Đối Thoại Cùng Đại Sư Tinh Vân là cuốn sách miêu tả mọi sự trong cuộc sống dường như luôn xoay vần trong một chữ “Duyên” ngay cả trong việc tu hành. Và Đại sư Tinh Vân là một người như vậy, tuy đã tu hành hơn 60 năm với đạo pháp cao thâm, siêu phàm thoát tục và có một tấm lòng rộng lớn cùng trí tuệ siêu việt. Thế nhưng, cuộc đời tu hành để có thể thấm nhuần Phật Pháp của Đại sư Tinh Vân cũng không thể thoát khỏi những phút yếu lòng mà buông bỏ, tuy chỉ là một khoảnh khắc, nhưng đó vẫn là những trải nghiệm mà có thể suốt cuộc đời vị Đại sư không thể nào xóa nhòa được.
Những màn đối thoại của Đại sư Tinh Vân và vị Giáo sư – Sử gia Diêm Sùng Niên sẽ đưa người đọc đến với những điều răn dạy, những bài học trong cuộc đời tu hành của vị Đại sư với đạo pháp cao thâm cùng trí tuệ siêu việt này. Và trên hết đó là những lời khuyên chân thành, quý giá dành cho những con người đã và đang sống trong tư tưởng mình đang sống trong cuộc đời nhiều buồn đau, khổ ải sẽ vượt lên được chính mình để có một tâm hồn thanh thản và thoát tục. 
Trích “Khởi Đầu Gian Nan – Chương I”:
“Thời đại khổ nạn làm thay đổi nhiều số phận con người nhưng sự khổ nạn cũng giúp rèn luyện cho ta sức sống dẻo dai” – Đại sư Tinh Vân.
“Đời người chuyển vần giữa nỗi âu lo và niềm an lạc, gặp khi âu lo phải kiên cường, được khi an lạc nên khiêm nhường, cung kính” – Giáo sư Sùng Niên.
Đại sư Tinh Vân:
Ngày 22 tháng 7 âm lịch năm Dân Quốc 16 (ngày 19.8.1927), tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Giang Đô, tỉnh Dương Châu. Nhà tôi có tất cả 4 anh chị em, tôi thứ ba, trên có một anh và một chị, dưới có một em trai. Do gia cảnh nghèo nàn, cuộc sống khó khăn, chúng tôi không được dạy dỗ nhiều. Nhưng năm tôi 6-7 tuổi, bà ngoại đã đưa tôi đến học ở một lớp học tư. Có điều, học ở lớp học tư này mỗi ngày phải nộp 4 đồng. Vì vậy, khi có tiền tôi cầm 4 đồng đến lớp học, hôm nào không có tiền thì ở nhà, thầy giáo cũng thông cảm cho. Tuy vì gia cảnh cha mẹ không thể cho tôi được học hành tử tế, nhưng tôi cảm ơn ông bà đã cho tôi một đức tính tốt, đó chính là từ nhỏ tôi đã rất chăm chỉ.
Giáo sư Sùng Niên:
Ngày 21 tháng 3 âm lịch năm Dân Quốc 23 (ngày 24.4.1934), tôi chào đời trong một ngôi làng nhỏ vừa làm nông vừa chài lưới ở miền núi huyện Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông. Ông cố, ông nội và cha tôi, 3 thế hệ đều đi làm thuê ở Bắc Kinh, sau này họ mở được một tiệm buôn nhỏ. Nhà tôi có tất cả 7 anh chị em, một chị gái và một anh trai mất sớm, còn lại năm người và tôi là nhỏ nhất. Anh em chúng tôi lúc bé thì ở nhà, lớn một chút phải theo cha ra Bắc Kinh làm việc. Gia đình tôi không hề giàu có nhưng cũng có cơm ăn áo mặc. Tôi học tại trường tiểu học công được xây dựng vào thời Dân Quốc ở làng, có cái tên nghe khá tân tiến “Trường tiểu học Duy Tân”. Tuổi thơ của tôi cũng khá hạnh phúc vì được học hành tử tế. Nhưng trong cái phúc cũng ẩn chứa cái họa. Về cái họa, sau này tôi sẽ nói với Đại sư. 
Đại sư Tinh Vân:
Nhớ lại thời niên thiếu, khi mới 6-7 tuổi, tôi đã biết đỡ đần công việc nhà. Tôi biết nấu nướng, có điều chẳng rõ là có ngon không. Khi đó, người lớn phải đi làm, còn tôi lại chẳng được đi học nên chỉ còn biết ở nhà sắp xếp, dọn dẹp mọi thứ thật sạch sẽ, ngăn nắp. Đặc biệt là ở bếp, vì ngày 3 bữa nấu cơm đều đun bằng rơm rạ nên ở đây luôn phủ đầy tro, tôi phải thường xuyên quét dọn. Mặc dù cố gắng nhưng lắm khi vì kém khéo léo tôi lại làm cho tro bếp bay khắp nhà. Những lúc đó, tôi rất kiên nhẫn từ từ gom chúng lại rồi dọn sạch đi để khi mọi người trở về thấy vui lòng vì nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Tôi cho rằng con người sống phải làm việc, phải phục vụ. Nếu không làm việc chúng ta đến thế gian này để làm gì? Chúng ta sống thì phải lao động, lao động chính là sinh mệnh của chúng ta. Tôi tôn trọng sinh mệnh và rất vui vẻ trong công việc.
Giáo sư Sùng Niên:
Tôi may mắn lúc nhỏ không phải làm việc nhà vì có bà nội, có mẹ và có cô (cô tôi vì góa bụa nên sống ở nhà mẹ đẻ). Ngoài ra, tôi còn có 2 chị dâu. Trong nhà có tới 5 người phụ nữ nên những việc giặt giũ nấu nướng, quét dọn … đều không cần đến tôi. Điều này xem ra là “phúc” nhưng cũng ẩn chứa mối “họa” trong đó. Sau này, khi lập gia đình, tôi cũng không có thói quen làm việc nhà, đến nay tính xấu đó vẫn không thay đổi. Tôi thấy có lỗi với vợ mình về điều này.
Đại sư Tinh Vân:
Ngày nay mọi người rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Nhớ lại lúc còn nhỏ thật ra tôi đã có khái niệm “bảo vệ môi trường” rồi. Khi đó, tôi thấy trên đường khắp nơi toàn là phân chó nên buổi sáng dậy sớm, đi nhặt phân chó dồn lại một chỗ để làm phân bón hay bán lấy tiền. Có lúc tôi cũng bán được vài xu hay cả một đồng. Vì cuộc sống khó khăn, đôi khi thấy mẹ không có tiền mua thức ăn, tôi liền đem số tiền nhỏ nhoi đó đưa cho bà, lòng vui vẻ nghĩ: “mẹ, mẹ xem nè, con rất có ích đó, con đã kiếm được tiền cho mẹ dùng rồi!”. 
Giáo sư Sùng Niên:
Nghe ngài nói về cuộc sống thời thơ ấu tôi rất cảm động. Khi tôi còn nhỏ, vào những kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, mỗi buổi sáng sớm đều bị người lớn đánh thức: “Dậy dậy, đi nhặt phân đi!”. Trẻ con tham ngủ, luôn thấy mình ngủ chưa đủ, nhưng cũng phải ngồi dậy. Đặc biệt là vào mùa đông, đất trời lạnh lẽo, gió bắc thổi mạnh, quần áo thì mỏng manh, tay tê cóng cả. Lúc đó, tôi nhặt phân mà chẳng có chút ý niệm gì về “bảo vệ môi trường” cả, chẳng qua là kiếm chút phân cho mảnh đất trồng trọt của gia đình mà thôi. Nhặt phân về, người lớn liền kiểm tra, xem được nhiều hay ít rồi đem số phân đó đổ vào chuồng lợn để làm phân, sau đó tôi mới được ăn sáng.
Đại sư Tinh Vân:
Ở nông thôn, ngoài phân chó ra, vào buổi sáng và buổi chiều người làng thường thả bò ăn cỏ dọc đường nên tôi cũng đi nhặt phân bò. Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã biết nhặt phân bò xong dồn đống lại. đổ một ít nước lên quết nhuyễn chúng rồi trét lên tường, khi khô gỡ xuống làm củi đốt. Phân bò không bẩn, không hôi, tôi cũng có thể bán chúng để kiếm ít tiền. Trước đây tôi không dám kể những chuyện này cho người khác nghe, cảm thấy rất ngượng, giờ ý thức bảo vệ môi trường được đề xướng, tôi cảm thấy những việc mình làm khi còn nhỏ không những giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, thiết thực bảo vệ môi trường, đồng thời còn giúp mình củng cố niềm tin rằng: “Bất luận bạn là ai, chỉ cần chịu làm việc công ích thì cuộc sống của bạn thật có ý nghĩa”. 
Giáo sư Sùng Niên:
Ngoài rơm rạ ra, chỗ chúng tôi còn đun nấu bằng cỏ. Trẻ con phải ra đồng lấy cỏ, tức là phải cuốc hoặc cào cỏ. Chúng tôi hãy còn nhỏ và việc lấy cỏ vào lúc cuối thu đầu đâu rất vất vả, vừa mệt vừa đói vừa khát. Buổi sáng chúng tôi còn ra biển nhặt rong biển – không phải là loại rong biển để ăn, mà là loại rong biển dùng để đốt vào mùa đông. Loại rong biển này cũng có thể dùng lợp mái nhà. Vài năm trước, ở Bắc Kinh tôi có thấy một ngôi nhà mái lợp bằng rong biển Sơn Đông, nghe nói là rất cao cấp. Thật ra, ở quê nhà chúng tôi, việc lợp nhà bằng rong biển rất phổ biến, vì phần lớn người thôn quê không mua nổi ngói để lợp, nên tự nhặt rong biển, kết lại rồi dùng lợp nhà. Đi nhặt rong biển vào mùa đông giữa lúc trời lạnh rét, gió biển thổi lộng là những kỷ niệm sâu sắc và khó quên.
Đại sư Tinh Vân:
Nói về những nỗi khổ ở thế gian, tôi thấy rất mừng là khi 12 tuổi tôi đã xuất gia ở núi Thê Hà, Nam Kinh. Đây là nơi có rất nhiều chùa chiền, thầy tôi là thượng nhân Chí Khai tu hành trên núi này. Tại đây, ông đã làm lễ xuất gia cho tôi. Tuy nhiên, việc đó chỉ là tạm thời, thực tế nơi chính thức mà tôi xuất gia là chùa Đại Giác ở núi Bạch Tháp, Nghi Hưng. Hơn 60 năm trước, tôi đến chùa Đại Giác ở Nghi Hưng và làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở đây trong thời gian ngắn. Không lâu sau đó, vào năm Dân Quốc thứ 38 (1948), cách năm phát sinh “Sự kiện ngày 28 tháng 2” (1947) chỉ có 2 năm, tôi đến Đài Loan.
Chẳng giấu gì giáo sư, lúc bấy giờ ngoài chiếc túi cầm trong tay ra thì tôi chẳng có vật gì đáng giá. Lúc đó, tôi chân mang giày, tay cầm túi xách đi trên đường, mọi người đều nhin vào tôi. Tôi cảm thấy rất kì lạ, “sao họ lại cứ nhìn mình như vậy”? Sự kiện ngày 28 tháng 2 không phải đã qua rồi sao? Lẽ nào họ vẫn còn giữ thái độ thù địch ư? Sau này, tôi mới phát hiện, họ chẳng có ý gì xấu cả, chỉ là trông tôi có vẻ lạ lùng, chân mang giày, tay cầm túi xách. Chà! Hóa ra là vậy. Và tôi đã cởi bỏ giày, không cầm theo tui nữa, chỉ đi hai tay không. Khi đó tôi giống y như những người dân Đài Loan bình thường nên mọi người cũng không hiếu kỳ nữa. Nhưng như vậy chưa ổn, vì tôi không có đội nón đấu, cho nên lại phải đi mua một cái nón đấu để đội lên. Nói điều này để thấy rằng, lúc ấy, tôi quyết tâm phải hòa nhập vào xã hội Đài Loan…
……………… 
Đôi Nét Về Đại Sư Tinh Vân
Đại sư Tinh Vân sinh ngày 22-7 năm Đinh Mão (1927) tại Giang Tô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh chị em, năm lên 5 tuổi ngài bắt đầu ăn chay, đến năm 12 tuổi, ngài đến xin xuất gia với Hòa thượng Chí Khai Thượng Nhân chùa Đại Giác ở Nghi Hưng. Vốn tư chất thông minh lại thâm tín Phật pháp chẳng bao lâu sau ngài tốt nghiệp Học viện Phật giáo Tiêu Sơn. Đến năm 1967, Phật Quang Sơn ra đời dưới sự lãnh đạo của ngài. Từ đó đến nay Phật Quang Sơn đã ngày một phát triển về mọi mặt như văn hóa, giáo dục, từ thiện … Có thể nói, đó chính là một minh chứng hùng hồn nhất của diện mạo Phật giáo trong thời đại hiện nay.
Với hoài bão lớn lao, Đại sư đã ngày đêm không mệt mỏi đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp, văn hóa và giáo dục Phật giáo, ngài thành lập Trung tâm phục vụ Văn Hóa Phật giáo, xây dựng học viện Phật giáo, sáng lập các nhà trưng bày mỹ thuật, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách, các trường học, Học viện Tùng Lâm Phật giáo, v.v… Bên cạnh đó, ngài đã chỉ đạo biên soạn Phật Quang Đại tạng kinh, Phật Quang đại từ điển và cho xuất bản Trung Quốc Phật giáo bạch thoại kinh điển bảo tạng, v.v… với tinh thần không ngại gian khó, ngài đã thuyết giảng khắp nơi từ Đài Loan, đến các nước Đông Nam Á, qua Châu Âu, Châu Mỹ, từ chùa đến trường học, từ tổ chức chính phủ đến tổ chức tư nhân, từ nhà tù đến trung tâm quân sự … Ngài đã và đang gắn kết hàng triệu trái tim của mọi giai tầng trong xã hội lại với nhau thông qua lời dạy của đức Phật và khẳng định được mình trong việc mang đến lợi ích cho Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Đài Loan nói riêng. Điển hình là Đại sư đã khai sáng bốn trường Đại học lớn như: Đại học Tây Lai ở Los Angeles (Mỹ) Phật Quang ở Đài Loan Trung Quốc, Nam Hoa và Nam Thiên ở Sydney (Úc). 
Với sự khéo léo và tinh tế của mình, ngài đã dung hòa văn hóa xưa và nay, Đông và Tây, đặt ra hệ thống điều lệ, tạo nên một luồng gió mới mang phong cách Phật giáo nhân gian. Nét đẹp từ hạnh nguyện của ngài vẫn mãi dịu dàng và lung linh tỏa sáng, ngài đi đến các nơi trên khắp thế giới: Bắc Mỹ, Ấn Độ, Úc và các nước phương Tây truyền thụ Tam đàn đại giới quốc tế với mục đích ươm mầm đạo pháp. Danh dự và đạo đức của ngài được khẳng định trên toàn thế giới, ngài nhận được những học vị tiến sĩ danh dự từ các trường đại học như: Đại học Đông Phương, Đại học Whittier (Mỹ), Đại học Chulalongkom và Magude (Thái Lan), Đại học Phụ Nhân (Đài Loan – Trung Quốc), v.v… Ngoài ra, ngài còn nhận được các giải thưởng như: “Giải thưởng an định thân tâm” của Hãng truyền hình vệ tinh Phoenix (Phượng Hoàng) Hồng Kông, “giải thưởng thành tựu trọn đời” của Hiệp hội nhà văn người Hoa trên thế giới, “giải thưởng thành tựu xuất sắc” của Tổng thống George W.Bush, v.v…
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp, uy tín và sự lãnh đạo tài hoa của Đại sư đã vang xa khắp năm châu. Và, những tác phẩm của ngài như: Thích Ca Mâu Ni Phật truyện, Tinh Vân đại sư giảng diễn tập, Phật giáo tùng thư, Phật Quang giáo khoa thư, Giữa Mê và Ngộ, v.v… được phổ biến rộng rãi. Quả thật, ngài đã rất vĩ đại khi mang tinh hoa Phật giáo đến với cuộc đời bằng chính công trình xây dựng và hoằng dương chánh pháp, khẳng định vị thế vô cùng quan trọng của Phật giáo trên toàn thế giới, ngài đã ban tặng cho thế hệ hôm nay và mai sau trí tuệ, tình yêu thương, sự hy sinh, lòng nhiệt huyết, hoài bão làm đẹp cuộc đời, đem lại nguồn an lạc thiết thực cho mọi người trong cuộc sống rối ren đầy hệ lụy này!
MỤC LỤC:
TỰA: DUYÊN KHỞI
CHƯƠNG I: ĐOẠN ĐƯỜNG GIAN NAN - Khởi Đầu Gian Nan
- Niềm Vui Hỷ Xả
- Giữ Lòng Biết Ơn
- Một Lời Xin Lỗi
- Gian Khổ Để Tái Sinh
- Cảm Động Sinh Mệnh
CHƯƠNG II: KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ
- Bậc Tài Nữ Hiếu Trang Hoàng Hậu
- Hoàng Đế Đa Tình Thuận Trị
- Hoàng Đế Khang Hi Danh Tiếng
- Thành Bại Của Thái Bình Thiên Quốc
- Hai Người Anh Hùng Của Khởi Nghĩa Nông Dân
- Hưng, Thịnh, Suy, Vong, Của Triều Thanh
- Bốn Dạng Thần Tử
- Khí Phách Và Tâm Tình Kẻ Sĩ
- Vui Buồn Chốn Hậu Cung
- Phân Kỳ Lịch Sử
CHƯƠNG III: SỰ LÝ
- Lấy Vô Làm Hữu
- Trung Đạo Và Trung Dung
- Sự Lý Viên Dung, Khế Lý Khế Cơ
- Pháp Không Thiện Ác, Thiện Ác Là Pháp
- Quyền Sống Bình Đẳng, Hòa Nhưng Không Đồng
- Bốn Sự Kết Hợp Của Cuộc Đời, Trời, Đất, Người Và Ta
- Vô Tình Cắm Liễu, Liễu Xanh Rờn
CHƯƠNG IV: BUÔNG BỎ
- Đời Người Ba Trăm Năm
- Tài Sản Quý Nhất
- Vị Đắng
- Bỏ Xuống Khi Cần
- Chăm Chú
- Sống Bằng Đạo, Kết Giao Bằng Pháp
- Thành Tựu Của Đại Chúng
- Bốn Dạng Bằng Hữu
- Lưu Truyền Công Nghiệp
CHƯƠNG V: NGỘ ĐẠO
- Tâm Linh Tỏ Ngộ
- Nghi Và Ngộ
- Làm Được, Nhẫn Được
- Thiện Báo Và Ác Báo
- “Tam Độc” Tham, Sân, Si
- Năm Tầng Nhân Quả
- Niết Bàn Và Chí Thiện
- Nhân Gian Hóa Phật Giáo
- Hòa Thượng, Hòa Là Cao Thượng
- Ngũ Thừa Phật Giáo
CHƯƠNG VI: NGHỆ VĂN
- Đọc Sách Ngộ Nhân Sinh
- Kết Duyên Cùng Văn Tự
- Sự Thú Vị Của Thư Pháp
- Thiền Sư Và Thơ Thiền
- Nghệ Thuật Truyền Bá Phật Pháp
- Nghệ Thuật Và Nhân Sinh
CHƯƠNG VII: ĐỌC SÁCH
- Bốn Điều Cốt Yếu Khi Đọc Sách
- Không Đọc Sách, Trông Đáng Ghét
- Mở Sách Được Lợi
- Sách Gối Đầu Giường
- Kinh Nghiệm Và Cảnh Giới Đọc Sách
- Một Xã Hội Giàu Học Vấn
CHƯƠNG VIII: THÂN TÂM
- Dân Xem Cái Ăn Là Trời
- Ý Nghĩa Của Việc Ăn Chay
- Bệnh Tật Là Bằng Hữu
- Bí Quyết Khỏe Mạnh
- Tâm Bệnh Cần Tâm Dược
- Dưỡng Thân, Dưỡng Tâm Và Dưỡng Tính
- Khỏe Mạnh Và Trường Thọ
CHƯƠNG IX: HÒA HỢP
- Muôn Dân Đồng Lòng
- Tiếng Chuông Hòa Hợp
- Các Duyên Hòa Hợp