094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT Chủ Biên: Thích Đồng Bổn
NXB: Hồng Đức 
Số Trang: 521 Trang
Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập 
Khổ: 16x24cm
Năm XB: 2020
Độ Dày: 2,2cm
CSCT VĂN HỌC - TRIẾT HỌC 150.000 đ Số lượng: 1000000 Quyển
  • CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

  •  2618 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: CSCT
  • Giá bán: 150.000 đ

  • Chủ Biên: Thích Đồng Bổn
    NXB: Hồng Đức 
    Số Trang: 521 Trang
    Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập 
    Khổ: 16x24cm
    Năm XB: 2020
    Độ Dày: 2,2cm


Số lượng
CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN (1905 - 1973)
Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ông được theo học tại trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, rồi Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Hành nhiệm ở đâu cũng tỏ ra liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, hà hiếp dân chúng, nên được quý mến.

Năm 1945, sau đảo chính Nhật, ông đang làm Quận trưởng Cầu Ngang, được mời về giữ chức Phó Tỉnh trưởng Trà Vinh. Tháng 6 năm ấy, chính quyền Trần Trọng Kim cử ông làm Quận trưởng Thốt Nốt (Long Xuyên). Sau Cách Mạng Tháng Tám, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành, Long Xuyên, rồi Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long Xuyên. Sau khi quân đội Pháp chiếm Long Xuyên, ông cùng Ủy ban dời về núi Sập rồi giải tán, nhường quyền chỉ huy kháng chiến cho quân sự. Ông lánh về vùng thôn quê ẩn náu. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh mời ông làm Quận trưởng, rồi Phó tỉnh trưởng Sa Đéc. Trước cảnh quân đội Pháp bố ráp tàn sát dân chúng, ông can thiệp không được, nên xin từ chức. Chính phủ không cho, ông bèn cáo bệnh xin đi điều dưỡng.


 
screenshot 1631932986



Giữa năm 1947, ông xin đổi về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ sau đây:  Chánh văn phòng Phủ Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), Chánh văn phòng Bộ Kinh Tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại Giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Nguyễn Phan Long, Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam và Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955 ông đổi qua ngạch Thanh tra Hành chánh và Tài chánh, đến năm 1960 thì về hưu.

Sau ngày 01-11-1963, ông tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ cách mạng. Năm 1967 ông ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968 ông giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến năm quy tịch. Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã làm được những việc có ích cho đương thời và hậu thế: xây dựng Thư viện Quốc gia (ngay trên khuôn đất mà thực dân Pháp đã dùng xây khám lớn Saigon gieo biết bao tội ác) nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

Sự nghiệp lịch sử của ông đối với Phật giáo từ khi ông bắt đầu trở thành cư sĩ Phật tử. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa Thượng Thích Hành Trụ thế danh Lê Phước Bình, là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự qui ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của Ngài. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp.


 
cư sĩ chánh trí mai thọ truyền với hội phật học nam việt



Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, ông là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đã đóng góp công sức rất lớn. Là một Phật tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Saigon, ông vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, một ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất, tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Năm 1958 hội chuyển về chùa Xá Lợi. Ông làm Tổng thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư.

Bên cạnh đó, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951- 1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí đã được chư Tăng bên Giáo Hội Tăng Già Nam Việt sốt sắng góp phần về phương diện biên tập. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang. Với lối hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài ông viết đã được độc giả hoan nghênh, đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Ông cùng Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam.

Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật Học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá Lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá Lợi đã được đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam. Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963 được coi là pháp nạn, ông giữ nhiệm vụ Tổng thư ký Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa, bắt bớ cầm tù Tăng Ni Phật tử, ông cũng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo.

Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức, chỉ một tháng sau ông từ nhiệm, quay về hoạt động cho Hội Phật Học Nam Việt trong cương vị Hội trưởng. Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng thư ký niên khóa 1967- 1968. Ngoài những Phật sự nói trên, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Với học lực uyên thâm và sự thông hiểu sâu sắc giáo lý ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học như sau:

- Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ -Hà Nội ấn hành năm 1950).
- Ý nghĩa Niết Bàn (1962).
- Một đời sống vị tha (1962).
- Tâm kinh Việt giải (1962).
- Le Bouddhisme au Viet Nam (1962)
- Pháp Hoa huyền nghĩa (1964)
- Địa Tạng mật nghĩa (1965)  
(Do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành).

Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm. Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật Học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi. Ông đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.


 
cư sĩ chánh trí mai thọ truyền với hội phật học nam việt 1



BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC CƯ SỸ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN VỚI HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT
Trong sự phát triển của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, không thể không nhắc đến vai trò của hàng cư sỹ Phật giáo, những người đóng vai trò hộ pháp đắc lực cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Nếu như ở miền Bắc có Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, miền Trung có Tâm Minh Lê Đình Thám thì miền Nam có Chánh Trí Mai Thọ Truyền, đây chính là 3 cư sỹ Phật giáo tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, là điểm sáng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Điểm chung của 3 vị cư sỹ Phật giáo nêu trên là những người tài năng, học rộng, tài cao, đạo đức khiêm nhường, uyên thâm Phật pháp, hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc trên nhiều phương diện khác nhau như giáo dục, đào tạo tăng tài, phổ biến tri thức Phật học, biên soạn, phiên dịch kinh sách Phật giáo, xuất bản tạp chí, v.v.. Những đóng góp của các vị cư sỹ nêu trên không những góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam đương thời, mà còn để lại những di sản quý báu và những bài học kinh nghiệm cho Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Để tiếp tục làm rõ những đóng góp to lớn của Cư sỹ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày mất của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, trên tinh thần tri ân và tiếp bước các vị tiền bối hữu công của Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Việt”. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà tu hành Phật giáo, các nhân sỹ trí thức cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra những tư liệu mới, nghiên cứu mới, góp phần bổ sung những nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền và hội Phật học Nam Việt đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam cũng như cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước.

Với tinh thần khoa học, khách quan, Hội thảo khoa học “Cư sĩ Chánh TríMai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Việt” sẽ tập trung thảo luận, làm rõ những chủ đề cơ bản như sau: Một là, cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với sự nghiệp hoằng dương phật pháp nói chung, với Hội Phật học Nam Việt nói riêng. Hai là, sự hình thành, phát triển, những hoạt động, những đóng góp của Hội Phật học Nam Việt trong diễn trình vận động của Phật giáo Việt Nam Ba là, sự hình thành, phát triển những đóng góp của Tạp chí Từ Quang đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Cho đến nay, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà tu hành Phật giáo. Nội dung các bài tham luận khá phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như về cuộc đời, tư tưởng, con đường đến với Phật pháp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền; về Hội Phật học Nam Việt, v.v.. có thể khái quát nội dung các báo cáo tham luận như sau:

Thứ nhất, các tham luận, ở các mức độ đậm nhạt khác nhau đều đã đề cập đến cuộc đời và tư tưởng Phật học của Cư sỹ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một người được đào tạo bài bản cả Nho học và Tây học, hiểu biết rộng, từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng của chế độ đương thời, nhưng luôn giàu lòng trắc ẩn,  một lòng vì đạo pháp, một cư sỹ, phật tử thuần thành, uyên thâm phật pháp. Ông được đánh giá là điểm sáng chói trong phong trào chấn hưng phật giáo ở miền Nam, vị đại cư sỹ đầu thế kỷ XX, là cư sỹ hiếm hoi được tôn xưng với 4 từ “cuộc đời tận hiến”, hình tượng của trí thức miền Nam, v.v... Một số báo cáo đánh giá ông là người có tầm nhìn xa, có chí khí lớn lao, có tinh thần, phong cách và tư duy khoa học. Về tư tưởng Phật học, Chánh trí Mai Thọ Truyền đã đề cập đến nhiều quan điểm và tư tưởng khác nhau như tư tưởng tịnh độ tông, về các giai đoạn học phật, đường lối học phật. Chánh Trí Mai Thọ Truyền cho rằng, cần nhận rõ bản chất chân tướng của sự vật rồi mới tu hành; cần siêng năng huân tập những thói quen tốt lành, và dần loại bỏ những thói quen không có lợi, ông đưa ra quan điểm “sáng suốt nhân quả, tường tận muôn duyên, tỉnh thức chánh niệm”, v.v..

Thứ hai, các tham luận đã đề cập đến vai trò, đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền trên các lĩnh vực như: việc thành lập Hội Phật học Nam Việt, việc xây dựng chùa Xá Lợi, việc thành lập tạp chí Từ Quang – một tạp chí Phật học được đánh giá rất cao, góp phần to lớn trong sự nghiệp hoằng dương phật pháp. Mai Thọ Truyền cũng đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngoài ra, Chánh Trí Mai Thọ Truyền còn đóng vai trò là một giảng sư trong các lớp Phật học, một người biên soạn, phiên dịch kinh sách Phật giáo, ông đã để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị cho hậu thế. Các bài tham luận cho thấy, Mai Thọ Truyền rất chú trọng đến hàng cư sỹ Phật tử, ông đã nhìn thấy vai trò của hàng cư sỹ trong việc hộ pháp, ông đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo các cư sỹ để phụng sự đạo pháp.

Thứ ba, các báo cáo đã đề cập đến Hội Phật học Nam Việt: sự ra đời, tổ chức, tôn chỉ, mục đích, phương châm của Hội. Các bài viết cũng trình bày cơ cấu tổ chức, các hoạt động của Hội, các kỳ đại hội … cũng như mạng lưới các chi hội ở khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Không chỉ đóng vai trò phổ biến Phật học, hoằng dương Phật pháp, Hội Phật học Nam Việt còn đóng vai trò quan trọng trong phng trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thống nhất Phật giáo. Bên cạnh những hoạt động giáo dục, đào tạo tăng tài, Hội Phật học Nam Việt còn có nhiều hoạt động từ thiện xã hội như mở phòng phát thuốc miễn phí, v.v.. Một trong những nội dung mà Hội Phật học Nam Việt rất qua tâm đó là tổ chức thành lập Gia đình Phật tử nhằm giáo dục đạo đức, tri thức cho thế hệ kế tiếp.


 
cư sĩ chánh trí mai thọ truyền với hội phật học nam việt 2



Thứ tư, các tham luận đã đề cập đến sự hình thành tạp chí Từ Quang, đây là một tạp chí Phật học có thời gian phát hành lâu nhất, có lượng độc giả lớn, có ảnh hưởng xã hội sâu sắc. Sự hình thành, phát triển và những đóng góp của tạp chí Từ Quang gắn liền với Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Ông không chỉ là người sáng lập, chủ bút, chủ nhiệm mà còn là một cây bút chủ chốt của tạp chí. Ông có thể viết đủ mọi thể loại, trừ thơ. Trong 24 năm kể từ khi tạp chí Từ Quang ra đời cho đến khi Chánh Trí Mai Thọ Truyền qua đời, ông đã viết được một khối lượng đồ sộ các bài viết, sau này được tập hợp để biên soạn thành các công trình của ông. Không chỉ có những công trình luận giải về Phật học sâu sắc, Mai Thọ Truyền cũng để lại phong cách viết văn, viết báo súc tích, cô đọng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng cần học tập phong cách làm báo của Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Thứ năm, một số báo cáo đã nói đến những bài học từ cuộc đời, đóng góp của Chánh Trí Mai Thọ Truyền đối với đạo pháp, dân tộc trong giai đoạn phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Một trong những bài học đó là cần phát huy hơn nữa vai trò của cư sỹ Phật giáo đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Cần cơ cấu vào các Ban của Giáo hội các cư sỹ có tài có đức, có tinh thần phụng sự đạo pháp. Cần phát huy mô hình Phật học hội ở các cấp độ và quy mô khác nhau. Một số báo cáo còn kiến nghị cần phải tôn vinh cư sỹ Chánh trí Mai Thọ Truyền hơn nữa so với hiện nay. Có ý kiến kiến nghị một cách cụ thể như Thư viện chùa Xá Lợi nên đặt tên là thư viện Chánh trí Mai Thọ Truyền.

Có thể nói, các tham luận gửi tới Hội thảo đã đề cập đến rất nhiều nội dung và chủ đề khác nhau, qua đó mang lại cho chúng ta sự hiểu biết khá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chánh Trí Mai Truyền; về sự hình thành, phát triển, những hoạt động, vai trò của Hội Phật học Nam Việt; về sự hình thành, phát triển và đóng góp của tạp chí Từ Quang. Qua đó, người đọc hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn chấn hưng và hậu chấn hưng Phật giáo, cũng như diễn trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, giai đoạn mà cho đến nay vẫn còn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập. Đồng thời, các bài viết cũng góp phần chỉ ra những bài học của Chánh Trí Mai Thọ Truyền và Hội Phật học Nam Việt đối với Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Mặc dù các báo cáo tham luận gửi đến Hội thảo đã khá bao quát, nhưng chắc chắn cũng chưa thể làm sáng tỏ mọi vấn đề, giải đáp hết mọi thắc mắc hay câu hỏi đặt ra, chính vì vậy, trong hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức rất mong các nhà nghiên cứu, các nhà tu hành Phật giáo, các quý vị đại biểu cùng toàn thể Hội thảo, trên tinh thần khoa học, khách quan tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề mà các báo cáo tham luận chưa có điều kiện đi sâu như tư tưởng Phật học của Chánh Trí Mai Thọ Truyền, những bài học từ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Phật học của Chánh Trí đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay…. Chúng tôi mong rằng, kết quả hội thảo không chỉ làm rõ thêm những vấn đề lý luận, mà còn gợi mở những vấn đề để chúng ta cùng tiếp tục suy nghĩ, thảo luận trong thời gian tới. Cuối cùng, kính chúc chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng, Ni; kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!



Trích “Mai Thọ Truyền, Vị Cư Sĩ Lớn Của Thời Đại”:
Là một Phật tử thuần thành, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã dày công đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo một cách tích cực. Đây là giai đoạn chuyển mình của Phật giáo nước ta, theo khuynh hướng lúc bấy giờ mọi người đều thấy rằng “... Đạo Phật cải cách để chấn hưng, để phù hợp với dân tộc và thời đại thì sự chấn hưng Phật giáo là một hiện tượng phù hợp với xu thế đất nước...”. Do đó, tuy phong trào có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng Cư sĩ Chánh Trí vẫn hết lòng dấn thân. Sau khi Hội Phật học Nam Việt được thành lập (25-2-1951), ông đã vận động để xây dựng ngôi chùa để làm trụ sở với nét tiêu biểu cho sự hài hòa giữa văn hóa Đông-Tây. Sau khi xây dựng xong, Hội Phật học Nam Việt làm lễ Lạc Thành rất long trọng và được Hòa thượng Khánh Anh đặt tên chùa là Phật học Xá Lợi.

Nơi đây, Hội đã mở các lớp Phật học, các thời thuyết pháp do các giảng sư trong và ngoài nước thuyết giảng. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Từ Quang, ông đã phổ biến Phật học khắp nơi ở các tỉnh thành miền Nam. Tạp chí hoạt động suốt 24 năm được chư Tăng bên Giáo hội Tăng già Nam Việt góp phần về phương diện biên tập đã đem lại nhiều hiểu biết về Phật pháp tạo cơ duyên cho nhiều người đến với Đạo Phật. Trong phong trào chấn hưng các hội Phật giáo được thành lập với những mục tiêu như: chỉnh đốn Thiền môn, vãn hồi qui giới, đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và hữu học. Sau đó là phổ thông giáo lý bằng Việt ngữ thay cho chữ Hán.

Ngoài việc đóng góp cho phong trào, Cư sĩ không những giữ những chức vụ quan trọng trong nước và cả ở nước ngoài. Khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, cụ Chánh Trí làm Tổng thơ ký. Phật tử toàn quốc rất hoan hỷ đón chào Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhạc sĩ Lê Cao Phan đã sáng tác bài “Phật giáo Việt Nam” năm 1951 và vẫn nghe vanh vọng đến ngày nay:

“Phật giáo Việt Nam thống nhứt Bắc-Nam-Trung từ nay Một lòng chúng ta tiến lên vì Đạo Thiêng
Nào cùng vui trong Ánh Đạo Vàng rạng ngời bốn phương. Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam”

Trong kỳ Đại hội Phật giáo Thế giới, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần VI tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia) và lần VII tại Bénarès (Ấn Độ). Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự các hội nghị văn hóa Phật giáo tại New Delhi (Ấn Độ) và tại Tokyo (Nhật Bản).


 
cư sĩ chánh trí mai thọ truyền với hội phật học nam việt 3



THỜI KỲ PHÁP NẠN 1963
Chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Sài Gòn là một trong những nguyên nhân gây ra sự bùng nổ của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn này, ông đã kêu gọi chính quyền thực thi bình đẳng tôn giáo. Trụ sở Ủy ban Liên phái Phật giáo đặt tại chùa Xá Lợi và nơi đây đã trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Thời kỳ đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đã thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. P. Nietzch, người Đức đánh giá rằng: “Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù hằn học oán ghét” , cho nên Lê Khôi Việt trong Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo có nhận xét: “...Phật giáo không những đã ở trong dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc”. Đây là giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong việc chống kỳ thị tôn giáo và đòi quyền bình đẳng tôn giáo.

Vào giai đoạn đầu, với cương vị là Tổng thư ký Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, ông đòi chính quyền thực thi bình đẳng tôn giáo. Khi chính quyền phong tỏa chùa, ông cũng chịu chung số phận với Tăng, Ni, Phật tử bị bắt cầm tù. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Bản Hiến hương có 11 chương, 32 điều đã được 11 vị Trưởng Phái đoàn các Giáo phái, Hội đoàn duyệt và ký tên. Trong số đó có Trưởng Phái đoàn Hội Phật học Nam Việt là Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền ký tên. Sau đó, bầu hai viện Tăng thống và Hóa đạo và cư sĩ Mai Thọ Truyền được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức nên ông đã từ nhiệm.

Trong mùa Pháp nạn, chùa Xá Lợi là nơi ghi nhận nhiều chứng tích lịch sử quan trọng. Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đặt tại đây và tổ chức các cuộc họp báo công bố 5 nguyện vọng của Phật giáo trước công luận quốc tế. Phong trào đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh khác nhau như: tuyên ngôn, kiến nghị, cầu siêu, tuyệt thực, biểu tình, họp báo, hội kiến, thương lượng, ký kết và cao hơn hết là tự thiêu. Ngày 11- 6 -1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm động trước sự hy sinh cao cả nầy nên có câu đối kính viếng:

 “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt,
 Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”

Dịch:

 “Vị pháp thiêu thân, muôn thuở hùng huy nhật nguyệt,
 Lưu danh bất tử, trăm năm chính khí sơn hà”

Khi Pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức được quàn tại chùa Xá Lợi và theo lời kể của Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, cư sĩ Mai Thọ Truyền đã nằm lăn dưới Pháp thể của Bồ tát. Điều nầy cho thấy cư sĩ Chánh Trí luôn hết lòng vì đạo pháp và dân tộc. Sau thời Pháp nạn, quy mô rộng lớn của phong trào được thể hiện ở sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và và nhân dân thế giới. Từ đó, Phật giáo Việt Nam đã được thế giới biết đến với nhiều thiện cảm không những trước đây, bây giờ và mãi về sau, như GS Trần Văn Giàu đã viết: “Phật giáo từ hàng nghìn năm nay đã chiếm được một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng của hàng triệu con người”.


TRỌN VẸN VAI TRÒ NGƯỜI CƯ SĨ
Ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu (17-4-1973), Cư sĩ ra đi và 15 năm trước cũng ngày này năm Mậu Tuất, Cư sĩ khánh thành chùa Xá Lợi. Cư sĩ mất đi để lại nhiều thương tiếc cho Phật tử cũng như tu sĩ. Mặc dầu Cư sĩ không còn tại thế, nhưng sự nghiệp của Người vẫn tồn tại mãi với Phật giáo Việt Nam. Cư sĩ đã để lại những điểm son cho hàng hậu học và thể hiện trọn vẹn vai trò của người Cư sĩ trong đạo cũng như ngoài đời. Người đã tạo cơ duyên cho mọi người biết đến Phật pháp qua việc trước tác, lập hội, xây chùa, thuyết giảng... Để tưởng nhớ công ơn Cư sĩ, chùa Xá Lợi đã dựng tượng Cư sĩ Mai Thọ Truyền. Trong dịp nầy, cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn bày tỏ:

“Sau 45 năm cư sĩ vắng bóng, việc làm nầy rất có ý nghĩa nhân văn “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ Phật tử cư sĩ hiện đại và mai sau, không chỉ ở chùa Xá Lợi nói riêng mà còn Phật tử khắp nơi trong nước và ngoài nước... Chúng con xin nguyện noi gương theo cư sĩ Chánh Trí, bài trừ mê tín dị đoan, cùng hỗ trợ đắc lực chư Tăng trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh”. Việc làm của Cư sĩ đã được những thi nhân đương thời như Nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết:

Đêm đẹp, trăng cười viên mãn
 Đất lành, hoa nở từ bi

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương với những dòng cảm niệm sau:

 Trong thập niên đầu thế kỷ
 Hoa mai đã nở một lần
 Để rụng màu thanh vẻ quý
 Giờ đây giữa buổi phong trần
 ...
 Chỉ xót cành Nam cành Bắc
 Cùng chung một nỗi u hoài
 Ai đó trước song mài mực
 Gió lay còn tưởng bóng ai

Tuy mất đi nhưng những công lao của Cư sĩ trong việc hoằng dương chánh pháp đem niềm tin Đạo Phật đến với mọi người: “Phật giáo đã có bề dày lịch sử gần hai chục thế kỷ. Trong quá trình đó, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, trong tư tưởng, đạo đức, tâm lý, lối sống của nhân dân” và “có thể nói hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân với dân tộc”.



KẾT LUẬN
Nói chung, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là người thông hiểu Phật pháp nên với thời gian 69 năm ở cõi đời cư sĩ luôn phụng sự đạo pháp và dân tộc. Về tư tưởng Phật học, Cư sĩ nêu cao tinh thần tự lực “...chúng ta biết rằng để thực hiên hai chữ TỪ BI các hàng Phật tử luôn luôn trông cậy ở sức mình, không có một sự ngoại hộ nào cả”. Cư sĩ cho rằng con người phải có nổ lực thì sự cứu độ mới trở thành hiện thực “Tuyết có sạch, trăng mới in, tâm ta có trong, tâm Phật mới rọi vào được”. Cư sĩ viết: “Tuy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh được trình bày như con đường “dễ đi” nhờ có sức cứu độ của Phật, thật ra không phải dễ hoàn toàn đâu mà muốn đi đến đích cũng không phải hoàn toàn ỷ lại vào tha lực mà được đâu. Dễ là đối với con đường của Thiền tông là con đường hành giả phải tự cường tự lực...”. Cư sĩ là nhà trí thức thời bấy giờ và chính đạo tâm đã nuôi dưỡng người song hành cùng dân tộc: “Nếu Phật giáo là nguồn nước để giải khát cho hàng trí thức, Phật giáo cũng là giọt sữa để nuôi dưỡng những đạo tâm nồng nhiệt...”. Cả cuộc đời Cụ Chánh Trí là một sự cống hiến to lớn cho đạo pháp và dân tộc, nên Cư sĩ Lý Học có câu đối sau:

 “Đủ tướng trượng phu, đủ tướng phúc đức, đủ tướng từ bi, tướng nào cũng viên mãn;
 Hiện thân cư sĩ, hiện thân tể quan, hiện thân trưởng giả,  thân nào cũng trang nghiêm”.

Qua câu đối đã nói lên toàn bộ cuộc đời của Chánh Trí Mai Thọ Truyền: hiện thân cư sĩ, tể quan, trưởng giả... để hộ pháp, giúp đời luôn được lưu truyền mãi về sau…



 



Mục Lục:
Lời Giới Thiệu
Tiểu Sử Cư Sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền
PGS. TS. Chu Văn Tuấn
  • Báo Cáo Đề Dẫn Hội Thảo Khoa Học “Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Với Hội Phật Học Việt Nam”
Trần Quê Hương
  • Chánh Trí Tịnh Nhàn
Tống Hồ Cầm
  • Đạo Hữu Chánh Trí Và Hội Phật Học Nam Việt
CHỦ ĐỀ 1: CƯ SĨ CHÁNH TRÍ CUỘC ĐỜI VÀ NHÂN CÁCH
Ths Trần Cao Lộc
  • Mai Thọ Truyền, Vị Cư Sĩ Lớn Của Thời Đại
Trương Ngọc Tường
  •  Con Đường Mai Thọ Truyền Đến Với Phật Giáo
Thích Minh Thành
  • Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Vị Đại Cư Sĩ Của Đầu Thế Kỷ XX
Cư Sĩ Nguyên Quân
  • Cụ Mai Thọ Truyền Như Tôi Đã Biết
TS. Hoàng Văn Lễ
  • Mai Thọ Truyền, Vị Cư Sĩ Phật Học Giàu Lòng Yêu Nước
TS. Thích Nguyên Hạnh
  • Người Cư Sĩ Một Đời Tận Tụy Phụng Sự Chánh Pháp
Dương Kinh Thành
  • Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền - Những Thuận Và Nghịch Chốn Trần Duyên
TS. Dương Hoàng Lộc
  • Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền: Những Phẩm Chất Nổi Bật
TK. Thích Hải Ấn
  • Cụ Chánh Trí Với Sự Nghiệp Giáo Dục Phật Giáo
Hòa Thượng TS. Thích Thiện Nhơn – HT. Thích Huệ Thông
  • Cư Sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền Trong Sự Nghiệp Đóng Góp Truyền Bá Phật Học Của Phật Giáo Việt Nam Giữa Thế Kỷ XX
TS. Phạm Thị Kiên
  • Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Với Sự Nghiệp Hoằng Dương Chánh Pháp
Nguyễn Thiện Đức
  • Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Một Biểu Tượng Rạng Ngời Về Người Cư Sĩ
Hòa Thượng TS. Thích Gia Quang
  • Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền Và Vai Trò Người Cư Sĩ Phật Tử Trong Sự Phát Triển Của Phật Giáo
Vu Gia
  • Mai Thọ Truyền Với Trách Nhiệm Của Người Phật Tử
Nguyễn Thanh Hải
  • Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Gương Sáng Của Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam
Thích Thiện Hưng
  • Tám Giai Đoạn Học Phật Của Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền
Thích An Nhiên
  • Chánh Trí Mai Thọ Truyền - Người “Tri Hành Hợp Nhất”
CHỦ ĐỀ 2: TÁC PHẨM VÀ HỘI PHẬT HỌC
Thích Nữ Huệ Phát
  • Bước Đầu Tìm Hiểu Hội Phật Học Nam Việt - Chi Hội Kiên Giang
Nnc Tuệ Khương
  • Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973) - Trọn Đời Cống Hiến Cho Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam Thế Kỷ Xx
Cư Sĩ Tuệ Thông
  • Đạo Hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền Với Hội Phật Học Nam Việt Và Quảng Bá Phật Học Việt Nam
TS. Dương Thanh Mừng
  • Góp Thêm Một Vài Tư Liệu Về Sự Ra Đời Của Các Tổ Chức Phật Giáo Ở Miền Nam, Giai Đoạn 1951-1954
TS. Lương Thị Thu Hường
  • Đường Lối Học Phật Trong Tác Phẩm “Trình Tự Của Cư Sĩ Học Phật”
Đào Nguyên
  • Người Mở Đường Cho Lãnh Vực Giảng Luận Kinh Trong Văn Học Phật Giáo Việt Nam Thế Kỷ 20
Nguyên Cẩn
  • Tạp Chí Từ Quang Và Phong Cách Viết Báo Của Cư Sĩ Chánh Trí
Nguyễn Đại Đồng
  • Điểm Qua Các Kỳ Đại Hội Thường Niên Của Hội Phật Học Nam Việt
NCS. Thích Thiện Tài
  • Vai Trò Lãnh Đạo Tinh Thần Và Hợp Tác Của Tăng Già Đối Với Hội Phật Học Nam Việt
TS. Ninh Thị Sinh
  • Đất Nước, Con Người, Văn Hóa, Phật Giáo Nhật Bản Qua Tác Phẩm “Hải Ngoại Ký Sự”
Thích Nữ Viên Giác
  • Ngọn Đuốc “Chánh Trí” Soi Đường Cho Hội Phật Học Nam Việt
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương
  • Cuốn “Phật Giáo Việt Nam”, Một Trước Tác “Cúng Dường Cao Cả” Của Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
TS. Lê Sơn Phương Ngọc
  • Mai Thọ Truyền - Nhà Trí Thức Tây Học Đã Đóng Góp Quan Trọng Cho Văn Hóa Dân Tộc Trong Một Thời Kỳ Phức Tạp
THS. Nguyễn Thành Trung
  • Hình Ảnh Trí Thức Phật Giáo Qua “Ký Sự Mười Lăm Ngày Trên Nước Nhật”
Tỳ Kheo Thích Đồng Bổn
  • Quan Điểm Của Cụ Chánh Trí Về Phật Học Hội Và Giáo Hội, Kinh Nghiệm Cho Ngày Nay
PGS-TS Trịnh Sâm - Thích Thông Pháp
  • Tịnh Độ Tông Qua Nghệ Thuật Diễn Giảng Của Cư Sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền
Đức Kiên (Phạm Quốc Trung)
  • Đọc “Pháp Hoa Huyền Nghĩa” Nhớ Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
NCS. Nguyễn Văn Quý
  • Quan Niệm Của Chánh Trí Mai Thọ Truyền Về Tịnh Độ Tông
Thích Thiện Huy
  • Tư Tưởng Tịnh Độ Của Chánh Trí Mai Thọ Truyền
PGS-TS Lê Cung - PGS-TS Lê Thành Nam
  • Hội Phật Học Nam Việt Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam Năm 1963



 
thông tin cuối bài viết 2
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây