượng đã được thỉnh làm Giới sư, Thập sư, Chứng minh truyền giới trong các Giới đàn. Năm 1964, làm Tôn Chứng Tăng già. Năm 1967 - 1972, làm Giáo thọ Đại Giới đàn Vĩnh Nghiêm. Năm 1984 - 1998, làm Tuyên Luật sư kiêm Giáo thọ Đại Giới đàn Thiện Hòa, do Giáo hội tổ chức.

Tại Sóc Trăng, trong Giới đàn Bửu Lai, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng. Tại An Giang, Hòa thượng làm Đường đầu Hòa thượng. Tại Bà Rịa, Vũng Tàu, trong Giới đàn Thiện Hòa, Hòa thượng được cử làm Yết ma A xà lê. Tại Đồng Nai và Lâm Đồng, Hòa thượng được cung thỉnh làm Tuyên luật sư và Yết ma A xà lê, để truyền giới cho các giới tử. Ngoài công tác hoằng dương Phật pháp tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Hòa thượng còn lưu lại nhiều tác phẩm dịch phẩm cho nền văn hóa, giáo dục Phật giáo nước nhà: Kinh Viên Giác, Diễn Thuyết Tập (Hà Nội, 1951), Phật Pháp Sơ Học (Hà Nội, 1952), Nghiên Cứu Về Tư Tưởng Bản Giác Của Phật Giáo (Nhật Ngữ), Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Khóa Hư Lục, Thiền Lâm Bảo Huấn, Pháp Hoa Yếu Lược, Đại Ý Kinh Pháp Hoa, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Luật Học Đại Cương, Luận A Tỳ Đàm Câu Xá, Sách Dạy Cắm Hoa,... và nhiều bài viết đăng trên các báo Phật giáo trong và ngoài nước.

Để đền đáp công ơn thầy Tổ và trang nghiêm ngôi Tam bảo, Hòa thượng đã cùng Sơn môn Pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu, Tổ Vĩnh Phú được hoàn thành, trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở Phật giáo tại địa phương và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, Hòa thượng cũng còn chú trọng vào việc dạy dỗ các thanh niên Phật tử. Từ thập niên 50, Hòa thượng đã đảm trách Cố vấn Giáo hạnh Tổ chức Gia đình Phật tử thuộc Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội cho đến ngày hôm nay là Gia đình Phật tử Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Trong hơn 40 năm qua, một số các thành viên Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm đã trở nên những anh tài ưu tú ở trong và ngoài nước, âu đó cũng là nhờ thiền đức của Hòa thượng. Đối với công đức của Hòa thượng đã hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội, Hòa thượng đã được toàn thể chư Tăng và Phật tử trong và ngoài nước ngưỡng mộ quý mến.

Thời Kỳ Viên Tịch
Hòa thượng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sinh, còn tiếp đóng góp nhiều hơn nữa. Vào ngày 26/12/2000, Hòa thượng lâm bệnh bất thường, mặc dù đã được tận tình chữa trị, nhưng không thuyên giảm. Thế rồi, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, thúc thân an nhiên thị tịch vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 30 tháng 12 năm 2000 nhằm ngày 5 tháng 12 năm Canh Thìn, trụ thế 80 năm, hạ lạp 58 năm. Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn lưu lại thế gian, trong tâm tư ký ức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cũng như trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thật là một sự mất mát lớn cho Phật giáo Việt Nam ngày nay vậy! Nam Mô Ma Ha Sa Môn Tỳ Khưu Bồ Tát Giới Pháp Húy Thích Thanh Kiểm.
Tổ đình Vĩnh Nghiêm phụng soạn



 


MỤC LỤC:
LỜI NÓI ÐẦU
THIỀN LÂM BẢO HUẤN TỰ
BÀI TỰA THIỀN LÂM BẢO HUẤN
Quyển Thứ Nhất
Quyển Thứ Hai
Quyển Thứ Ba
Quyển Thứ Tư



 
thông tin cuối bài viết 2

 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây