Mục đích của Phật giáo là làm lợi ích cho nhân sinh, tưới tẩm suối nguồn tâm thức cho mọi người có chí hướng vọng, không phân biệt sang hèn cao thấp. Nhưng để đưa được nguồn mạch tư tưởng này đến với tất cả mọi người thì ắt phải có sự dấn thân không nề hà mệt mỏi. Có thể nói Đại sư Tinh Vân là một trong những nhà Phật học lỗi lạc trên thế giới nói chung và Đài Loan nói riêng. Đại sư đã đưa Phật pháp đến với khắp năm châu, bằng phương thức bình dị, hài hòa để ai nấy đều có thể tìm lại con người “nguyên chất” của mình. Đại sư đã xây dựng nên hệ thống Phật giáo nhân gian được đông đảo quần chúng nhiều nước trên thế giới hưởng ứng mà đặc biệt là Phật giáo Đài Loan. Để mọi người có thể hiểu rõ về tư tưởng này, chúng tôi xin giới thiệu bộ Nhân gian Phật giáo thư hệ gồm 8 quyển: Phật giáo và nhân sinh, Phật pháp và Nghĩa lý, Phật giáo và Xã hội, Thiền học và Tịnh Độ, Sinh tử và Giải thoát, Tôn giáo và Thể nghiệm, Học Phật và Cầu Pháp, Nhân gian và Thực tiễn. 
Đây là bộ tập đại thành những nội dung diễn thuyết của Đại sư hơn ba mươi năm trước, nguyên ủy tác phẩm này là Tinh Vân Đại Sư Diễn Giảng Tập, tổng cộng gồm 4 tập, từng được xem là tài liệu phải đọc để hiểu về Phật giáo và nghiên cứu Phật học, ngoài ra cũng có không ít người xuất gia hay đệ tử tại gia dùng tập diễn giảng làm tài liệu để giảng kinh thuyết pháp. Đại sư cảm thấy rằng bộ diễn giảng này ra đời cách đây đã khá lâu, tuy chân lý Phật pháp không hề thay đổi, cái Chân Thiện Mỹ vẫn bất biến theo dòng đời nhưng do hoàn cảnh biến thiên, con người và sự vật cũng đã đổi thay, nên Đại sư đã chỉnh sửa thêm bớt cho phù hợp với tình hình hiện tại, đồng thời dựa theo tính chất nội dung mà phân thành 8 quyển và đặt lại nhan đề là Nhân Gian Phật Giáo Thư Hệ.
Tám quyển sách này là nội dung cơ bản của Phật giáo nhân gian, trình bày rất dễ hiểu bằng ngôn ngữ hiện đại, đan xen với tình huống thực tế cuộc sống. Về mặt nội dung thì bộ sách không liên đới với nhau, độc giả có thể đọc bất kỳ quyển nào mình thích. Hy vọng mỗi quyển sách sẽ là một “lối về” giúp độc giả hiểu rõ hơn về bản chất cuộc sống, nhìn thấu cảnh giả huyễn để vượt qua lắm nỗi nhập nhằng, rối ren do thời đại khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc và sự xuống cấp trầm trọng của nền đạo đức hiện nay mang đến. Qua đó chúng ta có thể giảm thiểu về “lượng” và gia tăng về “chất” nhằm thăng hoa tinh thần đến cung bậc cao hơn, sống một cuộc đời tiêu dao tự tại! 
Trích “Quan Niệm Về Của Cải Trong Phật Giáo – Phật Giáo Và Xã Hội”
Của cải là cái mà conn người theo đuổi, là nguyện vọng chung đối với người đời. Của cải có thể phân thành nhiều loại, có của cải vật chất, cũng có của cải tinh thần; có của cải thế gian, cũng có của cải xuất thế gian; có của cải tư hữu, cũng có của cải công hữu; có của cải ở kiếp này, cũng có của cải ở tương lai; có của cải dơ bẩn, cũng có của cải trong sạch; có của cải bên ngoài, cũng có của cải xuất phát từ nội tâm; có của cải nhất thời, cũng có của cải vĩnh cửu; có của cải theo nghĩa hẹp, cũng có của cải theo nghĩa rộng; có của cải có giá trị, cũng có của cải không có giá trị.
Của cải như trước vậy: “Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền”, gặp thiện duyên sẽ thành tựu tất cả, nhưng nếu gặp bất thiện duyên sẽ phân tán tất cả, giống như lửa và nước, tương trợ tương khắc. Trong kinh Phật có nói, của cải ở thế gian là sở hữu của năm nhà, đó là những nhà nào? Một là thiên tai hỏa hoạn, bệnh tật tai họa, khiến cho tán gia bại sản; hai là thổ phỉ trộm đạo, cướp sạch tài sản của chúng ta; ba là tham quan ô lại dựa vào vô số thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người dân; bốn là con cháu bất hiếu, tiêu xài lãng phí phá nát tài sản gia đình; năm là chế độ thuế khóa khắc nghiệt của nhà nước, khiến cho dân khốn khổ không muốn sống. Cho dù tiền kiếm được có nhiều mấy đi nữa, cũng không cách nào tiên liệu được sự vô thường này khi nào sẽ xảy đến. Sự phân biệt giàu nghèo ở thế gian, không phải nhìn vào tiền bạc ở bên ngoài nhiều hay ít, mà phải xem sự bao dung trong lòng nhiều hay ít, tình thương nhiều hay ít, và sự thỏa mãn nhiều hay ít để định đoạt. - QUAN NIỆM VỀ CỦA CẢI TRONG NHÀ PHẬT
Cách nhìn của Phật giáo đối với của cải là “Không thiện không ác”, vàng bạc là rắn độc, nhưng vàng bạc cũng là cơ sở vật chất để hoằng pháp và tu đạo. Mở rộng tầm nhìn ra xã hội ngày nay, có rất nhiều người là “người nghèo giàu có”, nhưng cũng có không ít kẻ là “người giàu bần cùng”. Thế thì vốn đã giàu có, tại sao lại nói anh ta bần cùng?
- Người Nghèo Giàu Có Nhất
Rất nhiều người giàu có, có tiền nhưng không biết sử dụng nó thế nào; có người, có tiền lại dùng vào những chỗ không đáng dùng, thậm chí có tiền mà không dám tiêu xài. Như vậy, tuy có tiền nhưng cũng chẳng khác người nghèo khổ đấy sao?
Trong kinh Phật có chép rằng, có vị trưởng giả tên là Thiện Sinh, một ngày nọ, anh ta có được một chiếc hộp màu vàng óng, được làm từ gỗ đàn hương cực kỳ quý hiếm, trưởng giả liền tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi phải đem món đồ quý giá này trao tặng cho người nghèo nhất thế gian này”. Có rất nhiều người nghèo khổ đến xin chiếc hộp của ông ta, nhưng người này đến, trưởng giả Thiện Sinh nói: “Ông không phải là người nghèo nhất thế gian này”. Người kia đến, Thiện Sinh cũng nói: “Ông không phải là người nghèo nhất thế gian này”. Mọi người cảm thấy rất kì lạ, liền hỏi: “Chẳng phải ông không muốn trao tặng cho người nghèo khổ nhất thế gian này sao”? Trưởng giả Thiện Sinh nói: “Chiếc hộp này của tôi sẽ trao tặng cho người nghèo nhất thế gian này. Vậy ai là người nghèo nhất thế gian này? Nói cho các vị biết, không phải là người nào khác mà đó chính là quốc vương Ba Tư Nặc của chúng ta, ông ta là người nghèo khổ nhất thế gian”. Tin tức này dần dần lan truyền đến nơi ở của quốc vương Ba Tư Nặc, quốc vương Ba Tư Nặc cảm thấy không vui, nói: “Ta là vua của một nước, làm sao có thể nói ta là người nghèo khổ nhất thế gian? Đi tìm trưởng giả Thiện Sinh đến gặp ta”. Quốc vương Ba Tư Nặc dẫn trưởng giả Thiện Sinh đến nơi chứa kho báu của ông ta, hỏi rằng:
- Người biết nơi đây là đâu không?
Trưởng giả Thiện Sinh nói:
- Đây là kim khố, kho tàng chứa vàng.
- Thế kia là nơi nào?
- Kia là ngân khố, kho tàng chứa bạc.
- Còn kia là nơi nào?
- Đó là bảo khố, nơi chứa trân châu.
Lúc này quốc vương Ba Tư Nặc lớn tiếng hỏi rằng: “Người đã biết ta có ngân khố, kim khố … biết bao nhiêu là của cải, thế tại sao cả gan ở bên ngoài tung tin đồn nói ta là người nghèo khổ nhất thế gian”? Thiện Sinh trong lòng nghĩ, vua Ba Tư Nặc tuy có tiền nhưng không thể chăm sóc được cho mọi người trong xã hội, không biết làm những việc phúc lợi cho người, tuy có tiền mà không biết sử dụng, đấy chính là người nghèo nhất thế giới. - Người Giàu Có Khốn Cùng Nhất
Triết học gia Socrates (470?-399 B.C) trước lúc chết, đệ tử hỏi ông ta rằng: “Thầy ơi, người có di ngôn nào muốn dạy bảo không?”. Socrates đột nhiên nghĩ ra: “A! Ta nợ người ta một con gà, còn chưa trả”. Một triết học gia trước lúc chết, năng lực hoàn trả một con gà cũng không có, ông ta phải chăng thật sự rất nghèo? Trí tuệ của Socrates, mấy ngàn năm nay vẫn còn ảnh hưởng đến con người trên thế giới. Vì thế, đối với người như ông ta mà nói, ông ta là người giàu có nhất trong nhèo khổ.
Đại sư Hoằng Nhất (1880 – 1942) trong Phật giáo, có một chiếc khăn lông dùng hơn mười năm, dùng đến nỗi nó rách nát không thể tưởng tượng được. Bạn của Sư là Hạ Miễn Tôn nhìn thấy, cảm thấy xót xa mà nói rằng: “Tôi mua một chiếc khăn lông khác tặng anh nhé”.
Đại sư Hoằng Nhất trả lời: “Không cần, chiếc này vẫn dùng tốt mà”. Kì thật, sư không phải nghèo, của cải của sư là sự giàu có về mặt tinh thần, là không ai có thể so sánh được. Lại như đệ tử của đức Phật là ngài Đại Ca Diếp, từ bỏ tịnh xá trang nghiêm tráng lệ để vào ở trong một huyệt động giữa chốn rừng thiêng nước độc, khổ cực tu hành, có thể nói, ngài giàu có về tinh thần, đã không cần đến sự hưởng thụ về vật chất nữa.
- Nhân Đời Trước Và Duyên Hiện Tại
Của cải là do cái nhân đời trước mà có, cũng có thể do hiện duyên mà có. Cái gọi là nhân duyên đời trước, chính là do kiếp quá khứ mang đến nhân duyên phước báo. Ví dụ như, hiện tại có thể làm ông chủ lớn, chỉ có học vấn, nhưng nếu như nhân duyên không đủ thì cũng không được. Ngoài cái nhân đời trước, đặc biệt là cái nhân duyên hiện tại cũng rất quan trọng, rộng kết thiện duyên, đem lại cho người một nụ cười thân thiết, nói vài câu khen ngợi người khác, một cái gật đầu, một cử chỉ bắt tay, tùy hỷ công đức đều sẽ có những thiện duyên phước đức không ngờ. Vì thế, đời người phải coi trọng tương lai vô hạn, không ngừng vun trồng bồi dưỡng nhân duyên cho tương lai, như vậy mới có được của cải. - Chung Và Riêng
Trên phương diện tính năng sử dụng, của cải có những điểm chung, nhưng nếu nhìn ở góc độ sở hữu thì có sự phân biệt. Ví dụ tòa nhà này là bạn xây, nó thuộc về sở hữu của bạn, không phải là của tôi, nhưng khi có trời mưa giông, tôi vì tránh gió, trú mưa nên đứng dưới mái nhà bạn. Những cây cỏ này tuy bạn trồng, nó là của bạn, không phải của tôi, nhưng tôi có thể ngửi mùi thơm và ngắm chúng, trong lòng nghĩ: “Thật tươi tốt xinh đẹp”! Tivi là của bạn không phải của tôi, tôi có thể ở bên cạnh xem nhờ một tí. Cho nên rất nhiều của cải ở thế gian này tuy đều là của người khác, nhưng chúng ta cũng có thể cùng hưởng dùng nó.
Bác nông dân làm ruộng, thu hoạch của bác đương nhiên là để cung ứng cho mọi người sử dụng, nhưng chú chim sẻ nhỏ bé kia có thể ăn một tí, cũng không đáng là bao. Cho nên thế gian này, tất cả đều là riêng biệt, nhưng khi cùng sử dụng chúng thì nó là “chung”. Đối với thế gian này, chúng ta không nhất định đều phải chiếm lấy tất cả cho bằng được, chỉ cần chúng ta có thể cùng nhau sử dụng, cũng đã hạnh phúc lắm rồi.
- Dùng Tiền Và Giữ Tiền
Thuở xưa có người tích trữ rất nhiều vàng miếng, toàn bộ đều giấu ở nền đất trong nhà, cứ cất giấu và tàng trữ như thế hơn ba mươi năm, một chút cũng không dùng đến. Có một ngày nọ, số vàng miếng này bị người ta trộm mất, lúc đó ông ta đau khổ đòi sống đòi chết. Người bên cạnh hỏi ông ta: “Số vàng của ông để đó đã mấy mươi năm rồi, ông đã từng dùng qua chưa?” Ông ta trả lời: “Chưa”. Người đó lại nói: “ông vốn đã chưa dùng qua, thế thì không cần gấp, tôi đi lấy mấy viên gạch, dùng giấy bao lại, giấu cùng một nơi ông cất vàng, ông có thể thường xuyên nhìn thấy, rồi xem nó như vàng đang được giấu ở đó, đấy không phải như nhau sao? Cần gì phải đau lòng thế”! Cho nên, thế gian này mọi thứ tiền tài đều không phải là của chúng ta, là của năm nhà cùng sở hữu, vàng bạc nếu dùng thì nó mới là của mình, tích góp rồi trở thành nô lệ cho tiền tài, cuối cùng không phải là người thật sự biết sử dụng tiền tài của mình… 
Đôi Nét Về Đại Sư Tinh Vân
Đại sư Tinh Vân sinh ngày 22-7 năm Đinh Mão (1927) tại Giang Tô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh chị em, năm lên 5 tuổi ngài bắt đầu ăn chay, đến năm 12 tuổi, ngài đến xin xuất gia với Hòa thượng Chí Khai Thượng Nhân chùa Đại Giác ở Nghi Hưng. Vốn tư chất thông minh lại thâm tín Phật pháp chẳng bao lâu sau ngài tốt nghiệp Học viện Phật giáo Tiêu Sơn. Đến năm 1967, Phật Quang Sơn ra đời dưới sự lãnh đạo của ngài. Từ đó đến nay Phật Quang Sơn đã ngày một phát triển về mọi mặt như văn hóa, giáo dục, từ thiện … Có thể nói, đó chính là một minh chứng hùng hồn nhất của diện mạo Phật giáo trong thời đại hiện nay. 
Với hoài bão lớn lao, Đại sư đã ngày đêm không mệt mỏi đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp, văn hóa và giáo dục Phật giáo, ngài thành lập Trung tâm phục vụ Văn Hóa Phật giáo, xây dựng học viện Phật giáo, sáng lập các nhà trưng bày mỹ thuật, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách, các trường học, Học viện Tùng Lâm Phật giáo, v.v… Bên cạnh đó, ngài đã chỉ đạo biên soạn Phật Quang Đại tạng kinh, Phật Quang đại từ điển và cho xuất bản Trung Quốc Phật giáo bạch thoại kinh điển bảo tạng, v.v… với tinh thần không ngại gian khó, ngài đã thuyết giảng khắp nơi từ Đài Loan, đến các nước Đông Nam Á, qua Châu Âu, Châu Mỹ, từ chùa đến trường học, từ tổ chức chính phủ đến tổ chức tư nhân, từ nhà tù đến trung tâm quân sự … Ngài đã và đang gắn kết hàng triệu trái tim của mọi giai tầng trong xã hội lại với nhau thông qua lời dạy của đức Phật và khẳng định được mình trong việc mang đến lợi ích cho Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Đài Loan nói riêng. Điển hình là Đại sư đã khai sáng bốn trường Đại học lớn như: Đại học Tây Lai ở Los Angeles (Mỹ) Phật Quang ở Đài Loan Trung Quốc, Nam Hoa và Nam Thiên ở Sydney (Úc).
Với sự khéo léo và tinh tế của mình, ngài đã dung hòa văn hóa xưa và nay, Đông và Tây, đặt ra hệ thống điều lệ, tạo nên một luồng gió mới mang phong cách Phật giáo nhân gian. Nét đẹp từ hạnh nguyện của ngài vẫn mãi dịu dàng và lung linh tỏa sáng, ngài đi đến các nơi trên khắp thế giới: Bắc Mỹ, Ấn Độ, Úc và các nước phương Tây truyền thụ Tam đàn đại giới quốc tế với mục đích ươm mầm đạo pháp. Danh dự và đạo đức của ngài được khẳng định trên toàn thế giới, ngài nhận được những học vị tiến sĩ danh dự từ các trường đại học như: Đại học Đông Phương, Đại học Whittier (Mỹ), Đại học Chulalongkom và Magude (Thái Lan), Đại học Phụ Nhân (Đài Loan – Trung Quốc), v.v… Ngoài ra, ngài còn nhận được các giải thưởng như: “Giải thưởng an định thân tâm” của Hãng truyền hình vệ tinh Phoenix (Phượng Hoàng) Hồng Kông, “giải thưởng thành tựu trọn đời” của Hiệp hội nhà văn người Hoa trên thế giới, “giải thưởng thành tựu xuất sắc” của Tổng thống George W.Bush, v.v…
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp, uy tín và sự lãnh đạo tài hoa của Đại sư đã vang xa khắp năm châu. Và, những tác phẩm của ngài như: Thích Ca Mâu Ni Phật truyện, Tinh Vân đại sư giảng diễn tập, Phật giáo tùng thư, Phật Quang giáo khoa thư, Giữa Mê và Ngộ, v.v… được phổ biến rộng rãi. Quả thật, ngài đã rất vĩ đại khi mang tinh hoa Phật giáo đến với cuộc đời bằng chính công trình xây dựng và hoằng dương chánh pháp, khẳng định vị thế vô cùng quan trọng của Phật giáo trên toàn thế giới, ngài đã ban tặng cho thế hệ hôm nay và mai sau trí tuệ, tình yêu thương, sự hy sinh, lòng nhiệt huyết, hoài bão làm đẹp cuộc đời, đem lại nguồn an lạc thiết thực cho mọi người trong cuộc sống rối ren đầy hệ lụy này!
Mục Lục:
Quan Niệm Về Của Cái Trong Phật Giáo
Quan Niệm Về Phước Và Thọ Của Phật Giáo
Quan Niệm Đạo Đức Trong Phật Giáo
Quan Niệm Chính Trị Trong Phật Giáo
Quan Niệm Về Trung Hiếu Của Phật Giáo
Quan Niệm Về Nữ Giới Của Phật Giáo
Quan Niệm Về Thời Gian Và Không Gian Của Phật Giáo
Liệu Pháp Của Phật Giáo Đối Với Bệnh Trạng Xã Hội
Liệu Pháp Của Phật Giáo Đối Với Bệnh Trạng Tâm Lý
Liệu Pháp Của Phật Giáo Đối Với Bệnh Trạng Phong Tục
Từ Thiên Đường Đến Địa Ngục
Từ Nhân Đạo Đến Phật Đạo
Đôi Nét Về Đại Sư Tinh Vân 