LỜI MỞ ĐẦU Bạch chư đại đức, nay tôi sắp tụng Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha). Chư vị Tỳ-kheo cùng tập hợp một chỗ. Chư vị hãy lắng nghe, và nhớ nghĩ cho khéo. Nếu tự biết có phạm giới thì phải tự sám hối, không phạm giới thì hãy im lặng. Vì im lặng mà biết chư đại đức thanh tịnh. Nếu có ai hỏi thì cũng trả lời như vậy. Thế nên vị Tỳ-kheo ở trong đại chúng được hỏi đến lần thứ 3, và nhớ nghĩ mình có tội, mà không sám hối, thì bị tội cố ý nói dối. Mà nói dối thì Phật đã dạy là sự cản trở thánh đạo. Nếu vị Tỳ-kheo nhớ nghĩ mình có tội và muốn được thanh tịnh thì phải sám hối. Sám hối thì yên vui.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT (3 lần)
KHAI LUẬT KỆ Vô thượng thậm thâm Tỳ-ni pháp, Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ, Ngã kim kiến văn đắc thọ trì, Nguyện giải Như Lai Tỳ-ni nghĩa. Nam mô Khai Luật Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.(Đánh ba tiếng chuông, bảo): Các vị Ngũ giới xuất ban. (Đợi ra, bảo lễ ba lễ) Chúng Ngũ giới hồ quỳ chắp tay lắng nghe: Theo lời Phật dạy, các vị nguyện lãnh giữ Năm giới, nay là ngày Trưởng tịnh, tôi xin nhắc lại, các vị gắng mà giữ cho thanh tịnh.
1.-Không được giết hại chúng sanh, trên từ Thánh nhơn, Sư tăng, Phụ mẫu, dưới cho đến loài bò bay cựa động, vy tế côn trùng, phải có lòng từ bi hộ mạng chúng.
2.-Không được gian tham trộm cắp, vật lớn quý, như: vàng bạc châu báu; vật thường nhỏ như: cây kim, ngọn cỏ, người ta không cho thì không được lấy.
3.-Không được tà dâm, chẳng những người cho đến loài vật, vì là cái hạnh nhơ xấu vậy.
4.-Không được nói dối, chẳng những không được nói dối, lại không được nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác. Vậy phải nói lời chân thật….
TRÍCH ĐOẠN:
BỐN GIỚI KHÍ
Bạch chư đại đức, 4 giới Ba-la-di - Parajika sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong giới kinh.
Thứ 1, giới đại dâm dục Nếu Tỷ-kheo đồng giới pháp với Tỷ-kheo khác, không xả giới, nhưng giới kém mà không tự hối, phạm vào sự bất tịnh cho đến cùng với súc vật, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Thứ 2, giới đại trộm cắp - Nếu Tỷ-kheo ở trong xóm làng hay nơi vắng vẻ, lấy của người ta không cho với ý thức ăn trộm; tùy tội lấy của không cho mà bị vua, hay đại thần của vua, bắt, giết, trói, đuổi ra khỏi xứ, mắng rằng anh là giặc, anh ngu si, anh không biết gì, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Thứ 3, giới đại sát hại - Nếu Tỷ-kheo cố ý tự tay sát hại mạng người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, rằng quái lạ, anh kia, sống khốn nạn như vậy làm gì, thà chết, đừng sống; với ý thức như vậy mà nghĩ mọi cách để khen ngợi sự chết, khuyến khích sự chết, thì phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Thứ 4, giới đại vọng ngữ - Nếu Tỷ-kheo thật không biết gì mà tự xưng tôi được pháp của bậc thượng nhân, tôi đã nhập vào pháp siêu việt của thánh trí, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy; qua thì gian khác, hoặc được hỏi hoặc không được hỏi, mà muốn tự thanh tịnh nên nói rằng tôi thật không thấy không biết gì mà nói biết nói thấy, thì, trừ tăng thượng mạn, phạm ba-la-di của Tỷ-kheo, không còn được sống chung với chư tăng.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 4 giới ba-la-di. Nếu Tỷ-kheo phạm vào mỗi một ba-la-di, thì không còn được sống chung với chư tăng. Như khi chưa thọ đại giới, thọ đại giới rồi mà vi phạm thì cũng vậy. Nên Tỷ-kheo bị tội ba-la-di thì không nên sống chung với chư tăng. Vậy nay xin hỏi chư đại đức, trong 4 giới ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 4 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy.
MƯỜI BA GIỚI TĂNG TÀN
Bạch chư đại đức, 13 giới tăng-già bà-thi-sa - Sanghadisesa sau đây, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh.
Thứ 1, giới cố làm xuất tinh - Nếu Tỷ-kheo cố ý lộng âm xuất tinh thì, trừ chiêm bao, phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 2, giới chạm thân nữ nhân - Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà chạm nhau với thân nữ nhân, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc chạm vào mỗi một thân phần, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 3, giới nói năng thô tục - Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà nói năng thô tục dâm đãng với nữ nhân; nói năng thô tục dâm đãng thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 4, giới đòi hiến dâm dục - Nếu Tỷ-kheo với ý thức dâm dục mà đối diện với nữ nhân tự ca tụng mình, rằng cô em, tôi tu phạn hạnh, giữ giới, tinh tiến, tu các thiện pháp; cô em hãy đem sự dâm dục mà hiến cho tôi, hiến như vậy là hơn hết, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 5, giới làm người mai mối - Nếu Tỷ-kheo qua lại đôi bên để làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, để làm cho họ lấy nhau hay tư thông với nhau, thì dầu chỉ chốc lát cũng phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 6, giới làm nhà quá mức - Nếu Tỷ-kheo tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, thì phải làm đúng mức. Mức ở đây là dài bằng 12 gang tay của Phật, rộng bằng 7 gang tay của Ngài. Lại phải thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà tự tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, không thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ, lại làm quá mức, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 7, giới không thỉnh chỉ định - Nếu Tỷ-kheo muốn làm nhà lớn mà có thí chủ, làm cho mình, thì phải thỉnh chư Tỷ-kheo đến chỉ định nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo nên chỉ định nơi chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà làm nhà lớn, có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỷ-kheo đến chỉ định nơi chỗ, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 8, giới vu khống phỉ báng - Nếu Tỷ-kheo vì tức giận, đối với vị Tỷ-kheo không phạm tội ba-la-di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng vị ấy phạm tội ba-la-di, phỉ báng với ý thức muốn phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; rồi trong thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỷ-kheo biết đó là sự phỉ báng vô căn cứ, và nói rằng vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy. Tỷ-kheo phỉ báng như vậy thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 9, giới xuyên tạc phỉ báng - Nếu Tỷ-kheo vì tức giận nên lấy một cạnh khía của việc khác, đối với vị Tỷ-kheo không phạm ba-la-di mà, một cách vô căn cứ, phỉ báng rằng phạm tội ba-la-di, với ý thức phá hoại sự thanh tịnh của vị ấy; đến thì gian khác, được hỏi hay không được hỏi, Tỷ-kheo ấy biết mình lấy một cạnh khía của việc khác, tự nói vì tôi tức giận nên phỉ báng như vậy, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 10, giới phá tăng hòa hợp - Nếu Tỷ-kheo muốn phá hoại tăng hòa hợp nên hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Các vị Tỷ-kheo nên can gián Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đừng phá hoại tăng hòa hợp, đừng hành động mọi cách phá hoại tăng hòa hợp, đừng chấp nhận mọi cách phá hoại tăng hòa hợp mà kiên trì không bỏ. Đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 11, giới hỗ trợ phá tăng - Nếu Tỷ-kheo ấy có phe cánh, một Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo, ba Tỷ-kheo cho đến vô số Tỷ-kheo; những Tỷ-kheo phe cánh này nói với các vị Tỷ-kheo, rằng chư đại đức, xin đừng can gián Tỷ-kheo ấy, Tỷ-kheo ấy là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, Tỷ-kheo nói đúng giới luật, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Các vị Tỷ-kheo trả lời: các đại đức, đừng nói như vậy, rằng Tỷ-kheo ấy là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, Tỷ-kheo nói đúng giới luật, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích, Tỷ-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận. Bởi vì Tỷ-kheo ấy không phải là Tỷ-kheo nói đúng giáo pháp, không phải là Tỷ-kheo nói đúng giới luật. Các đại đức, đừng có ý muốn phá hoại tăng hòa hợp; các đại đức, hãy thích thú tăng hòa hợp. Các đại đức, hãy cùng tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, cùng học một thầy, như nước với sữa hòa nhau, thì trong Phật pháp sẽ có đời sống tăng ích, yên vui. Những Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để những Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 12, giới hoen ố tín đồ - Nếu Tỷ-kheo sống trong xóm làng hay thành thị mà làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Các vị Tỷ-kheo nói với Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe; đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu thì nay hãy đi xa khỏi xóm làng này, đừng nên ở đây nữa. Tỷ-kheo ấy nói với các vị Tỷ-kheo, với lời nói như vầy: chư đại đức, các vị có tham, có sân, có si, có sợ; có cái việc những Tỷ-kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Các vị Tỷ-kheo can rằng, đại đức, đừng nói như vậy, rằng chư Tỷ-kheo có tham, có sân, có si, có sợ, có cái việc những Tỷ-kheo đồng tội mà người bị đuổi người không bị đuổi. Bởi vì chư Tỷ-kheo không tham, không sân, không si, không sợ. Đại đức đã làm hoen ố tín đồ và làm những việc xấu, làm hoen ố tín đồ ai cũng thấy nghe, làm những việc xấu ai cũng thấy nghe. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 13, giới ngoan cố chống cự - Nếu Tỷ-kheo tính tình ngoan cố, không nghe ai hết; trong giới luật, các vị Tỷ-kheo đã can gián đúng phép mà bản thân Tỷ-kheo ấy không chịu sự can gián ấy, bằng cách nói rằng: chư đại đức, đừng hướng về tôi mà nói tôi tốt hay tôi xấu, tôi cũng không hướng về chư đại đức mà nói các ngài tốt hay các ngài xấu. Chư đại đức hãy thôi đi, đừng luôn luôn can gián tôi. Các vị Tỷ-kheo can gián Tỷ-kheo ấy, rằng đại đức, đừng nên chính mình không chịu ai can gián. Đại đức nên chính mình chịu can gián. Đại đức hãy can gián chư Tỷ-kheo một cách đúng phép, chư Tỷ-kheo cũng can gián đại đức một cách đúng phép. Làm như vậy thì đệ tử của Phật được tăng ích nhờ can gián cho nhau, chỉ dạy cho nhau, sám hối với nhau. Tỷ-kheo ấy khi được can gián như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các vị Tỷ-kheo nên can gián đến lần thứ 3, vì để Tỷ-kheo ấy bỏ sự kiên trì ấy đi. Can gián đến lần thứ 3 mà bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Bạch chư đại đức, tôi đã nói 13 giới tăng-già bà-thi-sa mà 9 giới trước thì mới phạm là thành tội, 4 giới sau thì sau lần can gián thứ 3 mới thành tội. Nếu Tỷ-kheo phạm mỗi một giới, biết mình phạm mà cố che giấu, thì chư tăng phải buộc Tỷ-kheo ấy thi hành phép sống riêng. Thi hành phép sống riêng rồi phải thi hành thêm phép hoan hỷ trong 6 đêm ngày. Thi hành phép hoan hỷ rồi chư tăng giải tội cho. Phải giữa 20 vị Tỷ-kheo mà giải tội cho Tỷ-kheo ấy; nếu thiếu 1 vị, không đủ 20 vị Tỷ-kheo, thì có giải tội đi nữa, tội của Tỷ-kheo ấy cũng không giải được, mà chư tăng cũng đáng khiển trách. Đó là trường hợp này. Nay xin hỏi chư đại đức, trong 13 giới tăng-già bà-thi-sa ấy có thanh tịnh cả không? (Hỏi 3 lần). Bạch chư đại đức, trong 13 giới ấy các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng im lặng. Việc này tôi nắm chắc như vậy. …………………….
LỜI KẾT THÚC
Bạch chư đại đức, tôi đã nói lời nói đầu của Giới kinh, đã nói 4 giới ba-la-di, đã nói 13 giới tăng-già bà-thi-sa, đã nói 2 giới bất định, đã nói 30 giới ni-tát-kỳ ba-dật-đề, đã nói 90 giới ba-dật-đề, đã nói 4 giới ba-la-đề-xá-ni, đã nói 100 giới chúng học, đã nói 7 pháp diệt tránh. Tất cả giới điều như vậy là Giới kinh Phật dạy, cứ mỗi nửa tháng thì tụng một lần, và được rút ra từ trong Giới kinh. Còn những Phật pháp khác nữa thì, với những Phật pháp ấy, hãy chung cùng hòa hợp mà học.
PHẦN CUỐI TỲ KHEO GIỚI KINH
Đức tính nhẫn nhục là đạo bậc nhất, Phật nói vô vi là pháp tối thượng; là người xuất gia mà bức não người, thì không được gọi là bậc sa môn.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Tỳ-bà-thi, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Ví dụ như người có đôi mắt sáng, mới có khả năng tránh đường hiểm nghèo; thế giới mà có những người thông minh, thì có khả năng xa rời điều ác.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Thi-khí, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Không hề phỉ báng cũng không ganh ghét, và hãy kính cẩn tuân hành giới pháp, bằng cách ăn uống cũng biết vừa đủ, thường thường thích thú ở chỗ thanh vắng, tâm trí định tĩnh ưa thích tinh tiến, đó là những điều chư Phật huấn dụ.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Tỳ-diệp-la, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Ví như loài ong hút lấy mật hoa, thì không thương tổn sắc hương của hoa, mà chỉ hút lấy cái vị mật ngọt, Tỷ-kheo cũng vậy, đi vào làng xóm, thì không can dự công việc người khác, không nhìn đáng làm hay không đáng làm, mà chỉ tự nhìn bản thân mà đi coi có ngay thẳng hay không ngay thẳng.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Câu-lưu-tôn, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Tâm trí không nên có sự phóng dật, pháp của bậc thánh phải siêng học tập, được như thế ấy không còn lo buồn, tâm trí ổn định nhập vào niết bàn.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Câu-na-hàm mâu-ni, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Tất cả điều ác đừng có làm đến, tất cả điều thiện kính cẩn mà làm, tự mình làm sạch tâm trí của mình, những điều như vậy là chư Phật dạy.
Bài tụng này là Giới kinh được thuyết ra bởi đức Ca-diếp, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri.
Khéo léo mà giữ miệng lưỡi lời tiếng, tự mình làm sạch tâm trí của mình, và thân thể nữa cũng đừng làm ác, đó là đường sạch của cả ba nghiệp; khả năng đạt được đường sạch như vậy, chính là đường đi của bậc đại tiên.
Bài tụng này là Giới kinh của đức Thích-ca mâu-ni, đấng như lai, đấng vô trước, đấng chánh biến tri, thuyết ra cho chư tăng không có mọi sự tội lỗi trong 12 năm. Từ đó về sau chỉ là phân tích phong phú Giới kinh này.