- Đạo Là Gì?
Nghe đến Phật Thích Ca Mâu Ni, ai cũng biết ngài là người có đạo, nghe đến Jesus ta cũng biết đó là bậc có đạo, rồi Khổng Tử, Mạnh Tử, các bậc đại thánh hiền đều là những vị có đạo cả. Thường, khi thấy ai có chút bản lĩnh nào đó người ta hay nói: Chắc được vị cao nhân hữu đạo nào, chỉ điểm cho rồi. Cao nhân ai cũng có thể làm được. Cao nhân đâu phải người huyền bí xa xôi. Nhưng, muốn là cao nhân thì phải có đạo. Có đạo mới xứng được gọi là bậc cao nhân trí tuệ. Vậy, đạo là gì? Là 4 điểm sau đây:
Thứ Nhất: từ mẫn hiếu học là đạo
Đạo ở đâu? Ở tâm từ mẫn hiếu học. Có hiếu học mới có động lực để tiến bộ nhưng hiếu học chưa đủ còn cần có tâm từ mẫn (thương xót). Có từ mẫn mới có bi nguyện, giúp mình mau chóng thăng hoa, mở rộng chính mình. Khi bạn hiếu học và từ mẫn có thể nhất thời chưa thấy kết quả nhưng tích lũy về lâu dài, thể nào bạn cũng sẽ trở thành người có đạo. 
Thứ Hai: Tâm làm lành là đạo
Câu nói: Dục tu kỳ thân, tất tiên chính kỳ tâm (muốn sửa thân mình ắt trước phải làm ngay tâm mình). Ai giữ được tâm ngay thẳng, không khoe khoang việc tốt việc hay của mình, không làm hại người, không nói lời tổn thương ai, luôn tự xét mình, chính tâm thành ý làm lành thì đạo sẽ trưởng dưỡng ngay nơi tâm người ấy. Người như thế sẽ được mọi người kính trọng.
Thứ Ba: Giác mình, lợi người là đạo
Thiền sư Đại Từ Phổ Giác triều Tống nói: “Người học đạo nếu hàng ngày biết đem việc kiểm điểm người khác để kiểm điểm mình thì đạo nghiệp nào mà chẳng thành”. Hàng ngày, ta cần tự phản quan, phản tỉnh. Bạn hãy giác ngộ những điều: Mình muốn trở nên hạng người nào? Mình cần nhận trách nhiệm gì? Nói thế nào để lợi người? Làm gì để giúp người? Làm thế nào phục vụ người? Với xã hội và đất nước mình đã hết lòng hết sức chưa? Có tự giác lợi người như thế mới là dưỡng thành đạo vậy.
Thứ Tư: Thăng hoa, tịnh hóa là đạo
Ta nên sống thế nào? Về ăn uống. Muôn thửa ruộng cò bay thẳng cánh, nhưng một ngày mình ăn được bao nhiêu? Về ngủ nghỉ. Nhà lớn lầu cao nghìn gian tối ngủ chẳng qua tám xích. Việc đi đứng nằm ngồi trong cuộc sống thật hữu hạn. Vu khiêm đời Tống có câu:
“Phấn thân toái cốt độ vô oán
Lưu đắc thanh bạch tại nhân gian”
(Tan xương nát thịt không hờn oán
Giữ sao trong trắng để đời thôi.)
Lưu Vũ Tích triều Đường thì viết: “Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh”. (cái nhà xoàng này. Nhờ đức ta mà thơm). Đọc những câu ấy ai không ngưỡng mộ. Nếu bạn biết cách thăng hoa nhân cách đạo đức, mở rộng tâm lành từ bi thì đấy chính là đạo vậy. Sống ở đời, vàng bạc, của cải thế lực không đáng gọi là giàu sang, quyền lợi, tiếng tăm, địa vị cũng chẳng phải là giàu sang. Mà quan trọng là có đạo hay không. So với người giàu sang, có tiếng tăm địa vị thì người có đạo được người đời tôn kính hơn nhiều.
Chú Thích: Đạo là con đường để đi, có ý chí chân lý. Theo phạn ngữ, đạo chỉ Bồ đề hoặc Niết bàn. 
- Con Đường
Bạn đi đường đấy ư? Khi đứa bé ra đời, việc đầu tiên là giúp bé tập đi. Khi vào Phật học viện, bài học đầu cũng là cách xếp hàng đi đứng. Đủ thấy đối với người ta, đi là bài học rất quan trọng. Đường cũng có nhiều loại: Xe lửa chạy trên đường sắt, xe hơi phóng trên đường lộ, máy bay bay trên bầu không, tàu thuyền lướt trên biển cả. Vậy, người ta có bao nhiêu đường khang trang rộng lớn? Bao nhiêu lối nhỏ gập ghềnh? Có người cứ loay hoay mãi trong hang cùng ngõ hẻm mà không thoát ra được. Có người bước trên đại lộ thênh thang nhưng cũng mù mịt tiền đồ, không biết mục tiêu phía trước, không hiểu mình sẽ về đâu? Đi đường nào mới đúng? Đi đường nào là sai? Kể cũng khó quyết được. Nay xin hiến 4 con đường để bạn xem xét.
Thứ Nhất: Đường Tàu Thuyền Là Biển Cả
Tàu thuyền muốn đi, đi đường nào? Đại dương mênh mang là đường của tàu thuyền. Bao nhiêu thuyền tàu và lữ khách vượt khoảng trùng dương thăm thẳm, đến những vùng xa lạ. Bao thuyền buôn chở hàng hóa, lượt vượt biển khơi đến tận phương xa. Tàu thuyền ra biển khơi mang bao nỗi xót xa thương nhớ quê nhà của người du tử, mang bao nhiêu niềm hy vọng của khách thương nhân.
Thứ Hai: Đường Của Đèn Là Bóng Đêm
Thắp đèn lên là có đường. Đường của đèn ở đâu? Chính là bóng đêm. Bóng đêm mịt mùng làm người khiếp hãi lo lắng, bóng đêm tối tăm làm người lạc đường, mất hướng. Có ánh đèn, dù khuya khoắt cũng khiến người đi khuya, cảm thấy yên lòng. Có ánh đèn soi sáng trong tối tăm người lạc đường liền thấy mục tiêu. 
Thứ Ba: Đường Của Người Là Làm Lành
Người ta ai cũng đi đường. Đi đường chỗ nào vậy? Có hai con đường. Một là đường lành, một là đường dữ. Chắc hẳn ai cũng muốn đi đường lành. Làm lành người ta mới tốt đẹp, mới hạnh phúc. Vậy mà vẫn có người:
Thiên đường hữu lộ tha bất tẩu.
Địa ngục vô môn sấn tiến lai.
(Thiên đường có lối không thèm tới.
Địa ngục vô môn cứ sấn vào.)
Đó là y muốn đi con đường dữ. Đành phải đợi nếm đẫm vị quả báo, lúc ấy họa mới biết hồi đầu chuyển hướng.
Thứ Tư: Đường Đạo Là Bi Trí
Người ta vẫn thường nói “đạo lộ”. Đạo cũng là lộ, đường đạo là gì? Là từ bi và trí tuệ: Phật được xưng tụng là “lưỡng túc tôn” vì người biết vận dụng Bi Trí song hành; trọn đủ phước tuệ. Chúng ta tu đạo là lấy “hành Phật” làm đường, là đi trên con đường Phật đi. Vì thế giới tối tăm này chỉ có mặt trời Phật từ bi mới làm tăng thêm ánh sáng, tâm người mờ mịt chỉ có ngọn đèn pháp trí tuệ mới chiếu rọi sáng người. Ta học Phật là lấy Bi Trí làm đường đi. Bi Trí ví như đôi chân có thể đi khắp nơi không bị chướng ngại. Trí tuệ như cặp mắt nhận rõ chân ngụy, nhận ra thực tướng. Nếu ta dùng tâm từ bi đối xử với mọi người thì đôi bên đều vui vẻ hỉ hả. Dùng trí tuệ để xử sự thì việc nào cũng thuận lợi vẹn tròn. 
Chim lấy bay lượn làm đường, cá lấy bơi lội làm đường. Con đường của người quân nhân là phục tùng, con đường của triết gia là suy tưởng. Thương nhân cố sức phấn đấu thì con đường là giàu có, nông phu gắng sức cày bừa thì con đường là được mùa. Chúng ta đi trên đường đời, con đường nhân sinh. Ta nên đi đường nào? Nên đi trên đường tín ngưỡng, đường từ bi, đường thành tín, đường chân tâm. Bạn có muốn đi trên con đường cống hiến chúng sinh, đường phục vụ xã hội không? Với mình, với người, con đường tốt đẹp nào sẽ trải ra?
Mọi nẻo đường đều dẫn về La Mã
Dù lối nào cũng đến Trường An
Không nên đi đường ruột dê ngoắt ngoéo
Cùng đồ mạt lộ chớ ham đi.
Dù đi đường nào, xin bạn chớ đi con đường “không có lối về”…. MỤC LỤC:
Phần I: Cách Điều Hòa Sinh Mệnh - Đạo Là Gì?
- Con Đường
- Phương Hướng Học Đạo
- Đạo Điều Hòa Sinh Mệnh
- Người Tu Đạo Lấy Gì Làm Pháp Lạc (1)
- Người Tu Đạo Lấy Gì Làm Pháp Lạc (2)
- Bốn Tâm Cầu Đạo
- Đạo Tâm
- Tiêu Chuẩn Cầu Đạo
- Siêu Việt Thế Gian
- Tâm Người Tu Đạo
- Tu Hành Hằng Ngày
- Đạo Trường Ngày Nay
- Tu Hành
- Người Tu
- Yếu Điểm Tu Hành
- Tu Sáu Căn
- Tu Nhãn Căn
- Tu Tai
- Tu Mũi
- Tu Lưỡi
- Tu Thân Căn
- Tu Tâm
- Tu Hành Tại Nhà
- Tu Hành Ở Nhân Gian
- Cùng Tu Cùng Học
- Sáu Cách Tu Hành
- Tu Hành Vô
- Chân Thực Tu Hành
- Chiến Lược Tu Hành
- Triết Học Xử Thế
- Tu Chính Pháp Thế Nào?
- Tu Thân Thế Nào?
- Nguyên Tắc Tu Thân
- Yếu Lĩnh Làm Việc
- Bốn Câu Kệ Trong Đời Sống Tu Hành
- Khởi Đầu
Phần II: Con Đường Của Tu Hành
- Đạo Cư Xử Với Người
- Đạo An Cư
- Đạo Nhẫn Nại
- Đạo Xử Thế
- Đạo Tự Lập
- Đạo Căn Bản
- Đạo Dẫn Dắt Đám Đông
- Đạo Tu Hành
- Đạo Lãnh Đạo
- Đạo Xét Người
- Đạo Làm Nên
- Đạo Bốn Dùng
- Đạo Bốn Tốt
- Đạo Hàm Dưỡng
- Đạo Vun Trồng
- Đạo Dưỡng Khí
- Đạo Xử Thế
- Đạo Thu Hoạch
- Đạo Hòa Hài
- Đạo Đầy Đặn
- Đạo Thành Công
- Đạo Khiêm Tốn Nhún Mình
- Đạo Trung Dung
- Đạo Người Quân Tử
- Đạo Hòa Bình
- Đạo Bình Thường
- Đạo Gặt Hái
- Đạo Kiếm Tiền
- Đạo Cảm Hóa
- Đạo Canh Tân
- Đạo Sống Chung
- Đạo Bảo Dưỡng
- Đạo Tu Dưỡng
- Đạo Đối Trị
- Đạo Cố Gắng
- Đạo Làm Tướng
- Đạo Quyết Thắng
- Đạo Học Vấn
- Đạo Dùng Sách
- Đạo Trị Tâm
- Đạo Lãnh Đạo
- Đạo Trị Gia
- Đạo Học Tập
- Đạo Cư Xử Nơi Đám Đông
- Đạo Giác Ngộ
- Đạo Học Hành
- Đạo Dạy Con
- Đạo Vợ Chồng
- Đạo Hiếu Thảo Với Cha Mẹ
- Đạo Dùng Nước
- Tiến Thoái Phải Phép
Phần III: Con Đường Hạnh Phúc
- Đạo Hạnh Phúc
- Đạo Thành Công Sự Nghiệp
- Đạo Vui Sướng
- Đạo An Toàn
- Đạo Thông Minh
- Đạo Nói Năng
- Đạo Kết Bạn
- Đạo Bằng Hữu (1)
- Đạo Bằng Hữu (2)
- Đạo Tiếp Khách
- Đạo Khỏe Mạnh
- Học Đạo Thế Nào
- Đạo Giáo Hóa
- Đạo Nhẫn
- Đạo Khiêm Tốn
- Đạo Nói Chuyện
- Đạo Ứng Với Nguyên Nhân
- Đạo Cầu Cảm Ứng
- Đạo Tu Thân
- Nhân Lành Duyên Lành